Chương Mười Một: KHẢ NĂNG NHÌN THẤY

Kính Sợ Chúa

Đăng vào: 5 tháng trước

.

MƯỜI MỘT

vintage-symbol

KHẢ NĂNG NHÌN THẤY

Ôi, nếu lòng họ cứ kính sợ Ta và luôn vâng giữ mọi điều răn Ta, họ và con cháu họ sẽ được phước mãi mãi!

Phục Truyền 5:29

Chúng ta thường nghe giảng những sứ điệp rút tỉa từ thư tín thứ nhất Phaolô gởi cho hội thánh tại Côrinhtô. Thư tín này thường được nói đến đặc biệt giữa vòng những tín đồ tin ân tứ. Hội thánh Côrinhtô được thành lập khoảng năm 51 SC (nhiều năm sau ngày Lễ Ngũ Tuần) và họ rất mở lòng với ân tứ và vì thế họ cũng nhận nhiều ích lợi từ các ân tứ này. Sự xức dầu của Thánh Linh rất mạnh mẽ giữa vòng các tín hữu, khác với nhiều hội thánh của chúng ta ngày nay.

Nhưng thư tín thứ hai của Phaolô gởi cho hội thánh tại Côrinhtô thì không được nói đến thường như thư tín thứ nhất. Thư tín này nhấn mạnh đến trật tự thiên thượng, sự kính sợ Chúa và sự phục hồi vinh hiển của Ngài. Nếu đọc theo mạch văn thì thư tín này chứa đựng một thông điệp mạnh mẽ và hấp dẫn cho các tín hữu ngày nay. Trong khi chúng ta xem xét một phần của thư tín này, hãy nhớ rằng 2Côrinhtô được viết cho những người không xa lạ với ơn xức dầu và thường hay vận hành trong ân tứ thuộc linh.

Vinh Hiển Cựu Ước Khác Tân Ước

Cả hai thư tín gởi cho người Côrinhtô, Phaolô thường nói đến việc dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập và khải thị về vinh hiển của Chúa bày tỏ cho họ tại đồng vắng. Kinh nghiệm của họ có liên hệ đến chúng ta nữa, vì tất cả những gì đã xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên về phương diện tự nhiên là hình bóng về những gì chúng ta sẽ kinh nghiệm trong lĩnh vực Thánh Linh. Phaolô nhấn mạnh điều này:

Những điều này đã xảy ra cho họ như là một bài học và cũng được ghi chép lại để làm gương cảnh cáo chúng ta, là những người đang sống vào thời đại cuối cùng này.

1 Côrinhtô 10:11

Thư tín thứ nhất bàn đến nhiều lẽ thật nền tảng về trật tự thiên thượng có trong tấm lòng của dân sự Ngài. Thư tín thứ hai bàn đến sâu hơn. Ông tiếp tục bàn đến ước ao của Chúa muốn bày tỏ vinh hiển của Ngài và ngự trong tấm lòng của dân sự Ngài. Phaolô bắt đầu so sánh vinh hiển của Chúa tại đồng vắng với vinh hiển của Ngài như đã bày tỏ trong thời Tân ước.

Để so sánh, ông viết:

Nếu chức vụ của sự chết, ghi khắc bằng chữ trên bảng đá còn được vinh quang đến nỗi người Y-sơ-ra-ên không thể nhìn thẳng vào mặt Môi-se vì mặt ông sáng loà hào quang, dù hào quang ấy chóng tàn phai. Huống gì chức vụ của Đức Thánh Linh lại không vinh quang hơn nhiều sao?

2Côrinhtô 3:7-8

Môise nhìn xem Chúa trên núi và nói chuyện với Ngài như một người nói chuyện với bạn mình. Khi ông xuống núi, Môise che mặt vì vinh hiển chói loà làm cho dân chúng kinh hãi. Vẻ mặt của Môise phản ánh rằng ông đã ở trong sự hiện diện hay vinh hiển của Chúa.

Trong Tân ước, kế hoạch của Chúa dành cho chúng ta không phải là để ngắm nhìn vinh hiển của Ngài mà để vinh hiển của Ngài được thấy trong chúng ta! Phản ánh một điều gì đó là một chuyện còn sống trong đó và chiếu sáng ra là một chuyện khác. Đây là mục tiêu tối hậu của Chúa!

Đây là lý do Phaolô nói:

Thật vậy, trong trường hợp này chức vụ cũ đã được vinh quang sẽ không còn vinh quang nữa so với sự vinh quang vô hạn.

2Côrinhtô 3:10

Dù vinh hiển của Cựu ước không so sánh với vinh hiển của Tân ước, nhưng vinh hiển của Cựu ước vẫn quá oai nghi đến độ Phaolô mô tả, “Dân Y-sơ-ra-ên không nhìn thấy sự kết thúc của hào quang chóng tàn” (c.13). Nhưng sau đó Phaolô vội thốt lên:

Nhưng tâm trí họ vẫn tối tăm.

