Chương 13: Phép Ứng Xử 10: Thói Quen Vội Vã

Thói Quen: Chọn Tốt Bỏ Xấu

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 13: Phép Ứng Xử 10: Thói Quen Vội Vã

Ma quỷ nhúng tay vào những việc nào làm cách vội vã.

Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ

Người bận rộn thường cảm thấy họ phải vội vã làm xong mọi việc cần làm, nhưng tôi tin nếu chúng ta cứ liên tục vội vã để làm xong mọi việc thì chúng ta đang làm việc quá nhiều. Phần lớn nhiều người ngày nay hay nói họ có quá nhiều việc để làm và ca thán là họ đang bị căng thẳng, nhưng họ quên rằng chính họ đã lên thời gian biểu, và họ là người duy nhất có thể thay đổi nó. Có phải chúng ta thật sự phải làm mọi thứ cần làm, hay chúng ta có thể loại bỏ một số việc và làm chậm lại và hưởng một cuộc sống với tốc độ vừa phải không? Tôi nghĩ chúng ta thảy đều có câu trả lời cho câu hỏi đó. Dĩ nhiên, chúng ta có thể làm ít hơn nếu chúng ta thật sự muốn.

Khi chúng ta đọc về quãng đời của một người được in trên giấy hay trên bia mộ, họ chỉ ghi ngày họ sinh và ngày họ chết. Giữa hai ngày đó là một cái gạch nối. Có lẽ có cái gạch nối ở đó là vì nó nói lên cuộc đời chúng ta như thế. Chúng ta có một khoảng trống trong mọi việc, và trước khi chúng ta biết điều đó, cuộc đời sẽ sớm kết thúc và có lẽ chúng ta không hưởng được nó gì cả.

Phần lớn nhiều người há mồm há miệng đeo đuổi thú vui nên họ vụt mất nó bao giờ không biết.

Soren Kierkegaard

Phần lớn những việc chúng ta vội vã làm cho xong bởi vì chúng ta nghĩ nếu chúng ta làm ngay lúc đó, chúng ta sẽ được hưởng thụ cuộc sống trong tương lai. Tôi đề nghị chúng ta hãy sống chậm lại và bắt đầu hưởng cuộc sống ngay bây giờ.

Chúa Có Vội Vã Không?

Kinh nghiệm của tôi là Chúa không vội vã. Hình như Ngài luôn có thời gian cho mọi việc. Ngài không trễ nải, nhưng Ngài không quá sớm, và Ngài mong chúng ta hãy kiên nhẫn đang khi chúng ta chờ đợi. Ngay bây giờ tôi nhìn cây cối, rau cỏ, hoa lá và chim trời đang bay quanh vườn nhà tôi qua một cửa kiếng. Khi tôi nhìn chúng, tôi nhận ra rằng thiên nhiên không vội vã, nhưng mọi vật đều hoàn thành những gì cần thực hiện.

Những ai thích ngoài trời đều nói họ thích thiên nhiên bởi vì nó thanh bình. Tôi cũng thích thiên nhiên bởi nó nhắc tôi nhớ Chúa và tạo vật của Ngài. Tôi thích cảnh thanh bình mà thiên nhiên mang lại. Một cuộc dạo bộ qua khu rừng sẽ rất ích lợi cho cả hồn lẫn xác. Nhưng chúng ta có thường để thời gian làm chuyện đó không? Một số người có đi bộ hay chạy bộ tập thể dục, và họ có thể hưởng lợi khi họ làm vậy, nhưng nó khác với việc dạo bộ để hưởng thụ tạo vật của Chúa và cảnh thanh bình mà thiên nhiên mang lại. Hãy quyết định đừng vội vã mà bỏ qua tạo vật của Chúa và không để thì giờ nào lưu tâm, thưởng ngoạn và cảm kích cảnh quang.

Trong những năm qua tôi đã nỗ lực học cách để thưởng thức mọi việc tôi làm, và để làm việc đó tôi phải liên tục nhắc nhở mình phải sống chậm lại. Tôi được biết đến là mẫu người nhanh nhẹn. Tôi quyết định rất nhanh, và tôi chạy việc cũng rất nhanh, và đôi khi tôi làm quá nhanh đến độ tôi không nhớ là mình đã làm gì. Con gái tôi hay đùa với tôi khi bảo tôi chờ cho đến khi cháu đậu xe lại và tháo dây an toàn cho tôi và mở cửa cho tôi bước ra. Nếu mẹ con tôi đi mua sắm thì tôi đã vô siêu thị rồi mà con gái tôi vẫn còn chưa ra khỏi xe. Nếu tôi không tự nhắc mình rằng hãy sống chậm lại thì tôi thấy cái đầu tôi đi trước cái chân tôi.

