Chương 11: Phép Ứng Xử 8: Thói Quen Chịu Trách Nhiệm

Thói Quen: Chọn Tốt Bỏ Xấu

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 11: Phép Ứng Xử 8: Thói Quen Chịu Trách Nhiệm

Chín mươi chín phần trăm trong tất cả các thất bại đến từ những người có thói quen bào chữa.

George Washington Carver

Cứ bào chữa mỗi lần chúng ta đối diện với việc phải chịu trách nhiệm vì đã làm một việc nào đó hay không làm một việc nào đó là một tật rất xấu. Nó rất dễ làm méo mó đời sống chúng ta và có cơ ngăn cản thành công. Nếu chúng ta chịu trách nhiệm về đời sống mình, thì thường đây là một kinh nghiệm gây sốc, bởi vì bất chợt chúng ta không còn ai đó để đổ lỗi nữa. Chúa Giê-su nói nhiều người đươc gọi nhưng ít người được chọn (Mathews 20:16). Tôi nghĩ lời dạy này có nghĩa là dù nhiều người được gọi làm những việc lớn lao cho Chúa, nhưng ít người sẵn sàng chịu trách nhiệm về ơn gọi của họ. Tính chịu trách nhiệm là yếu tố khiến chúng ta thành con người đáng nể. Nó là cái giá của sự vĩ đại, theo như Sir Winston Churchill nói.

Bào chữa không phải mới mẽ gì cả. Con người đã dùng nó để trốn tránh trách nhiệm từ lúc khai thiên lập địa. Sau khi ông Adam và bà Eve phạm tội tại vườn địa đàng, cả hai đều đưa ra lời bào chữa khi Chúa chất vấn họ. Cả hai đều đổ lỗi cho người khác. Ông Adam đổ lỗi cho bà Eve và cho Chúa vì đã ban bà Eve cho ông, còn bà Eve đổ lỗi cho con quỷ. Người ta lúc nào cũng bào chữa cho tội lỗi của họ thay vì nhìn nhận nó, xưng nó ra, và xin Chúa tha thứ cho họ. Chịu hoàn toàn trách nhiệm về các hành động của chúng ta có thể là một việc gây đau đớn nhất mà chúng ta đối diện trong đời. Chúng ta rất muốn nghĩ là mình tốt đẹp, và chúng ta cảm thấy rằng để nhìn nhận hoàn toàn mình sai lầm và đã không làm những gì chúng ta đáng lẽ phải làm sẽ làm hỏng mất thanh danh của chúng ta. Chúng ta thảy đều có những thứ cần đối diện về bản thân và chính những người nam, người nữ nào can đảm mới dám đối diện. Chúng ta không nên sợ nhìn nhận mình sai lầm về chuyện nào đó. Sự thật chính là điều sẽ giải cứu chúng ta (John 8:32). Việc tránh né, lẫn trốn và bào chữa sẽ trói buộc chúng ta.

Bởi vì sự thật sẽ giải cứu chúng ta, nên kẻ thù là ma quỷ sẽ làm đầy ắp đầu óc chúng ta bằng những lời bào chữa và tìm cách đổ lỗi cho con người và sự vật về những thiếu sót của chúng ta. Chúa biết chúng ta sẽ cứ mãi bị mắc kẹt trong các vấn đề của chúng ta nếu chúng ta không chịu trách nhiệm về các hành động của chúng ta.

Lấy ví dụ về việc trễ nải. Khi người ta trễ hẹn hay đi làm trễ, họ hiếm khi nói, “Tôi xin lỗi, tôi đã trễ. Tôi không kiểm soát thời gian tốt được và tôi không ra khỏi nhà như đáng lí tôi phải làm.” Thay vào đó chúng ta nói đại loại như vầy, “Tôi trễ vì tôi bị kẹt xe. Tôi không biết là tôi cần đổ xăng. Tôi phải lo cho con cái tôi và chồng tôi đưa lộn chìa khóa xe.” Nói thế đôi khi cũng đúng thật, nhưng khi chuyện này xảy ra liên tục, thì chắc chắn có vấn đề mà ta cần phải xử lí. Dù có một số vấn đề trong số này xảy ra, nhưng trách nhiệm của chúng ta là phải rời nhà sớm để đề phòng kẹt xe, đảm bảo đủ xăng dầu hay đủ thời gian đổ xăng dầu và quán xuyến gia đình tốt để tránh những vấn đề phát sinh.

