Chương 10: Muốn Tha Thứ, Nhưng Không Biết Làm Sao

Hãy Làm Ơn Cho Bản Thân Tha Thứ

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Rất dễ để khuyên một người là họ cần phải tha thứ những ai làm tổn thương họ, nhưng nếu họ không biết cách để tha thứ thì sao. Tôi đã gặp những người cứ đến gặp tôi nhiều lần, nhờ tôi cầu nguyện để họ đủ sức tha thứ cho kẻ thù của họ. Họ thật lòng nhưng đã thất bại. Tôi quy lại thành một tiến trình mà tôi tin chúng ta cần phải trải qua để kinh nghiệm sự đắc thắng trong việc tha thứ những ai làm tổn thương chúng ta.

Cầu nguyện thật quan trọng, nhưng chúng ta phải làm nhiều thứ để tha thứ hơn là chỉ cầu nguyện. Khi chúng ta làm phần của chúng ta, Chúa luôn làm phần của Ngài, nhưng thường thì chúng ta không làm phần của chúng ta; sau đó chúng ta lại bối rối về việc tại sao là lời cầu nguyện hình như không được đáp lời. Chẳng hạn, một người thất nghiệp cầu nguyện xin Chúa ban cho mình một công việc, nhưng anh ta vẫn cần đi tìm việc và nộp đơn cho các công ty thì mới có việc làm. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho việc tha thứ.

Ước Muốn

 

 

Bước đầu tiên để tha thứ kẻ thù đó là phải có ước muốn mạnh mẽ làm chuyện này. Ước muốn thúc đẩy chúng ta chấp nhận bất cứ điều gì để đạt được mục tiêu. Một người cần giảm cân sẽ không giảm, trừ khi người đó muốn thật hết lòng. Tại sao? Vì người đó cần có một khát khao để giúp người đó ăn ít khi đói hay liên tục khước từ những loại thức ăn nào có nhiều ca-lo-ri khi thấy người khác ăn. Tôi có một người bạn mới đây giảm được sáu mươi pound. Cô ta phải mất một năm kỷ luật mới giảm cân được, thậm chí bây giờ cô ta vẫn phải kỷ luật bản thân mỗi ngày để không quay lại thói quen cũ. Điều gì thúc đẩy cô ta? Mỗi ngày cô thèm ăn rất nhiều thứ, nhưng ước muốn được khoẻ mạnh và giữ cân để cho đẹp đẽ mãnh liệt hơn ước muốn ăn nhiều.

Tôi biết chúng ta không muốn đối diện sự thật, nhưng thực tế là chúng ta thảy đều làm những gì chúng ta muốn làm nếu ước muốn của chúng ta đủ mạnh mẽ. “Tôi không thể” nghĩa là “Tôi không muốn.” Không ai trong chúng ta vui vẻ nhận trách nhiệm về những lĩnh vực có vấn đề trong đời sống. Chúng ta thích bào chữa và đổ lỗi hơn, nhưng những điều này không giải phóng chúng ta.

Khi người ta đến tuổi về hưu và suốt nhiều năm họ đã dành dụm đủ tiền để đảm bảo tài chánh, ấy là vì họ đã có một khát khao đủ mạnh để thúc đẩy họ kỷ luật bản thân. Họ phải trả lời không mua một số đồ họ muốn mới dành dụm tiền bạc được.

Ước muốn mãnh liệt sẽ sản sinh ra những kết quả trong mọi lĩnh vực trong đời sống, và việc sống tự do khỏi cay đắng, bực bội và không tha thứ cũng không ngoại lệ. Nếu bạn không có ước muốn gì cả, hãy bắt đầu xin Chúa ban cho bạn ước muốn vì đó là nền tảng của mọi thành công. Trước đây tôi không có ước ao gì để tha thứ cho cha tôi
vì đã lạm dụng tôi cho đến khi tôi bắt đầu học Lời Chúa. Một khi tôi học Lời Chúa, tôi thấy được tầm quan trọng của việc tha thứ và đó là ý muốn của Chúa dành cho tôi. Tôi nhận biết rằng Chúa đã tha thứ cho tôi nhiều biết chừng nào và điều Ngài bảo tôi làm không khác gì với điều Ngài đã làm cho tôi. Quyền năng trong Lời Chúa đã sản sinh trong tôi một ước ao để vâng lời Chúa trong chuyện này, và tôi tin Lời Chúa cũng làm tương tự cho bạn. Nếu bạn không có ước ao tha thứ cho kẻ thù, hãy học tất cả những gì Lời Chúa nói về đề tài này, và tôi tin lòng bạn sẽ được thay đổi. Bạn sẽ muốn tha thứ, và một khi bạn muốn thì tiến trình sẽ bắt đầu.

Quyết Định

 

 

Sau khi bạn có ước ao tha thứ, bạn phải quyết định làm. Quyết định không thể là quyết định cảm xúc, nhưng phải là một quyết định mà người ta gọi là “quyết định dứt khoát”. Quyết định kiểu như thế không xê dịch khi cảm xúc dao động. Ấy là một quyết định vững vàng quyết tâm biến việc tha thứ thành một lối sống. Quyết định này không nhất thiết là thay đổi cách bạn cảm nhận ngay lập tức, và cũng không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ còn tranh chiến với ý tưởng tha thứ cho người ta. Một số người có thể cần được tha thứ lặp đi lặp lại về cùng một vấn đề, và như thế không có nghĩa là dễ làm đâu. Đây là một việc làm có chủ đích, chứ không phải là dựa vào cách chúng ta cảm nhận.

