Chương 11: Phát Hiện Cay Đắng Tiềm Ẩn

Hãy Làm Ơn Cho Bản Thân Tha Thứ

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Tôi nhớ đi nhóm tối Thứ Ba cách đây mười lăm năm và nghe mục sư thông báo ông sẽ dạy về đề tài tha thứ cho những người làm tổn thương chúng ta. Tôi tự mãn suy nghĩ, “Mình đâu có cay đắng gì đâu.” Tôi buộc phải nghe bài giảng mà tôi chắc là tôi thật sự không cần. Nhưng khi tối hôm đó trôi qua tôi nhận ra rằng tôi đã có sự cay đắng trong lòng, nhưng nó tiềm ẩn bên trong. Có lẽ nói chính xác hơn là tôi đã che giấu nó. Chúng ta hiếm khi thấy dễ chịu khi đối diện với tội lỗi và cho đó là tội. Chúng ta đè nén nan đề sâu trong lòng dù nó ảnh hưởng tiêu cực lên chúng ta, nhưng chúng ta không nhận ra nan đề có đó. Chúng ta thường đánh giá cao về bản thân mình hơi quá, và chúng ta phán xét người khác về những thất bại của họ nhưng lại không thấy tội lỗi của mình.

Chúa bày tỏ hai tình huống cụ thể trong đời sống tôi tối hôm đó và chỉ cho tôi thấy rõ ràng tôi đã có thái độ cay đắng.

Trong Kinh Thánh chúng ta đọc thấy câu chuyện hai anh em đều bị chết mất. Một người chết mất trong tội lỗi của mình, còn người kia thì chết mất trong tôn giáo
của anh. Cả hai đều bị phân cách khỏi Chúa theo hai cách khác nhau. Chúng ta hay gọi câu chuyện này là câu chuyện Người Con Trai Hoang Đàng và hay tập trung vào người em, tức là người đã đòi gia tài và bỏ nhà đi tiêu phí tiền của cha mình vào lối sống tội lỗi. Như phần lớn các tội nhân đã rơi vào, người em này kết cuộc trong thất bại thảm thương. Anh mất hết tiền, phải đi làm cho trại nuôi heo và ăn thức ăn của heo. Biết được tình trạng bi đát của mình, anh quyết định về nhà cha xin tha thứ và xin được đối xử như một người đầy tớ trong nhà anh (Lu 15:11-21). Người cha, tiêu biểu cho Chúa trong câu chuyện này, vui vì con ông trở về và chuẩn bị một bữa tiệc linh đình ăn mừng cho người con. Tuy nhiên, người anh cả không vui và quyết định rằng anh không dự buổi tiệc. Anh cảm thấy anh đã sống đời sống công bình đạo đức và anh nhắc cha nhớ về tất cả những việc lành anh đã làm mà người cha lại không hề đãi tiệc cho anh. Chúng ta thấy rõ rằng người anh đạo đức theo tôn giáo này không vui khi em mình trở về và thậm chí còn bực mình và nổi giận. Anh chết mất trong chính sự công bình riêng của mình. Anh hãnh diện về công đức của anh và cho rằng người em không đáng được đối xử tốt như vậy. Người anh cả không nhận ra rằng thái độ của anh còn tệ hơn lối sống xấu xa của người em.

Nếu ai đó đến gặp anh mà nói, “Anh có cay đắng trong lòng,” chắc anh không tin chuyện này. Anh bị che mắt không thấy tội của mình qua những gì anh nghĩ là hành vi công bình và đạo đức. Thật ra anh là một người con ngoan và tuân giữ mọi luật lệ, nhưng Chúa không hài lòng vì tấm lòng anh không ngay thẳng. Nếu anh để thì giờ tra xét thái độ của anh, anh chắc nhận ra rằng anh cũng cần sự tha thứ.

Sáu Thái Độ Cho Thấy Vẫn Còn Cay Đắng

Cay Đắng Luôn “Cộng Thành Tích”

 

Kể ra hàng loạt những cách ăn ở công bình của anh, người anh cả nói, “Con đã phục vụ cha nhiều năm.” Anh kể ra những việc lành của anh và cho biết anh đã sống đạo đức bao nhiêu năm nay là do công lao của anh. Anh cộng thành tích của anh, và chúng ta cũng có khuynh hướng như vậy. Chúng ta thích ghi lại lối sống tốt của chúng ta và giữ lại những lỗi lầm của người khác. Chúng ta so sánh và trong suy nghĩ chúng ta đã đặt mình thuộc tầng lớp trên người ta. Chúa Giê-su đến để phá đi sự phân chia giai cấp. Nếu chúng ta phạm tội, chỉ có Ngài mới giúp chúng ta, và nếu chúng ta làm điều tốt thì chỉ nhờ Ngài ban cho sức để làm. Ngài đáng nhận lời khen tặng về bất kỳ việc tốt đẹp nào chúng ta làm. Không có Ngài chúng ta không là gì cả, và chúng ta là thứ gì đều chỉ nhờ ở trong Ngài, nên mọi sự phân chia giai cấp đều bị tẩy xoá và chúng ta thảy đều là một trong Chúa Giê-su.