2Côrinhtô 3:14

Thật bi thảm là họ không thể nhìn thấy chính điều mà họ rất cần thấy. Phaolô cảnh cáo chúng ta để chúng ta không cho phép mình bị che mắt và rơi vào cùng một số phận như vậy.

Chắc hẳn chúng ta sẽ hỏi, “Làm sao tâm trí họ bị tối tăm?” Câu trả lời chứa đựng sự khôn ngoan và tri thức mà chúng ta rất thiếu. Điều mà chúng ta thiếu là điều rất cần thiết để chúng ta bước đi trong vinh hiển của Chúa!

Để nhận được câu trả lời, chúng ta phải quay lại khoảng thời gian mà Phaolô nói đến.

Kính Sợ Chúa Khác Sợ Hãi Chúa

Dân Y-sơ-ra-ên vừa mới ra khỏi Ai-cập và được Môise dẫn đến núi Sinai, nơi mà Chúa bày tỏ vinh hiển của Ngài.

CHÚA phán dạy Môi-se: “Con hãy đến với dân Y-sơ-ra-ên và bảo họ làm cho mình thánh sạch trong ngày hôm nay và ngày mai. Bảo họ giặt áo xống và phải sẵn sàng vào ngày thứ ba vì ngày đó CHÚA sẽ giáng lâm trên núi Si-nai trước mắt toàn dân.”

Xuất 19:10-11

Sứ điệp này mang tính tiên tri, vì nó nói đến thời đại của chúng ta. Trước khi Chúa bày tỏ vinh hiển của Ngài, dân chúng phải biệt riêng ra thánh. Việc này bao gồm việc giặt sạch quần áo. Hãy nhớ một ngày đối với Chúa là một ngàn năm của chúng ta. Bây giờ đã gần 2000 năm (2 ngày) kể từ khi Chúa Giê-su sống lại. Chúa phán rằng suốt 2000 năm (2 ngày) này, hội thánh Ngài phải biệt riêng hay dọn mình ra thánh, ra khỏi thế gian để chuẩn bị cho vinh hiển của Ngài. Áo của chúng ta phải được tẩy sạch khỏi sự ô uế của thế gian (2Cô 6:16; 7:1). Chúng ta phải trở thành nàng dâu không tì vết của Ngài. Sau 2000 năm, Ngài sẽ bày tỏ vinh hiển của Ngài.

Hãy đọc câu chuyện về những gì xảy ra vào buổi sáng của ngày thứ ba:

Vào buổi sáng ngày thứ ba có sấm sét chớp nhoáng, mây đen kịt bao phủ núi và có tiếng kèn thổi vang làm cho mọi người trong doanh trại đều run sợ. Môi-se hướng dẫn dân chúng từ doanh trại bước ra để ra mắt Đức Chúa Trời và họ dừng lại ở chân núi. Khói bao phủ núi Si-nai, vì CHÚA giáng lâm trong lửa. Khói từ núi bay lên như khói từ lò lửa hực và cả núi rung chuyển dữ dội.

Xuất 19:16-18

Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài không chỉ bởi mắt thấy mà còn bởi tiếng phán và âm thanh. Khi Môise nói thì Chúa trả lời cho ông mà mọi người nghe được. Thường ngày nay Chúa được nói đến là bạn hữu của chúng ta theo một ý nghĩa rất phàm tục. Nếu chúng ta có thể thoáng nhìn được những gì Môise và dân Y-sơ-ra-ên thấy thì chúng ta sẽ thay đổi đáng kể cái nhìn của chúng ta. Ngài là Chúa, và Ngài không thay đổi! Hãy đọc kỹ phản ứng của dân sự khi Đức Chúa Trời ngự xuống:

Khi nghe thấy sấm chớp, tiếng kèn và núi bốc khói, dân chúng run rẩy sợ sệt. Họ đứng tận đằng xa và nói với Môi-se rằng: “Xin chính ông nói với chúng tôi và chúng tôi sẽ nghe lời. Xin đừng để Đức Chúa Trời phán với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất!” Môi-se nói với dân chúng: “Anh chị em đừng sợ. Đức Chúa Trời đến để thử anh chị em, để anh chị em có lòng kính sợ Đức Chúa Trời và không phạm tội với Ngài.”

Xuất 20:18-20

Để ý rằng dân chúng run rẩy và lùi lại. Họ không muốn nghe tiếng phán rõ ràng của Chúa. Họ không muốn ngắm nhìn hay sống trong sự hiện diện của vinh hiển Ngài. Họ không thể chịu nổi.

Môise liền cảnh cáo họ, “Đừng sợ . . .,” khích lệ họ quay lại sự hiện diện của Chúa khi ông giải thích rằng Chúa ngự xuống để thử họ.

Tại sao Chúa thử chúng ta? Để biết điều gì có trong lòng chúng ta chăng? Hoàn toàn không phải vậy. Ngài đã biết điều gì được che giấu trong lòng chúng ta. Ngài thử chúng ta để chúng ta biết điều gì có trong lòng mình. Mục đích của việc thử dân Y-sơ-ra-ên là gì? Để họ có biết là họ có kính sợ Chúa hay không?. Nếu họ kính sợ Ngài, họ sẽ không muốn phạm tội. Tội lỗi theo sau mỗi khi chúng ta lánh mặt khỏi Ngài.

