Chương 3 Phép Ứng Xử 1: Thói Quen Thánh Thiện

Thói Quen: Chọn Tốt Bỏ Xấu

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 3 Phép Ứng Xử 1: Thói Quen Thánh Thiện

Sau đó, Đức Giê – xu ra đi  và lên núi Ô – liu theo như thói quen. Các môn đồ cùng đi theo Ngài. [6]

Chúa Giê-su có thói quen lên núi Ô-liu không phải là vì Ngài thích leo núi. Ngài lên đó để cầu nguyện. Để ý rằng Ngài có thói quen đi lên đó. Bạn có tìm thấy trong suốt cả Kinh Thánh tất cả những người nam và người nữ vĩ đại của Chúa đều có thói quen tương tự. Những con người này biết tầm quan trọng của việc để thì giờ cầu nguyện với Chúa. Kinh Thánh nói ông Enoch (Hê-nóc) có thói quen bước đi với Chúa và “người ta không thấy ông nữa vì Chúa tiếp ông đi” (Sáng thế 5:24). Đây là một con người đã phát triển một mối quan hệ thân mật với Chúa đến độ thế gian này không thể cầm giữ ông được nữa. Ông Enoch đã phát triển điều mà tôi kính cẩn gọi là thói quen tin kính.

Có lúc Chúa Giê-su sắp sửa bước vào một thời khắc khó khăn nhất trong cuộc đời của Ngài trên trần thế. Đó là thời điểm Ngài sắp chịu khổ và chịu chết. Ngài biết Ngài cần sức lực và Ngài cũng biết đến nơi nào để nhận được sức lực. Thói quen của Ngài hay phản ứng tự động của Ngài, không chỉ trong những lúc thử thách mà trong mọi lúc: đó là để thì giờ cầu nguyện với Cha trên trời. Nếu bạn giống tôi trước đây: chỉ đến với Chúa khi nào có chuyện “khẩn cấp” thì tôi có thể nói cho bạn biết rằng dù Chúa không nổi giận với bạn nhưng Ngài không hài lòng chút nào. Bạn sẽ phản ứng như thế nào nếu bạn bè hay con cái của bạn chỉ đến thăm bạn hay nói chuyện với bạn khi họ cần bạn giúp? Bạn sẽ không thích chút nào phải không? Chúa cũng vậy!

Thói quen tin kính là thói quen đầu tiên mà tôi muốn nói đến, vì không có thói quen để thì giờ cầu nguyện với Chúa và học hỏi Lời Chúa thì chúng ta sẽ không thể có được những thói quen tốt khác, và thế là các thói quen xấu sẽ ảnh hưởng chúng ta và kiểm soát đời sống chúng ta. Nên việc tìm kiếm Chúa và để thì giờ cầu nguyện với Ngài là điều tối cần.

Nghe Chúa dạy: “Hãy tìm mặt Ta!” Lòng thưa ngay: “Con sẽ tìm mặt Chúa!”[7]

Sự giúp đỡ và sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta là điều thiết yếu. Ngài là căn nguyên của mọi sự thành công đích thực và mọi điều tốt đẹp, và không có Ngài chúng ta sẽ không làm được việc gì có giá trị. Bạn có để thì giờ xin Chúa giúp đỡ trước khi bạn bắt đầu một ngày mới hay trước khi đưa ra một quyết định và tiến hành một công việc nào đó không? Hãy phát triển thói quen nhận biết Chúa trong mọi đường lối mình và rồi Ngài sẽ hướng dẫn bước đi của bạn (Proverbs 3:6).

Chúng ta hay có thói quen đưa ra quyết định và cậy sức riêng để tiến hành công việc mà chúng ta muốn nó xảy ra, nhưng thật ra đây là một thói quen xấu cần bỏ. Thói quen nhận biết Chúa trong mọi việc có thể là thói quen quan trọng nhất và là thói quen đầu tiên mà bạn cần phát triển.

Tôi có quen một số người có một ý chí mạnh mẽ nên họ có được những thói quen tốt nhờ sự kỷ luật của họ, nhưng điều này không có nghĩa là họ thành công thật sự đâu. Tôi cũng có ý chí rất mạnh mẽ và tôi thấy nó cũng ích lợi, nhưng tôi học được rằng sức mạnh của ý chí chỉ đem chúng ta tới một mức độ nào đó và sớm muộn gì tất cả chúng ta đều phát hiện ra rằng chúng ta cần Chúa.

