Đăng vào: 12 tháng trước
Chương 14: Phép Ứng Xử 11: Thói Quen Cảm Xúc
Chúng ta thảy đều có cảm xúc, và chúng ta không bao giờ biết được khi nào nó biến mất hay xuất hiện, nhưng chúng ta không cần phải để nó kiểm soát chúng ta. Chúng ta có thể kiểm soát cảm xúc và bỏ những thói quen cảm xúc nào làm hại cả chính chúng ta lẫn người khác. Một số thói quen cảm xúc tai hại đó là tự thương hại, chán nản và thất vọng hay buồn rầu cũng như để hoàn cảnh định đoạt xúc cảm chúng ta. Có người thì mau giận, mau nổi cáu và dễ bị tổn thương, và họ hành động dựa trên cảm xúc rất phi thực tế và thiếu suy nghĩ. Có hàng trăm kiểu cảm xúc khác nhau, nhưng đây là một số cảm xúc mà chúng ta hay gặp phải.
Tự Thương Hại
Thói quen cảm thấy tự thương hại cho mình là điều mà tôi gọi là thói quen xấu. Nhìn thấy một người đầy sự thương hại thì không hấp dẫn chút nào. Ai cũng thấy mệt mỏi. Tôi biết một phụ nữ rất dễ thương và tử tế trọn cả đời và bà thích làm việc gì đó giúp người khác. Nhưng tới độ tuổi 87 bà không thể sống một mình được nữa nên bà buộc phải dọn đến sống trong viện dưỡng lão. Viện dưỡng lão là nơi lí tưởng nhất trong phố, và nhân viên ở đó rất tốt. Bà được chăm sóc rất tử tế, được ăn ngon, con cái bà chi trả mọi chi phí cho bà, nhưng bà để cho cảm xúc tự thương hại bắt đầu kiểm soát đời sống bà. Bà lằm bằm và bắt lỗi đủ điều. Bà hay nói rằng mọi người không hiểu cho việc bà đã bỏ hết cơ ngơi và buộc phải sống nhờ vào người khác.
Vấn đề trở nên trầm trọng đến độ nhiều người sợ không dám đến thăm bà, và nhân viên cũng ngại mỗi khi bà nhấn chuông gắn bên ngoài phòng bà, ám chỉ bà cần giúp đỡ.
Cứ nghĩ về bao điều nhiễu nhương trong đời rốt cuộc khiến cho bà nổi giận và bất mãn, và buồn thay bác sĩ phải cho bà uống thuốc an thần để trấn an bà và để cho nhân viên chăm sóc bà. Tôi thật sự tin rằng nếu bà sống tích cực và biết ơn, bà chắc có lẽ kinh nghiệm niềm vui. Bà quá tự thương hại đến độ bà không chịu ra khỏi phòng để thăm các bạn già khác hay sang phòng ăn, phòng nhóm hay phòng tập cho người già. Đối với tôi, đây là một gương điển hình cho thấy cứ biểu lộ những cảm xúc tiêu cực như thế sẽ hủy hoại cuộc đời và các mối quan hệ của chúng ta. Bà này đáng lí phải chọn cách bà phản ứng với giai đoạn mới trong đời bà, nhưng đằng này bà đã chọn sai lầm và điều đó khiến bà sống những năm tháng bất hạnh mà đáng lí ra bà có thể tránh được cách dễ dàng.
Một vấn đề trầm trọng trong những năm tháng đầu đời của tôi là tự thương hại. Quả là một cảm xúc đã tôi cho phép kiểm soát tôi phần lớn thời gian. Khi tôi không nhận được thứ tôi muốn hay gặp khó khăn hay có vấn đề, phản ứng đầu tiên của tôi là cảm thấy thương hại cho bản thân. Tôi đã bị lạm dụng từ hồi nhỏ và lấy phải người chồng đầu không chung thủy và không biết sao tôi lại rơi vào lối suy nghĩ sai lầm rằng tôi có quyền tự thương hại cho bản thân mình. Tôi nghĩ sau khi tôi chịu đựng những chuyện như thế thì đến lúc tôi sẽ có đời sống dễ chịu và được tự do theo ý mình, và khi chuyện đó không xảy ra tôi lại chìm ngập trong sự tự thương hại. Tôi nhớ khi Chúa nói với lòng tôi: “Joyce, con có lí do để tự thương hại cho mình, nhưng con không có quyền làm điều đó vì Ta sẵn sàng và chờ đợi để đem sự chính trực và phần thưởng cho đời sống con”. Khi chúng ta cho phép mình là nạn nhân, nó sẽ đe dọa tương lai chúng ta. Dù chúng ta có một khởi đầu nghèo khổ như thế nào, hay hiện giờ chúng chúng ta gặp phải nhiều chuyện không may, nhưng Chúa luôn bù đắp cho chúng ta và ban phúc gấp đôi để bù lại khó khăn trước đây nếu chúng ta sẵn lòng làm theo cách của Ngài. Cách của Ngài thì không phải là tự thương hại và kèm theo tất cả những cảm xúc tiêu cực. Tôi phải bỏ đi thói quen tự thương hại, và bạn cũng cần làm tương tự nếu đó là vấn đề đối với bạn. Tự thương hại sẽ giam hãm bạn và khiến bạn chỉ nghĩ về mình mà thôi, và cái tôi của bạn không phải là cái tôi hạnh phúc. Lúc đó bạn trở thành “cuống rốn” của vũ trụ. Chúa đã tỏ cho tôi rằng tự thương hại là thờ ngẫu tượng, vì khi chúng ta cứ hướng về nội tâm, chúng ta đang tập trung làm hài lòng bản thân thay vì tập trung vào Chúa.
