Chương 5: Che Đậy Cơn Giận

Hãy Làm Ơn Cho Bản Thân Tha Thứ

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Vì giận thường được cho là cách cư xử không thể chấp nhận nên chúng ta thường tìm cách che giấu không cho người khác thấy, thậm chí giấu cả chính chúng ta. Chúng ta che đậy cơn giận bằng những lối cư xử khác. Người ta thường đội mặt nạ để che đậy không cho người khác thấy những gì xấu xí phía sau cái mặt nạ đó. Người ta mang mặt nạ tại các buổi tiệc dạ hội để che không cho người khác biết họ thật sự là ai hay để lừa người khác nghĩ rằng họ là ai đó hay thứ gì đó mà thực tế thì họ không phải vậy. Này là lúc hãy lột mặt nạ và đối diện với cơn giận nguyên trạng và xử lý theo ý muốn Chúa.

Chúng ta hãy xem một số mặt nạ mà chúng ta mang vào khi chúng ta nổi giận.

Mặt nạ “lạnh như tiền” là mặt nạ giận dữ thông thường nhất. Chúng ta giả vờ là chúng ta không giận nhưng mặt thì lại “lạnh như tiền” khi tiếp xúc với người mà chúng ta cho là không có giận gì họ. Nhiều lần trong đời sống tôi, tôi nhớ có cầu nguyện những lời mà tôi gọi là “lời cầu nguyện chính thức” tha thứ cho người khác, nhưng tôi lại giữ khoảng cách và lạnh lùng với người mà tôi nói
với Chúa là tôi đã tha thứ rồi. Vì là cơ đốc nhân, tôi biết không thể cứ giận dữ, và đây là một điều nguy hiểm vì những lý do mà tôi sẽ bàn đến sau trong sách này. Do không muốn phạm tội, tôi cầu nguyện như vầy, “Chúa ơi, con tha thứ cho vì đã làm hại con; xin giúp con vượt qua nỗi đau con đang cảm nhận.” Tôi nói thật lòng như vậy, nhưng lúc đó tôi không nhận ra rằng tôi không chỉ cầu nguyện mà còn phải bày tỏ hành động vâng lời Chúa nữa. Chúa muốn tôi bước một bước nữa và đối xử với người ta cách tử tế như chưa có chuyện gì xảy ra, nhưng tôi lại không chịu làm vậy.

Kinh Thánh nói trong 1Phierơ 4:8 rằng chúng ta phải yêu thương nhau cách sốt sắng. Yêu thương lạnh nhạt không được Chúa chấp nhận, vì đó là hành động giả vờ những gì Chúa muốn. Yêu thương thật phải chân thành, mạnh mẽ và nồng ấm, không có lạnh lùng và xa cách. Theo Kinh Thánh, do tội lỗi và sự vô luật lệ mà tình yêu thương của cơ đốc nhân trở nên nguội dần (Mathiơ 24:12). Khi mà thời kỳ cuối cùng đã cận kề và chúng ta đang trông đợi Chúa Giê-su tái lâm, chúng ta phải kiên quyết không để tình yêu thương của chúng ta dành cho người khác trở nên nguội lạnh và mất sức sống.

Vì tôi là người có trách nhiệm, tôi luôn làm trọn bổn phận của tôi, ngay cả là tôi phải có trách nhiệm với người mà tôi nổi giận. Tôi vẫn làm tròn bổn phận nhưng thường thì làm nó cách lạnh lùng, không bày tỏ chút tình cảm hay tử tế gì cả. Chẳng hạn, có dạo tôi nổi giận với cả gia đình tôi vì đã làm tôi thất vọng một số chuyện, dù tôi vẫn nấu nướng và dọn ăn cho cả nhà. Tôi làm trọn bổn phận của tôi nhưng làm cách máy móc và lạnh lùng. Nếu ai đó hỏi tôi có chuyện gì không thì tôi nói, “Không có gì, tôi ổn.” Tôi chắc là bạn cũng quen thuộc với cách hành xử đại loại như thế. Đây là một trong những cách mà chúng ta giả vờ, nhưng chúng ta giấu nó dưới cái mặt nạ mà chúng ta mong rằng sẽ lừa người khác vẫn nghĩ là chúng
ta hành xử đứng đắn.