Nhà tôi thì hiếm khi vội vã, con rể tôi hiếm khi vội vã, và tôi biết những người khác cũng giống vậy, nhưng phần lớn mọi người đều vội vã, và buồn thay họ không chắc rằng họ đang đi hướng nào trong đời sống. Nếu bạn và tôi muốn bỏ thói quen vội vã, chúng ta sẽ phải có những thay đổi trong lối sống và trong suy nghĩ. Thói quen tốt sẽ tống khứ thói quen xấu; vì vậy hãy tập trung duy trì sự bình an và kiên nhẫn thì vội vã cuối cùng chỉ còn là chuyện của quá khứ.

Đặt Chuông Báo Động Quá Tải

Bạn không phải làm mọi việc mà mọi người muốn bạn làm, và hoàn toàn đúng khi trả lời “không”. Hãy bảo vệ bình an của bạn bằng cách từ chối lên thời gian biểu quá tải. Ngay khi bạn cảm thấy bị áp lực làm quá sức mà bạn biết rằng không có bình an thì hãy đặt báo động quá tải. Giống như chuông báo thức báo chúng ta phải dậy và bắt đầu một ngày mới thì hãy đặt chuông báo động quá tải để báo cho bạn biết hãy trả lời “không” với việc gì bạn buộc phải làm để bạn giữ được bình an. Một trong những người mà tôi nói “không” là chính tôi. Đôi khi chính tôi muốn làm những việc khiến tôi bị áp lực nên tôi phải nói, “Joyce, bình an của ngươi quan trọng hơn công việc mà ngươi muốn làm”. Rất thường thì chính chúng ta là kẻ thù khốn nạn nhất của chúng ta. Có lẽ chúng ta muốn “ôm đồm” mọi việc mà chúng ta biết rằng ai cũng tham gia, nhưng có thể điều đó không hay cho chúng ta. Nếu bạn bước theo khôn ngoan, bạn có thể duy trì bình an trong khi mọi người bạn quen biết đều bị căng thẳng do vội vã.

Khi việc lên kế hoạch gặp người này, người kia chiếm hết thời gian cả một ngày của bạn, hãy đảm bảo rằng bạn có thời gian riêng cho mình để nghỉ ngơi và giãn xả. Hãy thường xuyên để thì giờ đánh giá thời gian biểu của bạn, và nếu có việc gì mà không mang lại kết quả cho bạn hay là bạn nghĩ là bạn không nên làm nữa, hãy loại nó khỏi thời gian biểu. Hãy tự hỏi rằng những gì bạn đang làm có đáng làm không.

Chúa không vội vã. Nếu chúng ta vội vã, chúng ta muốn qua mặt Ngài và rồi thắc mắc không biết Ngài đi đâu. Hãy học sống trong “nhịp điệu thiên thượng” của Chúa. Sống chậm cho phép bạn làm việc một cách kiên nhẫn và bình an.

Thánh Francis de Sales có nói, “Đừng bao giờ vội vã; hãy làm mọi sự cách nhẹ nhàng và trong tinh thần thanh thản. Đừng đánh mất bình an nội tâm vì bất cứ chuyện gì, cho dù cả thế giới đang giận cuống lên”.

Lợi Ích Của Lối Sống Vội Vã

Khi tôi suy nghĩ lợi ích của lối sống vội vã là gì, thành thật mà nói tôi nghĩ không có lợi ích nào cả. Nhưng tôi lại nghĩ đến một số bất lợi. Cứ liên tục sống vội vã thì không tốt cho sức khỏe. Nó gây áp lực lên chúng ta, và chúng ta đều biết căng thẳng có hại như thế nào. Vội vã làm hỏng mối quan hệ. Chúng ta sẽ không bao giờ có thì giờ phát triển bất kỳ mối quan hệ nào, chẳng hạn như chúng ta có bạn bè mà chúng ta không có thời gian lắng nghe họ hay thỏa mãn nhu cầu của họ. Chúng ta thường bỏ mặc gia đình để đeo đuổi hoàn thành mọi việc mà chúng ta buộc phải làm. Chúng ta quá bận bịu không lắng nghe con cái nói khi chúng muốn nói chuyện với chúng ta, quá bận rộn không thăm cha mẹ già đang sống một mình và quá bận không có thì giờ đầu tư cuộc hôn nhân mà sắp rạn nứt một ngày không xa nếu chúng ta không lo đầu tư vào. Tôi đã nói đó là một bất lợi lớn của vội vã, và bất lợi đó là chúng ta không thưởng thức những gì chúng ta đang làm. Cuộc sống trôi qua như “cơn gió thoảng” và vào lúc cuối đời chúng ta sẽ tiếc là chúng ta nên làm ít lại và thưởng thức nhiều hơn.

