Chương 9: Tại Sao Phải Tha Thứ?

Hãy Làm Ơn Cho Bản Thân Tha Thứ

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Cuộc sống diễn ra bình thường cho gia đình của Brooks Douglass lúc đó mười sáu tuổi vào giờ ăn tối ngày 15 tháng Mười, 1979. Đang lúc người mẹ chuẩn bị bữa ăn tối cho gia đình, cha cậu là một mục sư Báp-tít, đang chuẩn bị bài giảng mà ông sẽ giảng vào Chủ Nhật tới tại hội thánh Putnam City Baptist Church ở Okarche, Oklahoma. Đứa em của Brooks là Leslie đang dọn bàn. Vì là một cô gái đẹp mười hai tuổi, Leslie đạt vương miện Hoa Hậu Tuổi Teen của bang Oklahoma. Cuộc sống thật tốt đẹp đối với gia đình này.

Khi con chó bắt đầu sủa, Leslie đi ra ngoài thì gặp một người đàn ông nói là ông đang đi tìm một gia đình hàng xóm không quen biết. Khi người đàn ông nhờ gọi điện thoại thì Brooks mời ông ta vào.

Trong vài phút, một người thứ hai đột nhập vào với khẩu súng ngắn. Hai người đàn ông này dồn cả nhà vào phòng khách và trói mọi người ngoại trừ Leslie. Chúng đem cháu sang phòng kế bên và hãm hiếp cháu hơn ba giờ. Những người còn lại trong gia đình không thể làm gì ngoại trừ im lặng nghe cháu khóc la thống thiết.

Khi hai người chuẩn bị bỏ đi, chúng vào nhà bếp ăn tối. Hơn hai giờ, chúng khủng bố nạn nhân và bàn thử nên làm gì với họ tiếp. Rồi chúng bắn vào gia đình. Mục sư và cô Douglass, hai vợ chồng, một người mới bốn mươi ba và một người ba mươi chín tuổi, đã chết. Những kẻ giết người ra khỏi nhà lấy được bốn mươi ba đô la cùng chiếc nhẫn cưới của hai vợ chồng.

Các người con bị thương tích và nằm ở bệnh viện, được cảnh sát canh chừng suốt ba tuần. Nhưng sự chữa lành tình cảm cần một thời gian dài hơn. Đối với Brooks, sau vụ bắn giết đó cậu bị đau cột sống. Cậu ghi danh học tại đại học Oklahoma Baptist University nhưng bị đuổi học ngay sau đó. Cậu lang thang hết tiểu bang này đến tiểu bang khác, làm đủ thứ việc, ngày càng lún sâu vào rượu chè và chán đời.

Mãi về sau, cậu quyết định đến trường đại học Baylor University xin học để hầu việc Chúa. Nhưng cậu trở thành một người nghiện rượu nặng nên chẳng bao lâu cậu tụt xuống hạng chót và có thái độ chọc phá. Cuối cùng cậu cũng học xong đại học và đi kinh doanh bất động sản. Rồi cậu lập gia đình, nhưng hôn nhân đổ vỡ.

Những năm tiếp theo, Douglass từ từ làm lại cuộc đời, được thôi thúc muốn đem những kẻ giết cha mẹ cậu ra công lý. Cuối cùng cậu lấy được tấm bằng luật và tranh cử một ghế Thượng Viện Tiểu Bang, và cậu đã trúng cử.

Vào tháng Hai, 1995, đang khi đi thăm nhà tù tiểu bang Oklahoma, Douglass đối mặt với một trong hai tên sát thủ cha mẹ cậu là Glen Ake. Cậu hỏi người giám quản cậu có thể nói chuyện với tên tử tù được không. Douglass có một câu hỏi: Sao anh lại làm như thế? Hai người nói chuyện nhau hơn một giờ. Ake hết sức hối hận và khóc suốt cuộc nói chuyện. Khi chuẩn bị chia tay, Douglass nói với Ake, “Tôi tha thứ cho anh.” Cậu nói những lời này, “Thình lình, tôi cảm nhận mình được giải thuốc độc. Đây là một cảm giác nhẹ nhàng mà tôi chưa từng có trước
đây, giống như ai đó vỗ vào ngực tôi. Tôi cảm thấy như thể là tôi thở phào nhẹ nhõm lần đầu tiên trong suốt mười lăm năm.”

