LỜI GIỚI THIỆU

Kính Sợ Chúa

Đăng vào: 5 tháng trước

.

LỜI GIỚI THIỆU

Vào mùa hè năm 1994 tôi được mời giảng cho một hội thánh tại miền nam nước Mỹ. Buổi nhóm này trở thành một kinh nghiệm đáng buồn mà tôi đã trải qua trong chức vụ hầu việc Chúa. Tuy nhiên cũng nhờ kinh nghiệm đó mà tôi quyết lòng tìm cầu để hiểu biết về sự kính sợ Chúa.

Hai năm trước đó, hội thánh này đã kinh nghiệm sự vận hành mạnh mẽ của Chúa. Có một nhà truyền giảng đến giảng suốt bốn tuần, và Chúa đã thăm viếng và phấn hưng hội thánh này. Nhiều người trong hội thánh đã kinh nghiệm cái gọi là “tiếng cười thánh.” Kinh nghiệm đó thật mới mẻ nên mục sư cùng nhiều tín hữu của ông mong ước nó xảy ra thường xuyên hơn; họ cứ muốn duy trì sự thăm viếng này thay vì tiếp tục đeo đuổi Chúa. Chẳng mấy chốc họ đâm ra thích thú những sự thăm viếng và phấn hưng của Chúa hơn là học biết Chúa là Đấng làm cho phấn hưng.

Trong buổi nhóm đêm thứ hai, Thánh Linh dẫn dắt tôi giảng về sự kính sợ Chúa. Lúc đó tôi mới chớm biết về sự kính sợ Chúa, nhưng Chúa hướng dẫn tôi giảng những gì mà Ngài đã bày tỏ cho tôi trong Kinh Thánh.

Đêm hôm sau, tôi đến buổi nhóm, hoàn toàn không chuẩn bị trước cho những điều sẽ xảy ra. Không hề báo trước, sau giờ ngợi khen và thờ phượng vị mục sư đứng lên, để phần lớn thời gian góp ý bài giảng mà tôi đã giảng đêm hôm qua. Lúc đó tôi đang ngồi hàng ghế phía trước và hơi bị sốc. Lời góp ý của ông căn bản là tín đồ thời Tân ước không cần phải kính sợ Chúa nữa. Ông dùng 1 Giăng 4:18 hỗ trợ cho lập luận của ông: “Không có sự sợ hãi trong tình yêu thương, trái lại tình yêu toàn vẹn loại bỏ sợ hãi, vì sợ hãi có hình phạt và ai sợ hãi thì không được toàn vẹn trong tình yêu thương.” Vị mục sư này lẫn lộn giữa linh sợ hãi với sự kính sợ Chúa.

Sáng hôm sau tôi tìm một chỗ yên tĩnh bên ngoài khách sạn để nhiều giờ cầu nguyện. Tôi mở lòng ra với Chúa và chấp nhận bất kỳ lời sửa dạy nào mà Ngài muốn nói với tôi. Tôi học được rằng sự sửa dạy của Chúa luôn luôn là ích lợi cho tôi. Ngài sửa dạy chúng ta để chúng ta dự phần vào sự thánh khiết của Ngài (Hê 12:7-11). Ngay lập tức tôi cảm nhận tình yêu lạ lùng của Ngài. Tôi nhận thấy Chúa không thất vọng về những gì tôi đã giảng, trái lại Ngài còn hài lòng. Tôi bật khóc trong sự hiện diện của Ngài.

Tôi tiếp tục cầu nguyện một hồi, thấy mình kêu gào tận sâu thẳm trong tâm linh và muốn biết thêm về sự kính sợ Chúa. Tôi dồn hết sức kêu cầu lớn tiếng, “Cha ơi, con muốn biết về sự kính sợ Chúa và sống kính sợ Ngài!” Khi cầu nguyện xong, tôi không còn lo là sẽ đối diện với chuyện gì trong tương lai. Điều duy nhất tôi muốn biết là tấm lòng của Chúa. Tôi cảm nhận rằng việc khao khát học biết một trong những phương diện về bản chất thánh khiết của Ngài là việc làm Ngài đẹp lòng. Kể từ hôm đó trở đi Chúa thành tín bày tỏ cho tôi về tầm quan trọng của việc kính sợ Chúa. Ngài cho biết là Ngài muốn mọi tín hữu biết tầm quan trọng của việc kính sợ Chúa.

