Chương 4: Nguyên Do Ganh Tị

Hãy Làm Ơn Cho Bản Thân Tha Thứ

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Sự căm giận vốn hung dữ, và cơn giận như nước tràn ra; nhưng ai đứng nổi trước sự ghen ghét?

Châm Ngôn 27:4 -BTT

Ganh tị là một điều khủng khiếp. Nó thường được ví là một “con quái vật mắt xanh.” Mà nó quả là vậy vì ganh tị gặm nhấm cuộc đời người nào mà mở lòng ra cho phép nó. Theo Châm Ngôn 27:4 ganh tị còn ghê tởm hơn là phẫn nộ và giận dữ. Ganh tị là một nan đề trầm trọng nên tôi thấy cần phải viết một chương về nó.

Jennifer để cả đời so sánh mình với người chị là Jacque; cả hai là chị em sinh đôi nhưng không giống nhau. Jacque sinh ra trước và có cá tính phóng khoáng, hoạt bát trong khi đó Jennifer thì nhút nhát và ít nói. Thay vì tìm phát triển khả năng của mình, Jennifer nhiễm thói lười biếng và ganh tị những gì mà chị của mình có được. Tôi cho ganh tị là biếng nhác vì người đó không làm gì cả mà chỉ ngồi đó cảm thấy thương hại cho bản thân và bực bội với người khác có cái mà mình không có. Đúng là Jacque
có tài hơn hẳn, nhưng Jennifer cũng có tài; tuy nhiên, chính việc cô ta cay đắng với người chị mình đã ngăn cô không nhận ra khả năng của mình. Rồi năm tháng trôi qua đáng lý mối quan hệ giữa hai chị em gần gũi và thân thiện hơn thì đằng này nó trở nên một sự cạnh tranh về phía Jennifer. Sự ganh tị đó đã để lại trong tấm lòng của Jennifer một bóng ma từ lúc tuổi niên thiếu. Jacque rất hạnh phúc và đầy sức sống nên cô không để ý gì đến thái độ chua chát của em mình, và chính điều này làm cho Jennifer lại càng nổi khùng thêm. Cô ta muốn chị mình lưu tâm đến tình trạng bất hạnh của cô và hơn nữa là cô muốn chị mình cũng bất hạnh theo.

Thời gian trôi qua cả hai chị em lớn lên và có gia đình riêng, Jacque nhận ra cô có vấn đề, nhưng dù cô có cố gắng phát triển mối quan hệ gần gũi với chị của mình bao nhiêu đi nữa, nhưng cũng không kết quả gì cả. Hai chị em chỉ xã giao qua loa, nhưng vẫn còn có khoảng cách. Ai khác cũng cảm nhận cơn giận ngấm ngầm này và cả gia đình đều bị ảnh hưởng lây bởi sự bất an và ganh tị của cô gái này.

Cái vòng luẩn quẩn này phát sinh trong đời sống người ta như thế nào? Satan luôn rình mò để tìm cách gây ra xung đột giữa mọi người, đặc biệt giữa các thành viên gia đình. Có lẽ cha mẹ của Jennifer khen Jacque đã làm việc giỏi cùng lúc họ đã la rầy Jennifer vì đã gọi điện trễ, và satan đã dùng trường hợp đó để gieo hạt giống nghi ngờ bản thân và cay đắng. Có thể có hàng ngàn trường hợp khác nhau, nhưng hậu quả thì giống nhau. Khi chúng ta sống trong sự xung đột mà bắt nguồn từ ganh tị thì chúng ta đánh mất bình an, niềm vui và sự sống sung mãn mà Chúa muốn chúng ta hưởng.

Điều răn thứ mười mà Chúa ban cho Môise để dạy cho dân chúng đó là “Ngươi chớ tham muốn nhà cửa của người khác. Không được tham muốn vợ, tôi trai, tớ gái, bò lừa hay bất cứ thứ gì của người khác.” (Xuất 20:17).

