Chương 6: Bạn Giận Ai?

Hãy Làm Ơn Cho Bản Thân Tha Thứ

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Như đã bàn rồi, chúng ta thường hay giận với những người làm hại hay làm tổn thương chúng ta. Chúng ta cũng có thể cảm thấy giận với những ai làm tổn thương chúng ta nhiều năm trước đây và với những ai làm tổn thương chúng ta mỗi ngày. Chúng ta giận về sự bất công và linh hồn chúng ta kêu gào lên đời bất công quá! Nhưng những chuyện khác không phải lúc nào cũng là nguyên do để chúng ta giận. Kinh Thánh cho biết hãy làm hoà với Chúa, với bản thân và với tha nhân (1Phi 3:10-11).

Tôi Giận Tôi

 

 

Bạn có giận với bản thân không? Nhiều người có đó. Thực ra, thật không ngoa khi nói rằng có nhiều người bất hoà với bản thân hơn là những người làm hoà với bản thân. Tại sao? Như đã bàn trước đó, chúng ta hay có những mong đợi phi thực tế, và chúng ta hay sánh mình với người khác và cảm thấy chúng ta thua kém. Chúng ta
chất chứa trong lòng nỗi xấu hổ về điều nào đó chúng ta đã làm hay điều gì đó mà người ta đã gây ra cho chúng ta. Chúng ta cảm thấy quá tội lỗi đến độ chúng ta nổi giận với bản thân. Rất thường người ta giận với bản thân vì họ làm những điều mà họ không chấp nhận và họ không biết cách nhận ơn tha thứ và quyền năng của Chúa để chiến thắng cách hành xử không thể chấp nhận đó.

Tin hay không thì bước đầu tiên để làm hoà với bản thân là thẳng thắn nhìn nhận tội lỗi của bạn và cho nó là tội thật sự. Phớt lờ hay bào chữa cho hành vi xấu không bao giờ là con đường đến tự do. Bao lâu chúng ta còn làm những việc tội lỗi thì chúng ta không thể nào có được bình an với bản thân. Dù chúng ta không nhận ra và không chịu trách nhiệm về tội lỗi của chúng ta thì tội lỗi vẫn làm chúng ta khó chịu.

Nhận Ơn Tha Thứ Của Chúa

 

 

Một khi chúng ta nhìn nhận rằng chúng ta là tội nhân, chúng ta phải ăn năn tội lỗi của chúng ta. Điều đó có nghĩa là chúng ta không chỉ hối hận về tội lỗi của chúng ta mà chúng ta còn sẵn sàng quay lưng khỏi tội lỗi. Sống trong tội lỗi là lối sống thấp hèn nhất, nhưng khi chúng ta ăn năn chúng ta quay lại vị trí cao cả nhất mà Chúa ước muốn cho chúng ta. Nhà kho thường được xây ở trên tầng cao nhất của một toà nhà chung cư, nó ở tầng trên cùng. Khi chúng ta ăn năn, chúng ta quay trở về vị trí cao nhất mà Chúa dành cho chúng ta – vị trí bình an và vui mừng trong sự công chính của Ngài.

Hoàn toàn nhìn nhận và chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình có thể khó khăn lúc đầu. Chúng ta thường để cả đời đổ lỗi và bào chữa nên chúng ta thấy khó mà nói, “Tôi có lỗi. Tôi phạm lỗi.” Nhưng mọi người đều đã phạm
tội và thiếu hụt vinh quang của Chúa nên nói chúng ta có tội cũng không đẩy chúng ta xuống hố sâu hơn bất kỳ ai khác trong đời này.

Nếu chúng ta nói rằng mình không có tội thì chúng ta tự lừa dối mình và chân lý không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta xưng tội lỗi mình thì Ngài là Đấng thành tín và công chính sẽ tha thứ tội lỗi chúng ta và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính

1Giăng 1:8-9

Có rất nhiều bài học từ hai câu Kinh Thánh này mà tôi rất thích và nó đã an ủi tôi, nhưng tôi đặc biệt thích ý này đó là Ngài liên tục tẩy sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi. Tôi tin điều này cho thấy rằng bao lâu chúng ta còn bước đi với Chúa, mau chóng nhìn nhận tội lỗi và ăn năn liên tục, Ngài luôn luôn tẩy sạch chúng ta. Kinh Thánh nói Chúa hiện đang ngồi bên phải Đức Chúa Trời liên tục cầu thay cho chúng ta, và tôi tin ấy là vì chúng ta liên tục cần sự tẩy sạch. Điều này cũng an ủi tôi.

Ngài tẩy sạch chúng ta khỏi tất cả tội lỗi, và nếu chúng ta tin điều đó và nhận sự tha thứ của Ngài bởi đức tin, chúng ta có thể thắng được việc giận dữ với bản thân. Không có tội nào mà bạn và tôi phạm mà vượt quá cái TẤT CẢ của Chúa. Khi Chúa nói tất cả nghĩa là Ngài nói tất cả!

Cũng như mọi người đều phạm tội và thiếu hụt vinh quang của Chúa thì mọi người tin cũng được xưng công chính và bước vào mối quan hệ ngay thẳng với Ngài nhờ sự cứu chuộc được cung ứng trong Chúa Giê-su (Rô 3:23- 24). Mọi người trong đó có bạn và tôi!

Ơn tha thứ của Chúa là món quà miễn phí, và chúng ta không làm gì để nhận món quà miễn phí này ngoại trừ tiếp nhận nó và biết ơn Ngài. Tôi nghĩ chúng ta thường xin Chúa tha tội nhưng vẫn không tiếp nhận nó. Sau khi
bạn xin Chúa tha tội cho bạn về việc nào đó mà bạn đã phạm, hãy nói với Ngài là bạn tiếp nhận món quà của Ngài và chờ đợi trong sự hiện diện của Ngài một thời gian để điều này đi sâu vào tiềm thức của bạn và nhận biết rằng món quà này quả là tuyệt vời biết bao.

Đừng Sợ Hãi Tội Lỗi

 

 

Mỗi khi chúng ta sợ điều gì đó chúng ta để cho nó kiểm soát chúng ta, nên vì lý do đó tôi khích lệ bạn đừng sợ hãi tội lỗi. Sứ đồ Phaolô viết rằng tội lỗi không còn quyền nào trên chúng ta nếu chúng ta tin rằng khi Chúa Giê-su chết thì chúng ta cũng đồng chết và khi Ngài sống lại thì chúng ta cũng sống lại một đời sống mới để sống cho Ngài (Rô 6:5-8). Chúa Giê-su đã lo hết vấn đề tội lỗi rồi. Ngài không chỉ tha thứ chúng ta hoàn toàn và liên tục mà Ngài còn sai Thánh Linh thuyết phục chúng ta về tội lỗi trong đời sống mỗi ngày và ban sức để chúng ta chống lại tội lỗi.

