Chương 9: Phép Ứng Xử 6: Thói Quen Đức Tin

Thói Quen: Chọn Tốt Bỏ Xấu

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 9: Phép Ứng Xử 6: Thói Quen Đức Tin

Tất cả những gì tôi thấy đã dạy tôi tin cậy Đấng Tạo Hóa về những gì tôi không thấy.

Ralph Waldo Emerson

Sống bởi niềm tin nơi Chúa sẽ xua tan áp lực khỏi chúng ta và cho phép chúng ta hưởng tất cả mọi thứ trong cuộc sống một cách sung mãn. Đức tin là ý muốn của Chúa, và tôi tin nó có thể trở thành thói quen của chúng ta. Kinh Thánh nói trong thư Hebrews (Hê-bơ-rơ) 11:6 rằng không có đức tin chúng ta không thể làm đẹp lòng Chúa. Romans 14:23 nói bất cứ việc gì chúng ta không làm bởi đức tin đều là tội. Romans 1:17 nói sự công chính được bày tỏ trong Lời Chúa, và nó dẫn chúng ta đi từ đức tin đến đức tin. Đối với tôi điều này có nghĩa là chúng ta nên luôn ở trong đức tin. Nó phải là thói quen của chúng ta! Đức tin là tin cậy những gì Chúa nói trong Lời Ngài, dù bạn chưa có bằng cớ thực tế nào cả. Đức tin là thứ kết nối chúng ta với Đấng Toàn Năng. Khi chúng ta không lệ thuộc vào sự thành tín của Chúa, chúng ta làm tắc ngẽn đức tin, dẫn tới hai hậu quả bi kịch: bất lực và vô vọng.

Đức tin là thực thể của những điều ta hy vọng, là bằng chứng của những việc ta chưa thấy.[21]

Vì chúng tôi nghe anh em hết lòng tin Chúa và yêu thương con cái Ngài. [22]

Hai câu Kinh Thánh này đưa ra cho chúng ta định nghĩa rõ ràng về đức tin là gì. Đức tin đổ đầy chúng ta bằng lòng mong đợi và hy vọng.

 

Đức tin thật không bao giờ thấy đứng một mình; nó luôn đi kèm với lòng mong đợi. Người mà tin lời hứa của Chúa mong đợi nhìn thấy lời hứa được ứng nghiệm. Nơi nào không có lòng mong đợi nơi đó không có đức tin.

 

A.W.Tozer

<\div>

Ý muốn của Chúa dành cho chúng ta là sống bởi đức tin luôn luôn. Có thể bạn suy nghĩ về tất cả tật xấu mà bạn cần bỏ và tất cả tính tốt mà bạn cần có, và bạn cảm thấy quá tải. Đầu óc bạn cứ nghĩ, “Điều này quá nhiều, mình không thể làm nổi việc này”. Đây là chỗ đức tin nhảy vào. Bạn sẽ nói, “Mình không biết làm thế nào đây, nhưng mình mong Chúa sẽ giúp mình. Với Chúa mọi sự đều có thể được”.

Hãy bắt đầu tin cậy và cứ tiếp tục như thế hết ngày này sang ngày nọ. Hãy được khích lệ vì những tiến triển bạn đạt được và đừng nản lòng vì bạn đã không đi được xa hơn. Chúa đẹp lòng là bạn đang bắt đầu hình thành những thói quen tốt hơn.

Bạn Có Tất Cả Đức Tin Bạn Cần

Thỉnh thoảng tôi nghe người ta nói, “Tôi không có đủ đức tin cho việc này”. Nhưng sự thật thì chúng ta thảy đều có đức tin chúng ta cần để làm bất cứ việc gì Chúa muốn chúng ta làm. “Chúa ban cho mỗi người một lượng đức tin” (Romans 12:3). Tất cả chúng ta đều có đức tin, nhưng chìa khóa để thành công là chúng ta đặt đức tin vào chỗ nào. Nếu bạn đặt đức tin vào bản thân hoặc vào người khác, bạn sẽ thất vọng, nhưng nếu bạn đặt đức tin vào Chúa, bạn sẽ ngạc nhiên về những gì Ngài làm qua bạn.

