Chương 14: Giảm Bớt Gánh Nặng

Hãy Làm Ơn Cho Bản Thân Tha Thứ

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Mới đây tôi có xem một bộ phim trong đó một người đàn ông mang một mật mã mà như anh cho biết, sẽ phóng thích một người khỏi tù nơi người này bị án tử hình về tội mà người này không phạm. Tuy nhiên, nếu người đàn ông này tiết lộ mật mã anh sẽ gặp nhiều rắc rối vì người ta đã phát lệnh bắt anh. Anh được hỏi tại sao anh lại đưa đầu ra và đặt mình vào chỗ nguy hiểm để phóng thích người khác mà anh không hề quen biết. Vị luật sư là người khuyên anh nói thật đã phát biểu, “Vì nếu anh nói thật, anh có thể nhẹ gánh, và việc này sẽ làm nhẹ gánh mà anh phải mang suốt cả đời.” Anh này trả lời, “Hãy làm ơn cho bản thân và làm điều ngay lẽ phải.”

Chúng ta liên tục phải chọn lựa về cách chúng ta phản ứng với hoàn cảnh trong đời. Chúa khuyên chúng ta trong Lời Ngài là hãy chọn lựa đúng, nhưng Ngài vẫn để chúng ta lựa chọn. Chúng ta có tha thứ cho những người mà chúng ta gọi là “kẻ thù” hay không là một trong những sự lựa chọn mà chúng ta thường gặp trong đời. Nếu chúng ta chọn lựa đúng, chúng ta sẽ giảm nhẹ gánh nặng, nhưng nếu chúng ta chọn lựa sai, chúng ta sẽ mang gánh nặng
và làm khổ bản thân.

Vua gọi người đầy tớ ấy vào và phán: ‘Này đứa đầy tớ độc ác, vì ngươi van xin, nên Ta đã tha hết nợ cho ngươi, tại sao ngươi không thương xót đồng bạn như ta đã thương xót ngươi?’ Vua nổi giận, giao cho cai ngục tống giam người đầy tớ ấy cho đến khi trả hết nợ. Cũng vậy, Cha Ta ở trên trời sẽ đối xử với các con như thế, nếu các con không có lòng tha thứ anh em mình.

Mathiơ 18:32-35

Trong Kinh Thánh chương này là một chương mà nói Phierơ hỏi Chúa Giê-su ông phải tha thứ cho anh em ông bao nhiêu lần khi họ phạm tội cùng ông. Chúa Giê-su kể cho Phierơ một câu chuyện nói về một người nợ vua một số tiền đáng giá hàng ngàn đô la ngày nay. Vua muốn tính sổ, nhưng người này không thể trả và xin thương xót. Lòng vua xót xa, và ông tha (huỷ) món nợ. Người vừa mới được tha thứ đi ra và tìm người khác nợ anh ta khoảng hai mươi đô la, và anh bóp cổ người này và đòi trả nợ cho anh.

Con nợ quỳ xuống và van xin thương xót, nhưng thay vì tha thứ cho con nợ như anh đã được thứ tha, người này, người được vua tha đã bỏ con nợ của anh vào tù. Khi chủ anh thấy lối hành xử của anh, chủ nhắc anh nhớ lại sự thương xót anh đã nhận và cho anh hay là anh sẽ bị tra tấn vì không chịu tha thứ.

Câu chuyện Chúa Giê-su kể ở đây đáng cho chúng ta để ý. Nó tóm tắt tất cả những gì tôi đang cố gắng trình bày trong sách này. Chúa tha thứ chúng ta về món nợ còn lớn hơn bất kỳ món nợ nào mà người ta nợ chúng ta, và chúng ta phải học thương xót và tha thứ như Ngài. Chúng ta không bao giờ bắt ai phải “trả giá” cho những gì họ đã làm tổn thương chúng ta. Chúa Giê-su đã trả món nợ của chúng ta và tha thứ chúng ta cách miễn phí, và Ngài
mong chúng ta làm tương tự như vậy cho người khác. Nếu chúng ta không làm, chúng ta sẽ bị tra tấn trong linh hồn như Chúa Giê-su phán trong Mathiơ chương 18. Chúng ta có thể làm giảm nhẹ gánh nặng bằng cách làm điều ngay và tha thứ.