Tôi luôn cảm nhận đó là khi ai đó làm việc gì cho tôi phát xuất từ bổn phận chứ không thật sự muốn làm, và tôi phải nói là tôi không thích chuyện này chút nào. Tôi muốn họ chấm dứt ngay vì tôi cảm nhận đây là giả vờ. Tôi đoan chắc những người khác cũng cảm nhận như thế khi tôi làm ra vẻ thật, nhưng tôi đã kết ước là phải sống thật, thay vì sống giả tạo. Tôi nghĩ tốt hơn hết là nói với mọi người tôi đang giận và cần thời gian vượt qua còn hơn là giả vờ không có chuyện gì trong khi đó tôi lại giận ngấm ngầm bên trong.

Xua Đuổi Người Ta Khuất Mắt Chúng Ta

 

 

Mặt nạ lánh mặt. Có nhiều cách để chúng ta xua đuổi người ta khuất mắt chúng ta. Tỏ vẻ im lặng là một trong những cách này. Khi giận, đôi khi chúng ta to tiếng và đôi khi chúng ta im tiếng. Chúng ta tự nói với mình và với người khác là tôi không có giận nhưng chúng ta lại không chịu nói với chính người mà chúng ta đã nổi giận. Nếu cần thiết phải nói chuyện với họ thì chúng ta chỉ nói qua loa. Chúng ta lẩm nhẩm, càu nhàu, gật đầu hay làm gì đó chứ không nói chuyện bình thường. Có những lúc khi tôi nổi giận thì tôi muốn câm mồm luôn. Ngay cả khi tôi biết tôi cần nói chuyện với người đó và chấm dứt thói con nít của tôi, nhưng tôi phải dồn hết nỗ lực của ý chí mới mở miệng nói được.

Chúng ta có thể xua đuổi người ta cho khuất mắt bằng cách lánh mặt không muốn tiếp xúc họ. Tôi trước đây từng nổi giận với nhà tôi và cố tình áp sát mặt xuống giường để lánh không nhìn nhà tôi, tôi cảm thấy như thể là tôi nằm co ro không đắp chăn. Tôi chịu nằm lạnh suốt
cả đêm vì tôi không muốn đắp chung chăn với anh. Đây là lối hành xử ngu dại của tôi vì nhà tôi thì đã ngủ ngon lành đang khi tôi thì đau khổ suốt đêm! Tôi nhớ những lúc như thế linh hồn tôi khốn khổ làm sao, và ngày nay tôi rất vui là nhờ Chúa giúp đỡ tôi đã trưởng thành mà không còn cư xử như thế nữa.

Bạn có bao giờ giận rồi lánh không muốn ở chung phòng với người mà bạn nổi giận không? Nếu người đó bước vào phòng của bạn, bạn sẽ tìm lý do để bỏ đi. Nếu họ muốn xem ti vi, bạn muốn đi ngủ, nhưng nếu họ muốn đi ngủ, bạn muốn thức và xem ti vi. Khi họ muốn ăn thì bạn không đói. Nếu họ muốn đi dạo bộ hay đi chơi thì bạn bị đau đầu. Đây là những chiếc mặt nạ mà chúng ta mang vào, hành xử như thể mọi chuyện đều ổn trong khi thực tế thì lối cư xử của chúng ta phơi bày sự thật.

Tôi không chịu pha cà phê cho nhà tôi vào buổi sáng, không chịu nấu món anh thích hay không gọi báo cho anh biết là tôi bình thường, trong khi đó thì tôi tự nhủ là tôi đã tha thứ cho chồng vì đã làm tôi vấp phạm. Những lối hành xử như thế cứ trói buộc chúng ta, nhưng vâng theo Lời Chúa sẽ giải phóng chúng ta.

Một số mục sư hay diễn giả dùng toà giảng và bài giảng để “giảng” cho hội chúng hay cho tín đồ nào đó những vấn đề mà họ đang bực bội. Họ che đậy cơn giận của họ bằng bài giảng mà họ cho là đã nhận từ Chúa. Có một cặp vợ chồng mục sư mà tôi quen biết đã ly dị vì người chồng không chung thuỷ. Người vợ vẫn còn giảng, nhưng hầu như suốt hai năm tất cả bài giảng của bà mục sư này toàn là nói về việc người ta thao túng hay kiểm soát tín đồ. Bà giảng về việc không cho phép người khác lạm dụng bạn, làm sao để có mối quan hệ an toàn, và nhiều đề tài khác liên quan. Những gì mà bà chia sẻ với hội chúng đều dính dáng đến hoàn cảnh của bà. Bà này giảng phát xuất từ nỗi đau thay vì giảng theo sự hướng dẫn của Thánh Linh. Bà cứ lặp đi lặp lại với tôi là bà đã
tha thứ cho chồng mình và tiếp tục sống, nhưng hiếm khi nói chuyện với bà mà bà không kể lại những gì ông chồng đã làm cho bà. Bao lâu mà chúng ta còn nói về những tổn thương của chúng ta thì chúng ta vẫn chưa vượt qua được. Chúng ta có thể giả vờ là chúng ta đã tha thứ, nhưng thực tế thì chúng ta không thứ tha gì cả.