Khi chúng ta bắt đầu nhận biết chúng ta là tội nhân và cần Đấng Cứu Độ và tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-su là Đấng duy nhất thoả mãn nhu cầu này, chúng ta đang trên đường tới một đời sống mới và lối sống mới. Trước đây chúng ta phạm tội và thậm chí không bận tâm chuyện này, nhưng bây giờ sau khi tiếp nhận Thánh Linh vào lòng, chúng ta trở nên ý thức về tội lỗi và sống quãng đời còn lại chống cự và tránh xa tội lỗi. Chúng ta sẽ vui vẻ phục vụ Chúa, và chúng ta hoàn toàn tin cậy Thánh Linh giúp chúng ta. Cám dỗ sẽ đến với mọi người và chúng ta an tâm rằng Chúa không bao giờ cho phép bất kỳ cám dỗ nào áp đảo chúng ta mà vượt quá sức thường tình của con người (1Cô 6:5-8). Nói cách khác, cám dỗ của chúng ta không lớn hơn cám dỗ của người ta, và chúng ta phải tin rằng những cám dỗ không bao giờ vượt quá sức kháng
cự của chúng ta. Chúa không bao giờ cho phép điều gì quá sức chịu đựng của chúng ta, và trong mọi cám dỗ Ngài cũng mở cho lối ra. Đây quả là tin lành! Chúng ta không cần phải sợ cám dỗ, vì Đấng lớn hơn ở trong chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh siêu nhiên để chống cự, nếu chúng ta chỉ tin cậy Ngài và xin Ngài giúp đỡ.

Nhiều người đầu hàng cám dỗ khi họ dùng sức riêng mà cố gắng chống cự, hoặc họ tin cách sai lầm rằng họ không thể chống cự được. Tôi nghe nhiều người nói những câu buồn cười như vầy “Một khi mà tôi đã ăn một miếng bánh sô-cô-la thì tôi không thể nào cưỡng lại việc ăn hết cả một hộp bánh sô-cô-la.” Hay là “Tôi biết ăn đường là hại cho tôi, nhưng tôi không thể cưỡng lại việc ăn sô-cô-la mỗi ngày.” Tôi cho rằng những câu nói như thế thật buồn cười vì nó dựa vào những lời dối trá mà chúng ta đã tin. Satan nói với chúng ta rằng chúng ta yếu đuối và không thể chống cự ngay cả những cám dỗ đơn giản nhất, nhưng Chúa cho chúng ta biết chúng ta mạnh mẽ trong Ngài và không điều gì vượt quá sức kháng cự của chúng ta. Những gì chúng ta chọn tin sẽ là yếu tố quyết định hoặc là chúng ta thắng hay thua cám dỗ. Để một ít thời gian tự hỏi mình là bạn có tin điều nào mà không hợp với Lời Chúa không. Bạn có tin là bạn có thể chống cự cám dỗ bởi quyền năng của Thánh Linh và bằng việc vận dụng trái tiết độ, hay là bạn tin là có một số cám dỗ mà bạn không thể chống cự được? Điều gì bạn tin thì nó sẽ thành như vậy; vì thế, điều quan trọng mà mỗi chúng ta cần biết đó là tin vào quyền năng sẵn có cho chúng ta qua Chúa Giê-su. Nếu bạn là một người tin nơi Chúa Giê-su thì bạn có quyền năng và bạn có thể chống cự cám dỗ!

Chúng ta thảy đều phạm tội, và bao lâu chúng ta còn sống trong cái thân xác bằng xương bằng thịt này, cộng với một tâm hồn chưa được đổi mới hoàn toàn, chúng ta cần sự tha thứ của Chúa, nhưng chúng ta không cần phải sợ hãi tội lỗi. Hãy xem kỹ câu Kinh Thánh này:

Hỡi các con bé nhỏ của ta! Ta viết cho các con những điều này để các con đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai phạm tội, chúng ta có một Đấng biện hộ với Đức Chúa Cha là Chúa Cứu Thế Giê-su, Đấng Công Chính. Chính Ngài là lễ vật hy sinh chuộc tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng tội lỗi của cả thế gian nữa.

1Giăng 2:1-2

Hai câu Kinh Thánh này thật hết sức tuyệt vời. Khi tôi bắt đầu ý thức được điều này thì đó là thời điểm trong đời sống tôi mà tôi tranh chiến mỗi ngày để làm mọi việc cách ngay thẳng ngõ hầu tôi cảm thấy an tâm về bản thân và tin là Chúa không nổi giận với tôi. Rõ ràng là tôi đã nghĩ sai trật, nhưng đó là tình trạng thực tế của tôi lúc đó. Khi tôi thấy được rằng tôi chỉ thức dậy mỗi ngày, làm hết sức mình và tin rằng Chúa sẽ lo cho những lỗi lầm tôi đã phạm thì tôi cảm thấy cứ như là cả một gánh nặng rớt khỏi đôi vai.

Hai câu Kinh Thánh này nói Chúa Giê-su là Đấng biện hộ cho tội lỗi chúng ta. Ý này có nghĩa gì? Ngài là Đấng làm nguôi cơn giận của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi.

Chúa ghét tội lỗi nhưng không ghét tội nhân. Khi người vợ nổi giận với chồng mình vì người chồng không tôn trọng vợ thì anh này gởi cho vợ ba đoá hoa hồng kèm với lời xin lỗi, chính những bông hoa này đã làm nguôi cơn giận của người vợ. Cô ta tha thứ cho chồng và mọi sự trở nên tốt đẹp trở lại. Chúa Giê-su giống như những bông hoa, được trình dâng lên cho Đức Chúa Trời khi Ngài nổi giận về tội của chúng ta. Chúa Giê-su là sự biện hộ của chúng ta, và Đức Chúa Trời tha thứ chúng ta nhờ Chúa Giê-su. Không có việc nào chúng ta làm đủ để làm Đức Chúa Trời nguôi giận và cũng không có việc gì chúng ta làm đủ để làm của lễ cho tội chúng ta, nhưng Chúa Giê-su là của lễ trọn vẹn và Ngài là Đấng thay thế chúng
ta. Ngài là Đấng biện hộ thế chỗ chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, và chúng ta được tha tội nhờ đức tin nơi Ngài. Tin những lẽ thật này là bước đầu để được tự do khỏi tội lỗi và giận dữ với bản thân vì đã phạm tội. Trước đây khi tôi phạm tội, tôi thường cảm thấy thất vọng nơi bản thân và thường cầu nguyện là tôi sẽ cố gắng tốt hơn, nhưng bây giờ tôi không còn nổi giận với bản thân nữa, vì tôi biết đó không phải là ý Chúa và đó cũng không mang lại mục đích nào cả.

