Hãy Làm Ơn Cho Bản Thân Tha Thứ
Đăng vào: 12 tháng trước
Có những điều mà chúng ta nên nổi giận nhưng cũng có những điều mà người ta giận cách vô cớ; họ chỉ muốn giận. Đôi khi chúng ta không biết do đâu mà giận. Tôi gặp một vài người đã nói với tôi thế này, “Tôi cảm thấy hay giận nhưng tôi không hiểu tại sao . . . không biết có gì không ổn nơi tôi?” Chắc chắn có nguyên do đâu đó nên mới giận, và nhờ cầu nguyện cũng như đối diện với sự thật sẽ giúp phát hiện nguyên do. Tôi thấy rằng Chúa thường tỏ cho tôi vấn đề thật sự của tôi là gì nếu tôi cầu hỏi Ngài. Điều mà Ngài tỏ cho tôi không phải là điều tôi muốn nghe, đặc biệt nếu Ngài tỏ rằng tôi có vấn đề. Do đó Ngài muốn chúng ta đối diện sự thật trong con người bề trong và điều đó sẽ giải phóng chúng ta.
Cho đến khi tôi là một phụ nữ tuổi trung niên thì tôi mới có vấn đề giận dữ. Mỗi khi tôi không được như ý, cơn giận tôi nổi khùng lên vì trước giờ tôi quan sát ba tôi đã hành xử như thế. Người hay giận dữ thường xuất thân từ một gia đình hay giận dữ. Đây là thói quen mà người ta đã học từ nhỏ và nếu không xử lý thì giận dữ sẽ cứ tiếp tục. Chẳng hạn, thống kê cho biết nhiều người nam
hay đánh đập vợ con là những người đã chứng kiến cách mà cha họ đã từng đối xử với mẹ họ như vậy. Cho dù họ có thể không thích nhìn thấy cảnh mẹ họ bị ngược đãi, nhưng họ thường giải quyết sự xung đột tương tự như thế. Cha tôi thường hay bạo lực với mẹ tôi, đặc biệt lúc ông say. Ông là người nóng tính, và dù chúng tôi không biết hết nguyên do tại sao ông hay giận nhưng chúng tôi biết được ông nội của tôi cũng là người hay giận, khó tính và hay dùng cơn giận là biện pháp để kiểm soát gia đình. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng tội lỗi và cách hành xử kèm theo thường được truyền lại từ đời này sang đời kia trừ khi người đó học yêu Chúa và bắt đầu áp dụng các nguyên tắc của Chúa vào đời sống họ (Phục Truyền 5:8-10) Tôi đã thấy xiềng xích giận dữ và bạo lực trong gia đình tôi đã bị bẻ gãy trong chính cuộc đời mà tôi đang sống đây, và Chúa cũng muốn làm điều tương tự cho bất kỳ ai có vấn đề giận dữ. Hãy để thì giờ ngẫm nghĩ về gia đình mà bạn lớn lên. Bầu không khí đó như thế nào? Những người lớn xử sự với nhau như thế nào khi gặp xung đột? Gia đình đó có sống giả vờ hay thành thật và cởi mở với nhau? Nếu bạn tình cờ là một trong những người diễm phúc được sống trong một bầu không khí gia đình tin kính thì bạn nên cảm tạ Chúa vì môi trường đó giúp bạn thăng tiến trong đời. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta trước đây không có được tấm gương tốt như thế thì cũng có thể được phục hồi nhờ tình thương của Chúa và lẽ thật của Lời Ngài.
Làm Sao Góp Ý Đúng Kinh Thánh
Không chỉ cha tôi bạo hành mà mẹ tôi cũng không góp ý ông. Bà nhút nhát nên bà hay khúm núm chịu đựng việc lạm dụng quyền hạn của ông. Bà không chỉ không bảo vệ mình mà bà còn không bảo vệ tôi nữa. Tôi đâm ra khinh
bỉ sự bạc nhược của bà và từ lúc nhỏ tôi đã quyết định rằng tôi không bao giờ tỏ vẻ yếu hèn hay để ai ngược đãi tôi. Do cố gắng tự vệ nên tôi thành người hay kiểm soát. Tôi nghĩ nếu tôi kiểm soát mọi việc hay mọi người thì tôi sẽ không bị tổn thương, tuy nhiên cách hành xử của tôi không mang lại kết quả vì đó là tội lỗi. Cuối cùng nhà tôi dùng đến sự góp ý theo Kinh Thánh trong mối quan hệ của chúng tôi, và dù việc này mất một thời gian nhưng nó đã giúp tôi thay đổi.