Ralph Waldo Emerson nói, “Cứ mỗi phút bạn giận bạn mất sáu mươi giây hạnh phúc.” Thực tế là chúng ta hay đánh đổi niềm vui để bám lấy cơn giận của chúng ta, và tôi có thể nói cho bạn biết từ chính kinh nghiệm trong đời sống tôi rằng việc này không đáng để trả giá. Marcus Aurelius nói, “Hậu quả của cơn giận gây buồn phiền hơn là nguyên do của nó.” Lúc đầu chúng ta có thể cảm thấy nổi giận về những chuyện nhỏ nhặt, nhưng nếu chúng ta cứ nhen ngọn lửa giận dữ bằng những ý tưởng tiêu cực về ai đó làm chúng ta bực mình thì hậu quả của cơn giận chắc chắn sẽ gây buồn phiền hơn là nguyên do lúc đầu của nó. Có lẽ chúng ta nên sống bởi câu ngạn ngữ Trung Hoa nói, “Nếu bạn nguôi giận một lát thì bạn sẽ thoát chuỗi ngày thất bát.”

Suốt nhiều thế kỷ những người nam và người nữ vĩ đại đã trải qua nổi thống khổ của cay đắng và niềm vui của tha thứ. Đây là một vài câu nói của họ:

“Không một con người giận dữ nào nghĩ cơn giận của họ là không đúng.”

St. Francis de Sales

“Hãy nghĩ xem bạn thường đau khổ nhiều từ chính cơn giận và buồn phiền của bạn hơn là từ chính những điều mà bạn buồn phiền và giận dữ.”

Marcus Antonius

“Giận nếu không kiềm chế thường làm hại chúng ta hơn là nỗi đau nó gây ra.”

Senece

“Điều gì bắt đầu trong giận dữ thì kết thúc trong tủi nhục.”

Benjamin Franklin

“Người nào bay vào cơn giận sẽ đáp xuống đất xấu.”

Will Rogers

“Tha thứ không thay đổi quá khứ, nhưng nó mở rộng tương lai.”

Paul Boese “Hôn nhân có ba phần là yêu và bảy phần tha thứ.”

Lão Tử

“Tha thứ là hình thức đẹp đẽ, cao cả nhất của tình yêu. Bạn sẽ nhận lại bình an và hạnh phúc.”

Robert Mueller

“Bạn sẽ biết rằng tha thứ đã bắt đầu khi bạn nhớ lại những người làm tổn thương bạn và cảm thấy có sức mạnh muốn họ khoẻ mạnh.”

Lewis B. Smedes

Giận Đang Gia Tăng

 

 

Con số thống kê về giận dữ là một tiếng chuông cảnh báo rằng có rất nhiều người nổi giận. Hầu như cứ một trong ba người được hỏi về vấn đề này (32%) đều nói là họ có người bạn thân hay người thân gia đình gặp rắc rối về việc kiểm soát cơn giận. Cứ một trong năm (20%) nói họ kết thúc mối quan hệ hay tình bạn với ai đó vì cách mà người đó cư xử khi nổi giận. Nếu bạn là người hay giận thì khôn ngoan mà nhận ra rằng những người mà bạn yêu mến không phải lúc nào cũng chịu được tính khí của
bạn. Buồn thay, chúng ta thường lây tính xấu cho những người mà chúng ta thân thương nhất. Tôi nghĩ chúng ta làm vậy vì chúng ta lầm tưởng rằng họ sẽ tiếp tục tha thứ và thông cảm chúng ta, nhưng chuyện này không thể nào kéo dài mãi được. Ai cũng có giới hạn, và khi “tức nước” thì chắc chắn sẽ “vỡ bờ.”

Một số điều mà người ta hay giận ngày nay thật là buồn cười. Người ta nổi giận vì điện thoại không gọi được nên họ ném xuống nhà hay quăng xuống hồ nước. Tôi nhớ có lúc chúng tôi phải tìm điện thoại công cộng bên đường nếu chúng tôi muốn gọi điện đang lúc lái xe. Chúng tôi phải dừng xe lại, ra khỏi xe, và đổi tiền xu. Nếu lúc đó trời nóng hay lạnh, chúng tôi thấy khó chịu. Chúng tôi lại không nghĩ đến việc khó chịu, vì lúc đó chỉ có loại điện thoại công cộng nếu ai muốn gọi khi đi xa. Còn bây giờ chúng ta nổi giận nếu chúng ta chạy xe mà đi ngang vùng không phủ sóng và chúng ta phải chờ hai phút mới nối mạng được.