Khi tôi ngồi xuống với chiếc máy tính để bắt đầu viết một cuốn sách mới, dù tôi dự tính chủ đề trong đầu và đã nghiên cứu khá kỹ, tôi vẫn không biết chắc là tôi sẽ nói gì. Đôi khi bắt đầu lúc nào cũng khó. Tôi ngồi đó, nhìn bàn phím, rồi đặt ngón tay lên bàn phím thì lúc đó từ ngữ bắt đầu tuôn ra trong lòng tôi. Sau đó ngày qua ngày, hết chương này đến chương khác, bởi đức tin cuối cùng tôi viết xong một cuốn sách. Tôi thở phào nhẹ nhõm và mãn nguyện vì một dự án nữa đã xong.

Đức tin đòi hỏi chúng ta phải bước ra hành động. Chúng ta phải bắt đầu, và nếu những gì chúng ta đang làm là ý Chúa, Ngài sẽ liên tục giúp chúng ta nếu chúng ta cứ làm bởi đức tin hết ngày này đến ngày khác.

Bạn có đức tin, nhưng đức tin cần tăng trưởng, và điều này xảy ra khi bạn sử dụng nó. Đức tin nhỏ có thể trở thành đức tin lớn khi bạn bước ra trên lời hứa của Chúa. Peter là môn đồ duy nhất bước đi trên nước, nhưng lúc đó ông là người duy nhất tin cậy Chúa đủ để bước ra khỏi thuyền. Bạn có sẵn sàng không chỉ dừng lại ở chỗ có quan niệm về đức tin mà đi đến chỗ bước đi bởi đức tin không? Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều bắt đầu bằng một lượng đức tin, nhưng một số người không hề dùng đức tin của họ nên nó không bao giờ phát triển. Khi chúng ta bước những bước đức tin vâng lời Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự thành tín của Ngài và đức tin chúng ta trở nên mạnh mẽ.

Hãy xem câu chuyện về một người đi bộ trên dây.

Đức tin là gì? Có một người thách thức đám đông đi bộ trên dây vượt qua thác Niagara. Người đàn ông can đảm này hỏi đám đông đang tụ tập tại một nơi gần thác nước và nói, «Ai tin tôi có thể đi bộ trên dây vượt thác nước này?» Nhiều cánh tay trong đám đông đưa lên và thách thức anh ta: «Nếu anh thật sự tin – hãy nhảy xuống luôn!»

Anh ta trượt chân ngay dốc đá nhưng may là anh nắm được một cành cây gần đó. Cuộc đối thoại sau đây bắt đầu:

“Có ai ở đó không?”

“Ta đây. Ta là Chúa. Con có tin Ta không?”

“Dạ Chúa, con tin. Con thật sự tin, nhưng con không thể nắm chặt được nữa”.

“Thôi được. Nếu con thật sự tin thì con không có gì để lo, Ta sẽ cứu con. Hãy buông nhánh cây ra”.

Một hồi im lặng, sau đó có tiếng kêu: “Có ai ở đó không?”

Bạn có cam kết sống bởi đức tin không hay là bạn chỉ nói về đức tin? Đức tin ở trong chúng ta, nhưng nó phải được khai phóng và việc này được thực hiện qua sự cầu nguyện, nói ra và hành động. Cầu nguyện mang những lời cầu xin đầy đức tin của chúng ta đến trước ngai của Chúa và Ngài đáp lời. Hãy cầu nguyện cách can đảm, vì Ngài có thể làm hơn điều chúng ta tưởng (Ephesians 3:20; Hebrews 4:16).

Điều gì trong lòng sẽ phát ra nơi miệng. Hãy để ý những lời bạn nói, và điều này thường sẽ giúp bạn phát hiện ra bạn thật sự có đức tin bao nhiêu. Một người có đức tin vẫn phải nói cách tích cực về một tình huống nào đó ngay cả khi hoàn cảnh chưa thay đổi. Một người có thể nghe hàng trăm bài giảng về đức tin, nhưng tôi có thể cho biết họ thật sự có đức tin hay không bằng cách lắng nghe họ nói một chặp là biết ngay. Những lời nói hợp với Lời Chúa sẽ khai phóng đức tin và cho phép đức tin hành động trong lĩnh vực siêu nhiên.

