Chương 13: Chúa Ơi, Hãy Thương Xót Con

Hãy Làm Ơn Cho Bản Thân Tha Thứ

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Việc tha thứ người khác về những lỗi lầm của họ sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta ý thức về chính tội lỗi và thiếu sót của chúng ta. Chúa không hề bảo chúng ta làm cho người khác điều mà trước hết Ngài không làm cho chúng ta. Chúa bày tỏ cho chúng ta sự tha thứ trước khi bắt đầu dạy cho chúng ta về việc cần phải tha thứ người khác. Chúa muốn có mối tương quan với chúng ta, Ngài muốn có sự hiệp một và hoà thuận với chúng ta; vì thế, Ngài phải tha thứ chúng ta.

Tha thứ phát xuất từ ân sủng và lòng thương xót lớn lao của Chúa. Thương xót là một trong những thuộc tính đẹp đẽ nhất của Chúa. Thương xót là một mỹ đức quan trọng và là điều gì đó làm chúng ta ngạc nhiên. Trên đất này chúng ta ít nhiều mong đợi sự thương xót của Chúa, nhưng tôi nghĩ ở thiên đàng các thiên sứ kinh ngạc bởi sự thương xót của Chúa. Tác giả cơ đốc và là mục sư Andrew Murray có nói, “Sự toàn tri của Chúa là một kỳ quan, sự toàn năng của Chúa là một kỳ quan, sự thánh khiết của Chúa là một kỳ quan, nhưng kỳ quan lớn nhất trong tất cả chính là sự thương xót của Chúa.”

Chúa tha thứ hoàn toàn và phục hồi một tội nhân gian ác nhất đến mối thông công với chính Ngài. Ngài tốt lành đối với những con người không xứng đáng. Nếu chúng ta nhận ra không biết bao nhiêu lần trong một ngày mà Chúa tha thứ chúng ta về những gì chúng ta đã nghĩ, đã nói hay đã làm, chúng ta chắc sẽ không thấy khó mà tha thứ cho người khác đã phạm tội cùng chúng ta. Chúng ta nên cất tiếng lên nói với Chúa mỗi ngày nhiều lần lời này, “Chúa ơi, hãy thương xót con và giúp con xót thương người khác.” Chúa không bảo chúng ta làm điều gì mà không trang bị cho chúng ta làm. Ngài không hề bảo chúng ta ban cho người khác những gì mà trước hết Ngài không ban cho chúng ta. Ngài ban cho chúng ta tình yêu vô điều kiện và bảo chúng ta yêu thương người khác vô điều kiện. Ngài ban cho chúng ta sự thương xót và bảo chúng ta hãy xót thương. Ngài tha thứ chúng ta và bảo chúng ta hãy thứ tha người khác. Có phải Chúa yêu cầu quá đáng không? Tôi không nghĩ vậy.

Kinh Thánh dạy chúng ta rằng ai được cho nhiều sẽ bị đòi nhiều (Lu 12:48). Chúa ban cho nhiều nên Ngài có quyền mong đợi nhiều nơi chúng ta. Hãy dành một ít thời gian để nhớ lại đời sống bạn, cố gắng nhớ lại thể nào Chúa đã sẵn sàng tha thứ cho bạn. Bạn có bao giờ tái phạm cùng một tội rất nhiều lần không? Chúa há có liên tục ở cùng bạn và liên tục tha thứ bạn cho đến khi bạn học làm điều đúng không? Dĩ nhiên câu trả lời là có. Tất cả chúng ta đều có cả.

Đức Chúa Trời Đã Làm Gì Cho Chúng Ta Trong Chúa Giê-su?

 

 

