Chương 8: Giúp Con: Con Sống Với Một Người Nóng Tính

Hãy Làm Ơn Cho Bản Thân Tha Thứ

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chúng ta có thể học kiểm soát cơn giận của chính chúng ta, nhưng chúng ta không thể kiểm soát cơn giận của người khác. Chúng ta phải học cách ứng xử với những người hay giận cách nào đó để bảo vệ chúng ta và mong ước giúp họ nữa.

Trước hết, chúng ta hãy nói về cơn giận mà biến thành bạo lực. Tôi không tin là Chúa kêu gọi chúng ta để những người hay giận lạm dụng. Mẹ tôi đã cho phép cha tôi lạm dụng bà và kết cuộc là bà không bảo vệ em tôi và tôi. Cha tôi đã chửi mắng mẹ tôi, ông dùng những từ ngữ hăm doạ và ông rủa vợ mắng con rất thường trong nhà tôi. Ông thường doạ đánh mẹ tôi và thỉnh thoảng ông tát vào mặt mẹ tôi và thậm chí đánh bà. Ông không chung thuỷ với mẹ tôi, nhưng mẹ vẫn chịu đựng chuyện này. Bà cảm thấy là bà đã kết ước cho cuộc hôn nhân này, nhưng nhiều khi tôi cảm thấy là mẹ tôi đã không tôn trọng bản thân khi cho phép cha tôi đối xử với bà như thế. Tôi nhận biết rằng mẹ tôi sợ, nhưng lúc đó tôi vô cùng ước ao rằng
vì cớ mẹ tôi, em tôi và chính tôi mà bà hoặc là phản đối cha tôi hoặc là bỏ cha tôi .

Những phụ nữ thời của mẹ tôi hiếm khi ly dị; họ chỉ chịu đựng bất kỳ hình thức đối xử nào xảy ra cho họ. Còn ở thời đại chúng ta người ta có quá nhiều cuộc ly dị và thường không nỗ lực vượt qua những khó khăn. Cả hai cực đoan này đều sai trật.

Con số về những phụ nữ bị ngược đãi thật đáng kinh ngạc. Theo Cục Thống Kê, tại Mỹ có khoảng 5.3 triệu phụ nữ từ mười tám tuổi trở lên đã bị lạm dụng về thể xác, lời nói và tình dục hàng năm. Mỗi ngày có bốn phụ nữ ở nước Mỹ chết do bạo lực gia đình. Như tôi đã nói, tôi không tin là bất kỳ ai nên cho phép người khác lạm dụng mình. Chúa không muốn chúng ta sống trong sợ hãi. Những người bạo lực luôn đưa ra lời đe doạ; họ dùng chiến thuật gây sợ hãi để kiểm soát. Họ là những con người hèn nhát chuyên bắt nạt người ta để sống, và họ cần phải được phơi bày ra vì ích lợi cho họ.

Tôi nhớ nỗi sợ hãi đã bao trùm bầu không khí cả gia đình tôi lúc tôi còn nhỏ. Tôi nhớ đứng ngoài hiên với mẹ tôi vào lúc trời lạnh để trốn khỏi cha tôi lúc ông say xỉn để không bị đánh đập. Tôi nhớ cảnh la hét, quát tháo, chửi mắng, doạ nạt, lôi kéo và đánh đập. Tôi nhớ lúc nổi khùng cha tôi giơ nắm đấm vào mặt tôi mà doạ là đánh tôi. Nỗi sợ mà tôi chứng kiến đó đã ăn sâu vào tâm hồn tôi, và phải mất nhiều năm cộng tác với Chúa thì tôi mới được tự do khỏi chuyện này.

Nếu bạn đọc sách này và bạn thấy mình rơi vào hoàn cảnh lạm dụng, tôi xin bạn là vì ích lợi cho bạn và cho con cái bạn, hãy tìm sự giúp đỡ. Nếu bạn không biết nên làm gì, hãy tìm sự tư vấn, gọi cho tổng đài giúp các phụ nữ bị bạo hành hay tìm chỗ trú thân; chứ đừng chỉ sống ở đó mà chờ những con người hay nổi giận cứ trút hết cơn giận của họ lên bạn. Những người mà lạm dụng người khác cũng cần sự giúp đỡ. Họ là những người bệnh
không biết cách để kiềm chế đúng mức cơn giận và bực tức của họ. Họ thường làm hại chính họ và phản ứng theo những thương tổn của chính họ. Chắc chắn là họ cần sự cầu nguyện, nhưng khi cầu nguyện chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta cần sẵn sàng ra tay hành động khi Chúa dẫn dắt chúng ta hành động.