Dù chúng ta được kêu gọi đến bình an và nên tìm kiếm cũng như đeo đuổi bình an, nhưng sợ không dám góp ý những người ngược đãi chúng ta không phải là cách để giải quyết xung đột. Trong gia đình chúng tôi, cuối cùng chúng tôi học được rằng sự cởi mở và thành thật luôn luôn là cách xử sự hay nhất. Nhà tôi và tôi đã có bốn đứa con lớn, và chúng tôi đã dành nhiều thì giờ bên nhau. Có những lúc chúng tôi cũng nổi giận và nói những điều gây xung đột, nhưng tôi mừng để nói là không ai giận lâu cả. Chúng tôi làm sáng tỏ vấn đề, và dù chúng tôi bất đồng nhưng chúng tôi cố gắng đồng ý là có bất đồng. Chúng tôi biết mối nguy của sự xung đột và cam kết không cho nó xảy ra trong gia đình chúng tôi. Tôi chia sẻ điều này để chỉ ra rằng dù tôi đã lớn lên trong một gia đình hay nổi giận và lúc đầu tôi đã mang điều này trong chính gia đình riêng của tôi, nhưng lối sống tội lỗi này đã bị bẻ gãy bởi ơn thương xót và ân sủng của Chúa và nhờ sự vâng theo Lời Chúa.
Sự góp ý theo Kinh Thánh là chúng ta bắt đầu góp ý khi Chúa dẫn dắt chúng ta làm và chờ đợi cho đến khi Chúa dẫn dắt chúng ta làm. Có quá nhiều sự góp ý quá sớm nên làm cho người đã giận lại giận thêm. Hãy trình bày vấn đề cách bình tĩnh và yêu thương và cố gắng nói chuyện cách rõ ràng và đơn giản. Dùng cơn giận để đối phó với cơn giận thì không xong rồi, nên điều quan trọng là bạn phải giữ bình tĩnh đang khi góp ý.
Lời đáp dịu dàng làm nguôi cơn giận; còn lời nói sỗ sàng gây ra tức giận.
Châm Ngôn 15:1
Lưỡi hiền lành là cây sự sống, còn lưỡi gian tà làm tinh thần suy sụp.
Châm Ngôn 15:4
Nhờ nhẫn nhịn mới thuyết phục được người cai trị, lưỡi mềm mại bẻ gãy xương cốt.
Châm Ngôn 25:15
Hãy nói cho người đó biết bạn góp ý về cách cư xử của họ khiến bạn cảm thấy như thế nào và cho họ biết cư xử như thế thì không thể chấp nhận được. Cố gắng giữ cho giọng nói dịu dàng, nhưng cương định. Hãy xác nhận rằng bạn yêu thương người đó và mong muốn mối quan hệ được tốt đẹp, nhưng bạn không thể chấp nhận cách đối xử lạm dụng và khiếm nhã như thế. Đừng ngạc nhiên nếu lúc đầu người đó không chấp nhận lời góp ý của bạn. Thông thường chúng ta cần thời gian để chúng ta hiểu thấu đáo vấn đề. Cũng đừng ngạc nhiên nếu người đó đâm ra giận dữ và lại buộc tội bạn đã gây ra vấn đề. Hãy giữ vững quyết định của bạn, cầu nguyện nhiều và để Chúa có thời gian làm việc. Thường thì người đó sẽ quay lại với bạn và xin lỗi bạn và nhận ra rằng bạn đúng.