Qua sự hy sinh của Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời đã kéo chúng ta ra khỏi tối tăm mà vào ánh sáng để đến với
chính Ngài. Ngài thấy chúng ta sống trong tội lỗi và bất hạnh và ban cho chúng ta đời sống mới. Nếu chúng ta chỉ đồng ý với Ngài thì Ngài sẽ tha thứ hoàn toàn tội lỗi chúng ta và đặt chúng ta trong vị trí ngay thẳng với Ngài bởi ân sủng và lòng thương xót của Ngài. Ngài không chỉ tha thứ tội chúng ta mà Ngài còn cất tội lỗi xa chúng ta như phương Đông xa cách phương Tây và Ngài không nhớ tội chúng ta nữa (Hê 10:17; Thi 103:12). Ngài vực chúng ta khỏi hố sâu tuyệt vọng và làm cho đời sống chúng ta có ý nghĩa (Gia 4:10), và vẻ đẹp lạ lùng là chúng ta không xứng đáng về tất cả những điều này. Chúng ta đã không làm gì để xứng đáng với ân sủng của Chúa, chúng ta cũng sẽ không làm gì để xứng đáng với ân sủng của Chúa. Tha thứ quả là một món quà. Đó là món quà chúng ta đã nhận và đó cũng là món quà chúng ta sẵn sàng chia sẻ. Nó không chỉ là món quà chúng ta trao ban cho người khác mà nó cũng là món quà chúng ta trao ban cho chính mình. Khi chúng ta tha thứ người khác, chúng ta mang lại cho chính chúng ta bình an trong tâm hồn, năng lực mới mẻ và thì giờ để sáng tạo thay vì bực bội và trầm ngâm cùng nhiều việc khác nữa.

Thương xót là lòng tử tế vượt quá lý trí. Nói cách khác, không có lý do gì để Chúa bày tỏ lòng tử tế của Ngài. Ngài tử tế nhân hậu và chúng ta là những người được phước đã đón nhận lòng tử tế của Ngài.

Trong Chúa Giê-su Đức Chúa Trời cứu chuộc chúng ta, xưng công chính chúng ta, thánh hoá chúng ta và trong tiến trình phục hồi chúng ta. Chúng ta hãy cảm ơn Chúa về lòng thương xót của Ngài. Tôi cần sự thương xót hôm nay và mỗi ngày. Tôi kinh ngạc về lòng thương xót lớn lao của Chúa, và sự kinh ngạc của tôi kéo dài hơn khi tôi để thì giờ nghĩ đến những gì Chúa đã làm cho tôi.

Ngay bây giờ bạn có tranh chiến về chuyện tha thứ ai đó làm tổn thương hay làm hại bạn không? Nếu có, tôi muốn đề nghị là bạn hãy để mười lăm phút và nghiêm túc
nghĩ đến việc Chúa đã tha thứ bạn nhiều biết chừng nào. Tôi tin điều này sẽ hạ lòng bạn xuống và rồi bạn thấy dễ mà tha thứ những người đã làm hại bạn.

Thưa độc giả, xin hãy tha thứ! Đừng phí một ngày nào nữa sống trong cay đắng và giận dữ về điều gì đó đã xảy ra trước đây và bây giờ không thể làm gì được. Đừng sống cuộc đời của bạn cho quá khứ. Hãy xin Chúa khiến bạn thành người tốt đẹp hơn, chứ không phải cay đắng hơn. Hãy tin cậy Ngài biến những điều bất chính thành tốt đẹp xảy ra cho bạn. Hãy nhớ phần của bạn là vâng lời Chúa và tha thứ, và phần của Ngài là phục hồi và bênh vực. Đừng phí thêm một ngày quý giá nào nữa trong cuộc đời bạn mà vẫn còn tấm lòng cay đắng. Hãy xin Chúa cho bạn có cùng một thái độ như Ngài có . . . thái độ thương xót và tha thứ. Chúa Giê-su không cộc cằn và khó tính. Ngài thương xót, chậm giận và sẵn sàng tha thứ và giúp đỡ (Mat 11:28-30). Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng Ngài ước ao sự thương xót chứ không phải của lễ (Mat 12:7). Chúng ta xem xét câu Kinh Thánh này theo hai quan điểm. Trước hết, chúng ta có thể thấy được rằng Chúa muốn ban cho chúng ta sự thương xót và Ngài không thích những của lễ của chúng ta. Chúa Giê-su là của lễ duy nhất và cuối cùng mà chúng ta cần. Những của lễ của chúng ta đều vô dụng dưới thời Tân ước. Chúng ta có thể quay lại với Chúa Giê-su và xin sự thương xót khi chúng ta phạm tội, và Ngài sẵn sàng ban cho. Tôi thích ý tưởng rằng Ngài sẵn sàng tha thứ. Chúng ta không phải chờ Ngài chuẩn bị, chúng ta không cần phải thuyết phục Ngài làm việc này . . . Ngài sẵn sàng tha thứ. Ngài đã quyết định luôn luôn thương xót và tha thứ. Chúng ta có thể làm tương tự.