Người anh cả đếm các việc lành anh làm và nhớ tội của người em út. Đây chính là dấu hiệu cho thấy lòng chúng ta vẫn còn cay đắng. Phierơ hỏi Chúa ông phải tha thứ cho anh em ông bao nhiêu lần (Mat 18:21-22). Rõ ràng là ông ghi nhớ những lỗi lầm. Tình yêu là không ghim gút chuyện xấu người ta đã làm (1Cô 13:5). Nếu chúng ta muốn vâng lời Chúa và bước đi trong tình yêu mà Ngài bày tỏ cho chúng ta, chúng ta không được ghi nhớ những lỗi lầm. Khi chúng ta tha thứ, chúng ta phải tha thứ hoàn toàn, và điều này có nghĩa là chúng ta phải bỏ qua và không nhớ nó nữa. Chúng ta có thể nhớ lại nếu chúng ta cố nhớ, nhưng chúng ta không cần phải nhớ. Chúng ta có thể tha thứ, cho nó qua và không nghĩ hay nói tới chuyện đó nữa.

Có lúc tôi cũng ghim gút mọi chuyện mà nhà tôi đã làm tôi giận. Tôi biết hết mọi lỗi lầm của anh, và tin hay không thì tôi đã kiêu ngạo đến độ cầu nguyện mỗi ngày cho nhà tôi thay đổi. Vâng, tôi cầu nguyện cho anh nhưng vẫn không thấy chính thái độ xấu của tôi! Bây giờ tôi không thể nói cho bạn mới đây nhà tôi đã làm tôi giận là lúc nào. Tôi làm ơn cho chính tôi và chấm dứt không ghim gút mọi lỗi lầm của anh. Bây giờ tôi hạnh phúc hơn và ma quỷ lại bất hạnh hơn vì nó mất đi đồn luỹ của nó trong đời sống tôi.

Bây giờ hãy tự hỏi liệu bạn có ghim gút những gì người khác làm cho bạn và những gì bạn làm cho họ không. Nếu có, bạn đang đi đến chỗ gặp rắc rối trong mối quan hệ của bạn và bạn đang có cay đắng trong lòng mà cần phải ăn năn.

Cay Đắng Hay Khoe Về Cách Cư Xử Tốt Đẹp

 

Người anh cả nói với cha là anh không hề trái mạng cha .

. . anh khoe về cách cư xử tốt đẹp của anh trong khi đó lại kể tội của người em. Thái độ xét đoán hay nói, “Anh xấu còn tôi tốt.” Kinh Thánh đầy dẫy những bài học nói về mối nguy của thái độ phán xét chỉ trích người khác. Chúng ta gặt điều chúng ta gieo, và cách chúng ta xét đoán là cách chúng ta bị đoán xét. Nếu chúng ta gieo thương xót, chúng ta sẽ gặt xót thương, nhưng nếu chúng ta gieo xét đoán, chúng ta sẽ gặt đoán xét. (Mat 5:7; 7:1-2).

Người anh cả không chút thương xót, mà thường điều này đúng với những người sống công bình riêng. Chúa Giê-su phán những lời gây sốc thật sự với những thành phần tôn giáo người Pharisi thời của Ngài. Ngài phán họ giảng hãy làm điều đúng nhưng họ lại không làm. Họ làm mọi việc chỉ để người ta thấy. Họ là những kẻ giả hình vì họ làm theo luật lệ nhưng lại không đưa tay ra giúp đỡ ai. Họ tẩy sạch chén bát bên ngoài, trong khi đó bên trong thì dơ bẩn. Nói cách khác, cách hành xử của họ thì tốt đẹp
nhưng lòng của họ lại xấu xa (Mat 23). Những người theo tôn giáo, cậy công bình riêng là những con người đê tiện nhất thế gian. Chúa Giê-su không chết để chúng ta có một tôn giáo, nhưng để chúng ta có mối tương quan mật thiết với Đức Chúa Trời qua Ngài. Mối tương quan đích thực với Chúa sẽ làm mềm lòng chúng ta và khiến chúng ta mềm mại và xót thương người khác.

