Đăng vào: 1 năm trước
Chương 6: Phép Ứng Xử 3: Thói Quen Ra Quyết Định
Trong lúc ra quyết định, tốt nhất là làm điều đúng, tệ hơn là làm điều sai, còn tệ nữa là không làm gì cả.
Theodore Roosevelt
Người mà đứng ở ngã ba đường thường hay bị tụt hậu. Hình thành thói quen ra quyết định một cách khôn ngoan và đúng lúc là thiết yếu đối với sự bình an và thành công trong đời. May là có một số người học làm điều đó. Tuy nhiên, một số khác ra quyết định nhanh, số khác nữa thì quá chậm, một số quyết định khôn ngoan và số khác không quyết định gì cả.
Đời đầy dẫy những quyết định. Chúng ta thảy đều phải quyết định nhiều thứ mỗi ngày. Chúng ta quyết định chúng ta sẽ ngủ trễ bao lâu, chúng ta sẽ ăn gì, mặc gì, và làm gì với thời gian của chúng ta. Chúng ta quyết định liên quan đến nhân viên, quyết định liên quan đến mối quan hệ, đến tài chính và quan trọng nhất quyết định liên quan đến vấn đề tâm linh. Ngay cả những người không quyết định cũng vẫn quyết định là không nên quyết định. Hãy để vài phút đánh giá thử bạn rơi vào trường hợp nào trong số trường hợp kể trên. Nếu bạn là một người quyết đoán và cảm thấy phần lớn bạn đều đưa ra những quyết định khôn ngoan thì bạn được phước và thuộc về thiểu số. Nếu bạn rơi vào số những người quyết định quá vội, quá chậm hay quyết định, không khôn ngoan thì đây là cơ hội tuyệt vời cho bạn để bắt đầu hình thành thói quen đưa ra quyết định đúng.
Nếu bạn đưa ra những quyết định thuộc tâm linh – và điều này có nghĩa là chúng ta quyết định đặt Chúa đầu tiên trong mọi sự – thì những quyết định còn lại sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đưa ra quyết định vẫn còn là điều gì đó chúng ta phải cải thiện luôn. Đối với một người muốn làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự, đưa ra những quyết định thuộc về đạo đức có thể dễ dàng bởi vì Lời Chúa dạy chúng ta liên quan đến phép ứng xử đúng và sai. Chúng ta chỉ cần quyết định học hỏi và vâng lời Chúa trong những gì Ngài dạy chúng ta làm. Nhưng có nhiều quyết định khác chúng ta phải đưa ra trong đời sống mỗi ngày mà không nói cụ thể trong Lời Chúa. Chúng ta nên làm gì về những vấn đề này? Người nào thật sự muốn làm đẹp lòng Chúa có thể rơi vào cái bẫy do dự chỉ vì sợ không làm đẹp lòng Chúa nếu làm sai.
Nỗi Khổ Của Việc Do Dự
Không ai đau khổ cho bằng một người có thói quen không làm gì hết mà chỉ có do dự hay cầm cự.
William James
Tôi thành thật nói rằng do dự là điều làm tôi khó chịu. Tôi thường là một người rất quyết đoán và có thể sai lầm vì quyết định vội quá. Có một giai đoạn trong đời sống tôi, tôi cố gắng không làm vậy vì trước đây tôi đã quyết định vội vàng và sau đó hối tiếc về quyết định vội đó. Không may thay, tôi vẫn phải xử lí những hậu quả của nó. Nhưng dù tôi có rơi vào hạng người quyết đoán, có những lúc tôi thấy mình bị kẹt giữa hai bên và thấy khó đứng về bên nào. Phần lớn là do tôi không muốn làm điều gì mà tôi tin là Chúa không chấp thuận. Tôi muốn biết chắc những gì Chúa muốn tôi làm trong mọi tình huống, nhưng tôi lại không biết chắc lắm, và giống như nhiều người, tôi phải bước ra bởi đức tin và rốt cuộc phải làm hoặc việc này hoặc việc kia. Và như nhiều người, tôi cắn răng chịu đựng và hết lòng cầu nguyện rằng nếu tôi có làm gì sai thì Chúa sẽ dủ lòng ngăn chặn hay đóng cánh cửa trước khi tôi mắc sai lầm trầm trọng.
