Đăng vào: 12 tháng trước
Chương 17: Phép Ứng Xử 14: Thói Quen Kỷ Luật
Ai sống mà không kỷ luật sẽ chết không danh dự.
Ngạn ngữ Ái Nhĩ Lan
Đến giờ thì bạn có lẽ nhận ra rằng không một thói quen nào có thể được phát triển mà không đòi hỏi nhiều kỷ luật và tiết độ. Chỉ mong mọi chuyện tốt hơn thì chưa đủ; chúng ta phải sẵn sàng kỷ luật bản thân, và điều này có nghĩa là từ bỏ thứ gì đó để được cái chúng ta muốn. Chúng ta kỷ luật bản thân bây giờ để được phần thưởng tương lai.
Người bị sửa trị lúc đầu chỉ thấy đau buồn chứ chẳng vui sướng gì; nhưng về sau mới thấy kết quả tốt đẹp là tâm hồn bình an và tâm tính thánh thiện, công chính ngày càng tăng trưởng.[39]
Chúng ta thường nghe người ta nói, “Tôi không phải là người thích kỷ luật, hay “Tôi ước gì tôi là người có kỷ luật.” Kỷ luật sẽ không đến bởi ước gì, mà nó đến bởi sự sẵn lòng trải qua những đau đớn và khó nhọc để cuối cùng đạt được cái tốt đẹp. Bạn có sẵn lòng không? Tôi khuyên bạn nên ngưng đọc vài phút và đưa ra quyết định trước đi đọc tiếp. Nếu bạn quyết định và nghiêm túc về điều này, bạn có thể nhờ cậy Chúa ban cho bạn sức mạnh để theo trọn, nhưng tôi sẽ không cố gắng lừa bạn khi nói rằng việc hình thành tất cả những thói quen mới này đều dễ dàng. Tôi thà không hứa hẹn nhiều và nói thẳng hơn là hẹn hứa đủ điều và vuốt ve. Nếu vấn đề không trở nên khó khăn hay đau đớn, thì thật là tuyệt vời, nhưng nếu nó trở nên khó khăn hay đau đớn thì tôi không muốn bạn bỏ chạy vì bạn không biết chuyện gì đang xảy ra.
Một số thói quen bạn cần bỏ hay cần có sẽ dễ hơn các thói quen khác, nhưng chắc chắn có một số thói quen đòi hỏi kỷ luật nhiều và tiết độ. Đừng sợ đau, mà hãy nhớ câu nói người xưa, “Không đau đớn thì không trúng lớn” (No pain, no gain). Mỗi khi gặp điều gì khó khăn, hãy nói với bản thân, “Tôi đang tiến triển tốt”.
Đừng Bao Giờ Bỏ Cuộc
Phần lớn nhiều thứ trên đời không đến cách dễ dàng và nhanh chóng. Và chắc chắn phần lớn những thứ nào giá trị cũng không đến cách dễ dàng đâu. Chúng ta đều nghe nói đến Albert Einstein. Ông nổi tiếng là có đầu óc thông minh, nhưng ông nói, “Không phải tôi thông minh gì cả, chỉ có điều là tôi bám lấy vấn đề lâu hơn”.
Tôi tin một đặc điểm nổi bật của tôi đó là tôi không dễ dàng bỏ cuộc. Điều lạ là bạn có thể hoàn thành nếu bạn sẵn lòng trải qua phần khó nhất để đến phần tốt nhất. Kiên trì và vững vàng là những phẩm chất tuyệt vời cần có và là những phẩm chất người thành công phải có.
Kiên trì là yếu tố quan trọng của thành công. Nếu bạn cứ gõ cửa to và lâu đủ thì thế nào cũng có người dậy mở.
Henry Wadsworth Longfellow
Luôn nhớ rằng không ai khiến bạn bỏ cuộc nếu bạn không chịu bỏ cuộc, và không ai giữ bạn không thành công nếu bạn không bỏ cuộc. Điểm nhấn của tôi là sự thành công trong đời hay bất kỳ công việc mạo hiểm nào đều nằm giữa bạn và Chúa. Miễn là điều bạn đang làm là nằm trong ý Chúa dành cho bạn, Ngài sẽ giúp bạn làm, nếu bạn làm phần của mình. Tôi đã nói nhiều lần, “Chúng ta là những người cộng tác với Chúa trong đời này. Ngài luôn làm phần của Ngài, nhưng chúng ta có sẵn lòng làm phần của chúng ta không?” Tôi cầu nguyện chúng ta sẽ luôn làm phần của chúng ta.