Tự thương hại là cái chết mà không được sống lại, là hố sâu mà không bàn tay nào giải cứu được vì bạn muốn chìm xuống.
Elizabeth Elliot
Chúng ta không thể nhận sự cứu giúp của Chúa hay của con người cho đến khi chúng ta quyết định bỏ tật xấu đó là ngụp lặn trong sự tự thương hại khi chúng ta gặp những thất vọng trong đời.
Cũng như với bất kỳ tật xấu nào, cách để thắng sự tự thương hại là nhận ra nó và biết rằng nó làm hại bạn và không làm đẹp lòng Chúa. Sau đó bạn phải xưng nó như là một tội, hãy ăn năn và xin sự tha thứ và nhờ Chúa giúp để mà thay đổi. Hãy học nhận ra những dấu hiệu cho thấy bạn đang ngụp lặn trong sự tự thương hại và hãy nói, “Không được, tôi sẽ không rơi vào chốn tối tăm này nữa”. Tự thương hại là phí thời gian, và nó khiến chúng ta cảm thấy khó chịu. Nó cản trở sự giúp đỡ của Chúa, khiến chúng ta không hài lòng và cướp đi niềm vui cũng như bình an của chúng ta.
Nếu bạn bắt đầu ngụp lặn trong sự tự thương hại thì hãy nghĩ về các phúc lành. Hãy viết ra và nói lớn tiếng các phúc lành này. Hãy đi thăm ai đó hay gọi cho ai đó bất hạnh hơn bạn. Hãy ra khỏi nhà và giúp đỡ ai đó, nhưng dù bạn làm gì, đừng lún sâu vào sự tự thương hại nữa. Nếu bạn có chỗ ở, có cơm ăn và có áo mặc, bạn giàu hơn một nửa dân số trên thế giới. Nếu chúng ta sánh mình với những người có vẻ là giàu hơn chúng ta thì chúng ta sẽ cảm thấy mình kém may mắn. Hãy phát triển thói quen không để cảm xúc như tự thương hại kiểm soát bạn.
Kiểm Soát Cơn Giận
Hãy kìm hãm cơn nóng nảy, giận cuồng, sự nóng giận chỉ xui con làm ác.[32]
Giận là một triệu chứng – cái tôi bệnh hoạn. Chúng ta rất dễ nổi giận và mất bình tĩnh khi chúng ta không nhận được điều chúng ta muốn, nhưng chúng ta có thể phát triển thói quen duy trì bình an và không cho phép cảm xúc kiểm soát chúng ta. Thái độ cho “cái tôi” là số một có thể trở thành một việc làm chiếm hết thời gian, nhưng cái giá bạn phải trả là nỗi thất vọng vào cuối tuần. Rốt cuộc tôi nhận ra rằng tôi càng chú tâm vào cái tôi, tôi càng bất hạnh. Tôi tin con đường duy nhất đến hạnh phúc đích thật là quên bản thân và sống làm nguồn phúc cho tha nhân. Chúa luôn mang niềm vui đến cho chúng ta nếu chúng ta bước theo sự hướng dẫn của Ngài cho một đời sống hạnh phúc.
