Chương 1: Giải Phẩu Thói Quen

Thói Quen: Chọn Tốt Bỏ Xấu

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 1: Giải Phẩu Thói Quen

Thói quen là những thứ mà chúng ta hấp thu do đã làm nhiều lần rồi tới một lúc nào đó chúng ta làm mà không cần suy nghĩ hay không tốn nhiều công sức. Trước hết chúng ta hình thành thói quen và rồi thói quen thành hình chúng ta. Chúng ta trở thành người mà chúng ta quen làm. Nên đừng bị lừa dối mà cho rằng bạn không thể chấm dứt những gì bạn đang làm, bởi vì sự thật là bạn có thể làm hay không làm bất cứ việc gì bạn muốn hay không muốn. Ít ra là bạn có thể làm những gì Chúa muốn và làm được những gì mà chúng ta sẽ bàn đến trong sách này.

Tôi học được rằng khi tôi tập trung làm những việc tốt mà tôi muốn làm hay cần làm thì nó sẽ giúp tôi thắng được những điều xấu mà tôi không muốn làm. Kinh Thánh nói trong sách [1]Romans 12:21 rằng chúng ta dùng điều tốt thắng điều xấu. Tôi tin câu này là câu Kinh Thánh tiền đề cho cuốn sách này và cho hành trình mà chúng ta bắt đầu. Một câu Kinh Thánh khác nữa mà tôi muốn bạn nhớ khi bạn muốn đạt được mục tiêu của bạn đó là câu trong sách [2]Galatians 5:16.

Vậy tôi khuyên anh em đi theo sự hướng dẫn của Thánh Linh, để thoát khỏi dục vọng của bản tính cũ. Cứ tập trung vào những thói quen xấu bạn đang làm sẽ không giúp bạn làm những điều tốt mà bạn muốn làm. Đây là một chân lí quan trọng của Kinh Thánh. Điều tốt có sức mạnh hơn điều xấu. Bóng tối sẽ bị ánh sáng nuốt lấy, và cái chết sẽ bị sự sống chinh phục. Bất cứ điều gì mà Chúa ban cho đều có sức mạnh lớn hơn những gì Sa-tan gán cho. Ma quỷ muốn chúng ta nhiễm những thói xấu, nhưng Chúa muốn chúng ta theo Ngài và để Ngài dẫn chúng ta vào cuộc sống tốt đẹp mà Chúa Giê-su đã chết để chúng ta hưởng. Và một cuộc đời tốt đẹp là một cuộc đời có những thói quen tốt đẹp.

Một yếu tố để hình thành thói quen tốt và bỏ đi thói quen xấu là tập trung vào những gì bạn muốn làm, đừng tập trung vào những thứ bạn không muốn làm. Chẳng hạn, nếu bạn tăng cân và muốn có những thói quen ăn uống lành mạnh, cân bằng thì không nên lúc nào cũng nghĩ đến thức ăn. Đừng đọc các sách vở đầy dẫy những tranh ảnh về những món ăn ngon, mà hãy đọc những sách nói về dinh dưỡng thì nó sẽ dạy bạn cách để có những chọn lựa tốt hơn. Hãy làm những việc nào đó để khiến bạn bớt nghĩ đến thức ăn.

Nếu bạn muốn hình thành thói quen tập thể dục điều độ thì đừng nghĩ hay nói về chuyện khó luyện tập mà hãy nghĩ đến những kết quả bạn có được nếu bạn kiên trì. Dĩ nhiên, bạn phải đầu tư thời gian mà bạn có được và dĩ nhiên bạn cũng sẽ thấy đau đớn lúc đầu. Khi tôi bắt đầu luyện tập với người huấn luyện viên vào năm 2006, lúc đó tôi 64 tuổi, tôi thấy rất đau đớn nên tôi thấy như thể là tôi muốn bệnh quá. Và tôi bị đau liên tục như vậy suốt hai năm. Thành thật mà nói, lúc nào tôi cũng thấy đau đớn cả người. Một thời gian sau tôi quen dần cái cảm giác này vì tôi biết là tôi đang cải thiện tốt hơn.