Điều răn này có nghĩa là chúng ta không nên ganh tị hay ghen tị bất cứ điều gì người khác có. Ganh tị là tội thuộc tấm lòng. Nó là thái độ ấp ủ xung đột và giận dữ, và nó mang lại sự chia rẽ. Chúa muốn chúng ta vui vẻ về chuyện người khác được phước, và cho đến khi chúng ta làm được vậy thì chúng ta mới nhận được điều chúng ta ao ước. Hoặc nếu chúng ta có nhận được điều chúng ta muốn, chúng ta cũng không thể hạnh phúc và thoả mãn với hiện tại vì chúng ta lúc nào cũng thấy người khác có cái gì đó mà mình không có và lại đâm ra thấy mình bất hạnh một lần nữa.

Sứ đồ Phaolô nói ông không tham vàng bạc hay áo gấm lụa là của ai (Công vụ 20:33). Ông thoả lòng làm những gì Chúa kêu gọi ông làm và thành người mà Chúa tạo dựng ông như vậy. Thoả lòng là một nơi phước lành để sống, nhưng ít ai thấy được và ít ai sống như vậy lâu được. Phaolô đã biết một bí quyết. Ông biết ông đang ở trong ý Chúa và rằng Chúa sẽ cung cấp cho ông đúng cái ông cần vào đúng lúc. Ông không sống thụ động, cũng không phải là không dám ước ao gì, nhưng ông là người có đức tin hoàn toàn nơi sự tốt lành và khôn ngoan của Chúa.

Giăng Báp-tít là một con người khác của Chúa cũng không có sự ganh tị. Kinh Thánh nói trong Giăng 3:25-27 rằng có sự tranh cãi nỗi lên giữa môn đồ của Giăng và môn đồ của Chúa Giê-su về giáo lý thanh tẩy. Giăng trước đây đã làm phép báp-tem cho người ta mà bây giờ các môn đồ Chúa Giê-su xuất hiện cũng làm phép báp-tem, và người ta đổ xô đến Chúa Giê-su. Chúng ta thấy rằng nguyên do ganh tị sẽ gây ra giận dữ và tranh chấp. Khi nghe tin này, Giăng nói, “Nếu thiên đàng không cho thì không ai nhận được điều gì.”

Trong chính đời sống của tôi, khi tôi tranh chiến với sự ganh tị và cảm thấy nổi giận vì tôi không có điều mà người ta có, những câu Kinh Thánh này quả đã giúp đỡ tôi. Tôi liền nhận ra rằng nếu tôi tin cậy Chúa thì tôi
phải tin rằng những gì Ngài ban cho tôi là thích hợp cho tôi và hoàn toàn sai lầm khi ganh tị với những gì mà Chúa đã ban cho người khác.

Chúa biết chúng ta rõ hơn là chúng ta biết mình, và chúng ta có thể vui vẻ thoả lòng nếu chúng ta tin rằng bởi sự tốt lành của Chúa mà Ngài không bao giờ giữ lại điều gì tốt lành khỏi chúng ta khi đúng thời điểm.

Sứ đồ Giacơ cho chúng ta biết sự xung đột (bất hoà và lộn xộn) và xích mích (cãi vã và xung khắc) bắt nguồn từ những ham muốn đang tranh chiến trong các chi thể của chúng ta. Chúng ta ganh tị và tham lam điều người khác có, và ham muốn của chúng ta không được thoả mãn. Sau đó chúng ta đâm ra ganh ghét, mà ganh ghét chính là giết người trong “mộng” (lòng). Giacơ nói người mà sôi sục sự ganh tị và giận dữ thì không thể nhận được sự thoả mãn và hạnh phúc mà họ tìm kiếm. Rồi Giacơ nói một ý trong câu này mà trở thành một câu Kinh Thánh “tủ” trong đời sống tôi:

Anh em không có vì anh em không cầu xin.

Giacơ 4:2

Chính những lời này đã phóng thích tôi khỏi sự bối rối vì chưa có những gì tôi muốn và đâm ra ganh tị về những gì người khác có. Tôi thấy rõ rằng nếu tôi muốn điều gì thì tôi phải xin Chúa điều đó và tin rằng nếu điều đó thích hợp cho tôi thì đúng lúc Ngài sẽ ban cho. Đối với Chúa thì Ngài không thiếu thứ gì cả. Có thể không phải lúc nào Ngài cũng ban cho chúng ta điều người khác có, nhưng Ngài luôn luôn cung cấp cho chúng ta cách dư dật nếu chúng ta tin cậy Ngài và thời điểm của Ngài trong đời sống chúng ta.

