Đăng vào: 12 tháng trước
Chương 4: Bỏ Thói Quen Xấu
Tôi đoán bạn mua cuốn sách này vì bạn có những thói quen xấu mà bạn muốn bỏ. Có lẽ bạn đã thử nhiều lần nhưng vẫn thất bại và bạn mong là tôi cho bạn một công thức để thành công. Tôi nghĩ tôi có thể cho bạn một vài lời khuyên hay, nhưng điều trước tiên bạn phải làm là tự hỏi mình: bạn có thật sự nghiêm túc muốn bỏ thói quen đó không. Tôi không đưa ra công thức “thần kỳ” ba bước sẽ đổi đời bạn trong chốt lát. Nhưng tôi hứa với bạn rằng bạn không cần phải sống nô lệ cho bất kỳ tật xấu nào nếu bạn muốn được tự do.
Tôi bắt đầu chương này bằng cách nói thật. Bỏ tật xấu cần một sự kết ước lâu dài, cần đầu tư thời gian, cần nhiều nỗ lực và cần sự sẵn sàng chấp nhận khó chịu đang khi bạn chuyển từ nô lệ đến tự do. Nếu bạn không sẵn sàng làm chuyện đó thì tôi nghi là tôi không thể giúp gì bạn được. Bỏ một tật xấu có thể giống như bỏ người bạn trai xấu mà lạm dụng chúng ta. Chúng ta biết việc chấm dứt với anh ta là điều nên làm, nhưng chúng ta lại nhớ nhung anh ta dẫu biết rằng gần gũi anh ta là mình bị tổn thương. Chúng ta phải học bước theo sự khôn ngoan của Chúa và làm những gì chúng ta biết là sẽ ích lợi cho chúng ta về lâu về dài, chứ không làm theo những gì mà chúng ta cảm thấy thoải mái cả về thể xác lẫn cảm xúc ngay lúc đó. Bỏ tật xấu chắc chắn không dễ, nhưng có Chúa giúp chúng ta có thể làm được.
Một trong những vấn đề chúng ta đối diện trong xã hội ngày nay là chúng ta có nhiều thứ quá dễ nên chúng ta mau chán. Chúng ta có khuynh hướng muốn mọi thứ dễ dãi, nhưng Chúa ban ơn và trang bị cho chúng ta để làm những việc khó. Chúng ta có thể làm được mọi việc nhờ Chúa. Ngài là sức mạnh của chúng ta. Sự thật thì nếu thứ gì mà không trả giá thì nó không có giá trị gì. Nếu bỏ tật xấu có thể làm được mà không cần có sự cam kết hay nỗ lực gì thì sự tự do chúng ta có được không có giá trị để chúng ta duy trì.
Tôi tin đây là những bước cụ thể bạn nên thực hiện khi bạn chuẩn bị bỏ một tật xấu. Trước hết, hãy cẩn thận nói về thói quen mà bạn muốn bỏ. Ngay từ lúc bạn bắt đầu hành trình tiến tới tự do thì tôi xin bạn đừng nói, “Tật này khó bỏ quá; tôi không chắc là tôi có bỏ được không”. Bạn càng nói nó khó thì nó càng khó bỏ. Đừng có gặp bạn bè và kể lể rằng bạn cố gắng bỏ tật xấu này nọ và sao khó bỏ quá. Thật ra, tôi quan niệm rằng bạn tốt hơn hết là không nói gì cả. Hãy giữ mục tiêu giữa bạn với Chúa hoặc chỉ nói cho hai ba người bạn hay người thân trong nhà nào bạn tin tưởng mà muốn cầu nguyện cho bạn và khích lệ bạn. Tôi muốn nhấn mạnh điểm này để đảm bảo rằng bạn không đọc lướt qua phần này và quên mất đi. Hãy cam kết không nói, “Việc này khó quá. Tôi không chắc là bỏ được không”. Hãy nói lời nào giúp ích bạn, chứ không phải nói điều gì cản trở bạn. Hãy nói, “Tôi có thể bỏ được nó nhờ Chúa giúp đỡ”.
