Chương 12: Hiệp Một: Quyền Năng Và Phước Lành

Hãy Làm Ơn Cho Bản Thân Tha Thứ

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Cả Kinh Thánh khuyến khích và truyền bảo sự hiệp một, hiệp ý và hoà thuận. Cách duy nhất để duy trì những điều này là chúng ta có chịu mau tha thứ và độ lượng bày tỏ lòng thương xót hay không. Thế giới ngày nay đầy ắp những bất đồng. Chúng ta thường nghe về chiến tranh, hận thù và xáo trộn trong bộ máy chính quyền, trong các giáo hội và các tổ chức kinh doanh. Tuy nhiên dù sống giữa những xáo động như thế, Chúa hứa ban cho chúng ta bình an. Chúng ta có thể chọn sống theo kiểu nào.

Kìa, thật tốt đẹp và vui vẻ biết bao khi anh em sống hoà thuận với nhau.

Thi Thiên 133:1

Tác giả Thi Thiên nói tiếp rằng nơi nào có hiệp một thì nơi đó Chúa truyền ban phước lành và sự sống đời đời. Chúa tôn trọng những ai nỗ lực sống hoà thuận. Chúa Giê-su phán rằng những ai làm hoà và duy trì hoà thuận là con cái Chúa. Điều đó có nghĩa là họ là người trưởng
thành thuộc linh. Họ sống vượt trên cảm xúc và sẵn sàng hạ mình dưới cánh tay quyền phép của Chúa và vâng lời Ngài. Họ dám chủ động và kiên quyết duy trì hiệp một.

Hãy nghĩ đến bầu không khí mà bạn sống hay làm việc. Nó có bình an không? Người ta có thấy dễ hoà đồng không? Nếu không, bạn sẽ làm gì đây? Bạn có thể cầu nguyện; bạn có thể khích lệ người khác hoà đồng. Và nếu có chút bất hoà nào do lỗi của bạn thì bạn hãy thay đổi. Bạn có thể chấm dứt tranh cãi về những chuyện cỏn con. Bạn có thể là người đầu tiên xin lỗi khi bạn bất đồng với người khác. Một trong những bông trái tốt đầu tiên mà khôn ngoan mang lại là bình an. Hãy sống khôn ngoan thì đời bạn sẽ được phước.

Nhưng sự khôn ngoan thiên thượng trước hết là trong sạch, rồi hòa hiếu, tiết độ, thuận phục, đầy dẫy lòng thương xót và quả tốt lành, không thiên vị cũng chẳng đạo đức giả. Nhưng sự khôn ngoan thiên thượng trước hết là trong sạch, rồi hoà hiếu, tiết độ, thuận phục, đầy dẫy lòng thương xót và quả tốt lành, không thiên vị cũng chẳng đạo đức giả.

Giacơ 3:17

Chọn Hiệp Một

 

 

Như tôi đã nói, nơi nào chúng ta cũng thấy có sự xáo trộn nên nếu chúng ta muốn hiệp một và bình an đến từ hiệp một thì chúng ta phải chủ đích chọn nó. Chúng ta phải học đường lối của Chúa và hợp tác với Thánh Linh để thúc đẩy bình an.

Ai mà lập gia đình rồi sẽ biết chuyện này hơn ai hết, chúng ta thấy có quá nhiều bất đồng. Thường thì chúng ta lấy người trái tính chúng ta, và điều này có nghĩa là chúng ta không suy nghĩ giống nhau. Chúng ta có thể bất
đồng, nhưng chúng ta có thể học đồng ý và tôn trọng cái bất đồng đó.

Nhà tôi và tôi rất khác tính, và chúng tôi trước đây đã mất nhiều năm tranh cãi cho đến khi chúng tôi học được mối nguy của xung đột và sức mạnh của hiệp một. Chúng tôi kết ước duy trì bình an trong mối quan hệ vợ chồng, trong gia đình và trong chức vụ hầu việc Chúa. Chúng tôi tin chắc rằng Chúa không thể ban phước cho chúng tôi như Ngài ước ao nếu chúng tôi vẫn còn chia rẽ. Có lẽ bạn nghe câu nói, “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết,” và câu này đúng. Kinh Thánh nói một có thể đuổi một ngàn và hai có thể đuổi mười ngàn chạy trốn. Từ câu Kinh Thánh này chúng ta thấy sức mạnh được nhân cấp lên khi chúng ta chọn sống hiệp ý nhau.