Bây giờ chúng ta có nào là “giận về đường sá”, nào là “giận trang web” và “giận văn phòng.” Điều mà Chúa Giê- su gọi là cách cư xử tội lỗi thì ngày nay chúng ta gọi là “bệnh thuộc cảm xúc”, cần tư vấn. Có phải chúng ta bào chữa cho việc thiếu sự tự chủ không? Chúng ta có quá ích kỷ đến độ chúng ta nghĩ mọi thứ trên đời này lúc nào cũng phải xảy ra theo cách chúng ta muốn không?

Nhiều người nổi giận vì họ bất hạnh, và họ bất hạnh vì họ nổi giận. Việc này trở thành cái vòng luẩn quẩn để càng giận thêm, và tôi tin câu trả lời duy nhất là có lối suy nghĩ đúng Kinh Thánh và sẵn sàng tha thứ cho những chuyện hay những người không làm vừa lòng chúng ta.

Theo tạp chí Sunday Times Magazines ngày 16 tháng Bảy, 2006, 45 phần trăm số người nổi giận tại công sở. Họ giận với nhiều người! Họ giận với những người họ cùng làm việc, với những người mà họ làm thuê cho và với những người đưa ra luật lệ tại công sở. Nếu bạn là
một người hay giận thì chuyện tìm ai đó hay việc gì đó để giận thật không khó.

Khoảng 64 phần trăm người Anh làm việc văn phòng có “cơn giận tại văn phòng.” Những nan đề này dường như xuất hiện nhiều hơn ở các nước giàu có. Tôi đã đến những nơi nghèo nhất thuộc Ấn độ và Châu Phi một số lần. Một người Ấn diễm phúc lắm mới kiếm được một công việc dưới một đô la mỗi ngày. Một phụ nữ làm việc âm thầm hết ngày này sang ngày khác dưới cái nắng gắt cho một cửa hàng bên đường chắc hẳn là cô ta không có “cơn giận bên đường.” Theo tôi dường như chúng ta càng có nhiều thì chúng ta càng nổi giận hơn. Cách đây bốn mươi năm tôi không có cám dỗ để nổi giận với cái điện thoại di động hay cái máy vi tính vì tôi đâu có mấy thứ này đâu. Cuộc sống lúc đó không căng thẳng và người ta cũng không nổi quạu như bây giờ. Chúng ta có thật sự tiến bộ không đấy? Tôi nghĩ chúng ta có tiến bộ ở một số điểm, nhưng phần còn lại chúng ta lại tụt hậu cách đau lòng.

Trong số những người dùng mạng Internet hiện nay có 71 phần trăm số người nhìn nhận rằng có nổi giận về mạng, và 50 phần trăm số người trong chúng ta phản ứng với việc trục trặc máy tính bằng cách đấm vào máy, quăng đồ đạc, la hét hay quát tháo cộng sự. Nếu không nói chuyện này là đáng buồn thì đây cũng là chuyện buồn cười. Ít nhất 33 phần trăm người Anh không nói chuyện thân thiện với những người chung quanh và tôi chắc là ở Mỹ con số cũng không kém và ở các nước văn minh khác trên thế giới cũng vậy.

Hơn 80 phần trăm tài xế nói họ đã nổi giận về đường sá; 25 phần trăm bực bội khi đi đường. Một tài xế không dám mắc sai lầm khi lái xe, như không phát đèn tín hiệu khi chuyển làn xe hay tình cờ lấn sang làn xe khác. Có người nổi giận khi họ thấy khó chịu do tài xế xe khác bất cẩn.