Chúa Giê-su đã làm một việc khó bằng cách hy sinh mạng sống Ngài cho chúng ta, và Ngài không nói, “Việc này khó quá”. Ngài đã làm việc này qua sự cầu nguyện, liên tục nhờ cậy Đức Chúa Trời, và giữ vững cam kết làm theo ý muốn Chúa. Vì niềm vui nhận được giải thưởng đặt trước mặt Ngài, Ngài chịu đựng thập tự giá (Hebrews 12:2). Khi bạn chuẩn bị bỏ tật xấu, hãy nghĩ đến phần thưởng mà bạn sẽ nhận được. Con người chúng ta được thúc đẩy bởi phần thưởng, và Chúa chắc chắn là Đấng ban thưởng cho ai siêng năng. Khi bạn mệt mỏi không muốn tranh chiến với những ham muốn xấu, hãy nghĩ đến lúc tật xấu đó bỏ được và hình thành được tính tốt.
Số tật xấu mà chúng ta nói đến thì vô số kể, và dù tôi có nói đến bao nhiêu thì cũng không đủ, nhưng câu trả lời cho các thói quen này thì giống nhau. Có lẽ bạn muốn bỏ hút thuốc lá hay giảm cân hay tật phê bình người khác. Bạn có lẽ phải xử lí những tật nghiêm trọng hơn như nghiện rượu, nghiện cờ bạc, nghiện ma túy, nghiện tranh ảnh khiêu dâm hay rối loạn ăn uống. Dù là nghiện gì đi nữa cũng không quan trọng, điều quan trọng là bạn biết rằng Thượng Đế yêu thương bạn vô điều kiện và Chúa Giê-su đến để tiêu diệt công việc của ma quỷ, để giải phóng những kẻ bị nô lệ và ban cho chúng ta sự sống mà chúng ta vui hưởng.
Mọi sự đều có thể được với Chúa, nên dù tật xấu của bạn là ăn ngọt nhiều quá hay nghiện thuốc thì Chúa có thể và muốn giải cứu bạn. Tôi nhận ra rằng bỏ thói quen uống tám lon nước ngọt mỗi ngày không khó cho bằng bỏ nghiện ma túy. Vấn đề không giống nhau, nhưng Chúa thì giống nhau và Ngài có đủ sức đáp ứng bất kỳ nhu cầu nào của bạn.
Tin
Nếu bạn muốn bỏ một tật xấu, bạn phải tin là bạn bỏ được. Nếu bạn cố bỏ nó đang lúc đầu óc và lời nói của bạn đầy dẫy nghi ngờ và vô tín thì bạn không thể kinh nghiệm sự chiến thắng. Dù bạn đã thử hàng ngàn lần trước đó mà vẫn chưa thành công, hãy tin là lần này sẽ thay đổi.
Chúa Giê-su bảo các môn đệ của Ngài rằng nếu họ chỉ tin thì họ sẽ thấy vinh quang của Chúa (John 11:40). Dù bạn đã có những tháng ngày thất bại, hãy cứ tin. Tôi nghĩ làm điều này sẽ khiến cho ma quỷ nổi giận khi chúng ta cứ nói, “Tôi tin Chúa đang hành động và tôi sẽ được tự do”.
Tin Lời Chúa hơn là tin cảm giác của bạn và học để nói những gì Chúa nói về bạn và đời sống bạn. Lời Chúa nói chúng ta đã chết đối với tội lỗi và mối liên hệ của chúng ta với tội lỗi đã bị cắt đứt (Romans 6:2) và chúng ta hiện sống cho Chúa, sống trong mối quan hệ liên tục với Ngài (Romans 6:11). Xét về mặt thuộc linh, điều này có nghĩa là bạn đã được tự do khỏi mọi thói quen xấu, và bạn chỉ cần tin điều đó và bắt đầu đón nhận sự tự do Chúa Giê-su đã mua cho bạn qua sự chết và sự sống lại của Ngài. Chúng ta có thể không cảm nhận như thế, nhưng đây là điều Lời Chúa nói. Kinh Thánh cũng nói thêm rằng chúng ta phải kể (xem) mình chết đối với tội lỗi và mối liên hệ của chúng ta với tội lỗi đã bị cắt đứt (Romans 6:11). Bạn nghĩ về bản thân như thế nào? Có phải lúc nào bạn cũng thấy mình là một người vẫn còn bị nô lệ cho tật xấu hay là bạn bước đi bởi đức tin và tin rằng bạn sẽ được tự do.