Cha tôi là một người rất cộc cằn trong cách cư xử và tiếc thay là tôi rất giống ông ta. Vì không có ai khác nên tôi phải giống ông thôi, thế là tôi nhiễm tính ông. Hành động và lời nói của tôi thường hay cộc cằn, và tôi biết nhà tôi phải tha thứ cho tôi nhiều lần trong suốt những năm
tháng mà Chúa thay đổi tôi và làm mềm tấm lòng cứng cỏi và tan nát của tôi. Tiến trình chữa lành cần thời gian và nhà tôi rất kiên nhẫn, nhưng tạ ơn Chúa là nhà tôi không làm bởi sức riêng. Chúa ban cho anh ân sủng để chịu đựng những yếu đuối của tôi, và Ngài cũng sẽ ban cho bạn ân sủng để xử sự với những người như thế trong đời sống bạn.

Thỉnh thoảng tôi phải xử lý với những người trong đời sống tôi hiện tại đã cư xử y như tôi đã cư xử trước đây, và tôi phải nhắc nhở chính tôi hãy làm cho họ điều mà nhà tôi đã làm cho tôi. Thật không dễ chút nào và thường thì tôi không cảm thấy thích chuyện này, nhưng tôi đã có một quyết định dứt khoát vâng lời Chúa và không sống giận dữ và cay đắng nữa. Tha thứ là một trong những món quà tốt đẹp nhất mà Chúa ban cho chúng ta, và khi chúng ta chịu trao ban món quà đó cho người khác, nó sẽ tăng thêm vẻ đẹp, bình an, niềm vui và sức mạnh cho chính đời sống chúng ta.

Chúa dạy chúng ta trong Lời Ngài cách để sống đúng, nhưng Ngài không bao giờ ép chúng ta làm những gì Ngài dạy. Ngài để cho mỗi chúng ta chọn lựa. Có nhiều lúc trong đời sống tôi khi tôi thật sự ước ao là tôi có thể bắt những người tôi yêu thương làm điều đúng, nhưng lúc đó tôi được nhắc nhở rằng Chúa ban cho tất cả chúng ta quyền tự do chọn lựa và Ngài mong ước chúng ta chọn làm điều đúng để chúng ta hưởng được cuộc sống mà Chúa Giê- su chết để chúng ta hưởng.

Bất cứ khi nào chúng ta vâng lời Chúa, chúng ta đang làm ơn cho bản thân vì mọi điều Ngài bảo chúng ta làm đều vì ích lợi cho chúng ta. Tôi nhắc nhở chính mình điều này thường xuyên mỗi khi Ngài bảo tôi làm một việc gì khó. Mỗi chúng ta phải tự chọn thôi; không ai chọn thay cho chúng ta. Tôi khuyên bạn hãy có một quyết định dứt khoát để tha thứ. Một khi bạn quyết định rồi thì bạn sẽ sẵn sàng cho bước kế tiếp trong tiến trình tha thứ.

Lệ Thuộc

 

 

Bước kế tiếp trong tiến trình tha thứ người khác là lệ thuộc Thánh Linh giúp bạn làm những gì bạn đã quyết định dứt khoát rồi. Chỉ quyết định không thì chưa đủ. Quyết định là quan trọng nhưng vẫn chưa đủ, vì sức mạnh ý chí thôi thì không mang lại kết quả. Chúng ta cần sức mạnh siêu nhiên của Thánh Linh, Đấng sống trong chúng ta và Ngài luôn sẵn sàng giúp chúng ta làm theo ý Chúa. Trong Nước Chúa, sự độc lập không phải là nét hấp dẫn lắm, và sống thế cũng không ích lợi gì. Chúng ta khích lệ con cái trưởng thành và trở nên độc lập, nhưng chúng ta càng tăng trưởng trong Chúa, hay chúng ta càng trưởng thành thuộc linh thì chúng ta càng lệ thuộc nơi Ngài. Nếu chúng ta bỏ qua khía cạnh này trong đời sống theo Chúa, chúng ta sẽ luôn thấy thất vọng. Chúa không ban phước cho những gì mà Kinh Thánh gọi là “công việc của xác thịt,” tức là những gì mà chúng ta cố gắng làm mà không cần Chúa. Dù chúng ta có cật lực để cố gắng làm theo ý Chúa, chúng ta phải lệ thuộc nơi Ngài mới thành công. Kinh Thánh khích lệ chúng ta hãy nhận biết Chúa trong mọi đường lối chúng ta (Châm 3:6). Điều này có nghĩa là chúng ta nên mời Ngài can dự vào mọi hoạt động của chúng ta và thưa với Ngài rằng chúng ta biết chúng ta sẽ không thành công nếu không có Ngài giúp đỡ.

Vì con người có khuynh hướng muốn độc lập và thích làm theo ý riêng, nên thái độ lệ thuộc Chúa không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Kinh Thánh nói trong Xachari 4:6 rằng chúng ta chiến thắng cuộc chiến không bởi năng lực hay sức mạnh của chúng ta mà bởi Thánh Linh của Chúa. Chúa ban cho chúng ta ân sủng, tức là quyền năng của Ngài để làm những việc cần làm.

Chính Ta là cây nho, còn các con là nhánh; người nào cứ ở trong Ta và Ta trong người ấy thì chắc sẽ sinh nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được.

Giăng 15:5

Tôi tin Giăng 15:5 là câu quan trọng trong Kinh Thánh. Những vấn đề khác phụ thuộc vào việc chúng ta hiểu câu Kinh Thánh này, tức là nếu Chúa kêu gọi tôi làm việc gì đó hay truyền bảo tôi làm điều gì đó, tôi vẫn không thể làm trừ khi tôi lệ thuộc nơi Ngài. Ngài muốn chúng ta kết quả tốt đẹp, làm những việc tốt đẹp, nhưng chúng ta không thể có được trừ khi chúng ta hoàn toàn lệ thuộc nơi Ngài. Mau tha thứ cho những người làm vấp phạm chúng ta là kết quả tốt đẹp và điều này làm đẹp lòng Chúa, nhưng chúng ta không thể làm được trừ khi chúng ta xin sự giúp đỡ và sức mạnh của Ngài.