Thế gian là như thế, và thói đời là như vậy. Nó sẽ
không sáng sủa hơn đâu, nhưng chúng ta không thể bó tay mà không có câu trả lời cho những nan đề chúng ta đối diện. Dù thế gian không thay đổi, chúng ta có thể đổi thay. Mỗi một chúng ta có thể chịu trách nhiệm về cách chúng ta phản ứng với những kích thích bên ngoài, và chúng ta có thể chọn sống đời sống bình an và hoà thuận. Chúng ta phải tha thứ hàng trăm lần mỗi ngày, nhưng làm thế vẫn tốt hơn là ậm ực bên trong hay nổi giận đùng đùng, kết cuộc là làm cho chúng ta xấu hổ.

Đừng Đến Đó

 

 

Hãy vào cổng hẹp, vì cổng rộng và đường lớn dẫn đến huỷ hoại, nhiều người đi vào đó. Cổng hẹp và đường nhỏ dẫn đến sự sống, chỉ có ít người tìm thấy.

Mathiơ 7:13-14

Qua câu Kinh Thánh này chúng ta thấy rằng có hai con đường mà chúng ta phải đi trong đời. Một con đường thì rộng và dễ đi. Nó đầy dẫy những phòng trọ cho mọi cảm xúc của chúng ta, và chúng ta sẽ không bao giờ đơn chiếc vì đó là con đường mà mọi người đều đi. Trên con đường rộng này, chúng ta có phòng cho giận dữ, cay đắng, bực mình và không tha thứ của chúng ta, nhưng con đường này dẫn tới chỗ chết. Nhưng có một con đường khác mà chúng ta có thể chọn . . . đó là con đường Chúa Giê-su đã đi qua.

Lịch sử được tô điểm bởi những người nam và người nữ đã chọn đi con đường hẹp này, và họ thường là những con người chúng ta nhớ đến và chúng ta muốn noi gương họ. Tôi không biết bạn thì sao, chứ tôi không bao giờ muốn giống Hitler hay Boston Strangler. Họ là những con người nóng tính bị khốn khổ nên họ bị ám ảnh về việc
làm khốn khổ người khác. Chúng ta dễ dàng thấy được những con người này kết cuộc trong huỷ diệt vì họ chọn đi sai đường. Không, tôi không bao giờ mong giống họ, nhưng tôi muốn giống Rutơ, Ê-sơ-tê, Giô-sép hay Phaolô. Tôi đã đọc đi đọc lại câu chuyện Giô-sép hàng chục lần suốt nhiều năm và học thái độ tha thứ của Giô-sép. Tôi biết rằng Chúa chúc phước cho Giô-sép rất nhiều lúc ông còn sống và chúc phước cho con cháu ông vì ông chọn đi con đường hẹp.

Mọi phước lành chúng ta hưởng ngày nay đều được mua bởi sự hy sinh và đau đớn của ai đó. Tôi tin con cái và cháu chắt tôi sẽ có đời sống tốt đẹp hơn vì tôi nhận ân sủng của Chúa để tha thứ cho cha tôi vì lạm dụng tình dục tôi. Tôi có thể đã chọn con đường rộng. Con đường đó luôn vẫy gọi tôi, “Hãy đi trên ta, ngươi xứng đáng đi trên con đường dễ dãi này sau khi ngươi đã chịu đựng nhiều thứ.” Nhưng đây là con đường lừa lọc. Lúc đầu thấy nó dễ chịu, nhưng kết cuộc nó chỉ thêm hết đau khổ này đến bất hạnh khác.

Trong chương kết thúc của sách này tôi sẽ kể cho bạn nghe toàn bộ câu chuyện về việc Chúa dẫn dắt và dạy dỗ tôi tha thứ cho cha tôi, nhưng giờ thì chúng ta hãy cho là tôi đã chọn con đường hẹp dẫn tới sự sống. Thường đây là con đường cô đơn, ít ai đi, nhưng khi tôi tưởng là tôi không thể đi thêm được nữa, tôi thấy Chúa Giê-su xuất hiện nói, “Hãy theo Ta, Ta dẫn con đến nơi bình an.”

Khi tôi bị cám dỗ giận dai và đâm ra cay đắng trong đời sống tôi, tôi nói với mình (thường là nói lớn tiếng), “Joyce, đừng đi đến đó.” Chúng ta có thể thấy mình rơi vào hố sâu của đắng cay. Nếu chúng ta lún sâu hơn, chúng ta có thể cảm thấy bùn ngập đầu và nhận chìm chúng ta. Sự chán nản, sự tự thương hại và hàng tá cảm xúc tiêu cực sẽ làm bạn của chúng ta.