Chúng ta dự tính trong đầu trước để khi vấp phạm đến với đời sống chúng ta, chúng ta sẵn sàng tha thứ.

Quan điểm thứ hai chúng ta học từ câu Kinh Thánh này là Chúa muốn chúng ta ban cho người khác sự thương xót và không đòi hỏi của lễ nơi người ta. Con người được
vinh hiển là bỏ qua lỗi lầm (Châm 19:11). Chúng ta có vinh dự bỏ qua những việc người khác đã làm hại chúng ta. Chúa đã trang bị cho chúng ta làm việc này. Vấp phạm chắc chắn sẽ xảy đến, nhưng chúng ta không cần phải chấp nhận.

Khi ai đó làm chúng ta tổn thương, chúng ta cố bắt họ trả giá bằng cách làm cho họ cảm thấy khó chịu hay liên tục nhắc lại chuyện cũ; chúng ta muốn họ đi khuất mắt chúng ta và không chịu nói chuyện với họ. Đây là thói đời, tức là đòi hỏi của lễ nơi người khác phải trả cho tội của họ nghịch cùng chúng ta. Nhưng chúng ta có một cách khác. Chúng ta có thể thương xót.

Chúa Mong Gì Nơi Ta?

 

 

Chúa biết mọi tội chúng ta sẽ phạm trước khi chúng ta phạm. Ngài biết con người chúng ta, chúng ta chỉ là bụi đất và Ngài không mong rằng chúng ta không bao giờ phạm lỗi. Thật là an ủi biết bao khi Chúa phán với lòng tôi như vầy, “Joyce ơi, con có làm Ta ngạc nhiên đâu.” Chúa không hề ngạc nhiên bởi những thử thách của chúng ta, nhưng Ngài hoạch định sự giải cứu của chúng ta trước khi thử thách xảy ra cho chúng ta. Chúa không hề ngạc nhiên bởi những lỗi lầm và lối sống xác thịt của chúng ta. Ngài đã quyết định thương xót rồi. Điều Ngài mong nơi chúng ta là yêu mến Ngài và khao khát ý muốn Ngài. Ngài muốn chúng ta mau ăn năn và hợp tác với Thánh Linh để tăng trưởng về tâm linh. Ngài không giận nếu chúng ta chưa trọn vẹn, nhưng Ngài mong thấy chúng ta vươn tới mục tiêu trọn vẹn.

Sứ đồ Phaolô nói mục tiêu của ông là bỏ những sự đằng sau và vươn tới mục tiêu trọn vẹn (Phi 3:13). Hãy tưởng tượng Phaolô, người đã nhận và viết hai phần ba Tân ước,
vẫn còn phải vươn tới. Tôi rất vui là Chúa cho ghi lại tấm gương này trong Kinh Thánh. Điều này khích lệ tôi biết rằng Chúa biết rất rõ tôi và nhận ra rằng tôi là một con người được tái sanh, có tấm lòng được đổi mới, nhưng hồn và thân thể vẫn còn phải bắt kịp với công việc lớn lao mà Ngài đã làm trong tâm linh tôi.

Sự thật là Chúa không mong chúng ta không hề phạm lỗi. Nếu chúng ta có thể sống mà không phạm tội thì chúng ta không cần Chúa Giê-su. Nhưng chúng ta lại cần Ngài mỗi phút giây trong ngày. Ngài hiện tại ngồi bên hữu Đức Chúa Trời cầu thay cho chúng ta (Rô 8:34). Ngài liên tục tha thứ chúng ta nếu chúng ta nhìn nhận và ăn năn (1Gi 1:9). Chúa đã có sự cung ứng cho những lỗi lầm của chúng ta, và ấy là bởi lòng thương xót của Ngài mà chúng ta vẫn được ở trong mối thông công và tương giao với Ngài dù chúng ta chưa có trọn vẹn trong cách ăn nết ở của chúng ta.

Bạn Mong Gì Nơi Người Ta?