Quản Lý Thời Gian

Tại văn phòng của chúng tôi, chúng tôi đã thực hiện một cuộc thăm dò nho nhỏ về một số thói quen mà người ta muốn có hay muốn bỏ, và đứng đầu danh sách chính là “Tôi muốn có thói quen để thì giờ cầu nguyện với Chúa”. Tất cả chúng ta đều 24 tiếng đồng hồ giống nhau mỗi ngày, nhưng có một số người lại luôn thấy có thì giờ cầu nguyện với Chúa, còn một số khác thì không có thì giờ. Cho rằng mình không có thì giờ với Chúa là một lời bào chữa. Sự thật thì nếu chúng ta để thì giờ với Chúa, Ngài sẽ nhân lên những gì chúng ta có – giống như cậu bé có bánh và cá (John 6) – chúng ta rốt cuộc lại có nhiều thì giờ hơn là chúng ta bỏ Chúa ra ngoài thời gian biểu của chúng ta.

Một sự thật khác nữa là ngay giờ phút này đây bạn muốn gần Chúa bao nhiêu là tùy bạn. Chúng ta gieo gì thì gặt nấy và nếu chúng ta muốn có một mùa gặt bội thu thì việc đơn giản là chúng ta cần gieo thêm hạt giống. Nếu chúng ta muốn có mối quan hệ gần gũi với Chúa thì chúng ta cần để thêm thì giờ với Ngài.

Cháu gái tôi hiện giờ là 10 tuổi. Mới đây cháu hỏi tôi là làm sao cháu có thể để thì giờ với Chúa vì cháu quá bận bịu chuyện học hành và có nhiều hoạt động khác. Tôi nghĩ câu hỏi này rất hay. Cháu nghĩ là cháu hiện giờ đang bận; tôi không thể tưởng tượng là cháu nghĩ rằng đời sống cháu không còn chút thời gian nào. Thực tế là cháu có một tật rất xấu đó là hay mệt mỏi vào buổi sáng và cháu muốn chiến thắng thói quen này, nên tôi nói cháu là hãy ra khỏi giường và để năm phút cầu nguyện với Chúa. Tôi nghĩ năm phút là tốt cho cháu lúc đầu và nếu bạn chưa có được thói quen quan trọng này thì có lẽ đây là lúc tốt nhất bạn nên bắt đầu. Bắt đầu làm một việc nho nhỏ nào đó còn hơn là không làm gì hết.

Chúng ta cần Chúa và chúng ta không tốt đẹp gì nếu không có Ngài. Ngài phán, “Nếu con tìm kiếm Ta, con sẽ gặp Ta” (Giê-rê-mi 29:13). Ngài chờ chúng ta kêu cầu Ngài và nói chuyện với Ngài về mọi khía cạnh trong đời sống. Ngài muốn nghe chúng ta nói chúng ta cần Ngài, yêu mến Ngài và Ngài là thiết yếu trong đời sống chúng ta.

Đặt Ưu Tiên Trước

Làm sao chúng ta mong là đời sống chúng ta ổn thỏa nếu chúng ta không biết cách đặt ưu tiên điều nào trước, điều nào sau? Suốt nhiều năm tôi đã cố xếp Chúa hợp với thời gian biểu của tôi, và ma quỷ khiến cho tôi thấy lúc nào cũng không đủ thời gian. Mỗi đêm tôi thấy mình có tội vì tôi cứ thấy mình không có thì giờ với Chúa, và lúc nào tôi cũng tự hứa với bản thân rằng hôm sau tôi sẽ thay đổi, nhưng buồn thay là nó cứ lặp lại như hôm trước. Tôi có ý tốt nhưng sự chần chừ cứ níu kéo tôi. Trước đây tôi cứ nghĩ tôi còn làm thêm một việc nữa rồi tôi mới có thì giờ với Chúa. Lúc đó đời sống và chức vụ tôi không ổn lắm. Tôi thất vọng hết việc này đến việc khác và cảm thấy mình không tiến triển gì hết. Tôi biết ơn khi nói rằng cuối cùng Chúa cũng giúp tôi, và tôi học được cách để lên thời gian biểu đặt Chúa hàng đầu, thay vì cố gắng bắt Ngài hợp với thời gian biểu của tôi.

