Chương 7: Hãy Giúp Con: Con Nóng Tính

Hãy Làm Ơn Cho Bản Thân Tha Thứ

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Nếu bạn là người hay giận mà đang đọc sách này, trước hết tôi khuyên bạn hãy chịu học hỏi về lĩnh vực nào bạn cần sự giúp đỡ. Tôi tin xác quyết rằng bạn có thể học được và sẽ vượt qua cơn giận xấu hay bộc phát. Một số cơn giận là tội và một số thì không, nên tôi muốn bàn đến hai loại này để đảm bảo là bạn hiểu rõ ràng.

Giận Nào Không Phải Là Tội

Chúa ban cho chúng ta cảm xúc giận để chúng ta biết khi nào chúng ta hay ai đó bị đối xử bất công. Loại giận này được nói đến là giận thánh, và mục đích là thúc đẩy chúng ta có những hành động thánh thiện để chấn chỉnh những sai quấy.

Khi một trong những con gái của tôi sắp lên tám, cháu gặp khó khăn khi kết bạn ở trường mà cháu mới học. Chúng tôi sống gần trường, và ngày nọ trên đường đi mua vài thứ đồ lặt vặt thì tôi tình cờ chạy xe ngang qua
trường, tôi để ý thấy con gái tôi ngồi một mình ở sân trường, trông vẻ lạc lõng trong khi đó các trẻ em khác thì đang vui đùa. Tôi cảm thấy hơi bực vì cháu bị xử tệ, và cơn giận tôi cảm nhận không phải là tội. Tôi phản ứng bằng cách cầu nguyện cho cháu và xin Chúa ban cho cháu có bạn chơi. Nếu tôi phản ứng bằng cách chạy vào sân trường và quát tháo các đứa trẻ khác thì cơn giận của tôi chắc hẳn là sai trật rồi.

Tôi nghĩ điều hết sức quan trọng cần hiểu là mỗi khi chúng ta cảm thấy giận không có nghĩa là chúng ta phạm tội. Có rất nhiều điều khơi dậy cảm xúc giận, nhưng làm sao chúng ta kiểm soát cảm xúc đó mới là điều quan trọng hơn.

Vẫn có cái gọi là cơn giận thánh, và trong Thi Thiên 78 chúng ta thấy rằng Chúa nổi cơn nghĩa nộ cùng những kẻ thờ hình tượng. Thật là nực cười để thờ lạy một tượng đá trong lúc chúng ta đang thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống của mọi tạo vật. Trong sự công chính của Ngài, Ngài hình phạt tất cả những hình thức tội lỗi với hy vọng rằng điều này khiến cho dân sự ăn năn và quay lại với Ngài. Hình phạt này nhằm giúp dân sự, chứ không làm hại họ. Cơn nghĩa nộ luôn ra tay hành động nhằm để giúp đỡ.

Chúng ta cũng có kiểu giận đó đối với con cái chúng ta khi chúng làm những việc mà chúng ta biết là sẽ gây hại cho chúng. Chúng ta bày tỏ cơn giận và sửa dạy chúng để giúp đỡ chúng.

Khi tôi thăm nước Cam-pu-chia, nhìn thấy trẻ em sống trong khu rác của thành phố, nhặt trong đống rác để tìm thức ăn và lượm ve chai để bán, lòng tôi rất đau xót và cảm thấy nổi cơn giận thánh với cảnh bất công như thế. Tôi không giận lâu; tôi quyết định làm điều gì đó liên quan đến cảnh bất công này. Chức vụ của chúng tôi đã mua xe buýt để giúp các cháu đến trường và đến nhà hàng để chúng tôi cho các cháu ăn và dạy các cháu mỗi ngày.

Những chiếc xe buýt này có chỗ tắm để các cháu tắm và cho áo quần mới khi cần thiết. Đây là phản ứng tốt đối với cơn giận mà chúng ta cảm nhận. Lời Chúa cho biết cách duy nhất để thắng điều ác là bằng điều thiện (Rô 12:21).

Kiểu giận đó thì không phạm tội. Thật ra nó là ích lợi vì nó thôi thúc chúng ta ra tay hành động.

Nhiều người ngày nay giận về sự bất công, nhưng họ cứ giận và ngày càng giận thêm. Họ phí cả thì giờ của họ làm cho người khác giận theo qua lời nói và thái độ tiêu cực của họ. Họ không có hành động tích cực nào để chấn chỉnh chuyện gì cả. Những người này hay có thái độ tuyệt vọng. Họ quyết định rằng làm gì cũng không ích lợi cả nên họ không muốn thử gì cả. Đây là kiểu giận mà rất dễ thành tội lỗi.