Thật ra, tôi dám nói rằng nhiều việc bây giờ chúng ta cho là phí thời gian nhưng sau này chúng ta sẽ trân trọng nó vô cùng. Có bao nhiêu người mẹ mà bạn biết bỏ mọi việc để cùng ngồi chơi với con cái mình và quan sát từng hành vi cử chỉ của con mình trong một ngày? Có bao nhiêu người vợ không thích điều gì khác hơn ngoại trừ cùng chồng ngồi xem phim chung với nhau? Bao nhiêu người trong chúng ta sẽ tiếc những lúc chúng ta không gọi điện cho ba mẹ mình để thăm hỏi hay ghé thăm họ?

Mỗi lần chúng ta làm một những việc này, chúng ta thêm vào “tài khoản” của chúng ta. Tài khoản này không phải là tiền bạc để tiêu xài về sau mà nó là những kí ức mà chúng ta sẽ hưởng nhiều năm sau đó.

Sống vội vã khiến chúng ta đánh mất những điều quan trọng nhất trong đời. Nó khiến chúng ta bực bội, thiếu kiên nhẫn với con người lẫn sự vật, rất dễ nổi cáu và lúc nào cũng bào chữa là chúng ta bận rộn và vội vã, như thể là người ta phải tha thứ cho phép ứng xử sai lầm của chúng ta. Thiếu kiên nhẫn cũng là vội vã trong lòng. Chúng ta cứ mãi suy nghĩ và lên kế hoạch để hoàn tất mọi việc mà chúng ta nghĩ là cần làm. Chúng ta vội vã trong linh hồn, và khi ai đó hay việc nào đó không tiến triển như chúng ta mong ước, chúng ta tỏ ra thái độ thiếu kiên nhẫn.

Chẳng hạn, nếu tôi vội vã và nhà tôi muốn nói chuyện với tôi về trận bóng đá đêm hôm qua, là đề tài mà tôi không thích chút nào, tôi hầu như thiếu kiên nhẫn với chồng tôi. Hoặc nếu tôi đang vội vã và có điều gì đó thuộc về máy móc bị trục trặc, tôi cảm thấy bực bội và thiếu kiên nhẫn và tôi thường thấy mình la ó lung tung. Bạn có bao giờ nổi khùng với cái máy tính hay chiếc điện thoại di động rồi cho nó là “đồ khùng” không? Tôi có. Tôi khích lệ bạn hãy sống chậm lại và bỏ thói quen vội vã trước khi bạn tự làm hại bản thân mình, hại những người xung quanh và hại luôn kế hoạch tốt đẹp mà Chúa dành cho bạn.

Ngày nay có rất nhiều người vội vã nên chúng ta có lẽ không nhận ra nó là bất thường, nhưng vội vã là bất thường đấy. Chúa không hề định chúng ta làm việc vội vã và đầu óc lúc nào cũng căng thẳng và rối bời. Vội vã là kẻ cướp đi an bình, và một món quà quí giá Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta là bình an. Không có bình an, cuộc đời không đáng sống theo quan điểm của tôi.

Ta để lại cho các con sự bình an trong tâm hồn. Ta ban cho các con sự bình an, chẳng phải thứ bình an mong manh của trần gian. Lòng các con đừng bối rối, sợ hãi.[31]

Thông điệp trong câu Kinh Thánh này thật rõ ràng. Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta bình an của Ngài, nhưng chúng ta phải có trách nhiệm sắp đặt đời sống chúng ta theo một cách nào đó để chúng ta có thể hưởng nó. Bình an là món quà Chúa Giê-su đã ban cho miễn phí, nhưng chúng ta có thể đánh mất hoàn toàn những lợi ích của nó trừ khi chúng ta đánh giá cao nó. Bạn có thể thay đổi điều gì mà ngay lập tức mang lại cho bạn bình an hơn?

Nếu chúng ta biết điều gì nên làm mà lại không làm thì không việc gì chúng ta làm giúp ích cho chúng ta. Chúng ta thường cầu nguyện xin bình an, nhưng chúng ta có làm phần của chúng ta không? Chúa không làm hết cho chúng ta đâu, nhưng Ngài sẽ chỉ cho chúng ta nên làm gì và rồi ban cho chúng ta khả năng để làm nếu chúng ta sẵn lòng. Một khi chúng ta biết nên làm gì, tốt nhất là đừng trì hoãn mà hãy hành động và thực hiện ngay. Hẹn rày hẹn mai sẽ không bao giờ làm cả. Khi bạn biết bạn cần làm gì, hãy ra tay làm ngay. Việc nào cũng trì hoãn sẽ làm cho ta khó chịu, nhưng làm xong một việc sẽ cho ta cái cảm giác thỏa mãn. Khi buộc phải leo lên “ngọn đồi” thì đừng có ngồi đó mà chờ nó thành “ụ đất”. Nếu chúng ta không trì hoãn công việc thì chúng ta sẽ không bị áp lực để mà vội vã phải làm vào giờ phút cuối.

