Đăng vào: 1 năm trước
Chương 10: Phép Ứng Xử 7: Thói Quen Tối Ưu
Đến nỗi anh em biết quý chuộng những điều tuyệt hảo, giữ tâm hồn trong sạch và sống một cuộc đời hoàn toàn…[25]
Rất dễ để trở thành một người an phận. Điều bạn cần làm là đừng cố gắng thêm gì nữa và cứ sống cho qua ngày. Sống như thế thì đảm bảo là bạn sẽ chẳng để lại di sản gì sau khi bạn ra đi. Có lẽ bạn cũng không được ai lưu ý và không để dấu ấn gì bởi vì cũng có hàng triệu người khác cũng sống tầm thường như vậy. Nhưng nếu bạn dám hình thành thói quen tối ưu trong mọi việc bạn làm thì bạn sẽ tỏa sáng trong tối tăm và đó chính là điều mà Chúa kêu gọi bạn hình thành.
Chúa là tuyệt hảo (tối ưu) và chúng ta được tạo dựng theo ảnh tượng của Ngài; vì thế, nếu chúng ta muốn tận dụng hết tiềm năng của chúng ta trong Ngài, chúng ta phải chọn trở thành tối ưu. Chúa dự tính một kế hoạch tối ưu cho đời sống chúng ta, nhưng một người an phận, biếng nhác, và thỏa hiệp sẽ không sống trong sự ứng nghiệm của định mệnh tối ưu đó. Tất cả chúng ta đều phải chọn cách chúng ta sống, và tôi tin Chúa muốn dùng sách này để khích lệ bạn hãy chọn lựa nếu bạn chưa làm vậy. Nếu bạn đã quyết định trở thành tối ưu rồi thì hãy dùng sách này làm cơ hội để tái cam kết và cứ tiếp tục tiến bước.
Tối ưu được thể hiện qua việc bạn làm mọi công việc trong mọi tình huống một cách tốt nhất có thể được, nhưng không nhất thiết là toàn hảo. Tối ưu là một phẩm chất vô cùng quan trọng và là một mỹ đức cần đeo đuổi. Edwin Bliss nói, “Đeo đuổi tối ưu là điều mang lại sự thỏa lòng và lành mạnh. Còn đeo đuổi sự cầu toàn là điều mang lại sự thất vọng, sự căng thẳng và hoàn toàn phí thời gian”. Điều quan trọng là bạn thấy được sự khác biệt giữa phấn đấu đạt tối ưu và cố gắng đạt sự toàn hảo. Nếu bạn không phân biệt được, bạn sẽ thất vọng và cảm thấy thất bại trong những hành động của bạn.
Bạn có biết phần lớn người ta có thói quen chần chừ là những người theo chủ nghĩa cầu toàn không? Vì họ cảm thấy buộc phải làm một công việc toàn hảo và sợ rằng họ không thể đạt được, họ bỏ bê công việc. Chúng ta hay nghĩ rằng những người trì hoãn là biếng nhác, và có thể có một số người như vậy. Nhưng phần lớn là không biếng nhác, họ sợ không làm thỏa hết lòng mong đợi của người khác.
Điều kì diệu mà chúng ta cần nhận biết là con người vốn dĩ bất toàn và yếu đuối và chúng ta hiếm khi làm mọi việc cách toàn hảo và không mắc sai lầm. Đó là lí do Thượng Đế sai Con Ngài làm Đấng thay thế trọn vẹn cho chúng ta. Chúng ta nên có thái độ tối ưu và ước ao làm hết sức mình trong mọi tình huống, và rồi tin cậy Chúa làm những gì chúng ta không thể làm được. Tôi luôn luôn nói, «Hãy làm hết sức mình và tin cậy Chúa làm phần còn lại!» Nếu bạn làm điều bạn có thể làm, thì Chúa sẽ làm điều bạn không thể làm.
Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy trở nên trọn vẹn như Cha Thiên Thượng của chúng ta là trọn vẹn (Mathews 5:48). Khi lúc đầu tôi đọc câu Kinh Thánh đó, tôi cảm thấy bị áp lực vì tôi biết tôi không thể trọn vẹn. Nhưng tôi phát hiện ra khi đọc bản dịch Kinh Thánh The Amplified Bible từ trọn vẹn trong tiếng Hy Lạp nghĩa là tăng trưởng để có phẩm tính trưởng thành hoàn toàn. Chúa muốn chúng ta tăng trưởng liên tục và tiến triển, nhưng Ngài không bao giờ nổi giận với chúng ta bởi chúng ta chưa tới đích. Ngay cả sứ đồ Paul nói dù ông đang tiến bước đến đích hoàn hảo nhưng ông chưa tới nơi.
Nếu chúng ta thỏa hiệp, điều này có nghĩa là chúng ta không làm hết phận sự mà chúng ta biết là đúng và thích hợp, và để trở nên tối ưu nghĩa là phải làm hơn yêu cầu để hoàn thành nhiệm vụ. Điều này có nghĩa là “làm vượt yêu cầu”. Trước đây có một thời kỳ trong xã hội việc tối ưu là điều bình thường, nhưng ngày nay không còn nữa. Chính lòng tham con người lôi kéo chúng ta chọn số lượng thay vì chọn chất lượng, và điều này thật đáng buồn. Stephen R. Covey nói, “Làm nhiều việc nhanh chóng hơn cũng không thay thế cho việc làm một việc một cách đúng đắn”.
Khi chúng tôi xây nhà, chúng tôi thấy khó tìm một công ty nào cam kết đạt tối ưu. Khi họ không giữ đúng hẹn thì họ luôn bào chữa như vầy, “Chúng tôi quá bận nên làm không kịp và không thể làm xong nhà cho bà”. Nói cách khác, họ ôm đồm nhiều việc quá nên họ không thể giữ đúng hẹn, và trong quá trình làm việc họ làm không còn tối ưu nữa, kể cả giữ đúng lời hứa.
Hãy cam kết có thói quen tối ưu và làm cho xong cam kết của bạn thì nó sẽ mang lại phần thưởng. Sống tầm thường sẽ không làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái về bản thân hay những chọn lựa của chúng ta.
Giúp Đỡ Bản Thân
Nếu bạn muốn hình thành thói quen tối ưu, hãy phát triển một hệ thống giúp bạn ghi nhớ để vượt qua mức an nhàn. Rất dễ để hút bụi ở giữa phòng, nhưng hút bụi dưới chân bàn ghế thì đòi hỏi khéo léo (tối ưu). Đạt tới sự tối ưu lúc đầu không dễ dàng, nhưng cuối cùng nó trở thành một thói quen và bạn sẽ thấy khó chịu trừ khi bạn làm mọi việc một cách tốt nhất có thể được.
Tôi là người ủng hộ việc dán miếng giấy nhỏ để nhắc nhở chúng ta trong lúc chúng ta đang hình thành thói quen mới. Hãy dán một miếng giấy nhỏ ghi “TỐI ƯU” và dán chỗ nào mà bạn thường thấy nhiều lần trong ngày. Tôi cũng tin mạnh mẽ vào quyền năng của lời nói công bố để giúp chúng ta hình thành hình ảnh mới về bản thân, nên hãy cố gắng nói to lên ít nhất 10 lần mỗi ngày. “Tôi sẽ làm với sự tối ưu”. Hãy nói vậy một thời gian và nói thêm trong lời công bố của bạn “Tôi là một người tối ưu, tôi làm công việc của tôi một cách tối ưu, tôi chăm sóc bản thân tôi và mọi việc tôi có một cách tối ưu, tôi đối xử với người ta một cách tối ưu, tôi nghĩ những ý tưởng tối ưu, và tôi nói những lời tối ưu”. Những lời công bố như thế có lẽ lúc đầy hoàn toàn bởi đức tin khi bạn bắt đầu nói ra, nhưng nó sẽ giúp bạn không chỉ nhớ làm việc tối ưu mà nó còn thay đổi cách bạn nhìn bản thân. Một khi bạn thấy mình là người tối ưu, bạn sẽ không thấy mình tranh chiến làm việc một cách tối ưu.