Tôi học được thêm rằng nếu Chúa không ban cho tôi điều tôi cầu xin, ấy là không phải vì Ngài giấu diếm gì tôi mà vì Ngài nghĩ tới điều gì đó tốt hơn và tôi nên thoả
lòng chờ đợi điều tốt hơn đó. Trước khi biết được rằng “Anh em không có là vì không cầu xin”, lòng tôi đầy dẫy xung đột vì tôi sống theo xác thịt và cố gắng làm cho ý kiến và kế hoạch của tôi thành hiện thực. Tôi quyết định điều tôi muốn và làm ra vẻ là Chúa buộc phải ban cho tôi điều này. Trước đây tôi có thái độ quá là ấu trĩ và trẻ con. Ganh tị quả là hiểm độc.

Hận Thù Thành Bạo Lực

 

 

Vua Saulơ quá giận dữ đến độ ông nhiều lần tìm cách giết Đa-vít, và cơn giận của ông là hậu quả của sự ganh tị mà đã ngấm ngầm qua nỗi sợ địa vị của ông rơi vào tay Đa-vít (1Sa 18:6-12). Saulơ quá giận đến độ có lần ông ném cây giáo vào người con trai của ông là Giô-na-than vì người con này và Đa-vít là bạn thân (1Sa 20:30-34). Chúng ta thấy được rằng cơn giận và ganh tị của ông biến thành cơn phẫn nộ và đã khiến cho ông thành một con người đầy bạo lực.

Có rất nhiều gương trong Kinh Thánh, nhưng chúng ta không muốn đọc về chuyện của người khác mà lại bỏ qua chính chuyện của mình. Bạn có ganh tị ai không? Bạn có cảm thấy nổi giận khi ai đó giỏi hơn bạn về lĩnh vực thể thao, công việc làm ăn hay bất kỳ lĩnh vực nào khác trong đời sống bạn không? Thường thì chúng ta thấy cơn giận ló “cái vòi bạch tuộc” của nó tại các cuộc tranh tài thể thao. Ai cũng muốn thắng, nhưng khi mà chúng ta muốn thắng quá độ đến nỗi chúng ta đâm ra nổi khùng với những ai giỏi hơn chúng ta tức là chúng ta đã sai rồi. Tôi nhớ có chơi bóng chuyền cho đội bóng của hội thánh và chứng kiến các cơ đốc nhân chơi chẳng khác người đời vì quá ganh đua. “Cái vòi bạch tuộc” của cơn ganh tị đuổi theo mọi người nên chúng ta phải coi chừng.

Nếu bạn thấy mình ganh tị ai đó vì lý do nào đó, bạn có thể làm ơn cho mình bằng cách vượt thắng lòng ganh tị, vì thái độ ganh tị không mang lại cho bạn điều gì cả ngoại trừ đau khổ. Chúa có một kế hoạch độc đáo và đặc biệt cho mỗi một chúng ta. Chúng ta mỗi người mỗi khác, nhưng giá trị thì không khác. Biết được điều đó sẽ giúp chúng ta thoả mãn và bằng lòng với con người chúng ta và với những gì chúng ta có.

Khác Nhưng Không Kém

 

 

Tất cả những so sánh và cạnh tranh trong xã hội đều thật là bi kịch và nó là nguyên do gây ra giận dữ và chia rẽ. Chỉ vì chúng ta khác người ta không có nghĩa là chúng ta kém hay hơn người ta. Cái gì cũng có giá trị của nó. Tay của tôi khác với chân của tôi, nhưng chân tay tôi không ganh tị nhau. Nó làm việc hài hoà nhau một cách tuyệt vời, mỗi bộ phận thực hiện chức năng mà Chúa định cho nó. Chúa muốn chúng ta làm tương tự như thế. Ngài muốn chúng ta nhìn thấy nét đẹp và giá trị của riêng từng người và không hề cảm thấy thấp kém vì chúng ta khác người ta. Tôi nghe một mục sư diễn tả ý này như vầy : “Chúng ta phải học cảm thấy dễ chịu với làn da của mình.”