Kinh Thánh nói tấm lòng dối trá hơn mọi điều khác và một người khó biết được tấm lòng của mình (Giê 17:9). Sự tự lừa dối là cách che giấu sự thật. Tôi có thể thuyết phục tôi rằng tôi không còn giận nữa và tôi đã tha thứ, nhưng nếu tôi đối xử với người ta cách lạnh nhạt, không thèm nói chuyện với họ, lánh mặt họ và cằn nhằn về những gì họ đã làm hại tôi thì tôi chưa có tha thứ và tôi đang làm hại tôi hơn bất kỳ ai khác.

Lạm Dụng Kinh Thánh

 

 

Mặt nạ trích Kinh Thánh. Tôi tin chúng ta có thể dùng Kinh Thánh để giảm bớt cơn giận với người khác. Một ví dụ hay là Êphêsô 4:15 có nói, “Hãy nói sự thật trong tình yêu thương.” Câu này thường được dùng để làm “cái cớ” để bày tỏ cơn giận hay nỗi thất vọng với ai đó khi chúng ta nói cho họ nghe sự thật về những gì họ đã làm. Nhưng có phải chúng ta nói cho họ biết sự thật vì ích lợi cho họ hay vì lợi ích của chúng ta? Chúng ta có nói sự thật trong tình yêu thương vì thật lòng quan tâm đến họ hay chúng ta mới tìm ra một phương cách khác có Chúa hậu thuẫn để “sát phạt” người ta?

Tôi đã từng là nạn nhân của một số người cho là “nói sự thật với tôi trong tình yêu thương.” Tuy nhiên, điều họ nói đã làm tổn thương tôi và tạo ra thêm nan đề mà tôi phải giải quyết. Tôi nhớ có một phụ nữ đã nói, “Cô Joyce ơi, tôi cần nói thật với cô điều này,” và qua giọng nói của
bà tôi có thể nói là tôi không thích điều bà sắp nói. Rồi bà nói cho tôi biết là tôi đã làm bà vấp phạm trong bài giảng của tôi và bà đã bị tổn thương vô cùng, sau đó trấn an cho tôi là bà đã tha thứ cho tôi rồi. Dĩ nhiên chuyện này thật buồn cười và bà này đã tự lừa dối mình, vì nếu bà đã thật sự tha thứ cho tôi thì bà không cần phải nhắc lại chuyện này. Bà chỉ dùng câu Kinh Thánh này để trút cơn giận của bà.

Như tôi đã nói, có những lúc chúng ta cần sửa sai người khác về lối cư xử của họ, nhưng chúng ta cần đảm bảo là chúng ta làm việc này là vì ích lợi cho họ cũng như cho chúng ta. Đặc biệt chúng ta cần đảm bảo là sự sửa sai của chúng ta là đến từ Chúa, chứ không chỉ do quyết định của chúng ta. Một số người không thích sửa sai, nhưng đối với tôi hiếm khi đây là vấn đề. Thực ra, tôi phải học không sửa sai trừ khi Chúa muốn tôi. Có những lúc Chúa muốn chúng ta xử lý vấn đề của chính chúng ta và giữ cho mình mà không cần nói cho ai cả. Chỉ vì ai đó làm chạm tự ái của tôi không có nghĩa là tôi phải nói cho họ biết. Quyết định “bỏ qua” lỗi lầm của người ta và quên nó đi mới là cao thượng và thiêng liêng hơn.

Cơn giận có thể trở thành vở kịch. Chúng ta “đóng kịch” theo nhiều cách và thật buồn để nói là thường thì chúng ta lại lừa dối bản thân khi nghĩ rằng chúng ta không phải là người hay giận. Hãy xin Chúa chỉ cho bạn thấy bạn có đang đeo mặt nạ cho cơn giận hay không, và nếu có, hãy cởi mặt nạ đi và để Chúa đem sự chữa lành cho đời sống bạn. Một lần nữa, hãy để tôi nhắc bạn, “Sự thật sẽ giải phóng bạn.”

