Chương 12: Phép Ứng Xử 9: Thói Quen Rộng Lượng

Thói Quen: Chọn Tốt Bỏ Xấu

Đăng vào: 1 năm trước

.

Chương 12: Phép Ứng Xử 9: Thói Quen Rộng Lượng

Phúc lành cho người hay ban ơn và cho mượn, là người điều hành công việc mình một cách công bình.[28]

Không Kèm Theo Điều Kiện

Một thói quen xấu khác mà chúng ta muốn bỏ là thói quen ích kỷ và vị kỷ, và cách tốt nhất để làm việc này là hình thành thói quen rộng lượng. Sự rộng lượng làm cho tâm hồn người đó trở nên cao đẹp. Chúa rất rộng lượng, và tất cả những ai muốn giống Ngài phải học để rộng lượng. Có lần tôi nghe rằng khi chúng ta càng dâng, chúng ta càng giống Chúa hơn trước đây.

Khi một điều gì đó thành thói quen thì thường chúng ta sẽ cảm thấy thiếu nếu chúng ta không làm. Chúng ta nên có thói quen rộng lượng ăn sâu đến độ chúng ta thật sự khao khát có cơ hội làm nhiều việc cho người khác. Chúng ta có thể có và hình thành thói quen rộng lượng. Điều này có nghĩa là chúng ta chọn làm nhiều hơn yêu cầu, và luôn luôn làm càng nhiều càng tốt. Chúng ta không nên làm mẫu người là chỉ làm những gì buộc phải làm, và thậm chí là làm mà than phiền và trách móc. Chúa hài lòng với một người có tấm lòng sẵn lòng và rộng lượng. Ngài thích một người ban cho vui vẻ (2Corinthians 9:7).

Tôi không thấy vui vẻ cho lắm khi ai đó làm một việc gì đó cho tôi mà tôi cảm nhận là họ bực bội làm. Thái độ như thế sẽ làm hỏng mọi chuyện và tôi nghĩ thà họ không làm thì hơn. Cha tôi không phải là người rộng lượng. Thật ra, tôi không nhớ ông đã làm gì cho ai trừ khi có liên hệ tới ông. Ông cứ nói với tôi nhiều lần rằng không ai thật sự quan tâm tới người khác, và mọi người đều muốn lợi cho mình. Tôi đoan chắc ông tin chuyện đó vì đó là cách ông sống, nhưng thật buồn biết bao nếu cả đời bạn sống với thái độ như thế. Mỗi lần cha tôi làm điều gì đó cho ai thì luôn luôn là ông phải được một điều gì đó trở lại. Sự thật thì ban cho kiểu đó thì không phải cho ban gì cả. Khi một người cho với thái độ kiểu đó thì thực tế là họ đang mua bán đổi chác. Chúng ta thường nghe rằng chúng ta nên cho mà không kèm theo điều kiện, nghĩa là “thi ân bất cầu báo”. Chúng ta nên ban cho cách rộng lượng, đừng mong gì từ người chúng ta cho, mà biết rằng Chúa sẽ ban phước và thưởng cho người rộng lượng.

Người nhân hậu làm ích cho bản thân, kẻ tàn nhẫn lại làm hại chính mình.[29]

Tôi vẫn còn nhớ tôi rất ghét chuyện cha tôi cho tôi đi xem phim hay mượn xe hơi của ông nhưng ông làm tôi cảm thấy có tội khi làm thế. Lúc đó thật là một cảm giác kinh khủng, và tôi không muốn khiến ai có cảm giác như vậy. Tôi tin chúng ta không thật sự rộng lượng trừ khi chúng ta giúp với tấm lòng sẵn sàng. Ban cho lúc đầu có thể là một sự kỷ luật, nhưng nó sẽ phát triển thành một ước muốn. Chúng ta có thể học ban cho vì chúng ta thấy vui vẻ khi làm vậy.