Nên không thể nào học để đưa ra những quyết định đúng nếu không kinh nghiệm việc đưa ra quyết định. Trong quá trình học hỏi, chúng ta có lúc quyết định đúng và có lúc quyết định sai, nên tôi khuyên bạn hãy bắt đầu ra quyết định và học hỏi từ kinh nghiệm. Dù bạn làm gì, cũng đừng sống gò bó trong nỗi sợ hãi, lúc nào cũng bối rối vì bạn không biết nên làm gì đây.
Một nhà báo hỏi ông chủ tịch một ngân hàng:
– Thưa ngài, bí quyết thành công của ngài là gì?
– Ba từ thôi!
– Vậy ba từ đó là từ nào?
– Quyết định đúng.
– Vậy làm sao ngài quyết định đúng?
– Hai từ.
– Kinh nghiệm.
– Làm sao ngài có được kinh nghiệm?
– Ba từ.
– Vậy ba từ đó là gì, thưa ngài?
– Quyết định sai.
– Tác giả vô danh
Sứ đồ James (Gia-cơ) được Chúa hướng dẫn, dạy rằng nếu chúng ta cần khôn ngoan thì chúng ta nên cầu xin và Chúa sẽ ban cho. Nhưng chúng ta phải cầu xin trong đức tin mà không dao động (không do dự, không nghi ngờ). Nếu chúng ta dao động, do dự hay nghi ngờ, chúng ta sẽ bất ổn và không đáng tin trong mọi cách và chúng ta không thể nhận nơi Chúa điều gì chúng ta xin (James 1:5-8). Những câu Kinh Thánh này nói rất rõ ràng về một người do dự. Người đó sẽ khốn khổ, bối rối và không thể nhận sự giúp đỡ từ Chúa. Chúng ta phải đến với Chúa bởi đức tin, sẵn sàng hành động khi chúng ta biết chắc trong lòng về hướng đi nào đó. Nếu sau khi cầu nguyện và chờ đợi, chúng ta vẫn cảm thấy không biết hướng đi nào thì điều đó có nghĩa là Chúa cho chúng ta tự do đưa ra quyết định của riêng mình.
Có vài lần trong đời khi tôi tìm kiếm Chúa nên làm gì trong một tình huống, Ngài thì thầm trong lòng tôi, “Con muốn làm gì tùy con muốn”. Tôi học được trong những tình huống như thế Chúa đặt những ước muốn trong lòng tôi và tôi tự do bước theo ước muốn đó. Tự do kiểu đó làm cho một số người lo sợ, nhưng nếu chúng ta biết Lời Chúa, thì chúng ta biết tấm lòng của Ngài và chúng ta có thể sống y như vậy. Nhà tôi là Dave và tôi có bốn đứa con lớn. Khi chúng còn nhỏ chúng tôi dạy chúng mọi việc nên làm và không nên làm, nhưng khi chúng lớn thì chúng tôi từ từ giao cho chúng quyền đưa ra quyết định, tin rằng chúng đã biết những gì chúng tôi muốn chúng làm và chúng sẽ làm theo. Không phải lúc nào chúng cũng quyết định đúng, nhưng qua thử thách và lỗi lầm chúng học đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cho hậu quả của nó. Đó là một phần trong tiến trình làm người lớn.
Vì là con cái Chúa, chúng ta cũng tăng trưởng như các con cái tự nhiên của chúng ta tăng trưởng, và Ngài không phải lúc nào cũng ban cho chúng ta những lời chỉ dẫn cụ thể và chính xác. Ngài mong chúng ta bước theo Lời Ngài, Thần Ngài, và Khôn Ngoan của Ngài. Nếu chúng ta không có bình an về điều gì đó hoặc thấy làm việc này không khôn ngoan lắm thì chúng ta không nên làm. Chuyện này thật đơn giản! Một điều chắc chắn là chúng ta không cần phải sợ đưa ra quyết định. Nếu chúng ta quyết định mà dẫn đến kết cuộc sai lầm thì chúng ta vừa làm vừa sửa sai. Chúa sẽ giúp chúng ta đi đến đích, nhưng Ngài sẽ không làm gì nếu bạn “ngồi ì ra đó”. Nếu bạn thật tình muốn ý Chúa và bạn sai lạc khi bạn trải qua cuộc đời này thì Chúa sẽ tìm thấy bạn và đem bạn trở lại đúng đường.