Tôi trước đây là nguyên do của mọi tranh cãi. Nhà tôi lúc nào cũng là con người hoà thuận, và anh rất ghét sự căng thẳng phát sinh khi chúng tôi cãi nhau và nổi giận dai. Tôi đã được nuôi dạy trong một gia đình không có hoà thuận, và tôi phải học biết thuận hoà là gì. Tôi học Lời Chúa và cố học biết là tôi cần thay đổi những gì để có được bình an. Tôi phát hiện ra rằng không có hạ mình thì không có bình an. Hạ mình là mỹ đức quan trọng nên đeo đuổi và có lẽ là mỹ đức khó đạt đến nhất cũng như khó duy trì nhất.

Một người thật sự hạ mình sẽ tránh được những lời nói vô bổ, vô nghĩa và vô dụng, vì nó sẽ dẫn chúng ta đến chỗ tội lỗi hơn. Những người hạ mình đóng tâm trí của họ lại với những tranh cãi buồn cười về những thắc mắc không đâu vào đâu, vì họ biết rằng họ sẽ nuôi dưỡng xung đột.

Bạn có nhớ lần mới nhất mà bạn cãi với ai đó về chuyện gì đó mà rất nhỏ nhoi và buồn cười không? Có lẽ bạn gặp một ngày xui xẻo và nói những lời đáng lý không nên nói, và nó khơi mào việc cãi lẫy. Bạn có lẽ muốn xin lỗi mau, nhưng sự kiêu ngạo khiến bạn cứ nói những lời ngu xuẩn, tìm cách chứng minh bạn đúng. Bạn đã phí cả ngày
hôm đó, bị căng thẳng, bị nhức đầu, bị đau bụng và không muốn cầu nguyện. Bạn biết trong lòng rằng bạn đã cư xử tệ, và một phần trong con người bạn muốn nói, “Tôi thật sự xin lỗi; đây là lỗi của tôi và tôi xin bạn tha thứ cho tôi.” Nhưng phần khác, tức xác thịt thì khiến bạn ương ngạnh không chịu xin lỗi.

Tôi nhớ nhiều lần trước đây tôi như vậy, nhưng tạ ơn Chúa bây giờ tôi không sống như vậy nữa. Tôi ghét xung đột, xáo trộn, bất hoà và bất đồng. Mình đúng chưa hẳn là mình đúng đâu. Chúng ta thường tranh chấp với người khác chỉ vì nhằm mục đích chứng minh là mình đúng khi tranh cãi, nhưng nếu chúng ta đúng, chúng ta có được cái thứ gì đâu ngoại trừ cái cảm giác tự cao tự đại? Tôi nghĩ chúng ta sẽ được kính nể hơn nếu chúng ta hạ mình và để Chúa bênh vực chúng ta. Duy Ngài mới có thể chứng minh chúng ta đúng trong hoàn cảnh nào đó nếu đó là kế hoạch tốt nhất của Ngài. Lời Chúa nói tình yêu thương không khăng khăng đòi quyền lợi riêng (1Cô 13:5). Tình yêu thương không đòi nằng nặc là mình đúng! Bạn có chịu để người khác cho họ là đúng dù bạn không tin là họ đúng, thay vì bắt đầu tranh cãi về chuyện đó? Nếu bạn chịu vậy thì bạn đang tiến gần hơn đến việc trở thành người làm hoà và duy trì hiệp một.