Tinh thần rộng lượng khiến một người ban cho khi mà dường như thật phi lí khi làm thế. Sứ đồ Paul nói về sự rộng lượng của cộng đồng tại Macedonia. Dù họ đang gặp thử thách trầm trọng và gặp cảnh túng thiếu vô cùng, nhưng họ có niềm vui ngập tràn trong sự rộng lượng dư dật. Họ ban cho theo khả năng của họ và thậm chí vượt quá khả năng của họ (họ thấy thoải mái trong chuyện này) (2Corinthians 8:2-3). Chỉ cần đọc về những con người này khiến tôi ngưỡng mộ họ và muốn giống họ. Chúng ta được lôi cuốn đến những người rộng lượng, và chúng ta tự động tránh xa sớm những người bủn xỉn keo kiệt.

Rộng Lượng Là Giải Pháp Cho Lòng Tham

Tham lam trở thành một vấn đề trầm trọng trong xã hội thời nay. Tôi biết trước đây nó cũng là vấn đề nhưng ngày nay tham lam tràn lan và thành một vấn đề trầm trọng. Tham lam khiến một người không bao giờ thỏa mãn hay không bao giờ biết ơn cho dù họ sở hữu bao nhiêu đi nữa. Sứ đồ Paul cho biết ông đã học cách để thỏa lòng dù ông có nhiều hay có ít (Philippians 4:12). Bài học đó là một bài học giá trị cho mọi người ngày nay.

Tham lam cướp đi sự sống của người tham lam, vì người đó không bao giờ thỏa mãn. Người tham lam không thể hưởng những gì họ có vì họ không bao giờ thật sự thỏa lòng. Khao khát một điều gì đó thì không có gì sai. Chúa hoặc là đặt để hoặc là ban cho chúng ta khả năng để tạo ra nhiều điều tốt đẹp và hữu dụng, và tôi tin Ngài muốn con cái Ngài hưởng thụ những thứ này. Nhưng Ngài muốn chúng ta hưởng thụ với thái độ đúng đắn. Thái độ đó phải là thái độ biết ơn, thỏa lòng và sẵn sàng rộng lượng ban cho người khác.

Chúng ta phải chống lại sự tham lam, và cách tốt nhất tôi biết nên làm là hãy phát triển thói quen rộng lượng. Tham lam là một vấn đề trầm trọng mà Lời Chúa dạy chúng ta không nên giao du với những người được biết là phạm tội tham lam. Tại sao Ngài nói điều này? Tôi tin ấy là vì tham lam là một linh gian ác, và Chúa không muốn chúng ta bị linh này ảnh hưởng. Chúa muốn chúng ta phát huy lòng rộng lượng, chứ không phải tính tham lam. Chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh, đặc biệt nếu chúng ta giao du gần gũi với họ. Nếu bạn muốn thành một người rộng lượng, hãy làm bạn với những người rộng lượng. Hãy quan sát cách họ sống và học theo tấm gương của họ.

Tôi nghĩ đến một số người mà tôi thường đi ăn chung, lúc nào họ cũng rất thân thiện, đầy khích lệ và tử tế với mọi nhân viên trong nhà hàng. Họ có một thái độ tốt ngay cả món ăn mang ra không đúng y như họ mong đợi, và họ cho tiền bo rất rời rộng. Thái độ của họ chính là thái độ rộng lượng. Gần gũi họ làm cho bữa ăn càng thêm ngon, và tôi được thách thức về cách cư xử lúc nào cũng rộng lượng của họ. Chọn bạn chơi sẽ khiến bạn thành người tốt hơn. Dĩ nhiên, chúng ta muốn nhắm đến những người cần chúng ta làm gương cho họ, nhưng nếu chúng ta cứ gần gũi những người này mà thôi thì không tốt chút nào.