Bạn có biết khi bạn trễ, bạn gởi thông điệp rằng thời gian bạn giá trị hơn thời gian của người đang chờ bạn không? Ít ra, ta hãy gọi cho người đó và cho họ biết bạn đang đến trễ và khi nào thì bạn sẽ tới nơi. Làm thế chính là có trách nhiệm.

Việc bào chữa vì trễ cũng không thấm vào đâu khi so với nhiều lời bào chữa mà người ta đưa ra và danh sách này thì nhiều vô số kể. Nhưng lời bào chữa không bao giờ làm đẹp lòng Chúa vì Ngài thích sự thật và muốn chúng ta cũng yêu thích sự thật. Bào chữa rất dễ rơi vào cái bẫy nói dối và điều đó khiến chúng ta vi phạm điều răn “Ngươi chớ nói dối”.

Khi chúng ta bào chữa chúng ta thật sự đang nói dối với bản thân cũng như với người khác. Chúng ta đặt mình trong sự lừa dối khi chúng ta lí luận. Chúng ta rất dễ tìm thấy lí do cho mọi sai lầm, nhưng tốt hơn hết là hãy chịu trách nhiệm cho các hành động của mình.

Dĩ nhiên, có những lí do tại sao sự việc xảy ra, và chia sẻ những lí do này không phải lúc nào cũng là vấn đề trừ khi chúng ta dùng nó làm lời bào chữa để không chịu thay đổi. Tôi thích nghe ai mà nói lời này, “Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về lỗi lầm này”. Nói thế lập tức khiến tôi kính nể và tin tưởng người đó.

Những Người Bào Chữa Trong Kinh Thánh

Chúa Giê-su kể một dụ ngôn về một người đãi một tiệc lớn mời nhiều người đến dự, nhưng tất cả họ đều bắt đầu xin kiếu. Người này nói anh mới vừa mua miếng đất và phải đi xem thử. Người khác nói anh mới mua vài con bò và cần đi xem thử, và người khác nữa nói anh mới lấy vợ và vì lí do đó anh không thể đến dự tiệc được. Tất cả những lời bào chữa này đều chỉ là lời bào chữa. Sự thật thì họ không muốn đến. Dụ ngôn này tiêu biểu cho việc Chúa mời con người bước vào mối quan hệ với Ngài và tất cả lời bào chữa những người này đưa ra trong khi sự thật thì họ không muốn đến mà thôi. Họ muốn kiểm soát cuộc đời của họ, dù họ không thể kiểm soát hết được, và họ không muốn Chúa can thiệp vào.

Ngay cả giữa vòng những tín hữu, chúng ta cũng nghe quá đủ những lời bào chữa để không hết lòng phục vụ Ngài. Nhiều người không có đủ thời gian nhưng họ lại bận bịu với con cái và chạy tới lui để xem thể thao. Chúng ta làm gì với thời gian là điều chúng ta phải chọn và sự thật thì chúng ta làm những gì chúng ta muốn. Nếu chúng ta muốn điều gì đó cách mãnh liệt thì chúng ta sẽ tìm thời gian để làm nó. Có một sự thật mà không ai lẩn tránh được. Đó là sẽ đến ngày khi mà mọi người sẽ đứng trước mặt Chúa và khai trình về đời sống của họ (Romans 14:12). Vào ngày đó sẽ không có lời bào chữa nào.

Ông Moses bào chữa khi Chúa kêu gọi ông phục vụ Ngài. Ông nói ông nói ngọng và không có nói năng hùng biện. Cuối cùng Chúa nổi giận với tất cả lời bào chữa của ông. Vua Saul cũng bào chữa về lí do ông không hoàn toàn vâng lời Chúa bằng cách tiêu diệt hết dân Amalekites. Vua Felix bào chữa khi Paul nói với ông về sự công chính và tự chủ. Ông nói, “Hãy lui ra và trở lại vào dịp khác”. Con đường xuống địa ngục được dọn sẵn bởi những người có ý định rất tốt, là những người mà hiện tại bào chữa không chịu làm những việc đúng mà cứ nói là họ sẽ làm sau.