Bạn có thất vọng vì bạn cố gắng làm những việc mà không thấy kết quả tuy nhiên bạn thật sự tin rằng đây là những việc thiêng liêng mà bạn nên làm không? Có thể vấn đề của bạn là thái độ cậy vào bản thân và độc lập. Tại sao chúng ta thích tự thân làm mà không cần ai giúp? Chỉ đơn giản là vì chúng ta thích mình “có công” và thích hãnh diện về những thành quả của mình, nhưng Chúa muốn chúng ta ngợi khen Ngài về mọi chiến thắng của chúng ta và tạ ơn Ngài vì Ngài cho phép chúng ta làm cái bình để Ngài dùng.

Lúc này hay lúc khác chúng ta muốn làm điều đúng mà vẫn thất bại. Kinh Thánh nói tâm linh thì muốn còn xác thịt thì yếu đuối (Mat 26:41). Đây là điều quan trọng mà chúng ta cần phải học. Nó sẽ giúp chúng ta đến với Chúa cầu nguyện ngay khi bắt đầu bất kỳ một kế hoạch nào và xin Ngài giúp đỡ. Nó cũng giúp chúng ta khỏi phí sức và khỏi thất bại ê chề. Tại văn phòng chúng tôi, chúng tôi có thu hình hàng ngàn chương trình phát hình, nhưng chúng tôi không bao giờ bắt đầu nếu không hiệp lại xin Chúa
giúp chúng tôi. Tôi phải mất nhiều năm để học được rằng công việc của xác thịt chẳng ích gì; điều duy nhất ích lợi là lệ thuộc Chúa.

Tôi nhớ rõ có lần đi nhóm và nghe một bài giảng đầy quyền năng về vấn đề nào đó, tôi được thuyết phục trong lòng là tôi cần phải thay đổi. Sau đó tôi về nhà và cố gắng thay đổi nhưng mỗi lần như thế đều thất bại. Điều này làm tôi vô cùng bối rối cho đến cuối cùng tôi nhận ra rằng tôi bỏ Chúa ra ngoài dự tính của tôi. Tôi cứ đinh ninh rằng vì điều tôi cố gắng làm là ý Chúa nên tôi sẽ thành công. Nhưng tôi phải học biết rằng không việc gì thành công nếu tôi không lệ thuộc Ngài giúp nó thành công và dâng vinh hiển cho Ngài về việc này.

Tôi tin nhiều người thật sự yêu Chúa đã nhiều lần thất vọng khi cố gắng trở thành “tín đồ ngoan đạo” vì họ không hiểu chân lý này. Tôi đã phí những năm tháng “cố” để sống đạo, nhưng lại không chịu lệ thuộc hoàn toàn nơi Chúa để giúp tôi thực hiện. Kinh Thánh đầy dẫy những câu nói về tầm quan trọng của việc lệ thuộc nơi Chúa và những tấm gương về những con người thất bại vì họ không lệ thuộc Chúa và những con người thành công vì họ lệ thuộc Chúa.

Êsai bảo dân sự Chúa hãy chấm dứt đặt lòng tin nơi con người yếu đuối, mỏng manh, là loài chỉ có hơi thở trong lỗ mũi tạm thời (Êsai 2:22). Chúa muốn dân sự lệ thuộc Ngài để Ngài ban cho họ sự chiến thắng. Sự nhấn mạnh của Chúa qua tiên tri Êsai thật đơn giản, sao lại tin cậy con người có quá nhiều yếu đuối trong khi đó bạn có thể tin cậy Chúa?

Tiên tri Giêrêmi cũng giảng sứ điệp tương tự cho dân sự mà ông nói tiên tri. Ông nói chúng ta bị rủa sả khi chúng ta đặt lòng tin nơi con người mỏng manh và quay lưng khỏi Chúa. Nhưng chúng ta sẽ được phước rất nhiều khi chúng ta tin cậy, nương nhờ và tin tưởng vào Chúa, đặt hy vọng và niềm tin nơi Ngài (Giê 17:5,7).

Sứ đồ Phaolô viết cho tín hữu người Galati hỏi họ có phải họ cho rằng sau khi bắt đầu đời sống thuộc linh với Thánh Linh mà bây giờ họ lại cậy xác thịt để đạt đến sự trọn vẹn sao (Ga 3:3)? Rõ ràng câu trả lời là không, họ không thể làm vậy. Phaolô biết họ không thể đạt đến sự trưởng thành thuộc linh nếu họ không tiếp tục lệ thuộc Thánh Linh, và chúng ta cũng sẽ thất bại trong mọi việc chúng ta làm, kể cả tha thứ kẻ thù, nếu chúng ta không lệ thuộc Chúa để nhận sức mạnh làm theo.

Nên chúng ta thấy được rằng có ba bước phải thực hiện trong tiến trình tha thứ đó là ước muốn, quyết định và lệ thuộc. Một khi bạn làm ba bước này, bạn sẽ đi tiếp bước kế tiếp.

Cầu Nguyện Cho Kẻ Thù

 

 

Chúa bảo chúng ta không chỉ cầu nguyện cho kẻ thù mà còn chúc phước, chứ đừng rủa sả họ. Lạ lùng quá! Bạn có nghĩ là chuyện này thật bất công quá không? Ai mà muốn cầu nguyện cho kẻ thù mình được phước? Có lẽ không ai trong chúng ta muốn cả nếu chúng ta sống theo cảm xúc thay vì theo Lời Chúa.

Nhưng Ta bảo các con: ‘Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con, để các con trở nên con cái của Cha các con trên trời, vì Ngài cho mặt trời soi trên kẻ ác cũng như người thiện và ban mưa cho người công chính cũng như kẻ bất chính.