Chúa Giê-su nói về điều này rất rõ:

Những ai đang nhọc mệt và nặng gánh ưu tư, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các con được nghỉ ngơi.[8]

Giải pháp cho vấn đề của tôi rất đơn giản và vấn đề của bạn cũng vậy. Hãy chạy đến với Chúa Giê-su. Điều trước tiên là để thì giờ mỗi ngày thông công với Cha thiên thượng Đấng yêu thương bạn và muốn can dự vào mọi việc bạn làm. Có thể bạn không dành nhiều thì giờ với Chúa vào buổi sáng, nhưng không dành cho Ngài một chút thì giờ nào cũng là một bi kịch và tủi nhục. Chúng ta nên dâng cho Ngài nhiều thì giờ mỗi ngày, nhưng khi nào bạn làm việc này là tùy bạn. Chúng ta có thể làm việc này vào buổi trưa hay buổi tối, nhưng xin đừng bỏ qua Ngài. Lối sống của tôi là dù tôi có lên thời gian biểu của tôi như thế nào thì tôi cũng để những thì giờ đầu tiên vào buổi sáng cho Chúa, nhưng tôi không thể nói với bạn là bạn nên sắp xếp đời sống thuộc linh của bạn như thế nào. Nhưng tôi sẽ nói điều tôi tin và có Kinh Thánh chứng minh đó là tìm kiếm Chúa lúc sáng sớm là khôn ngoan. Dù bạn không để nhiều thì giờ với Chúa ngay khi bạn thức dậy, thì ít ra bạn nên để thì giờ thưa với Chúa, “Chào Chúa. Con yêu mến Ngài. Cảm ơn Ngài về mọi sự Ngài làm cho con. Con cần Ngài. Xin hãy giúp con hôm nay”.

Từ sáng sớm, con đà lên tiếng, trình bày khẩn nguyện và đợi chờ.[9]

Mary Magdalene là người đầu tiên gặp Chúa Giê-su sau khi Ngài sống lại, nhưng bà cũng là người đến mộ lúc sáng sớm (John 20:1). Các môn đồ khác vẫn còn ngủ trên giường nhưng Mary thức dậy sớm và đi tìm Chúa của mình.

Tôi rất cần nhận sự giúp đỡ từ Chúa, và việc đọc câu Kinh Thánh sau đây làm hướng đi cho cuộc đời tôi thật là một sự giúp đỡ lạ lùng của Chúa

Thượng Đế ngự giữa thành đô, nên nó không hề rúng động, vừa rạng đông, nó được Ngài bảo vệ.[10]

Tôi có thể trích nhiều câu Kinh Thánh khác để chứng minh quan điểm của tôi, nhưng tôi nghĩ bạn hiểu được những gì tôi đang nói. Liên quan đến Chúa thì khẩu hiệu của chúng ta là càng sớm, càng tốt. Thật ra, nguyên tắc càng sớm, càng tốt nên áp dụng cho nhiều lĩnh vực trong đời sống.

Một lời khuyên mà tôi thấy ích lợi là đừng không làm gì chỉ vì bạn có quá nhiều việc để làm. Nếu bạn muốn có thói quen để thì giờ với Chúa thì hãy bắt đầu để ít thì giờ rồi sau đó tăng dần. Đôi khi chúng ta thất bại vì chúng ta ôm đồm quá nhiều hoặc là chúng ta bắt chước kinh nghiệm của những người đã theo Chúa nhiều năm.

Tôi tin là Chúa không đếm chúng ta để mấy phút hay mấy giờ với Ngài, và cá nhân tôi đã không còn tin như thế lâu lắm rồi. Nếu tôi để nhiều giờ với Chúa và tôi ghi chép lại đầy đủ thì tôi có nguy cơ là kiêu ngạo, còn nếu tôi để không đủ thì giờ với Chúa thì tôi cảm thấy bị định tội. Như thế thì hoặc là kiêu ngạo hoặc là bị định tội cũng không giúp gì được mối quan hệ của tôi với Chúa. Mỗi ngày tôi để thì giờ bao nhiêu là tùy tôi cảm thấy cần thiết. Theo tôi chuyện này cũng giống việc ăn uống. Tôi ngừng ăn khi tôi no, và đôi lúc thì tôi cần phải ăn thêm.