Xử Lý Nghiêm Khắc Tội Lỗi

 

 

Ngoài việc biết cách tiếp nhận mau chóng và đầy đủ ơn tha thứ của Chúa khi chúng ta phạm tội, chúng ta cũng cần kiên quyết chống cự tội lỗi và xử lý nó nghiêm khắc. Sự thật rằng Chúa sẵn sàng tha thứ chúng ta không có nghĩa là chúng ta cứ phạm tội thoải mái và cho rằng chuyện này không có gì. Chúa biết lòng của chúng ta và không một tấm lòng nào ngay thẳng nếu họ không ghét tội lỗi và làm hết sức để tránh tội lỗi.

Tín hữu La-mã đã hỏi Phaolô liệu họ tiếp tục phạm tội để ân sủng (sự tốt lành và tha thứ) của Chúa dư dật chăng. Phaolô trả lời như vầy, “Chúng ta đã chết với tội lỗi làm sao mà lại sống trong tội lỗi nữa?” (Rô 6:1-2). Phaolô nhắc nhở họ rằng khi họ tiếp nhận Chúa Giê-su, họ đã quyết định chấm dứt không liên hệ gì nữa với tội lỗi. Tội không bao giờ chết; nó vẫn còn sống và sống khoẻ trên hành tinh này, nhưng chúng ta đã chết đối với tội lỗi. Chúa ban cho chúng ta tấm lòng mới và Thánh Linh của Ngài, và điều này có nghĩa là chúng ta có một “ước muốn” mới. Chúng ta sống đời còn lại liên tục chống cự tội lỗi, chỉ đơn giản là vì chúng ta không còn ham muốn phạm tội nữa. Có được thái độ như thế thì mỗi khi chúng ta phạm lỗi Chúa sẽ sẵn sàng tha thứ chúng ta.

Nếu bạn là một cơ đốc nhân thật, tôi đảm bảo với bạn rằng bạn không thức dậy mỗi sáng tìm cách phạm tội và phớt lờ đi. Bạn sẽ làm mọi sự có thể để sống đời sống làm đẹp lòng Chúa.

Nếu chúng ta không duy trì thái độ kiên quyết, dạn dĩ chống lại tội lỗi thì lòng của chúng ta sẽ lên án chúng ta và chúng ta rốt cuộc sẽ giận dữ với bản thân. Kinh Thánh dạy chúng ta hãy xử lý nghiêm khắc, thậm chí mạnh bạo với tội lỗi. Trong Mathiơ 18:8-9 chúng ta được dạy rằng nếu con mắt xui cho chúng ta phạm tội, hãy móc mắt đi, và nếu tay xui chúng ta phạm tội, hãy chặt tay đi.

Tôi tin chúng ta không nên hiểu câu này theo nghĩa đen, nhưng chúng ta nên hiểu rằng Chúa muốn nói là chúng ta phải có thái độ kiên quyết đối với tội lỗi, cắt bỏ nó bất cứ khi nào chúng ta phát hiện nó trong đời sống. Nếu một tạp chí nào đó đến nhà bạn mà kèm theo những hình ảnh các cô gái ăn mặc hở hang mà mắt bạn cứ muốn nhìn hoài và thậm chí khoái chí nữa thì hãy xé ngay tạp chí đó và quăng vào sọt rác. Hãy xử lý nhanh tội lỗi. Đừng đùa giỡn với tội lỗi. Tôi có thể kể ra đây hàng tá ví dụ, nhưng tôi chỉ kể cho bạn hai ví dụ nữa. Bạn là một phụ nữ đã lập gia đình và có một người đàn ông tại công sở bắt đầu thân thiện với bạn. Anh ta mời bạn gặp anh ta để uống cà phê nói chuyện về công việc. Bạn cảm thấy trong lòng khó chịu : làm như thế thì không khôn ngoan chút nào, và khi bạn cảm thấy như vậy, bạn hãy chấm dứt ngay trước khi nó thành nan đề thật sự. Bạn cãi với ai đó trong gia đình bạn, và Chúa thôi thúc bạn hãy làm hoà. Hãy làm nhanh trước khi bạn thuyết phục mình là không nên làm, và làm thế sẽ ngăn không cho bạn phạm tội cứ nổi giận hoài. Kinh Thánh dạy chúng ta trong Rôma 13:14 là đừng chừa chỗ cho xác thịt, và một phần ý nghĩa của nó là đừng bào chữa hay đừng cho xác thịt có cơ hội. Một phụ nữ có gia đình quyết định đi uống cà phê với một nam cộng sự sau khi Chúa cáo trách mình thì điều này là
sai lầm và tạo cơ hội cho tội lỗi.

Lần nọ tôi đọc một câu chuyện về một cô gái đang đi dọc một con đường lên núi và trời rất lạnh lúc đó. Một con rắn bò đến gần cô và nài xin cô gái nhặt nó lên và cho nó nằm trong chiếc áo của cô. Cô chống cự một lúc, nhưng cuối cùng cô chìu theo lời nài nỉ của con rắn. Sau một hồi nó bất chợt cắn cô gái, và cô gái la lên, “Sao mày cắn tao khi mà tao đã làm ơn cho mày?” Con rắn đáp, “Mày đã biết tao khi mày nhặt tao lên.” Tôi nghĩ hết thảy chúng ta đều có thể liên hệ mình với chuyện ngắn này. Chắc chắn trong đời sống chúng ta luôn có những lúc mà chúng ta biết rõ sâu xa trong lòng rằng chúng ta không nên làm một việc nào đó, nhưng cám dỗ cứ tiếp tục nên chúng ta đầu hàng và chúng ta làm, rồi dẫn đến hậu quả tai hại. Chúng ta thảy đều mắc lỗi lầm, nhưng chúng ta không cần phải tiếp tục mắc sai lầm. Học từ lỗi lầm là cách khôn ngoan nhất mà chúng ta có thể làm.