Kinh Thánh dạy rõ ràng chúng ta phải kiểm soát tính khí của chúng ta. Có lẽ bạn nghĩ rằng bạn không thể làm được chuyện đó, nhưng sự thật thì đó là tính khí của bạn và chỉ có bạn mới kiểm soát nó hay để cho nó kiểm soát bạn. Quyền lựa chọn thuộc về bạn. Tôi sinh trưởng trong một gia đình mà giận dữ và lộn xộn là bình thường. Cha tôi là một người vô cùng dễ nổi cáu. Ông dùng cơn giận của ông để kiểm soát người ta qua nổi sợ. Nên tôi hay nổi giận đến độ tôi không biết bình an là gì cho đến khi tôi chứng kiến bình an của Chúa thể hiện qua chồng tôi là Dave.
Giận Đúng Hay Giận Sai?
Giận đúng là giận thánh thiện, nhưng giận mà nhắm vào con người và sự vật trong đời sống chúng ta thì không đúng. Nếu chúng ta muốn giận, sao không nổi giận với tình trạng nghèo thiếu đến độ phải ra tay hành động? Hoặc hãy nổi giận với nạn buôn bán người đến độ bạn phải cầu nguyện và tham gia để giải cứu những con người bị nô lệ bởi thảm kịch này? Mới đây một nhóm các bác sĩ của chúng tôi có mặt tại một vùng đất trên thế giới nơi mà nạn buôn bán tình dục lan tràn, và do quá nghèo khổ nên mới có tình trạng này, nhiều bậc phụ huynh bán con mình để lấy 500 đô la để cứu đói cho gia đình. Họ lí luận rằng đứa con họ bán sẽ có miếng ăn và số tiền họ nhận sẽ lo cho những đứa con còn lại. Họ không hiểu rằng họ bán con họ cho một cuộc sống khốn khổ, bệnh hoạn và nô lệ. Thật biết ơn là chúng tôi thương lượng ngay với những tên buôn bán tại vùng đó để mua các em gái này lại – những em gái này đang bị tống vào một công-tơ-nơ để chuyển sang một nước khác nơi mà các em bị buộc làm gái điếm. Việc làm này tốn 3000 đô la nhưng xứng với đồng tiền bỏ ra để cứu các em khỏi một cuộc sống mà các em đang gặp phải. Chúng ta nên giận với thảm kịch này trong thế giới ngày nay, nhưng đó là cơn giận đúng khiến chúng ta ra tay hành động. Trước đây tôi đã phí phạm thời gian rất nhiều trong cơn giận sai, giận là vì tôi không nhận được mọi thứ tôi muốn, và bây giờ tôi không phí thời gian cho chuyện này nữa. Bạn có đạt đến chỗ đó chưa? Tôi hy vọng bạn đạt đến đó, và bạn bắt đầu kiểm soát được cơn giận thay vì để nó kiểm soát bạn.
Đành rằng có chuyện giận đúng, nhưng thường thì chúng ta không có cái này. Ngoài ra, giận đúng không khiến chúng ta gặp rắc rối. Cơn giận mà chúng ta thường cảm nhận đó là giận sai. Nó là cơn giận dẫn tới đau đớn và tổn hại không chỉ cho người khác mà còn cho chính chúng ta nữa.
Cảm xúc giận sai là căn bệnh đang chờ để bộc phát. Hay giận sẽ gây ra những căng thẳng không cần thiết cho chúng ta và nó là căn nguyên chính của nhiều chứng bệnh. Các bác sĩ từ Coral Gables, Floria, so sánh năng suất bơm máu trong tim của 18 người có bệnh về động mạch với 9 người khỏe mạnh. Mỗi người tham gia cuộc nghiên cứu đều trải qua trắc nghiệm về căng thẳng thể chất (cỡi xe đạp đua) và trắc nghiệm về tinh thần (làm phép toán, nhớ lại biến cố làm họ vô cùng giận và nói một bài thuyết trình ngắn để bảo vệ mình khỏi việc tăng giá phí đi thang máy). Dùng kỹ thuật chiếu tia X quang, các bác sĩ chụp hình từng quả tim của các đối tượng trong lúc làm bài trắc nghiệm này.
Đối với tất cả các đối tượng, giận dữ làm giảm lượng máu mà tim chuyển đến cơ thể nhiều hơn là các trắc nghiệm bình thường, và điều này đặc biệt đúng cho những ai bị bệnh tim.
Các bác sĩ làm thử nghiệm này gợi ý, “Tại sao giận là nguy hiểm hơn sợ hay căng thẳng thần kinh như người ta đoán. Nhưng cho tới khi chúng tôi nghiên cứu thêm về đề tài này thì chúng tôi thấy điều này đúng.”