Cái đêm mà tôi ngồi tại nhà thờ suy nghĩ rằng lòng tôi không có cay đắng gì cả, tôi có thể nói cho bạn biết tôi đã cầu nguyện mỗi ngày bao nhiêu giờ và tôi đã đọc bao nhiêu đoạn Kinh Thánh. Tuy nhiên tôi không ý thức về thái độ của tấm lòng mà Chúa không đồng ý. Tôi giống như người anh cả trong câu chuyện. Tạ ơn Chúa là Ngài đã thay đổi tôi, nhưng tôi luôn để thì giờ tra xét tấm lòng và đảm bảo là tôi không kể công về những việc tốt lành mà Chúa làm qua tôi. Kinh Thánh nói khi chúng ta làm những việc tốt đẹp, chúng ta không nên để tay trái biết tay phải làm gì. Mà nó cũng có nghĩa là chúng ta không cần phải nghĩ đến chuyện đó. Chúng ta để Chúa dùng chúng ta cho vinh hiển của Ngài và tiếp tục làm việc khác mà Ngài dành cho chúng ta.

Bạn có so sánh rằng bạn cho bạn là tốt đẹp còn người khác thì xấu xa không? Bạn có nói đại ý như vầy, “Tôi không thể tin là người ta lại làm chuyện đó. Tôi không bao giờ làm chuyện đó”? Nếu vậy thì bạn gặp rắc rối rồi đó. Bạn càng đánh giá cao về mình, bạn càng đánh giá thấp về người khác. Khiêm nhường thật không nghĩ về bản thân . . không tập trung vào cái tôi.

Nếu chúng ta nghĩ chúng ta tốt đẹp hơn người khác, chúng ta lúc nào cũng thấy khó tha thứ cho họ, vậy chúng ta hãy hạ mình trước mặt Chúa và tẩy xoá khỏi tâm trí mọi “bản tường trình thành tích” về các việc lành của chúng ta.

Cay Đắng Hay Than Phiền

 

Người anh cả nói với cha mình, “Cha không hề cho con một con chiên nào để con ăn tiệc vui vẻ với bạn bè con” (Lu 15:29).

Anh này có “hội chứng của người tuận đạo” – “Mình làm đủ thứ việc đang khi đó những người khác thì vui chơi vui vẻ.” Có lẽ anh ta là người nghiện làm việc, không biết cách để vui chơi và vui hưởng cuộc sống; vì thế, anh đâm ra ganh tị với ai vui chơi. Anh than, than và than về cách anh bị đối xử.

Cái đêm mà tôi ngồi ở nhà thờ nghe bài giảng về sự cay đắng mà tôi nghĩ là tôi không cần nghe, Chúa bày tỏ rằng tôi có sự cay đắng đối với người con trai lớn của tôi vì cháu không có sống đời sống thuộc linh như tôi muốn cháu.

Nếu bạn thấy mình hay than phiền về ai đó, thì có khả năng là bạn đang có sự cay đắng trong lòng đối với người đó. Có thể người đó đã gây ra cho bạn điều gì đó hay cá tính của họ làm bạn khó chịu. Trong trường hợp con trai tôi, tôi nổi giận về những quyết định của cháu nhưng lại không nhớ rằng ở tuổi như cháu, tôi quyết định còn tệ hơn.

Hãy tha thứ người mà bạn nổi giận, tìm điểm tích cực nào đó để nghĩ tới và nói đến, hãy cầu nguyện và xem Chúa làm việc trong bạn và trong người mà bạn yêu thương.

Cay Đắng Thì Tách Biệt, Chia Rẽ Và Cách Ly Người anh cả gọi em mình là “con của cha.” Anh không gọi em mình là “em con” vì anh đã dựng một hàng rào ngăn cách trong lòng anh đối với em mình. Anh lánh mặt không chịu dự tiệc và vui mừng với người khác. Anh tách mình ra không những khỏi em mình mà còn khỏi những người nào vui với em mình.

Bạn có bao giờ nổi giận với ai đó và rồi giận luôn với người nào mà không giận theo bạn không? Có những lúc khi tôi than phiền với nhà tôi về ai đó cư xử tệ với tôi thì
anh lại bắt đầu bênh vực người đó. Anh nhắc tôi là họ có thể có một ngày xui xẻo, và anh nói về điểm tốt của họ.