Trong đời sống tôi cũng đến lúc tôi phải phơi bày cha tôi về những năm tháng ông lạm dụng tôi. Lúc đó tôi khoảng bốn mươi lăm tuổi và vẫn chịu khổ về những gì ông đã gây ra cho tôi. Chúa tỏ cho tôi biết rằng việc phơi bày những hành động của ông là một cách để bẻ gãy xiềng xích sợ hãi trong đời sống tôi. Tôi thấy vô cùng khó xử vì tôi biết tôi sẽ hứng chịu cơn giận của ông, mà thật như vậy, nhưng tôi cũng đã làm xong điều Chúa dẫn dắt tôi làm và nó đã giải phóng tôi. Chúng ta phải luôn làm phần Chúa dẫn dắt chúng ta làm, bất kể bên kia phản ứng như thế nào.

Phần lớn các bạn đọc sách này đều không phải đối diện với những người hay nổi giận như tôi đang nói đến, nhưng trong cuộc sống bạn chắc chắn sẽ gặp những người hay giận và một số người trong các bạn đang có mối quan hệ với những người hay giận này.

Vì có một người đàn ông hay nổi giận điều khiển cuộc đời tôi nhiều năm như vậy nên tôi thành người hay giận dữ và hay trút cơn giận của tôi qua lời nói và thái độ. Tôi thường nổi giận khi mọi chuyện không xảy ra theo cách mà tôi muốn. Tôi đã sai và tôi cần sự góp ý thiêng liêng như tôi đã nói tới ở phần đầu trong sách này. Một trong điều hay nhất mà nhà tôi đã làm cho tôi là không cho phép cơn giận của tôi làm anh khốn khổ. Tôi tin một trong những điều hay nhất mà bạn làm cho một người hay giận là bày tỏ tấm gương cho họ thấy rằng có một lối sống và hành xử khác tốt đẹp hơn thế.

Hãy Làm Gương

 

 

Vì tôi chưa hề được sống trong một bầu không khí êm ấm nên tôi không biết sống ấm êm là gì. Nhà tôi là một tấm gương về đời sống êm ấm cho tôi, và điều này vô cùng quan trọng. Nếu nhà tôi bảo tôi hãy chấm dứt giận và dùng cơn giận để phản ứng lại với cái giận của tôi thì tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ được thay đổi. Như người ta thường nói, “Hai sai cộng lại vẫn là sai.” Theo Lời Chúa nói, chúng ta không nên dùng giận dữ đáp trả dữ dằn, dùng ác cảm trả ác báo hay dùng nhục mạ trả mạ nhục.

Đừng lấy ác trả ác hoặc rủa sả trả rủa sả, nhưng ngược lại, hãy chúc phước, vì việc này mà anh chị em được kêu gọi, nhân đó anh chị em có thể được hưởng phúc lành.

1Phierơ 3:9

Tôi ý thức rõ rằng làm việc này khó hơn là chỉ đọc về việc này, nhưng điều gì Chúa bảo chúng ta làm, Ngài sẽ ban cho chúng ta sức để làm nếu chúng ta chịu vâng lời Ngài. Chúa luôn ban giải pháp cho mọi nan đề bạn đối diện, và đường lối Ngài luôn kết quả nếu chúng ta hợp tác với đường lối Chúa.

Tôi tin với cả tấm lòng rằng tấm gương của nhà tôi đối với tôi là động lực khiến tôi muốn thay đổi. Anh luôn kiên định đối với tôi nhưng không bao giờ để tôi cướp đi niềm vui của anh. Anh cho tôi biết rằng nếu tôi muốn bất hạnh thì đó là quyền của tôi, nhưng anh thì vẫn hạnh phúc dù tôi có muốn hay không. Anh kiên định trong một thời gian dài, và cuối cùng tôi nhận ra rằng tôi đã mất nhiều thứ trong đời và tôi cần thay đổi. Không ai có thể thay đổi cho đến khi họ muốn đổi thay, nên nếu bạn cố gắng thay đổi người ta trong cuộc đời bạn thì điều đó chỉ
làm cho bạn thất vọng thêm mà thôi. Chỉ Chúa mới thay đổi người ta cả trong lẫn ngoài, và Ngài sẽ làm khi chúng ta muốn Ngài làm. Vậy hãy cầu nguyện cho những người hay giận để họ cho phép Chúa tác động trong đời sống họ và hãy làm gương sáng cho họ!

