Hãy Làm Ơn Cho Bản Thân Tha Thứ
Đăng vào: 12 tháng trước
Susanna là một phụ nữ lớn lên ở vùng nông thôn xa xôi thuộc một thị trấn nhỏ ở Texas. Cha mẹ của cô rất nghèo, thu nhập thì thấp nhưng con cái lại đông.
Susanna là người con út nhưng tính tình, dáng vẻ và sự thông minh của cô làm cho cô trỗi vượt ngay từ khi còn nhỏ. Cô học xong trung học và sau đó làm người bán hàng cho một công ty may mặc. Sau đó cô mở công ty riêng, may quần áo phụ nữ. Cô rất thích công việc này vì nó làm cho cô cảm thấy thành công và có giá trị, và cô cống hiến hết mình cho công việc này. Cô gặp một người chồng trong mộng và lấy anh ta. Rồi họ có hai người con. Năm tháng trôi qua cùng với công việc bề bộn khi cô đến tuổi bốn mươi, cô và chồng cô cùng điều hành một công ty đáng giá hàng triệu đô la.
Susanna cùng chồng có được tất cả những gì mà sự giàu có mang lại : nhà lầu, xe hơi, du thuyền và nhà nghỉ. Họ đi nghỉ khắp mọi nơi trên thế giới. Hai con gái của họ đều học những trường tốt nhất và hưởng được nhiều địa vị cao
trọng trong xã hội. Chúng lớn lên và đều có nghề nghiệp thành công và có gia đình riêng. Hai vợ chồng nghĩ cuộc đời họ không gì tuyệt vời hơn thế. Dù hai vợ chồng thỉnh thoảng có đi nhà thờ vì bổn phận, nhưng mối quan hệ của họ với Chúa không mang tính cá nhân, họ cũng không nghĩ đến ý Chúa khi họ đưa ra những quyết định. Mối quan hệ hôn nhân của họ chỉ là bề ngoài, không được sâu đậm, chân thành và mật thiết gì mấy.
Ngày nọ, không một lời báo trước Susanna bất ngờ biết được chồng mình đã ngoại tình và đây không phải là lần đầu. Cô ta bị sốc và bị tổn thương vô cùng. Cô phát hiện ra rằng chồng cô không chỉ không chung thuỷ mà còn đẩy công ty của họ đến chỗ nợ nần chồng chất. Chồng cô lấy tiền của công ty mà cô đã thành lập và dùng tiền đó cho gái ăn và sống đời sống hai mặt.
Hôn nhân họ đã đổ vỡ trong chốc lát, và Susanna phải ôm món nợ của công ty và đang bên bờ vực phá sản. Lúc đó nền kinh tế cũng trì trệ và giá bán lẻ lại xuống dốc. Những yếu tố đó tác động lớn đến công ty của cô. Nên bao nhiêu giận dữ và cay đắng cô dồn hết cho người chồng cũ, là người mà cô cho là chịu trách nhiệm tất cả chuyện này. Susanna quay sang con cái để tìm sự thông cảm và an ủi, nhưng các người con cũng bực mình với cô vì cô đã làm việc quá lam lũ trong nhiều năm nên không để thì giờ với chúng nó. Chúng nó cảm thấy chuyện cha chúng ngoại tình một phần là do mẹ chúng quá say mê công việc hơn mọi thứ khác trong đời. Nên chúng nó chỉ lo sống cho mình mà không quan tâm gì đến nhu cầu và vấn đề của mẹ chúng, cũng như chúng cảm thấy mẹ chúng đã không quan tâm đến nhu cầu của chúng khi chúng cần mẹ chúng. Susanna cần sự nâng đỡ lúc này nhưng không ai nâng đỡ cô.
Cô quay sang người chị, nhưng không tin nổi là người chị này cũng không đếm xỉa gì đế nỗi khốn khổ của cô. Cô cảm thấy rằng những năm tháng thành đạt và sống an
nhàn đã làm cho cô thành con người ích kỷ và thờ ơ. Sự rạn nứt giữa hai chị em lại bị khoét sâu hơn và hai người không nói chuyện nhau suốt tám năm trời.