Anh cố gắng giúp tôi thấy thêm một khía cạnh khác của vấn đề. Nhưng tôi lại nổi khùng với chồng tôi luôn vì anh bênh vực người mà tôi đang giận. Cơn giận của tôi không chỉ tách biệt tôi với người tôi đang giận mà còn tách biệt tôi với người thích người đó. Tôi cho rằng trong nhiều trường hợp những ai mà bị vấp phạm và đầy cay đắng sẽ sống đời sống cô đơn, tách biệt. Họ cứ nghĩ đến nỗi bực mình của họ mà không có thì giờ nghĩ đến điều gì khác.

Người anh cả không dự tiệc. Nếu anh dự thì anh sẽ thấy mình vui vẻ, nhưng đằng này anh than phiền và trở nên khốn khổ. Bi kịch của bất hoà là một chủ đề quan trọng, và tôi sẽ bàn tới ở một chương sau.

Cay Đắng Cứ Nhắc Lại Tổn Thương

 

Khi chúng ta cay đắng, chúng ta cứ tìm những lời bào chữa để nói về những gì người khác đã gây ra cho chúng ta. Chúng ta thường nhắc lại chuyện cũ khi nói chuyện. Chúng ta nói với mọi người nghe chúng ta nói. Những cách hành xử như thế là dấu hiệu rằng chúng ta không vâng lời Chúa và chúng ta cần tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài ngay để bỏ qua vấp phạm. Điều gì có trong lòng sẽ phát ra nơi miệng. Chúng ta học được nhiều về con người thật của mình qua việc lắng nghe mình nói.

Người anh cả nhắc cha mình rằng cha đã tử tế với một người con mà không xứng đáng và kể hết tội lỗi của người em (Lu 15:30). Anh nổi giận và lời nói của anh cho thấy điều này. Chúa Giê-su phán khi chúng ta nổi giận, chúng ta hãy bỏ qua, và điều này có nghĩa là hãy chấm dứt nhắc lại chuyện cũ. Bạn có bao giờ nghĩ là bạn tha thứ ai đó về một sự vấp phạm nào đó nhưng lại phát hiện ra rằng họ mới làm điều khác khiến bạn khó chịu nên bạn vội nhắc lại chuyện cũ không? Chúng ta thảy đều làm vậy. Mà làm
thế nghĩa là chúng ta chưa có hoàn toàn tha thứ và chúng ta cần Chúa giúp đỡ.

Cay Đắng Hay Bực Mình Việc Người Gây Vấp Phạm Được Phước

 

Người anh cả ganh tị và nổi giận, và anh bực cha anh vì đã ban phước cho em mình. Anh không muốn thằng em hoang đàng ăn tiệc, có chiên béo, có áo mới, có giày cao và có nhẫn đẹp. Anh vô cùng bực bội.

Bực bội về những phước lành của người khác bày tỏ rất nhiều về cá tính của chúng ta. Chúa muốn chúng ta vui với kẻ vui và khóc với kẻ khóc. Ngài muốn chúng ta tin cậy Ngài làm đúng việc, đúng người. Người em trong câu chuyện này đã làm sai, nhưng ngay bây giờ anh cần sự tha thứ, sự chấp nhận và sự chữa lành. Người cha dự tính nói chuyện với người em về cách sống tội lỗi của anh sau, nhưng hiện tại người em cần tình thương. Anh ta cần nhìn thấy lòng tốt và sự thương xót của cha bày tỏ. Chúa luôn làm đúng người và đúng việc, và Ngài có lý do chính đáng về việc tại sao Ngài làm những gì Ngài hiện làm và cách Ngài làm. Chỉ vì chúng ta không đồng ý hay nghĩ chuyện này không công bằng cũng không thay đổi được gì. Nếu chúng ta giữ thái độ bực mình thì chúng ta sẽ là người gánh chịu điều đó.

Những người khác thì đi dự tiệc do người cha đãi cho người em; chỉ có người anh cả chua chát không chịu vui vẻ. Thái độ xấu của anh ta không cho phép anh dự tiệc. Anh cần làm ơn cho anh và tha thứ.

Hãy đảm bảo là bạn không có bất kỳ cay đắng nào, hãy ôn lại danh sách mà tôi vừa mới đề cập và áp dụng với tấm lòng cởi mở. Hãy xin Chúa bày tỏ bất kỳ cay đắng, bực mình, không tha thứ hay vấp phạm tiềm ẩn nào mà bạn che giấu. Hãy kiểm tra triệu chứng cay đắng và nếu bạn có bất kỳ đắng cay nào thì hãy chạy đến Bác Sĩ Giê- su để được chữa lành.