Chương 8: Phép Ứng Xử 5: Thói Quen Hạnh Phúc

Thói Quen: Chọn Tốt Bỏ Xấu

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 8: Phép Ứng Xử 5: Thói Quen Hạnh Phúc

Phúc cho người tìm được khôn ngoan thông sáng.[19]

Ai ở đời này cũng đều muốn hạnh phúc. Sự thật thì tôi tin chính ước ao đó là động lực thúc đẩy chúng ta làm nhiều việc. Nhưng có phải chúng ta thật sự biết điều gì làm cho chúng ta hạnh phúc đích thật không? Và có phải hạnh phúc chỉ là một cảm giác hay một cảm xúc mà chúng ta mãi tìm kiếm hay là điều gì có sâu hơn nữa?

Abraham Lincoln có nói, “Người ta hạnh phúc là vì họ quyết định hạnh phúc”. Tôi đồng ý. Tôi tin rằng hạnh phúc là một chọn lựa và là một thói quen chúng ta có thể phát triển. Trước hết chúng ta chọn hạnh phúc và sau đó cảm giác sẽ theo sau. Tác giả sách Psalm (Thi Thiên) là vua David có nói, “Đây là ngày mà Chúa mang đến; chúng ta sẽ vui mừng và hớn hở trong ngày ấy” (Psalm 118:24). Câu nói “chúng ta sẽ” là yếu tố quyết định để hưởng trọn một ngày. Nếu bạn không quyết định trở nên hạnh phúc thì lúc nào cũng có thứ cướp đi niềm vui và làm hoen ố niềm hạnh phúc của bạn.

Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng ở đời này chúng ta sẽ gặp thử thách, và Ngài đề nghị hãy vui mừng lên (John 16:33). Niềm vui mang lại sức mạnh cho chúng ta để xử lí những vấn đề chúng ta đối diện. Nỗi buồn, dù đó là buồn kiểu nào, sẽ làm cạn kiệt năng lực chúng ta và làm tan nát tấm lòng chúng ta. Một thói quen hay mà bạn có thể phát triển là thói quen hạnh phúc. Bạn càng kinh nghiệm những tháng ngày hạnh phúc, bạn càng không chấp nhận bất hạnh. Thái độ khó chịu về bất cứ việc gì là phí thời gian và không thay đổi được điều gì, vậy tại sao lại khó chịu mà chi?

Mỗi sáng khi tôi mở mắt ra, tôi nói với bản thân mình; Tôi, không phải biến cố nào cả, có quyền làm cho tôi hạnh phúc hay không hạnh phúc hôm nay. Tôi chọn cái nào là tùy tôi. Hôm qua đã qua rồi, ngày mai thì chưa tới. Tôi chỉ có một ngày, là hôm nay và tôi sẽ hạnh phúc ngày hôm nay.

Groucho Marx

Dường như Groucho Marx đồng ý với vua David, người đồng ý với Chúa. Chúa muốn chúng ta hạnh phúc và hưởng thụ cuộc sống. Chúa Giê-su nói Ngài đến để chúng ta có sự sống và hưởng sự sống sung mãn. (John 10:10). Liệu bạn có quyết định làm cho Chúa hạnh phúc bằng cách làm cho mình hạnh phúc không?

Một ý tưởng tương tự rất hay là “Hôm qua là lịch sử, ngày mai là nhiệm mầu, và hôm nay là món quà”.

Tập Trung

Khi chúng ta tập trung thì giờ và tâm tư vào những thứ mà chúng ta thấy không tốt, chúng ta sẽ cảm thấy buồn, giận hay lo. Tập trung vào những điều tốt làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái, phấn khởi, thêm sức và nhiệt thành. Người ta nói tập trung vào những điều tốt đẹp là quy luật đầu tiên của hạnh phúc bởi điều gì chúng ta tập trung (nghĩ đến) sẽ quyết định cảm giác của chúng ta. Chúa đã ban cho chúng ta khả năng chọn hạnh phúc dù có bất cứ chuyện gì xảy ra quanh ta. Tôi không đề nghị là chúng ta bỏ qua vấn đề, nhưng có sự khác biệt lớn giữa tập trung vào nó và làm việc để giải quyết hay tháo gỡ nó.

Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc liên tục nếu bạn tin rằng hạnh phúc được quyết định bởi những gì xảy ra quanh bạn hay với bạn. Bạn có tin rằng bạn có thể chọn hạnh phúc và biến nó thành thói quen không? Nếu bạn làm thế, thì đây là lúc hãy chuẩn bị đặt mình và cái nhìn của bạn vào vị trí xây dựng thái độ đó. Một người tiêu cực không thể nào hạnh phúc, và một người liên tục tích cực không thể nào bất hạnh được, nếu có cũng không lâu.

Kiểm Tra Mục Tiêu

Có phải bạn đang hướng đến điều tốt đẹp phải không? Chúng ta thường nghĩ rằng điều gì đó khiến chúng ta hạnh phúc nếu chúng ta đạt được nó, nhưng khi đạt tới rồi thì phát hiện ra rằng chúng ta vẫn bất hạnh như trước đây. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng vật chất không giữ cho chúng ta hạnh phúc lâu. Rất nhiều người trong thực tế đã đặt nghề nghiệp trước mọi thứ khác. Họ làm quá tải, bỏ qua việc phát triển bản thân và mối quan hệ gia đình, và thường họ giàu nhưng lại cô đơn và ngã bệnh. Họ có thể mua mọi thứ họ muốn nhưng không ai chia sẻ với họ cả, và ngay cả nếu có thì họ cũng không cảm thấy hạnh phúc đủ để hưởng nó.

Mối quan hệ tốt đẹp và sức khỏe dồi dào là hai thứ nuôi dưỡng hạnh phúc, và cả hai phải đặt hàng đầu trong danh sách mục tiêu của chúng ta.

Như tôi đã nói rồi, mục tiêu số một của chúng ta phải là mối quan hệ thân mật, cá nhân và gần gũi với Thượng Đế qua Chúa Giê-su. Được thông công liên tục với Chúa và học vâng lời Ngài trong mọi sự sẽ làm cho bạn hạnh phúc hơn là bạn nghĩ. Vì Chúa là sự sống, làm sao chúng ta mong hưởng thụ cuộc sống nếu không có Ngài? Nếu người ta mãi lo cố gắng leo lên nấc thang thành công đến độ họ không có thì giờ cho Chúa, họ có thể đạt tới đỉnh cao, nhưng rốt cuộc họ phát hiện ra rằng thang của họ tựa vào tòa nhà khác. Họ để cả đời cố gắng thành đạt nhưng rốt cuộc đó không phải là những điều họ muốn.

Trong việc tìm kiếm hạnh phúc, tôi phát hiện ra rằng niềm vui của tôi được nuôi dưỡng qua những việc tôi làm cho người khác. Nếu chúng ta làm cho người khác hạnh phúc, Chúa sẽ đem mùa gặt vui mừng đến với đời sống chúng ta. Yêu Chúa và yêu con người là chìa khóa để tôi hạnh phúc mỗi ngày. Dù tôi gặp bất kỳ vấn đề nào đi nữa, nếu tôi tập trung vào việc làm cho người khác vui thì tôi thấy hạnh phúc rồi. Tâm lí gia Greta Palmer có nói, “Chỉ những người hạnh phúc mới chú tâm vào mục tiêu nào khác hơn là vào hạnh phúc của bản thân…

vào hạnh phúc của người khác… vào việc cải thiện con người”. Liên quan đến việc phục vụ người khác, Chúa Giê-su nói, “Nếu các ngươi biết những điều nầy thì các ngươi có phước, miễn là các ngươi làm theo”. (John 13:17).

Bạn Tin Gì?