Hành động khai phóng đức tin. Khi tôi ngồi với chiếc máy tính và đặt tay lên bàn phím là tôi đang hành động. Tôi khai phóng đức tin của tôi và Chúa hiện diện. Điều này sẽ không kết quả cho những ai không có ân tứ viết lách, nhưng dù tôi có ơn đó, tôi vẫn phải bắt đầu viết và bởi đức tin tiếp tục viết liên tục.

Khi Peter ra khỏi thuyền, hành động của ông chứng tỏ là ông có đức tin nơi Lời Chúa khi ông nghe Chúa nói, “Hãy đến”. Có phải Chúa bảo bạn làm điều gì đó mà bạn đang chờ để cảm thấy được an toàn không? Nếu vậy thì đó không phải đức tin gì cả. Để làm được những điều lớn lao, chúng ta phải thường xuyên được yêu cầu bỏ những gì chúng ta có và bước vào lĩnh vực xa lạ. Chúa bảo ông Abraham bỏ quê hương, nhà cửa và bà con của ông để đến xứ mà Chúa sẽ chỉ cho ông sau khi ông bắt đầu hành trình. Ông phải đi, không biết là ông sẽ đi đâu. Đó là đức tin!

Đức Tin Cho Cuộc Sống Mỗi Ngày

Loại đức tin mà chúng ta đang nói đến đòi hỏi những thử thách và nhiệm vụ mới lớn hơn những thử thách mà chúng ta đã đối diện trước đây. Nhưng cũng có loại đức tin mà chúng ta cần cho đời sống mỗi ngày – đức tin để thanh toán nợ nần, để có công việc làm tốt, để dạy dỗ con cái, để giúp cho hôn nhân hạnh phúc, để giao tiếp với người khác, và vân vân. Đức tin cho đời sống mỗi ngày rất quan trọng nếu chúng ta loại bỏ căng thẳng và hưởng thụ cuộc sống. Thói quen đức tin sẽ không chừa chỗ cho thói quen lo lắng. Nó cũng xua tan thói quen sợ hãi. Hãy phát triển thói quen tin cậy Chúa trong mọi tình huống sẽ giúp bạn chiến thắng nhiều tật xấu khác.

Hãy nói ra đức tin của bạn. Hãy nói thường xuyên, “Tôi tin cậy Chúa”. Hoặc “Tôi tin rằng Chúa đang hành động trong đời sống tôi và hoàn cảnh tôi ngay bây giờ”. Chúng ta hãy nói ra bởi đức tin, rồi sau đó những gì chúng ta nói cũng gia tăng đức tin của chúng ta. Trong Kinh Thánh, vua David nói, “Tôi nói về Chúa, Ngài là nơi ẩn nấp và là thành lũy của tôi, là Đức Chúa Trời của tôi; tôi tin cậy nơi Ngài!” (Psalm 91:2).

Cách hay nhất để chiến thắng lo lắng và sợ hãi là chống cự nó ngay lập tức khi nó bắt đầu tìm cách len lõi vào tâm trí bạn. Sứ đồ Peter nói chúng ta phải chống cự ma quỷ ngay từ đầu (1Peter 5:9). Hãy giương cao thuẫn đức tin, và nhờ nó bạn mới dập tắt được mọi tên lửa của ma quỷ (Ephesians 6:16). Phát triển thói quen đức tin sẽ bảo vệ bạn khỏi nhiều cảm xúc tiêu cực và nguy hại. Chúng ta có thể học sống bởi đức tin (Romans 1:17).

Đức tin là đầy dẫy lòng mong chờ với hy vọng và nó không bao giờ bỏ cuộc. Có người đã nói rất đúng, “Khi đức tin đi chợ, nó luôn luôn mang theo giỏ”. Hãy cứ cầm cái «giỏ» của bạn vì Chúa sẽ đổ đầy vào đó bất cứ lúc nào.