Mới đây trong một chuyến đi của tôi cùng với mười một thành viên của gia đình tôi, trong đó có nhà tôi, hai con tôi, vợ chồng của chúng, và một số đứa cháu, trong đó có những cháu thiếu niên. Chúng tôi đều ở cùng một khách sạn và có cơ hội bất hoà và bị chạm tự ái. Không phải ai cũng thích làm giống nhau hay xem cùng một chương trình trên ti vi, chơi cùng một trò chơi hay ăn cũng một nhà hàng. Những bạn thiếu niên thường có thái độ bất mãn và vì thế chúng ta là người lớn cần nhớ rằng lúc còn niên thiếu chúng ta cũng không cư xử khá hơn chúng đâu. Vấn đề tôi muốn nói là dù mọi người trong chúng tôi đều là cơ đốc nhân đang cố gắng vâng lời Chúa và sống
chan hoà, nhưng chúng ta phải kiềm chế rất nhiều, cũng như bạn vậy nếu bạn muốn có hiệp một. Không tài nào duy trì bầu không khí bình an trong tình huống mà tôi vừa kể trừ khi mọi người sẵn sàng hạ mình và độ lượng bày tỏ lòng thương xót và tha thứ. Chúa biết rõ điều Ngài làm khi Ngài dạy chúng ta trong Lời Ngài là hãy mau tha thứ. Satan luôn đi quanh quẩn tìm cách khơi mào rắc rối, nhưng Chúa ban cho chúng ta cách để đánh bại nó. Hãy độ lượng bày tỏ lòng thương xót, kiên nhẫn, chịu đựng, thông cảm, nhận biết chính lỗi lầm của mình, và chính điều đó sẽ giúp bạn không vội xét đoán người khác và tha thứ một cách mau chóng và đầy trọn để bạn không sa vào cái bẫy xung đột của ma quỷ.

Mối quan hệ rất là quan trọng với hết thảy chúng ta. Mối quan hệ xấu sẽ gây ra khốn khổ, còn mối quan hệ tốt sẽ mang lại ích lợi và phước lành ở đời này. Satan tìm cách tiêu diệt các mối quan hệ vì nó biết sức mạnh của hiệp một. Nó dùng những khác biệt về cá tính chống lại chúng ta. Nó khiến cho chúng ta nghĩ méo mó những lời nói về chúng ta, nó đề cao việc chạm tự ái, cơn giận dữ và thái độ nổi loạn không chịu tha thứ. Nhưng chúng ta có uy quyền trên ma quỷ, và chúng ta có thể chống cự nó cùng mọi mưu chước của nó nhằm gây chia rẽ trong mối quan hệ của chúng ta tại nhà, tại công sở, tại trường học, tại hội thánh hay bất kỳ nơi nào chúng ta đến.

Hãy tự hỏi mình sự xáo trộn có ích lợi gì. Nó có ích lợi hay thay đổi hoàn cảnh gì không? Phần lớn những lần xung đột đều làm cho chúng ta đau khổ và không ích lợi gì. Chúng ta hãy có một quyết định tìm cầu và kiến tạo bình an. Không ai trong chúng ta có thể giải quyết hết mọi xáo trộn ở đời này, nhưng chúng ta có thể chịu trách nhiệm cho chính đời sống và mối quan hệ của chúng ta. Hãy bắt đầu cầu nguyện và hỏi Chúa bạn sẽ làm gì để thay đổi nhằm thúc đẩy thêm bình an trong đời sống bạn.

Hãy Thích Nghi

 

 

Phần lớn chúng ta muốn làm theo cách chúng ta, nhưng để có hiệp một chúng ta phải học thích nghi và thích ứng. Hãy xem câu Kinh Thánh này:

Hãy sống hoà thuận với nhau. Đừng lo nghĩ những chuyện cao xa, nhưng hãy tự hạ, hoà mình với những người hèn mọn. Đừng tự cho mình là khôn ngoan. Đừng lấy ác báo ác cho ai cả; hãy làm điều thiện trước mặt mọi người. Nếu có thể được, anh em hãy hết sức sống hoà thuận với mọi người.

Rôma 12:16-18

Xét kỹ những câu này sẽ cho chúng ta thấy ngay là chúng ta không thể sống hoà thuận với nhau nếu thái độ của chúng ta không đúng. Chúng ta cần thái độ hạ mình, thái độ sẵn sàng thích nghi và điều chỉnh theo người khác và theo từng tình huống. Chúng ta luôn luôn bênh vực những gì chúng ta tin là đúng, nhưng trong những vấn đề nhỏ và những vấn đề mà chúng ta có thể thích nghi với người khác, chúng ta nên nỗ lực thích nghi.