Đời Tôi Tan Tành Do Giận Dữ

Một Bao Đinh

 

Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé có tính xấu. Cha cậu cho cậu một cái bao đinh và cho cậu biết mỗi lần cậu nổi giận thì cậu hãy đóng cây đinh lên tường. Ngày đầu tiên cậu bé đã đóng ba mươi bảy cây đinh lên tường. Nhưng từ từ số đinh đóng mỗi ngày giảm dần. Cậu phát hiện ra rằng kiềm chế cơn giận dễ hơn là đóng đinh vào tường. Cuối cùng một ngày nọ cậu bé không còn nổi giận nữa. Cậu khoe với cha mình về việc này, và người cha đề nghị rằng cậu bé mỗi ngày hãy nhổ một cây đinh khi cậu kiềm chế được cơn giận. Nhiều ngày trôi qua cậu bé cuối cùng đã có thể nói với cha rằng cậu đã nhổ hết các cây đinh. Người cha nắm tay đứa con trai dẫn tới bức tường. “Con ơi, con đã làm giỏi, nhưng xem những lỗ đinh trên tường. Bức tường không còn như xưa. Khi con nói lời nào đó trong lúc giận, nó đã để lại vết thẹo như thế này. Con lấy dao đâm vào ai đó và rồi rút ra, dù con có nói lời xin lỗi bao nhiêu đi nữa, vết thương vẫn còn đó.”

Hậu quả của việc giận dai là gì? Nó sẽ làn tổn hại đến mọi lĩnh vực trong đời sống chúng ta. Thân thể, tâm hồn và tâm linh đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Sức khoẻ và các mối quan hệ đều bị tổn hại. Sự thành công trong tương lai cũng có cơ may bị ngăn trở do cơn giận vì giận sẽ thay đổi nhân cách và người hay giận thường thấy khó mà giữ được một công việc nào. Chúng ta không thể nào thành người Chúa muốn chúng ta nếu chúng ta cứ giận dữ hoài. Tôi tin mọi người trong xã hội đều bị ảnh hưởng bởi cơn giận của chúng ta, nhưng chính chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bất kỳ ai khác, và đó là lý do tôi nói lặp đi lặp lại, “Hãy làm ơn cho bản thân và hãy tha thứ.” Hãy nhớ, dù cơn giận của bạn là do kết quả chánh đáng đi nữa, bạn vẫn không giúp gì được cho bản thân hay thay đổi tình hình nếu cứ giận hoài.

Trên mộ bia của một người có ghi:

Đây là nơi yên nghỉ của con người đáng thương.

Anh là một con người hay giận Lúc nào cũng nổi khùng, nổi điên.

Rất vui là anh chết rất trẻ.

Ai cũng vui khi một con người hay giận không còn có đó, vì người này gây áp lực lên hết thảy mọi người. Cha tôi là một người hay giận suốt cả đời ông, và cơn giận của ông đã tạo ra bầu không khí căng thẳng khó sống. Mẹ tôi nhiều lần có nói là kể từ khi cha tôi chết bà sung sướng biết bao khi ở nhà một mình bình yên và tĩnh lặng. Mẹ tôi vẫn sống với cha tôi vì bà đã kết ước trong cuộc hôn nhân này, nhưng căng thẳng mà bà chịu đựng đã cướp đi sức khoẻ của bà và cơn giận của cha tôi đã làm hại sức khoẻ của ông.

Căng thẳng, đặc biệt là căng thẳng liên tục, sẽ phá hỏng các cơ quan trong cơ thể. Huyết áp, tim mạch và bao tử đều bị ảnh hưởng. Người hay giận mau già hơn người hoà thuận: nào là bệnh nhức đầu kinh niên, bệnh về đường ruột, nào là bệnh lo lắng hay bệnh rối loạn miễn nhiễm và danh sách không kể hết được. Sự thật thì người hay giận thường chết sớm hơn người mau tha thứ.

Tôi tin đây là lúc phải đối diện sự thật về cơn giận và xử lý nó. Nếu bạn là người hay giận, hãy quyết định giải quyết tận gốc rễ và hợp tác với Thánh Linh để được tự do khỏi nó. Đừng mang mặt nạ hay phớt lờ nó. Hãy đối diện thẳng thắn với nó và hãy xem giận là giận. Nói “tôi giận” nghe có vẻ không thiêng liêng lắm, nhưng nhìn nhận vậy đã là bước đầu để chiến thắng nó. Đây là điều bạn phải làm cho chính bạn. Những người khác sẽ được ích lợi từ tác động tích cực của việc bạn không còn giận nữa, nhưng không ai được ích lợi cho bằng bản thân bạn.