Mathiơ 5:44-45

Lời dạy này không có nghĩa là chúng ta phải thành “miếng dẻ chà chân” để người ta giẫm lên, cũng không có nghĩa rằng chúng ta không bao giờ sửa sai họ về hành vi
xấu của họ. Tha thứ kẻ thù liên hệ đến thái độ của tấm lòng đối với người ta và cách chúng ta đối xử họ. Chúa Giê-su không ngược đãi ai chỉ vì họ ngược đãi Ngài. Ngài sửa sai họ trong tinh thần mềm mại và sau đó tiếp tục cầu nguyện cho họ và yêu thương họ.

Chúng ta không lấy ác trả ác, hay rủa sả trả rủa sả (1Phi 3:9). (Ối chà!) Trái lại, chúng ta phải cầu nguyện cho sức khoẻ, hạnh phúc và sự bảo vệ của họ và thật sự thông cảm và yêu thương họ. Tôi nghĩ điều này cho chúng ta thấy rằng chúng ta nên nghĩ đến những gì mà kẻ thù chúng ta gây ra cho chính họ qua những hành động xấu hơn là những gì họ làm cho chúng ta. Không ai thật sự làm hại chúng ta nếu chúng ta vâng lời Chúa và đặt lòng tin cậy Ngài. Họ có thể làm chạm tự ái chúng ta, nhưng Chúa luôn sẵn sàng chữa lành chúng ta.

Cầu nguyện cho người ta nhận được khải thị nơi Chúa về cách cư xử của họ vì họ có thể lắm đã bị lừa dối và không nhận biết hết việc họ đang làm. Hãy chúc phước cho kẻ thù của bạn bằng cách nói tốt về họ. Hãy bỏ qua tội lỗi của họ và đừng nhắc lại nó hay đi ra nói xấu họ.

Tôi nghĩ không chịu cầu nguyện cho kẻ thù là một trong những yếu tố chính làm gián đoạn tiến trình tha thứ. Chúng ta lúc đầu có ý định tha thứ, nhưng nếu chúng ta bỏ qua bước quan trọng này mà Chúa truyền bảo chúng ta làm, chúng ta sẽ không thành công. Như phần lớn trong các bạn, tôi cũng đã kinh nghiệm một số tổn thương kinh khủng bởi những con người mà tôi nghĩ là bạn tôi, và tôi nhìn nhận rằng việc tôi cầu nguyện để cho họ được phước thường là một việc “chẳng đặng đừng”, nhưng tôi tin đây là việc đúng đắn cần làm. Ai mà tha thứ đều có quyền năng nơi Chúa, và họ đã phản ánh Chúa rất rõ nét.

Liệu hôm nay bạn có bắt đầu tha thứ cho kẻ thù của bạn không? Liệu bạn có thực hành nguyên tắc này cho đến lúc nó trở thành phản ứng tự nhiên và trước hết đối với vấp phạm không? Nếu bạn làm, bạn sẽ làm cho Chúa
vui và bạn cũng vui nữa. Mỗi khi chúng ta vâng lời Chúa, chúng ta làm ơn cho mình.

Bước cuối cùng trong tiến trình tha thứ là hiểu được cách cảm xúc của bạn phản ứng với toàn bộ ý niệm tha thứ cho người ta như thế nào. Nói đơn giản là cảm xúc sẽ rối bời lên. Cảm xúc cũng có “suy nghĩ” riêng, và nếu nó không được kiểm soát, nó sẽ kiểm soát chúng ta. Tôi đã viết một cuốn sách có tựa Living Beyond Your Feelings, và tôi khuyên bạn hãy đọc sách này để nhận ánh sáng hiểu biết cảm xúc của bạn.

Cảm xúc không bao giờ biến mất hoàn toàn, nhưng chúng ta phải học điều khiển nó. Chúng ta phải học làm điều đúng ngay cả khi chúng ta không cảm thấy muốn làm. Tôi đã học từ kinh nghiệm rằng dù tôi nổi giận với nhà tôi, tôi vẫn có thể nói chuyện với anh và cử xử tốt với anh đang khi tôi nhờ cậy Chúa trong tiến trình tha thứ cho anh. Khám phá này là một phát hiện quan trọng đối với tôi vì tôi đã phí rất nhiều năm nổi giận dai và trù cho nhà tôi đi khuất mắt tôi cho đến khi cảm giác tôi không còn bị tổn thương nữa. Tôi không biết việc này mất bao lâu. Đôi khi bất chợt nhà tôi xin lỗi tôi ngay. Nhưng khi anh không xin lỗi vì anh không nghĩ hay nhận ra anh đã làm sai thì chuyện này mất nhiều ngày và đôi khi nhiều tuần. Cuối cùng, khi tôi tiếp nhận lời xin lỗi và cảm thấy thoải mái hơn thì tôi đối xứ tốt với anh. Như thế là để cho cảm xúc điều khiển tôi chứ không phải chính tôi kiểm soát, và đó không phải là ý Chúa dành cho chúng ta.

Nổi giận khi người phối ngẫu mình phạm những tội nho nhỏ làm cho chúng ta bực mình là một chuyện, nhưng còn phạm những tội trọng thì sao? Có phải có một số tội quá trọng nên không thể tha thứ được chăng? Để tôi chia sẻ cho bạn hai câu chuyện rồi bạn sẽ quyết định. Hãy đọc hai câu chuyện này và suy nghĩ bạn sẽ phản ứng như thế nào trong những tình huống như vậy.