Douglass làm nghề viết lách và sản xuất bộ phim Heaven’s Rain. Bộ phim nói về câu chuyện bi kịch và kể lại hành trình đi từ giận dữ và tuyệt vọng đến tha thứ. Cậu nói rằng chính đức tin mà cha mẹ cậu nuôi dưỡng đã giúp hướng dẫn cậu có được cảm giác bình an.

… Brooks Douglass có thể lắm phải chứng kiến cuộc đời mình bị gặm nhấm bởi giận dữ, đau đớn và bực mình nếu cậu không bày tỏ hành động tha thứ.

Hy vọng là nếu chúng ta hiểu được mối nguy của cay đắng, bực bội và không tha thứ, chúng ta sẽ được thúc đẩy làm mọi sự có thể làm được để tránh những thứ này, và làm thế sẽ giúp chúng ta mau tha thứ. Chúng ta cần đem ra ánh sáng và nhanh bỏ qua những cảm xúc tai hại này. Cảm giác giận dữ rất mãnh liệt và có khuynh hướng kiểm soát hành động của chúng ta; vì thế, càng hiểu tại sao chúng ta tha thứ thì chúng ta càng dễ thứ tha. Suốt nhiều năm tôi học được nhiều lý do hợp lý để không nên giữ cơn giận và mau tha thứ mà tôi sẽ chia sẻ cho bạn.

Vâng Lời Chúa

 

 

Một trong những điều đầu tiên thúc đẩy tôi tha thứ là Chúa bảo chúng ta tha thứ. Tôi nghĩ không phải lúc nào cũng phải hiểu tại sao Chúa muốn chúng ta làm, nhưng chúng ta nên tin cậy Ngài đủ để làm theo. Khi chúng ta sống trong ý Chúa, đời sống chúng ta luôn tốt đẹp hơn là chúng ta sống theo ý riêng. Tôi chắc là bạn đã thấy chiếc áo có in hàng chữ “Just Do It” (Hãy Làm Đi) và đó cũng là cách chúng ta đáp lại ý Chúa.

Vâng lời Chúa là điều tốt nhất mà chúng ta nên đeo
đuổi vì nó luôn mang lại bình an, niềm vui và sức mạnh cho đời sống. Nếu chúng ta không vâng lời, chúng ta sẽ có lương tâm mặc cảm tội lỗi, là điều sẽ làm suy yếu chúng ta và làm tắc nghẽn niềm vui và bình an. Chúng ta có thể cố gắng bỏ qua sự thật rằng chúng ta đã không vâng lời Chúa và bào chữa cho chuyện này, nhưng hậu quả của nó vẫn làm chúng ta khó chịu. Không gì cảm thấy thoải mái hơn là có một lương tâm trong sạch.

Bạn có nổi khùng với ai đó ngay bây giờ không? Nếu vậy, sao bạn không vâng lời Chúa mà tha thứ cho người đó để bạn tiếp tục sống trong bình an, vui mừng và sức mạnh? Người ta nói rằng satan dùng chuyện không tha thứ chống lại người ta hơn bất kỳ chuyện nào khác. Nó dùng chuyện không tha thứ để phân cách và chia rẽ, để làm suy yếu và tiêu diệt, và để ngăn trở mối quan hệ của chúng ta với Chúa. Và đây chỉ là một vài hậu quả tai hại của việc không tha thứ.