Có Một Nơi Gọi Là “Chỗ Đó”

 

 

Có một nơi gọi là “chỗ đó,” và chúng ta thảy đều đến đó. Có lẽ một số người trong các bạn đang sống “chỗ đó” ngay bây giờ. Nó là một nơi rộng lớn nhưng không biết sao đời sống bạn lại quá bé nhỏ và hạn hẹp. Có một ngọn núi lớn “chỗ đó” và nó choáng hết chỗ. Bạn đã phí thì giờ đi lòng vòng quanh ngọn núi này nhưng lại không đi tới đâu. Điều duy nhất bạn cần để được sống “chỗ đó” là cứ theo cảm xúc của bạn. Hãy nổi giận khi chuyện xảy ra không ưng ý mình hay khi người ta xử tệ mình thì đừng tha thứ cho họ. Đừng thương xót còn không thì bạn sẽ không có một chút đất nào ở “chỗ đó.”

Dân Y-sơ-ra-ên đã sống “chỗ đó” suốt bốn mươi năm. Họ gọi nơi đó là “Đồng Vắng,” nhưng tôi gọi nó là “chỗ đó.” “Chỗ đó” là bất cứ nơi nào chúng ta đã đến nhiều lần trước đây mà làm cho chúng ta đau khổ và cướp đi chất lượng cuộc sống mà Chúa Giê-su muốn chúng ta hưởng. Nó có thể là tự thương hại, ích kỷ, tham lam, giận dữ, bực mình, ganh ghét, báo thù hay ganh tị. Tên gọi cho vùng đất “chỗ đó” thì vô số kể, nhưng kết quả sống “chỗ đó” thì giống nhau. Khốn khổ, đau khổ, thất vọng và trống rỗng là những thứ lấp đầy bầu không khí ở nơi rộng rãi này, là nơi dẫn tới chỗ chết.

Như đã nói, tôi đã sống “chỗ đó” quá lâu trước khi tôi quyết định ra khỏi “chỗ đó” và tránh xa chỗ này. Khi cảm xúc tôi tìm cách giữ tôi lại đó, tôi phải chống cự nó bằng cách kêu cầu ân sủng và quyền năng của Chúa. Nhưng thành thật mà nói tôi không thể phí một ngày nào nữa của đời tôi đến ở “chỗ đó” nữa!

Đổ Lỗi Cho “Người Ta”!

 

 

Dân Y-sơ-ra-ên đổ lỗi cho kẻ thù. Lúc nào cũng do lỗi lầm của kẻ thù mà họ mới bất hạnh và đau khổ. Kẻ thù thật sự mà họ có chính là thái độ xấu của họ. Họ vô tín, than phiền, tham lam, ganh tị, vô ơn, sợ hãi, tự thương hại, giận dữ và thiếu kiên nhẫn. Chúng ta thấy dễ chịu khi đổ lỗi cho người khác về mọi nan đề của chúng ta. Bao lâu “người ta” là nan đề thì chúng ta không bao giờ phải nhìn thấy chính mình và chịu trách nhiệm về những hành động của mình.

Trong nhiều năm tôi cứ tập trung vào những gì mà cha tôi đã gây ra cho tôi thay vì tập trung vào phản ứng của tôi đối với những gì ông làm. Chúa ban cho tôi câu trả lời, nhưng đường lối của Ngài nghĩa là tôi phải ra khỏi “chỗ đó” và chấm dứt suy nghĩ “người ta” là nan đề của tôi. Sự thật là cha tôi đã làm tổn thương tôi cách kinh khủng, nhưng Chúa ban cho tôi sự chữa lành và phục hồi . . . sự chọn lựa thuộc về tôi! Bạn có đang ở “ngã ba đường” trong đời sống bạn ngay bây giờ không? Nếu vậy, tôi xin bạn hãy ra khỏi con đường rộng dẫn tới chỗ chết mà bước vào con đường hẹp dẫn tới sự sống.