 

 

Chúng ta mong ước chia sẻ lòng thương xót với người khác. Họ không trọn vẹn và hay mắc sai lầm. Họ bị tổn thương và làm chúng ta thất vọng, nhưng sự thật là chúng ta nên thương xót họ. Chúng ta thường không nhận ra những gì chúng ta làm đã làm tổn thương người khác, nhưng chúng ta lại nhận ra rất rõ những gì người ta đã làm thương tổn chúng ta.

Tôi cũng không trọn vẹn, nên sao tôi lại mong những người mà tôi có mối quan hệ trọn vẹn được? Tôi thật sự tin rằng chính sự bất toàn của chúng ta là lý do Chúa bảo chúng ta hãy mau tha thứ. Ngài đã có sự cung ứng sẵn cho mọi lỗi lầm của chúng ta bằng cách tha thứ chúng ta và ban cho chúng ta khả năng tha thứ người khác nếu chúng
ta sẵn lòng làm theo. Nhà tôi và tôi đã lấy nhau bốn mươi bốn năm lúc tôi viết cuốn sách này. Chúng tôi đã tha thứ nhau hàng ngàn lần trong suốt những năm tháng này, và chúng tôi cần tha thứ lặp đi lặp lại nữa trong suốt những năm tháng còn sống bên nhau.

Chúng ta học bày tỏ lòng thương xót cho nhau bằng cách không nhắc tới những gì người phối ngẫu của mình đã làm bực bội chúng ta. Chúng ta có thể bỏ qua những lỗi lầm của nhau và quan tâm nhau. Tôi nghĩ đây là một ý tưởng hay: “Chúng ta có thể đồng ý cho phép nhau mắc lỗi lầm.”

Phải hết sức khiêm nhường, nhu mì và kiên nhẫn, lấy tình yêu thương chịu đựng lẫn nhau.

Êphêsô 4:2

Cách đây nhiều năm nhà tôi và tôi đã quyết định chấm dứt không áp đặt nhau là phải không mắc sai lầm. Chúng tôi nhận ra rằng Chúa đã bày tỏ cho chúng tôi lòng thương xót nên chúng ta quyết định làm tương tự cho nhau. Việc quan tâm nhau đã giúp chúng tôi có được một hôn nhân hạnh phúc và bền vững. Hãy tra xét tấm lòng. Bạn có gây áp lực lên người phối ngẫu, gia đình hay bạn bè của bạn phải trọn vẹn hay phải đối xử với cách hoàn hảo không? Bạn có cộc cằn, khó tính và đòi hỏi không? Bạn có cảm thông những yếu đuối của người khác không? Bạn có độ lượng bày tỏ lòng thương xót không? Đây là những câu hỏi hay để tất cả chúng ta tự hỏi mình. Hãy trả lời những câu hỏi này cách thật lòng, và nếu thái độ của bạn không giống thái độ của Chúa, hãy xin Ngài giúp bạn thay đổi. Chúng ta phải đổi mới tâm trí và thái độ mỗi ngày.

Chúng ta không tự động có được thái độ tích cực. Đôi khi chúng ta phải để sự việc trôi qua và phải tái dâng mình làm theo cách của Chúa. Nếu bạn rơi vào trường hợp đó ngay bây giờ thì không có gì phải hổ thẹn. Hãy vui mừng
rằng nhờ Chúa giúp đỡ, bạn sẽ hiểu được lẽ thật mà sẽ giải phóng bạn.

Chúa Giê-su Mong Gì Nơi Các Môn Đồ?

 

 

Chúa Giê-su chủ ý chọn những con người yếu đuối và thất học để Ngài làm việc với họ và qua họ, nên họ không thể cướp vinh hiển của Chúa. Phierơ thì nói quá nhiều và rất kiêu ngạo. Ông chối không biết Chúa Giê-su ba lần khi áp lực đến, nhưng Chúa Giê-su bày tỏ lòng thương xót và tử tế với ông. Ngài tha thứ ông, và Phierơ trở thành một sứ đồ vĩ đại.

Thôma thì nghi ngờ đủ điều về những lời Chúa Giê-su phán, nhưng Ngài bày tỏ lòng thương xót với Thôma và tiếp tục làm việc với ông. Ngài gặp Thôma giữa lúc ông nghi ngờ và vô tín và tỏ cho ông thấy bàn tay mang dấu đinh của Ngài sau khi Ngài sống lại. Thôma đã thốt lên rằng ông sẽ không tin trừ khi ông thấy, và Chúa Giê-su chỉ cho ông thấy điều ông cần thấy thay vì khước từ ông vì thái độ nghi ngờ của ông.