Môise nói, “Đừng sợ.” Sau đó ông nói rằng Chúa ngự xuống để “. . . anh em luôn đặt sự kính sợ Chúa trước mặt mình.” Câu này đưa ra sự phân biệt giữa việc sợ hãi Chúa và kính sợ Ngài. Môise kính sợ Chúa nhưng dân chúng thì không. Có một chân lý bất biến đó là nếu chúng ta không kính sợ Chúa, chúng ta sẽ sợ Ngài khi vinh hiển của Ngài khải thị, vì mọi đầu gối sẽ quỳ trước mặt Ngài, nếu không phát xuất từ lòng kính sợ thánh thì sẽ xuất phát từ sự kinh khiếp (2Cô 5:10-11).

Trong khi Môi-se đến gần đám mây dầy đặc là nơi Đức Chúa Trời ngự thì dân chúng cứ đứng ở đằng xa.

Xuất 20:21

Hãy xem sự khác biệt trong phản ứng đối với vinh hiển tỏ bày của Chúa: Dân Y-sơ-ra-ên tránh xa còn Môise thì lại gần. Điều này minh hoạ những phản ứng khác nhau của tín hữu ngày nay.

Giống Trong Nhiều Cách

Điều quan trọng là chúng ta nên nhận biết dân Y-sơ-ra-ên không khác gì hội thánh hiện đại.

  • Họ thảy đều ra khỏi Ai-cập, hình bóng ơn cứu rỗi.
  • Họ thảy đều kinh nghiệm và được ích lợi từ các phép lạ của Chúa, như nhiều người đã kinh nghiệm trong hội thánh.
  • Họ vẫn còn muốn sống lối sống cũ – Họ ước gì sống lại đời sống cũ mà không bị làm nô lệ như trước đây. Chúng ta thường thấy thái độ này trong hội thánh ngày nay. Nhiều người đã tin Chúa và được giải cứu, nhưng lòng của họ chưa từ bỏ lối sống thế gian, dù chính lối sống đó khiến họ bị nô lệ.
  • Họ kinh nghiệm của cải của tội nhân mà Chúa dành sẵn cho người công chính. Kinh Thánh ghi lại : “Ngài đem họ ra có cầm bạc và vàng” (Thi 105:37). Nhưng họ dùng của cải này để làm hình tượng! Ngày nay chúng ta có làm tương tự như thế không? Chúng ta nghe nói về những phép lạ tài chánh, nhưng thường những người được phước nhiều nhất rốt cuộc dồn hết tình cảm và sức lực của họ vào phước hạnh tài chánh và vật chết thay vì dồn vào Chúa là Đấng chúc phước cho họ.
  • Họ kinh nghiệm quyền năng chữa bệnh của Chúa, vì khi họ ra khỏi Ai-cập thì Kinh Thánh ghi lại: “Không một người nào đau yếu trong các chi phái của Ngài” (Thi 105:37). Điều này cũng giống như các chiến dịch chữa bệnh lớn ngày nay. Môise ra khỏi Ai-cập với 3 triệu người mạnh khoẻ. Bạn hãy tưởng tượng một thành phố 3 triệu dân mà không ai bị bệnh hay nằm viện cả? Dân Y-sơ-ra-ên đã phục vụ cách cực khổ 400 năm. Hãy tưởng tượng những sự chữa lành và phép lạ xảy ra khi họ ăn con chiên lễ Vượt Qua!

Dân Y-sơ-ra-ên không có xa lạ với quyền năng cứu rỗi, chữa bệnh, làm phép lạ và giải cứu của Chúa. Thật ra, họ hớn hở vui mừng mỗi khi Chúa làm phép lạ cho họ. Họ nhảy múa và ngợi khen rất nhiều như chúng ta đã làm trong các buổi nhóm Ngũ Tuần hay Ân Tứ (Xuất 15:1,20). Một điều lạ lùng cần để ý là dân Y-sơ-ra-ên bị lôi cuốn vào các phép lạ của Chúa vì họ được phước bởi các phép lạ này, nhưng họ kinh sợ và thối lui khi vinh hiển của Ngài được bày tỏ!

Ngày nay chúng ta có khác gì không? Chúng ta vẫn còn bị lôi cuốn vào các phép lạ. Nhiều người đi cả hàng trăm cây số và dâng một số tiền lớn, mong là nhận được sự xức dầu gấp đôi từ Chúa trong các buổi nhóm phép lạ. Nhưng chuyện gì xảy ra khi vinh hiển của Chúa được bày tỏ? Lúc đó tấm lòng sẽ được phơi bày ra trong sự hiện diện vinh hiển của Ngài. Chúng ta có thể sống trong tội lỗi mà không ai phát hiện và vẫn thấy phép lạ, nhưng tội lỗi không thể che giấu trước ánh sáng vinh hiển của Ngài.