Giận dữ phản ánh cảm giác thấp kém. Chúng ta cần liên hệ nhau cách bình đẳng, không cần phải cảm thấy hơn thua với người ta. Chúa Giê-su là Đấng mang lại sự bình đẳng thật sự! Qua Ngài chúng ta đều bình đẳng. Ngài phán không còn nam hay nữ, người Do Thái hay người Hy lạp, nô lệ hay tự do, mà hết thảy chúng ta là một trong Ngài (Ga 3:28). Giá trị của chúng ta không nằm ở việc chúng ta làm mà ở việc chúng ta là ai và chúng ta thuộc về Ai. Chúng ta thuộc về Chúa, và dáng
vẻ, tài năng cùng các khả năng khác đều đến từ Ngài. Một người lùn không thể làm cho mình cao hơn qua việc lo lắng hay ganh tị người khác cao hơn mình. Điều người đó cần làm là cố gắng hết sức mình trong đời và đừng bao giờ so sánh mình với người khác.

Xa-chê là người “thiếu thước”. Khi ông nghe tin Chúa sẽ đi ngang qua đó, ông thật sự muốn thấy Ngài, nhưng ông biết ông không thể nhìn do quá đông người vì ông thấp người. Xa-chê có thể đâm ra chán nản vì ông lùn. Ông cũng có thể cho đây là một khuyết tật và rơi vào sự tự thương hại và bi quan. Nhưng Xa-chê không nghĩ vậy. Trái lại ông chạy thẳng đến đám đông và trèo lên cây để xem cho rõ. Khi Chúa Giê-su đi qua, Ngài thấy Xa-chê đang ở trên cây và bảo ông hãy xuống vì Ngài sắp vào nhà ông ăn tối (Lu 19:1-6). Đây là một trong những câu chuyện tôi thích nhất trong Kinh Thánh vì tôi thấy được chính thái độ tốt của Xa-chê đã làm đẹp lòng Chúa Giê- su. Ngài thích thái độ của ông đến độ Ngài muốn để thì giờ đặc biệt với ông. Xa-chê có thể bỏ lỡ toàn bộ dịp tiện này nếu ông nổi giận vì ông quá lùn.

Nếu ngay bây giờ bạn đang giận về điều gì đó mà bạn không có và bạn ước ao mình có, tôi hết sức khuyên bạn hãy học bài học từ ông Xa-chê. Hãy cố gắng làm hết sức với những gì bạn có, rồi Chúa lúc nào cũng bù đắp những khác biệt và đề bạt bạn trong cuộc sống. Hãy nhận biết rằng Chúa đã tạo dựng bạn từ trong lòng mẹ bằng chính đôi tay của Ngài, và Ngài không sai lầm. Mọi việc Chúa làm là tốt lành, trong đó có bạn.

Tôi đề nghị bạn hãy để vài phút lập ra một danh sách những điều bạn không thích về dáng vẻ bề ngoài hay về khả năng của bạn. Sau khi làm vậy rồi, hãy xin Chúa tha thứ cho bạn vì đã không thích điều mà Ngài chọn cho bạn, rồi xé danh sách đó đi, ném vào thùng rác, và xin Chúa giúp bạn trở thành con người đầy đủ và trọn vẹn.

Trước đây tôi muốn giọng nói tôi mềm mại hơn, chân
cẳng tôi thon thả hơn và tóc tai tôi đen đậm hơn cho đến khi tôi học được bài học này. Khi tôi thấy các phụ nữ khác có điều tôi muốn, tôi cảm thấy mình muốn họ đi khuất mắt tôi. Khi chúng ta ganh tị người khác thì điều này ngăn trở chúng ta không hưởng được gì cả. Tôi bực bội những người phụ nữ nào có điều tôi muốn, và tôi cảm thấy thua kém họ. Sự thật thì có lẽ họ cũng không thích những cái mà bản thân họ có nữa, và có thể lắm họ cũng ganh tị với điều tôi có mà họ không có.