Cách đây nhiều năm người giám đốc về truyền thông
cho chức vụ Joyce Meyer Ministries là Ginger Stache, trải qua những lúc khó khăn trong hôn nhân của cô. Cô và chồng mình là Tim đồng ý chia sẻ câu chuyện của họ trong sách này vì họ muốn giúp những người bị tổn thương. Tấm lòng của Ginger rất quan tâm đến các chị em phụ nữ đã bị tổn thương trong hôn nhân. Đây là câu chuyện do chính cô kể:

Chúng tôi yêu nhau lúc còn học đại học, lấy nhau được mười lăm năm, có hai đứa con gái thật đẹp. Nhà tôi là người bạn thân của tôi và cuộc đời lúc đó thật tốt đẹp. Nhưng khi tôi thấy chồng tôi nghiện xem phim ảnh khiêu dâm, thì ấn tượng của tôi về con người anh và mối quan hệ của chúng tôi đều tan tành mây khói.

Chúng tôi không còn là một cặp đôi hạnh phúc, yêu nhau như chúng tôi tưởng. Chúng tôi rất năng nổ trong hội thánh; tôi làm việc trong chức vụ, nhưng chỉ toàn là bề ngoài thôi sao? Tôi tan nát cõi lòng, thấy bị phản bội. Cảm xúc mà tôi cảm nhận rất là căng thẳng, nổ tung lên, từ chỗ bị sốc đến chỗ ghê tởm và buồn giận. Làm sao một người mà tôi chia sẻ cuộc sống tôi, một người mà tôi nghĩ là thân thiết nhất lại làm chuyện này? Sao mà tôi bị lừa dối như vậy? Còn điều dối trá nào khác không? Ngoài hàng loạt những cảm xúc bộc phát như vậy, cơn giận đã bén rễ sâu hơn.

Tôi đâm ra giận dữ với chồng tôi vì đã đem điều ghê tởm này vào gia đình tôi và vào hôn nhân chúng tôi. Đành rằng một số người có thể không đồng ý là anh ta không chung thuỷ, nhưng đối với tôi chuyện này khỏi phải thắc mắc. Tôi nghĩ con tim và tình cảm của anh là của tôi, đằng này anh lại để chỗ khác; anh tập chú vào những hình ảnh của các phụ nữ khác, những cảnh ăn mặc hở hang hão huyền như thế. Làm sao tôi lại không ghen được? Làm sao tôi tha thứ cho anh được? Tại sao tôi phải cố gắng?

Anh cũng ở trong tình trạng rối ren. Những việc đen
tối mà anh giấu giờ đã lộ ra. Anh thấy xấu hổ, sợ hãi và buông xuôi. Anh hứa sẽ chấp nhận tất cả để được giúp đỡ, nhưng tôi không màn đến những lời anh nói. Làm sao tôi tin anh nữa? Tôi lúc đó rất cương quyết và không chấp nhận để bị lừa lần nữa. Tôi thấy chỗ an toàn nhất là chỗ tôi nổi giận, không chịu tha thứ; làm thế sẽ bảo vệ tôi khỏi bị tổn thương lần nữa.

Và cơn giận của tôi cũng có lý do. Bạn biết là có hai trường phái liên quan đến chuyện xem phim ảnh đồi truỵ. Một số người cho rằng nó vô tội, vô hại và không có gì để bực bội. Số khác cho rằng đây là điều ghê tởm, một nan đề chỉ dành cho con người truỵ lạc và thật là kinh khủng mà cơ đốc nhân không nên nói đến.

Khi điều ghê tởm này xông hãm vào đời sống tôi, tôi biết cả hai trường phái này đều sai. Tôi là nạn nhân và tôi bắt đầu phát hiện ra nhiều người mà tôi quen cũng là nạn nhân như vậy. Những cơ đốc nhân này nghĩ họ chưa hề gặp những chuyện ghê tởm như thế nên chịu khổ cách im lặng. Tôi thì không thể bỏ qua được và chắc chắn là tôi không cứ mãi im lặng được.

Tôi phải quyết định. Hôn nhân của chúng tôi có sống sót được qua biến cố này không? Tôi có muốn chuyện này không? Chuyện này ảnh hưởng đến con cái như thế nào? Con cái là mối bận tâm hàng đầu của tôi.

Dù có thừa nhận hay không thì bạn không thể tách cơn giận khỏi một người mà đời sống bạn không bị nhiễm độc. Tôi không thể cho phép nỗi đau ảnh hưởng đến cái khả năng làm người mẹ đảm đang đối với các con tôi hay tách tôi khỏi ơn gọi của Chúa trên cuộc đời tôi.

Chúa Giê-su luôn là nơi trú ẩn của tôi, và tôi phải làm dịu cơn giận của tôi xuống đủ để Ngài trở thành nơi trú ẩn cho tôi bây giờ. Tôi tìm kiếm Chúa trong đau đớn, và sự chỉ bảo của Ngài thật rõ ràng. Những gì Ngài đòi hỏi nơi tôi thật quan trọng hơn cơn giận hay niềm kiêu hãnh của tôi. Đó là câu trả lời duy nhất. Ngài yêu cầu tôi tha thứ.

Tôi biết tôi không có khả năng này, nhưng chuyện tha thứ cho chồng tôi là hạt giống tôi phải gieo để sự chữa lành xảy ra. Đó là một quyết định, chứ không phải là một cảm xúc, và Chúa hứa song hành với tôi qua chuyện này. Chúa không bảo tôi hãy tin tưởng chồng tôi; Ngài bảo tôi hãy tin cậy Ngài. Làm sao tôi lại từ chối Chúa tôi Đấng đã tha thứ cho tôi quá nhiều như vậy?

Đây là một sự chọn lựa mỗi ngày và là một lựa chọn khó khăn, nhưng Chúa rất thành tín ngay cả khi chúng ta không trung tín. Ngài dẫn dắt chúng tôi gặp một nhà tư vấn cơ đốc, một nhóm giúp khai trình, và hạt giống tha thứ mà tôi gieo đã từ từ trở thành sự chữa lành bộc phát.