Điều Gì Che Mắt Người Ta

Bốn mươi năm sau đó, thế hệ trước đã chết trong đồng vắng, và Môise ôn lại cho thế hệ sau những gì đã xảy ra trước đây ngay tại hòn núi mà Chúa bày tỏ vinh hiển của Ngài.

Khi anh chị em nghe tiếng nói từ trong bóng tối dày đặc phát ra và thấy núi cháy phừng phừng, các cấp lãnh đạo và các trưởng lão thuộc các chi tộc đến với tôi và nói: “CHÚA, Đức Chúa Trời chúng ta đã bày tỏ vinh quang và uy nghi Ngài và chúng tôi có nghe tiếng phán của Ngài từ trong đám lửa. Hôm nay chúng tôi ý thức được rằng người ta có thể còn sống mặc dù được Đức Chúa Trời phán với mình. Nhưng tại sao chúng tôi lại phải chịu nguy cơ mất mạng? Đám lửa hừng này sẽ thiêu huỷ chúng tôi, và nếu chúng tôi cứ tiếp tục nghe tiếng của CHÚA, Đức Chúa Trời chúng tôi nữa, chúng tôi sẽ chết. Có ai là người phàm được nghe tiếng của Đức Chúa Trời hằng sống phán từ trong đám lửa, như chúng tôi nghe mà còn sống không? Xin ông đến gần để nghe tất cả những điều CHÚA, Đức Chúa Trời chúng tôi dạy rồi truyền lại cho chúng tôi, chúng tôi sẽ nghe và vâng theo.”

Phục truyền 5:23-27

Dân chúng thốt lên: “Chúng tôi không thể đến gần sự hiện diện vinh hiển của Ngài hay đứng nổi trước mặt Ngài mà còn sống.” Họ muốn Môise nghe giùm họ, và họ hứa sẽ nghe ông và làm bất cứ điều gì Chúa phán họ làm! Họ đã thử sống theo cách này hàng ngàn năm nhưng không vâng theo lời Ngài. Ngày nay chúng ta có khác gì không? Có phải chúng ta nghe Lời Chúa từ mục sư và giáo sĩ nhưng lại lui khỏi núi của Chúa không? Có phải chúng ta sợ nghe tiếng Ngài vì nó sẽ phơi bày tình trạng của lòng chúng ta không? Tình trạng tấm lòng của con dân Chúa ngày nay không khác gì tình trạng của dân Y-sơ-ra-ên.

Môise rất thất vọng với phản ứng của dân Y-sơ-ra-ên. Ông không hiểu rằng họ đã thiếu đi lòng đói khát sự hiện diện của Chúa. Sao họ lại quá khờ đến thế? Sao họ lại bị che mắt đến thế? Môise trình dâng mối bận tâm trước mặt Chúa, hy vọng cứu vãn tình trạng này. Nhưng hãy xem những gì xảy ra:

CHÚA nghe những lời anh chị em nói và Ngài phán dạy tôi: “Ta đã nghe điều dân này nói với con. Những gì họ nói với con đều đúng cả.”

Phục truyền 5:28

Tôi chắc chắn là Môise bị sốc với phản ứng của Chúa. Ông chắc hẳn phải suy nghĩ, Sao . . . dân chúng sống ngay thẳng mà? Vì trước đây họ thật sự ngay thẳng! Họ không thể bước vào sự hiện diện của Chúa. Tại sao? Chúa ngắt lời bằng câu trả lời:

Ôi, nếu lòng họ cứ kính sợ Ta và luôn vâng giữ mọi điều răn Ta, họ và con cháu họ sẽ được phước mãi mãi!

Phục truyền 5:29

Chúa than lên, “Ôi, nếu lòng họ cứ kính sợ Ta và luôn vâng giữ mọi điều răn Ta . . .” Đáng lý họ sẽ giống như Môise, phản ánh vinh hiển của Chúa và biết đường lối của Ngài, nếu họ có tấm lòng kính sợ Chúa như Môise đã làm! Nhưng tấm lòng họ cứ tối tăm và tâm trí của họ bị che mắt không thấy chính điều mà họ rất cần.

Điều gì làm che mắt họ? Câu trả lời quá rõ ràng: họ không có tấm lòng kính sợ Chúa. Điều này quá rõ ràng qua việc họ không vâng theo mạng lệnh và Lời Chúa. Nếu chúng ta so sánh Môise với dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta thấy sự khác nhau giữa người kính sợ Chúa và người không kính sợ Ngài.

Run Sợ Trước Lời Chúa

Một người kính sợ Chúa run sợ trước Lời Ngài và trong sự hiện diện của Ngài (Êsai 66:2; Giê 5:22). Run sợ trước Lời Ngài có nghĩa là gì? Điều này có thể được tóm tắt trong một câu:

Sẵn sàng vâng lời Chúa ngay cả khi thoả hiệp hay không vâng lời Ngài có vẻ là ích lợi hơn.

Tấm lòng của chúng ta phải vững vàng trong sự thật rằng Chúa là tốt lành. Ngài không lạm dụng con cái Ngài. Một người kính sợ Chúa biết rõ điều này, vì người đó biết bản tính của Chúa. Đó là lý do người đó đến gần Chúa trong khi những người khác kinh sợ mà rút lui.