Niềm tin cá nhân của chúng ta ảnh hưởng đến mức độ vui mừng và hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta cần tin rằng Chúa yêu chúng ta và rằng chúng ta có một mục đích trong đời. Người không có mục đích cũng như người không cảm thấy được yêu thường hay không hạnh phúc. Bạn được Chúa yêu và Ngài lúc nào cũng theo dõi bạn. Ngài có một kế hoạch tốt đẹp cho đời sống bạn và Ngài cần bạn hoàn tất vai trò của bạn trong kế hoạch chủ đạo của Ngài.

Bạn có tin rằng bạn có quyền hy vọng là mình sẽ thay đổi cho dù hoàn cảnh hiện tại của bạn là gì đi nữa không? Tôi thấy rằng những người có hy vọng là những người hạnh phúc nhất trần gian. Hy vọng có sức mạnh. Hãy xem các câu Kinh Thánh sau:

Đồng thời, chúng ta vui mừng giữa mọi gian khổ, vì biết rằng gian khổ đào tạo kiên nhẫn; kiên nhẫn đem lại kinh nghiệm; và từ kinh nghiệm phát sinh hy vọng. Hy vọng trong Chúa không bao giờ phải vỡ mộng như hy vọng trần gian…[20]

Nếu chúng ta tin những thử thách sẽ làm cho cá tính chúng ta mạnh mẽ và thử nghiệm sự thanh liêm trong chúng ta thì chúng ta có hy vọng và niềm vui xác quyết giữa những thử thách đó. Người nào duy trì thái độ hạnh phúc cho dẫu hoàn cảnh của họ như thế nào mới thật sự là người đầy năng quyền.

Hãy kiểm tra lại hệ thống niềm tin của bạn và xem thử có niềm tin nào khiến cho đời sống bạn không hưởng hạnh phúc tràn đầy không. Bạn có tin cậy Chúa trong mọi lĩnh vực của cuộc sống không? Kinh Thánh nói trong Romans 15:13 rằng niềm vui và bình an được tìm thấy trong niềm tin.

Bạn tin về bản thân mình như thế nào? Nếu bạn tin bạn là người thất bại, đáng ghét, vô dụng và rằng đã quá trễ để có một đời sống tốt đẹp thì bạn sẽ thành những gì bạn tin về mình. Hãy tin những gì Chúa nói về bạn trong Lời Ngài, chứ không phải những gì người khác đã nói với bạn, cũng không phải bạn cảm nhận thế nào. Hãy đổi mới tư duy và bắt đầu tin điều nào làm cho niềm vui của bạn được thăng hoa.

Bạn Chờ Điều Gì?

Có phải bạn đang trì hoãn hưởng hạnh phúc bây giờ để chờ cho đến dịp khác không? Về cá nhân tôi cố gắng tránh không nói, “Khi đó thì tôi sẽ hạnh phúc biết bao – “và tôi chấp nhận hạnh phúc ngay bây giờ. Chúng ta hay rơi vào cái bẫy nghĩ rằng, “Tôi sẽ hạnh phúc khi đến thứ Sáu và tôi sẽ nhận tiền lương và rảnh rỗi”. Hoặc “Tôi sẽ hạnh phúc khi đến kỳ nghỉ hè”, hoặc “Khi tôi về hưu và không còn làm việc nữa”, hoặc “Khi con cái lớn hết rồi và tôi sống một mình”. Có thể lắm hàng triệu cái “khi” đó khiến chúng ta không hưởng hạnh phúc ngay hiện tại. Hãy quyết định đừng đặt hạnh phúc của bạn trên một số biến cố tương lai, hãy hưởng hạnh phúc ngay hôm nay! Tốt hơn hết hãy nói, “Tôi thích kỳ nghỉ khi nó đến, nhưng tôi hạnh phúc ngay bây giờ”.

Hãy học hưởng cuộc sống bình thường mỗi ngày bởi phần lớn cuộc sống là thế. Chúng ta không đặt hạnh phúc trên vài biến cố đặc biệt mà chúng ta sẽ gặp trong diễn tiến của cuộc sống bởi vì nếu chúng ta làm thế, chúng ta đánh mất rất nhiều niềm hạnh phúc. Bạn không chỉ hạnh phúc vào ngày thứ Sáu; bạn cũng có thể hạnh phúc vào thứ Bảy, Chủ nhật, thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư và thứ Năm. Hãy đi ra thử xem rồi bạn sẽ phát hiện ra rằng bạn có thể hạnh phúc nếu bạn muốn vậy.