Bạn Có Để Cho Người Buồn Khiến Cho Bạn Buồn Theo Không?

 

 

Khi tôi thuyết giảng trong các hội nghị rằng chúng ta không nên để cho thái độ của người khác quyết định mức độ vui mừng của chúng ta, tôi luôn nhận những phản ứng ngạc nhiên. Tôi nhận ra từ khuôn mặt của thính giả đó là họ đã cho phép mà không nhận biết rằng họ vẫn còn có lựa chọn khác. Thực tế thì chúng ta rất dễ bị cảm xúc tiêu cực của người khác điều khiển cho đến khi chúng ta học biết rằng chúng ta vẫn có tiếng nói trong vấn đề này. Marie có được một cơ hội để chu du trên một con tàu lửa cao tốc từ Venice đến Paris. Vì muốn tặng quà sinh nhật lần thứ năm mươi cho chị mình là Jean nên cô quyết định mời chị mình đi chung. Mọi chi phí cô trả. Jean nhận lời và cả hai chị em đi chu du một chuyến đi có một không hai. Sau vài ngày ở Venice, Jean đâm ra nhớ chồng con và trở nên khó chịu. Tới lúc hai chị em dừng tàu tại Paris, Jean cảm thấy giận dữ. Cô ta muốn về nhà!

Cô cảm thấy dễ đỗ bệnh trong một xứ mà cô không hiểu tiếng và ngay cả mua một ly cà phê cũng gặp khó khăn vì không biết tiếng.

Chẳng bao lâu Jean nổi giận cùng em mình. Cô cảm thấy rằng Marie muốn phô trương vì đứa em mình muốn đãi bà chị nghèo này một chuyến đi xa xỉ. Từng ngày qua, cô đâm ra bực mình với Marrie hơn, và cách cư xử của cô trở nên cáu kỉnh.

Marie nhận ra ngay là Jean đang nổi giận với mình. Có lẽ cô chị ganh tị Marie, là người đã chu du nhiều nơi và cảm thấy thoải mái ở những chỗ xa lạ. Dù lý do gì đi nữa, Marie quyết định là chỉ có hai kết quả : một là Jean cứ giận, còn hai là cả hai chị em đều giận! Marie quyết định tử tế với chị mình bất kể chuyện gì xảy ra. Cô cắn răng chịu đựng rất nhiều lần trong suốt chuyến đi và quyết định hưởng thụ chuyến đi nghỉ hè có một không hai trong đời dù chị mình không muốn vậy.

Jean đã vô cùng thất vọng khi Marie chọn không phản ứng lại cơn giận của cô! Khi Marie nhớ lại chuyến đi đó, cô biết ơn là cô có thể thưởng thức mọi thứ, bất kể là chị cô nổi giận. Dù cô ước gì chị mình cũng vui vẻ trong chuyến đi nghỉ mát, nhưng ít ra thì cô biết rằng một mình cô vẫn vui vẻ thưởng thức chuyến đi này.

Chúng ta sẽ đâm ra buồn tẻ nếu chúng ta để cho người khác định đoạt mức độ vui mừng của chúng ta. Một số người đã “bụng bảo dạ” rằng họ sẽ không vui vẻ gì cả, và chúng ta có làm gì đi nữa cũng không đổi ý họ được. Mới đây tôi nghe một câu nói, “Một đứa con bất hạnh không bao giờ có một người mẹ hạnh phúc.” Câu này đúng thật, nhưng không nên sống như vậy. Chúng ta phải nhận biết rằng chúng ta không giúp đỡ người khác bằng cách buồn chung với họ, nên chúng ta có thể làm ơn cho mình và giữ niềm vui bất kể người khác làm gì. Niềm vui của Chúa là sức mạnh của chúng ta, nên giữ được niềm vui sẽ giúp chúng ta vượt qua nghịch cảnh mà chúng ta gánh chịu trong đời. Buồn sẽ làm suy yếu chúng ta, nhưng vui sẽ thêm sức chúng ta.

Chúng ta có thể thật sự vui đang khi những người khác quanh chúng ta giận dữ và buồn rầu không? Được, chúng ta có thể nếu chúng ta quyết tâm làm vậy. Và một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi tin đó là điều hay nhất chúng ta có thể làm cho một người hay giận. Hãy giữ thái độ nhẹ nhàng điềm tĩnh khi tiếp xúc với họ. Hãy trấn
an họ rằng bạn thương yêu họ và muốn họ vui vẻ, nhưng bạn sẽ không để cho quyết định của họ lèo lái chất lượng sống của bạn. Đừng trở nên quá lệ thuộc vào cách cư xử của ai đó.