Hãy nhớ thói quen được phát triển qua sự lặp lại. Khi bạn chọn làm lặp đi lặp lại một cách tối ưu trong mọi tình huống, bạn không chỉ hình thành thói quen tối ưu mà bạn còn bỏ đi thói quen tầm thường.
Làm Hết Sức Cho Chúa
Tính tối ưu là làm một việc bình thường một cách phi thường.
Booker T. Washington
Henry Kissinger trong cuốn sách của ông The White House Years, kể về một giáo sư đại học Harvard đã giao bài tập về nhà cho sinh viên và bây giờ là lúc thu bài. Ông bảo họ nộp lại hôm sau và phê hàng chữ này phía dưới, “Có phải đây là bài bạn làm tốt nhất không?” Một sinh viên không nói gì và làm lại bài tập. Hôm sau nộp lại và anh cũng nhận cùng một lời nhận xét. Chuyện này cứ tiếp diễn 10 lần cho đến cuối cùng sinh viên nọ nói, “Dạ thưa thầy đây là bài hay nhất mà em làm”. Vị giáo sư nói, “Được, thầy sẽ đọc”. Chúng ta biết trong lòng nếu chúng ta thật sự làm hết sức mình. Nếu chúng ta chưa được vậy thì chúng ta nên phấn đấu làm hết sức mình.
Rõ ràng là không có cách nào chúng ta có thể yêu Chúa với cả tấm lòng, linh hồn, tâm trí và sức mạnh của chúng ta (Mark 12:30) mà không tìm cách làm hết sức mình để tôn vinh Chúa. Đeo đuổi sự tối ưu là dấu hiệu của sự trưởng thành nếu chúng ta tìm kiếm nó với động cơ đúng. Động cơ của chúng ta phải là vâng lời và tôn vinh Chúa và đại diện Ngài một cách toàn hảo trên đất này. Nhưng một người có thể tìm kiếm sự tối ưu chỉ vì nỗi ám ảnh là để người ta để ý, ngưỡng mộ và ca ngợi hay để được đề bạt theo kiểu thế gian. Nào chúng ta hãy làm mọi sự tôn vinh Chúa, và Ngài sẽ thưởng cho chúng ta bằng cách ban cho chúng ta nhiều điều chúng ta ước ao.
Khi tôi bắt đầu đeo đuổi sự tối ưu ấy là vì Chúa thách thức tôi làm vậy. Lúc đầu trong chức vụ, Chúa nói ba điều này với lòng tôi và cảm động tôi rằng nếu tôi làm những điều này vì Ngài, tôi sẽ thành công. Điều đầu tiên là giữ không có xung động trong đời sống tôi, điều thứ hai là tôi phải làm mọi việc cách tối ưu, và điều thứ ba là trở thành một con người liêm khiết, thành thật trong mọi việc tôi làm. Lúc đó phạm vi chức vụ của tôi là dạy Kinh Thánh trong nhà tôi, nhưng tôi nhận trách nhiệm cách nghiêm túc và nghiên cứu rất chăm bài học của tôi mỗi tuần. Lúc đó tôi cũng là một người vợ và là mẹ của ba đứa con. Tôi không thể bỏ hết mọi việc đi học trường Kinh Thánh được, nên Chúa dạy tôi trong đời sống mỗi ngày.
Ngài dạy tôi luôn luôn dọn dẹp sạch sẽ và không lười biếng mà chừa lại một đống rác cho người sau. Ngài dạy tôi để lại đồ đạc vào chỗ cũ. Chúa cảm động tôi luôn luôn để chiếc xe đẩy trong siêu thị lại chỗ cũ sau khi cho hết đồ của tôi lên xe hơi. Khi tôi đi sắm quần áo thì nhặt những cái móc treo lên. Ngài dạy tôi trở nên tối ưu, tôi phải nhặt lên và không để cho người khác nhặt. Có hàng trăm việc tương tự như thế mà Chúa xử lí tôi trong những năm tháng này.