Một số thói quen bạn đang giải quyết sẽ đến dễ hơn số khác, và tôi không biết là tôi có câu trả lời nào cho lí do này không. Trong những năm tôi cố tập thể hình nhờ sự kèm cặp của một huấn luyện viên, cô ta thường giúp tôi học nhiều điều cải thiện bài tập mà tôi đang luyện, như đứng với tư thế nào đó hay nghiêng vai đang khi tập luyện, hay không gục đầu mà phải giữ đầu ngẩng lên. Một số biến thành thói quen sau khi cô nhắc tôi hai ba lần, và một số thì tôi vẫn cần phải được nhắc nhở sau 6 năm. Nhưng tôi đã quyết định rằng tôi sẽ không bỏ cuộc dù tôi phải mất bao lâu để sửa lại.
Một điều khó nhất tôi nhớ là tôi tập luyện quá chậm. Tôi nghĩ phần lớn chúng ta muốn cho nó qua nhanh, và cá tính của tôi là cá tính “xong rồi cho qua nhanh” nên tôi cần được nhắc nhở nhiều là hãy chậm lại để cơ bắp của được nẩy nở. Tin vui là đến thời điểm này khi tôi nghe người huấn luyện viên nói, “Chậm lại”, tôi biết ngay là cô ta sẽ nói vậy. Cuối cùng tôi nhận ra trong bản thân tôi khi tôi làm việc gì quá nhanh, nghĩa là tôi gần đến chỗ chiến thắng trong lĩnh vực đó. Thật tuyệt!
Thói quen là điều chúng ta hay làm cách vô thức, và bỏ những thói quen xấu chúng ta mắc phải trở thành một ý thức và nhận biết rằng chúng ta đang làm và rồi tiếp tục ý thức trước khi chúng ta chọn không làm nữa. Nó là một tiến trình, và nếu bạn là một người dễ bỏ cuộc, bạn sẽ không đi xa được. Nên hãy quyết định ngay bây giờ là bạn sẽ bền bỉ và sẵn lòng chịu đau đớn để có được ngày vinh quang.
Có lẽ bạn ước ao rằng bạn có thể có một huấn luyện viên trong mọi lĩnh vực của đời sống để nhắc bạn khi bạn làm sai và để bạn nhớ làm đúng. Nếu đúng vậy, thì tôi có một tin vui cho bạn. Bạn có thể nhờ vào vị huấn luyện viên trọn đời này, đó là Đức Thánh Linh, luôn nhắc bạn khi bạn xao lãng thói quen tốt và bắt đầu tiêm nhiễm thói quen xấu. Ngài sẽ nhắc cho chúng ta nhớ (John 14:26).
Huấn luyện cuộc sống rất thịnh hành ngày nay. Có những người giúp khách hàng học cách để sống cuộc đời tốt nhất có thể được, và việc huấn luyện của họ bao trùm nhiều lĩnh vực cuộc sống. Tôi chắc là họ chúc phúc cho nhiều người, và nếu bạn muốn thì bạn có thể thuê một người, nhưng bạn đã có một huấn luyện giỏi nhất đã từng có, và đó là Đức Thánh Linh. Ngài dạy chúng ta mọi sự. Chúa nói:
Nhưng Đấng An ủi là Thánh Linh mà Cha nhân danh Ta sai đến, sẽ dạy dỗ các con mọi điều, nhắc các con nhớ mọi lời Ta đã nói.[40]
Đây há không phải là tin tuyệt vời sao? Chúng ta không cần phải cố gắng làm một mình. Chúng ta có Đấng phù hộ không chỉ nhắc chúng ta những gì nên làm mà còn ban sức để chúng ta có thể làm. Hãy nhờ cậy Ngài luôn luôn! Tôi hứa với bạn rằng nếu bạn không bỏ cuộc, Ngài chắc chắn không bỏ rơi bạn.
Khi bạn mệt mỏi và bị cám dỗ bỏ cuộc, hãy nhớ sự thay đổi của bạn chỉ còn đợi đến một ngày nữa thôi!
Khi bạn bắt đầu hành trình phát triển những thói quen tốt và bỏ những thói quen xấu, có lẽ bạn muốn bắt đầu với thói quen nào dễ chiến thắng trước khi áp dụng với một số thói quen xấu. Tuy nhiên, đừng cứ bám lấy cái khó quá lâu, còn không bạn sẽ không bao giờ vượt qua được. Những thói quen nào khó nhất có lẽ là những thói quen mang lại ích lợi cho bạn nhiều nhất một khi bạn chiến thắng. Nếu một cánh cửa khó mở, đừng bỏ đi mà hãy cố gắng thêm một tí.