Cách duy nhất chúng ta có thể tránh tiếc nuối ngày mai là hãy có những chọn lựa khôn khéo hôm nay. Bạn làm gì với ngày hôm nay? Mỗi ngày là món quà Chúa ban cho bạn, và tôi khuyên bạn đừng phí nó mà buồn rầu vì nỗi buồn của bạn cũng không thay đổi gì được.

Có phải bạn đang chờ có một sức mạnh vô hình nào đó khiến bạn cảm thấy hạnh phúc không? Nếu vậy, bạn có lẽ sẽ chờ rất lâu. Hãy hình thành thói quen ra quyết định về cách bạn sống mỗi ngày mà không chờ xem thử bạn cảm thấy thế nào. Điều duy nhất bạn làm với cuộc đời là hưởng thụ nó, nhưng chuyện này sẽ không xảy ra trừ khi bạn hình thành thói quen hạnh phúc. Nếu bạn có khuynh hướng buồn bực và bất hạnh (cũng là một thói quen), hãy để những tấm hình khuôn mặt mỉm cười quanh nhà bạn nhằm nhắc nhở bạn bắt đầu thái độ hạnh phúc bằng cách mỉm cười nhiều hơn. Nếu bạn mỉm cười, nó sẽ làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc hơn một tí rồi bạn sẽ thèm cái cảm giác đó và muốn có được nó nhiều hơn.

Có phải bạn đang chờ ai đó trong đời bạn thay đổi lối hành xử của họ thì bạn mới hạnh phúc không? Nếu vậy, đó là một lỗi lầm lớn. Tại sao lại để sự chọn lựa của người khác quyết định niềm vui của bạn? Ngoài ra, không ai khác làm cho bạn hạnh phúc mãi mãi được – dù đó là vợ/chồng bạn, con cái bạn hay bạn bè của bạn.

Melanie là một phụ nữ 60 tuổi, đã lập gia đình hơn 40 năm. Chồng cô là Don, một giáo sư sử học tại một trường đại học Cơ đốc. Don lúc nào cũng thích lịch sử và rất thích dạy. Đề tài Cuộc Nội Chiến là đam mê của ông, và lúc rảnh ông viết sách về những cuộc chiến hay những nhân vật chiến tranh.

Ngày nọ Melanie tâm sự với một người bạn rằng cô buồn suốt nhiều năm bởi chồng cô là Don không kiếm đủ tiền để trang trải cho chuyến đi nghỉ mát hay cho những thứ mà cô muốn, như mua sắm đồ đạc cho nhà hay mua tủ đựng quần áo lớn hơn. Hầu như mỗi khi Melanie than, bạn bè cô đều cảm thông với cô và cho cô biết là cô xứng đáng hưởng được những tiện nghi như thế. Nhưng có một người bạn nọ nói, “Melanie này, chồng cô không chịu trách nhiệm cho nỗi bất hạnh của cô. Cô phải chịu. Chồng cô yêu thích công việc của ông ấy, ông ấy không thích giàu có và nếu ông ấy có thích thì ông cũng đã 60 tuổi rồi, cô hãy thử làm phép tính đi.

“Nếu cô muốn hạnh phúc, tốt hơn hết là cô hãy tính xem thử mình nên làm gì, bởi vì đó không phải là công việc của chồng cô”.

Sáu năm sau, một người bạn của Melanie cho tôi hay rằng Melanie vừa mới viết cho bạn tôi một lá thư cảm ơn vì đã yêu thương cô thật sự. Melanie chấp nhận trách nhiệm cho hạnh phúc của chính mình, và cô nói hôn nhân của cô cải thiện đáng kể kể từ đó. Không chỉ thế, cô còn nhận ra rằng cô là một nhà viết kịch. Cô đã viết một vở kịch đã được lưu diễn tại các rạp địa phương. Bây giờ cô hạnh phúc và mãn nguyện.