“Người ta” là ai để bạn đổ lỗi mọi nan đề? Nếu bạn lắng nghe chính mình và người khác nói, dường như “người ta” đã làm tan nát cuộc đời chúng ta, và “người ta” cần thay đổi. “Người ta” đã gây ra, và “người ta” nói và chúng ta sợ “người ta” sẽ làm hay không làm việc này việc kia. Nhưng “người ta” là ai? “Người ta” có thể là bất cứ ai, bất cứ lúc nào tại bất cứ nơi nào. Sự thật là “người ta” không có cái quyền tối hậu làm hại chúng ta nếu chúng ta cứ đi đúng đường và đi theo Chúa Giê-su. Ngài là Con Đường tới niềm vui bất tận, bình an vượt quá hiểu biết và cuộc sống đầy ngạc nhiên mà chúng ta không có lời nào mô tả hết được. Khi tôi nghĩ về tất cả những năm tháng tôi sống ở “chỗ đó”, đổ lỗi cho “người ta” về mọi bất hạnh, kinh nghiệm này giúp tôi viết hết cuốn sách này đến cuốn sách khác nói về những gì Đức Chúa Trời ban cho chúng ta qua Chúa Cứu Thế Giê-su. Tôi muốn bạn biết sự thật vì nó sẽ giải phóng bạn. Sự thật là : Bạn không cần phải giận và đầy cay đắng lẫn bực mình khi ai đó làm bạn tổn thương. Bạn có quyền chọn cách khác . . . BẠN CÓ THỂ THA THỨ!! Lần sau khi cảm xúc bộc phát và bạn được mời đến mảnh đất gọi là “Không Tha Thứ,” hãy quyết định là bạn sẽ không đến “chỗ đó.”

Dù chuyện gì xảy ra trong đời, hãy giữ thái độ tích cực. Phaolô nói ông đã học cách để thoả lòng dù ông thiếu hay dư (Phi 4:11). Tôi hoàn toàn tin rằng Phaolô học cách tương tự như chúng ta học. Ông từng trải nổi khổ của việc chọn lựa sai lầm cho đến cuối cùng ông thấy được sự khôn ngoan của việc chọn lựa đúng. Khi ông làm vậy, ông thấy thoả lòng.

Đời Luôn Có Vấp Phạm

 

 

Con người và hoàn cảnh trong đời sẽ mang tới cho chúng ta cơ hội để bị vấp phạm, nhưng chúng ta không cần phải đến “chỗ đó.” Bạn phản ứng như thế nào? Liệu bạn có đổ lỗi cho “người ta” hay bạn chịu trách nhiệm về thái độ của bạn? Chúng ta được dạy trong Lời Chúa hãy cẩn thận giữ lấy tấm lòng chúng ta (Châm 4:23). Trách nhiệm của chúng ta là hợp tác với Thánh Linh để giữ tấm lòng khỏi vấp phạm đối với Chúa lẫn con người. Những anh hùng đức tin sẽ chạy trốn vấp phạm như vua Đa-vít đã làm nhiều lần trong đời sống ông.

Bạn có sẵn sàng đứng trước mặt Chúa và trả lời những câu hỏi tại sao bạn lại phí cuộc đời bạn để sống “chỗ đó” không? Bạn có thật sự nghĩ rằng bạn có thể nói “người ta”

đã làm tôi như vậy và rồi Ngài sẽ chấp nhận câu trả lời đó không? Tôi nghĩ chúng ta thảy đều biết rõ chuyện này. Đây có phải là lúc mỗi chúng ta phải hành động trong chính đời sống chúng ta và quyết định rằng chúng ta sẽ không sống giận dữ và cay đắng nữa không?

Con đường rộng dẫn tới “chỗ đó”; nó dường như là một nơi rất hẹp dù con đường dẫn tới đó thì rộng rãi và dễ đi. Nó có núi lớn và điều duy nhất để đến “chỗ đó” là trở nên bất hạnh!

Nếu bạn đã từng đến “chỗ đó” hay nếu bạn hiện đang ở “chỗ đó” ngay bây giờ, bạn biết nó làm cho bạn đau khổ biết chừng nào, vậy hãy mau ra khỏi “chỗ đó.” Và khi bạn đi, hãy nói, “Mình sẽ không quay lại nữa!”