Người đó nhận biết rằng bất kỳ khó khăn nào xảy ra do tay của Chúa cuối cùng sẽ mang lại ích lợi. Phần lớn nhiều người đồng ý điều này ở lý trí, nhưng trong những lúc khó khăn điều chúng ta thật sự tin sẽ được bày ra rõ ràng. Chỉ lúc đó chúng ta thấy đức tin của chúng ta thật sự là gì dưới ánh sáng của lửa thử thách.

Những khó khăn mà dân Y-sơ-ra-ên đối diện đã phơi bày điều gì có trong tấm lòng họ. Chúng ta hãy xem xét những phản ứng khác nhau đối với Lời Chúa. Dân Y-sơ-ra-ên vâng theo Lời Chúa bao lâu họ thấy được ích lợi. Nhưng ngay lúc họ chịu khổ hay không còn thấy ích lợi nữa thì họ không còn nhìn Chúa và than phiền cách cay đắng.

Trong nhiều thế kỷ dân Y-sơ-ra-ên đã cầu nguyện và kêu cầu Chúa giải cứu họ khỏi sự áp bức của người Ai-cập. Họ mong muốn trở lại xứ hứa. Chúa sai người giải cứu đến là Môise. Chúa bảo Môise: “Vì vậy Ta xuống để giải cứu họ ra khỏi tay người Ai-cập và đem họ vào xứ tốt đẹp rộng rãi, xứ tuôn tràn sữa và mật ong” (Xuất 3:8).

Môise ra mắt vua Pharaôn và tuyên bố Lời Chúa hãy “để cho dân Ngài đi.” Nhưng Pharaôn phản ứng bằng cách gia tăng sự hà khắc. Dân Y-sơ-ra-ên không được cung cấp rơm rạ nhưng họ phải làm ra gạch. Họ phải lượm rạ ban đêm và lao động ban ngày. Toàn bộ số gạch không được giảm dù không được cấp rơm rạ. Lời Chúa mang lại sự tự do đã làm tăng thêm sự cực khổ của họ. Họ than phiền khi bị áp bức này và thưa với Môise: “Xin hãy để chúng tôi yên và chấm dứt giảng cho Pharaôn nữa; ông làm cho cuộc sống chúng tôi càng bi đát hơn.”

Cuối cùng khi Chúa giải cứu họ khỏi Ai-cập, lòng vua Pharaôn cứng cỏi trở lại, và vua đuổi theo dân Y-sơ-ra-ên tại đồng vắng, dùng những xe ngựa và chiến sĩ rất tinh nhuệ. Khi những người Hêbơrơ thấy rằng người Ai-cập đuổi theo họ và họ bị dồn vào Biển Đỏ, họ lại than nữa. “Khi còn ở Ai-cập chúng tôi đã nói với ông cứ bỏ mặc chúng tôi, để chúng tôi cứ phục vụ người Ai-cập. Vì thà phục vụ người Ai-cập còn hơn chết trong sa mạc!” (Xuất 14:12).

Để ý những chữ, “Vì thà phục vụ người Ai-cập.” Thật ra, họ muốn nói rằng “Sao chúng tôi lại vâng lời Chúa khi mà làm thế khiến cho đời sống chúng tôi khốn khổ hơn? Chúng tôi tệ hơn, chứ không khá hơn.” Họ liền so sánh lối sống trước đây với tình trạng hiện tại. Mỗi khi hai cái này không đối xứng nhau thì dân Y-sơ-ra-ên muốn quay về lối sống cũ. Họ muốn sự an nhàn hơn là vâng theo ý Chúa. Họ thiếu đi sự kính sợ Chúa thật sự! Họ không run sợ trước Lời Ngài.

Chúa rẽ biển và dân Y-sơ-ra-ên đi trên đất khô và nhìn thấy những kẻ áp bức họ bị chôn sống. Họ ca ngợi sự tốt lành của Chúa và nhảy múa ca hát trước mặt Ngài. Họ có vẻ chắc chắn rằng họ sẽ không bao giờ nghi ngờ sự tốt lành của Ngài nữa! Nhưng họ không biết chính tấm lòng của họ. Một thử thách khác nổi lên và một lần nữa phơi bày sự bất trung của họ. Chỉ ba ngày sau đó ho lại than phiền rằng họ không cần nước đắng mà cần nước ngọt (Xem Xuất 15:22-25).

Chúng ta cũng thường làm tương tự như vậy phải không nào? Chúng ta muốn những lời êm dịu và dễ nghe trong khi “thuốc đắng” mới là cái cần thiết để thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi. Đó là lý do Salômôn nói, “Nhưng đối với kẻ đói khát thì vật đắng cũng thành ngọt ngào.” (Châm 27:7) Sau vài ngày dân Y-sơ-ra-ên lại than phiền về chuyện thiếu thức ăn. Họ nói, “Thà chúng tôi chết vì bàn tay của Chúa tại Ai-cập” (Xuất 16:1-4). Bạn có thấy cách họ hành xử theo tôn giáo không?