Ai mà lúc nào cũng có được điều mình muốn thì không tốt. Chúng ta cần kinh nghiệm sự đầu phục nhau trong sự hạ mình và yêu thương. Chúng ta thảy đều cần nhượng bộ người khác và thỉnh thoảng đặt họ và sở thích của họ trên hết. Và chúng ta cần làm việc này với thái độ tích cực.

Phần lớn trong đời sống vợ chồng, nhà tôi luôn để cho tôi chọn đi ăn chỗ nào khi chúng tôi đi ăn ngoài. Vì là một người dễ tính, chuyện này không quan trọng đối với anh. Nhưng đối với tôi thì chuyện này lại vẫn còn quan trọng. Trong vài năm qua, vì lý do nào đó anh rất kén chọn ăn chỗ nào và ăn gì, và bất ngờ anh không muốn ăn chỗ mà chúng tôi thường đến ăn. Anh quyết định là anh không
thích tỏi, mà món ăn Ý là món tôi thích, nên tôi đoan chắc là bạn sẽ thấy có vấn đề rồi. Tôi cũng thích món ăn Tàu, và dù đôi khi anh cũng chịu ăn, nhưng không vui lắm. Tôi thấy hụt hẫng và tôi biết tôi cũng cần thích nghi. Từ trước giờ tôi luôn luôn kén chọn về việc ăn chỗ nào, nên tôi nghĩ đã đến lượt nhà tôi kén chọn nếu anh muốn. Tôi nhìn nhận rằng điều này hơi khó cho tôi. Chúng ta quen sống bắt người ta theo ý mình càng lâu thì càng khó cho chúng ta thay đổi ngay. Nhưng tôi đã tự nhắc mình rằng nhà tôi đã để tôi chọn ăn chỗ nào suốt bốn mươi năm rồi nên bây giờ đến lượt anh. Đôi khi chúng ta có thể xoay sở để thích nghi cách dễ dàng nếu chúng ta không phản ứng theo cảm xúc và chịu để thì giờ nghĩ lại một tí. Câu Kinh Thánh trên cũng cho chúng ta biết không nên đánh giá cao về bản thân. Chúng ta không nên nghĩ rằng những gì chúng ta muốn quan trọng hơn những gì người khác muốn. Chúng ta thảy đều có giá trị và quyền lợi bình đẳng; biết vậy sẽ giúp chúng ta thích nghi với những khát khao của người khác.

Gia Tăng Quyền Năng Cầu Nguyện

 

 

Cầu nguyện là một đặc quyền lớn lao nhất mà chúng ta có và cầu nguyện mở cửa cho quyền năng và phước lành phi thường đến đời sống chúng ta và đời sống người khác. Chúa nghe và đáp lại lời cầu nguyện, nhưng Ngài bảo chúng ta rằng chúng ta phải cầu nguyện mà không giận dữ và cầu nguyện hiệp ý.

Vậy, ta muốn người nam khắp nơi đưa tay thánh sạch lên trời cầu nguyện, không giận dữ, không cãi cọ.

1Timôthê 2:8

Câu Kinh Thánh này nói rõ rằng chúng ta phải cầu nguyện không giận dữ. Trong Mác chương 11 chúng ta được dạy rằng khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta trước hết phải tha thứ bất kỳ ai chúng ta thù nghịch. Đây là một câu Kinh Thánh khác xác nhận rằng chúng ta không thể cầu nguyện với tấm lòng đầy dẫy giận dữ và xung đột mà mong là lời cầu nguyện của mình được đáp lời.

Có rất nhiều người nóng tính trong thế giới ngày nay, và tỉ lệ không nhỏ trong số này là cơ đốc nhân, những con người đã biết Chúa. Họ cầu nguyện và lầm tưởng rằng cơn giận của họ không thành vấn đề. Họ cảm thấy biện minh cho cơn giận của họ, nhưng Chúa lên án chuyện này và nói chúng ta phải bỏ qua trước khi cầu nguyện. Cách tốt nhất để đến với Chúa cầu nguyện là trước hết hãy ăn năn tất cả tội lỗi của bạn và sau đó đảm bảo là bạn không có cay đắng nào trong lòng với bất kỳ ai. Làm sao chúng ta mong Chúa tha thứ chúng ta nếu chúng ta không chịu thứ tha cho người ta? Tôi chắc chắn là tội chúng ta phạm với Chúa còn trầm trọng hơn tội mà con người phạm với chúng ta.