Bạn nghĩ như thế nào về vấn đề bạn đang gặp phải hay về tật xấu mà bạn muốn bỏ là điều quan trọng, vì suy nghĩ sẽ thêm “nhiên liệu” cho hành động. Bạn có thể kiểm soát suy nghĩ của bạn và đừng bao giờ nghĩ bất kỳ tật xấu nào còn lại trong đời sống bạn. Hãy cứ suy nghĩ, “Tôi làm được việc này nhờ Chúa giúp.” Hãy nhớ các chuyên gia nói cần 30 ngày để hình thành hay bỏ đi một thói quen, và nếu bạn làm một lần mỗi ngày thì chuyện này không khó lắm.
Tôi hiểu nguyên tắc tin trước khi thấy có thể làm cho lý trí bạn không hiểu nổi, nhưng đây là công thức thành công của Chúa. Ở thế gian này chúng ta chỉ chịu tin sau khi chúng ta thấy và có bằng cớ, nhưng trong Nước Chúa chúng ta tin trước mà không cần bất kỳ bằng cớ tự nhiên nào và sau đó chúng ta mới thấy kết quả. Tin trước và rồi sẽ kinh nghiệm sự tự do. Tin Lời Chúa và rồi kết quả sẽ đến.
Đến giờ thì đây là những điều bạn được khuyên để làm:
- Hãy bắt đầu một ngày mới với Chúa – xin Ngài ban sức mạnh và sự hướng dẫn ngay từ lúc sáng sớm.
- Hãy cam kết và chuẩn bị chịu cực một thời gian nếu cần thiết.
- Hãy cẩn trọng những lời bạn nói về thói quen.
- Hãy suy nghĩ những ý tưởng tích cực, đầy đức tin về hành trình đổi mới của bạn.
- Hãy tin ngay cả khi bạn chưa thấy kết quả.
Điều gì xui khiến bạn ?
Hãy kiểm tra bản thân và xem thử điều gì xui khiến bạn lại cư xử theo cách mà bạn không muốn. Có phải do bị chán nản hay một số cảm xúc khiến bạn nhiễm tật xấu? Bạn cư xử như thế khi bạn cảm thấy chán phải không? Bạn có làm vậy khi bạn cô đơn không? Bạn có làm thế mỗi sáng không?
Chẳng hạn, bạn có thể không bị cám dỗ ăn kem và bắp rang lúc 10 giờ sáng, nhưng bạn lại bị cám dỗ ăn nó vào mỗi tối khi bạn xem tivi. Có phải tật xấu đó liên hệ đến các hoạt động khác mà bạn làm không? Con gái tôi là Laura thích uống Pepsi không đường. Cháu thường uống nước ngọt này, nhưng tôi để ý khi cháu thất vọng hay quá mệt mỏi thì cháu khăng khăng đòi, “Hôm nay con phải uống Pepsi không đường!” Đây là thức uống cháu thích. Thỉnh thoảng uống Pepsi không đường thì không có vấn đề gì, nhưng nếu thói quen của bạn là cờ bạc hay nghiện ngập khi bạn cảm thấy thất vọng hay chán nản thì đây là vấn đề nghiêm trọng. Hãy xin Chúa cho bạn xem thử có liên hệ gì giữa thói quen của bạn và những thứ khác. Đôi khi hiểu được tại sao chúng ta làm việc đó là cánh cửa đến sự tự do.