Khi nhà tôi góp ý tôi, anh cho tôi biết là anh yêu tôi nhưng sẽ không tôn trọng tôi nếu tôi không sẵn sàng đối diện với cách cư xử tội lỗi của tôi và để cho Chúa thay đổi tôi. Anh cũng cho tôi biết thái độ và lời nói của tôi đã khiến cho anh cảm thấy thế nào, và anh cũng cho tôi biết anh đã bị tổn thương rất nhiều nên cần thời gian để được chữa lành. Anh không hề xử tệ với tôi và anh cũng không xua đuổi tôi qua sự im lặng, nhưng anh luôn kiên định và xác quyết. Lúc đầu tôi không chịu nghe, rất bảo thủ và
tìm cách cho anh biết là anh hoàn toàn sai. Nhưng cuối cùng tôi nhận trách nhiệm và bắt đầu hợp tác với Thánh Linh để được thay đổi. Sự kiên định và bình thản mà nhà tôi đã bày tỏ cho tôi trong suốt quá trình này thật là quan trọng, và tôi tin điều này cũng thật quan trọng cho những ai rơi vào trường hợp cần sự góp ý tương tự như thế.
Sử Dụng Hay Lạm Dụng
Lạm dụng tức là dùng sai hay dùng không đúng. Khi người cha lạm dụng tình dục một đứa con tức là ông ta lợi dụng đứa con của mình. Khi người mẹ không nói những lời yêu thương với con cái tức là bà đã lạm dụng con cái vì người mẹ này xử sự không đúng. Khi người chồng đánh đập vợ thì người chồng đó là người lạm dụng. Khi ai đó cố kiểm soát người khác thì đó là lạm dụng. Chúa tạo dựng trong chúng ta nhu cầu cần tình yêu, sự chấp nhận và sự tự do; những nhu cầu này là một phần của ADN của chúng ta, và nếu không có nó chúng ta không bao giờ hành xử đúng đắn được.
Tôi thật choáng ngợp khi tôi suy nghĩ về sự lạm dụng trong xã hội chúng ta ngày nay. Dường như chúng ta sống trong một thế giới đầy giận dữ trong đó người ta giống như quả bom kích nổ chuẩn bị nổ tung bất cứ lúc nào. Người ta rất là ích kỷ và nghĩ đến cái tôi nên họ rất dễ nổi giận. Theo tôi, Chúa là câu trả lời duy nhất cho những vấn nạn mà chúng ta đối diện ngày nay. Chúng ta không thể kiểm soát những gì thế gian làm, nhưng chúng ta có thể quyết định không chạy theo thói đời. Chúng ta nên quyết định ủng hộ Chúa và đường lối của Ngài, và khi chúng ta làm thế thì đời sống chúng ta sẽ trở thành gương sáng cho người khác. Nào chúng ta hãy công bố, “Hãy chọn ai mà các ngươi muốn phụng sự . . . nhưng ta
và nhà ta sẽ phụng sự CHÚA.” (Giô-suê 24:15)
Bất kỳ sự lạm dụng nào cũng đều khiến cho người ta giận dữ. Bạn có nổi khùng với ai đó lạm dụng bạn không? Có lẽ việc tha thứ cho họ là khởi đầu của tiến trình chữa lành và thay đổi. Giăng 20:23 ghi lại lời Chúa Giê-su phán dạy các môn đồ rằng họ buộc tội của ai thì tội đó sẽ bị buộc; còn nếu họ tha thứ thì tội đó được tha. Khi chúng ta không chịu tha thứ cho người làm tổn thương chúng ta thì có lẽ là chúng ta muốn giữ lại tội đó trong chúng ta và chính chúng ta sẽ tái phạm nó. Nhiều người có quá khứ bị lạm dụng đã trở thành người lạm dụng. Ít ra là họ hay nổi giận và không thể thay đổi được cho đến khi họ hoàn toàn tha thứ những người đã làm tổn thương họ. Satan luôn tìm cách để xui ai đó làm tổn thương chúng ta, hy vọng rằng chúng ta sẽ sống cuộc đời đầy giận dữ. Nhưng hãy nhớ Truyền Đạo 7:9 : “Vì cơn giận dữ sẵn chờ trong lòng kẻ dại.” Chúng ta dại nếu chúng ta cứ giữ cơn giận mà chúng ta cảm nhận khi ai đó làm tổn thương chúng ta. Hãy làm ơn cho bản thân và hãy tha thứ.