Đôi lúc các môn đồ tỏ ra những hành vi buồn cười giữa vòng những người đi theo Chúa Giê-su. Họ tranh cãi ai sẽ là người lớn nhất giữa vòng họ. Họ ngủ gục khi mà Chúa Giê-su cần họ và nhờ họ cầu nguyện với Ngài một giờ.

Các môn đồ có bất toàn, nhưng Chúa Giê-su biết điều đó khi Ngài chọn họ. Ngài cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn mười hai môn đồ để đem tin lành đến cho thế giới thời đó sau khi Ngài chịu chết và sống lại. Hãy tưởng tượng mười hai con người bất toàn thiếu khôn ngoan, nghi ngờ, kiêu ngạo, cãi lộn nhau và muốn biết là họ phải tha thứ nhau bao nhiêu lần. Tôi thấy những điều này sao giống chúng ta quá.

Học Đón Nhận Lòng Thương Xót

 

 

Giống như tôi, tôi đoan chắc bạn biết rằng bạn cũng bất toàn và bạn rất cần sự thương xót. Chúa sẵn sàng ban cho sự thương xót, nhưng bạn có biết cách để đón nhận không? Chúng ta có thể xin Chúa tha thứ chúng ta về tội lỗi chúng ta, nhưng chúng ta có nhận sự tha thứ của Ngài bằng cách thứ tha chính mình không? Bạn có đang giữ lại những tội lỗi quá khứ nghịch cùng chính bạn không? Tôi đã làm chuyện này nhiều năm, và vì lý do đó mà tôi không thể bày tỏ lòng thương xót cho người khác. Như tôi thường nói, “Chúng ta không thể cho cái mà chúng ta không có.”

Bạn có nhận sự thương xót chưa? Khi bạn đọc sách này, có những điều nào mà bạn cảm thấy có tội dù bạn đã ăn năn thật lòng? Bạn có để thì giờ xin Chúa thương xót, và điều quan trọng không kém, bạn có để thì giờ đón nhận sự thương xót từ Chúa không? Sự thương xót là một món quà, nhưng món quà đó sẽ không có giá trị đối với chúng ta trừ khi chúng ta đón nhận nó. Chúa Giê-su phán, “Hãy xin thì . . . sẽ nhận, để niềm vui các con được đầy trọn (Gi 16:24). Có phải cứ xin hoài mà nhận ít không? Nếu vậy, đây là lúc phải thay đổi. Đức Chúa Trời đã làm hết cho chúng ta mọi sự cần thiết trong Chúa Giê-su. Bây giờ chúng ta phải quyết định nhận bởi đức tin. Không bởi công trạng mà chỉ bởi đức tin mà thôi.

Khi chúng ta học tiếp nhận sự thương xót bao la của Chúa, chúng ta mới có thể ban phát cho người khác.

Đặc Điểm Của Thái Độ Thương Xót

Thương Xót Hay Thông Cảm

 

Chúa Giê-su là Thầy Thượng Tế đầy lòng thương xót hiểu rõ sự yếu đuối của chúng ta vì Ngài cũng đã bị cám dỗ
trong mọi sự như chúng ta, nhưng Ngài không hề phạm tội (Hê 4:15). Tôi thích sự kiện rằng Chúa Giê-su hiểu tôi. Vì mỗi chúng ta đều có những yếu đuối riêng, nên chúng ta có thể cảm thông khi người khác mắc lỗi lầm và cần sự thương xót và tha thứ. Có một tấm lòng thông cảm là một đặc điểm đẹp đẽ của sự thương xót. Lần sau ai đó xử tệ bạn, hãy cố gắng thông cảm. Có lẽ người này cảm thấy bệnh hay gặp một ngày xui xẻo tại công sở. Hành vi xấu thì không đúng rồi, nhưng hãy nhớ lời tử tế làm nguôi cơn giận. Lòng tử tế có quyền năng ngăn cản cơn giận vì thiện luôn thắng ác (Rô 12:21).