Đức Tin Cho Quá Khứ

Chúng ta có thể có đức tin ngày nay và nó sẽ giải quyết hết mọi lỗi lầm và thất bại của quá khứ. Tiếc nuối về hôm qua sẽ tiêu diệt hôm nay nếu chúng ta không sống bởi đức tin. Ma quỷ muốn chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể nào thắng quá khứ hoặc thật quá trễ cho chúng ta hưởng được cuộc sống tốt đẹp, nhưng nó là kẻ dối trá. Lời Chúa dạy chúng ta hãy bỏ qua quá khứ bởi đức tin và nhắm về những điều tương lai. Nếu bạn còn bận tâm với điều gì đó ở quá khứ, hãy suy gẫm câu Kinh Thánh này và hãy để nó khích lệ bạn tin cậy Chúa.

Này, Ta sẽ làm một việc mới; nó sắp xuất hiện, ngươi không biết sao? Ta sẽ mở thông lộ giữa đồng hoang, khơi sông ngòi để tưới nhuần sa mạc.[23]

Thực tại của câu Kinh Thánh này có thể thuộc về bạn khi bạn chỉ cần khai phóng đức tin và tin rằng cho dù chuyện gì xảy ra trong quá khứ, Chúa lớn hơn quá khứ của bạn. Ngài tha thứ tội lỗi của bạn, biến lỗi lầm thành phép lạ và làm cho bạn ngạc nhiên về nhiều điều tốt đẹp Ngài sẽ làm trong đời sống bạn.

Đức Tin Cho Tương Lai

Tất cả chúng ta nghĩ rằng chúng ta nên biết tương lai. Những người không biết cách để tin cậy Thượng Đế sẽ bỏ hàng ngàn đô la cầu hỏi các thầy bói và các “tâm lí gia,” mong là sẽ biết một ít về tương lai. Họ không cần phải phí tiền như vậy. Thượng Đế là Đấng duy nhất biết tương lai. Ngài có thể chọn nói về tương lai qua các tiên tri của Ngài, nhưng thường thì Ngài muốn chúng ta tin cậy Ngài. Câu hỏi “Tôi sẽ làm gì sắp tới đây” thường đến trong đầu óc chúng ta, nhưng chúng ta không cần phải ấp ủ ý tưởng này. Tôi không biết đích xác tương lai nào dành cho tôi, nhưng tôi tin chắc rằng dù gì đi nữa, nó vẫn là kế hoạch tốt đẹp và toàn hảo của Chúa. Cơ đốc nhân hay hát, “Tôi không biết tương lai sẽ thế nào nhưng tôi biết Đấng nắm giữ tương lai”.

Bất cứ khi nào lo lắng về tương lai đến với tâm trí chúng ta, chúng ta lập tức chọn đức tin nơi Chúa thay vì lo lắng.

Tình trạng thế gian ngày nay rất bất ổn, và áp lực để lo lắng về chuyện này càng gia tăng. Chuyện gì xảy ra nếu nền kinh tế suy sụp hoàn toàn? Chuyện gì xảy ra nếu tôi mất việc và mất hết tiền hưu trí? Tôi lái xe đi làm cách xa hàng trăm cây số, vậy tôi sẽ làm gì nếu giá xăng dầu cứ tăng như thế? Tôi không có con cái; vậy ai chăm sóc tôi khi tôi già? Những câu hỏi và thắc mắc như thế thì vô tận nếu chúng ta để cho đầu óc chúng ta lo lắng, nhưng chúng ta cũng có thể chọn phát triển thói quen đức tin. Chúng ta không biết hết câu trả lời, nhưng chúng ta biết Chúa, và Ngài biết câu trả lời. Khi đức tin là một thói quen, chúng ta không phí thì giờ và năng lực cho lo lắng.

Trong tương lai bạn có thể rơi vào một tình huống rất ảm đạm mà bạn biết là bạn cần đối diện, và bạn không cảm thấy là bạn đủ sức đương đầu. Đừng lo. Chúa sẽ ban cho bạn ân sủng, khôn ngoan và sức mạnh bạn cần khi những tình huống như thế xảy đến. Nhưng cho đến lúc đó thì bây giờ hãy có đức tin!