Tôi tin rằng một khi bạn thấy được việc cay đắng tai hại như thế nào đối với đời sống bạn, nó sẽ thúc đẩy bạn làm hết sức mình để sống tự do khỏi cay đắng. Tôi đã phí nhiều năm sống trong giận dữ và cay đắng; bây giờ thái độ của tôi là : “Tôi đã trải qua chuyện này rồi, đã phạm phải nhiều điều rồi và bây giờ tôi không thích tái phạm điều này nữa.” Hôm qua tôi nói với mọi người rằng tôi không có thì giờ để nổi khùng với ai nữa.

Eva Kor là một người môi giới bất động sản tại Terre Haute, Indiana, năng động và hấp dẫn ở độ tuổi bảy mươi sáu. Bạn không hề biết rằng bà đã bị tra tấn dã man dưới bàn tay của bác sĩ Josel Mengele khi còn nhỏ tại trại tập trung ở Auschwitz. Vào năm 1995, bà quay lại trại trong một chuyến đi truyền giáo, và chuyến đi đó trở thành câu chuyện mà báo chí đăng tin khắp Âu Châu. Bà đọc câu nói sau đây ngay tại nơi mà bà đã mất đi tuổi thơ và gia đình : “Tôi, Eva Mozes Kor, chị em sinh đôi còn sống sót khi còn nhỏ trong cuộc thí nghiệm của Josef Mengele tại
Auschwitz cách đây năm mươi năm, qua đây ân xá cho tất cả những người Phát xít đã can dự trực tiếp hoặc gián tiếp vào vụ giết chết gia đình tôi cùng hàng triệu người khác.” Kể từ đó, bà Kor đã đi lại khắp thế giới kể về những kinh nghiệm của bà tại Auschwitz. Thông điệp của bà luôn tập trung vào quyền năng chữa lành của sự tha thứ. Bà nói, “Tha thứ chính là một hành động tự chữa lành không hơn không kém – một hành động tự làm tăng năng lực cho mình. Và tôi lập tức thấy gánh nặng đau đớn rớt khỏi vai tôi – tôi không còn là nạn nhân của Auschwitz, tôi không còn là tù nhân của quá khứ thảm thương, cuối cùng tôi được tự do. Tôi cho rằng tha thứ là thứ thuốc thần diệu thời hiện đại. Bạn không cần phải thuộc về hội HMO. Không cần phải trả góp, vì thế ai cũng trả nỗi. Không có tác dụng phụ. Và nếu bạn không thích cách mà bạn cảm nhận không còn đau đớn về quá khứ, lúc nào bạn cũng có thể lấy lại nỗi đau này.” Eva Kor không phí thì giờ hay sức khoẻ. Rõ ràng phương thuốc thần diệu của bà là toa thuốc của Chúa.

Hãy Ưu Tiên Cái Ưu Tiên

 

 

Vâng lời là đề tài chính của Lời Chúa, và chúng ta cần để sự vâng lời làm ưu tiên trong đời sống. Chúng ta hãy thành thật cầu nguyện mỗi ngày, “Ý Cha được nên ở đất như ở trời.” Sự vâng lời bắt đầu từ trong suy nghĩ vì suy nghĩ sẽ thành hành động.

Đánh đổ các lý luận và mọi sự kiêu căng nghịch với sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, chúng tôi cũng bắt mọi tư tưởng phải vâng phục Chúa Cứu Thế.

2Côrinhtô 10:5

Sứ đồ Phaolô khuyên chúng ta hãy bắt phục các tư tưởng. Không tha thứ được nhen nhúm trong cách chúng ta nghĩ về con người và hoàn cảnh. Tôi thấy được rằng nếu tôi chỉ chọn tin điều tốt nhất nơi một người ở trong một hoàn cảnh nào đó thì tôi thường tránh đi nỗi khổ của cơn giận và cay đắng. Hoặc đôi khi chúng ta chọn không nghĩ tới sự vấp phạm gì cả. Một điều chắc chắn là, chúng ta càng nghĩ về những sai trật mà ai đó đã làm cho mình thì chúng ta càng nổi giận và cay đắng, nên chúng ta hãy quyết định vâng lời Chúa ngay trong suy nghĩ.