Các con của cô, dù có lịch sự đi nữa cũng không gọi điện cho cô thường lắm, cũng không mời cô đến thăm chúng. Susanna ngày càng cay đắng và đổ lỗi cho mọi người về nỗi bất hạnh của cô. Không một lần nào cô nghĩ rằng những vấn đề của cô có thể là do lỗi của cô, và cũng không một lần nào cô nghĩ đến chuyện tha thứ và xin người khác thứ tha cho cô.
Cô nổi giận với người chồng cũ. Cô nổi giận với bản thân mà không nhận ra rằng hôn nhân và công việc làm ăn của cô đang gãy vụn ngay trước mắt cô. Cô đâm ra giận dữ vì các con của cô không làm gì giúp cô, và cô cũng giận Chúa vì cuộc đời của cô đã trở thành một nỗi thất vọng ê chề.
Ai Mà Không Giận?
Phần lớn người ta khi rơi vào hoàn cảnh như thế đều giận dữ, nhưng ta không nên giận nếu ta hiểu được tình yêu của Chúa và biết rằng Chúa đã cung cấp một con đường để ta thoát khỏi nỗi khốn khổ này. Điều đáng ngạc nhiên là một số cuộc đời đã bị tàn phá qua sự giận dữ và cay đắng như thế. Một số người thì không biết nên làm gì, còn rất nhiều cơ đốc nhân, là những người biết rõ hơn thì lại không chịu chọn làm điều đúng. Họ sống theo cảm xúc, thay vì sống vượt trên cảm xúc để làm điều tốt đẹp hơn. Họ tự giam mình trong ngục tù của những cảm xúc tiêu cực và sống què quặt thay vì sống cuộc đời mãn nguyện và đầy sức sống.
Phải công nhận là phần lớn người ta đều giận dữ, nhưng có một cách tốt hơn : họ có thể làm ơn cho bản
thân và học tha thứ. Họ có thể rũ bỏ nỗi thất vọng và tái dâng mình cho Chúa. Họ có thể hướng về tương lai thay vì quay đầu lại quá khứ. Họ có thể học từ lỗi lầm và cố gắng không tái phạm sau này.
Dù phần lớn chúng ta không rơi vào hoàn cảnh éo le như Susanna, nhưng chắc chắn có rất nhiều chuyện làm cho chúng ta nổi giận . . . nào là chuyện con chó của người hàng xóm, chuyện chính quyền, chuyện thuế má, chuyện không được tăng lương như mong muốn, chuyện kẹt xe, chuyện ông chồng bỏ giày dép lộn xộn và bỏ áo quần trong phòng tắm bừa bãi, hay chuyện con cái vô ơn về những gì cha mẹ đã làm cho chúng. Rồi có những người nói những lời khiếm nhã với chúng ta mà không bao giờ xin lỗi, có những bậc cha mẹ không dành tình thương nào cho con cái, họ có những ông anh bà chị được cha mẹ cưng, có những lời buộc tội không có chứng cứ và danh sách này thì còn dài. Đây là những cơ hội bất tận để chúng ta hoặc là nổi giận hoặc là tha thứ và tiếp tục sống.
Phản ứng tự nhiên là bực bội, là vấp phạm, là cay đắng, giận dữ và không tha thứ.
Nhưng chúng ta đang làm tổn thương ai khi cứ còn ấp ủ những cảm xúc tiêu cực này? Có phải người đã gây ra sự vấp phạm chăng? Đôi khi thì họ cũng bị tổn thương nếu chúng ta loại họ khỏi cuộc sống của chúng ta qua cơn giận, nhưng thường thì họ không biết, không hay là chúng ta đang giận họ! Chúng ta sống mà lúc nào cũng bực bội và bị dằn vặt bởi sự vấp phạm ngay trong suy nghĩ của chúng ta. Có bao nhiêu lần bạn để thì giờ tưởng tượng là bạn sẽ nói với người làm bạn nổi giận nhưng trong lúc đó thì bạn lại bực bội với bản thân mình? Khi chúng ta cho phép mình nghĩ vậy, chúng ta làm hại bản thân hơn là chính người đã làm chúng ta tổn thương.
