Chương Sáu: ĐỀN THÁNH MỚI

Kính Sợ Chúa

Đăng vào: 5 tháng trước

.

SÁU

vintage-symbol

ĐỀN THÁNH MỚI

Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống như Đức Chúa Trời đã phán: “Ta sẽ ở và đi lại giữa họ.”

2Côrinhtô 6:16

Dưới thời Cựu ước sự hiện diện vinh hiển của Chúa ngự trước tiên trong đền tạm, sau đó ngự trong đền thờ vua Salômôn.

Bây giờ Chúa chuẩn bị dời vào ngự trong đền thờ mà Ngài hằng ước ao – đền thờ này không làm bằng đá, mà đền thờ này được tìm thấy trong tấm lòng của những con trai và con gái của Ngài.

Chuẩn Bị Một Dân Sẵn Sàng Cho Chúa

Một lần nữa, trước hết phải có trật tự thiên thượng. Lần này sự nhấn mạnh không phải trật tự bên ngoài mà là trật tự bên trong. Tại nơi sâu kín của tấm lòng nơi mà vinh hiển của Chúa sẽ được bày tỏ.

Trật tự cùng với tiến trình biến đổi này bắt đầu với chức vụ của Giăng Báp-tít. Thật là sai lầm khi xem Giăng Báp-tít là tiên tri Cựu ước, vì Kinh Thánh mô tả chức vụ của ông là “khởi đầu của tin lành của Chúa Cứu Thế Giê-su” (Mác 1:1). Lời giảng của ông được tìm thấy ngay từ đầu của tất cả bốn sách Phúc Âm. Chúa Giê-su nhấn mạnh điều này khi tuyên bố: “Luật pháp và tiên tri có cho đến Giăng” (Lu 16:16). Để ý rằng Ngài không nói: “Luật pháp và tiên tri có cho đến khi Ta xuất hiện.”

Sự ra đời của Giăng được thiên sứ loan báo cho cha ông. Điểm chính trong chức vụ của ông được tóm tắt bằng những lời: “Giăng sẽ đưa nhiều người Y-sơ-ra-ên quay về với Chúa, là Đức Chúa Trời của họ . . . và để chuẩn bị một dân tộc sẵn sàng cho Chúa.” (Lu 1:16-17).

Để ý ông “chuẩn bị một dân tộc sẵn sàng cho Chúa.” Giống như Chúa xức dầu cho các nghệ sĩ và thợ thủ công vào thời của Môise để xây đền tạm thì Ngài xức dầu cho Giăng để chuẩn bị một đền thờ không được làm bởi tay con người. Bởi Thánh Linh Chúa, ông bắt đầu tiến trình chuẩn bị một đền thờ mới.

Êsai nói tiên tri về Giăng:

Có tiếng kêu rằng: “Hãy chuẩn bị trong đồng hoang một con đường cho CHÚA. Mọi thung lũng sẽ được nâng cao, mọi núi đồi sẽ bị hạ thấp. Những nơi gồ ghề sẽ thành bằng phẳng, những chỗ lồi lõm sẽ trở nên đồng bằng. Bấy giờ vinh quang của CHÚA sẽ được khải thị.”

Êsai 40:3-5

Những ngọn núi và đồi này không phải là những thành trì từ thiên nhiên, nhưng nó chính là đường lối của con người nghịch cùng đường lối của Chúa. Sự tự cao tự đại của con người phải bị hạ xuống. Sự bất kính và ngu dại của con người phải được phơi bày và san bằng để chuẩn bị cho sự bày tỏ vinh hiển của Chúa.

Từ “gồ ghề” trong tiếng Hêbơrơ ở câu trên là aqob. Strong’s định nghĩa từ này là “lừa gạt, lừa dối, ô nhiễm hay cong quẹo.” Rất dễ để thấy được cái gì đó cong quẹo khi so với cái ngay thẳng. Dịch chính xác từ aqob này là “lừa dối.”

Giăng không được sai đến với những người không biết danh Chúa. Ông được sai đến với những người có giao ước với Giê-hô-va. Dân Y-sơ-ra-ên đã theo tôn giáo, nhưng lại tin rằng mọi sự sẽ ổn. Sự thật thì Chúa nhìn thấy dân Y-sơ-ra-ên như chiên lạc mất. Hàng ngàn người trung tín dự nhóm ở nhà hội mà vẫn không nhận biết tình trạng thật của tấm lòng họ. Họ đã bị lừa dối và nghĩ rằng sự thờ phượng và phục vụ của họ được Chúa chấp nhận.