Lúc đầu hơi khó thật, và một trong lời bào chữa tôi hay nói là người khác không làm mà sao tôi lại làm? Chúa nhắc tôi rằng tôi đã xin Chúa làm những việc lớn trong đời sống tôi và hỏi tôi là tôi có thật sự muốn hay không. Thật ra Ngài có ý nói, “Chúng ta gặt điều chúng ta gieo”. Đừng thỏa mãn giống như người ta, nhưng thay vào đó hãy chọn trở nên một con người xuất sắc.
Trong một số việc tôi tranh chiến với cảm xúc tôi suốt gần hai năm rồi tôi mới vâng lời Chúa hoàn toàn và phát triển thói quen tối ưu. Tôi học được rằng nếu chúng ta gieo thái độ tối ưu, chúng ta sẽ gặt phần thưởng tối ưu nhất. Bạn muốn gì từ cuộc đời? Bạn có sẵn lòng gieo đúng hạt giống để gặt hái nó không? Hãy tự hỏi một số câu hỏi khó và trả lời một cách thành thật.
Bạn có làm việc bạn đang làm với thái độ tối ưu không?
Bạn có thỏa hiệp thường xuyên và tìm con đường dễ dãi để thoát ra không?
Bạn có sống cho qua tháng ngày hay bạn đang nhắm tới điều tốt nhất?
Bạn có giữ cam kết không? Bạn có luôn nói sự thật không?
Bạn có bỏ đồ đạc bừa bãi để người khác dọn dẹp không?
Nếu bạn tình cờ thấy một món đồ nào đó tại siêu thị mà bạn không mua, bạn có trả lại không?
Bạn có đặt chiếc xe đẩy lại chỗ cũ sau khi bạn lấy hết đồ mình mua không?
Nếu bạn bỏ món đồ vào xe đẩy rồi sau đó lại quyết định không mua thì bạn có đem món đồ đó để lại chỗ cũ không hay là để đại đâu đó?
Tôi có thể cứ thêm vào danh sách này, nhưng tôi nghĩ bạn hiểu vấn đề mà tôi đang nói. Chúng ta không bao giờ đạt tới nơi chúng ta muốn đến trừ khi chúng ta thành thật nhìn nhận hiện giờ mình đang ở đâu. Chính việc đối diện với sự thật sẽ khiến bạn tự do.
Phần Thưởng Của Sự Tối Ưu
Mỗi sự chọn lựa tốt đều mang lại phần thưởng và không may thay mỗi sự chọn lựa tồi cũng vậy. Phần thưởng của sự tối ưu thật tuyệt vời. Tôi nhớ lại một phụ nữ kể cho tôi nghe là bà đã nghe tôi dạy về thái độ tối ưu và liêm khiết và lời dạy đó hoàn toàn thay đổi hướng đi cuộc đời bà. Bà nói bà chưa hề nghe ai giảng dạy lĩnh vực này trước đây và không biết rằng bà sống quá tầm thường và xuề sòa dường nào. Bà cảm ơn tôi và nói, “Lúc đầu việc này hơi thử thách, nhưng quyết định trở nên tối ưu đã thay đổi toàn bộ đời tôi”.
Khi chúng ta có thái độ tối ưu, chúng ta cảm thấy thoải mái về bản thân. Chúng ta tin rằng chúng ta sẽ làm điều Chúa muốn chúng ta làm. Chúng ta trở thành gương tốt cho người khác. Điều này đặc biệt quan trọng đối với cha mẹ khi làm gương cho con cái họ. Nó cũng quan trọng cho những ai làm lãnh đạo để làm gương cho cấp dưới.