Người chồng và người vợ hay cả một gia đình có một quyền năng phi thường trong sự cầu nguyện nếu họ kết ước sống hiệp một.

Ta lại nói cùng các con, nếu hai người trong các con ở dưới đất thuận ý nhau mà cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Ta ở trên trời sẽ ban cho họ.

Mathiơ 18:19

Câu Kinh Thánh này thật ngạc nhiên, và ai trong chúng ta thật sự tin câu này thì chúng ta sẽ kết ước để sống hiệp một và hoà thuận. Niềm kiêu hãnh dại dột của chúng ta không đáng cho chúng ta đánh đổi việc mất đi quyền năng trong sự cầu nguyện.

Có lần trong đời sống tôi, tôi dại dột suy nghĩ rằng tôi
có thể cãi với nhà tôi bất cứ lúc nào tôi thích và sau đó khi chúng tôi cần Chúa ban phước trong một số lĩnh vực của đời sống chúng tôi, chúng tôi hiệp một và cầu nguyện cái gọi là “lời cầu nguyện hiệp ý.” Nhưng khi chúng tôi hiểu được từ Mathiơ 18:19 thì cầu nguyện kiểu như thế không mang lại kết quả. Quyền năng mà Chúa nói đến chỉ xảy ra cho những ai cam kết dồn mọi nỗ lực để làm hoà và duy trì bình an. Nếu ai làm vậy, Chúa rất hài lòng đến độ Ngài tôn trọng lời cầu nguyện của họ cách đặc biệt. Ngay sau câu Kinh Thánh này thì Phierơ hỏi Chúa Giê-su rằng ông phải tha thứ cho anh em ông bao nhiêu lần. Phierơ muốn có quyền năng như thế trong lời cầu nguyện, nhưng dường như là ông cũng nhận ra ông có vấn đề với một hai môn đồ khác. Ông muốn hỏi Chúa Giê-su mong đợi ông phải đi bao xa để giữ được bình an. Câu trả lời mà Chúa Giê-su đưa ra thật quan trọng đến độ Phierơ cần tha thứ nhiều lần mới duy trì sự hiệp một.

Lúc ấy, Phê-rơ đến hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu anh em con phạm tội cùng con, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Đến bảy lần chăng?”

Mathiơ 18:21

Tôi chắc là ông Phierơ nghĩ ông rất độ lượng, nên câu trả lời của Chúa Giê-su chắc hẳn đã làm cho ông bị sốc.

Đức Giê-su đáp: Ta bảo cho con rõ, không phải đến bảy lần, mà là bảy mươi lần bảy.

Mathiơ 18:22

Điều này có nghĩa là bốn trăm chín chục lần, nhưng đơn giản là ý Chúa Giê-su muốn nói, “Hãy thường xuyên tha thứ và đừng đặt giới hạn lên sự tha thứ.”

Cầu nguyện là một món quà quý giá và là một đặc quyền lớn lao nên chúng ta không dám phá hỏng qua việc
sống trong bất hoà. Trước khi cầu nguyện bạn hãy để thì giờ tra xét tấm lòng, và nếu bạn cần xin lỗi ai đó mà bạn biết, hãy chủ động làm người mang lại sự bình an.

Lời Chúa cho biết khi chúng ta dâng của lễ lên bàn thờ, nếu chúng ta nhớ anh em mình nghịch với mình, chúng ta nên để của lễ ở đó và đi làm hoà với anh em mình (Mat 5:24). Điều này dạy chúng ta hãy làm người chủ động trong việc làm hoà.

Quyền Năng Để Phục Vụ Chúa

 

 

Có một quyền năng lớn lao ban cho chúng ta khi chúng ta dâng đời sống để phục vụ Chúa. Chúa Giê-su sai các môn đồ đi từng đôi và bảo họ hãy giảng tin lành và chữa lành người bệnh. Ngài cũng bảo họ hãy tìm nhà nào đó để sống trong bình an (Lu 10:1-9). Ngài biết họ không thể nào có sự lộn lạo trong tâm linh và có quyền năng của Ngài tuôn đổ qua họ cùng một lúc được. Lời hứa Ngài ban cho họ chắc chắn đáng cho họ dồn hết nổ lực để duy trì sự hoà thuận.