Hãy Chủ Ý Rộng Lượng

Người mà không có thói quen rộng lượng có thể ép mình rộng lượng một thời gian, nhưng tôi đảm bảo là sau một thời gian họ sẽ thích rộng lượng. Hãy quyết định trở thành nguồn phước cho người khác nhiều hơn, và hãy bắt đầu tìm kiếm cơ hội. Khi bạn nghe một người thiếu thốn, đừng nghĩ, “Ai đó nên giúp họ”, mà lại không hỏi Chúa có phải bạn là “ai đó” mà Ngài muốn dùng.

Tôi thích ban cho qua nhiều cách, và tôi biết nhiều người cũng cảm nhận tương tự. Chúng ta lúc đầu không sống theo cách đó nhưng chúng ta học từ từ qua việc thông công với Chúa và qua việc học Lời Ngài. Tôi cũng chịu ảnh hưởng bởi những người rộng lượng đã làm gương cho tôi. Lúc đầu, tôi có chủ ý bày tỏ rộng lượng, nhưng về lâu về dài tôi yêu thích nó. Một phụ tá điều hành của tôi nói cô trước đây là người keo kiệt nhất, nhưng bây giờ cô là người ban cho rời rộng và tích cực. Cô nói bài học đổi đời và hay nhất mà cô học được từ sự giảng dạy của tôi là ban cho. Được biến đổi từ keo kiệt đến rộng lượng, cô phải bắt đầu bày tỏ sự rộng lượng có chủ ý.

Các con của chúng tôi đã nói với nhà tôi và tôi rằng một điều hay nhất mà chúng tôi dạy chúng là ban cho. Hãy học để rộng lượng và dạy điều này cho người khác. Nếu tâm linh bạn đồng ý với những gì bạn đang đọc đây về sự rộng lượng nhưng bạn biết bạn không phải là một người rộng lượng thì bạn có thể trở thành người đó. Hãy cầu nguyện và xin Chúa giúp đỡ, và sau đó hãy làm điều gì đó cho người khác cho đến khi nó trở thành một thói quen.

Đừng nghĩ rằng bạn phải có nhiều tiền mới rộng lượng được. Có thể bày tỏ rộng lượng dù bạn có nhiều hay ít. Nếu bạn chia sẻ những gì mình có một cách rời rộng cho người khác thì bạn là một người rộng lượng. Bạn có thể chia sẻ thức ăn, giúp người ta một tay, tiếp đãi khách ở nhà bạn, hoặc bạn tặng quà cho người bạn. Tôi thích tặng quà cho người ta, nhưng những điều này không phải là cách duy nhất để ban cho.

Điều mấu chốt là chúng ta phải để sự dư dật chảy từ chúng ta đến người khác. Tính tham lam làm tôi run sợ vì tôi tin nó rất dễ kiểm soát bất kỳ ai nếu họ không chống lại nó. Khi Chúa bắt đầu chúc phước chúng ta, giữ lại cho mình là điều sau cùng chúng ta mới nghĩ tới. Khi phước tuôn đổ trên chúng ta, đó là lúc hãy tiến lên để trở thành nguồn phước cho người khác.

Ta sẽ làm cho con thành một nước lớn. Ta sẽ ban phước lành cho con và làm nổi danh con và con sẽ thành một nguồn phước.[30]

Chúa bảo ông Abraham rằng Ngài muốn chúc phước dư dật cho ông, nhưng lời hứa đi kèm với lời chỉ dẫn trở thành nguồn phúc cho người khác. Nếu chúng ta thành người “giữ của” và chúng ta không để nó chảy qua chúng ta, chúng ta sẽ thành một cái “ao tù”. Chúng ta có những thứ căn bản để giúp người khác, nhưng chúng ta không chịu để nó tuôn ra. Người khác không chỉ bị tước đoạt đi phúc lành đó nếu chúng ta keo kiệt hay tham lam, mà chúng ta cũng sống bất hạnh luôn. Có phải bạn đang sở hữu của cải hay của cải “sở hữu” bạn? Bạn có thể dùng tài sản của bạn để trở thành nguồn phúc không? Chúa là Đấng ban cho, và nếu chúng ta muốn hưởng cuộc sống và hoàn tất mục đích của chúng ta, thì chúng ta phải trở thành người ban cho.