Có một bà mẹ có đứa con gái mười ba tuổi bị một tay lái xe say xỉn tông chết và bị quan toà kết án rất nhẹ. Người mẹ này rất giận dữ, nhưng bà quyết định biến cơn giận đó thành hành động tích cực, nên bà lập một tổ chức gọi là MADD (Tổ Chức Các Bà Mẹ Chống Lại Việc Lái Xe Lúc Say Xỉn). Tổ chức này trở thành một công cụ giúp cải tiến ngành lập pháp đưa ra những đạo luật nghiêm khắc hơn chống lại những tài xế say xỉn. Bà có thể để cả đời giận dữ và cay đắng; trái lại bà đã dùng điều thiện mà thắng cái ác.

Tôi trước đây nổi giận với cha tôi vì ông đã đối xử lạm dụng tôi. Tôi ghét ông và nuôi cơn giận này nhiều năm, nhưng cuối cùng tôi nhận ra cách duy nhất để chiến thắng cái ác đã gây ra cho tôi là làm một việc gì đó tốt đẹp để giúp người khác. Đó là một trong những lý do mà tôi đã để suốt ba mươi lăm năm qua dạy dỗ Lời Chúa và giúp những người đang bị tổn thương.

Có một người tên là William Wilberforce đã trở nên căm phẫn về việc buôn bán nô lệ tại Anh quốc nên ông để phần lớn cuộc đời ông chống lại nạn buôn nô lệ và làm việc để biến đạo luật này thành phi pháp. Lịch sử
đầy dẫy những con người đã từng nổi giận về cảnh bất công và tranh đấu để mang lại sự thay đổi tích cực. Buồn thay, lịch sử cũng đầy dẫy những con người đã nổi giận và rồi đâm ra bực bội và cay đắng và cuối cùng đầy lòng hận thù. Họ thường ra tay hành động nhằm làm hại đến vô số người.

Mỗi thời đại đều chứng kiến cảnh bất công nào đó, và thời đại của chúng ta cũng không khác gì, nhưng cơn giận mà cuối cùng biến thành thù hận thì không phải là câu trả lời. Ghét là một cảm xúc mãnh liệt. Chúng ta không thể ghét ai đó chút đỉnh. Ghét là một cảm xúc lôi kéo. Nó đòi hỏi người bị ghét bỏ phải xử tệ. Ghét bắt đầu giống như giận. Nó tiêu hao hết năng lực sống của bạn. Nó gặm nhấm bạn như căn bệnh kéo dài và đầy ắp đầu óc và lời nói của bạn. Nó làm bạn thành cay đắng, căm thù, chua chát và đê tiện. Nó làm bạn vô dụng đối với Chúa.

Nếu bạn đã trải qua cảnh bất công trong đời mà bị tổn thương thì đừng có oán ghét mà sống mãi trong cái vòng luẩn quẩn đó.

Giải pháp duy nhất đối với giận dữ là tha thứ. Việc đón nhận sự tha thứ thường là một tiến trình. Nó bắt đầu bằng một quyết định đó là không chỉ là vâng lời Chúa mà còn làm ơn cho chính bạn mà tha thứ; tuy nhiên, cần thời gian thì ký ức và cảm xúc mới được chữa lành. Nửa phần sau của cuốn sách sẽ tập trung nói về tầm quan trọng của việc tha thứ và “bí quyết” vượt qua giai đoạn này.

Giận Đúng Hay Giận Bậy?

 

 

Trước khi chúng ta có thể kiểm soát cơn giận cách đúng đắn, chúng ta phải thành thật đủ để tự hỏi là cơn giận này có phải là giận đúng hay giận bậy. Có những việc người ta làm khiến chúng ta giận là do hậu quả của việc
làm sai trật của chúng ta chứ không phải do họ làm sai trật. Chỉ vì chúng ta nổi giận không có nghĩa là cơn giận của chúng ta đúng. Thật ra, có lẽ phần lớn những người mau giận, họ làm vậy là do linh hồn họ bị tổn thương mà chưa được chữa lành. Những người hay giận thường hay nổi giận về những chuyện mà tất cả chúng ta đều xử lý mỗi ngày mà không cần phải giận gì cả.

Có những việc mà trước đây nhà tôi làm khiến cho tôi vô cùng giận, nhưng bây giờ những việc này không làm tôi khó chịu nữa. Anh vẫn còn làm một số việc này, nhưng tôi đã thay đổi. Tôi giận là do tôi sống bất an.

Nếu một người sống bất an thì họ thường phản ứng với những người khác trong giận dữ nếu người ta không đồng ý với những gì họ suy nghĩ, cảm nhận hay nói ra. Họ cho rằng mọi bất đồng đều là khước từ họ, và nan đề thật sự là họ, chứ không phải những người mà họ nổi giận. Những người sống bất an cần nhiều sự phản hồi tích cực để họ cảm thấy an tâm về bản thân, và khi họ không có được điều này họ thường hay nổi giận.