Tôi không muốn đưa ra cho bạn một luật lệ để theo; tôi chỉ muốn khích lệ bạn có được thói quen đặt Chúa trước tiên trong mọi việc bạn làm. Nếu bạn tìm kiếm Nước Ngài trước tiên thì Ngài sẽ thêm mọi điều khác bạn cần (Mathew 6:33).

Hãy Có Thói Quen Thánh Thiện

Tôi có thói quen tin kính, và tôi cho bạn biết đây là thói quen quan trọng nhất. Lời Chúa dạy rằng không có Ngài chúng ta không thể làm gì được; vì thế đặt ưu tiên để có được thói quen đặt Ngài trước hết là điều hợp lý. Có lẽ bạn đã hình thành một số thói quen tốt trong đời sống của bạn rồi, nếu vậy thì đây là lúc nên bắt đầu hình thành thói quen này. Thật ra, tôi muốn khích lệ bạn hãy vượt qua mọi trở ngại và giữ sự khắng khít với Chúa luôn.

Hãy đặt Ngài trước hết mọi sự khác. Nếu không có sự dẫn dắt và sự hiện diện của Ngài, chúng ta không thể làm gì được. Nếu tôi cố gắng bắt đầu một ngày mà không tìm kiếm Chúa, tôi cảm thấy giống như một người bắt đầu một ngày mà không có đường hay cà phê. Tôi “nghiện” Chúa rồi! Tôi đã phí nhiều năm tháng không đặt Chúa đầu tiên và khi ngẫm nghĩ lại, đó là những năm tháng bất hạnh nhất đời tôi. Chúa và nhiều phúc lành đi đôi với nhau, nên nếu chúng ta muốn có một đời sống tốt đẹp, chúng ta phải có thói quen thánh thiện.

Trong thời luật pháp Cựu ước, khi dân Y-sơ-ra-ên ra trận, họ phải đảm bảo là rương giao ước mang sự hiện diện của Chúa phải đi trước. Nhờ vậy mà dân Y-sơ-ra-ên thắng trận. Tuy nhiên có lúc vua David cố đặt rương trên xe cộ và cho bò kéo rương phía sau. Hậu quả thật thảm thương (1Sử-kí 13). Thông điệp ở đây thật rõ ràng: Nếu đặt Chúa trước tiên thì chúng ta sẽ thành người chiến thắng trong đời, nhưng nếu không đặt Ngài trước thì không có lý do gì để mong mọi chuyện đều ổn thỏa. Nhà truyền giáo Billy Graham nói, “Thiên đàng đầy dẫy câu trả lời mà không ai bận tâm để hỏi.” Hãy bắt đầu cầu xin và nhận lãnh để niềm vui của bạn được trọn vẹn (John 16:24).

Tạ ơn Chúa bây giờ chúng ta là rương giao ước hay nhà của Chúa. Ngài sống trong lòng của những ai tin nơi Chúa Giê-su. Chúng ta không cần phải tìm Ngài, vì Ngài luôn ở gần. Chúng ta cần để tâm tới Ngài. Tôi sẽ thấy khó chịu nếu tôi ở nhà ai mà họ không thèm để tâm gì đến tôi và tôi nghĩ Chúa cũng không thích vậy.

Tôi ngạc nhiên là Chúa chọn biến tấm lòng của chúng ta thành nơi ngự của Ngài. Thật lạ một ý tưởng tuyệt vời và là một vinh dự lớn lao, vì thế chúng ta nên phát triển thói quen nói chuyện với Chúa luôn. Nếu bạn quá thiêng liêng vấn đề cầu nguyện thì bạn có nguy cơ là không nguyện cầu gì cả. Hãy nhớ cầu nguyện chỉ đơn giản là nói chuyện với Chúa, thờ phượng Chúa, ngợi khen Chúa và cảm tạ Chúa luôn luôn.