Hãy xem thử bạn có phát hiện thấy có mắt xích nào không, và nếu bạn phát hiện ra được, việc này sẽ giúp bạn tránh được thói quen bằng cách cắt đứt những mắt xích đó. Ít ra thì hiểu được sự liên hệ này sẽ giúp bạn chuẩn bị chu đáo hơn để chống cự cơn cám dỗ. Nếu bạn có khuynh hướng ăn quá nhiều khi bạn chán nản, bạn hoặc là để mình rơi vào chán nản hoặc là bạn tìm thấy một thói quen lành mạnh hơn để lấp đầy thời gian của bạn thay vì ăn uống quá độ. Nếu bạn mua sắm khi bạn buồn như là một cách để tự an ủi mình thì việc nhận ra mắt xích này sẽ giúp bạn tìm ra phương cách của Kinh Thánh để xử lí nỗi buồn của bạn.
Tập Trung
Như tôi đã nói rồi, tốt hơn hết là xử lí mỗi lúc một thói quen, nhưng tôi cần nhấn mạnh điểm này. Chúng ta thảy đều bị cám dỗ cố xử lí mọi vấn đề trong chốc lát, nhưng chuyện này không thể làm được. Bất kỳ tật xấu nào bạn đã nhiễm từ từ thì nó cũng phải được bỏ từ từ. Sự tập trung là điều quan trọng. Nó cho phép chúng ta dồn mọi năng lực vào một việc, thay vì phân tán ra nhiều việc. Tính thiếu kiên nhẫn thôi thúc chúng ta muốn chiến thắng cùng một lúc, nhưng thành công đến qua đức tin và lòng kiên nhẫn. Giả sử bạn phát hiện có ba tật xấu mà bạn nghiêm túc muốn được giải thoát. Nếu bỏ một tật mất 30 ngày thì phải mất đến 90 ngày thì bạn mới được tự do khỏi ba tật xấu này, ít ra là như vậy. Hãy nhớ, thói quen hình thành qua sự lặp lại, và bỏ những thói quen này cũng qua sự lặp lại. Nếu bạn làm việc gì đó lặp lại nhiều lần thì nó trở thành một phần con người của bạn và bạn sẽ làm một cách vô thức như là một thói quen. Nếu ta không làm việc nào đó lặp lại nhiều lần thì nó sẽ mất đi, và tới lúc nào đó nó không còn trở thành một phần con người của ta nữa.
Những ai bị béo phì cần tập trung vào những gì họ ăn. Tôi để ý những người béo phì có khuynh hướng ăn không suy nghĩ. Nếu họ đi ngang qua bàn làm việc của một cộng sự và thấy có một dĩa bánh kẹo để đó cho mọi người dùng, họ sẽ theo thói quen lấy một cái cho vào miệng mà không suy nghĩ gì. Tôi bị béo phì thời nhỏ và những năm tháng thời thiếu nữ, nhưng kể từ đó tôi hình thành nhiều thói quen ăn uống lành mạnh, một trong những thói quen tốt đó là không bao giờ ăn thứ gì mà không ý thức là tôi đang ăn gì và ước tính lượng ca-lo-ri nó mang lại. Tôi ăn gì cũng được nếu tôi muốn, nhưng tôi phải nhận thức là tôi đang ăn món ấy và nghĩ đến việc tôi sẽ ăn gì trong cả ngày đó.
Phần lớn những người béo phì đều ăn nhiều thứ suốt cả ngày mà họ thậm chí không nhớ là họ đã ăn gì; sau đó họ hối hận vì họ cảm thấy họ không ăn bớt lại để giảm cân. Nếu bạn có vấn đề trong lĩnh vực này thì tôi đề nghị bạn hãy ghi lại mọi món ăn nào bạn cho vô miệng khoảng một tuần lễ. Đây là cách giúp bạn kiểm tra thực tế. Chúng ta rất dễ tự dối mình trừ khi chúng ta để tâm vào những gì chúng ta đang làm. Nếu bạn muốn bỏ thói quen ăn nhiều, bạn phải tập trung về nó ít nhất 30 ngày. Tôi đảm bảo là bạn sẽ thấy nhiều điều bạn làm sẽ mang lại sự thay đổi trong việc giảm cân. Tôi biết có một phụ nữ đã bỏ được thói quen uống một ly sữa thật lớn hàng đêm trước khi cô ta đi ngủ. Sau một thời gian cô giảm được hơn 7 kí.