Giăng đã phơi bày sự dối trá này và gạt bỏ ra ngoài những sự dối trá như vậy. Ông làm rúng động cái nền mà họ bám lấy khi họ biện minh họ là con cháu của Áp-ra- ham. Ông đem ra ánh sáng những giáo lý sai lầm của các trưởng lão và phơi bày những lời cầu nguyện theo công thức mà không có tấm lòng và quyền năng trong đó. Ông cho thấy việc họ dâng phần mười là vô ích khi mà họ bỏ lơ người nghèo và cướp bóc người khác. Ông chỉ họ thấy thói quen tôn giáo rỗng tuếch của họ và cho họ thấy tấm lòng cứng cỏi xa cách Chúa của họ.

Giăng đến giảng về phép báp tem để ăn năn (Mác 1:4). Từ “báp tem” trong tiếng Hy lạp là baptisma nghĩa là “dìm xuống”. Theo từ điển Webster dìm mình nghĩa là nhúng vào. Sứ điệp của Giăng không phải là ăn năn sơ sài mà là ăn năn triệt để, một sự thay đổi tâm trí hoàn toàn. Sự phơi bày thẳng thắn của Giăng đã triệt tiêu sự an ninh giả trá của dân Y-sơ-ra-ên lúc đó, vì nó bắt nguồn từ những sự lừa dối. Sứ điệp của ông là lời kêu gọi người ta hướng lòng về Chúa. Sứ mạng thiên thượng của ông là san bằng những tấm lòng nào tiếp nhận Ngài. Những ngọn núi kiêu ngạo và những cái đồi tôn giáo đều bị san bằng, chuẩn bị một dân để tiếp nhận chức vụ của Chúa Giê-su.

Kiến Trúc Sư Lành Nghề

Một khi công việc của Giăng hoàn tất, Chúa Giê-su đến chuẩn bị đền thờ lập trên nền tảng hạ mình cho đến khi tiến trình xây cất hoàn tất. Chúa Giê-su đã lập nền và xây dựng: “Vì không ai đã lập nền nào khác ngoài nền đã lập là Chúa Cứu Thế Giê-su” (1Cô 3:11).

Một lần nữa Lời Chúa mang lại trật tự thiên thượng. Nhưng lần này Lời Ngài được bày tỏ khi Ngôi Lời trở nên xác thịt! Chúa Giê-su là Kiến Trúc Sư Lành Nghề (Hê 3:1-4), không chỉ qua lời giảng dạy của Ngài mà cũng qua đời sống của Ngài. Trong mọi cách Ngài bày tỏ cho nhân loại đường lối sẽ được Đức Chúa Trời chấp nhận.

Những ai tiếp nhận chức vụ của Giăng đều sẵn sàng tiếp nhận công việc của Kiến Trúc Sư Lành Nghề của họ. Ngược lại, những ai khước từ Giăng sẽ không chuẩn bị tiếp nhận những lời của Chúa Giê-su, vì nền tảng của lòng họ vẫn còn gồ ghề và dao động. Cái nền không được lập lên. Họ không chuẩn bị để xây lên, không có sức chịu đựng đền thờ.

Chúa Giê-su đề cập đến những người kiêu ngạo theo đạo nhưng luôn chống cự Ngài: “Vì Giăng đã đến dạy các ông theo con đường công chính, nhưng các ông không tin người, còn những người thu thuế và phường đĩ điếm lại tin người. Chính các ông đã thấy rõ mà vẫn không chịu hối cải và tin theo người.” (Mat 21:32). Chính các tội nhân thời đó đã tiếp nhận sứ điệp của Giăng và mở lòng ra đối với Chúa Giê-su. “Bấy giờ, tất cả người thu thuế và người tội lỗi đều đến gần Chúa để nghe Ngài dạy dỗ.” (Lu 15:1). Họ không thấy thoải mái với tôn giáo của họ và họ biết họ cần Đấng Cứu Độ.