Một phụ nữ gởi lời làm chứng này liên quan đến việc cô quyết định trở thành tối ưu đã ảnh hưởng cô thế nào:
Kính gởi bà Joyce,
Đây chỉ là lời làm chứng về việc Chúa ban cho tôi cơ hội để áp dụng lời dạy của bà sáng nay trên truyền hình vào một tình huống trong đời sống tôi chiều nay. Đó là chuyện mà bà nói về việc Chúa xử lí bà có thái độ tối ưu và luôn luôn dọn dẹp sạch sẽ đồ đạc bừa bộn.
Tôi đi đổ rác nhưng bình nước và lon nước ngọt rớt xuống vãi đầy đường. Tôi bị cám dỗ bỏ đó đi luôn và không muốn nhặt lại đem tới thùng rác. Tất cả lời bào chữa chạy qua đầu tôi. “Mình còn con nhỏ ở nhà. Mình quá mệt mỏi. Mình còn nhiều việc khác để làm. Trời nóng nực quá!” Tuy nhiên, lời dạy của bà vẫn còn hiện lên rõ nét trong đầu tôi nên tôi quay lại dọn dẹp đồ rơi rớt lung tung. Điều hay ở đây là khi tôi dọn dẹp những đồ rơi vãi thì tôi cảm thấy thoải mái không còn áy náy gì nữa một khi tôi chọn thái độ tối ưu.
Thái độ tối ưu của cô được ban thưởng đó là một tấm lòng bình an. Tôi nghĩ bình an là phần thưởng quan trọng nhất khi chúng ta nỗ lực làm những việc chúng ta biết là nên làm và không chịu chùn bước và làm cách hời hợt. Thật kì diệu là không cảm thấy bị lên án bởi những gì chúng ta cho phép mình làm. Đôi khi cảm giác bị lên án hay bất an rất mơ hồ, nhưng nó sẽ xuất hiện và làm cho chúng ta thấy áy náy.
Cái tên Stradivarious đồng nghĩa với đàn vĩ cầm tốt. Ấy là vì Antonio Stradivarious khẳng định rằng không cái đàn nào được sản xuất trong cửa hàng của anh cho đến khi nó được làm một cách khéo léo và kỹ lưỡng. Stradivarious nhận xét, “Chúa cần đàn vĩ cầm để chuyển âm nhạc của Ngài cho thế giới, và nếu đàn bị khiếm khuyết thì âm nhạc của Chúa sẽ bị pha trộn”. Triết lí làm việc của anh được tóm tắt một câu: “Người khác sẽ làm nhiều cây đàn vĩ cầm hay, nhưng không ai làm một cây đàn hay nhất”.
Anh cam kết làm tối ưu vì anh muốn làm hết sức mình cho Chúa. Phần thưởng của Ngài là các cây đàn vĩ cầm của anh vẫn là cây đàn được ưa chuộng nhất thế giới ngày nay.
Tối Ưu Trong Suy Nghĩ
Chúng ta không bao giờ có hành động tối ưu nếu trước hết chúng ta không cam kết có suy nghĩ tối ưu. Kinh Thánh dạy chúng ta hãy nghĩ đến điều gì có mỹ đức và tối ưu (Philippians 4:8). Đó là những điều như luôn luôn tin những điều tốt nhất, những điều đáng tôn trọng, công chính, thánh sạch, đáng yêu và dễ mến. Tôi nói đến những ý tưởng này trong các sách vở và sứ điệp của tôi vì tính quan trọng của nó. Chúng ta thành người mà chúng ta cho phép ý tưởng chúng ta nghĩ vậy (Proverbs 23:7).
Bạn đang ấp ủ loại ý tưởng nào? Khi bạn nhận biết ý tưởng của bạn là xấu thì bạn có đuổi nó ra khỏi đầu óc của bạn không, hay là bạn lười biếng để cho nó bén mảng ở đó? Không thể nào trở thành một người tối ưu nếu không trước hết phát triển một tâm trí tối ưu.