Một lần nữa dân Y-sơ-ra-ên than phiền vì thiếu nước ngọt (Xuất 17:1-4). Lặp đi lặp lại, họ than phiền mỗi khi họ gặp khó khăn mới. Bao lâu hoàn cảnh thuận lợi cho họ thì họ giữ Lời Chúa. Nhưng nếu sự vâng lời tạo ra khó khăn thì dân Y-sơ-ra-ên vội than phiền.

Một Tấm Lòng Khác

Môise thì khác. Tấm lòng ông đã được thử luyện trước đây. Chúng ta được biết:

Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, từ khước tước vị con trai công chúa Pha-ra-ôn, thà chịu bạc đãi với con dân Đức Chúa Trời trong một thời gian còn hơn thụ hưởng khoái lạc tội lỗi. Ông coi sỉ nhục vì Chúa Cứu Thế là quý hơn châu báu Ai-cập vì ông trông đợi được tưởng thưởng.

Hêbơrơ 11:24-26

Dân Y-sơ-ra-ên không chọn cảnh nô lệ. Môise đã được cung phụng những thứ giàu sang nhất thế gian nhưng ông lại từ chối để chịu khổ với dân sự Chúa. Thái độ của ông hoàn toàn khác với thái độ của dân Y-sơ-ra-ên. Họ muốn quay về Ai-cập (thế gian), vội quên cảnh bị áp bức của họ. Họ chỉ nhớ rằng họ đã từng ăn những thứ mà bây giờ họ thiếu trong đồng vắng thử thách của Chúa. Môise chọn khó khăn, “. . . vì ông ngửa trông sự ban thưởng.” Ông tìm điều gì? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong Xuất Ai-cập, chương 33.

Sau đó CHÚA phán dạy Môi-se rằng: “Con và dân sự con đã đem ra khỏi Ai-cập hãy rời bỏ chỗ này và đi lên xứ Ta đã hứa ban cho Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp khi Ta thề với họ: ‘Ta sẽ ban xứ này cho dòng dõi các con.’ Ta sẽ sai một thiên sứ đi trước dẫn đường cho con và Ta sẽ đuổi các dân Ca-na-an, A-mô-rít, Hê-tít, Phê-rê-sít, Hê-vít và Giê-bu-sít đi. Các ngươi sẽ vào xứ tràn đầy sữa và mật ong. Nhưng Ta không đi với các ngươi đâu, vì các ngươi là một dân cứng cổ và Ta có thể tiêu diệt các ngươi dọc đường.”

Xuất 33:1-3

Chúa bảo Môise đi xuống và đem dân chúng đến xứ Ngài đã hứa cho họ, chính cái xứ mà họ đã chờ đợi hàng trăm năm mới thừa hưởng được. Chúa hứa với Môise rằng thiên sứ sẽ hộ tống họ dù Ngài không đi với họ.

Nhưng Môise trả lời ngay: “Nếu sự hiện diện của Ngài không đi với chúng con, xin đừng đem chúng con ra khỏi đây” (c.15)

Tôi vui là việc chọn bước vào xứ hứa mà không có Chúa đã không để cho dân Y-sơ-ra-ên tự chọn. Nếu họ đã từng chọn cuộc sống an nhàn ở Ai-cập hơn là chọn Chúa thì chắc hẳn họ sẽ chọn vào xứ hứa mà không có Chúa đi cùng. Họ có lẽ sẽ lập lên một nhóm mới và tiến vào mà không nghĩ ngợi gì cả! Nhưng Môise không để mắt vào xứ hứa, phản ứng của ông khác hẳn.

Môise nói, “Lời hứa thật vô nghĩa nếu không có sự hiện diện của Ngài!” Ông từ chối lời đề nghị của Chúa vì phần thưởng của ông là sự hiện diện của Chúa. Hãy nghĩ đến vị trí mà Môise có được khi ông trả lời: “Đừng đem chúng tôi lên khỏi đây.” “Đây” là ở đâu? Đồng vắng!

Môise sống trong điều kiện như dân Y-sơ-ra-ên. Ông không có “tài siêu nhân” giúp ông miễn khỏi những thử thách mà dân Y-sơ-ra-ên đã gánh chịu. Ông cũng khát, cũng đói như họ, tuy nhiên chúng ta không thấy ông than phiền như những người khác. Ông được đề nghị “thoát” khỏi sự chịu khổ này và có cơ hội tiến vào xứ mà ông mơ ước, nhưng ông từ chối chuyện này.

Một cách Chúa dùng thử chúng ta là đưa ra một lời đề nghị mà Ngài mong chúng ta từ chối. Lời đề nghị lúc đầu sẽ hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn, nhưng cái giá là gì? Có vẻ lúc đầu chức vụ của chúng ta sẽ mở rộng và tiến xa hơn. Nhưng sâu xa trong lòng chúng ta biết chọn điều đó là trái với ước muốn tối hậu của Chúa. Chỉ những người run sợ trước Lời Ngài sẽ chọn những gì mà trông có vẻ không mấy lợi lộc.