Nếu bạn muốn bỏ tật bừa bãi, bạn cần tập trung vào việc giữ cho đồ đạc ngăn nắp và trật tự. Vài lần trong ngày hãy chủ ý nhìn quanh không gian của bạn (nhà cửa, bàn làm việc, xe hơi, và vân vân). Nếu thấy nó bừa bãi hay lộn xộn, hãy để vài phút dọn dẹp ngăn nắp lại. Hãy hình thành thói quen sắp xếp mọi vật vào chỗ cũ. Một lời khuyên cần nhớ là “lấy chỗ nào để lại chỗ đó”.
Priscilla cứ bỏ quên chìa khóa hoài. Việc này nghe không có gì để nói nhưng tật xấu này kéo theo nhiều tật khác – như trễ hẹn. Tại sao? Bởi vì cô phải mất công tìm chìa khóa trong khi đáng lí cô đã ra khỏi nhà rồi. Cuối cùng cô để một cái hộp ngay cửa trước và quyết định bỏ chìa khóa vào cái hộp ngay khi cô bước vô nhà. Thật dễ dàng và việc này giải quyết hai vấn đề cùng một lúc. Thà làm một việc nào đó liên tục hơn là dồn lại cho đến khi quá tải. Hãy giải quyết rốt ráo một tật xấu cho đến khi bạn chiến thắng và rồi bạn xử lí tật xấu khác, trong lúc đó vẫn duy trì được sự chiến thắng mà bạn đã đạt được.
Một điều giúp chúng ta tập trung là giữ nó ngay trước mặt chúng ta để nhắc nhở chúng ta những gì cần làm hay không làm. Bạn sẽ uống nhiều nước nếu bạn để nước ngay trước mặt bạn luôn luôn. Hãy viết lên một miếng giấy nhỏ và để chỗ nào bạn nhìn thấy nó. Nếu bạn đang cố gắng bỏ tật trễ nải, hãy để cái đồng hồ ngay trước mặt bạn hay để chuông báo thức nhắc bạn khi bạn chuẩn bị đi làm.
Chúng ta cũng có thể tập trung bằng cách để nó tránh xa chúng ta. Một phụ nữ muốn bỏ hút thuốc đã ném tất cả cái gạt tàn thuốc ra khỏi nhà cô. Nếu bạn muốn chấm dứt việc xem tivi quá nhiều, hãy giấu cái rơ-moóc xa phòng của bạn. Có lẽ bạn mệt mỏi muốn đổi kênh nên bạn quyết định làm việc khác. Và ngay cả nếu bạn phải đi lấy rơ-moóc thì bạn sẽ hoạt động đôi chút. Cái đĩa đựng bánh kẹo có thể dùng vào việc khác hơn là đựng bánh kẹo; bạn có thể để vào đĩa món đậu phụng hay thứ khác.
Cuối cùng, đừng nổi giận với bản thân chỉ vì bạn quên mất những điều tốt đẹp bạn nên làm. Đừng cảm thấy mình ngu xuẩn nếu bạn phải ghi lại trên miếng giấy nhỏ để nhắc bạn làm việc nào đó. Hãy phát huy tối đa những gì cần thiết để giúp bạn tập trung vào những gì bạn muốn hoàn thành.