. Hơn mười năm sau đó, chúng tôi yêu nhau như hồi ở đại học, lấy nhau hơn hai mươi lăm năm, có hai cháu gái yêu mến Chúa. Chồng tôi là người bạn thân nhất của tôi, và cuộc đời thật tốt đẹp. Tình yêu của chúng tôi chưa toàn hảo nhưng nó mãnh liệt hơn trước. Chúng tôi phải nỗ lực thông công nhau, tin cậy Chúa và tha thứ mỗi ngày.

Jonas Beiler lớn lên như phần lớn đứa trẻ Tin lành khác, yêu mến Chúa và yêu gia đình, làm việc có đạo đức, và điều mà nhiều người ngày nay gọi là dấu hiệu của cộng đồng tin lành đó là hiểu rõ sức mạnh của tha thứ.

Jonas rời cộng đồng Tin lành để đeo đuổi giấc mơ của cậu đó là sở hữu một cửa hàng bán máy móc. Người ta thường trích câu nói của Jonas đó là “Tôi yêu mã lực hơn là yêu mã.” Anh lấy một người vợ dễ thương tên là Anne. Bây giờ chắc bạn biết Anne có biệt danh là một “Bà trùm,” lúc đó là người giàu có và nổi tiếng thế giới.

Jonas và Anne sống đời sống giản dị ở nông trại của gia đình Anne và họ rất là hạnh phúc. Jonas là thợ máy, còn Anne bận nuôi dạy hai con gái là Lawonna và Angie. Vì là những thành viên sáng lập hội thánh đang phát triển, cặp vợ chồng này để phần lớn thì giờ rảnh làm việc sát cánh với mục sư của họ mà cũng là bạn thân của Jonas. Vị mục sư đặt trọng trách cho cặp vợ chồng Beiler làm mục
sư thanh niên. Nhưng cuộc sống mãn nguyện của họ trong suốt những ngày này sắp biến thành điều khủng khiếp, như Anne và Jonas đã thú nhận, nó hầu như cướp đi mạng sống của họ.

Anne và Jonas tan nát; mỗi người đau khổ trong im lặng khi họ than khóc cho một tai nạn thảm khốc, làm mất đi đứa con gái mười chín tháng tuổi của họ là Angie. Anne rơi vào chỗ tuyệt vọng hoàn toàn. Mục sư của Jonas cầu nguyện cùng với Anne vào một Chủ Nhật nọ về nỗi thất vọng mà cô cảm nhận đối với cái chết của Angie. Sau lời cầu nguyện ông bảo cô gọi điện cho ông. Anne kể cho Jonas chuyện xảy ra và Jonas đồng ý ngay rằng việc gặp mục sư là ý kiến hay. Suy cho cùng, Jonas biết anh không thể giúp vợ mình, nhưng có lẽ bạn của họ sẽ giúp được.

Ngay từ đầu Anne cảm thấy không hay lắm khi mấy lần gặp riêng mục sư. Cô có kể lại những lần gặp gỡ trong cuốn sách của cô Twist of Faith như sau : “Tôi không thể tin được là tôi cảm thấy nhẹ nhàng như thế nào khi nói về con gái tôi là Angie, về cái ngày cháu mất, về cách tôi cảm nhận . . . Khi đến lúc tôi về . . . mục sư hôn chào tôi thật nhiều, nhưng lần này khi tôi ngước lên anh hôn tôi. . . cuối cùng anh kéo tôi ra và nói, “Tôi thấy rõ Anne ạ, em có nhu cầu trong đời sống em mà chồng em không thể thoả mãn được. Nhưng anh sẽ thoả mãn được.” Khi tôi chạy ra xe, điều duy nhất hiện ra trong đầu tôi : tôi không hề nói chuyện này với chồng tôi . . . anh sẽ không tin tôi.” Giữ kín chuyện này chứng tỏ là một lỗi lầm tai hại.

Không ai khác ngoại trừ mục sư mới khuyên lơn Anne, cô ta dễ dàng thành miếng mồi để vị mục sư này thao túng. Chuyện ngoại tình giữa họ kéo dài sáu năm nhưng Jonas không hề thắc mắc về lòng trung thành của người bạn thân của anh, còn không thì anh đã không cho phép vợ anh gặp.

Khi cuối cùng Anne chấm dứt mối quan hệ đó, cô biết là cô phải nói với chồng mình về những gì xảy ra. Jonas nói,
“Tôi gào thét với bốn bức tường sau khi cô ta bỏ đi . . . tôi thấy đầu óc tôi rơi vào bóng tối . . . tôi cầu nguyện, “Ôi, Chúa ơi, xin đừng cho con thấy thêm một ngày nào nữa.” Hôm sau Jonas gọi cho một vị tư vấn có giảng tại hội thánh của anh trước đây và kể cho người này chuyện đã xảy ra. Cuộc gọi đó giúp anh chọn con đường tha thứ, không chỉ chữa lành Jonas mà còn chữa lành cả gia đình anh. Vị tư vấn này khuyên Jonas một điều đã làm thay đổi cuộc đời anh mãi mãi. Ông nói với anh rằng, “cơ hội duy nhất mà anh cứu vãn hôn nhân của anh là anh có yêu vợ anh như Chúa Giê-su yêu anh không.”

Đối với một số người những lời này không đủ làm dịu cơn giận mà sự phản bội gây ra. Nhưng đối với Jonas lời này là đủ. Anh diễn tả khả năng để bắt đầu tiến trình tha thứ bằng những lời này : ‘Bằng cách nào đó nhờ đức tin sâu sắc và truyền thống đức tin tốt đẹp mà tôi đã được dưỡng dục, tôi tra xét sâu thẳm trong linh hồn tôi như chưa từng có trước đây và thấy rằng Chúa ban cho tôi ân sủng để làm điều mà tôi nghĩ là làm được . . . ấy là hy vọng duy nhất mà tôi có : khám phá thể nào Chúa yêu tôi đến độ tôi có thể yêu vợ tôi như vậy.”