Nếu không có lợi ích nào của việc vội vã, vậy tại sao lại vội vã? Dĩ nhiên, đôi khi chúng ta phải gấp rút để không trễ hẹn vì có chuyện xảy ra mà ta không tính trước, nhưng chuyện này hoàn toàn khác với lối sống lúc nào cũng vội vã. Và ngay cả những lúc chúng ta cần vội để đến nơi kịp lúc, chúng ta cũng có thể tránh được nếu chúng ta tính trước.

Sống Luôn Chừa Khoảng Trống

Nếu bạn có thói quen vội vã trầm trọng, có lẽ bạn cần tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Vội vã có thể là thói quen xấu, nhưng nó cũng có thể là kết quả của sự trì hoãn. Người mà hay trì hoãn và chậm trễ – là người lúc nào cũng chờ cho tới phút cuối mới làm – thì luôn luôn vội vã. Hãy học sống chừa một khoảng trống. Điều này có nghĩa là phải tính toán xem thử bạn có nhiều thời gian để chuẩn bị làm công việc không và chừa ra một khoảng trống mà bạn nghĩ là cần thiết. Lúc đó nếu có gì xảy ra bất ngờ, bạn đã chuẩn bị rồi.

Tôi là người rất tập trung và không thích phí thì giờ, nên tôi có khuynh hướng không để khoảng thời gian trống giữa các cuộc hẹn hay sự kiện, và điều đó thường khiến tôi cảm thấy hơi vội. Nếu có gì trục trặc với kế hoạch hoàn hảo của tôi thì cả ngày hôm đó bị hỏng luôn. Do trải qua những tháng ngày thất vọng, tôi học được rằng kế hoạch hay nhất là chừa một khoảng thời gian trống cho những điều bất ngờ xảy ra. Nói cách khác, tôi đã học mong đợi những điều không mong đợi xảy ra. Nếu kế hoạch của bạn dành cho một ngày không hiệu quả, hãy gọi điện thay đổi nếu làm như thế sẽ giúp bạn không cần phải vội vã. Hãy tuyên chiến với lối sống vội vã, và hãy cứ bám sát cuộc chiến cho đến khi bạn phát hiện và đánh bại mọi kẻ thù làm ảnh hưởng bình an của bạn.

Hãy Khởi Đầu Tốt Đẹp

Cách đây vài năm tôi có viết một cuốn sách suy gẫm mỗi ngày mang tựa Starting Your Day Right, và nó là một trong số sách bán chạy nhất. Tại sao? Vì người ta nhận ra rằng nếu họ bắt đầu một ngày cách tốt đẹp, thì cả ngày đó sẽ vô cùng tốt đẹp. Nếu bạn cần bỏ thói quen vội vã, hãy chào Chúa Giê-su vào buổi sáng khi bạn thức dậy và sau đó hãy tuyên bố, “Tôi sẽ không vội vã hôm nay. Tôi sẽ làm việc với tốc độ mà giúp tôi duy trì sự bình an, kiên nhẫn và thích thú mọi công việc”. Mỗi khi bạn cảm thấy mình bắt đầu vội vã, hãy nói những lời này lần nữa và lần nữa nếu đó là điều bạn thấy cần phải làm. Nói thế còn hay hơn là nói cả hàng chục lần mỗi ngày, “Tôi đang vội đây!”

Bạn nên nói tương tự với bất kỳ thói quen nào bạn đang gặp. Nếu bạn đang tạo thói quen thành một người có tính quyết định thì khi thức dậy, sau khi chào Chúa, hãy nói, “Hôm nay tôi đã quyết định. Tôi khôn ngoan, tôi được Chúa hướng dẫn, và tôi sẽ không trì hoãn”. Làm thế còn hay hơn là cứ nói cả ngày, “Tôi thấy lúc này khó mà đưa ra quyết định”.

Đừng quên thực hành thói quen thánh thiện, vì việc tạo ra tất cả thói quen tốt tùy thuộc vào thói quen này. Hãy để thì giờ với Chúa và xin Ngài giúp khi bắt đầu một ngày. Làm thế sẽ giúp bạn bắt đầu một ngày cách tốt đẹp.