Có sự khác biệt giữa người thỉnh thoảng ban cho và một người hay ban cho. Khi một người thỉnh thoảng ban cho, họ làm như bổn phận, nhưng khi họ trở thành người ban cho thì đó là con người của họ. Ban cho đã trở thành một thói quen, và đó là một phần trong cá tính của họ. Họ không cần phải được thuyết phục để ban cho, họ không bực bội khi ban cho hay thầm ước ao là họ không bị buộc phải làm, nhưng trái lại họ thích ban cho và luôn ngóng trông có cách nào để ban cho.

Đây là chỗ bạn nên dừng lại một lát và kiểm tra thực tế. Đây là lúc thử nghiệm thật sự. Bạn có phải là người ban cho rộng lượng không? Bạn có ban cho hết sức mình theo nhiều cách, hay là bạn vẫn còn khăng khăng «giữ của» do sợ hãi, cố chắt chiu để lo cho bản thân mình trước hết? Nếu bạn biết trong lòng rằng bạn không phải là một người rộng lượng, đừng cảm thấy có tội, nhưng hãy bắt đầu phát triển thói quen bày tỏ rộng lượng.

Lên Kế Hoạch

Cần những bước nào để bạn hình thành thói quen tuyệt vời này? Trước tiên tôi đề nghị bạn hãy lên kế hoạch. Mỗi ngày hãy đếm người nào bạn có thể chúc phước và cách nào để bạn chúc phước họ. Bạn càng nghĩ về người khác, bạn càng bớt tập trung vào bản thân và vấn đề của mình. Tôi phát hiện trong nhiều năm rằng tôi càng bớt nghĩ về mình thì tôi càng hạnh phúc hơn.

Hãy nghĩ đến những người gần gũi bạn hôm nay, và rồi hãy nghĩ đến nhu cầu của họ là gì. Có lẽ họ cần sự khích lệ, họ cần nói chuyện và bạn có thể chúc phước cho họ bằng cách lắng nghe họ nói. Có lẽ họ cần tài chính và bạn có thể tặng họ phiếu mua hàng trả trước tại siêu thị hay phiếu đổ xăng trả trước. Có vô số cách để chúc phước cho người ta nếu chúng ta để tâm đến. Nếu bạn không biết họ cần gì thì hãy bắt đầu lắng nghe họ thì chẳng bao lâu bạn sẽ nghe họ nói đến điều họ thiếu. Một người có thể nói, “Mới đây tôi quá thất vọng”, và đó là cơ hội để bạn khích lệ họ. Hoặc khi nói chuyện họ có thể nói, “Tôi thật sự cần một vài bộ quần áo mới, nhưng tôi phải chờ thôi”, bạn nên nghĩ đến việc mua cho họ một vài bộ quần áo mới. Nếu họ cùng cỡ với bạn thì bạn hãy cho vài bộ quần áo của bạn. Có dạo tôi lên một danh sách những điều người ta nói về nhu cầu của họ và dù tôi không giúp họ ngay, nhưng tôi ghi nhận trong danh sách của tôi và sau này tôi giúp khi điều kiện cho phép. Hãy học lắng nghe.

Một điều nữa chúng ta có thể làm là kiểm tra lại mình có cái gì mà mình không dùng và hãy ban cho những thứ này đi. Luôn luôn có những người thật sự thiếu thốn hay ước ao những thứ mà chúng ta có mà chưa dùng tới. Khẩu hiệu của tôi, “Dùng nó còn không sẽ mất nó”.