Bản dịch Kinh Thánh The Amplified Bible dịch sự tha thứ nghĩa là “bỏ đi và cho qua luôn.” Cách để làm điều đó là đừng nghĩ hay nói về nó. Hãy loại bỏ vấp phạm khỏi đầu óc và khỏi môi miệng thì những cảm xúc bị tổn thương và bị khơi dậy sẽ lắng đọng.

Họ Cho Nó Qua Đi

 

 

Những người nam và người nữ trong Kinh Thánh đã bày tỏ quyền năng của Chúa trong đời sống của họ là những người mau tha thứ. Giô-sép là một trong những tấm gương hay nhất chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh và sứ đồ Phaolô cũng là một tấm gương khác. Tôi đã nói đến Giô- sép trước đây, nhưng câu chuyện của cậu thật quyền năng và lạ lùng nên đáng cho chúng ta xem xét lại và rút ra những bài học quý giá.

Dù các anh Giô-sép ghét cậu và xử tệ với cậu, cậu vẫn vâng lời Chúa để tha thứ. Cậu biết sự báo thù không thuộc về cậu mà thuộc về Chúa. Cậu tin cậy Chúa biến hoạ thành phước và đó chính là điều đã xảy ra. Dù Giô-sép thấy mình rơi vào nhiều hoàn cảnh bi đát và bất công, cậu vẫn kinh nghiệm phước lành của Chúa. Ân huệ của Chúa đến trên cậu, cũng như đến trên những ai cho việc vâng
lời Chúa là quan trọng trong đời sống. Sau nhiều năm làm đầy tớ và mất mười ba năm trong tù về tội mà cậu không phạm, cậu vẫn không có thái độ cay đắng. Cuối cùng, Chúa đặt cậu vào vị trí quyền lực trong xứ và trong lúc đói kém, đây là lời cậu nói với các người anh đang thiếu thốn khi đến xin cậu giúp:

Vậy xin các anh đừng sợ. Tôi sẽ cấp dưỡng cho các anh và con cái các anh. Giô-sép trấn an các anh và nói chuyện dịu dàng với họ.

Sáng Thế Ký 50:21

Nếu chúng ta nghĩ về chuyện này một lát, chúng ta sẽ ngạc nhiên về thái độ của Giô-sép, và chúng ta thảy đều được cảm động để hành xử tương tự khi chúng ta thấy người ta đê tiện và thấy đời bất công. Tại sao chúng ta nên tha thứ và tử tế với người ta khi mà họ xử tệ với chúng ta? Vì Chúa phán hãy làm vậy! Đó chính là lý do mà tất cả chúng ta đều cần.

Các anh Giô-sép sống trong sợ hãi và khốn khổ trong suốt quãng đời của họ, trong khi Giô-sép có bình an, vui mừng và quyền năng. Nên tôi xin hỏi bạn, ai là nạn nhân và ai là ân nhân? Lúc đầu dường như Giô-sép là nạn nhân; nói cho cùng, các anh cậu bán cậu cho các gã buôn nô lệ. Nhưng thực tế cậu lại có được sự chiến thắng huy hoàng khi cậu có thể trải qua hoàn cảnh kinh khiếp và thoát khỏi đó thành một con người tốt đẹp hơn trước đây. Còn các anh của cậu kết cuộc thành nạn nhân của sự ganh ghét và ganh tị của chính họ. Khi Giô-sép quyết định tha thứ, cậu đã làm ơn cho chính cậu và điều này mang lại ích lợi cho suốt cuộc đời còn lại của cậu.