Chúa dạy chúng ta hãy cởi bỏ và quăng xa mọi gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương chúng ta (Hê 12:1). Điều này cho chúng ta cái cảm giác rằng chúng ta phải xử lý nghiêm khắc và mau chóng tội lỗi, và nếu chúng ta làm vậy, chúng ta sẽ gặt phần thưởng của đời sống ngay thẳng. Chúng ta cũng sẽ có được bình an trong lòng khi biết rằng chúng ta đã làm điều đúng.

Tôi rất biết ơn về việc được tha thứ tội lỗi, nhưng tôi không muốn phải cần được tha tội mỗi khi tôi sai trật. Tôi ước ao là kỷ luật bản thân để đưa ra những chọn lựa đúng nên tôi có được niềm vui tin rằng tôi đã làm đẹp lòng Chúa.

Tội Được Che Giấu

 

 

Chúng ta không thể xử lý tội lỗi cách nghiêm khắc và rốt ráo nếu chúng ta bào chữa nó hay che giấu nó. Chúng ta
thảy đều phải tra xét tấm lòng và đủ can đảm để thành thật với mình về bất kỳ hành vi tội lỗi nào trong đời sống. Sứ đồ Phaolô nói rằng ông hết sức canh chừng để duy trì một lương tâm thánh sạch đối với Chúa và với con người (Công vụ 24:16). THẬT TUYỆT VỜI! Ông canh chừng để phát hiện và loại trừ ngay tội lỗi khỏi đời sống ông. Phaolô biết sức mạnh của việc có một lương tâm thánh sạch trước mặt Chúa. Chúng ta nên nỗ lực hết sức để không phạm tội, nhưng khi chúng ta phạm tội thì chúng ta không nên bào chữa cho tội lỗi hay che giấu tội lỗi. Che giấu sẽ làm cho chúng ta đau khổ còn sự thật sẽ giải phóng chúng ta.

Điều gì không bởi đức tin là tội (Rô 14:23). Nếu chúng ta không thể làm bởi đức tin thì chúng ta không nên làm. Nếu điều gì là tội thì hãy cho đó là tội, đừng gọi đó là vấn đề của bạn, thiếu sót của bạn hay cơn nghiền của bạn. Tội là xấu xa và nếu chúng ta che đậy nó bằng những từ ngữ hoa mỹ thì tức là chúng ta muốn giữ nó lại.

Chúng ta nên tra xét đời sống chúng ta trong ánh sáng của Lời Chúa, và điều gì không hợp với Lời Chúa thì xem đó là tội và cậy sức Chúa mà chống cự nó. Nếu chúng ta cầu hỏi Chúa thì Ngài sẽ giúp chúng ta. Chúng ta là người cộng tác với Chúa, và Ngài không bao giờ mong chúng ta làm gì mà không có sự giúp đỡ của Ngài. Hãy để tôi nói lại lần nữa : đừng che giấu tội lỗi, hãy phơi bày nó ra công khai, hãy cho đó là tội và đừng bào chữa nó hay đổ lỗi lên người khác về những quyết định sai của bạn. Hãy nhận sự tha thứ trọn vẹn cho những tội lỗi quá khứ của bạn và hãy cộng tác với Thánh Linh để kiên quyết chống cự mọi cám dỗ trong tương lai.

Nào hãy làm ơn cho bản thân và tha thứ bản thân một cách hoàn toàn và đầy đủ. Hãy bỏ hết mọi cơn giận mà bạn có đối với bản thân về bất kỳ thất bại nào của bạn, và hãy bắt đầu sống đời sống tốt lành mà Chúa đã dự bị trước cũng như chuẩn bị trước cho cuộc đời bạn (Êph 2:10).

Bạn Có Giận Chúa Không?

 

 

Nếu bạn có từng nghe nói gì về Chúa thì chắc bạn đã nghe nói rằng Ngài tốt lành và Ngài yêu chúng ta. Xét về lẽ tự nhiên, chúng ta hay thắc mắc sao mà có quá nhiều đau khổ và bi kịch ở đời này. Nếu Chúa là toàn năng và có thể làm gì cũng được, vậy thì sao Ngài không ngăn chặn đau khổ? Những câu hỏi này cùng nhiều câu tương tự đã làm con người rối trí bao đời nay.

Trẻ em bị lạm dụng, chiến tranh và tàn phá được nói đến liên tục, và nạn đói đã giết đi hàng triệu sinh mạng. Đôi khi người lương thiện thì chết sớm còn kẻ gian ác thì dường như sống lâu vô sự. Bệnh tật hoành hành khắp nơi trên thế giới và tấn công người lành lẫn kẻ dữ. Linh hồn chúng ta kêu gào lên “Đời bất công quá!” Công bằng ở đâu đây? Thượng Đế ở đâu rồi?

Đối với những người tìm cách bào chữa để không tin nơi Chúa thì họ không cần thắc mắc gì nữa ngoài những câu hỏi còn bỏ ngỏ ở trên. Họ chỉ nói, “Nếu quả có Thượng Đế thì Ngài sẽ ngăn chặn đau khổ; vì thế tôi tin Ngài không có.” Nhưng cũng có hàng triệu con người đáng yêu tin nơi Thượng Đế dù họ không có câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa này.

Nếu bạn mong là tôi sẽ đưa ra cho bạn câu trả lời cho những câu hỏi này thì tôi xin thưa ngay là tôi không có câu trả lời. Tôi không thể giải thích đủ hết được, mà tôi cũng tin là không có ai có thể giải thích đủ hết đâu. Tôi chỉ chọn tin cậy Chúa vì thật tình mà nói không có Chúa tôi nghĩ tôi cũng không muốn sống nữa. Ngài là sự sống của tôi, và tôi thà có mối tương quan với Chúa mà không hiểu hết về Ngài hơn là cố gắng sống mà không có Ngài. Chúa không bao giờ hứa là đời sống không có thử thách, nhưng Ngài hứa an ủi chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục sống. Ngài cũng hứa hoá giải mọi
sự xảy đến cho chúng ta thành tốt đẹp nếu chúng ta yêu mến Ngài và tiếp tục khao khát ý muốn Ngài trong đời sống chúng ta (Rô 8:28). Tôi không vui khi tôi gặp những nan đề mang lại thử thách trong đời sống tôi, nhưng tôi vui là tôi có Chúa giúp tôi vượt qua. Tôi tiếc cho những ai chịu khổ mà không có hy vọng và những ai mà đầu óc và con tim của họ đầy ắp nỗi cay đắng vì họ không thể nhìn thấy xa hơn nỗi đau của họ.