Ông Peter có lẽ cũng có nhiều lời bào chữa trong đầu khi chối Chúa. Tôi nghi là ông không nghĩ mình là “người nhút nhát”. Chúng ta thảy đều bào chữa, nhưng này là lúc hãy xử lí nó và hình thành thói quen chịu trách nhiệm.

Liêm Khiết

Liêm khiết cực kì quan trọng. Nó là một phần của con người xuất chúng. Người sống liêm khiết chịu trách nhiệm về hành động của họ. Họ giữ cam kết thay vì bào chữa không giữ nó. Họ giữ lời hứa. Họ làm những gì họ hứa rằng họ sẽ làm, và nếu vì lí do nào đó họ không thể làm được, thì họ liên lạc với người ta, giải thích – chứ không bào chữa – và xin tha thứ cho lời hứa đó.

Chúng ta mong Chúa giữ lời hứa của Ngài, và Ngài mong chúng ta cũng giữ lời hứa của mình. Một số người ngày nay thậm chí không biết từ liêm khiết nghĩa là gì. Đáng lí ra liêm khiết phải được dạy trong các trường học, vì nếu có dạy thì chúng ta chắc đã có nhiều người có phẩm cách tốt rồi. Như tôi đã nói trước đây, Chúa bảo tôi là nếu tôi muốn thành công trong chức vụ, tôi phải là một người liêm khiết. Đối với chúng tôi tại chức vụ Joyce Meyer Ministries, liêm khiết phải là ưu tiên hàng đầu. Tôi biết có những lúc chúng tôi không thể làm những gì chúng tôi nói chúng tôi sẽ làm, nhưng đó không bao giờ là ý định của chúng tôi. Trong nhiều năm tôi học được là hãy cẩn thận về những cam kết tôi đưa ra. Khi chúng ta vội vàng hay cảm xúc đưa ra cam kết, chúng ta thường kết cuộc là ước ao gì mình đừng có hứa và đôi khi phát hiện ra rằng chúng ta không thể giữ lời. Hãy cẩn trọng khi bạn hứa làm điều gì đó. Tốt là đừng hứa hơn là hứa mà sau đó bào chữa không giữ trọn. Đừng có nói với ai đó rằng bạn sẽ gọi lại trừ khi bạn có ý định thực sự.

Đặc Điểm Người Có Trách Nhiệm

Khi một người cam kết có trách nhiệm, bạn có thể tin tưởng họ là đáng tin cậy. Họ sẽ làm xong những gì họ bắt đầu và sẽ làm những gì họ nói họ làm. Họ hiếm khi bỏ việc dở dang vì họ kiên định và cống hiến.

Người có trách nhiệm không phải lo gì về tương lai, vì họ đã lên kế hoạch trước. Họ đã chuẩn bị cho tương lai bằng cách để dành một phần thu nhập cho các trường hợp khẩn cấp hay lúc về hưu. Trong sách Proverbs chương 31, chúng ta gặp một người nữ là một tấm gương toàn hảo về một người có trách nhiệm là người như thế nào. Nàng dậy trước khi mặt trời mọc để lên kế hoạch cho một ngày. Nàng làm việc chăm chỉ, và dù nàng muốn mở rộng công việc, nàng luôn xem xét là việc mở rộng có khôn ngoan hay không. Nàng để thì giờ với Chúa nên nàng mạnh mẽ đối diện với áp lực mà cuộc sống mang lại. Nàng giúp người nghèo và thiếu thốn. Nàng không sợ thời tiết xấu vì nàng đã chuẩn bị áo ấm cho cả gia đình.

Người có trách nhiệm chăm sóc kỹ những gì họ có. Họ quản lí giỏi những gì Chúa chúc phước cho họ. Họ chăm sóc bản thân vì họ biết sự sống và sức khỏe của họ là món quà từ Thượng Đế mà họ cần bảo trọng. Họ làm trọn bổn phận gia đình, kể cả đáp ứng nhu cầu của cha mẹ hay ông bà lớn tuổi. Khi họ có một công việc cần làm, họ làm ngay. Họ tự động làm mà không cần phải nhắc nhở cả trăm lần. Họ tự thúc đẩy bản thân, và điều này có nghĩa là họ không cần tác động bên ngoài để buộc họ làm những gì họ nên làm.