Sứ đồ Phaolô cũng trải qua nhiều thử thách trong khi cố gắng giúp người ta qua việc rao giảng tin lành cho họ. Ông bị bỏ tù và bị xử về những tội mà ông không phạm. Kinh Thánh cho biết vào lần xử đầu tiên mọi người đều
bỏ ông. Không ai đứng với ông và chắc hẳn đây là một cảm giác cô đơn kinh khiếp và có thể dễ dàng đâm ra cay đắng. Tóm lại là ông bị xử về việc tìm cách giúp chính những người bây giờ đã bỏ ông.

Khi ta tự biện hộ lần thứ nhất tại toà, chẳng có ai bênh vực ta; tất cả đều bỏ rơi ta. Cầu xin Chúa đừng quy tội này cho họ. Nhưng Chúa tiếp tục đứng bên cạnh và ban thêm sức cho ta, để ta rao giảng Phúc Âm cách rõ ràng, đầy đủ, cho mọi dân ngoại đều nghe. Chúa cũng đã cứu ta thoát khỏi hàm sư tử.

2Timôthê 4:16-17

Hãy để tôi giải thích hai câu Kinh Thánh này và chia sẻ một số bài học tôi thấy được. Chúa ở cạnh Phaolô và thêm sức cho ông, nhưng chuyện này sẽ không xảy ra nếu Phaolô không tha thứ và cay đắng. Linh cay đắng sẽ phân cách chúng ta với Chúa. Dĩ nhiên Ngài không bao giờ lìa chúng ta, nhưng ánh sáng không thể thông đồng với bóng tối, nên chúng ta bị tắc nghẽn hay ngăn trở không hưởng sự hiện diện của Ngài trong đời sống. Tuy nhiên, Phaolô đã kinh nghiệm được sự hiện diện của Chúa ở với ông vì ông vâng lời. Phaolô cũng nói rằng ông đã được giải cứu khỏi hàm sư tử, và đó chính là satan tác động qua những con người gian ác buộc tội Phaolô và tìm cách làm hại ông.

Mau vâng lời tha thứ bất cứ ai mà chúng ta thù nghịch sẽ mang lại cho chúng ta quyền năng và uy quyền đối với satan. Hãy để tôi nhắc bạn là Phaolô có nói với tín hữu trong sự dạy dỗ của ông là hãy tha thứ để satan không lợi dụng họ (2Cô 2:10-11). Có phải satan lợi dụng bạn hay ai đó mà bạn biết chỉ vì không tha thứ không? Nếu vậy, bạn hãy chấn chỉnh ngay bằng cách vâng lời Chúa và tha thứ hoàn toàn bất kỳ ai bạn thù nghịch. Này là lúc để hỏi, “Bạn có đang giữ thù hận hay thù hận đang giữ bạn?”

Mười hai môn đồ cùng đi lại với nhau chắc hẳn phải tha thứ nhau thường xuyên vì những vấp phạm. Khi chúng ta gần gũi với cùng một người thường xuyên thì họ có thể làm chúng ta khó chịu và chúng ta nghĩ là họ có chủ đích làm vậy để khiến chúng ta bực mình. Thực tế thì họ chỉ thể hiện chính con người họ và chúng ta lại đòi hỏi nơi họ quá mức. Tôi tưởng tượng khó khăn thế nào cho mười hai môn đồ đồng ý nhau suốt ba năm. Họ có những cá tính trái ngược nhau và phải học sống chung như chúng ta phải học trong chính kinh nghiệm của chúng ta với người khác.