Nếu bạn muốn thoát nợ nần thì đừng nghĩ hay nói về những điều mà bạn không thể làm hay những điều mà bạn buộc phải làm khi mà bạn phải chi trả đủ thứ món tiền. Thay vì nghĩ đến mặt trái của vấn đề, hãy nghĩ và nói về việc được thoát nợ là kì diệu làm sao.

Chúng ta hay được thúc đẩy bởi phần thưởng, nên nếu bạn mong được thưởng, bạn phải kiên trì tiếp tục đeo đuổi mục tiêu. Đừng có thái độ “chưa đánh mà chạy” khi cứ nghĩ toàn là những chuyện tiêu cực. Đầu óc bạn dẫn đi đâu thì bạn sẽ theo đó, nên hãy đảm bảo là bạn nghĩ đến những gì bạn muốn hơn là những gì bạn không muốn.

Sự lặp lại

Làm lặp đi lặp lại là bí quyết để hình thành thói quen, cả tốt lẫn xấu. Khi nhắm mục tiêu hình thành thói quen tốt, bạn phải ghi lại để nhắc nhở bạn rằng hãy làm những điều tốt mà bạn muốn. Hãy xin Chúa nhắc bạn. Kinh Thánh nói Ngài sẽ nhắc cho chúng ta nhớ mọi sự chúng ta cần nhớ (John 14:26).

Con gái tôi là Sandra cần nói những lời khích lệ. Đó là ngôn ngữ yêu thương của cô ta, tức là cô ta cảm thấy được yêu thương khi người ta khích lệ mình. Chồng cô ta, Steve lại không “nói ngôn ngữ” đó, nên giai đoạn đầu của hôn nhân, chồng cô ta không nói với con gái tôi lời khích lệ nào. Sau một vài bất đồng đầy nước mắt và sau khi cô ta nói với chồng nhiều lần rằng những lời khích lệ rất quan trọng đối với mình, Steve bắt đầu viết lên tờ lịch để nhắc mình cần nói những lời khích lệ và khen tặng vợ. Nan đề đã chấm dứt! Đôi khi ghi ra một lời nhắc nhở nào đó sẽ giúp ta rất dễ tạo ra một thói quen mới.

Có một anh chàng nọ đã đeo cọng dây thun trong cổ tay suốt một năm và mỗi lần anh cắn móng tay là anh kéo dây thun để nhắc anh rằng anh nên bỏ thói quen xấu này. Rốt cuộc là anh chàng này đã bỏ thói xấu đó. Một số người thì nhúng ngón tay vào dấm chua để mỗi khi họ cắn móng tay thì họ thấy chua nên không cắn nó nữa.

Những thói quen xấu trong đời sống chúng ta chính là kẻ thù của chúng ta vì nó cản trở chúng ta trở thành người mà chúng ta mong muốn. Khi kẻ thù tìm cách tiêu diệt bạn, bạn không thể tha cho kẻ thù được. Chúa dẫn dân Y-sơ-ra-ên để nhận xứ mà Ngài đã hứa cho họ, cũng như Ngài dẫn chúng ta vào đời sống tốt lành mà Ngài đã hứa cho chúng ta. Lúc đó có nhiều kẻ thù lân bang tấn công dân Y-sơ-ra-ên thì ngày nay ma quỷ cũng tìm cách tấn công chúng ta. Chúa bảo dân Y-sơ-ra-ên hãy tiêu diệt hết các kẻ thù lân bang và đừng lập giao ước với chúng, cũng đừng tha cho chúng thì chúng ta cũng hãy làm tương tự với những thói quen xấu đang gặm nhấm tương lai của mình (Deuteronomy 7:1-2)[3]. Hãy xử lí những thói quen xấu một cách dứt khoát và không nhân nhượng. Hãy tìm cách nào đó để giúp bạn làm những điều tốt đẹp mà bạn muốn làm.

Hãy luôn nhận thức rằng những thói quen xấu sẽ cướp đi định mệnh mà Chúa đã định trước cho bạn. Đừng tự nhủ, “Ô, đây chỉ là một tật xấu thôi, chứ đâu có gì to tát”. Nếu bạn nghĩ như thế, bạn sẽ không bao giờ xử lí tật xấu đó. Trái lại hãy hứa với bản thân, “Tật xấu này là kẻ thù của mình. Nó cướp đi chất lượng cuộc sống mà Chúa Giê-su muốn tôi hưởng và tôi sẽ không cho phép nó cứ ở trong đời sống tôi”.