Một câu nói tôi thích là “Hãy làm việc gì đó, còn không thì bạn sẽ không làm gì cả”. Một số người phí cả đời không làm gì cả vì họ không dám quyết định gì cả. Lí do để mà do dự thì nhiều lắm, nên chúng ta hãy xem qua một số lí do này:
- Một người do dự bởi vì cha mẹ họ không bao giờ để cho họ tự quyết định gì cả. Cha mẹ có thể nghĩ rằng họ bảo vệ con cái nhưng thực chất là họ làm tê liệt khả năng ra quyết định của con cái họ.
- Người do dự có thể là do bất an về bản thân và khả năng của họ. Điều này đúng với rất nhiều người trong xã hội chúng ta. Satan thích đem đến cho chúng ta nhiều nỗi sợ và bất an để làm tê liệt chúng ta và cản trở chúng ta không hoàn thành định mệnh của chúng ta. Người do dự phải học biết rằng Chúa yêu họ rất nhiều và rằng họ có thể làm được mọi sự nhờ Chúa ban cho họ sức mạnh, khả năng và khôn ngoan.
- Chính việc muốn làm hài lòng con người khiến người đó do dự. Những người muốn làm hài lòng con người luôn tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác và không bao giờ bước theo tấm lòng của họ khi đưa ra quyết định. Thật đáng buồn là chúng ta quá phụ thuộc vào sự đồng ý và chấp nhận của người khác. Nếu chúng ta sống một đời sống muốn làm hài lòng mọi người, chúng ta rốt cuộc sẽ không sống đời sống của chúng ta gì cả. Chúng ta chỉ để người khác sống đời sống của họ qua chúng ta khi chúng ta làm theo những gì họ muốn thay vì làm những gì chúng ta muốn làm.
- Một số người sợ sai. Có thể là họ quá kiêu ngạo nên không dám đối diện với ý tưởng là nhỡ mình quyết định sai nên họ không quyết định gì cả. Lúc nào họ cũng cố quyết định nhưng không bao giờ ra quyết định. Tôi thường nói rằng cách duy nhất để phát hiện ra mình đúng hay không là hãy đi ra mà phát hiện. Nế như lúc nào cũng làm đúng hết thì có lẽ nói hơi quá. Còn làm sai thì chỉ đánh hạ niềm kiêu hãnh của chúng ta trong giây lát nhưng do dự thì sẽ làm cho chúng ta bị thiệt hại trong nhiều cách không kể hết được.
- Một khi đã quyết định thì phải có hành động kèm theo. Một số người cứ do dự chỉ đơn giản là vì họ không muốn chịu trách nhiệm về công việc theo sau quyết định đó. Những người thành công ra những quyết định khôn ngoan và họ bắt tay hành động một cách kiên định và quyết tâm.
Trong số tất cả những lí do để người ta do dự mà tôi đưa ra, có một điều chắc chắn là: Nó là tật xấu và có thể được loại bỏ bởi những thói quen tốt. Hãy can đảm quyết định để ra quyết định. Bạn càng ra quyết định chừng nào, bạn càng giỏi ra quyết định chừng nấy.
Làm Thế Nào Để Ra Quyết Định
Có lẽ sau đây là một số lời khuyên thực tế về cách ra quyết định nhằm giúp bạn đưa ra quyết định:
Hãy liệt kê những chọn lựa của bạn. Bạn định “binh” mấy cách? Nếu bạn muốn đổi việc, chẳng hạn, bạn chọn việc gì? Có phải bạn muốn đổi nghề hay tìm một việc khác trong lĩnh vực chuyên môn của bạn không? Có lẽ bạn muốn quyết định làm gì hôm nay. Bạn có một ngày nghỉ nên bạn chọn làm gì? Bạn có thể làm xong một dự án mà bạn đã bắt đầu nhưng lâu lắm rồi chưa làm xong, hoặc bạn có thể đi mua sắm và ăn trưa với người bạn, hoặc bạn có thể thăm cha mẹ của bạn mà bạn đã không gặp lâu lắm rồi, hoặc bạn có thể nằm nhà xem tivi cả ngày. Điều nào là hay nhất nên làm?