Chúng ta biết rằng Chúa là tốt lành nhưng tội ác cũng hiện hữu ở đời này. Chúa đặt trước mặt chúng ta cả thiện lẫn ác, phước lành lẫn rủa sả, và Ngài đã ban cho chúng ta trách nhiệm chọn hoặc cái này hoặc cái kia (Phục 30:19). Vì nhiều người chọn tội lỗi và tội ác nên chúng ta thấy hậu quả của tội lỗi trên thế gian này. Ngay cả người tốt vẫn còn sống dưới gánh nặng của thế gian tội lỗi này. Chúng ta cảm nhận áp lực của tội ác và mong mỏi lúc nào đó tội ác không còn nữa. Kinh Thánh cho biết ngay cả mọi tạo vật cũng than thở dưới ách nô lệ của sự hư hoại và mong chờ được tự do như con người mong (Rô 8:18-23). Chúng ta phục vụ một Đức Chúa Trời vô hình, Đấng mầu nhiệm! Chúng ta có thể biết chút ít về Ngài, nhưng nhiều điều về Ngài chúng ta không tài nào biết hết.

Ôi, sự giàu có, khôn ngoan và hiểu biết của Đức Chúa Trời thật sâu thẳm! Sự phán xét của Ngài không ai thấu triệt, đường lối Ngài không ai dò tìm nổi

Rôma 11:33

Chúng ta có thể biết bản tính của Ngài và đặt lòng tin nơi sự thành tín của Ngài là Ngài luôn ở với chúng ta, nhưng chúng ta không thể hiểu hết mọi việc Chúa làm hay không làm. Đức tin nghĩa là chúng ta tin điều chúng ta không thể thấy và thường là không hiểu hết. Chúng ta có đức tin đang khi chúng ta chờ đợi những mầu nhiệm này được bày tỏ, và nếu chúng ta thành thật, chúng ta sẽ
nhận ra rằng một số câu trả lời có thể không được bày tỏ cho chúng ta bao lâu chúng ta còn sống trên đất này. Chúa đòi hỏi chúng ta tin cậy Ngài, và nếu chúng ta có mọi câu trả lời thì không cần tin Ngài làm chi. Trước khi chúng ta có thể thoả mãn trong đời chúng ta phải thoả mái với những “điều không biết” này.

Nhờ Thử Thách Mà Thêm Thân Mật

 

 

Một trong những câu nói mầu nhiệm và thách thức trong Kinh Thánh đó là Hêbơrơ 5:8-9 : “Dù là Con, Ngài cũng phải học tập vâng lời trong những điều thống khổ Ngài đã chịu. Khi hoàn tất rồi, Ngài trở nên nguồn cứu rỗi đời đời cho tất cả những người vâng phục Ngài.” Rõ ràng là sự chịu khổ của Chúa Giê-su là cách làm cho Ngài được trọn vẹn (trưởng thành) và các môn đồ của Ngài cũng không thể bằng cách khác được.

Không thể đo lường đức tin nếu không có thử thách. Chúa ban cho chúng ta món quà đức tin, nhưng đức tin đó chỉ phát triển và thêm lên khi dùng tới.

Mười hai môn đồ đầu tiên trong bước đường họ theo Chúa cũng có nhiều điều họ không hiểu, và Chúa bảo họ, “Bây giờ các con không hiểu việc Ta đang làm, nhưng về sau các con sẽ hiểu” (Gi 13:7). Chúng ta sống trong một thế giới nhiệm mầu và có những biến cố không giải thích được, nhưng Chúa mong ước chúng ta tin cậy Ngài.

J Oswald Sanders nói trong cuốn sách Enjoying Intimacy with God, “Nếu chúng ta muốn từng trải sự thanh thản trong một thế giới đầy náo nhiệt, chúng ta cần nắm chặt lấy sự tể trị của Chúa và tin tưởng tình yêu của Ngài ngay cả khi chúng ta không thể hiểu hết mục đích của Ngài.”

Có nhiều điều mà chúng ta chỉ có thể học được lúc khó
khăn mà không thể học nơi nào khác. Trong Êsai 45:3 Chúa phán, “Ta sẽ ban cho ngươi các kho báu trong bóng tối, của cải nơi bí mật.” Có những kho báu mà chỉ có thể tìm thấy trong bóng tối. Một trong những kho báu này chính là được thân mật với Chúa.

Lý Luận

 

 

Bản chất tự nhiên của con người là muốn biết mọi thứ. Chúng ta muốn kiểm soát và không thích bỡ ngỡ. Chúng ta chỉ thích bỡ ngỡ khi nào mọi dự tính của chúng ta xảy ra theo đúng thời điểm chúng ta mong muốn, nhưng thực thế thì nó không xảy ra như vậy. Nếu chúng ta đã tin nơi Chúa rồi thì chúng ta hay cầu xin Ngài ban cho chúng ta điều chúng ta muốn, nhưng không phải lúc nào Ngài cũng làm điều đó. Vì thế chúng ta kết cuộc là vẫn có những câu hỏi còn bỏ ngỏ, và bản chất của chúng ta thì muốn chống cự lại chuyện này.

Cố gắng nghĩ ngợi ra chuyện nào đó mà không hề có câu trả lời đúng là gây thất vọng và bối rối. Sau nhiều năm đau khổ cả về tinh thần lẫn cảm xúc để cố hiểu cho được tại sao người lành mà gặp dữ, trong đó có chuyện tại sao tôi phải chịu sự lạm dụng từ cha tôi hơn mười năm, tôi đã đứng “ở ngã ba đường” trong bước đường theo Chúa. Tôi biết tôi phải quyết định tin cậy Chúa hoàn toàn mà không nhất thiết có mọi câu trả lời, còn không thì tôi không bao giờ nếm biết bình an gì cả. Cá nhân tôi tin rằng đây là quyết định cá nhân mà mỗi người phải đưa ra. Nếu bạn chờ ai đó giải thích về Chúa cho bạn thì bạn sẽ chờ đến muôn đời. Chúa vượt quá sự hiểu biết của chúng ta, nhưng Ngài thật tuyệt vời và đầy ngạc nhiên, và kết cuộc Ngài luôn luôn mang lại công bằng cho đời sống chúng ta. Chúa tin tưởng chúng ta mà không cần phải giải thích!

Người lành mà gặp dữ, và đó là cái duyên để họ tin cậy Chúa.

Ai trong vòng các ngươi kính sợ CHÚA, nghe theo tiếng của tôi tớ Ngài? Dù bước đi trong tối tăm và không có ánh sáng nhưng tin cậy nơi danh CHÚA và nương cậy nơi Đức Chúa Trời mình?