Thỉnh thoảng chúng ta giận vì chúng ta không được điều chúng ta muốn theo cách mà chúng ta muốn. Câu chuyện mà tôi sắp chia sẻ với bạn đã cảm động rất nhiều người. Đó là một câu chuyện nói về việc thiếu kiên nhẫn và nổi giận đã khiến cho một người trả giá rất đắt – tất cả đều là do nổi giận.

Món Quà Của Người Cha

 

– Tác Giả Vô Danh

 

Có một thanh niên nọ chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Suốt nhiều tháng anh đã ngắm nghía chiếc xe hơi thể thao rất đẹp tại một cửa hàng bán xe hơi. Anh thừa biết là cha mình có khả năng mua chiếc xe này nên anh nói với
người cha là anh chỉ muốn món quà đó nhân ngày tốt nghiệp của anh. Ngày trọng đại đó đã đến, người thanh niên này chờ đợi xem thử cha mình có mua chiếc xe hơi đó không.

Cuối cùng, vào buổi sáng ngày lễ tốt nghiệp, cha của cậu mời cậu vào phòng riêng của cậu. Ông cho người con trai biết rằng ông rất hãnh diện là ông có một người con ngoan như thế và ông rất thương cậu. Ông trao cho cậu một cái hộp quà.

Tò mò mà cũng hơi thất vọng, cậu thanh niên này mở cái hộp ra và thấy một cuốn Kinh Thánh bìa da thật đẹp, có mạ vàng tên của cậu lên đó. Giận dữ, cậu quát tháo với người cha, “Ông chỉ có tiền mua cuốn Kinh Thánh này thôi sao?” Thế là cậu bỏ ra ngoài và để cuốn Kinh Thánh lại.

Nhiều năm trôi qua, người thanh niên này rất thành công trong công việc. Cậu có nhà cao cửa rộng và có một gia đình tuyệt vời, nhưng cậu cũng nhận ra rằng cha của cậu đã già và tự nhủ có lẽ cậu nên về thăm cha. Cậu đã không thấy mặt cha mình kể từ ngày lễ tốt nghiệp.

Trước khi cậu sắp xếp về thăm thì cậu nhận một bức điện tín cho biết cha cậu đã qua đời và viết di chúc giao mọi tài sản cho con trai ông. Cậu cần về nhà gấp để lo thủ tục. Khi cậu vừa đến nhà người cha, lòng cậu đầy dẫy nổi buồn và tiếc nuối. Cậu bắt đầu lục lọi những giấy tờ quan trọng của người cha và phát hiện một cuốn Kinh Thánh vẫn còn mới, mà cậu đã bỏ lại nhiều năm trước đây. Nước mắt đầm đìa, cậu mở cuốn Kinh Thánh ra và lật vài trang. Cha cậu đã gạch kỹ câu Kinh Thánh Mathiơ 7:11:

Nếu các con là người gian ác còn biết cho con cái mình quà tốt, huống chi Cha các con ở trên trời lại không ban điều tốt hơn cho những người cầu xin Ngài sao?

Khi cậu đọc những lời này thì bỗng nhiên một chiếc chìa khoá xe hơi rớt ra khỏi cuốn Kinh Thánh. Chiếc chìa khoá này có gắn thẻ ghi tên cửa hàng bán xe, chính xác cái cửa hàng bán chiếc xe hơi mà cậu thích. Trên thẻ đó
có ghi ngày cậu tốt nghiệp, kèm theo những dòng chữ này: ĐÃ TRẢ ĐỦ.

Câu chuyện này làm cho tôi thấy buồn. Đây quả là một ví dụ điển hình nói lên lối sống của rất nhiều người trong chúng ta. Thay vì biết ơn tiếp nhận món quà của Chúa, dù chúng ta không nghĩ đó là điều chúng ta đã cầu xin, chúng ta lại nổi giận và không thèm nói chuyện với Ngài. Xin đừng làm chuyện này! Hãy nhớ rằng Cha Thiên Thượng yêu thương bạn hơn là bạn tưởng. Ngài chỉ muốn điều tốt lành cho bạn, dù cách Ngài “gói quà” khác với điều mà bạn mong đợi.