Theresa có một tật xấu tắt đồng hồ báo thức nhiều lần nên cô liên tục đi làm trễ. Cô phải bỏ tật xấu này còn không cô sẽ mất việc. Vì thế cô để xa đồng hồ báo thức để buộc cô phải dậy ra khỏi giường để tắt tiếng chuông. Thậm chí cô còn làm việc này nữa: kéo tấm chăn bọc hết cả tấm nệm để nhắc cô không quay lại ngủ nướng. Làm như thế, Theresa không chỉ xử lí một cách cương quyết tật xấu này mà còn xử lí nó như là kẻ thù của cô.

Chồng của Rhonda hay uống nhiều cốc sữa mỗi ngày. Cô rất lo về tình trạng béo phì và dư mỡ của chồng cô nên cô từ từ cho anh uống sữa tách béo để thay cho sữa nguyên chất cho đến khi chồng cô chỉ uống toàn là sữa tách béo. Bây giờ anh nói sữa nguyên chất rất khó uống. Đây là cách cho chúng ta thấy chúng ta sẽ quen dần với thói quen tốt và bỏ được tật xấu không tốt cho chúng ta.

Carolyn có tật xấu là ăn cả một hộp kem ngọt. Cô vừa ngồi xem ti vi vừa ăn kem, không ăn bánh. Một tối nọ cô tiêu thụ 3,380 ca-lo-ri đường. Cô biết đây là tật rất xấu và không lành mạnh nên cô tìm biện pháp chấm dứt nó. Cô nhờ chồng ném vào thùng rác những hộp kem nào mà cô mua đem về nhà. Nhưng làm thế cũng chưa hiệu quả vì cô sẽ tìm thấy nó ở thùng rác và mở ra ăn nữa. Cuối cùng cô nhờ chồng mở hộp kem ra và đổ nước rửa chén vào và thế là cô không thể ăn được.

Cài Lại Chương Trình Trong Trí Bạn

Ngạc nhiên là tiềm thức của bạn thật đầy sức mạnh. Mỗi lần bạn làm một việc gì đó tiềm thức của bạn cài đặt chương trình trong não bạn. Bạn càng làm, chương trình đó sẽ càng khắc ghi sâu hơn. Tôi ngạc nhiên là rất khó cho tôi khi tập một bài tập mới nhưng rất dễ cho tôi khi tôi tập một bài tập cũ. Huấn luyện viên của tôi cho biết không phải vì tôi quá ốm yếu không tập bài tập mới được mà vì các tế bào của tôi quen tập bài cũ. Mỗi lần tôi tập một bài tập mới, các tế bào của tôi nhớ rõ và rất dễ tập lần tới. Chúa tạo dựng chúng ta một cách lạ lùng, và Ngài ban chúng ta khả năng để trở thành một người tuyệt vời qua việc làm những điều tốt lặp đi lặp lại cho đến khi nó trở thành một phần bản chất của chúng ta.

Tôi có tật xấu là ném những cái lược chải tóc vào ngăn kéo sau khi tôi dùng. Ngày hôm sau khi tôi trang điểm, tôi bực bội vì tôi không tìm thấy nó. Bây giờ thì tôi đang trong quá trình hình thành thói quen mới. Để làm vậy, tôi phải làm từ từ và hướng tâm trí vào những gì tôi đang làm. Bây giờ khi tôi dùng lược, tôi để thì giờ sắp đặt ngăn nắp

để lần sau tôi dùng tôi sẽ biết nó nằm đâu. Tôi chỉ làm chuyện này có ba ngày, nhưng rồi vài tuần sau đó nó thành một thói quen và bây giờ thì tôi không cần nghĩ ngợi gì khi làm vậy. Tôi nghĩ rất nhiều tật xấu của chúng ta là do hậu quả chúng ta làm vội vàng lúc đầu.