Ganh tị là một trong những công cụ mà satan dùng để gây chia rẽ giữa mọi người, và nó hoàn toàn phí thì giờ của chúng ta vì nó không ích lợi gì cả và chắc chắn nó không giúp chúng ta nhận điều mà chúng ta nghĩ là chúng ta muốn lắm.

Một trong những lý do tôi viết sách này là để giúp bạn có một quyết định không phí thì giờ làm những điều mà không mang lại kết quả nào cả. Chúng ta thật sự làm ơn cho bản thân khi chúng ta không cho phép mình ganh tị người khác và đơn sơ tin cậy tình thương của Chúa dành cho chúng ta.

Câu chuyện về Giô-sép trong Kinh Thánh là một sự chiến thắng ngoạn mục. Giô-sép là một cậu bé trong gia đình được cha cậu rất cưng. Tôi không nghĩ rằng cha cậu thương cậu hơn các người anh khác, mà chỉ đơn giản là cha cậu thương cậu cách khác. Giô-sép là em nhỏ trong gia đình nên em nhỏ thì được chiều chuộng nhiều hơn. Các anh của cậu ganh tị và chính sự ganh tị đã khiến cho các anh cậu nổi giận đến độ bán Giô-sép cho những người buôn nô lệ và rồi nói với cha cậu rằng Giô-sép đã bị thú dữ ăn thịt rồi. Giô-sép đã sống nhiều năm tháng trong hoàn cảnh bất hạnh, kể cả bị nhốt tù suốt mười ba năm vì cái tội mà cậu không phạm. Nhưng vì cậu có một thái độ tích cực nên cậu luôn được cất nhắc trong bất kỳ nhiệm vụ nào cậu được giao. Chúa luôn đề bạt chúng ta trong cuộc sống nếu chúng ta tin cậy Ngài và không để
cho những cảm xúc như sợ hãi, tự ti, giận dữ và ganh tị kiểm soát chúng ta. Giô-sép có thể muốn dùng cơn giận của cậu để đáp trả lại cơn giận của các anh. Cậu có thể để cho cơn giận đó khiến cậu cay đắng và tiêu diệt cuộc đời cậu, nhưng cậu đã không để cho quyết định xấu của các anh kiểm soát cậu.

Có phải bạn đã để cho một quyết định xấu của ai đó khiến bạn nổi giận không? Nếu có, bạn quả là dại dột vì bạn vẫn có cách chọn lựa khác. Bạn có thể làm ơn cho bản thân và sống vượt lên những gì người khác đã gây ra. Chúng ta không phải lúc nào cũng thay đổi được điều người khác làm, nhưng chúng ta không cần phải để những lựa chọn của họ điều khiển cách cư xử của chúng ta. Chúa ban cho mỗi chúng ta quyền tự do chọn lựa. Trong mỗi tình huống chúng ta có thể chọn hoặc sự sống hoặc cái chết. Tự do chọn lựa cũng có nghĩa là chúng ta có trách nhiệm, nên trong thực tế nếu tôi bất hạnh thì ấy là do lỗi của tôi vì tôi có thể chọn không trở nên bất hạnh. Nếu chúng ta đọc toàn bộ câu chuyện về Giô-sép trong Kinh Thánh, chúng ta học được rằng cuối cùng gia đình cậu đến gặp cậu để ăn năn về cách họ đã đối xử với cậu và cậu đã làm ơn giúp họ trong suốt thời gian bị đói kém. Giô-sép không chỉ không cho phép giận dữ và cay đắng mà cậu còn mau chóng tha thứ cho các anh người đã gây ra điều kinh khiếp cho cậu. Người tha thứ lúc nào cũng cao thượng hơn người hay ganh tị và giận dữ. Chỉ có những con người có đầu óc hạn hẹp mới để cho ganh tị và giận dữ định đoạt số phận của họ.