Tới ba mươi tuổi đầu rồi tôi mới mở lòng đối diện sự
thật về quá khứ của tôi. Tôi đã bị cha tôi lạm dụng về tình dục. Ông đã vuốt ve tôi từ lúc mà tôi nhớ là tôi đã đủ tuổi để cho ông “quan hệ” với tôi, và năm năm cuối tôi sống ở nhà, ông hãm hiếp tôi ít nhất là hai trăm lần. Tôi biết điều này nghe có vẻ sốc nhưng thật như vậy, nhưng đối diện với sự thật cách thẳng thắn là điều tôi phải làm để vượt qua chuyện này. (Lời làm chứng chi tiết của tôi đã được ghi trong DVD do chức vụ của chúng tôi phát hành.) Sau khi bỏ nhà đi lúc mười tám tuổi, tôi đinh ninh là nan đề được bỏ lại đằng sau. Dĩ nhiên lúc đó tôi cay đắng và căm thù cha tôi, nhưng tôi không biết là việc này đã làm tổn thương tôi đến mức nào. Khi tôi khởi sự hành trình đối diện với sự thật và bắt đầu tha thứ, tôi cũng không biết là về lâu về dài làm thế sẽ ích lợi cho tôi bao nhiêu. Lúc đầu tôi muốn vâng lời Chúa mà tha thứ. Người hay giận không thể yêu thương phải lẽ, vì điều gì trong chúng ta rốt cuộc sẽ phơi bày ra ngoài. Mọi mối quan hệ của tôi đều bị ảnh hưởng do cơn giận và bực mình của tôi, nhưng lúc đó tôi không biết. Cơn giận đã ăn sâu trong tâm hồn tôi, trong suy nghĩ tôi, trong cảm xúc, trong lời nói và trong tất cả hành động của tôi vì nó là một phần của con người tôi. Giận dữ đã bám theo tôi quá lâu đến nỗi tôi không còn nhận ra đó là cơn giận thật.

Khi tôi học Lời Chúa, Thánh Linh bắt đầu chỉ cho tôi thấy những nan đề của tôi. Trước đó, tôi chỉ nghĩ đến toàn là những gì người khác đã gây ra cho tôi và tôi không hề nghĩ rằng phản ứng của tôi đối với hành động của người ta mới là điều mà tôi cần nhìn ra. Lúc đó tôi cảm thấy đúng khi ganh ghét và bực bội không chỉ cha tôi là người đã làm hại tôi mà còn cả những ai đáng lý có thể giúp tôi mà lại không giúp. Làm sao Chúa lại bảo tôi hay ai khác đã bị lạm dụng phải tha thứ cho vô số lỗi lầm này? Ngài làm được vì Ngài biết điều nào là tốt nhất cho chúng ta. Chúa có một kế hoạch để chúng ta được phục hồi hoàn toàn, và điều gì Ngài bảo chúng ta làm là
vì Ngài yêu chúng ta và có ý định ban cho chúng ta điều tốt nhất. Ngài sẽ ban cho chúng ta ân sủng để tha thứ dù việc này chúng ta không thể làm nổi nếu chúng ta không chịu vâng lời Ngài.

Khi tôi nói với bạn về việc sống vượt trên giận dữ và biến sự tha thứ là một lối sống, là tôi nói từ chính kinh nghiệm. Tôi không chỉ biết chuyện này khó làm mà tôi còn biết nó thật giá trị cho bạn một khi bạn đã làm. Vì thế, tôi hết sức khích lệ bạn đừng chỉ đọc cuốn sách để được “điểm” là bạn đọc thêm một cuốn sách nữa mà hãy đọc với một tấm lòng cởi mở sẵn sàng áp dụng điều bạn đọc vào chính đời sống bạn.

Chúa có một cuộc đời tuyệt vời được sắp xếp trước và chuẩn bị trước cho mỗi người, và nếu chúng ta hợp tác với Ngài mà làm những gì Ngài bảo chúng ta làm, chúng ta sẽ hưởng được cuộc sống như thế. Nếu chúng ta không hợp tác thì chúng ta sẽ không hưởng được. Chúa vẫn yêu chúng ta, nhưng chúng ta sẽ không có được niềm vui sống trong kế hoạch tốt đẹp của Ngài. Hãy làm ơn cho bản thân và đừng đánh mất một điều tốt lành nào Chúa đã sắp đặt cho bạn.