Nhà tôi rất thông cảm với tôi trong suốt những năm tôi được phục hồi khỏi hậu quả bị lạm dụng từ nhỏ. Nếu nhà tôi không bày tỏ sự thương xót, chúng tôi có lẽ sẽ không lấy nhau hôm nay và cả hai chúng tôi có lẽ đã hụt mất kế hoạch lớn lao của Chúa dành cho đời sống chúng tôi. Ngay bây giờ có ai trong đời sống bạn mà bạn thấy khó thông cảm không? Hãy hỏi họ kể cho bạn nghe hoàn cảnh của họ. Thường khi người ta hành xử khiếm nhã, ấy là vì có điều gì đó trong đời sống họ đã làm họ bị tổn thương và họ chưa hề được phục hồi.

Chúng ta càng biết rõ lai lịch của người ta thì càng dễ thông cảm cho bất kỳ hành vi nào họ bày tỏ quá đáng.

Thương Xót Không Phơi Bày Lỗi Lầm Người Khác Một người không để Thánh Linh kiểm soát thường có sở thích bệnh hoạn đó là lan truyền tin xấu và đặc biệt nói về những điều sai quấy mà người khác đã làm. Lời Chúa nói tình yêu thương che đậy vô số tội lỗi (1Phi 4:8).

Thù ghét gây ra xung đột, nhưng tình yêu thương che đậy mọi vi phạm.

Châm Ngôn 10:12

Mỗi câu châm ngôn trong Kinh Thánh là một lời khuyên
khôn ngoan giúp đời sống chúng ta tốt đẹp hơn nếu chúng ta để ý. Câu châm ngôn này xác nhận điều Phierơ nói trong Tân ước về việc che đậy tội lỗi thay vì tiết lộ ra.

Khi Giô-sép rốt cuộc có cơ hội xử lý các anh của mình về việc họ đối xử tàn bạo với cậu, cậu xử lý cách cá nhân (Sáng 45:1). Cậu yêu cầu mọi người ra khỏi phòng khi các anh cậu đến vì cậu không muốn ai biết những gì họ đã làm cho cậu. Cậu không chỉ sẵn sàng tha thứ cho họ hoàn toàn mà cậu còn giữ kín tội của họ để người ta vẫn kính trọng các anh cậu. Cậu không muốn họ bị mất mặt. Đặc tính lạ lùng này của Giô-sép đã giúp chúng ta hiểu được tại sao Chúa có thể dùng cậu cách đầy quyền năng. Nếu chúng ta thật sự muốn được Chúa dùng, chúng ta phải có thái độ thương xót.

Khi chúng ta có điều gì đó nghịch cùng ai đó đã làm vấp phạm chúng ta, chúng ta nên đến gặp riêng người đó để nói chuyện (Mat 18:15). Nếu họ không chịu nghe, chúng ta được dạy là hãy đem những người khác đi với chúng ta để nói chuyện với người đó, mong ước người đó được phục hồi trở lại tình trạng ổn định trong tâm trí và tấm lòng. Hãy làm cho người khác như bạn muốn họ làm cho bạn.

Nếu bạn làm điều gì sai, bạn có muốn người khác loan tin đó ra hay là muốn họ giữ kín? Tôi biết câu trả lời rồi vì tôi biết tôi muốn gì. Tôi muốn người ta bỏ qua tội của tôi và tôi đoan chắc bạn cũng muốn vậy.

Thương Xót Không Đoán Xét

 

Rất dễ đoán xét và đưa ra những quan điểm chỉ trích về những ai mắc sai lầm, nhưng làm thế thì không khôn ngoan. Chúng ta được Chúa kêu gọi giúp đỡ người ta, chứ không đoán xét người ta. Như đã nói trước đây trong sách này, chúng ta có thể phán xét tội lỗi như nó là vậy, nhưng chúng ta không nên đoán xét các cá nhân, vì chúng ta không biết tấm lòng của họ hay không biết những gì đời sống họ trải qua.

Thương xót lớn hơn phán xét!

Ai hành động thiếu thương xót sẽ bị xử đoán không chút thương xót; nhưng lòng thương xót thắng hơn sự xử đoán.