Này, Ta ban cho các con quyền uy để đạp trên rắn độc, bò cạp, và trên mọi quyền năng của kẻ thù nghịch, không gì làm hại các con được.

Luca 10:19

Tôi muốn lời hứa này thành hiện thực trong chính đời sống tôi và tôi đoan chắc là bạn cũng muốn vậy. Chúng ta hãy cam kết để sống trong hiệp một, hoà thuận và hiệp ý. Điều này không có nghĩa là lúc nào chúng ta cũng nghĩ giống người khác hay đồng ý với những lựa chọn của họ, mà nghĩa là chúng ta đồng ý để không tranh cãi nhau. Chúng ta có thể tránh nhiều xung đột chỉ đơn giản là tập
chú lo công việc của mình. Một điều hay nữa cần nhớ là nếu chúng ta không có trách nhiệm về việc nào đó thì chúng ta không cần có ý kiến.

Thường chúng ta cho ý kiến khi mà không ai nhờ hay muốn ý kiến của chúng ta, và điều này trở thành nguyên do gây tranh cãi hay vấp phạm. Tôi là hạng người rất thoải mái với quan điểm của tôi, nhưng tôi xin Thánh Linh giúp tôi dùng khôn ngoan để giữ lại ý kiến cho mình trừ khi người ta hỏi tôi. Tôi chưa đạt đến sự trọn vẹn về lĩnh vực này, nhưng tôi liên tục học biết tầm quan trọng của việc không đưa ra ý kiến.

Sứ đồ Phaolô viết thư tín cho hội thánh Phi-líp trong đó khích lệ hai phụ nữ tên Ê-ô-đi và Si-ti-cơ là hãy hoà lại. Ông khích lệ các tín hữu khác giúp hai phụ nữ này hoà lại và tiếp tục hợp tác nhau để rao truyền tin lành (Phi 4:2-3). Chúng ta không biết chính xác là họ bất đồng điều gì, nhưng có lẽ một phần nan đề của họ là những quan điểm khác nhau về cách họ chọn lựa. Phaolô chắc có lẽ nghe nói về hai phụ nữ này gặp khó khăn để làm hoà, và biết rằng điều này sẽ làm suy yếu quyền năng trong chức vụ của họ, ông để thì giờ viết thư tín này trong đó ông ghi lại lời dạy dỗ đặc biệt cho họ về vấn đề này. Những gì Phaolô viết cho hai phụ nữ này cũng viết cho chúng ta. Nếu chúng ta muốn có quyền năng hầu việc Chúa, chúng ta phải làm hoà với nhau. Chúng ta phải có sự hiệp một!

Sứ đồ Phaolô viết cho tín hữu Phi-líp rằng:

Xin anh chị em hãy hiệp ý với nhau, cùng một tình yêu thương, đồng tâm, nhất trí để tôi được vui mừng trọn vẹn.

Phi-líp 2:2

Tất cả những người nam người nữ mà chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh đều cam kết sống hiệp một. Họ biết nếu không có sự hiệp một, sự hầu việc Chúa của họ sẽ vô quyền.

Trong giai đoạn đầu của chức vụ chúng tôi, nhà tôi và tôi nhận được khải thị của Chúa về mối nguy của sự xung đột. Xung đột không phải là một vấn đề nhỏ, nhưng nó thật nguy hiểm. Nếu không ngăn chặn, nó sẽ lây như bệnh dịch. Tôi ghét sự xung đột và tác hại của nó đến đời sống người ta, và tôi làm việc cật lực để loại trừ khỏi đời sống tôi.

Hãy tìm cầu sự hoà hiếu với mọi người và đeo đuổi sự thánh hoá, vì nếu không thánh hoá, không ai được thấy Chúa. Hãy thận trọng để trong anh chị em đừng có ai hụt mất ân sủng của Đức Chúa Trời; đừng để rễ cay đắng mọc ra gây rối và do đó làm ô uế nhiều người.