Chúng ta không thể kiểm soát người ta, và chúng ta càng học điều này sớm, chúng ta càng hạnh phúc sớm. Tôi nhận ra rằng trong vài năm qua phần lớn những ngày “bất hạnh” của tôi là do những điều mà người khác gây ra cho tôi hay do họ không làm cho tôi. Ai đó có thể làm tôi tổn thương hay chạm tự ái. Họ có lẽ có những sự chọn lựa đã làm tổn thương họ, và vì tôi yêu mến họ, những chọn lựa của họ làm tôi tổn thương. Chúng ta bị thương tổn và thất vọng bởi con người, nhưng chúng ta không cần phải nghĩ về những gì họ làm. Chúng ta nhận ra rằng họ đang làm hại bản thân họ hơn là họ làm hại chúng ta và hãy để thông tin đó thúc đẩy chúng ta chân thành cầu nguyện cho họ thay vì chỉ cảm thấy thương hại cho bản thân mình và đánh mất niềm vui.

Hãy chịu trách nhiệm về chính niềm vui và hạnh phúc của mình và đừng bao giờ đặt hạnh phúc lên những gì người khác làm.

Bớt Nghĩ Ngợi, Thêm Nụ Cười

Cười là một kỳ nghỉ đến tức thì.

Milton Berle

Khi chúng ta cười, chúng ta tự động quên hết mọi lo lắng và tranh chiến. Cười thật tuyệt vời! Nó tăng sức lực cho chúng ta và là một liều thuốc bổ mà chúng ta nhận. Đôi khi chúng ta suy nghĩ nhiều thứ quá, cố đoán già đoán non nhiều chuyện, và chúng ta trở nên quá căng thẳng đến độ chúng ta quên mất cười với bản thân mình cũng như cười về nhiều thứ khác trong đời.

Cười có thể kéo một người ra khỏi chán nản và thất vọng, và nó biến một ngày bình thường thành một ngày đáng nhớ. Con gái tôi là Laura và tôi dường như có thể cười với hầu hết mọi chuyện. Hai mẹ con tôi khí tính thì rất khác, nhưng khí chất thì rất vui đùa. Thay vì thấy khó chịu vì hai mẹ tính khí khác biệt, con gái tôi nghĩ tôi rất vui vẻ và tôi cũng cảm thấy như vậy về con gái tôi. Khi chúng ta yêu người ta vô điều kiện, chúng ta để cho người ta thể hiện bản thân họ mà không thấy khó chịu bởi những việc họ làm mà không giống cách mình hay làm.

Tôi hết lòng khuyên bạn hãy tìm một số người nào khiến bạn cười và để thì giờ với họ. Cười có lẽ còn quan trọng hơn là bạn tưởng. Nhà tôi và tôi cố gắng cười càng nhiều càng tốt.

Lần nọ Chúa nói với tôi rằng tôi suy nghĩ quá nhiều. Tôi là một người quá căng thẳng và quá “vạch lá tìm sâu”, muốn hiểu hết mọi hoạt động của tôi cũng như hiểu mọi người và mọi biến cố trong đời sống tôi. Lí trí của tôi khiến tôi bối rối. Tôi đã phí thì giờ cố hiểu những việc mà Chúa chưa muốn giải thích. Tôi phải thấy thoải mái là mình chưa biết. Có phải bạn cũng làm thế không? Có thể nào bạn không biết hết câu trả lời về việc gì đó mà vẫn đi ra vui hưởng trọn ngày hôm đó, hay bạn giống như tôi trước đây, căng thẳng, “vạch lá tìm sâu” và không chút niềm vui không? Tôi biết ơn là Chúa đã giúp tôi hình thành thói quen hạnh phúc, và tôi mong bạn hãy bắt đầu ngay bây giờ phát triển thói quen của bạn nếu bạn chưa làm vậy.