Chúa đã đem Jonas hiểu được tình yêu của Ngài. Đáp lại Jonas có thể bày tỏ tình yêu với Anne, tha thứ cô bằng sự tha thứ mà Chúa Giê-su đã chết để ban cho hết thảy chúng ta. Tuy nhiên, như Jonas kể, việc hôn nhân của họ được phục hồi không xảy ra trong chốc lát. Anh nói, “Giữa lúc đối diện biết bao đau đớn, lộn xộn và thất vọng, tôi đã cam kết . . . bất kể tôi cảm nhận tôi như thế nào, tôi sẽ cố gắng hết sức tiếp tục . . . ngày nay câu chuyện này nghe có vẻ “thần tiên” quá vì nó kết thúc “có hậu.” Nhưng . . . thỉnh thoảng sự bất mãn vẫn còn len lỏi vào. Được phục hồi khỏi một biến cố nào đó không có nghĩa là hôn nhân tránh khỏi đau đớn. Nhưng sự phục hồi có thể xảy ra. Mỗi lần tôi có cơ hội giới thiệu vợ tôi, tôi thích giới thiệu cô như là . . . người bạn thân, là người vợ, người mẹ của các
con tôi, và là bà ngoại của cháu tôi. Đây vẫn là ước mơ của tôi, khi chúng ta trải qua những lúc đen tối, tôi có thể nói được rằng.

“Giấc mơ của tôi đã thành sự thật nhờ tình thương của Chúa Giê-su.”

Những nhân vật trong hai câu chuyện trên đều đối diện với những tình huống bi thảm làm tan nát cõi lòng và gây tổn thương. Họ có thể bỏ cuộc và chấm dứt hôn nhân của họ, nhưng tạ ơn Chúa, bởi ân sủng và lòng thương xót của Chúa, họ sẵn sàng và có thể tha thứ được. Đúng, đây là điều ngạc nhiên thật, song chúng ta phục vụ một Đức Chúa Trời đầy ngạc nhiên mà! Chúng ta tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta công cụ chiến thắng những phản ứng thuộc về cảm xúc đối với nỗi đau mà chúng ta vừa mới đọc qua. Thật ra, mọi sự đều có thể được với Chúa. Nếu chúng ta để cho cảm xúc kiểm soát, satan sẽ kiểm soát chúng ta. Điều duy nhất nó làm là tạo cho chúng ta cái cảm giác khó chịu, và chúng ta sẽ hành xử theo sau đó. Chắc chắn là bạn biết chuyện này không nên như vậy. Chúng ta nhất quyết phải học sống vượt qua cảm xúc. Chúng ta có thể tha thứ cho những ai làm tổn thương chúng ta nếu chúng ta chịu làm vậy. Chúng ta có thể cầu nguyện cho kẻ thù dù chúng ta có cảm thấy thích hay không. Chúng ta có thể nói chuyện với người ta hoặc kiềm chế để không nói xấu về họ. Chúng ta có thể làm theo ý Chúa bất kể là chúng ta cảm thấy thế nào.

Cảm xúc là một phần của hồn, và nó có thể tốt đẹp và sản sinh ra những cảm giác tốt đẹp, nhưng nó cũng làm điều ngược lại. Nó có thể phục vụ Chúa hoặc satan, và chúng ta phải chọn một trong hai. Khi ai đó làm tôi tự ái và tôi để cho cảm xúc bị tổn thương này kiểm soát hành vi của tôi thì tôi đặt mình vào tay của satan. Nhưng nếu tôi làm điều Chúa truyền bảo dù tôi cảm thấy thế nào, thì tôi vận dụng uy quyền không chỉ đối với cảm giác của mình mà còn đối với satan nữa. Tôi thấy có một cảm giác
đầy sức sống và thoả mãn lạ lùng khi mau tha thứ và cầu nguyện cho những người làm tổn thương tôi. Tôi biết tôi làm điều đúng dù tôi có cảm thấy thế nào, và làm việc đúng luôn mang lại cho chúng ta sự thoả mãn thuộc linh sâu xa trong lòng.

Cảm giác của bạn không phải là con người thật của bạn. Ý chí của bạn được ý Chúa tiếp sức sẽ là “ông sếp lớn” trong quyết định của bạn, dù cảm xúc có dao động và lên xuống. Khi cảm xúc chìm xuống, chúng ta vẫn ổn định. Nếu chúng ta quyết định làm điều đúng dù chúng ta cảm thấy thế nào, cảm xúc của chúng ta cuối cùng sẽ bắt kịp với quyền năng của chúng ta. Nói cách khác, chúng ta không thể chờ cảm thấy đúng mới làm điều đúng; chúng ta làm đúng rồi sau đó cảm giác sẽ theo sau. Nó vẫn bấp bênh, nhưng cảm xúc sẽ cải thiện khi chúng ta kiên định vâng theo ý Chúa. Trong lúc làm điều Chúa bảo bạn làm, bạn có thể tin cậy Ngài chữa lành những cảm xúc bị tổn thương. Giải pháp tốt nhất là đừng nên hỏi cảm giác khi bạn đưa ra quyết định. Hãy để Thánh Linh và sự khôn ngoan của Ngài dẫn dắt, chứ đừng bao giờ bị điều khiển bởi cách bạn cảm nhận.

Chúng ta không thể kiểm soát những gì người khác làm và cách họ quyết định đối xử chúng ta, nhưng chúng ta có thể kiểm soát phản ứng của chúng ta đối với họ. Đừng để cách cư xử của người khác kiểm soát bạn. Đừng để họ cướp đi niềm vui của bạn; hãy nhớ cơn giận của bạn không thay đổi họ, nhưng cầu nguyện có thể thay đổi.