Phierơ đã hỏi Chúa Giê-su ông phải tha thứ cho cùng một người phạm cùng một tội bao nhiêu lần (Mat 18:21). Thật buồn cười nếu bạn dùng trí tưởng tượng một chút và nghĩ đến Phierơ hành xử như một em bé hay giận được cha mẹ yêu thương dạy dỗ để biết cách chan hoà với anh chị của mình. Tôi thấy khuôn mặt đỏ ngầu của Phierơ vì nổi giận, với ánh mắt khó chịu, ông hỏi, “Ngài muốn con tha thứ bao nhiêu lần đây, Chúa? Vì con mới bị chọc giận?” Liệu một môn đồ của Chúa Giê-su suy nghĩ và hành xử như thế sao? Các môn đồ này không khác gì chúng ta. Họ là những con người bình thường học vâng lời Chúa, và họ cũng có cùng một phản ứng trong suy nghĩ và cảm xúc như chúng ta có đối với ý Chúa. Họ cảm thấy muốn nổi loạn, ương ngạnh và xác thịt họ muốn kháng cự với mọi người khác, và họ cũng phải hợp tác với Chúa Giê-su để chiến thắng những chuyện này. Đừng thất vọng nếu bạn thấy khó khăn trong chuyện tha thứ người khác. Tôi không biết có ai thấy tha thứ là chuyện dễ hay không, nhưng chúng ta có thể thứ tha nhờ có Chúa giúp đỡ.

Khả Năng Yêu Thương

 

 

Khả năng yêu thương người khác sẽ bị ngăn trở khi chúng ta cứ nổi giận và không chịu tha thứ. Tôi đã viết cả hai cuốn sách về tầm quan trọng của việc yêu thương người khác, vì thế tôi nghĩ đây là điều chúng ta cần để ý nhiều. Tình yêu thương là điều hệ trọng hơn hết ở đời này; không có nó đời sống chúng ta không có hương vị. Cuộc đời sẽ tẻ nhạt, sẽ ảm đạm và vô vị và chúng ta cũng bị giam hãm trong ngục tù của ích kỷ. Dĩ nhiên Chúa biết chuyện này trước khi chúng ta biết, và Ngài đã cung ứng một phương cách để thoát ra khỏi nổi kinh khiếp của một cuộc đời như thế; phương cách đó là Chúa Giê-su.

Ngài đã chết cho mọi người để những kẻ sống không sống cho chính mình nữa nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình.

2Côrinhtô 5:15

Đối với tôi đây là một câu Kinh Thánh hay. Chúa Giê- su chết để chúng ta được tự do khỏi ngục tù bản ngã. Khi chúng ta đầy ắp sự không tha thứ tức là chúng ta đầy ắp cái tôi. Chúng ta cứ nghĩ về những gì người ta đã gây cho mình, và những gì người ta đã không làm cho mình mà đáng lý họ phải làm. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu chúng ta nghĩ thêm về những gì mà một người đã làm hại chúng ta phải chịu khi không vâng lời Chúa mà bạc đãi chúng ta? Nghĩ đến người khác lúc nào cũng được tưởng thưởng và phóng thích chúng ta khỏi sự ích kỷ. Chúa Giê-su chết để chúng ta không phải sống cuộc đời giận dữ, cay đắng và đó là tin lành!

Điều này có thể khó chấp nhận, nhưng xét về căn bản, không tha thứ là ích kỷ, vì nó chỉ chú trọng đến việc là tôi cảm thấy ra sao và chuyện gì đã xảy ra cho tôi. Chúng
ta có thể bị tổn thương và quả đã bị ngược đãi, nhưng cứ nghĩ về bản thân mà thôi thì không giúp chúng ta hồi phục khỏi đau đớn. Khi Chúa bảo chúng ta hãy mau mau tha thứ kẻ thù và thương xót họ, dường như đây là một việc bất công nhất trên đời. Nhưng thực tế Ngài biết đây là cách duy nhất để bỏ qua quá khứ đau đớn mà bước vào cuộc sống tốt đẹp đang vẫy gọi chúng ta.

Tôi phát hiện ra rằng tôi không thể nào vừa ích kỷ mà vừa hạnh phúc cùng một lúc được, và tôi chọn trở nên hạnh phúc, nên tôi phải quên cái tôi đi mà liên tục nghĩ đến người khác.