Vào năm 1985, bà ngoại của Bill Pelke tên là Ruth bị bốn cô thiếu nữ giết chết. Bà cụ là một cơ đốc nhân tuyệt vời, hay mở các buổi học Kinh Thánh tại nhà bà. Một tối nọ, như thường lệ bà mở cửa cho các tín hữu vào, mong ước dạy Lời Chúa cho họ thì đằng này các cô gái bước vào nhà và giết bà cụ cách dã man.
Vào một đêm của tháng Mười Một năm 1986, Bill bắt đầu suy nghĩ những ý tưởng này về bà ngoại của mình.
+ + +
Vào ngày 2 tháng Mười Một [Pelke kể] tôi suy nghĩ về đời sống và cái chết của bà Nana. Tôi chợt nghĩ đến đức tin của bà. Bà là một cơ đốc nhân tận hiến, và tôi được trưởng dưỡng trong một gia đình cơ đốc. Tôi nhớ lại lời
Chúa Giê-su phán nếu chúng ta muốn Cha trên trời tha thứ chúng ta thì chúng ta cần tha thứ cho những ai làm hại chúng ta . . . tôi biết Chúa Giê-su muốn nói là tha thứ là một thói quen, là một lối sống. Hãy tha thứ, hãy tha thứ và tha thứ, và tiếp tục tha thứ . . . Tôi nghĩ có lẽ tôi cố gắng tha thứ cho [Paula Cooper, ả cầm đầu băng đảng mới mười lăm tuổi] về những gì cô ta làm cho bà tôi. Tôi nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ làm vì đây là điều nên làm. Tôi càng nghĩ về bà tôi thì tôi càng được thuyết phục rằng bà tôi chắc có lẽ rất buồn khi Paula bị án tử hình. . . tôi cũng cảm nhận bà tôi muốn ai đó trong gia đình tôi bày tỏ tình yêu và lòng trắc ẩn như bà. Tôi cảm thấy gánh nặng chồng chất trên đôi vai. Dù tôi biết sự tha thứ là điều nên làm, đó là chưa nói đến chuyện yêu thương và trắc ẩn vì bà tôi đã bị giết cách dã man. Nhưng tôi càng được thuyết phục rằng bà tôi muốn thế. Không còn cách nào khác, tôi xin Chúa ban cho tôi tình thương và lòng trắc ẩn đối với Paula Cooper cùng gia đình của cô này và thay mặt bà tôi mà tha thứ cho họ.
Chỉ một lời cầu nguyện ngắn ngủi, nhưng tôi chợt nghĩ ngay đến chuyện viết thư cho Paula và nói cho cô này biết bà tôi là hạng người như thế nào và lý do bà tôi để cho cô ta vào nhà của bà ngay. Tôi muốn chia sẻ đức tin của bà tôi cho cô ấy.
Tôi nhận biết rằng lời cầu nguyện xin Chúa ban tình yêu và lòng trắc ẩn được đáp lời vì tôi muốn giúp Paula và bất chợt tôi biết rằng việc xử tử cô là có tội. Tối đó tôi đã học một bài học giá trị trong đời. Bài học đó là quyền năng chữa lành của hành động tha thứ. Khi lòng tôi được cảm động bởi lòng trắc ẩn thì sự tha thứ xuất hiện. Khi sự tha thứ xuất hiện thì nó đem lại sự chữa lành lớn lao. Chuyện này xảy ra gần một năm rưỡi kể từ khi bà tôi qua đời và mỗi khi tôi nhớ đến bà tôi thì tôi thường tưởng tượng cách mà bà đã chết. Thật là khủng khiếp khi nghĩ đến cái chết kinh hoàng của bà tôi. Nhưng tôi biết khi
lòng tôi tràn ngập lòng trắc ẩn và sự tha thứ thì ngay giây phút tôi nghĩ đến cảnh bà tôi chết thì tôi không còn tưởng tượng bà đã chết đau đớn thể nào, trái lại tôi tưởng tượng bà đã sống thể nào, bà bênh vực cho chính nghĩa nào, bà đã tin điều gì và bà là một con người tuyệt vời ra làm sao.