Tôi tin việc giúp người nghèo và những người kém may mắn hơn chúng ta không chỉ là một nghĩa cử mà còn là trách nhiệm của chúng ta. Kinh Thánh dạy chúng ta không được quên họ.

Ai khinh bỉ người lân cận mắc tội với Chân Thần, ai thương xót người khốn khổ được Ngài ban nhiều phước.[27]

Giúp đỡ những người bị tổn thương không phải là một việc mà chúng ta muốn làm hay không làm, tùy vào cách chúng ta bất chợt cảm nhận thế nào lúc đó; mà nó là một việc Chúa truyền bảo chúng ta làm. Nó là trách nhiệm của chúng ta. Ai mà được giao cho trách nhiệm về điều gì đó thì nên giúp ai đó kém may mắn hơn mình.

Tôi được phúc là người có tính chịu trách nhiệm, và tôi đã thấy ích lợi và phần thưởng của việc này trong đời sống tôi. Anh tôi, người bây giờ đã qua đời, không có trách nhiệm gì cả, và tôi nói thật là toàn bộ đời sống anh tôi gặp hết rắc rối này đến rắc rối khác. Tôi quí mến anh tôi, nhưng anh quá lười, an phận và vô trách nhiệm. Anh có rất nhiều cơ hội phía trước mà không phải ai cũng có, nhưng anh muốn người khác làm cho anh những việc mà đáng lí anh phải làm cho bản thân mình. Người thành công cũng là người có trách nhiệm. Thành công và trách nhiệm cá nhân không thể tách rời được.

Chúng ta có được bao nhiêu cơ hội trong đời không quan trọng nếu chúng ta không có trách nhiệm làm những gì cần làm để nắm bắt cơ hội. Tôi bạo dạn yêu cầu bạn hãy xem xét thành thật đời sống bạn. Bạn có phải là người có trách nhiệm không? Có lĩnh vực nào mà bạn có thể cải thiện không? Bạn có bào chữa khi bạn làm sai không? Bạn có biện bạch khi bạn bị góp ý không? Như tôi đã nói, đối diện với sự thật thường đau lòng thật, nhưng nó là điều hay nhất và mang lại sự thoải mái nhất mà chúng ta nên làm. Nếu bạn đã có thói quen chịu trách nhiệm rồi, bạn có sẵn lòng bắt đầu phát triển thói quen đó ngay bây giờ không?

Người có trách nhiệm không phải cảm thấy thích làm việc thì mới làm. Họ không còn tự hỏi mình cảm thế nào ngay từ còn trẻ bởi vì họ biết sẽ có lúc họ sẽ không cảm thấy muốn làm những việc họ nên làm, và họ đã quyết định không để cách họ cảm giác định đoạt quyết định của họ. Khi một người mẹ có con nhỏ, bà phải chăm sóc con bất kể là bà cảm thấy thế nào. Bà không nghĩ đến chuyện không lo cho con cái bởi bà biết bà phải lo thôi. Chúng ta nên nhìn việc chịu trách nhiệm tương tự như thế. Chúng ta hãy chấm dứt xem trách nhiệm là thứ gì đó mình muốn làm hay không làm cũng được mà hãy xem nó là những thứ mình buộc phải làm.

Năm Bước Để Chấm Dứt Bào Chữa

Đối diện sự thật

Bước đầu tiên để xử lí bất kỳ tật xấu nào là nhìn nhận rằng bạn có vấn đề. Đừng trì hoãn xử lí nó, mong là nó sẽ tự biến mất. Mọi người đều biết bạn đang bào chữa, và đã đến lúc bạn cũng nên biết điều này nữa. Hãy nói ra lớn tiếng vấn đề của bạn. Hãy nói với Chúa, hãy nói với bản thân và thậm chí nói với người bạn thân của mình cũng tốt vậy. Sứ đồ James nói chúng ta phải xưng lỗi lầm với nhau để chúng ta được chữa lành và phục hồi (James 5:16).