Thật ra, bạn là người duy nhất có thể quyết định. Bạn có thể đi mua sắm và ăn uống vui vẻ, nhưng cũng cảm thấy bình an hơn nếu bạn làm xong kế hoạch đề ra. Còn nếu bạn khôn ngoan với thời gian của mình, bạn có lẽ chuẩn bị thăm cha mẹ mình kết hợp với một số chọn lựa khác. Nằm suốt ở nhà không phải là quyết định sáng suốt bởi vì bạn rốt cuộc sẽ thấy mệt và cảm thấy như thể bạn phí cả ngày.
Nếu bạn muốn mua món đồ nào đó, bạn có thể mua nó hoặc không mua và giữ tiền lại. Xét về lâu dài, chọn lựa nào hợp hơn cho bạn? Việc tự hỏi một số câu hỏi về những lựa chọn khác nhau thường là yếu tố giúp bạn rất nhiều trong việc ra quyết định. Nói cho cùng, làm sao chúng ta ra quyết định đúng nếu chúng ta không biết mình nên chọn gì?
Hãy cân nhắc hậu quả xảy ra. Đối với mỗi chọn lựa đều có một hậu quả xảy ra, và chúng ta có thể gắn cho nó là tích cực hay tiêu cực. Nhà tôi là Dave và tôi đang trong quá trình học ra quyết định ngay bây giờ, và chỉ mới sáng nay thôi tôi nói với anh là tôi có cả một danh sách những điều tích cực lẫn tiêu cực, và những điều tích cực át đi những cái tiêu cực. Nhận thức được rằng điều này sẽ giúp chúng tôi đưa ra quyết định.
Thật là không khôn ngoan khi ra quyết định mà không để thì giờ xét đến hậu quả xảy ra do quyết định đó gây ra. Nếu bạn đang cố gắng quyết định là có nên cam kết dồn hết nỗ lực và năng lực để làm bất cứ việc gì, đặc biệt nếu việc này đòi hỏi cam kết lâu dài thì hãy cân nhắc suy nghĩ kỹ càng.
Việc này cần mất bao nhiêu thời gian của bạn? Bạn có đủ thời gian cho việc này mà không bị quá tải trong thời gian biểu của bạn không? Nếu bạn chuẩn bị cam kết, có phải bạn cần trước hết bỏ bớt một việc nào đó trong thời gian biểu của bạn không? Sự cam kết này ảnh hưởng như thế nào lên gia đình bạn? Có phải bạn đồng ý làm việc gì đó mà người khác muốn bạn làm, chứ thành thật mà nói thì bạn thà không làm thì hay hơn? Nếu bạn đưa ra cam kết đó thì bạn có thấy mình than phiền là dính dáng với việc này? Hãy luôn luôn nghĩ đến hậu quả của mọi quyết định, còn không bạn sẽ hối tiếc về nhiều quyết định bạn đã đưa ra.
Hãy nhận biết Chúa. Tác giả sách Proverbs (Cách Ngôn) dạy chúng ta hãy nhận biết Chúa trong mọi đường lối của chúng ta. Chúng ta nên xin Chúa hướng dẫn chúng ta khi bắt đầu đưa ra bất kì quyết định nào, nhưng chúng ta cũng mong đợi Ngài một khi chúng ta cảm thấy rằng mình biết việc mình nên làm để đảm bảo là Ngài cũng đồng ý. Bạn có bình an không? Quyết định này có khôn ngoan không? Động cơ làm việc này có đúng không? Hãy chờ đợi Chúa một thời gian để Chúa có cơ hội cho bạn biết nếu có điều gì mà bạn chưa xét đến.
Chúng ta không bao giờ lên kế hoạch và rồi cầu nguyện xin Chúa chúc phước cho kế hoạch đó. Chúng ta nên cầu nguyện trước khi lên bất kỳ kế hoạch nào. Nếu lòng bạn thật sự muốn theo Chúa trong mọi sự, Ngài sẽ cho bạn biết bằng cách này hay cách khác nếu bạn làm đúng.
Bắt Đầu Việc Nhỏ
Có lẽ bạn suy nghĩ, “Bà Joyce ơi, chuyện gì xảy ra nếu tôi đã làm hết tất cả điều này mà tôi vẫn chưa biết nên quyết định gì đây? Nếu là vậy, tôi khuyên bạn hãy đi những bước nhỏ bởi đức tin và xem thử bạn sẽ cam kết đi hướng nào đúng cho bạn. Dĩ nhiên chuyện này không xảy ra trong mọi quyết định, nhưng nó thể có xảy ra trong nhiều quyết định đấy.