Nghiên cứu y học cho biết cơn giận có thể là nguyên do của nhiều chứng bệnh, từ bệnh ung bướu cho đến việc bày
tỏ thái độ xấu. Ít ra thì giận dữ làm mất đi thì giờ quý giá của chúng ta. Mỗi giờ mà chúng ta giận là mỗi giờ mà chúng ta phí phạm mà không bao giờ lấy lại được. Trong trường hợp của cô Susanna và gia đình của cô thì họ đã phí đi nhiều năm tháng. Hãy nghĩ đến biết bao nhiêu thì giờ dành để kể lể về chuyện này mà họ đã đánh mất do những cơn giận xảy ra giữa vòng họ. Cuộc đời khó lường đoán trước được; chúng ta không biết chúng ta còn được bao nhiêu thì giờ dành cho người thân. Thật xấu hổ khi chúng ta đánh mất những kỷ niệm và mối quan hệ đẹp đẽ do chúng ta nổi giận. Trước đây tôi đã phí nhiều năm tháng trong giận dữ và cay đắng do những bất công xảy đến cho tôi trong những năm tháng đầu đời. Tôi có thái độ vô cùng tiêu cực và điều này ảnh hưởng đến cả gia đình tôi. Người hay giận luôn trút cơn giận của họ lên người khác vì điều gì bên trong chúng ta sẽ bày tỏ ra bên ngoài. Chúng ta có lẽ suy nghĩ rằng chúng ta sẽ đè nén cơn giận trong lòng để không ai thấy nhưng rốt cuộc nó cũng tìm cách buông ra.
Nhiều chuyện xảy đến cho chúng ta thật bất công, nhưng Chúa sẽ bù đắp cho chúng ta nếu chúng ta tin cậy và vâng lời Ngài. Ước muốn báo thù là điều bình thường, nhưng chúng ta không nên để nó kiểm soát chúng ta. Chúng ta thì muốn người ta phải trả giá cho những gì họ gây ra, nhưng còn Chúa thì hứa Ngài sẽ làm chuyện này cho chúng ta.
Vì chúng ta biết Đấng đã phán: “Sự báo thù thuộc về Ta; chính Ta sẽ báo ứng,” lại bảo: “Chúa sẽ xét đoán dân Ngài.”
Hêbơrơ 10:30
Câu Kinh Thánh này cùng các câu Kinh Thánh tương tự đã khích lệ tôi bỏ qua giận dữ và cay đắng mà tin cậy Chúa báo trả cho tôi theo cách của Ngài. Tôi hết lòng
khích lệ bạn hãy có một bước nhảy đức tin mỗi khi bạn cảm thấy mình bị người ta bạc đãi.
Những người mà chúng ta cần tha thứ thường không xứng đáng để thứ tha và đôi khi họ cũng không muốn được tha thứ. Họ có thể không biết là họ đã làm chúng ta vấp phạm, hoặc giả là họ cũng không quan tâm tới, nhưng Chúa bảo chúng ta hãy tha thứ cho họ. Chuyện này hơi bất công quá, ngoại trừ sự kiện rằng Chúa cũng làm điều tương tự cho chúng ta khi Ngài bảo chúng ta làm vậy cho người khác. Ngài tha thứ chúng ta nhiều lần và vẫn cứ yêu thương chúng ta vô điều kiện.
Nếu tôi để thì giờ nhớ lại tất cả những lỗi lầm mà tôi đã phạm và tôi không chỉ cần Chúa tha thứ mà cũng cần người khác tha thứ thì tôi thấy mình được khích lệ để tha thứ. Nhà tôi rất là bao dung và thương xót tôi suốt những năm tháng mà tôi đang vất vả để được chữa lành khỏi những lạm dụng mà tôi gánh chịu hồi còn nhỏ. Tôi tin rằng “người bị tổn thương hay làm thương tổn người khác.” Tôi biết tôi đã làm tổn thương gia đình tôi và không thể xây dựng mối quan hệ lành mạnh được, nhưng rõ ràng là tôi không có chủ đích làm chuyện đó. Đây là hậu quả của sự đau đớn và sự ngu dốt của chính tôi. Tôi đã bị tổn thương, và lúc đó tôi chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thôi. Tôi bị tổn thương nên tôi cũng làm thương tổn người khác. Tôi thật sự cần sự thông cảm, sự góp ý đúng lúc và sự tha thứ dồi dào, và Chúa đã làm việc qua nhà tôi để giúp tôi những điều này. Bây giờ tôi cố nhớ lại là Chúa thường muốn làm việc qua tôi để làm điều tương tự cho người khác.