Một số người không để tâm vào những gì họ đang làm, nên hầu như họ không biết nó nằm chỗ nào khi họ cần. Thói quen không ngăn nắp đã gây ra nhiều bực bội, căng thẳng và mất thời gian. Nhờ làm lặp đi lặp lại bạn sẽ trở nên ngăn nắp hơn trong bất kỳ lĩnh vực nào bạn cần. Hãy nhớ dù lúc đầu khó khăn nhưng theo thời gian nó sẽ dễ hơn. Hãy từ từ, hít thở không khí và để thì giờ suy nghĩ về những gì bạn đang làm.

Charles Dickens có nói, “Tôi không bao giờ làm một việc nào mà không có thói quen đúng giờ, thứ tự và cần mẫn cộng với một quyết tâm tập trung cao độ vào đề tài đó từng phút một”. Chúa ban cho ông biệt tài kể chuyện, nhưng ông vẫn phải hình thành thói quen tốt như tập trung, có thứ tự và siêng năng để quản lý tài năng của ông.

Nhiều người có tài nhưng không nghĩ đến chuyện hình thành thói quen tốt. Họ không kỷ luật bản thân để làm những gì họ biết họ nên làm, nhưng thay vào đó họ chờ những yếu tố bên ngoài tác động thì họ mới làm. Thái độ đó được gọi là thụ động và nó sẽ mở cửa cho kẻ thù bước vào. Nếu chúng ta không chủ động làm điều hay lẽ phải thì rất dễ cho kẻ thù xui khiến chúng ta làm điều sai điều quấy.

Hãy Năng Động

Lời Chúa khích lệ chúng ta hãy năng động, và qua việc năng động chúng ta đóng cửa lại với tính lười biếng, chần chừ và thụ động. Hãy nhớ nếu chúng ta làm điều đúng, thì không có chỗ nào cho điều sai. Đừng chỉ tập trung vào việc bỏ đi hết tật xấu mà hãy dùng năng lực để tích cực hình thành thói quen tốt. Bạn sẽ thấy ngay là không có chỗ nào cho những thói quen xấu trong đời sống bạn.

Đừng chờ phải “cảm thấy” muốn làm điều gì đó. Hãy sống bởi quyết định, chứ không bởi cảm xúc. Tôi học được bởi kinh nghiệm rằng tôi càng ngồi đó không làm gì thì tôi lại càng muốn ngồi lì ra đó và không muốn làm gì, nhưng nếu tôi đứng dậy và đi lại thì tôi có sức lực để làm việc. Hoạt động giống như công tắc điện. Điện thì có sẵn luôn luôn, nhưng nó sẽ không được truyền dẫn cho đến khi bạn bật công tắc. Chúng ta lúc nào cũng có khả năng hoạt động, nhưng cho đến khi chúng ta ra tay hành động thì chúng ta mới nhận được năng lực.

Có những buổi sáng tôi cảm thấy lười và tôi cứ muốn ngồi lì ra đó suốt ngày, nhưng tôi học được rằng sau một thời gian luyện tập đều đặn, tôi cảm thấy đầy năng lực, và điều đó giúp tôi thêm động lực để tập. Nếu bạn cảm thấy ù lì ra, hãy thử đi bộ hay làm việc nào đó để cho máu trong cơ thể bạn lưu thông. Đừng chờ cảm giác mà hãy làm đi. Bạn có sức mạnh hơn là bạn tưởng. Chúa ban cho bạn ý chí tự do và điều đó có nghĩa là bạn quyết định làm điều đúng và không gì ngăn cản bạn. Khi bạn quyết định làm theo đường lối của Chúa thì Ngài luôn hợp tác với bạn để mang lại chiến thắng.

Trước khi chúng ta rời chương này, hãy chọn thói quen nào bạn muốn hình thành và bắt đầu thực hành những nguyên tắc này. Hãy kiên nhẫn với bản thân. Hãy để thì giờ tạo ra những thói quen mới. Có thể bạn chưa làm được mỗi ngày. Nếu bạn biết mình đã thất bại, đừng nản lòng mà phí thời gian; hãy đứng dậy từ chỗ hiện tại và bắt đầu thực hành lại. Hãy nhân từ với bản thân, vì “tự trách móc” bản thân về mọi lỗi lầm bạn gây ra cũng là một tật xấu cần phải bỏ đi.