Thói Quen Đọc Lời Chúa

Không thể nào phát triển thói quen thánh thiện nếu chúng ta không phát triển thói quen đọc Lời Chúa. Chúa và Lời Ngài luôn nối kết nhau. Chúa Giê-su là Ngôi Lời trở thành xác thịt ngự giữa chúng ta.

Chúa Cứu Thế đã mang lấy hình hài thể xác con người, sinh hoạt giữa chúng ta, đầy tràn ân phúc và chân lý.[11]

Chúng ta không thể biết Chúa nếu không có Lời Ngài, nên chúng ta phải dâng mình học Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa và biến Lời Chúa thành cơ sở cho mọi việc chúng ta làm. Lời Chúa là chân lí và nó chỉ cho chúng ta con đường mà chúng ta muốn đi. Thi thiên 119 có 176 câu, đều dạy cho chúng ta tầm quan trọng của việc lắng nghe, suy gẫm, yêu thích, đón nhận và vâng theo Lời Chúa.

Tôi đã giấu Lời Chúa trong lòng để tôi không phạm tội cùng Ngài.[12]

Con đã tìm được nguồn hạnh phúc, khi nghiêm chỉnh theo Lời vàng ngọc.[13]

Con yêu mến Lời Ngài vô hạn, suốt ngày đêm suy gẫm không thôi.[14]

Học Lời Chúa có thể trở thành một thói quen như cách chúng ta hình thành các thói quen tốt khác. Lúc đầu chúng ta cần nỗ lực và duy trì nó cho đến khi nó trở thành một thói quen đều đặn trong đời sống chúng ta. Sau đó việc này sẽ thành thói quen mà chúng ta không cần phải nỗ lực nhiều nữa. Bạn có thể bắt đầu cam kết đọc Lời Chúa (Kinh Thánh) 15 phút mỗi ngày. Hãy làm việc này suốt hai tuần và sau đó tăng thêm vài phút mỗi tuần cho đến khi bạn đạt mục tiêu mà bạn ước ao. Sau một thời gian bạn không cần phải đặt ra một thời gian nữa vì bạn phải kỷ luật để ngưng việc để đọc Kinh Thánh còn không bạn sẽ làm việc khác.

Tôi đề nghị bạn nên mang theo sổ ghi chép hay máy tính, và khi bạn đọc hay sau khi bạn đọc xong, hãy ghi chú những bài học nào bạn học được qua việc đọc đó. Việc này giúp chúng ta giữ lại những kiến thức chúng ta thu nhận được. Bạn sẽ được ích lợi hơn khi bạn suy nghĩ (suy gẫm) những gì bạn đã học suốt cả ngày hôm đó hoặc là nói chuyện với ai đó về những gì bạn học được. Bạn cũng có thể nói ra lớn tiếng những gì bạn học được trong những lúc bạn ở một mình để giúp bạn càng nhận thức sâu sắc hơn và nhớ lâu hơn.

Môi tôi sẽ công bố mọi phán quyết từ miệng Ngài phán ra.[15]

Hãy bắt đầu đọc phân đoạn Kinh Thánh nào bạn hiểu được. Nhiều người cảm thấy Kinh Thánh Tân ước dễ hiểu hơn Cựu ước. Thường thì người ta đề nghị đọc sách tin lành Giăng trước. Các sách Thi thiên và Châm Ngôn cũng rất thực tế và dễ hiểu nên có thể đọc trước. Sau một thời gian bạn có thể học thêm nhiều sách khác và hiểu được toàn bộ Lời Chúa.

Qua việc hiểu biết Lời Chúa mà bạn học để biết rõ Chúa. Bạn sẽ học được bản tính và đường lối của Ngài, và bạn sẽ học biết Ngài yêu mến bạn rất nhiều và Ngài có một kế hoạch kỳ diệu cho cuộc đời bạn.

Một khi Lời Chúa được trồng sâu trong tấm lòng bạn, nó sẽ cung cấp cho bạn hướng đi khi bạn rơi vào những tình huống mà bạn cần khôn ngoan.