Chúa Giê-su Là Đấng Chữa Lành

 

 

Chúng ta học được trong Kinh Thánh rằng Chúa Giê-su đến để chữa lành, nhưng sự chữa lành của Ngài không
phải lúc nào cũng đến qua phép lạ. Sự chữa lành thường đến qua việc làm theo “toa” của Thầy Thuốc thì mới sống khoẻ mạnh được. Nói cách khác, nếu chúng ta làm những gì Chúa Giê-su dạy chúng ta làm, chúng ta không chỉ có thêm niềm vui mà còn sống mạnh khoẻ hơn.

Tấm lòng bình an là sự sống của thể xác; nhưng ghen ghét làm xương cốt mục nát.

Châm Ngôn 14:30

Đây là câu Kinh Thánh mà tôi gọi là câu Kinh Thánh rất TUYỆT VỜI. Bình an thúc đẩy sự chữa lành, nhưng ganh tị, ganh ghét và phẫn nộ gây ra bệnh hoạn. Các bác sĩ cho biết 80 phần trăm những triệu chứng bệnh thể lý đều do bị stress và không thể nào sống khoẻ mạnh nếu không giảm thiểu hay loại bỏ tối đa những căng thẳng này. Giận dữ để lại cho tôi cái cảm giác bị căng thẳng và tôi đoan chắc là nó cũng xảy đến cho bạn tương tự. Ganh tị là nổi giận về những gì người khác có mà mình không có, và nó cũng tác động tiêu cực lên sức khoẻ của chúng ta. Dù là giận dữ kiểu nào, dù nó bắt nguồn từ đâu, cũng đều gây ra stress, mà stress sẽ sinh ra bệnh. Khi tôi trải qua sự cố với dì tôi mà tôi có kể trước đây thì tôi nhớ là tôi cảm thấy hoàn toàn kiệt quệ sau vài ngày nổi giận. Tôi thấy thân tôi chỗ nào cũng đau nhức, rồi đau đầu và rất là mệt mỏi. Giận không phải là ý Chúa, và thân thể chúng ta cũng không hoạt động tốt khi giận.

Tôi đi nhóm với một người chị em đã kể cho tôi nghe là cô đã bị đau thấp khớp suốt nhiều năm cho đến khi cô buộc phải tha thứ cho một người thân trong gia đình đã gây cho cô nhiều điều oan ức. Một khi cô tha thứ, cơn đau dần dần biến mất sau vài ngày và không hề tái phát. Tôi không có ý nói rằng nếu bạn bị thấp khớp là bạn đang cay đắng. Tôi cũng không nói rằng nếu bạn bị đau đầu tức là do bạn ganh tị. Nhưng tôi muốn nói rằng bạn hãy tra
xét tấm lòng và bỏ qua bất kỳ cảm xúc nào trước khi xin Chúa chữa lành. Tôi tin cách xác quyết rằng cảm xúc tiêu cực là nguyên do chính gây ra nhiều căn bệnh, và phóng thích những cảm xúc này sẽ giúp thúc đẩy tiến trình lành bệnh và thêm năng lực cho đời sống.

Chúa Giê-su phán, “Ta là Con Đường.” Khi chúng ta theo đường lối của Ngài chúng ta sẽ có một cuộc sống tốt đẹp nhất. Khi chúng ta không làm theo các nguyên tắc của Ngài, chúng ta chỉ thấy toàn là rắc rối trong mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta.

Sự Thoả Lòng

 

 

Tôi ghi nhật ký mà tôi đã viết mỗi sáng, và khi tôi xem lại những lời tôi viết vài năm qua, tôi thấy những lời này, “Tôi thoả lòng.” Nói được như thế thật rất có ý nghĩa đối với tôi, vì tôi đã phí nhiều năm tháng sống trong bất mãn. Khi đó lúc nào tôi cũng nghĩ là tôi phải có điều gì đó thì tôi mới hoàn toàn thoả mãn. Sứ đồ Phaolô nói rằng ông đã học “cách thoả lòng (thoả mãn đến độ tôi không còn thấy khó chịu gì nữa) dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào (Phi 4:11). Tôi tin sự thoả lòng là điều gì đó mà chúng ta phải học vì mỗi người sinh ra là đã bất mãn rồi. Ấy chính là trong xác thịt và ý chí của chúng ta không yên ổn được trừ khi chúng ta chấm dứt không “nuôi” nó nữa.