Thoát Khỏi Lối Mòn
Đôi khi việc này sẽ giúp chúng ta bỏ được tật xấu nếu chúng ta nhận thức ra rằng nó thật nguy hại nếu cứ làm như thế. Tôi thấy khó hình thành thói quen dùng chỉ nha khoa vệ sinh răng mỗi ngày cho dù các nha sĩ đã khuyên tôi nên làm nhiều năm rồi. Sự thật thì tôi không muốn để thời gian làm việc này và tôi nghĩ rằng tôi ổn rồi. Lúc đó tôi quá bận, nhưng rốt cuộc tôi phải để thì giờ làm việc này. Năm nay tôi đi khám răng nha sĩ khoảng 20 lần. Tôi bị hư răng và tổng cộng 17 cái răng của tôi cần làm lại. Tôi có quá nhiều răng hư nên phải thay răng giả. Sau khi đi khám hết các nha sĩ tôi mới được thuyết phục là phải bắt đầu dùng chỉ làm vệ sinh răng và làm nhiều điều khác mà nha sĩ khuyên tôi làm. Bạn thấy đó, nhận thức được hậu quả do không làm đã cho tôi cái ham thích làm. Vấn đề cốt lõi không nằm ở chỗ không dùng chỉ nha khoa mà là tật xấu đó gây ra nhiều vấn đề khác.
Tony chia sẻ là em của anh là một nha sĩ và nói nhiều lần với anh rằng anh cần chải răng hai lần mỗi ngày. Anh thú nhận rằng răng miệng anh thơm tho hơn khi anh làm vậy vì thế anh đến cửa hàng Costco và mua hàng chục hộp chỉ nha khoa. Anh để nó trong phòng tắm, trong xe hơi, trên bàn làm việc, tại chỗ anh xem tivi và trong túi tập thể thao và tại phòng giặt ủi. Anh để chỉ khắp nơi để anh nhớ dùng nó. Bây giờ thì anh để ở hai nơi vì anh đã có thói quen dùng chỉ nha khoa. Anh có được thói quen tốt và nó giúp anh không phải chịu đau đớn sau này.
Cách đây nhiều năm tại Mỹ đường sá gồ ghề nên người ta hay để bảng hướng dẫn như thế này, “Hãy tránh con đường gồ ghề này còn không quí vị sẽ mất nhiều thời gian”. Nếu bạn không muốn lặp đi lặp lại tật xấu 10 năm tới, hãy bắt đầu ra khỏi lối mòn ngay bây giờ.
Tôi đoan chắc là một người bị ung thư phổi do hút thuốc lá đều ước gì họ quyết tâm bỏ thuốc lá trước đây. Một người đánh mất gia đình do cờ bạc hay nghiện ngập đều ước ao là anh sẵn sàng chịu vật vả để từ bỏ. Bạn thấy đó, nếu chúng ta không trả giá để được giải thoát thì chúng ta sẽ trả giá để làm nô lệ. Cách nào cũng trả giá vì quy luật của Chúa cho biết chúng ta gieo gì gặt nấy. Dù bạn có tật xấu gì đi nữa, hãy để một ít thời gian và suy nghĩ đến hậu quả lâu dài nếu cứ tiếp tục như thế. Chính điều đó thúc đẩy bạn xử lí nó ngay bây giờ.
Nào chúng ta hãy xem thêm một số điều mà tôi đề nghị bạn làm nếu bạn muốn bỏ một tật xấu:
- Hãy cam kết và sẵn sàng chịu khó một thời gian nếu cần thiết.
- Hãy cẩn trọng về những gì bạn nói về tật xấu đó.
- Hãy suy nghĩ những ý tưởng tích cực, đầy đức tin về hành trình giải thoát của bạn.
- Hãy tin, dù bạn chưa thấy kết quả.
- Hãy nghĩ đến những phép ứng xử khác mà liên hệ đến tật xấu của bạn và phá vỡ mắt xích đó.
- Hãy tập trung vào một thói quen mà bạn muốn thay đổi bây giờ.
- Hãy tra xét những nguy hại nếu cứ giữ tật xấu đó.
Chúc mừng bạn bỏ được tật xấu! Bạn đang thay đổi và tôi tin bạn sẽ thành công.