Khi chúng ta có nan đề là nổi giận bất thường thì điều quan trọng là chúng ta phải biết mình có nan đề. Chúng ta phải xem đó là nan đề của mình mà không trút hết cho những người mà chẳng có liên quan gì đến cả. Nhiều mối quan hệ bị gãy đổ chỉ vì gặp những nan đề kiểu này. Thời gian khá lâu tôi cố bắt nhà tôi phải trả giá cho những gì mà cha tôi đã gây ra bằng cách bất cần anh và tìm cách kiểm soát anh để anh không thể nào làm tổn thương tôi. Lúc đó tôi có thái độ không tốt với tất cả đàn ông chỉ vì một người làm hại tôi. Tôi cảm thấy đời mắc nợ tôi nên tôi cố gắng bắt mọi người có trong cuộc đời tôi phải trả lại. Cảm tạ Chúa, cuối cùng tôi thấy được những gì tôi làm và xin Chúa bù đắp lại cho tôi về những bất công xảy ra trong cuộc đời tôi, và Ngài đã bù đắp.

Nếu bạn đang giận, hãy để tôi hỏi bạn vài câu hỏi. Có phải cơn giận của bạn mang lại ích lợi cho bạn hay cho ai khác không? Nó có giải quyết vấn đề không? Nó có thay đổi người mà bạn đang giận không? Cơn giận của bạn có gia tăng bình an và niềm vui không?

Bạn có tin bạn là người khôn ngoan sáng suốt không? Nếu vậy thì sao bạn cứ làm một việc hoàn toàn phí thì giờ? Sao bạn không quyết định làm ơn cho bản thân và bỏ qua cơn giận? Hãy dâng trình mọi việc cho Chúa trong sự cầu nguyện. Hãy trao lo lắng bạn cho Ngài và để Ngài có
cơ hội chăm sóc bạn. Hãy để Chúa giải quyết những bất công trong đời sống bạn. Trong Êsai 61 Ngài hứa ban cho cho chúng ta phần thưởng gấp đôi cho những rắc rối mà chúng ta gặp trước đây. Tôi thích kiểu bù đắp này, bạn có thích không?

Bạn có lẽ suy nghĩ, “Bà Joyce ơi, tôi không thể giữ mình không giận được.” Tôi đồng ý, nhưng điều bạn có thể làm là hãy bắt đầu vâng lời Chúa mà cầu nguyện cho người bạn đang giận, và điều này sẽ ích lợi lắm. Điều kế tiếp cần làm là bắt đầu học hỏi Lời Chúa nhiều về đề tài giận dữ. Lời Chúa có quyền năng thật sự giúp bạn làm điều đúng, và nó mang lại sự chữa lành cho tâm hồn bạn. Nó là thang thuốc của Chúa cho tâm hồn bị tổn thương. Hãy tin tưởng Lời Chúa. Hãy đến với Lời Chúa bằng lòng mong đợi và đức tin. Nếu bạn bị đau đầu và tìm đến lọ thuốc giảm đau, bạn sẽ tìm với lòng mong đợi là nó sẽ giúp bạn giảm cơn đau. Hãy tìm đến Lời Chúa tương tự như vậy và tiếp nhận Lời Chúa như thang thuốc cho cảm xúc bị thương tổn của bạn.

Điều quan trọng nhất là hãy quyết định rằng bạn sẽ không sống đời sống giận dữ. Nếu bạn quyết định vững vàng thì những vấn đề mà bạn gặp phải sẽ được giải quyết. Chúa sẽ dẫn dắt bạn bằng cách nào đó mà thích hợp cho bạn. Chúng ta lúc nào cũng muốn có một công thức lên sẵn cho mọi rắc rối của chúng ta, nhưng sự thật thì chúng ta phải tin cậy Chúa và để Ngài dẫn dắt chúng ta cách cá nhân. Kinh Thánh đầy dẫy sự khôn ngoan mà sẽ giúp chúng ta tránh được cơn giận. Phát hiện và chống cự cơn giận sớm là dự tính hay nhất. Đừng để cơn giận bén rễ sâu trong tâm hồn và trở thành nan đề mà sau này khó xử lý.

Nếu bạn là một người hay giận và bạn đã nhìn nhận chuyện này cũng như sẵn sàng nhận sự giúp đỡ, bạn có thể phấn khởi vì bạn sẽ không còn giận lâu nữa. Bạn đang trên con đường đến một đời sống dư dật bình an và
tràn đầy niêm vui mới. Bạn có sức yêu thương người khác cách thánh thiện, và đây chính là điều tăng thêm sức mạnh cho đời bạn.

Lời đáp dịu dàng làm nguôi cơn giận; Còn lời nói sỗ sàng gây ra tức giận.

Châm Ngôn 15:1

Anh chị em tức giận, nhưng đừng phạm tội, đừng cưu mang giận hờn cho đến khi mặt trời lặn, cũng đừng để quỷ vương thừa cơ lợi dụng.

Êphêsô 4:26-27

Thưa anh chị em thân yêu, hãy ý thức điều này: Mỗi người phải mau nghe, chậm nói, chậm giận, vì cơn giận của con người không thể hiện đức công chính của Đức Chúa Trời.

Giacơ 1:19-20