Lời giải thích của Chúa cho việc “nổi giận” là hãy bình tĩnh (Exodus 14:14). Ngài đã ban cho chúng ta bình an của Ngài, nhưng chúng ta phải nắm giữ nó khi sự cám dỗ để mất bình tĩnh đang gần kề chúng ta. Tôi biết việc bỏ đi quyền kiểm soát của cảm xúc giận dữ sai và hưởng bình an của Chúa mọi lúc là điều khả thi.
Những Phản Ứng Thuộc Cảm Xúc
Chúng ta đã học được rằng những phép ứng xử khiến chúng ta phản ứng tự động với nhiều tình huống. Nó là những thói quen được hình thành qua nhiều năm do cứ lặp đi lặp lại. Khi chúng ta bực bội, chúng ta phản ứng một kiểu; khi chúng ta nản lòng, chúng ta phản ứng kiểu khác. Khi chúng ta bị tổn thương, chúng ta phản ứng hoàn toàn khác với lúc bị bực bội hay nản lòng. Chúa Giê-su trải qua tất cả những cảm xúc này, nhưng Ngài luôn phản ứng cùng một cách. Ngài tin cậy Thượng Đế và duy trì bình an. Chúng ta có thể làm điều tương tự được không? Được, chúng ta có thể làm! Hãy bắt đầu để ý cách mà bạn phản ứng trong mọi tình huống và ghi vào sổ những quan sát này. Chẳng bao lâu bạn sẽ nhận ra rằng bạn đang phản ứng với sự thôi thúc của cảm xúc thay vì chủ ý hành động theo lời dạy của Chúa trong Kinh Thánh. Bạn có thể phát triển thói quen mới đó là duy trì ổn định trong mọi hoàn cảnh.
Nếu tôi cảm thấy thương hại cho tôi và giận dữ khi ai làm chạm tự ái tôi, thì tôi phản ứng với cảm xúc sôi sục trong tôi. Làm thế là để nó kiểm soát đời sống tôi, và thế thì không hay tí nào. Tuy nhiên, nếu tôi tha thứ người ta, là điều Chúa Giê-su dạy chúng ta làm, thì Chúa kiểm soát đời sống tôi, và thế thì thật là tuyệt! Nếu chúng ta cho phép những gì người khác gây ra cho chúng ta và để hoàn cảnh đó kiểm soát phép ứng xử chúng ta, chúng ta sẽ làm nô lệ cho cảm xúc. Ngược lại, nếu chúng ta chịu để Lời Chúa và Thần Chúa dẫn dắt, chúng ta trở thành tôi tớ Chúa và mong ước hưởng cuộc sống cũng như mọi thứ mà Chúa đã hứa với chúng ta.
Những Tổn Thương Tình Cảm
Ai cũng bị tổn thương tình cảm trong đời sống, một số người thì bị nhiều hơn người khác. Chúng ta thảy đều phải học để không cho phép cảm xúc kiểm soát chúng ta, nhưng những người đã bị tổn thương tình cảm lâu năm có lẽ gặp khó khăn hơn. Nếu một người bị từ chối, bị ruồng bỏ hay bị lạm dụng thì có lẽ tình cảm của họ không còn ổn vì đã trải qua những bi kịch này. Nếu bạn không được yêu thương và đón nhận hoặc nếu bạn được dạy rằng bạn không có giá trị gì thì bạn sẽ được liệt vào hạng người mà Chúa gọi là kẻ có lòng tan vỡ. Nhưng tôi có tin mừng cho bạn. Chúa Giê-su đến để chữa lành kẻ có lòng tan vỡ, ban vẻ đẹp thay cho tro bụi, ban niềm vui thay cho sầu thảm, và ban áo ngợi khen thay vì lòng nặng nề. Ngài cũng đến hoán đổi cảnh lộn xộn thành an bình.
Tôi là người đón nhận sự chữa lành của Chúa suốt cả đời và tôi hy vọng bạn cũng vậy. Tuy nhiên, nếu bạn cần sự chữa lành như thế, tôi muốn đảm bảo là Chúa Giê-su đang chờ với cánh tay dang ra để mang lại sự hồi phục lạ lùng trong đời này. Nếu tình cảm bạn bị tổn thương, bạn đang có thói quen làm hại chính bạn.
Bạn có thấy ăn uống thoải mái khi bạn bị tổn thương hay bực bội không? Nhiều người có thói quen ăn nhiều hay chạy đến tủ lạnh để tìm an ủi thay vì chạy đến với Chúa.