Kỷ Luật Và Vui Mừng
Dù kỷ luật không mang lại niềm vui ngay, nhưng nó rốt cuộc sẽ mang lại niềm vui. Chúa muốn chúng ta hạnh phúc. Ngài muốn chúng ta hưởng cuộc sống, và cá nhân tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không hưởng nó trừ khi chúng ta cam kết sống kỷ luật và tiết độ. Người mà không kiểm soát chính mình không phải là người hạnh phúc. Họ cảm thấy xấu hổ về bản thân, họ bị giằng xé bởi cảm giác tội lỗi và thất bại, và họ trút cơn giận và thất vọng của họ lên người khác. Rõ ràng là chịu khó học kỷ luật thì tốt hơn là cứ mãi sống trong tình trạng nô lệ và khốn khổ cho tội lỗi và những thói quen tai hại.
Chúa Giê-su đến để chúng ta có và hưởng sự sống sung mãn và đầy trọn (John 10:10). Bạn có hưởng như thế không? Nếu chưa, có phải do thói quen nào đó mà bạn cần bỏ không? Nếu câu trả lời là có thì hãy bắt đầu. Hãy nhớ, các chuyên gia cho biết mất 21-30 ngày để hình thành hay bỏ đi một thói quen, nên mỗi ngày bạn cứ tiếp tục làm và không chịu bỏ cuộc thì một ngày nào đó nó sẽ mang bạn đến tự do.
Đừng nghĩ đến chuyện khó hình thành thói quen mới, nhưng thay vào đó hãy nghĩ về niềm vui và tự do sẽ sớm đến với bạn. Tôi cũng khuyên bạn đừng đếm bao nhiêu ngày còn lại trước khi bạn có được một thói quen mới. Tốt hơn hết là nghĩ đến chuyện rằng bạn mất bao nhiêu ngày để thực hành điều mà bạn muốn nó thành thói quen cư xử mới. Chẳng hạn, việc kỷ luật bản thân để ăn giữa bữa những món ăn lành mạnh thay vì ăn bánh kẹo là mục tiêu của bạn, thì hãy nghĩ và nói mỗi ngày rằng bạn đã đi được bao xa rồi hơn là nghĩ đến việc bạn sẽ “đau khổ” thế nào nếu không ăn ngọt. Ngày nào cũng nói hoài rằng việc này khó lắm sẽ làm cho vấn đề càng khó hơn thôi, nhưng nếu ngày nào cũng nói về niềm vui bạn có được khi bạn thành công thì sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn. Như tôi đã nói, những gì chúng ta nghĩ sẽ trở thành thực tế, nên hãy đảm bảo rằng ý tưởng của bạn phù hợp với ước ao cuối cùng của bạn.
Vùng An Toàn
Chúng ta có thể sống an toàn hay nguy hiểm, nhưng nếu chúng ta muốn sống an toàn hay như điều tôi gọi là Vùng An Toàn, thì nó đòi hỏi kỷ luật và tiết độ. Chẳng hạn, nếu tôi muốn an toàn khỏi gánh nặng nợ nần, tôi phải kỷ luật đều đặn không tiêu xài hơn số tiền tôi có. Việc dễ dàng có được thẻ tín dụng ngày nay cho phép người ta tiêu xài quá mức thu nhập của họ. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm vậy, thì trong tương lai chúng ta đã tiêu xài hết số tiền và chúng ta phải cứ mượn tiền. Nó là một cái vòng luẩn quẩn trừ khi chúng ta học không bao giờ mua món gì mà chúng ta không trả được. Nếu bạn muốn dùng thẻ tín dụng cho tiện, điều đó tốt thôi, nhưng hãy trả hết nợ vào mỗi cuối tháng. Nếu bạn không thể làm việc này ngay bây giờ thì hãy lên mục tiêu và bắt đầu hướng tới mục tiêu đó.
Một số người quen sống mượn tiền mặc dù ý tưởng về những gì tôi đang nói nghe có vẻ hoang tưởng, nhưng tôi đảm bảo với bạn rằng chuyện này không chỉ có thể được mà nó còn là cách sống an toàn. Có lẽ bạn đang lún sâu trong nợ nần, nhưng đừng nghĩ thật quá trễ để không làm gì được. Kỷ luật hôm nay sẽ giúp bạn chiến thắng những lỗi lầm quá khứ nếu bạn cứ duy trì lâu kỷ luật đó.
Bạn có đang sống đời sống bất ổn không? Một số người trong bạn có lẽ hay nói, “Tôi không thể giữ kiểu này mãi được”. khi liên quan đến áp lực trong đời sống bạn, nợ càng chồng chất, cân càng nặng hay nhiều lĩnh vực khác thuộc về thói quen ngoài tầm kiểm soát. Nếu bạn biết bạn không thể duy trì phép ứng xử đó, vậy sao không chấm dứt đi? Nếu bạn chờ lâu thì càng khó bỏ hơn.