Một đứa trẻ trung bình cười 150 lần mỗi ngày, trong khi đó một người lớn trung bình cười 4-8 lần mỗi ngày. Nên không lạ gì Chúa bảo chúng ta trong Lời Ngài rằng chúng ta phải trở nên như con trẻ. Mark Twain nói rằng vũ khí hữu hiệu nhất là cười. Có lẽ bạn suy nghĩ, “Nào, bà Joyce ơi, bà không biết cuộc đời tôi bất hạnh thế nào, và nếu bà biết, bà sẽ không bảo tôi cười.” Tôi biết có những điều không hay xảy ra trong đời và cười sẽ không thích hợp tại một thời điểm nào đó, nhưng có nhiều điều mà chúng ta cho phép nó làm cho chúng ta buồn thay vì chúng ta cười nhiều thì hay hơn.

Bạn Có Để “Bạn” Làm Cho chình mình Bất Hạnh Không?

Nguyên nhân chính của nỗi bất hạnh của chúng ta chỉ vì chúng ta không hạnh phúc với bản thân mình. Chúng ta không hạnh phúc với cách chúng ta nhìn, với tài năng của chúng ta hay với mức độ hoàn hảo của chúng ta. Có lẽ chúng ta so sánh mình với người khác thay vì vui vẻ chấp nhận con người mà Chúa định cho mình.

Chúng ta thảy đều mắc lầm lỗi và dù chúng ta muốn nghiêm túc về những đổi thay cần thiết phải có trong đời, nhưng thật tốt là hãy học để cười với bản thân và đừng quá nghiêm túc về những lỗi lầm nhỏ mà chúng ta phạm phải. Chúng ta thảy đều có lỗi lầm và có cơ mắc lầm lỗi bao lâu chúng ta còn sống, nên hãy lạc quan và đừng quá nghiêm túc với bản thân. Ethel Barrymore có nói, “Bạn tăng trưởng vào chính cái ngày mà bạn bắt đầu cười với chính bản thân”. Hãy học thích thú với bản thân mình!

Bạn ở với mình hơn bất kỳ ai khác, nên nếu bạn học thích thú với mình thì nó sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Đừng có ngày nào cũng đánh giá những lỗi lầm của mình và ca thán về chuyện này. Hãy tin cậy Chúa chỉ cho bạn điều gì cần thay đổi và hãy làm việc với Ngài về những đổi thay này. Tôi đã thay đổi rất nhiều suốt hành trình đi theo Chúa 35 năm và vẫn còn trải qua những thay đổi nữa. Tôi ước gì tôi biết cách thích thú với bản thân tôi sớm hơn nữa, nhưng đang lúc tôi đang đi trên hành trình này thì ít ra tôi cũng cho bạn lời khuyên bổ ích. Thái độ không hạnh phúc với bản thân mình không làm cho tôi thay đổi nhanh hơn, và nó sẽ không giúp ích gì cho bạn cả. Tôi hết lòng khích lệ bạn hãy thích thú với từng bước đi trong hành trình đạt đến sự trưởng thành thuộc linh.

Bạn Chỉ Sống Một Lần

Dù có chuẩn bị hay không thì một ngày nào đó cuộc đời bạn sẽ chấm dứt. Bạn không có cơ hội lần thứ hai, nên hãy đảm bảo là bạn sống cuộc đời này một cách đầy trọn nhất. Cuộc đời bạn là món quà quí giá đến từ Chúa và thật là đáng tiếc nếu bạn sống một cuộc đời bất hạnh. Hãy đặt thói quen hạnh phúc lên ưu tiên hàng đầu trong những thói quen tốt cần hình thành, và khi bạn phát triển nó thì thói quen buồn bã, bực bội sẽ không có chỗ trong đời sống bạn.

Sống một cuộc đời đáng sống không xảy ra tình cờ đâu; nó là một điều gì đó mà chúng ta phải chọn làm việc có chủ đích. Tôi thành thật mà nói rằng tôi là một người hạnh phúc đích thực, nhưng trước đây tôi không phải vậy cho đến khi tôi chọn trở nên hạnh phúc.