Cách Để Cầu Nguyện Cho Kẻ Thù

 

 

Không phủ nhận sự thật là khó để nghĩ đến việc cầu nguyện cho ai đó làm tổn thương bạn, dù đó là người bạn, người lạ hay người thân. Nhưng việc này có thể làm được.

Không chỉ thế, tôi còn có thể đảm bảo với bạn là như mọi vấn đề khác, càng làm càng thấy dễ.

Therese là một người làm việc siêng năng đã có nhiều thập niên kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chánh. Khi ở độ tuổi bốn mươi, cô được một công ty hàng đầu tuyển dụng để làm công việc cấp cao. Được trả lương hậu và nhiều ưu đãi, cô đã làm việc cho công ty hai mươi năm và được các nhân viên và cộng sự kính nể. Ngay cả lúc nền kinh tế dao động, cô an tâm là công việc hiện tại của cô ổn định. Cô không thật sự muốn từ bỏ công việc đó để nhận một công việc mới nơi mà cô trở thành “lính mới.”

Vị tổng giám đốc CEO của một công ty chào mời cô một công việc mới là Steve, người đã thuê cô làm việc nhiều năm trước đó. Cô biết anh là một ông chủ tốt và là người hiền lành. Anh trấn an với cô là anh đảm bảo cô sẽ được đối xử công bằng. Sau nhiều lần cầu nguyện và cân nhắc, Therese cùng chồng quyết định là cô nên nhận lời chào mời đó.

Công việc mới thật tuyệt vời. Trách nhiệm của cô rất hợp với tài năng của cô, và cô tiến triển ở công ty mới. Có một cộng sự không tử tế với cô, nhưng người phụ nữ này tên là Jackie cũng không tử tế với ai cả. Lý lịch của cô này đầy dẫy những lời than phiền từ các cộng sự và cấp dưới do cô này xử tệ với họ, và ai cũng biết cô này có vấn đề, kể cả sếp cũng biết. Therese làm hết sức để hoà đồng với Jackie mà không lo lắng gì cả.

Thời gian trôi qua, cách cư xử của Jackie đối với Therese trở nên đê tiện hơn và lố bịch hơn, và Therese bắt đầu nghi ngờ rằng Jackie không muốn cô làm việc tại công ty này nữa. Ngày nọ tại buổi họp công ty, Jaclie nhục mạ Therese ngay trong phòng đầy đủ những phó giám đốc và nói dối về một tài khoản bị đánh cắp, đỗ lỗi toàn bộ thất thoát này cho Therese.

Hai ngày sau đó, sếp của Therse gọi cô vào văn phòng và sa thải cô. Jackie nói cho sếp nghe cùng một lời dối trá
đó, và sếp đã đồng ý mà không cho phép Therese tự bênh vực cho mình. Therse không chắc là cô sẽ giận ai, Jackie hay sếp Steve. Ở độ tuổi năm mươi, Therse mất việc, và công ty không thuê cô nữa.

Tối đó Therse về nhà mà lòng tan nát. Khi đến lúc đi ngủ, chồng cô cầu nguyện lớn tiếng và chờ cô cầu nguyện, họ làm việc này hàng đêm. Khi cô cầu nguyện, Therse biết rằng cô cầu nguyện cho Jackie và Steve. Cô cũng biết cô căm ghét họ lúc đó. Đối với cô, cả hai con người đều phản bội cô. Bây giờ cô thất nghiệp, cuộc sống của họ diễn ra như thường lệ, và cô được dạy là phải cầu nguyện cho họ chăng?

Cô cầu nguyện, “Chúa ơi, con biết con nên cầu nguyện cho kẻ thù của con. Những người này là Jackie và Steve, đã đặt tương lai của chúng con đến chỗ đường cùng một cách vô cớ. Con rất giận họ, và con thú thật với Ngài là con không muốn cầu nguyện cho họ. Nhưng con phải cầu nguyện. Xin hãy cáo trách họ về những gì họ đã làm cho con trong Danh Chúa Giê-su. Amen!”

Therese kể cho tôi nghe là phải mất mấy tháng, nhưng hàng đêm cô cầu nguyện cho Jackie và Steve, và lời cầu nguyện của cô bắt đầu thay đổi. Chẳng bao lâu, cô bắt đầu cầu nguyện cho Jackie được lành bệnh hen suyễn rất trầm trọng. Sau đó cô thấy mình cũng muốn cầu nguyện cho thái độ của Jackie đối với cộng sự và nhân viên mềm mại hơn; và cô ấy cũng tử tế hơn. Therese cầu nguyện cho Steve tìm người khác tốt hơn thay thế cô này và những nhân viên làm việc với cô này trước đây sẽ thích người sếp mới này. Cô cầu nguyện cho một số vấn đề cá nhân của sếp mà ai cũng biết.

Từng hồi từng lúc, cảm xúc của Therese đối với Jackie và Steve bắt đầu thay đổi. Cô kể cho tôi nghe rằng dù những tổn thương mà cô gánh chịu bởi bàn tay của hai người này vẫn còn đó, nhưng nó dần dần phai nhạt theo thời gian, và cuối cùng cô thấy mình cầu nguyện xin Chúa
ban phước cho họ và cô thật lòng cầu nguyện! Khi Jackie bị đuổi việc vài năm sau đó, Therese tội nghiệp cho cô ta và hỏi thăm cô ta. Không ai ngạc nhiên về sự tử tế của Therese cho bằng chính Therese. Nhưng Chúa đã làm việc trong lòng cô, dù chậm mà chắc.

Làm sao bạn cầu nguyện cho kẻ thù? Hãy cầu nguyện thôi. Lúc đầu bạn sẽ không cảm thấy gì. Nhưng như Therese, bạn sẽ kinh nghiệm sự chữa lành trong chính linh hồn của bạn nếu bạn vâng lời Chúa thay vì làm theo cảm xúc.