Bạn có bao giờ cần sự tha thứ từ Chúa hay từ con người không? Tôi đoan chắc là bạn cần. Nhớ những lúc như thế thì nó sẽ giúp bạn tha thứ khi bạn cần thứ tha.
Coi Chừng! Cơn Giận Đang Ở Trước Cửa
Bạn có bao giờ xem bộ phim miền viễn Tây thời xưa có cảnh chàng cao-bồi được yêu cầu phải kiểm tra vũ khí của họ ngay tại cửa trước khi bước vào quán rượu không? Tôi có xem, và đây là cảnh hay để ứng dụng khi chúng ta nghĩ đến cơn giận. Giận là thứ vũ khí chúng ta mang theo để chúng ta “nả” vào những ai mà sắp làm tổn thương chúng ta. Như các chàng cao-bồi kéo cò súng để tự vệ nếu người ta không kiểm tra vũ khí của họ ngay tại cửa thì chúng ta cũng liên tục trút cơn giận để tự vệ. Hãy hình thành thói quen có ý thức đó là trút hết cơn giận ngay tại cửa trước khi chúng ta bước vào nơi nào đó. Chúng ta đừng có mang nó theo khi chúng ta ra khỏi nhà mỗi ngày. Hãy nói một cách có ý thức rằng “Tôi sẽ không giận khi ra khỏi nhà. Tôi sẽ mang theo tình thương, lòng thương xót và sự tha thứ và sẽ dùng nhiều những thứ này khi cần thiết.”
Tôi thấy việc nói với chính mình như vậy rất hữu ích. Tôi có thể nói tốt về tôi mà cũng có thể nói xấu về tôi. Tôi có thể thuyết phục tôi nổi giận và liên tục giận dữ. Hãy học nói chuyện với bản thân. Hãy nói với chính mình, “Giận thật là phí thời gian và không đẹp lòng Chúa nên mình sẽ chủ ý cho nó qua mau.” Tôi luôn nhắc mình rằng tôi sẽ làm ơn cho tôi khi tôi chọn bình an và không nổi giận.
Có thể chúng ta không cảm thấy muốn làm điều đúng, nhưng chúng ta có thể chọn hoặc là sống đẹp lòng Chúa hoặc là làm đẹp lòng bản thân. Nếu chúng ta chọn làm đẹp lòng Chúa thì chúng ta sẽ làm nhiều điều trái ngược với những gì chúng ta cảm thấy muốn làm. Tất cả chúng ta đều có những cảm giác, nhưng chúng ta không chỉ có cảm giác mà thôi. Chúng ta còn có ý chí tự do nữa và chúng ta có thể chọn điều nào là tốt nhất cho chúng ta.
Cơn Giận Thật Mãnh Liệt Và Tai Hại
Giận là phẫn nộ, là báo thù và bực tức. Nó bắt đầu bằng một cảm giác rồi sau đó bày tỏ qua lời nói và hành động nếu không coi chừng. Nó là một trong những cảm xúc mãnh liệt nhất và vô cùng tai hại. Lời Chúa dạy chúng ta hãy kiểm soát cơn giận vì nó không mang lại lối sống công chính như Chúa muốn (Giacơ 1:20)
Chúa dạy chúng ta hãy chậm giận. Khi chúng ta cảm thấy mình nổi giận sùng sục, chúng ta cần bình tĩnh lại. Chúng ta có thể khơi mào cơn giận và làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi chúng ta càng nghĩ và nói về nó, chẳng khác nào chúng ta “tiếp nhiên liệu” cho nó . . . hoặc giả là ngay giây phút cảm giác giận bắt đầu nổi lên, chúng ta dập tắt nó ngay. Hãy kiên quyết chống lại cảm xúc giận dữ và hãy nói, “Tôi quyết định lánh xa giận dữ. Tôi không chấp nhận vấp phạm. Chúa đã ban cho tôi sự tự chủ và tôi sẽ dùng đến mỹ đức này.”