Giacơ 2:13

Con người thì đoán xét còn Chúa thì thương xót. Hãy xin Chúa giúp bạn phát triển thái độ thương xót và tìm kiếm các đặc tính thương xót trong đời sống bạn. Đoán xét nghĩa là tự đặt mình ngang bằng Chúa. Chỉ có Chúa mới có quyền phán xét người ta vì Ngài là Đấng duy nhất biết mọi sự thật. Tôi không muốn phạm cái tội cố gắng làm “Chúa” trong đời sống người khác, nên tôi cố gắng hết sức để tránh đoán xét người khác. Chắc chắn là tôi không phải lúc nào cũng thích chuyện này. Trước đây tôi là người hay đoán xét trong nhiều năm, nhưng tin mừng là tất cả chúng ta đều có thể thay đổi nhờ Chúa giúp đỡ.

Thương Xót Tin Điều Tốt Nhất

 

Tình yêu thương luôn tin tưởng điều tốt đẹp nhất nơi người ta, và thương xót là đặc tính của tình yêu. Thương xót không đưa ra phán quyết nếu không xét xử. Thương xót muốn biết sự thật, chứ không chỉ lời đồn đoán. Tôi ghét chuyện này khi người ta nói xấu với tôi về người khác, đặc biệt nếu đây là lời nói xấu chứ không phải sự thật đã được kiểm chứng. Tôi phải kỷ luật nhiều mới tin điều tốt nhất sau khi nghe điều tệ nhất. Chúng ta phải luôn tin điều tốt nhất cho đến khi lời buộc tội về ai đó đã được kiểm chứng.

Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu chúng ta tin điều tốt nhất thay vì nghi ngờ và vội tin mọi điều xấu mà chúng ta nghe về người khác.

Thương Xót Dành Cho Mọi Người

 

Tôi để ý là tôi thấy dễ thương xót người tôi thích và có mối quan hệ tốt. Nhưng thật khó khi tôi không quan tâm nhiều đến người mà tôi cần thương xót. Tuy nhiên, thương xót thật là xót thương mọi người. Một thái độ thương xót không phải là điều gì đó chúng ta tắt mở; nó phải là một phần của bản tính chúng ta . . nó chính là con người của chúng ta. Chúng ta không hề nói “Tôi làm sự thương xót, mà chúng ta nói, “Tôi thương xót.”

Bình đẳng là điều quan trọng đối với Chúa. Ngài không thiên vị ai cả, và Ngài không muốn chúng ta làm vậy. Mọi người đều quan trọng ngang nhau đối với Chúa. Họ đều là con cái của Ngài, và Ngài bày tỏ lòng thương xót cho mọi người. Vì là những người đại diện của Ngài trên đất, chúng ta nên cố gắng làm tương tự. Đừng cư xử theo cách mà bạn “cảm thấy” đối với ai đó, nhưng hãy thương xót và điều này sẽ làm phong phú chính đời sống bạn.

Trong Kinh Thánh chúng ta tìm thấy một câu chuyện mà người ta gọi là câu chuyện Người Sa-ma-ri Nhân Lành. Câu chuyện này nói về một người đã dừng lại giúp người khác bị thương tích đang nằm giữa đường. Đây không phải là người anh quen biết, nhưng anh dùng thời gian và tiền bạc của mình để giúp người lạ (Lu 10:27-37). Thật ra, người thương xót hay bày tỏ sự xót thương cho mọi người – không chỉ cho những người anh quen biết, anh thích và anh muốn gây ấn tượng. Người “Sa-ma-ri Nhân Lành” này là một con người cao thượng dưới con mắt của Chúa chỉ vì anh để ý, anh dừng lại và anh tỏ lòng thương xót cho một người mà anh chưa hề gặp trước đây và có lẽ anh cũng không bao giờ gặp lại. Người Sa-ma-ri nhân lành phải tốn thì giờ và tiền bạc để giúp người bị hại; anh không nhận được lợi lộc gì từ hành động của mình, nhưng anh vẫn làm điều ngay lẽ phải. Mỗi khi chúng ta làm điều ngay, nó mang lại bình an nội tâm cho chúng ta và đúng kỳ chúng ta sẽ gặt hái phần thưởng. Hãy cố gắng giúp thêm nhiều
người. Hãy bày tỏ cho họ lòng thương xót và tử tế bao dung của Chúa. Tôi chắc chắn là chúng ta thảy đều đồng ý rằng thế giới này cần nhiều người “Sa-ma-ri Nhân Lành”, vậy chúng ta hãy bắt đầu làm người đó.