Tôi đã đi nhóm và tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của tôi nhiều năm rồi tôi mới cam kết học hỏi Lời Chúa. Thành thật mà nói những năm tháng ấy tôi không tăng trưởng gì nhiều trong đời sống tâm linh. Tôi hay khốn khổ, thất vọng và cư xử không hợp với tư cách của một Cơ đốc nhân. Lời Chúa là lương thực thuộc linh và nếu không có nó, chúng ta không thể tăng trưởng và trở nên mạnh mẽ trong Ngài.

Hãy bắt đầu phát triển thói quen đọc Lời Chúa và để nó trở thành một phần quan trọng của thói quen thánh thiện của bạn.

Hãy Coi Chừng “Ngăn Tôn Giáo”

Xin đừng chia đời sống bạn thành hai ngăn: ngăn tôn giáo và ngăn thế tục. Bạn không thể xếp Chúa vào một ngăn rồi cứ sống quãng thời gian còn lại không có Ngài. Trong nhiều năm tôi cũng có một “ngăn tôn giáo”. Tôi đi nhà thờ vào Chủ nhật. Thỉnh thoảng tôi đọc một chương Kinh Thánh vào buổi tối như bổn phận và rồi nói vài lời cầu nguyện ngắn ngủi và chung chung. Nên không lạ gì đời sống tôi bị trì trệ. Như tôi đã nói, lúc đó tôi là một Cơ đốc nhân khốn khổ, bất hạnh, thất vọng và không thỏa mãn. Vâng, lúc đó tôi cho mình là Cơ đốc nhân. Tôi có tin Chúa và tiếp nhận Chúa Giê-su là Cứu Chúa của tôi. Tôi hiểu ơn cứu rỗi chỉ nhờ ân sủng mà thôi và tôi thật sự ăn năn về tội lỗi của tôi. Nhưng vấn đề của tôi lúc đó là tôi chỉ mời Chúa vô đời sống mình vào sáng Chủ nhật và vào lúc có việc khẩn cấp. Tôi không có thói quen đọc Lời Chúa hay thói quen để thì giờ với Chúa. Tôi rất buồn, nhưng có lẽ Chúa lúc đó buồn hơn vì Ngài quan sát thấy tôi khốn khổ trong khi Ngài sẵn cứu giúp nếu tôi cầu xin. Tôi thật đau khổ vì tôi không để cho Chúa kiểm soát toàn bộ đời tôi. Nhưng khi tôi để thì giờ đọc Lời Ngài thì mọi thứ trong đời tôi đều thay đổi cách tốt đẹp.

“Anh em không có vì anh em không cầu xin” (James 4:2). Hãy bắt đầu nói chuyện với Chúa về mọi việc bạn làm. Hãy mời Ngài vào mọi hoạt động của bạn và nếu những việc bạn làm và chỗ bạn đang làm không hài lòng Chúa thì hãy ngưng lại.

Bây giờ bạn có lẽ phải chậm lại vì bạn biết rằng bạn phải thay đổi lối sống của bạn. Nhưng những điều nào mà bạn còn bám víu thì chính là những điều cướp đi sự bình an và niềm vui của bạn, nên hãy nói lời “tạm biệt’ với nó và đón nhận kế hoạch của Chúa dành cho đời bạn.

Nếu bạn phát triển thói quen đặt Chúa trước hết trong mọi sự và mời Ngài bước vào mọi việc bạn làm thì nhiều thói quen xấu của bạn sẽ tự động được thay thế bởi những thói quen tốt.

Chúng ta càng để thì giờ với Chúa, chúng ta càng giống Ngài. Kinh Thánh nói khi ta học Lời Chúa, ta được biến đổi theo ảnh tượng của Ngài, từ mức độ vinh hiển này đến mức độ vinh hiển khác (2Corinthians 3:18). Chúng ta thấy một quy luật tăng trưởng từ từ vận hành qua câu Kinh Thánh này. Nếu chúng ta siêng năng tìm kiếm Ngài, chậm mà chắc chúng ta sẽ trở thành con người tốt đẹp hơn.

Cầu nguyện không thay đổi vấn đề, nó đổi thay chúng ta. Cầu nguyện không phải là một bổn phận, mà là một đặc quyền. Hãy xem việc để thì giờ với Chúa là một thói quen đang thành hình, nên bắt đầu ngay hôm nay!