Êsai 50:10

Những thử thách mà chúng ta đối diện trong đời có thể được giảm thiểu khi chúng ta phản ứng với nó cách trưởng thành, và chúng ta sẽ đạt đến chỗ biết Chúa sâu nhiệm hơn trước đây. Tôi nghĩ hầu hết chúng ta đều nhìn nhận rằng phần lớn sự tăng trưởng thuộc linh có được là nhờ những lúc thử thách hơn là những lúc an nhàn.

Tôi quay sang đọc Thi Thiên 37 thường xuyên để tìm an ủi khi tôi thấy mình rơi vào hoàn cảnh bối rối. Trong mười một câu đầu chúng ta được dạy rằng không nên giận dữ vì cớ kẻ làm ác, vì chúng sẽ bị biến mất nhanh chóng. Chúng ta phải tin cậy Chúa và làm điều lành thì chúng ta sẽ được Ngài nuôi nấng. Tôi tin điều này có nghĩa là Ngài sẽ chu cấp cho chúng ta điều chúng ta cần trong đời. Không nhất thiết là mọi thứ chúng ta muốn, nhưng chắc chắn là Ngài chu cấp điều chúng ta cần.

Thi Thiên 37:8 cho biết rằng chúng ta hãy thôi giận dữ và bỏ đi phẫn nộ vì nó chỉ dẫn đến việc ác. Nếu chúng ta để việc ác của người khác khiến chúng ta nổi giận thì kết cuộc chúng ta cũng làm ác luôn. Chúng ta cũng có một lời hứa kỳ diệu . . . “Nhưng những người nhu mì sẽ thừa hưởng đất, và vui mừng trong bình an thịnh vượng.” (Thi 37:11). Người nhu mì là người hạ mình và tin cậy Chúa bất kể hoàn cảnh trong đời họ thế nào.

Sứ đồ Phaolô nói ông quyết định không biết gì ngoài Chúa Giê-su và việc Ngài chịu đóng đinh (1Cô 2:2). Dường như là Phaolô có lẽ cũng mệt mỏi trong việc cố gắng tìm ra lời giải thích hợp lý cho mọi vấn đề và rồi quyết định
chỉ biết Chúa thôi.

Chúng ta phải tin cậy nơi Chúa với cả lòng và trí của chúng ta mà không dựa vào sự hiểu biết của mình (Châm 3:5). Châm Ngôn cũng cho biết thêm là chớ khôn ngoan theo mắt mình (Châm 3:7). Đối với tôi điều này có nghĩa là không một phút nào tôi nên nghĩ là tôi khôn ngoan đủ để lèo lái cuộc đời tôi hay là tìm ra những lý do tại sao Chúa lại làm điều Ngài đang làm. Nếu tôi hiểu được Chúa thì Ngài có thể không phải là Chúa của tôi. Chúa chắc hẳn phải vĩ đại hơn chúng ta về mọi phương diện, còn không thì Ngài không phải là Chúa. Kinh Thánh nói Chúa không có khởi đầu và không có kết thúc. Chúng ta không thể hiểu câu nói đơn giản như thế về Chúa, vậy thì sao chúng ta lại muốn hiểu mọi chuyện khác?

Chúa chắc chắn sẽ bày tỏ một số điều cho chúng ta và Ngài cũng sẽ ban cho chúng ta những câu trả lời về nhiều việc, nhưng Ngài không ban cho chúng ta câu trả lời cho mọi vấn đề. Chúng ta chỉ biết một phần theo như Lời Chúa nói, nhưng lúc nào đó chúng ta sẽ biết như Chúa đã biết chúng ta vậy.

Vì hiện nay chúng ta chỉ thấy mập mờ qua gương, đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy tận mặt. Bây giờ chúng ta chỉ hiểu biết một phần, đến bấy giờ chúng ta sẽ biết hoàn toàn như Chúa biết chúng ta vậy.

1Côrinhtô 13:12

Sao Chúa Không Can Thiệp?

 

 

Thật khó hiểu tại sao Chúa không can thiệp trong những đau khổ của chúng ta khi mà chúng ta biết rõ là Ngài có thể làm chuyện này cách dễ dàng. Khi ông Giacơ bị bỏ tù, ông bị chém đầu, nhưng khi Phierơ bị bỏ tù thì ông được thiên sứ giải cứu và hội thánh tổ chức buổi nhóm cầu
nguyện. Tại sao? Câu trả lời duy nhất là, “Bây giờ ngươi không biết việc Ta đang làm nhưng về sau ngươi sẽ hiểu.” Có lẽ chúng ta không tài nào nắm bắt hết mọi kiến thức mà chúng ta nghĩ là chúng ta cần. Có lẽ Chúa giữ lại thông tin không cho chúng ta biết là do sự thương xót của Ngài. Tôi quyết định tôi sẽ tin rằng Chúa không bao giờ làm việc gì trong đời sống tôi hay Ngài không bảo tôi làm gì trừ khi cuối cùng điều đó mang lại ích lợi cho tôi.

Quyết định này đã mang lại bình an ngập tràn cho tôi.

Bạn có lẽ đã nhớ phần đầu trong sách này tôi có nói rằng nếu chúng ta muốn có bình an, chúng ta phải đeo đuổi nó hết lòng. Trong việc đeo đuổi bình an, tôi khám phá ra rằng bình an và niềm vui đến qua việc tin cậy (Rô 15:13), và đó là điều tôi quyết định đeo đuổi. Tôi không làm trọn hết, nhưng Chúa giúp tôi học đáp ứng với những điều mà tôi không hiểu hết bằng thái độ “Chúa ơi, con tin cậy Ngài,” thay vì có thái độ “Chúa ơi, con bối rối quá, và con cần hiểu chuyện gì xảy ra đây.” Hết thảy chúng ta đều có thể quyết định tương tự để đáp ứng bằng đức tin thay vì nghi ngờ, và thực tế Thánh Linh đang thôi thúc bạn làm điều này ngay bây giờ trừ khi bạn đã quyết định rồi. Tôi không nói về chuyện tin cách chung chung, nhưng nói đến chuyện tin cậy Chúa trong và qua mọi hoàn cảnh trong đời. Thật dễ để tin Chúa “để được” mọi sự, nhưng Ngài muốn chúng ta tin Ngài “trong” mọi sự và “qua”

mọi sự.