Dù trước đây tôi vẫn biết rằng việc kính sợ Chúa là quan trọng, nhưng tôi không hiểu nó cần thiết thể nào cho đến khi Chúa mở mắt tôi trong khi đáp lời cầu nguyện của tôi. Tôi luôn luôn nghĩ rằng tình yêu của Chúa là nền tảng cho mối quan hệ với Chúa nhưng tôi cũng phát hiện ra rằng sự kính sợ Chúa cũng là nền tảng. Êsai nói:

CHÚA được tôn cao vì Ngài ngự trên cao. Ngài làm cho Si-ôn đầy dẫy công bình và công chính. Ngài sẽ là sự bền vững cho thời đại các ngươi; Sự cứu rỗi, khôn ngoan và tri thức sẽ đầy dẫy. Sự kính sợ CHÚA sẽ là kho báu của ngươi.

Êsai 33:5-6

Sự kính sợ thánh là chìa khoá của một nền tảng vững chắc, mở kho báu của sự cứu rỗi, khôn ngoan và tri thức. Cùng với tình yêu của Chúa, nó tạo nên nền tảng vững chắc cho cuộc sống! Chúng ta sẽ học được ngay rằng chúng ta không thể thật sự yêu Chúa cho đến khi chúng ta kính sợ Ngài, chúng ta không thể kính sợ Ngài đúng cách cho đến khi chúng ta yêu mến Ngài.

Khi tôi viết sách này, gia đình tôi đang xây nhà. Tôi đã đến xem hiện trường xây dựng nhiều lần, và Chúa dùng những lúc này để dạy tôi bài học về những nguyên tắc căn bản của việc xây nhà. Việc xây nhà bắt đầu bằng việc làm móng và xây tường. Công việc này phải hoàn tất trước khi trải thảm, gắn cửa, trang trí và quét vôi. Một khi căn nhà xây xong thì bạn không thấy cái móng hay gạch đá nữa, dù rằng nó là phần để bảo vệ toàn bộ nội thất bên trong. Không làm móng thì bạn chỉ có một đống vật liệu mà thôi.

Điều này cũng đúng với bố cục của sách này. Chúng ta sẽ mô tả rõ ràng giữa sự kính sợ Chúa và sự phán xét của Ngài, sau đó chúng ta đi đến việc hiểu rõ Ngài. Chúng ta sẽ nói về sự bảo vệ khỏi sự phán xét nhờ kính sợ Chúa và kết thúc nói về bổn phận của chúng ta là gần gũi Chúa. Mỗi chương sách chứa đựng những chân lý vừa mang tính thông tin vừa mang lại sự biến đổi. Vài chương đầu sẽ tạo tiền đề của cuốn sách. Nó làm cho tâm linh bạn mạnh mẽ để nắm bắt những gì Chúa sắp bày tỏ.

Hãy đọc cuốn sách này như thể là xem một ngôi nhà đang xây. Đừng vội trải thảm ngay. Không có mái nhà vì nhà chưa xây xong và trải thảm cũng vô ích. Việc xây nhà là một tiến trình.

Hãy để thì giờ cầu nguyện trước khi đọc và hiểu rõ mỗi chương trước khi đọc chương kế tiếp. Hãy xin Thánh Linh bày tỏ Lời Ngài cho bạn qua sách này, “Vì văn tự làm cho chết, nhưng Thánh Linh ban sự sống.” (2 Cô 3:6).

Sự kính sợ Chúa không thể hiểu bằng lý trí mà phải được ghi khắc trong lòng. Thánh Linh sẽ bày tỏ khi chúng ta đọc Lời Ngài. Đây là một trong những biểu lộ của Thánh Linh Chúa (Êsai 11:1-2). Chúa sẽ bày tỏ điều này cho những tấm lòng nào tha thiết tìm kiếm Ngài (Giê 29:11-14; 32:40).

Nào chúng ta hãy cầu nguyện trước khi bắt đầu đọc:

 

Cha ơi trong Danh Chúa Giê-su, con mở sách này ra vì con ước ao muốn biết và hiểu sự kính sợ Chúa. Con nhận biết rằng con không thể hiểu điều này được nếu không có Thánh Linh giúp đỡ. Con xin Ngài dùng Thánh Linh Ngài xức dầu cho con. Hãy mở mắt con để nhìn thấy, mở tai con để lắng nghe, và tấm lòng con để biết và hiểu những gì Ngài muốn nói với con.

Khi con đọc, xin giúp con nghe được tiếng Ngài qua những lời trong sách này. Hãy biến đổi con, hãy đem con từ vinh hiển đến vinh hiển. Hãy nâng con lên để nhìn thấy Ngài giáp mặt. Hãy để đời sống con được biến đổi để con không còn như trước đây nữa.

Con xin dâng cho Ngài mọi lời ngợi khen, vinh hiển và tôn trọng từ nay cho đến đời đời. Amen.

 

John Bevere