Sáng nay Đức Thánh Linh cáo trách tôi về một lĩnh vực trong đời sống tôi cần kỷ luật. Trong nhiều năm tôi đã học khi Chúa cáo trách Ngài cũng ban cho ân sủng để chiến thắng. Thời điểm là mới quan trọng! Quan trọng là chúng ta hành động theo thời điểm của Ngài, chứ không theo thời điểm của chúng ta. Trì hoãn cho đến lúc tiện lợi thường đồng nghĩa rằng chúng ta hoặc là không bao giờ làm hoặc là làm rất cực khổ. Hôm nay tôi bắt đầu cầu nguyện cho lĩnh vực mà tôi được Chúa cáo trách và học cách nào tốt nhất để thay đổi. “Hãy hành động ngay, đừng chậm trễ!”
Sống Có Giới Hạn
Câu nói, ‘Hãy bỏ hết mọi giới hạn” rất phổ biến ngày nay, nhưng nó có đúng Kinh Thánh không? Chúng ta không muốn giới hạn Chúa làm trong đời sống chúng ta qua vô tín, nhưng nếu chúng ta bỏ qua những giới hạn về sức khỏe và khôn ngoan, chúng ta đang mời gọi thảm họa. Ngay cả điều tốt trở thành điều xấu nếu chúng ta không đặt ra giới hạn. Chẳng hạn, nếu bạn để quá nhiều thời gian tử tế với người khác mà bạn không lo cho bản thân thì ý định tốt của bạn rốt cuộc sẽ khiến bạn gặp vấn đề về sức khỏe và tình cảm. Giới hạn là quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Giữ vững nó đòi hỏi kỷ luật và có được những thói quen tốt. Tôi nghĩ thật không sai khi nói kỷ luật và thói quen tốt đi đôi với nhau, cũng như vô kỷ luật và thói quen xấu đi đôi với nhau vậy.
Một số người khó chịu khi nói đến từ “kỷ luật.” Họ có thái độ suy nghĩ bệnh hoạn và chủ bại về từ này. Chúng ta cần biết rằng kỷ luật là bạn của chúng ta, chứ không phải thù. Nó giúp chúng ta thành điều chúng ta nói chúng ta muốn thành, làm điều chúng ta nói chúng ta muốn làm, và có điều chúng ta nói chúng ta muốn có. Nói điều mình muốn thì dễ và không trả giá gì, nhưng để có được nó đòi hỏi kỷ luật. Kỷ luật không làm chúng ta mất vui và không ngăn cản chúng ta làm điều chúng ta muốn trong đời, nhưng trái lại nó giúp chúng ta nhận được điều chúng ta thật sự muốn, tức bình an, niềm vui và mối quan hệ đúng đắn cùng mọi thứ khác.
Chúng ta nên yêu thích kỷ luật và đón nhận nó như là bạn hữu của chúng ta trong đời. Ta nên mời nó ở với ta luôn luôn, vì nó luôn sẵn sàng giữ ta khỏi rắc rối. Lời Chúa dạy chúng ta chỉ có kẻ ngu mới ghét kỷ luật.
Phần lớn những người tôi gặp có đời sống tan nát đều là những người không kỷ luật. Họ sống bởi cảm xúc hơn là bởi nguyên tắc, và họ không có khôn ngoan gì cả. Cuối cùng họ không còn gì ngoại trừ nỗi tiếc nuối về những gì họ đã làm hay không làm. Chúng ta hoặc là đau đớn do kỷ luật hoặc là đớn đau do tiếc nuối. Người khôn sẽ kỷ luật bản thân, và điều đó có nghĩa là hôm nay họ làm những việc mà sau này họ sẽ thấy hạnh phúc trong đời.
Mong Chờ
Bạn có thể mong chờ một tương lai tươi sáng nếu bạn sẵn sàng thực hành những nguyên tắc trong sách này vào cuộc sống bạn. Mỗi ngày có thể là một cuộc mạo hiểm để cải thiện bản thân thay vì là một ngày phí phạm. Mọi thói quen tốt bạn hình thành sẽ làm cho đời bạn tốt đẹp hơn, và nó sẽ gia tăng niềm vui cho bạn.
Tôi thấy ngay trong chính đời sống tôi rằng nếu tôi không hành động để tiến tới, tôi lúc nào cũng thụt lùi. Chúng ta không nên cứ giậm chân mãi tại một nơi. Chúa đang di chuyển và Sa-tan cũng vậy, và chúng ta cũng phải quyết định đi hướng nào đây. Kế hoạch của Chúa dành cho bạn thật tuyệt vời, nhưng Satan đến chỉ để cướp, giết và hủy diệt (John 10:10). Đọc sách này sẽ không giúp gì cho bạn trừ khi bạn đưa ra vài quyết định và bước theo, nên tôi cầu nguyện để bạn chuẩn bị hành động. Nếu bạn làm vậy thì tôi hứa với bạn rằng bạn và Chúa đều ở trong một đội vô địch.