Từ Sợ Hãi Đến Đức Tin

Bản năng tự nhiên của chúng ta là sợ và cố bảo vệ và lo cho bản thân, nhưng Chúa mời chúng ta đến một đời sống đức tin. Sợ hãi gây đau khổ. Buồn thay, đôi khi người ta sống trong sợ hãi quá lâu đến độ họ không nhận ra nó là bất thường. Chúng ta có thể phát triển phép ứng xử cho phép chúng ta cư xử đúng trong những lúc khó xử.

Tôi có nhiều nỗi sợ trong đời sống là do tôi lớn lên trong một gia đình lạm dụng và lộn xộn. Tôi đã học “sống chung” với nó, nhưng khi tôi học Lời Chúa, tôi cũng học được rằng tôi không cần phải “sống chung” với nó. Tôi nhận ra rằng có một cách tốt hơn – cách đức tin. Tuy nhiên, đi từ chỗ sợ hãi đến đức tin vẫn là một hành trình. Trước đây tôi sợ bị khước từ, sợ phật lòng người khác, và thật sự không thích bản thân. Tôi sợ người ta nghĩ gì về tôi. Đối với tôi tiếng tăm rất quan trọng. Tôi sợ thất bại, sợ chọn lựa sai, và sợ bị chỉ trích hay xét đoán về những quyết định và hành động của tôi. Tôi cũng sợ những lỗi lầm quá khứ, sợ tương lai mù mịt, không có đủ tiền để lo cho bản thân, và sợ cần phải lệ thuộc người khác.

Tôi thành thật mà nói bây giờ tất cả những nỗi sợ này không còn bén mảng trong đời sống tôi. Có lúc nó muốn “chen chân” vào, nhưng tôi không còn bị nó kiểm soát nữa. Tôi đã phát triển thói quen đức tin, và bạn cũng có thể làm được việc này.

Việc học biết và đón nhận tình yêu vô điều kiện của Chúa cũng giải cứu chúng ta khỏi nỗi sợ. Không điều gì khác thay thế được! Tình yêu trọn vẹn xua tan sợ hãi (1John 4:18). Chỉ có Chúa mới có tình yêu trọn vẹn, và chúng ta có tình yêu này bởi đức tin. Hãy tin xác quyết Lời Ngài và bắt đầu đón nhận tình yêu Ngài dành cho bạn và để Ngài giải cứu bạn khỏi mọi sợ hãi. Đức tin hành động bởi tình yêu thương (Galatians 5:6). Làm sao chúng ta tin tưởng nơi Chúa nếu chúng ta không được thuyết phục rằng Ngài yêu chúng ta mọi lúc mọi nơi? Biết và tin tình yêu của Chúa là yếu tố quan trọng để có thể sống đời sống đức tin.

Đức tin bước lên thềm mà yêu thương xây dựng và nhìn ra cửa sổ mà hy vọng mở ra.

Charcles H. Spurgeon

Kinh Thánh thường nói, “Đừng sợ, vì Ta ở với con”. Chúa ở với bạn và Ngài hứa không bao giờ lìa hay bỏ bạn. Bạn sẽ không tăng trưởng trong đức tin qua việc ước gì mình cảm thấy thế này, thế kia, nhưng bạn sẽ tăng trưởng bằng cách bước ra và tin cậy lời hứa của Chúa. Mỗi lần bạn làm vậy, bạn sẽ có thêm kinh nghiệm nhằm giúp bạn tin cậy Chúa lần sau. Đừng nản lòng với bản thân nếu phải mất một thời gian nữa mới phát triển thói quen đức tin. Tôi tin không ai hoạt động trong đức tin trọn vẹn, nhưng tạ ơn Chúa chúng ta có thể tiếp tục tăng trưởng. Bạn há không vui là bạn không phải cảm thấy bị áp lực để chứng tỏ mình toàn hảo trong mọi việc sao? Chúa Giê-su, Đấng Toàn Hảo, đã dọn đường cho chúng ta, và chúng ta có thể theo Ngài từng bước một. Hãy nhớ điều này: Chúa đẹp lòng với bạn bao lâu bạn cứ tiến tới, và Ngài sẽ không thất vọng với bạn bởi bạn không toàn hảo. Sự thất tín của chúng ta sẽ không thay đổi sự thành tín của Chúa (2Timothy 2:13).