Tôi biết điều này mang lại kết quả thể nào vì cơn giận của cha tôi không chỉ kiểm soát mọi người trong nhà mà tôi cũng gặp những tình huống tương tự như thế trong chính đời sống tôi. Có lần tôi có một ông chủ hay nổi giận và rất khó tính. Tôi vui khi ông vui và bực khi ông bực. Tôi đã sống kiểu đó từ hồi còn nhỏ, và tôi tự động phản ứng run sợ và nhút nhát đối với những ai hay giận. Cảm tạ Chúa giờ thì Ngài đã giải phóng tôi, và Ngài sẽ làm tương tự cho bạn nếu bạn có nhu cầu trong lĩnh vực này. Lần nọ tôi có một người hàng xóm và là người bạn rất dễ giận, đặc biệt nếu tôi không làm mọi thứ bà muốn tôi làm, và tôi phản ứng lại với bà tương tự như tôi đã từng làm với cha tôi và ông chủ của tôi. Ma quỷ luôn đảm bảo là chúng ta luôn có những con người hay giận trong đời sống chúng ta nếu chúng ta cho phép họ kiểm soát chúng ta, nên chúng ta phải quyết định trước đó là chúng ta sẽ phản ứng thế nào với những người hay giận.

Nếu chúng ta gặp một người bực mình, lẽ tự nhiên chúng ta nên tìm cách giúp họ. Nhưng nếu họ không chịu giúp thì chúng ta không nên phí thì giờ và sức lực là điều hợp lý. Thật không khôn chút nào khi liên luỵ vào cách hành xử sái bậy của người khác. Hãy làm những gì bạn có thể làm được, nhưng không hoang phí cuộc đời để tìm cách sửa đổi những ai không chịu thay đổi.

Có những lúc thì tốt hơn hết là không nên giao du với những người hay giận. Dĩ nhiên, chuyện này không phải lúc nào cũng làm được nếu bạn đang tiếp xúc với những thành viên gia đình mình, nhưng chắc chắn là chúng ta không cần phải cứ mãi chơi với những người bạn hay giận.

Thật ra, Kinh Thánh dạy chúng ta chớ giao du với người hay nổi giận:

Chớ làm bạn với người nóng tính, đừng kết giao với kẻ hay giận dữ;

Châm Ngôn 22:24

Đừng Trách Mình

 

 

Dù bạn làm gì đi nữa, cũng không nên nhận chịu tội lỗi và trách móc mà một người hay giận cố áp đặt lên bạn. Người không bình thường lúc nào cũng gặp nan đề trầm trọng đó là đổ hết những hành vi xấu xa của họ lên điều gì đó hay lên ai đó. Việc đổ lỗi như thế sẽ làm giảm trách nhiệm phải thay đổi của họ. Đừng chấp nhận sự đổ lỗi đó! Chúng ta thảy đều phải chịu trách nhiệm về cách cư xử của chúng ta, và dù bạn phạm lỗi lầm thì điều đó cũng không cho người khác cái quyền để cư xử xấu. Nếu bạn đã làm điều gì đó sai thì hãy xin lỗi. Nhưng đừng phí cả ngày mà cúi lạy vì lỗi lầm đó.

Ma quỷ sẽ làm việc qua bất cứ ai có thể được để khiến chúng ta cảm thấy tội lỗi và bị lên án. Nó biết điều này sẽ làm suy yếu chúng ta và đánh gục chúng ta. Chúa Giê-su đến để tha tội chúng ta và cất đi mặc cảm tội lỗi. Ngài đến để thêm sức cho chúng ta và nâng đỡ chúng ta. Bạn có để cho ma quỷ cướp đi niềm vui và sức mạnh qua mặc cảm tội lỗi không? Nếu bạn có, hãy để hôm nay là ngày bạn quyết định không trách mình về bất kỳ nan đề nào của người ta. Dù bạn đã phạm sai lầm khi đối xử với người khác, Chúa sẽ chữa lành cho tất cả những ai liên hệ nếu họ để cho Ngài làm. Bước đầu tiên để được chữa lành là tha thứ và bỏ qua quá khứ.