Tôi nghe kể một câu chuyện về một mục sư nọ mời diễn giả đến giảng cho hội thánh ông. Vị mục sư đang ngồi hàng ghế phía trước nghe diễn giả giảng, nhưng người diễn giả không khôn ngoan lắm nên đã nói những lời tiêu cực về cách vị mục sư điều hành công việc của hội thánh ông. Người diễn giả này đưa ra những nhận xét mà người ta nghĩ rằng anh không có ý định làm vấp phạm ai, nhưng lời nói của anh đầy sự phê phán và chỉ trích. Trong khi người diễn giả đang giảng, vị mục sư này cứ nói thầm, “Mình sẽ không bị vấp phạm, mình sẽ không bị vấp phạm.” Vị mục sư này lớn tuổi nên khôn ngoan hơn người diễn giả. Ông biết người diễn giả này rất sốt sắng nhưng ông cũng biết anh ta thiếu hiểu biết. Vị mục sư không cho phép những lời nói của diễn giả làm ông vấp phạm.
Tôi hiểu được chuyện này vì tôi cũng giảng tin lành trên truyền hình, và tôi nghe những người hầu việc Chúa khác
không giảng trên truyền hình hay đưa ra nhận xét tiêu cực về “những tên ham tiền giảng trên truyền hình”, là cái tên không thân thiện mà họ gán cho chúng tôi là những người được kêu gọi giảng trên phương tiện truyền thông.
Rất dễ phán xét người khác khi chúng ta không ở trong hoàn cảnh của họ, và khi tôi nghe người ta có những nhận xét không hay, tôi cố gắng nhớ lại rằng họ đang nói đến điều mà họ không biết. Người ta hay nhận xét như thế này, “Những người giảng trên truyền hình chỉ tìm cách lấy tiền người ta.” “Những người giảng trên truyền hình không gây dựng hội thánh gì cả; họ chỉ lo cho họ và không nghĩ đến Nước Chúa.” Dĩ nhiên, nghề nào cũng vậy, đều có những con người làm với động cơ xấu, nhưng “vơ đũa cả nắm” thì sai và không đúng Kinh Thánh. Khi tôi nghe những lời như vậy hay khi tôi nghe người ta nhận xét như thế, tôi quyết định không bị vấp phạm, vì vấp phạm cũng không thay đổi được gì và chắc chắn nó cũng không mang lại ích lợi gì cho tôi.
Khi tôi mời người ta tin Chúa trên truyền hình, chức vụ chúng tôi nhận vô số sự hồi âm. Chúng tôi gởi cho người ta cuốn sách giúp họ gia nhập vào hội thánh địa phương, nhưng có lẽ đó là điều mà những người chỉ trích không biết. Tôi dâng mình để làm điều mà tôi biết Chúa kêu gọi tôi làm mà không lo lắng về những người chỉ trích, vì lúc cuối đời tôi sẽ không khai trình cuộc đời tôi cho họ mà là cho Chúa mà thôi.
Nên rất dễ chỉ trích người khác, tưởng là chúng ta biết mọi chuyện. Nhưng rất ít ai trong chúng ta biết hết mọi vấn đề; chuyện đó để dành cho Chúa. Tôi đoan chắn là bạn cũng có những trường hợp tương tự như thế, và cách tốt nhất là hãy cầu nguyện cho những ai nói những lời vấp phạm đó, quyết định không bị vấp phạm và chọn tin những điều tốt đẹp nhất đến từ họ. Hết thảy chúng ta nên cầu nguyện rằng chúng ta không làm tổn thương người khác hay không làm vấp phạm họ bằng chính lời nói của chúng ta.