Hêbơrơ 12:14-15

Câu Kinh Thánh này dạy chúng ta rằng chúng ta phải phấn đấu (làm việc siêng năng) để loại bỏ xung đột khỏi đời sống chúng ta. Như tôi đã nói, điều này đòi hỏi nhiều sự hạ mình và sự sẵn lòng để kiên quyết làm người giải hoà. Cũng có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ cái quyền cho mình là đúng, lo chuyện của mình, và thường chúng ta cần kiềm chế không nói ra những lời nào gây ra rắc rối.

Tôi đã để rất nhiều thì giờ dạy về chủ đề này cùng các chủ đề khác nhằm thúc đẩy sự hiệp một giữa vòng tín hữu. Đời sẽ bất hạnh nếu không có bình an, và sự thật là khi chúng ta không có bình an thì chúng ta không có quyền năng.

Chúng ta nên giúp nhau để tránh xung đột. Chúng tôi có một mục sư là nhân viên của chúng tôi, có nhiều ân tứ tuyệt vời, nhưng tài mà vị mục sư này có đó là “giải quyết xung đột.” Nếu chúng tôi có một bộ phận hay hai nhân viên nào cho phép xung đột xảy ra giữa họ, thì vị mục sư này tiếp xúc với họ và giúp họ tìm ra giải pháp cho xung đột và bất hoà của họ. Chúng tôi biết rằng việc phục vụ Chúa sẽ bị suy yếu nếu không có sự hiệp một.

Thường chúng ta thấy rằng xung đột xuất hiện do thiếu thông công. Nhiều mối quan hệ bị tiêu diệt do xung đột, và điều này đáng buồn vì chúng ta có thể học những kỹ năng để thông công nếu chúng ta thật sự muốn. Mục sư của chúng tôi giúp các nhân viên giải quyết xung đột khi thông công nhau và điều này hầu như giải quyết nan đề. Nếu làm việc này mà không giải quyết vấn đề thì chúng tôi gặp hai ba bên liên hệ để quyết định giữ cho xung đột không phát ra, sau đó chúng tôi cho biết rằng chức vụ Joyce Meyer Ministries không phải là chỗ thích hợp cho người đó làm việc. Chúng ta phải có sự hiệp một để chúng ta hiệu quả cho Chúa.

Hai nhân vật chúng ta đọc trong Kinh Thánh là Áp- ra-ham và Lót đã xung đột về chuyện những người chăn chiên của họ tranh giành nhau về bầy chiên. Áp-ra-ham, là một người khôn ngoan, vội đến gặp Lót và nói, “Giữa chúng ta không nên có xung đột.” Rồi ông để cho Lót chọn bất kỳ phần đất nào Lót muốn và tuyên bố rằng ông sẵn sàng phần đất còn lại. Chúng ta thấy Áp-ra-ham hạ mình trong trường hợp này và đóng cửa với sự bất hoà phát sinh trong tương lai. Lót chọn phần đất tốt nhất cho mình, nhưng Chúa chúc phước cho Áp-ra-ham hơn trước đây vì ông sẵn sàng duy trì bình an (Sáng 13).

Tôi dùng câu chuyện này như là một lời nhắc nhở nhằm giúp tôi loại bỏ xung đột khỏi đời sống tôi, và tôi ứng dụng câu chuyện này thường xuyên trong sự dạy dỗ. Nếu bạn hạ mình và loại bỏ xung đột khỏi đời sống bạn, Chúa sẽ chúc phước cho bạn rất lớn và bạn sẽ có quyền năng trong sự cầu nguyện và hầu việc Ngài cũng như vui hưởng bình an.

Tôi muốn kết thúc chương này bằng lời nhắc nhở cuối cùng rằng cách duy nhất chúng ta sống trong hiệp một là chúng ta có độ lượng bày tỏ lòng thương xót và tha thứ hay không. Chúa ban cho chúng ta chìa khoá để có bình an khi dạy chúng ta tha thứ những người làm hại chúng ta, và chúng ta có thể tin cậy Ngài mang lại công bình và
chính trực cho đời sống chúng ta bất cứ lúc nào cần đến. Phần của chúng ta là tha thứ và phần của Ngài là mang lại công minh. Bạn làm việc của bạn và để Chúa làm việc của Ngài.

Hãy hết sức gìn giữ sự hiệp nhất do Thánh Linh đem lại bằng sợi dây xích hoà bình.

Êphêsô 4:3