Cầu Nguyện – Cầu Nguyện – Cầu Nguyện

 

 

Đừng bỏ những con người hay giận. Hãy cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện để họ thấy được chân lý và bắt đầu sống trong ánh sáng. Rõ ràng là quá khứ họ đã bị trói buộc, bị tổn thương hay bị xử tệ mới khiến cho họ giận dữ. Hãy cho họ biết là bạn sẵn sàng giúp họ nhưng không bằng lòng làm “bia đỡ đạn” cho họ.

Tôi vẫn còn ngạc nhiên về quyền năng của lời cầu nguyện, và tôi càng sống lâu chừng nào thì tôi càng dâng mình để cầu nguyện, xem cầu nguyện là “lá chắn’ trước tiên trong mọi hoàn cảnh. Tôi có nhớ đã nói những lời ngu dại đại ý như, “Tôi biết mọi việc tôi làm, khi nào không biết phải làm gì nữa thì tôi mới cầu nguyện.” Cầu nguyện phải là điều trước tiên mà tôi làm.

Bạn còn nhớ Susanna không? Cô đã trải qua một thời gian thử thách kinh khiếp và bị gia đình lẫn bạn bè ruồng bỏ. Khoảng vài năm qua, cô đã học nhờ cậy Đấng mà không bao giờ lìa hay bỏ chúng ta. Cô sẽ nói cho bạn biết rằng bây giờ cô là một con người khác hẳn hơn trước lúc mà cô bắt đầu gặp thử thách. Cô đã học cầu nguyện cho những ai làm tổn thương cô. Lúc đầu cô chỉ cầu nguyện hời hợt. Cô nổi giận với ông chồng cũ, với người chị và với con cái. Khi cô cầu nguyện để chính cô được chữa lành, cô bắt đầu cầu nguyện cho những người này. Thường thì điều này xảy ra : khi cô đặt mình vào hoàn cảnh của họ, cô bắt đầu nhận ra rằng cô cũng có lỗi trong những mất mát mà cô hứng chịu. Cô đã dùng của cải và quyền lực để kiểm soát những người gần gũi cô. Bây giờ cô cầu nguyện và nỗ lực giúp người khác hãy là “chính họ”, chứ không phải lúc nào cũng cố gắng làm theo ý cô. Cô sống một đời sống giản dị, và dù vẫn còn đối diện với nhiều thách thức, cô làm chứng là cô tiếp tục nhờ cậy Chúa. Dù tin hay không, Susanna không muốn quay lại lối sống cũ dù cô có
thể. Chúa cho phép cô đi qua lửa và trong lúc cô trải qua nhiều đau đớn, cô trở thành một con người đầy lòng trắc ẩn hơn. Có phải cô vẫn chịu khổ không? Có. Nhưng cô sẽ là người đầu tiên nói cho bạn biết rằng bây giờ cô nương nhờ nơi Chúa thay vì ỷ lại vào tiền bạc và con người, và cơn giận của cô đã tan biến.

Tôi đã từng chứng kiến những thay đổi ngoạn mục nhờ quyền năng của lời cầu nguyện. Chúng ta không thể thao túng người khác qua lời cầu nguyện, nhưng qua sự cầu nguyện chúng ta để cho Chúa có cửa để tác động mạnh mẽ trong đời sống họ, và Ngài sẽ gây áp lực nhẹ nhàng lên họ theo cách của Ngài. Tôi không thể giải thích là tại sao lúc này chúng ta cầu nguyện và nhận đáp lời tức thì, và lúc khác thì chúng ta sau nhiều năm trời mà vẫn còn cầu nguyện. Nhưng tôi cam kết tiếp tục cầu nguyện và cảm tạ Chúa rằng Ngài đang làm việc trong đời sống của những người tôi cầu thay cho, dù tôi chưa thấy kết quả gì cả. Tôi tin khi chúng ta cầu nguyện thì Chúa hành động!

Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. (BCG)

Mathiơ 7:7

Lời cầu xin của người công chính rất mạnh mẽ và hiệu nghiệm.

Giacơ 5:16b

Không ai vượt quá tầm tay của Chúa, và không bao giờ là quá trễ để cho một người thay đổi. Nếu một người bị tổn thương không biết làm sao hay không chịu đến với Chúa để được giúp đỡ thì họ cần sự cầu thay. Họ cần ai đó đứng ở hố ngăn cách giữa họ và Chúa để cầu nguyện. Chúa Giê-su đã thực hiện chức vụ này cho chúng ta, và chúng ta có thể cũng nên làm hành động tương tự cho người khác. Đừng bao giờ ngưng cầu nguyện!