Chẳng hạn, nếu ai đó mời bạn gia nhập một hội đồng, bạn nên cam kết một tháng và xem thử bạn cảm thấy thế nào về chuyện này trước khi bạn cam kết cả năm hay lâu hơn nữa. Đừng ngại nói thật với người ta, hãy cho họ biết việc đưa ra quyết định đúng rất quan trọng đối với bạn và bạn không muốn cam kết lâu dài mà không thử trước hết. Tôi luôn cho ngón chân vào nước trước khi tôi nhảy xuống hồ bơi, chỉ đơn giản là tôi không muốn ngỡ ngàng do nước hồ lạnh hay nóng. Nếu làm bước một thành công thì ta hãy tiến hành bước kế tiếp và kế tiếp.
Mọi việc vĩ đại đều bắt đầu bằng những việc nhỏ. Những người có đức tin lớn đều bắt đầu thực hành đức tin nhỏ, và khi họ làm họ kinh nghiệm sự thành tín của Chúa và đức tin họ tăng trưởng. Chức vụ của chúng tôi bắt đầu bằng một buổi học Kinh Thánh tại nhà chúng tôi. Năm năm đầu chúng tôi có 26 người dự. Bây giờ chúng tôi có một chức vụ toàn cầu, gồm nhiều văn phòng đặt ở 18 quốc gia.
Lời Chúa khích lệ chúng ta chớ xem thường những ngày khởi đầu nhỏ bé, nên nếu bạn là mẫu người do dự tôi đề nghị bạn hãy bắt đầu quyết định trong những lĩnh vực không quan trọng trước. Hãy nhanh ra quyết định về những gì bạn muốn ăn, muốn mặc hay muốn làm gì với thời gian của bạn ngay hôm nay. Tôi đã từng đi ăn chung với những người mà họ xem thực đơn mất 45 phút trước khi quyết định họ muốn ăn gì. Dù họ đã gọi thức ăn rồi mà họ vẫn nói, “Tôi vẫn không biết mình muốn gì, nên tôi đoán là tôi chỉ gọi đại.” Tôi hiểu được là cần ít thời gian để quyết định nhưng do dự quá lâu như thế có lẽ là dấu chỉ cho thấy có vấn đề trầm trọng rồi.
Chúng ta đều biết chuyện gì xảy ra mỗi ngày nếu chúng ta bắt đầu bằng thái độ ra khỏi giường và chờ xem chuyện gì xảy ra. Tôi có một người bạn trước đây hay gọi cho tôi vào buổi sáng để xem thử tôi làm gì ngày hôm đó. Chúng tôi để rất nhiều thời gian bên nhau và cô ta không muốn lên kế hoạch gì cho đến khi cô biết những việc tôi làm. Tôi thường trả lời bằng cách hỏi cô ta, “Chị làm gì hôm nay?” Cô thường trả lời, “Tôi không biết, tôi nghĩ tôi muốn xem thử chị đang làm gì”. Thái độ thụ động và hời hợt như thế thật nguy hiểm. Đừng để quyết định của người khác làm “kim chỉ nam” cho quyết định của bạn.
Tôi hay nói, “Hãy lên kế hoạch và sẵn sàng thay đổi nếu Chúa can thiệp và muốn bạn làm điều Ngài muốn”. Chuyện lên quá nhiều kế hoạch là có thật nhưng không lên kế hoạch nào cả là ươm mầm cho một cuộc đời hoang phí.
Một khi bạn ra quyết định, dù là quyết định nhỏ, hãy cố gắng bám lấy quyết định đó. Chúa không phải là tác giả của lộn xộn; vì thế đừng quá lí trí mà bối rối cho chọn lựa của bạn. Tôi thích Kinh Thánh nói, “Hãy hướng tâm trí và cứ duy trì nó như thế” (Colosians 3:2). Buồn thay, chúng ta hay dễ bị xao lãng và thấy khó hướng tâm trí về một hướng. Hãy phát triển thói quen quyết định; nhưng đừng nghi ngờ, đừng nao núng, đừng do dự và đừng dao động. Hãy bắt đầu tuyên bố mỗi ngày rằng bạn là một người có tính quyết định và đưa ra những quyết định khôn ngoan.