Tha thứ không có nghĩa là tán thành những việc mà cô Paula đã làm, cũng không có nghĩa là cô ta không phải chịu hậu quả nào về hành động của cô. Mà cũng không có nghĩa là tha thứ rồi quên đi. Tôi không thể nào quên được những gì đã xảy ra cho bà tôi, nhưng tôi đã bỏ qua ý định báo thù cô Paula. Tôi cầu mong những điều tốt đẹp đến với cô ta.
Những câu chuyện như trên thật vô cùng cảm động và câu chuyện cho thấy chúng ta có thể tha thứ bất kỳ ai về bất cứ chuyện gì nếu chúng ta nhìn xuyên qua những gì đã xảy ra cho chúng ta, những gì tốt đẹp sau này sẽ xảy đến cho mọi người liên đới. Chúa đã dạy tôi không chỉ nhìn những gì mà bên gây án đã gây ra cho tôi, nhưng hãy nhìn thấy những gì họ đã gây ra cho bản thân họ và sẵn sàng tha thứ và cầu nguyện cho họ.
Giận Bắt Nguồn Từ Cầu Toàn
Nếu chúng ta có những mong đợi hoang tưởng từ bản thân hay từ người khác thì điều này có thể là nguyên do gây giận dữ trong đời sống. Người cầu toàn là người không hề thấy thoả mãn trừ khi mọi việc phải toàn hảo. Tốt cũng chưa được, tuyệt cũng chưa đủ . . . toàn hảo trong mọi việc mới đã! Nếu người sống cầu toàn không để cho Chúa cân bằng đời sống của họ thì mong muốn cầu toàn của họ sẽ trở thành căn nguyên của căng thẳng và bất hạnh.
Đời bất toàn mà người ta cũng “nhân vô thập toàn”,
nhưng Chúa ban cho chúng ta cái khả năng vui vẻ chịu đựng bất cứ chuyện gì xảy ra nếu chúng ta sẵn sàng chịu vậy.
Mẹ của cô Lisa rất cộc cằn với cô, lúc nào cũng đòi hỏi cô phải làm mọi việc cách toàn hảo. Dù Lisa không có khiếu âm nhạc nhưng bà cứ khăng khăng là cô phải học chơi đàn piano và bắt cô luyện tập nhiều giờ. Bà mẹ hầu như không khen Lisa về chuyện gì cả, và dù thỉnh thoảng bà mẹ này có khen cô thì bà cũng nhắc cho cô nhớ cô cần phải làm nhiều hơn nữa. Hậu quả là Lisa nổi giận ngấm ngầm về bản thân vì cô cho mình làm gì cũng thất bại. Cô cũng rất là “luật pháp” và khó vừa lòng trong mối quan hệ với chồng cô cùng hai con. Ở độ tuổi ba mươi Lisa bị ung bướu và hội chứng đau bụng khó chịu, đây là những căn bệnh do sự căng thẳng mà cô liên tục gánh chịu.
Lisa hiện đang nhờ đến tư vấn viên cơ đốc và cô đang tiến triển tốt, nhưng cô phải “chiến đấu” mỗi ngày. Cuộc sống diễn tiến mỗi ngày và cuối ngày chắc cũng có một chuyện nào đó sơ suất xảy ra mà Lisa phải ý thức quyết định không để những chuyện đó làm cô bực mình. Cô muốn được tự do khỏi lối sống cầu toàn, nhưng mất một thời gian thì tâm trí của cô mới được đổi mới về lĩnh vực này. Lisa cần học làm theo Lời Chúa, tin những gì Lời Chúa nói và không theo cảm xúc mà phản ứng với những tình huống chỉ dựa vào ký ức mà mẹ cô đã trông mong nơi cô trước đây.