Bạn có thoả lòng không? Nếu không, xin hãy đeo đuổi sự thoả lòng vì đó là một chỗ kỳ diệu để sống. Sống thoả lòng không có nghĩa là chúng ta không muốn thứ gì cả, mà có nghĩa là chúng ta thoả mãn với cái chúng ta có cho đến khi Chúa thấy thích hợp để ban cho chúng ta cái khác. Cha mẹ sẽ cảm thấy đau xót khi con của họ không thoả mãn dù chúng đã có biết bao nhiêu thứ rồi. Chúng ta thì thấy được điều chúng ta làm cho chúng còn chúng thì
chỉ thấy điều người khác có mà chúng không có. Chúng muốn chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất, cái máy tính mới ra nhất, chiếc giày hàng hiệu nhất và vân vân. Chúng ta muốn con cái biết ơn về những gì chúng ta có. Chúng ta không lo là chúng xin gì nhưng chúng ta không muốn bị áp lực bởi thái độ xấu của con cái đó là không bao giờ thấy thoả mãn. Nếu chúng ta cảm thấy như thế với con cái mình thì Chúa sẽ nhìn sự bất mãn của chúng ta như thế nào? Tôi nghĩ chính điều đó thôi thúc Chúa không cho chúng ta điều chúng ta muốn mà thúc đẩy Ngài khiến cho chúng ta chờ lâu hơn cho đến khi chúng ta học điều nào thật sự là quan trọng trong đời này.

Ý tưởng nuôi dưỡng cảm xúc, nên nếu bạn cảm thấy bất mãn thì cách để vượt qua là thay đổi suy nghĩ. Hãy nghĩ đến thứ bạn có thay vì thứ bạn không có. Hãy nghĩ đến sự khôn ngoan và lòng tốt của Chúa và tự nhắc nhở mình rằng Ngài đã nghe lời cầu nguyện của bạn và sẽ làm điều gì tốt nhất cho bạn theo thời điểm trọn vẹn của Ngài. Mỗi lần bạn thấy ai đó được phước, đặc biệt nếu họ có cái mà bạn muốn mà chưa có, hãy cảm tạ Chúa vì đã chúc phước cho họ. Hãy làm điều này để vâng lời Chúa, và lòng bạn sẽ tràn ngập niềm vui.

Người Bạn Hay Ganh Tị Của Tôi

 

 

Tôi có một người bạn hay ganh tị về những gì Chúa ban cho tôi và điều này làm cho tôi vô cùng khó chịu. Chẳng hạn, ai đó cho tôi một chiếc nhẫn đẹp làm quà thì bạn tôi nhận xét ngay như vầy “tôi ước gì có ai đó dâng cho tôi chiếc nhẫn.” Một phần của việc trở nên một người bạn tốt đó là phải chia sẻ niềm vui với nhau. Nhưng do thái độ của cô này như vậy nên sau này khi tôi được phước, tôi cảm thấy tốt hơn là không kể cho cô ta nghe. Tôi cố
gắng canh chừng lời nhận xét của tôi để không nói điều gì khơi dậy sự ganh tị và bất an của cô ta. Gặp cô ta trở thành một gánh nặng cho tôi và tiếc thay cuối cùng tôi phải lánh mặt cô ta.

Lòng đầy dẫy mà miệng nói ra. Chúng ta có thể nghe sự ganh tị phát ra từ miệng của người khác, và chúng ta cũng có thể nghe nó phát ra từ môi miệng chúng ta nếu chúng ta thật sự lắng nghe. Tôi quyết định là làm ơn cho tôi và không ganh tị ai khác, và tôi hy vọng bạn sẽ cùng tôi đeo đuổi lối sống thánh khiết này. Tham lam, ganh tị và ghen ghét đều gây ra giận dữ, và giận dữ thì không đề cao sự công chính mà Chúa ước ao.