Trong sách Các Vua thứ nhì, chương 2, Êli nói với Êlisê ba lần là hãy ở lại. Mỗi lần như vậy là một thử thách khác. Đối với Êlisê ở lại thì dễ thôi, nhưng Êlisê nhất định: “Nguyền xin CHÚA hằng sống chứng giám, hễ ngày nào thầy còn sống, thì con sẽ không rời xa thầy.” (2Vua 2:2) Ông biết phần thưởng của thiên đàng quan trọng hơn sự tiện nghi tạm thời.

Giống Bên Ngoài, Khác Bên Trong

Xét về vẻ bên ngoài hay về phương diện con người, bạn không thấy sự khác biệt giữa Môise và dân Y-sơ-ra-ên. Cả hai đều là con cháu của Áp-ra-ham. Cả hai đều ra khỏi Ai-cập bởi sự can thiệp của quyền năng lạ lùng của Chúa. Cả hai đều đủ tiêu chuẩn để thừa hưởng lời hứa của Chúa. Tất cả đều xưng là biết và phục vụ Giê-hô-va. Sự khác biệt được tiềm ẩn sâu trong tận đáy lòng của họ. Môise kính sợ Chúa; vì thế, ông nhận biết tấm lòng và đường lối của Chúa. Nhưng vì dân Y-sơ-ra-ên không kính sợ Chúa, họ đã bị che mắt, và trí khôn của họ trở nên tối tăm.

Ngày nay cũng không khác gì. Cơ đốc giáo trở thành một câu lạc bộ. Bạn còn nhớ câu lạc bộ là gì lúc bạn còn nhỏ. Bạn gia nhập câu lạc bộ nào đó vì bạn muốn có bạn có bè. Để bảo vệ câu lạc bộ đó, bạn nhất trí với các thành viên khác vì ích lợi chung hay vì chính nghĩa chung. Bạn có cảm giác thoải mái khi trở thành một thành viên của một nhóm có tầm cỡ hơn bản thân mình. Câu lạc bộ đó ủng hộ bạn và cho bạn cái cảm giác an ninh.

Ngày nay có những cơ đốc nhân hữu danh vô thực không có sự kính sợ Chúa như những người ngoại chưa hề đi nhà thờ. Vì là một thành viên cố định của câu lạc bộ cơ đốc, tại sao họ lại sợ? Sự thật thì ma quỷ còn run sợ trước mặt Chúa hơn là một số tín đồ trong hội thánh. Giacơ cảnh cáo những ai xưng mình là tín đồ nhưng thiếu đi sự kính sợ Chúa, “Anh tin có một Đức Chúa Trời. Tốt lắm các ác quỷ cũng tin điều ấy và run sợ.” (Gia 2:19)

Những người này ngồi trong nhà thờ, làm chấp sự và giảng dạy trên toà giảng. Họ đến từ mọi tầng lớp trong xã hội, từ những người nghèo khổ đến những ngôi sao điện ảnh Hollywood. Họ xưng mình là tín đồ tin lành và thích những lời hứa của Chúa, nhưng họ bị “cận thị” – giống như dân Y-sơ-ra-ên, họ không kính sợ Chúa gì cả.

Giuđe thấy trước thời đại này và cảnh báo rằng nhiều người sẽ gia nhập hội thánh và xưng mình được cứu bởi ân điển, lý do là muốn làm thành viên của câu lạc bộ cơ đốc.

Họ đi nhóm và dạn dĩ tham gia nhiều hoạt động, trong khi đó thì họ chỉ phục vụ chính họ (Giuđe 12).

Trong Mathiơ 7:21-23, Chúa Giê-su phán có những người đuổi quỷ và làm phép lạ trong Danh Ngài, gọi Ngài là Chúa và Cứu Chúa, nhưng sống không vâng theo ý muốn Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su mô tả tình trạng này là “cỏ lùng xen vào lúa mì.” Rất khó để bạn phân biệt giữa lúa mì và cỏ lùng. Cũng giống như chuyện đã xảy ra với dân Y-sơ-ra-ên, lửa của sự hiện diện vinh hiển của Chúa cuối cùng sẽ phơi bày bản chất thật của mỗi tấm lòng. Điều này sẽ là tình trạng của hội thánh khi bước vào thời kỳ mùa gặt (Mat 13:26).

Malachi nói tiên tri rằng trong những ngày sau cùng này Chúa sẽ phát ra tiếng nói tiên tri – như Ngài đã làm với Samuên, Môise và Giăng Báp-tít – để chuẩn bị dân sự của Ngài đón nhận vinh hiển của Ngài. Tuy nhiên, không phải là một tiếng nói mà là nhiều sứ giả tiên tri. Những sứ giả này sẽ được dấy lên với một mục đích chung là họ sẽ rao giảng như một người, kêu gọi những người bị lừa dối hãy hết lòng trở lại cùng Chúa.