Kinh Thánh dạy chúng ta hãy mặc lấy tình yêu thương (Cô 3:14). Thật ra Kinh Thánh nói, “Trên hết hãy mặc lấy tình yêu thương.” Nhóm từ này có nghĩa là đây là điều chúng ta phải chuẩn bị và làm có chủ đích. Tôi khích lệ bạn hãy lên kế hoạch mỗi ngày tha thứ cho bất cứ ai có cơ may làm tổn thương bạn. Đừng chờ cho đến khi chuyện xảy ra và sau đó vật lộn với cảm xúc giận dữ, nhưng thay vào đó hãy dự tính và duy trì đời sống yêu thương.

Maggie lấy James khi cô mới mười chín tuổi. Mục tiêu của cô trong đời là lấy chồng và có gia đình. Cô có khiếu nội trợ và muốn thể hiện tài năng ngay. Maggie đón nhận rất nhiều tình cảm từ gia đình khi cô lớn lên, nhưng James thì không nhận được diễm phúc này, và buồn thay cậu cũng không biết cách trao ban. Maggie thấy hụt hẩng và thật sự cần sự biểu lộ tình cảm. Dù James yêu thương Maggie thật, cậu không hôn vợ trừ khi nào cậu muốn ân ái. Cậu không giúp gì việc nhà hay chăm sóc con, vì cậu chưa hề thấy cha mình làm vậy. Mẹ của James thường đấm bóp tay chân cho cha của cậu trong lúc cha cậu ngồi nghỉ; vì thế James mong vợ mình là Maggie làm tương tự. Vì Maggie rất hồ hởi muốn làm người vợ hiền, cô làm tất cả cho James và muốn chìu chồng hết mình. Sau hai mươi lăm năm lấy nhau, có được bốn người con, Maggie mệt mỏi khi hết mình cho gia đình nhưng cô cảm thấy
không được đền đáp bao nhiêu. Cô hiếm khi nghe những lời khích lệ hay cảm ơn từ James, dù cô có nói với James về chuyện này vài lần, nhưng chồng cô dường như không muốn thay đổi. Cậu nghĩ vợ mình là cảm xúc và thường thẳng với vợ như thế!

Mỗi năm trôi qua Maggie ngày càng bực bội thêm. Cô đâm ra bực tức, và giữa hai vợ chồng bây giờ có một bức tường ngăn cách. Cô đầy cay đắng, bực bội và không tha thứ, và ngày càng trở nên khốn khổ hơn. Cuối cùng, trong lúc lòng đầy khủng hoảng cô biết rằng hoặc là cô phó dâng chồng mình cho Chúa và cầu nguyện cho chồng, hoặc là cứ sống khốn khổ như vậy. Cô cũng nhận ra rằng cô không chỉ để cho James lợi dụng cô mà cô còn làm tương tự cho các con của mình. Cô làm hết cho con cái, tưởng rằng cô là người mẹ tốt. Thực tế là những gì cô làm đã khiến cho con cái của cô có thái độ ỷ lại, lười biếng và vô ơn.

Cô biết cần phải thay đổi nhiều thứ, nên cô quyết định chăm sóc đúng đắn bản thân thay vì cảm thấy thương hại cho bản thân. Cô tiếp tục chăm sóc chu đáo cho gia đình, nhưng cô không làm cho các con những việc nào mà chúng có thể làm được và chúng nên tự làm. Cô cho chúng biết điều cô mong đợi và hậu quả là gì nếu chúng không làm trọn trách nhiệm.