Ông Gióp

 

 

Tôi nghĩ nếu tôi phải thêm một chương nói về sự thử thách mà không thể giải thích hết được thì tôi cần nói về ông Gióp. Ông là người công chính chịu khổ vượt quá những gì tôi được biết tới. Ông Gióp bám chặt lấy đức tin
của ông một thời gian dài, nhưng rốt cuộc ông bắt đầu đòi Chúa trả lời. Chúa để cả bốn chương trả lời ông Gióp, và Ngài phán đại ý là “Gióp ơi, nếu con khôn ngoan thì tại sao con không thử làm Chúa một lát. Con sẽ điều hành thế giới này và xem thử con làm ra sao.” Dĩ nhiên cuối cùng ông Gióp hạ mình và nhận ra rằng ông đã nói cách ngu dại. Sau đó ông Gióp nói một lời đầy kinh ngạc và cũng là lời mà nhiều người trong chúng ta cũng có thể nói sau khi chịu đựng những thử thách kinh khiếp:

Trước kia con chỉ nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, chính mắt con đã thấy Ngài.

Gióp 42:5

Trong hoạn nạn của ông Gióp, ông nhận biết Chúa một cách sâu đậm mà không hề biết trước đây. Trước lúc chịu khổ ông chỉ biết về Chúa, nghe nói về Ngài, nhưng bây giờ ông biết rõ Ngài! Tôi biết có một cậu thanh niên đã chết vì bệnh ung thư, và dù anh đã trải qua thử thách kinh khiếp nhưng anh nói, “Tôi không đánh đổi kinh nghiệm này để lấy bất cứ thứ gì, vì trong đó tôi đi đến chỗ biết Chúa cách thân mật.” Có phải điều này có nghĩa là Chúa sắp đặt cho người ta bệnh để rồi sẽ biết rõ Ngài không? Không phải, tôi không nghĩ vậy, nhưng Ngài dùng kinh nghiệm đó vì ích lợi cho chúng ta.

Chúa Giê-su

 

 

Nếu chúng ta muốn bàn đến những nỗi khổ bất công thì chúng ta phải nói đến Chúa Giê-su. Sao Đức Chúa Trời không nghĩ ra một vài kế hoạch nào khác để cứu chuộc con người thay vì cho phép chính Con Ngài chịu đóng đinh cách kinh khiếp và phải gánh chịu cơn thống khổ đó
là mang lấy tội lỗi con người trên chính con người vô tội của Ngài? Có lẽ giống bất kỳ người cha tốt nào, Chúa sẽ nói, “Ta không bảo con trải qua bất kỳ điều gì mà chính Ta không trải qua.” Như đã nói trước đó, tôi không có mọi câu trả lời cho những câu hỏi này, nhưng có phải chúng ta phải có mọi câu trả lời để tin nơi Chúa không? Tôi không nghĩ vậy! Đức tin vượt quá hiểu biết, và thực tế thì đức tin thường thay thế hiểu biết.

Khi tôi bắt đầu viết chương này tôi đã tra xét lòng để xem những gì Chúa muốn tôi trả lời cho những ai đang giận Chúa do những thử thách và thất vọng trong đời sống. Trong chốc lát tôi nhận ra rằng Ngài không muốn tôi cố gắng đưa ra câu trả lời, vì chúng ta sẽ không hiểu được câu trả lời nào cả. Có vô số sách vở đã viết để cố gắng giải thích Đức Chúa Trời và một số người đã làm rất tốt, nhưng tôi sẽ không làm chuyện này. Tôi chỉ đơn giản nói rằng bạn có thể chọn không nổi giận, và nếu bạn chọn vậy thì bạn đang làm ơn cho chính bạn vì nổi giận với Chúa thật vô cùng dại dột. Ngài là Đấng duy nhất giúp chúng ta, vậy sao chúng ta lại đóng cửa với nguồn cứu giúp của chúng ta?

Tôi biết rằng nếu bạn đã bị tổn thương nặng, điều gì đó trong bạn kêu gào lên ngay bây giờ, “Bà Joyce ơi, nói thế thì chưa đủ.” Nếu bạn có nói vậy, tôi hiểu, và tôi chỉ cầu nguyện để bạn sớm chán ngán cái cảnh đau khổ này mà bạn sẽ cùng với ông Gióp mà thốt lên, “Dẫu Chúa có giết tôi, tôi vẫn tin cậy Ngài” (Gióp 13:15).

Nổi Giận Với Chúa?

 

 

Có một phụ nữ tôi quen mà chúng tôi gọi là Janine đã kể cho tôi nghe rằng một thời gian dài cô nổi giận với Chúa. Tin Chúa từ lúc nhỏ, Janine lúc nào cũng mong đợi gặp
được một người đàn ông cơ đốc tốt, yêu nhau và lấy nhau rồi gây dựng gia đình. Sau khi học xong đại học, cô đến sống tại New York City để đeo đuổi nghề giáo. Janine tìm được một hội thánh tốt và chẳng bao lâu trở thành một tín hữu năng động ở đó, tham gia vào sinh hoạt của hội thánh. Cô có nhiều bạn tốt ở đó và là một thành viên trong nhóm những người độc thân. Sau vài năm, nhiều người trong hội thánh lập gia đình và đều có gia đình riêng.

Janine mới hai mươi tuổi ngày nào nay bước sang tuổi ba mươi, và trong suốt thời gian đó cô liên tục cầu nguyện xin Chúa ban một người chồng và có gia đình riêng. Chúa có chúc phước cho nghề nghiệp của cô, và chẳng bao lâu cô làm hiệu phó trường trung học nơi cô đã dạy. Dường như là Chúa đã ban phước mọi thứ trong đời sống cô ngoại trừ cái mà cô quan tâm nhất. Các bạn của cô đã có con cái, và nhiều người trong số đó dọn đi khỏi New York để nuôi dạy con cái họ ở môi trường thân thiện với gia đình hơn. Janine vẫn cứ làm việc siêng năng và năng động trong hội thánh. Nhưng cô không hiểu tại sao Chúa không cho phép cô nhận được điều mà lòng cô ước ao : một tấm chồng và một gia đình riêng. Cô đâm ra nổi giận với Chúa. Sao Ngài lại yên lặng thế? Nói cho cùng, Janine ước ao điều phải và tự nhiên; Chúa có nói trong Sáng Thế Ký rằng con người ở một mình không tốt cơ mà. Cô ta bắt đầu cầu nguyện xin bình an, lý luận rằng nếu Chúa phán rằng Ngài không cho cô một tấm chồng thì ít ra cô cũng muốn có một cảm giác thoả lòng với những điều tốt lành mà Chúa đã ban phước cho cô.