Do đó, trật tự thiên thượng sẽ được phục hồi trong tấm lòng của dân sự Chúa. Các tiên tri này không phải là sứ giả phán xét, mà là sứ giả thương xót. Qua họ, Chúa kêu gọi chính dân sự của Ngài hãy tránh khỏi sự phán xét. Malachi ghi lại:

“Này, Ta sẽ phái sứ giả Ta đến, người sẽ dọn đường trước mặt Ta. Nhưng, thình lình Chúa mà các ngươi đang tìm kiếm, sẽ vào đền thờ; Kìa Ngài đang đến, sứ giả của giao ước mà các ngươi mong ước.” Nhưng ai sẽ chịu nổi vào ngày Ngài đến? Ai sẽ đứng nổi khi Ngài xuất hiện? Vì Ngài như lửa của thợ luyện bạc, như thuốc tẩy từ người thợ giặt.

Malachi 3:1-2

Malachi không mô tả việc hội thánh được cất lên. Ông nói rằng Chúa sẽ đến với đền thờ, chứ không phải đến đền thờ của Ngài. Ôsê nói sau 2000 năm Chúa sẽ đến với chúng ta, đền thờ của Ngài, như một cơn mưa cuối mùa. Điều này nói đến vinh hiển tỏ bày của Ngài. Sau đó Malachi hỏi, “Nhưng ai sẽ đứng nổi khi Ngài đến với đền thờ của Ngài? Cả hai tiên tri đều xác nhận rằng biến cố này không giống như biến cố cất lên của hội thánh.

Malachi trả lời chính câu hỏi của ông, đưa ra hai kết quả của sự hiện diện vinh hiển của Ngài. Thứ nhất, mục đích của nó là luyện lọc và thanh tẩy những ai kính sợ Ngài (c.3,16-17). Thứ hai, nó sẽ phán xét tấm lòng của những ai nói là họ hầu việc Chúa nhưng thực tế họ không kính sợ Ngài (Mal 3:5; 4:1). Một khi tiến trình thanh tẩy này xảy ra, ông cho chúng ta biết:

Rồi các con sẽ trở lại và thấy sự khác biệt giữa người công chính và kẻ ác, giữa những người phục vụ Chúa và những người không phục vụ Ngài.

Malachi 3:18

Trước khi vinh hiển Chúa được bày tỏ, bạn không thể biết người nào hầu việc Chúa thật và người nào chỉ hầu việc Chúa bằng môi miếng. Sự giả hình không thể che giấu khỏi ánh sáng vinh hiển của Chúa. Lối tư duy kiểu câu lạc bộ tôn giáo cuối cùng cũng sẽ biến mất. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn lời cảnh báo nghiêm trọng của Chúa Giê-su dành cho tín hữu thời Tân ước:

Ta bảo các con, những bạn thân của Ta: ‘Đừng sợ những kẻ giết thân xác rồi sau đó không làm gì được nữa. Nhưng Ta sẽ bảo cho các con phải sợ ai: Hãy sợ Đấng sau khi giết rồi còn có quyền ném vào hoả ngục. Phải, Ta bảo các con, hãy sợ Đấng ấy!’

Luca 12:4-5

Kính sợ Chúa giữ chúng ta khỏi con đường huỷ diệt của kẻ bị lừa dối. Môise nói rằng sự kính sợ Chúa trong lòng dân sự Ngài là sức mạnh để sống tự do khỏi tội lỗi (Xuất 20:20). Salômôn viết, “Bởi sự kính sợ Chúa mà một người lìa khỏi điều ác” (Châm 16:6). Lời cảnh cáo của Chúa Giê-su các tín hữu là có mục đích cụ thể và Ngài tiếp tục khích lệ họ hãy kính sợ Chúa bằng một lời cảnh cáo về cái bẫy lừa dối của sự giả hình:

Không điều gì che đậy mà sẽ khỏi bị tỏ bày; không điều gì giấu kín mà sẽ khỏi bị phát hiện.

Luca 12:2

Khi chúng ta che đậy hay che giấu tội lỗi để bảo vệ tiếng tăm, chúng ta lấy màn che tấm lòng của mình. Chúng ta lầm tưởng rằng cái màn này sẽ khiến chúng ta trông có vẻ thánh khiết trong khi sự thật thì không phải vậy. Điều này cuối cùng sẽ dẫn tới sự giả hình. Vì thế đến đây thì chúng ta không chỉ lừa dối người khác mà còn dối lừa chính mình. (Xem 2Ti 3:13). Cũng như dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta bị che mắt và không thể thấy gì nữa.

Sự kính sợ Chúa là sự bảo vệ khỏi sự giả hình. Lúc đó chúng ta không che giấu tội lỗi trong lòng, vì chúng ta sẽ kính sợ Chúa hơn là sợ con người nghĩ gì. Chúng ta sẽ quan tâm đến việc Chúa nghĩ gì về chúng ta hơn là con người nghĩ gì. Chúng ta sẽ quan tâm đến ước muốn của Chúa hơn là sự tiện nghi tạm thời của chúng ta. Chúng ta sẽ coi trọng Lời Ngài hơn là lời của con người. Chúng ta sẽ quay lòng trở lại Chúa! Và Phaolô nói:

Nhưng nếu họ quay về với Chúa, tấm màn ấy mới được cất đi.

2Côrinhtô 3:16