Chúng ta không cần phải biết rõ một người mới trở thành nguồn phúc cho họ. Nếu chúng ta quyết định trở thành nguồn phúc mọi nơi chúng ta đến, điều này phải gồm cả người xa lạ. Tôi phát hiện ra rằng người ta sẽ cảm thấy thoải mái khi tôi hỏi tên họ lúc họ giúp tôi tại cửa hàng hay tại nhà hàng. Người ta cần cảm thấy rằng chúng ta thật sự quan tâm đến họ như một cá thể riêng biệt.

Hãy lên kế hoạch mỉm cười nữa. Bạn có thể bắt đầu bằng một mục tiêu như, “Tôi muốn mỉm cười ít nhất mỗi ngày một lần” – nghĩa là tôi trở thành nguồn phúc rồi. Khi bạn đạt mục tiêu đó liên tục, hãy thêm mục tiêu là cười hai ba lần mỗi ngày. Chẳng mấy chốc sự rộng lượng trở thành một lối sống.

Hãy sáng tạo và xin Chúa chỉ cho bạn cách để có thể chúc phước cho người khác. Bạn càng rộng lượng, bạn càng được phước trong chính đời sống bạn. Hãy làm việc này vì vinh hiển Chúa và vâng lời Ngài. Chúng ta không thể ban cho vượt quá điều Chúa ban cho. Ngài nói nếu chúng ta ban cho, người ta sẽ cho lại chúng ta, nhận xuống, lắc đều và đổ tràn ra (Luke 6:38) . Cuối cùng bạn sẽ không bao giờ thiếu nếu bạn là người ban cho rộng lượng; rốt cuộc bạn sẽ thịnh vượng trong mọi việc bạn làm.

Rộng lượng không chỉ ban cho bản thân, tiền bạc và của cải. Nó cũng liên hệ đến cách chúng ta cư xử với người khác. Người có lòng rộng lượng sẽ kiên nhẫn với điểm yếu của người khác, nhanh tha thứ và chậm giận. Họ luôn luôn tin điều tốt nhất nơi người khác. Họ lắng nghe khi người khác bị tổn thương và tìm cách an ủi hay bày tỏ lòng quan tâm. Họ cũng khích lệ, gây dựng và nâng đỡ người khác. Họ khích lệ người khác làm điều đúng nhưng thường không nói đến những việc sai của người ta. Nếu tôi phải chọn giữa hai, tôi thà có ai đó cho tôi nhiều điều khác hơn là đãi tôi một bữa ăn trưa.

Tạo Vật Có Thói Quen

Chúng ta là những tạo vật có thói quen, nhưng thói quen xấu có thể bỏ được và nó có thể được thay thế bởi thói quen tốt. Như tôi đã nói rồi, tôi tin nếu chúng ta tập trung vào việc hình thành thói quen tốt. Thói quen xấu sẽ không có chỗ “tác nghiệp” trong đời sống chúng ta. Chúng ta có thể hình thành thói quen của một người rộng lượng liên tục hướng đến người khác để giúp cho đời sống họ tốt đẹp hơn, và khi làm thế thói quen xấu mà chúng ta có trước đây sẽ không có chỗ trong chúng ta. Tôi nhìn nhận rằng trước đây tôi là một người rất ích kỷ, vị kỷ. Chúng ta không cần phải học ích kỷ. Chúng ta sinh ra là đã ích kỷ rồi. Cảm tạ Chúa là qua sự đổi đời trong Chúa Giê-su, chúng ta có thể đổi tính. Chúa Giê-su chết để chúng ta không còn sống cho bản thân nữa (2Corinthians 5:15). Đó là tin tốt! Chúng ta có thể thoát khỏi tính ích kỷ. Chúng ta có thể thoát khỏi lối suy nghĩ in trí sẵn, “Còn tôi thì sao?” Chúng ta không cần phải sợ rằng nhu cầu của chúng ta không được đáp ứng, vì Chúa luôn luôn chăm sóc nhu cầu chúng ta khi chúng ta bận rộn chăm sóc nhu cầu của người khác.