Chúa Giê-su là Đấng duy nhất từ trước tới giờ thoả mãn đầy đủ mọi đòi hỏi của luật pháp, và Ngài đã làm việc này thay cho chúng ta để chúng ta được tự do. Dù lòng chúng ta trọn vẹn đối với Chúa và ước ao sống toàn hảo, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ bộc lộ sự bất toàn bao lâu chúng ta còn sống trong thân xác bằng xương bằng thịt này và bao lâu linh hồn chúng ta bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xung quanh. Qua việc học Lời Chúa và để thì giờ với Ngài, chúng ta sẽ đạt đến đích trọn vẹn, nhưng chúng ta phải
học vui mừng đang khi chúng ta tiến tới đích.
Đời là một hành trình, chứ không phải đích đến.
Sức mạnh của Chúa được trọn vẹn trong yếu đuối của chúng ta. Chúng ta có thể mạnh mẽ, nhưng chỉ ở trong Ngài mà thôi. Giận dữ với bản thân thì không có lợi gì cả, vì không phải lúc nào chúng ta cũng toàn hảo. Tôi học làm hết sức mình rồi để Chúa làm phần còn lại!
Nhu Cầu Không Được Thoả Mãn
Tất cả chúng ta đều có những nhu cầu chánh đáng, và mong đợi những người mà chúng ta có mối quan hệ thoả mãn các nhu cầu này thì không có gì sai. Tuy nhiên, chúng ta phải chắc chắn là chúng ta ngửa trông nơi Chúa trước và tin cậy Ngài làm việc qua người khác. Phần lớn người ta được thu hút đến những ai trái tính họ. Chúa dự định cho tất cả chúng ta cách khác nhau để chúng ta cần nhau. Không ai có tất cả, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có cái gì đó để duy trì một đời sống quân bình, lành mạnh. Tôi là người rất năng nổ còn nhà tôi thì hơi chậm chạp. Rất nhiều năm chính khác biệt này là nguyên do gây cãi vã giữa vợ chồng tôi, nhưng bây giờ chúng tôi nhận ra tôi là người thường khích lệ nhà tôi làm còn anh là người “giảm phanh” tôi lại để tôi không hành động cách vội vã. Cùng nhau chúng tôi sống rất quân bình. Bạn có lẽ cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, nhưng nếu bạn không nhận thức đúng sự việc thì bạn sẽ phí cả đời cố gắng bắt người khác cho bạn cái mà họ không nhận ra là bạn cần chỉ vì là họ không giống như bạn.
Tôi tin rằng Chúa sẽ thoả mãn mọi nhu cầu chánh đáng của chúng ta, nhưng Ngài làm việc này qua bất cứ người nào Ngài chọn. Tôi đã phí thì giờ nổi giận với ông chồng tôi vì anh đã không hiểu tôi, hay vì anh không
muốn để nhiều thời gian nói chuyện với tôi về những vấn đề của chúng tôi. Dự tính của nhà tôi thật đơn giản : anh muốn nhận ra vấn đề, làm những gì có thể làm được rồi trao gánh nặng đó cho Chúa (1Phi 5:7). Ngược lại, tôi muốn nghĩ ngợi ra những gì nên làm. Dĩ nhiên nhà tôi đúng, nhưng tôi không chỉ có cá tính khác nhà tôi mà tôi còn quá non trẻ trong chuyện tin cậy Chúa.
Suốt nhiều năm tôi đã học không ghim ghút trong đầu những gì mà tôi cho là nhu cầu không được thoả mãn, vì cuối cùng nó sẽ thành nguyên do gây giận dữ trong đời sống tôi, mà tôi học tin cậy Chúa về mỗi nhu cầu tôi gặp phải. Tôi biết nhà tôi thương tôi và anh muốn thoả mãn nhu cầu của tôi, nhưng sự thật thì anh không phải lúc nào cũng thấy hoặc biết phải làm gì ngay vì đó không phải là sở trường mà Chúa tạo dựng anh. Tôi phải học nhìn thấy nhiều điều tuyệt vời mà nhà tôi đã làm mà không soi mói vài điều mà anh không làm được.