Vui Vẻ Chấp Nhận

Thói quen đức tin cho phép chúng ta vui vẻ chấp nhận bất kỳ hoàn cảnh nào bởi vì chúng ta tin rằng Chúa sẽ hóa giải mọi sự vì ích lợi cho chúng ta (Romans 8:28). Chúng ta có thể tin cậy Chúa dẫu sự việc trông thấy hay cảm thấy thế nào. Tác giả Charles E. Cowman đã viết cuốn Streams in the Desert, có nói, “Chúng ta phải tin xác quyết Lời Chúa. Kinh nghiệm cho thấy một đức tin như thế sẽ không làm cho mặt trời chiếu sớm hơn mà cũng không làm cho ban đêm ngắn hơn”.

Tin cậy chỉ đơn giản là xin Chúa điều bạn muốn, bạn cần hay ước ao và dâng cho Ngài niềm kính trọng và vinh dự bằng cách để Ngài làm thành vào thời điểm và cách thức Ngài thấy hợp. Chúa không nhất thiết muốn nghe chúng ta hỏi tại sao và khi nào, nhưng Ngài thích nghe chúng ta nói, “Con tin cậy Ngài”.

Chúa muốn chúng ta tin cậy Ngài trong nhiều việc, chứ không chỉ trong một số việc. Đường lối chúng ta không phải đường lối Ngài, nhưng đường lối Ngài là toàn hảo. Thời điểm của Ngài không phải là thời điểm của chúng ta, nhưng Ngài không bao giờ trễ cả. Thói quen đức tin sẽ giúp ta duy trì thói quen hạnh phúc.

Vì thế, Ta bảo các con: Khi cầu nguyện, hãy tin đã được, tất các con xin gì được nấy.[24]

Câu Kinh Thánh này thật lí thú, nhưng chúng ta phải nhận biết rằng nó không cho chúng ta biết khi nào chúng ta nhận được điều chúng ta cầu xin. Chúng ta thừa hưởng các lời hứa của Chúa nhờ đức tin và kiên nhẫn (Hebrews 6:12). Tính thiếu kiên nhẫn của chúng ta không khiến cho Chúa vội vã, và chúng ta cũng nên quyết định vui vẻ chờ đợi. Vui vẻ chấp nhận là bằng cớ của đức tin. Thái độ của chúng ta lúc đó muốn nói lớn tiếng và rõ ràng là “Tôi tin Chúa trọn vẹn trong mọi đường lối Ngài và tôi biết tôi đang ở trong tay Ngài”.

Phó Mình Cho Chúa

Hãy chấm dứt cố gắng kiểm soát đời sống và hoàn cảnh của bạn và tin cậy Chúa trong mọi sự. Phó mình là hoàn toàn quên quá khứ, phó hoàn toàn tương lai vào tay Ngài, và bình an vô sự với hiện tại, biết rằng giây phút bạn ở trong tay Chúa là giây phút bạn ở trong ý muốn trọn vẹn của Ngài. Tác giả Watchman Nee, một Cơ đốc nhân đầy ơn người Trung Hoa đã hy sinh vì niềm tin của ông, chịu cho người ta cắt lưỡi vì đã rao giảng, đã chết với lời ghi chép trên gối ông nằm.

Giê-su là Con Thượng Đế. Ngài chết để chuộc tội lỗi con người, và sau ba ngày Ngài đã sống lại. Đây là sự thật quan trọng nhất trong vũ trụ này. Tôi chết trong lúc tin nơi Chúa Giê-su.

Watchman Nee

Ông có thói quen đức tin nên không gì chặn đứng ông được, kể cả sự chịu khổ và sự chết. Nếu chúng ta học sống bằng loại đức tin như thế, toàn bộ cuộc đời sẽ trở thành một niềm vui bất tận và chúng ta yên nghỉ trọn vẹn khi chúng ta chờ đợi Chúa.