Bạn có đi mua sắm và tiêu tiền vào những thứ vô bổ khi bạn bị tổn thương không? Nếu vậy, bạn đang mua sự an ủi. Bất kỳ niềm an ủi nào chúng ta nhận từ chính hành động xác thịt của chúng ta thì chỉ là cái lợi trước mắt mà thôi, nhưng những vết thương sâu xa mà cần đến sự chữa lành của Chúa thì vẫn còn bên trong chúng ta. Dù đó là việc ăn uống, mua sắm, cờ bạc, thuốc men, rượu chè hay bất kỳ phép ứng xử tai hại nào, Chúa có thể giải cứu bạn khỏi những vấn nạn này. Ngài là Chúa của tất cả sự chữa lành và an ủi. Ngài là Đấng giải thoát! Bước đầu tiên đến tự do là nhìn nhận sự thật về việc tại sao chúng ta làm những việc chúng ta đang làm và quyết định, nhờ Chúa giúp, rằng chúng ta sẽ không mãi sống trong cảnh nô lệ như thế.
Người ta làm đủ thứ chuyện khi họ bực bội hay cảm thấy tình cảm suy sụp. Những cảm xúc này gây ra căng thẳng và để tìm lối thoát, người ta thường nhiễm nhiều thói quen – tức những việc chúng ta hay làm mà không hề biết gì. Hãy học chạy đến với Chúa trong những lúc căng thẳng thay vì chạy đến những thói quen hay sự nghiện ngập mà bạn thường làm. Chúa Giê-su chỉ nói, “Hãy đến với Ta”.
Thói Quen Hay Thói Nghiện?
Khi nào thì một phép ứng xử tai hại thành thói quen và khi nào nó thành thói nghiện? Chúng ta có nhiều thói quen khác nhau kiểm soát ít nhiều chúng ta. Nhưng khi một thói quen tai hại bị đẩy quá đà, nó sẽ thành thói nghiện, một điều gì đó một người phải làm để cảm thấy tỉnh táo hay được thỏa mãn.
Khi tôi hút thuốc lá, tôi tự động tìm đến thuốc lá nhiều lần trong ngày, nhưng đặc biệt khi tôi rơi vào hoàn cảnh căng thẳng. Lúc đó tôi nghiện chất ni-cô-tin và tôi phải trải qua một thời kì khó chịu về thể xác, tinh thần và tình cảm để ngừng hút thuốc. Tôi không hề nói, “Tôi nghiện thuốc”. Tôi nói, “Tôi có tật xấu là hút thuốc lá”. Tôi tin người ta suy nghĩ là mình có tật xấu thì dễ chịu hơn là nói mình nghiện thứ gì. Vậy lúc đó tôi có tật xấu hay tôi bị nghiện? Tôi không biết chính xác khi nào thói quen trở thành thói nghiện, nhưng tôi nghĩ câu trả lời là giống nhau. Nếu thói quen thành thói nghiện thì tiến trình chữa lành sẽ khó khăn hơn, nhưng thật tệ hại khi nghĩ rằng một khi chúng ta nghiện thứ gì đó thì chúng ta vướng vào một vấn đề mà không thể bỏ được.
Những người nghiện cảm thấy họ không có chọn lựa nào khác khi hành xử. Họ nghĩ họ bị nghiện và buộc phải làm. Vậy khi chúng ta xem một thứ gì đó là một thói quen, chúng ta hay tin rằng thói quen xấu đó có thể bỏ được. Nhưng tôi đảm bảo với bạn là dù vấn đề của bạn thuộc loại nào đi nữa, bạn cũng có thể được tự do hoàn toàn.
Dù vấn đề của bạn là hay cắn móng tay hay nghiện ma túy, câu trả vẫn giống nhau: Chúa sẽ giúp bạn! Tôi không có ý nói là nó rất đơn giản, nhưng thực tế nó là vậy. Chúa là Đấng cứu giúp chúng ta! Việc bỏ những thói quen hay thói nghiện này có dễ dàng không? Không! Nhưng có bỏ được không? Bỏ được! Chắc chắn là được! Nếu bạn bị nghiện những cách cư xử nào tai hại thì bạn đang bị tổn hại và đau khổ, bạn cảm thấy bị mắc kẹt và bất lực, nhưng Chúa ban cho chúng ta hy vọng trong Ngài. Bạn sẽ trải qua những khổ ải đang khi học để từ bỏ những thói quen và thói nghiện này, nhưng cuối cùng sự chịu đựng đó sẽ mang lại niềm vui.
Khi bạn đang hứng chịu những triệu chứng do thay đổi những thói quen này, hãy luôn nhớ: SỰ CHỊU ĐỰNG SẼ ĐẾN HỒI KẾT THÚC!