Nhưng rồi năm tháng cứ dần dà trôi qua, và Janine vẫn cứ cô đơn. Trong lúc cô hưởng rất nhiều ơn phước trong đời sống, nhưng nỗi cô đơn mà cô kinh qua ngày càng trở thành một “cái gai” nơi hông. Sao lại đời thuở nào mà Chúa không thèm để ý lời cầu nguyện của cô mà ban cho cô cái điều hết sức tự nhiên và đẹp đẽ mà ai cũng muốn? Cô không hiểu nổi tại sao Chúa lại nói “không” với
lời cầu nguyện như thế. Bình an mà cô đã xin cũng không đến luôn. Sao Chúa lại yên lặng như thế?

Một ngày nọ Janine thấu hiểu được. Khi cô cầu nguyện, xin Chúa kiểm soát cảm xúc của cô, cô thấy khải tượng Chúa Giê-su tại vườn Ghết-sê-ma-nê, đang xin Đức Chúa Trời cất chén đắng khỏi Ngài trước khi Ngài chịu đóng đinh. Khi cầu nguyện xong, Ngài nói, “Không phải ý con mà ý Cha được nên.” Đức Chúa Trời trả lời “không” với Chúa Giê-su ngày hôm ấy. Chúa Giê-su cần phải chịu cơn thống khổ của thập tự giá để cứu rỗi nhân loại.

Lúc đó Janine nhận ra rằng nếu Đức Chúa Trời trả lời không với con Ngài và Chúa Giê-su đã không nhận được câu trả lời thì Janine cũng có thể không nhận được câu trả lời. Dù hoàn cảnh không có gì thay đổi, nhưng mọi thứ đã đổi thay đối với Janine. Lần đầu tiên hơn một thập niên, Janine hiểu ra rằng cô không cần phải biết mọi câu trả lời – vì Chúa là Đức Chúa Trời – và nếu cô phải sống độc thân suốt quãng đời còn lại mà không hiểu tại sao thì cô vẫn chấp nhận.

Vài năm sau đó, lúc Janine bốn mươi ba tuổi, cô gặp một người đàn ông cơ đốc tuyệt vời và đã lấy chàng hai năm sau đó. Janine kể cho tôi nghe rằng nếu cô được trẻ lại, cô sẽ không phí thì giờ và cảm xúc để mà nổi giận với Chúa vì Ngài dường như im lặng. Lúc đó cô sẽ để thì giờ vui hưởng phước lành mà cô có và làm hết sức mình để đón nhận “phán quyết” của Chúa trong vấn đề này.

Đôi khi Chúa trả lời “không” với những điều tốt đẹp và thường tình mà chúng ta muốn. Đôi khi Ngài phán, “bây giờ chưa được.” Đành rằng chúng ta mãi mãi sẽ không biết hết cái tại sao ở đời này, nhưng chúng ta có thể dùng thì giờ chúng ta có để tận hưởng cuộc sống Chúa ban cho, hay là chúng ta để thì giờ dằn vặt trong bối rối và khổ đau. Bạn nghĩ lúc nào là lúc tận dụng thì giờ? Đối với tôi, tôi thà dùng thì giờ của tôi sao cho ích lợi, dù tôi không biết mọi câu trả lời.

Một Đứa Trẻ Cầu Nguyện Mà Vẫn Cứ Đau Khổ

 

 

Vì là một đứa bé bị cha lạm dụng về tình dục, về tinh thần, về cảm xúc lẫn lời nói, tôi thường cầu nguyện với Chúa là Ngài hãy đem tôi ra khỏi hoàn cảnh hiện tại của tôi, nhưng Ngài không làm. Tôi cầu nguyện cho mẹ tôi bỏ cha tôi và sẽ bảo vệ tôi, nhưng bà cũng không bỏ. Trong lúc ấu trĩ thiếu khôn ngoan, tôi thậm chí đã cầu nguyện cho cha tôi chết, nhưng ông vẫn sống nhăn răn và tiếp tục hành vi lạm dụng của ông.

Tại sao? Câu hỏi đó đã ậm ực trong tôi nhiều năm trời. Sao Chúa lại không giải cứu một bé gái đã kêu cầu Ngài? Ngay cả sau khi tôi thành phụ nữ hầu việc Chúa tôi vẫn còn thắc mắc “tại sao”, vì ai mà không thắc mắc vậy? Chúa tỏ cho tôi biết rằng có những lúc người vô tội bị vạ lây của kẻ gian ác. Cha tôi có quyền trên tôi vì là cha mẹ, và ông chọn tội ác và những chọn lựa này ảnh hưởng tôi. Dù biết như thế, tôi vẫn biết rằng Chúa có thể chấm dứt hoàn cảnh này, nhưng Ngài chọn làm khác đi. Ngài ban cho tôi can đảm và sức mạnh để chịu đựng và chiến thắng nó. Ngài cho phép tôi dùng nỗi đau của tôi để giúp nhiều người khác, và làm vậy quả đã thành ích lợi cho tôi và ích lợi cho nhiều người khác mà tôi có thể cảm thông và giúp đỡ. Suốt nhiều năm tôi hay nói, “Giá như tôi đã không bị lạm dụng thì cuộc đời tôi chắc sẽ tốt đẹp hơn.” Bây giờ tôi biết rõ hơn; tôi tin cuộc đời tôi đã trở thành đầy năng quyền hơn và kết quả hơn nhờ vụ việc đó. Một trong những cách mà Chúa bày tỏ quyền năng vô song của Ngài là giúp những con người bình thường chiến thắng những nghịch cảnh bất thường và có được những thái độ lẫn từng trải phi thường để giúp đỡ những con người tầm thường. Tôi rất biết ơn khi nói rằng tôi có được cái vinh dự là một trong số những con người bình thường
đó. Tôi cần phải nói, “Chúa ơi, con cảm tạ Ngài vì đã ban cho con câu trả lời hay nhất cho lời cầu nguyện của con, chứ không ban cho câu trả lời mà con muốn.”

Tôi cầu nguyện rằng những điều tôi chia sẻ về việc nổi giận với Chúa sẽ mang lại ích lợi cho độc giả. Tôi không cố đưa ra cho bạn câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa này, nhưng tôi cố gắng chia sẻ chân thành tấm lòng tôi về vấn đề này. Xin hãy tin cậy Chúa bất kể điều gì xảy ra cho bạn hay cho ai đó mà bạn biết. Bất kể chuyện gì xảy ra ở đời này, Chúa vẫn là tốt lành và Ngài yêu bạn! Nếu bạn tự làm khổ mình bằng những thắc mắc như, “Chúa ơi, sao vậy, sao vậy?” Tôi khích lệ bạn hãy quyết định quăng hết mọi lo lắng cho Chúa và thưa, “Chúa ơi, con tin cậy Ngài bất kể chuyện gì xảy ra!”