Một tấm lòng biết ơn hay cảm ơn về những gì người ta làm thì sẽ tránh được giận dữ và bực mình. Nên hãy biết ơn và hãy nói vậy, cũng hãy kiên quyết chống cự giận dữ, vì nếu bạn không làm thì nó sẽ làm bạn tổn thương hơn là làm cho người khác bị thương tổn.
Cần Sửa Sai
Trong những năm đầu hôn nhân của chúng tôi, tôi thật sự cần nhà tôi sửa sai tôi, dù lúc ấy tôi không nhận ra điều này. Nhưng nhà tôi đã sửa vì anh thương tôi và muốn mối quan hệ chúng tôi tốt đẹp. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng một người bạn thật sẽ làm thương tổn chúng ta bằng những lời sửa sai khi cần thiết. Thường thì chúng ta rất dễ bỏ qua cách cư xử sai quấy vì chúng ta không muốn hệ luỵ khi chúng ta sửa trị, nhưng yêu thương thật lòng
người ta sẽ không cho phép chúng ta làm vậy.
Trẻ em cần tình thương và trìu mến, nhưng chúng cũng cần sửa dạy. Nếu đứa trẻ không được sửa dạy thì nó sẽ nổi loạn và ương ngạnh. Phần lớn những người nam, người nữ ở trong tù đều làm chứng rằng cha mẹ họ không hề sữa dạy họ cách thích đáng. Con gái tôi là Sandra cùng chồng là Steve có hai đứa con sinh đôi hiện tám tuổi. Vợ chồng con tôi là bậc cha mẹ rất tốt, rất thương con, nhưng các con tôi cũng cương quyết sửa dạy con cháu. Nhằm mục đích chỉ cho thấy con cái thường đáp lại với sự cân bằng giữa tình thương và sửa dạy, nên hãy để tôi chia sẻ cho bạn một vài lời mà cháu gái tôi là Angel gởi cho mẹ cháu lúc mà cháu bị phạt phải ở trong phòng một mình vì tội nói dối.
“Thưa mẹ, con rất yêu mẹ, con quan tâm đến mẹ và con muốn mẹ biết rằng con yêu mẹ rất, rất nhiều.”
Cháu tôi Angel biết cháu bị sửa dạy là điều đúng và đó là hành động yêu thương của cha mẹ cháu. Cháu cũng viết những lời tương tự cho ba cháu.
Lời Chúa cho biết Ngài sửa trị (sửa dạy) những ai mà Ngài yêu thương (Hê 12:6). Ngài nêu tấm gương mà Ngài muốn chúng ta noi theo đối với con cái chúng ta. Hãy bày tỏ cho con cái bạn thật nhiều tình thương, đầy dẫy tha thứ nhưng cũng nhớ sửa trị và góp ý đúng lúc.
Nhiều nguyên do của giận dữ đã bén rễ trong đời sống chúng ta và có lẽ nguyên do bạn giận dữ chưa được bàn đến ở đây. Hãy xin Chúa chỉ cho bạn biết tại sao bạn hay giận. Khi bạn giận, hãy nghĩ đến không chỉ là điều gì xui cho bạn giận mà còn nhìn ra thử xem bạn có nhớ những lần khác trong đời khi bạn cảm thấy tương tự như vậy không? Bạn có thấy cùng một phản ứng cứ lặp lại như vậy không?
Đành rằng hiểu được nguyên do của vấn đề tự thân nó không giải quyết vấn đề, nhưng nó giúp chúng ta hiểu rõ và thông cảm, mà đây là bước khởi đầu quan trọng để
được chữa lành.
Chúng ta có rất nhiều nhu cầu trong đời sống, và khi những nhu cầu này không được thoả mãn nó có thể khiến chúng ta có những vấn đề về giận dữ, nhưng sự thật sẽ giải phóng chúng ta. Chỉ cần nhận ra cơn giận bắt nguồn từ đâu cũng đủ để bắt đầu tiến trình chữa lành.