Đừng lầm tưởng rằng ý tưởng của bạn không quan trọng vì không ai biết nó cả. Nó quan trọng đấy và Chúa biết những ý tưởng này. Những ý tưởng sai lầm có thể đầu độc đời sống và thái độ chúng ta. Bởi vì ý tưởng là tiền phong của lời nói và hành động nên chúng ta phải xử lí nó trước hết. Bạn có thể nghĩ những gì bạn muốn nghĩ. Bạn kiểm soát nó, và dù Sa-tan cố đặt những ý tưởng sai lầm và chết người trong đầu bạn, bạn có thể đuổi nó ngay lập tức. Tâm trí và ý tưởng của bạn thuộc về bạn, và bạn không nên cho phép ma quỷ dùng tâm trí như một bãi rác, còn không bạn sẽ kết cuộc sống một cuộc đời đầy rẫy nan đề.
Tối Ưu Trong Lời Nói
Tác giả David nói trong Proverbs 8:6, “Ta sẽ nói lời tuyệt diệu, trình bày lẽ phải”. Ông quyết định về cách ông nói và chúng ta cũng làm như vậy. Cũng như chúng ta điều khiển tư tưởng chúng ta thì chúng ta cũng điều khiển lời nói chúng ta nhờ Chúa giúp đỡ. Quyền lực của sự sống và sự chết nằm ở cái lưỡi, và chúng ta sẽ hưởng kết quả của nó (Proverbs 18:21). Lời nói chúng ta ảnh hưởng chúng ta và những người xung quanh. Nó cũng ảnh hưởng những gì Chúa có thể làm cho chúng ta. Chúng ta không thế nói tiêu cực mà có đời sống tích cực được.
Sứ đồ Peter dạy chúng ta rằng nếu chúng ta muốn hưởng sự sống và thấy những ngày tốt đẹp trong những lúc thử thách, chúng ta phải giữ môi lưỡi khỏi điều ác (1Peter 3:10). Đối với tôi câu Kinh Thánh này nói lên một điều rất quan trọng mà chúng ta cần để ý. Bạn muốn sống cuộc sống nào? Bạn có muốn một cuộc đời tối ưu không? Nếu vậy, thì bạn hãy phát triển thói quen tối ưu trong lời nói của bạn.
Chúng ta không thể nói những gì chúng ta cảm thấy muốn nói, nhưng chúng ta phải cẩn thận chọn lời chúng ta nói vì nó chứa đựng quyền năng. Nó có thể chuyển tải quyền năng tích cực hay hủy diệt, quyền chọn lựa là tùy chúng ta. Cái lưỡi là một chi thể nhỏ, nhưng nó gây ra rắc rối lớn hay mang lại phước lành lớn. Thay đổi lời nói thì đời bạn sẽ đổi thay.
Về phần tôi, thật vinh dự khi hiểu được sức mạnh của lời nói. Tôi đã phí 30 năm trong đời, hoàn toàn không biết gì về những lời tôi nói sẽ thay đổi chất lượng cuộc sống tôi. Lời nói của bạn và của tôi ảnh hưởng chúng ta rất nhiều mà chúng ta chưa nghĩ tới, và chúng ta được thách thức trong Kinh Thánh để biến nó thành tối ưu.
Hãy có thói quen không nói gì nếu bạn không thể nói gì đáng nói.
Đối Xử Với Người Ta Cách Tối Ưu
Cuối cùng, hãy để tôi nói điều quan trọng là chúng ta học đối xử mọi người cách tối ưu. Chúa yêu thương mọi người và không hài lòng khi chúng ta xử tệ với ai đó. Hãy lịch sự, tôn trọng và có tinh thần cảm kích. Hãy khích lệ! Ai ở đời này cũng đều muốn cảm thấy giá trị và nhiều người tranh chiến với cảm giác con người thấp kém của mình. Chúng ta hãy đứng ở chỗ để Chúa dùng nhằm giúp người ta bằng cách đối xử mọi người cách tối ưu.
Sứ đồ Paul dạy rằng chúng ta phải đeo đuổi tình thương và đây là con đường tuyệt vời để sống.
Anh chị em cứ khao khát những ân tứ cao trọng hơn đi, rồi tôi sẽ chỉ cho anh chị em con đường tuyệt vời hơn.[26]