Đừng có những mong đợi phi thực tế

Trước khi bạn đưa ra cam kết nào – ngay cả là cam kết không quan trọng – hãy tự hỏi là bạn có thật sự tin rằng bạn có thể và sẽ giữ cam kết đó không. Một số người đặt những mục tiêu không thực tế và họ lúc nào cũng thất bại. Chỉ cần tính toán trước một tí sẽ cứu ta khỏi nhiều rắc rối về sau. Hãy thực tế về việc mất bao lâu để làm việc này, và cho phép bạn đủ thời gian để làm việc đó mà không thấy bị áp lực về chuyện đó. Nếu bạn cần trả lời “không được” với yêu cầu nào đó, thì cũng đừng do dự nói. Chúng ta chịu trách nhiệm làm theo những mong ước của Chúa nơi chúng ta, chứ không phải những mong ước của mọi người.

Chấm dứt than phiền

Bao lâu chúng ta than về những việc chúng ta cần làm, chúng ta hay tìm ra những lời bào chữa để không làm. Than về một nhiệm vụ nào đó sẽ làm cạn kiệt năng lực của chúng ta. Nếu bạn muốn tập thể dục, đừng có lúc nào cũng than rằng tập luyện sao khó quá. Hãy làm đi! Dân Y-sơ-ra-ên than đủ thứ chuyện nên họ cứ ở mãi trong sa mạc suốt 40 năm. Than phiền giữ chân chúng ta không tiến triển.

Hãy hăng hái

Đừng có trì hoãn trong việc chịu trách nhiệm. Cách tốt nhất là bạn hãy làm việc nào bạn không thích trước tiên. Như thế thì bạn không có thời gian để sợ hãi, và bạn có thể đang khi bạn còn đầy năng lực. Hãy tiếp cận nó một cách hăng hái, và đừng để thái độ thờ ơ len lỏi vào. Nếu bạn trì hoãn một việc nào đó quá lâu, bạn sẽ chán không làm các việc khác và thấy mình cứ bào chữa vì đã không dám chịu trách nhiệm.

Tìm giải pháp cho những ngăn trở

Thay vì than phiền và bào chữa vì không làm được việc nào đó, hãy dùng sức đó tìm ra giải pháp cho ngăn trở thì bạn sẽ dễ dàng chu toàn trách nhiệm của mình. Nếu bạn hay đi làm trễ và điều này làm bạn khó chịu vì tình trạng kẹt xe liên tục, hãy nghĩ đến chuyện đi làm sớm hơn. Cách đây nhiều năm, nhà tôi dậy đi làm sớm nửa giờ để anh không bị kẹt xe. Anh dùng thì giờ đó học hỏi và đọc sách. Chúng ta có thể tìm ra giải pháp cho hầu hết vấn đề nếu chúng ta thật sự muốn làm.

Không Bào Chữa, Kết Quả Nữa

Tại phòng tập thể hình nơi tôi hay tập có bán mấy chiếc áo thun ghi hàng chữ “Không bào chữa, kết quả nữa”. Mỗi khi tôi bắt đầu than phiền, người huấn luyện viên hay nói, “Không bào chữa, kết quả nữa”. Ông biết thể nào người ta hay đưa ra lời bào chữa đủ kiểu để không đi tập luyện đều đặn. Một số bài luyện tập rất khó tập và bạn rất dễ bị cám dỗ để bào chữa không tập.

Xác thịt của chúng ta rất muốn đưa ra lời bào chữa để không chu toàn trách nhiệm, nhưng nếu chúng ta thật sự muốn thành công trong đời, chúng ta phải học tin việc này và thực hành việc chịu trách nhiệm. Nếu chúng ta bào chữa và đổ lỗi cho người khác về những lỗi lầm của chúng ta, chúng ta từ bỏ cái quyền để thay đổi. Sự thật là một vũ khí đầy quyền lực, và khi đối diện trực tiếp với nó thì sự thật sẽ giúp bạn trở thành người mà bạn nói bạn muốn trở thành.