Maggie bắt đầu làm những việc cô thích. Khi James và con cái than phiền, cô bình thản giải thích, “Em vui hưởng cuộc sống của em cũng không có tội tình gì,” và cô đã làm những gì cô cảm thấy Chúa cho phép cô làm. Những bước hành động này đã giúp cô chiến thắng được cảm giác cay đắng. Cô vẫn cần James yêu thương mình hơn nhưng cô nhận ra chỉ có Chúa mới làm việc trong lòng chồng cô những việc cần làm. James là một người biết lo cho vợ con và là một người chồng tốt, nên Maggie bắt đầu tập trung vào những điểm tốt về chồng thay vì nghĩ đến những thiếu sót của chồng.

Khi cô muốn James làm việc gì đó trong nhà hay chơi với con cái, cô chỉ nhờ chồng cô chứ không nổi giận vì chồng cô không tự động làm. Phụ nữ hay muốn đàn ông để ý và tự động làm, nhưng phần lớn mấy ông thường than thở rằng họ không phải là người “đọc được tư tưởng” của phụ nữ nên họ nói, “Nếu em muốn anh làm gì, sao em không nói ra?”

Những thay đổi này đã giúp Maggie rất nhiều. Thay vì lúc nào cũng nghĩ chồng mình phải làm gì cho mình, cô cầu nguyện cho chồng và cố gắng nhớ lại rằng chồng của mình lúc nhỏ không thấy được những tấm gương tốt. Chuyện của cô chưa giải quyết xong, nhưng bây giờ cô hạnh phúc hơn rất nhiều và mấy tháng qua chồng cô cũng có vài thay đổi. Rõ ràng là hai vợ chồng này đang thay đổi và đó là bằng cớ cho thấy cách của Chúa luôn mang lại kết quả.

Đức Tin Bị Tắc Nghẽn

 

 

Maggie phải loại bỏ cay đắng trong lòng cô trước khi cô có thể cầu nguyện hết lòng cho chồng. Đức tin sẽ không hiệu quả trong một tấm lòng đầy cay đắng. Tôi tự nhủ có hàng triệu người cầu nguyện cho người khác thay đổi nhưng lời cầu nguyện không được Chúa trả lời vì họ cầu nguyện mà lòng họ đầy giận dữ.

Khi đang đứng cầu nguyện, nếu có điều gì bất bình với ai, các con hãy tha thứ, để Cha các con trên trời cũng tha thứ lỗi lầm cho các con.

Nếu các con không tha lỗi cho người khác, thì Cha các con ở trên trời cũng không tha thứ những lỗi lầm cho các con.

Mác 11:25-26

Đức tin có hiệu nghiệm và được tăng cường sức mạnh bởi tình yêu thương (Ga 5:6). Đức tin không có năng lực lan toả nếu không có tình yêu thương. Nó không có sức mạnh khi thiếu tình yêu thương. Ôi, ước gì nhiều người tin điều này và hoán đổi sự cay đắng của họ để lấy thương xót và tha thứ. Chúng ta hãy học biết rằng khi người ta làm bậy, họ thật sự làm hại chính họ hơn là họ làm hại chúng ta. Nguyện lẽ thật của Chúa đầy dẫy tấm lòng chúng ta bằng lòng nhân từ cùng thương xót đối với tha nhân.

Sau đây là phần tóm tắt lại một số hậu quả tai hại của việc không tha thứ :

Khi chúng ta không chịu tha thứ, chúng ta không làm theo Lời Chúa.

Chúng ta mở cửa cho ma quỷ gây ra đủ thứ rắc rối trong đời sống.

Chúng ta ngăn trở tình yêu thương tràn đến người khác. Đức tin bị tắc nghẽn và lời cầu nguyện bị ngăn trở.

Chúng ta bất hạnh và đánh mất niềm vui.

Thái độ chúng ta bị đầu độc và chúng ta lại đầu độc những người chúng ta tiếp xúc.

Cái giá mà chúng ta phải trả vì cứ giữ cảm giác cay đắng thật không đáng để trả giá. Không tha thứ mang theo những hậu quả tai hại, nên hãy làm ơn cho bản thân hãy tha thứ!