Bước Chuẩn Bị Cuối Cùng

Khi Chúa Giê-su hoàn tất mọi việc mà Cha Ngài đã định cho Ngài làm trong chức vụ của Ngài trên đất, Ngài được Cai-phe, thầy thượng tế đương thời, sai đi vác thập tự giá như là một con chiên chịu hy sinh. Đây là bước cuối cùng để chuẩn bị đền thờ tấm lòng con người. Của lễ của Chúa Giê-su sẽ loại trừ bản chất tội lỗi đã phân cách con người với sự hiện diện của Chúa kể từ khi con người sa ngã. Chúng ta thấy của lễ của Chiên Con hy sinh được nói cách hình bóng trong việc xây dựng đền tạm và cung hiến đền thờ. Khi đền tạm được dựng lên, Arôn là thầy thượng tế, dâng các của lễ cho Chúa. Một trong các của dâng đó là con chiên không tì vít. Một khi làm xong việc này, “Môi-se và A-rôn vào trại hội kiến. Khi từ trại ra, hai ông chúc phước cho dân chúng và vinh quang của CHÚA hiện ra cho toàn thể nhân dân.” (Lê 9:23). Một thời gian ngắn sau đó Na-đáp và A-bi-hu bị phán xét và ngã đùng ra chết.

Của lễ của Chiên Con của Đức Chúa Trời được hình bóng trong việc cung hiến đền thờ của Salômôn.

Bấy giờ vua và dân chúng dâng sinh tế cho CHÚA. Vua Sa-lô-môn dâng 22.000 bò và 120.000 chiên. Như thế, vua và toàn dân làm lễ cung hiến đền thờ Đức Chúa Trời.

2Sử Ký 7:4-5

Cũng cùng ngày đó vinh hiển của Chúa được bày tỏ trong đền thờ.

Tác giả thư Hêbơrơ so sánh của lễ của Chúa Giê-su với những của lễ được dâng trong đền tạm và đền thờ bằng cách nói:

Ngài không dùng huyết của dê đực hay bò con nhưng dùng chính huyết Ngài mà bước vào nơi chí thánh một lần đủ cả và được sự chuộc tội đời đời.

Hêbơrơ 9:12

Chúa Giê-su, Chiên Con của Đức Chúa Trời, bị treo trên thập tự giá, đổ từng giọt máu vô tội và thánh thiện của Ngài cho chúng ta. Một khi làm xong việc này, bức màn của đền thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới (Lu 23:45). Đức Chúa Trời di chuyển ra ngoài! Vinh hiển của Chúa không còn bày tỏ trong đền thờ do tay người làm ra nữa. Ngay sau đó vinh hiển của Ngài sẽ được bày tỏ trong đền thờ mà Ngài mong mỏi ngự vào bấy lâu nay.

Một Lòng Và Một Mục Đích

Bây giờ hãy đọc những gì xảy ra ngay sau khi Chúa Giê-su sống lại:

Đến ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ Chúa tập họp tại một chỗ. Thình lình có tiếng động từ trời như tiếng gió thổi mạnh, đầy cả nhà môn đệ ngồi. Có những lưỡi như lửa xuất hiện, rải ra và đậu trên mỗi người.

Công vụ 2:1-3

Một lần nữa vinh hiển của Chúa được hiển lộ. Để ý rằng “Họ thảy đều hiệp một.” Trật tự thiên thượng. Làm sao bạn làm cho 120 người hiệp một lại? Câu trả lời đơn giản. Họ thảy đều chết đối với chính mình. Họ không có chương trình nghị sự riêng. Điều quan trọng hơn hết là họ vâng giữ lời dạy của Chúa Giê-su.

Chúng ta biết Chúa Giê-su đã giảng cho hàng ngàn người trong chức vụ kéo dài ba năm rưỡi. Vô số người đi theo Ngài. Sau khi chịu đóng đinh và sống lại, Ngài hiện ra cho hơn 500 môn đồ (1Cô 15:6). Nhưng vào ngày Lễ Ngũ Tuần, chúng ta chỉ thấy 120 người trong phòng nơi mà Thánh Linh giáng xuống (Công vụ 1:15).

Một điều rất hay cần để ý là con số cứ tiếp tục giảm,chứ không tăng. Hàng ngàn người ở đâu sau khi Chúa chịu đóng đinh? Tại sao Ngài chỉ hiện ra cho 500 người? Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, 500 người ở đâu? Vinh hiển của Chúa chỉ bày tỏ cho 120 người.

Sau khi sống lại Chúa Giê-su bảo các môn đồ chớ rời khỏi thành Giê-ru-sa-lem, mà hãy chờ đợi lời hứa của Cha (Công vụ 1:4). Tôi tin lúc đầu tất cả 500 người đều chờ đợi lời hứa. Nhưng nhiều ngày trôi qua, số người giảm dần. Do thiếu kiên nhẫn, một số người quyết định, “Chúng ta quay về cuộc sống bình thường; Ngài đã biến mất rồi.” Còn số khác bỏ quay về thờ phượng Chúa trong nhà hội theo cách truyền thống. Số khác nữa có lẽ trích lời của Chúa Giê-su, “Chúng ta phải đi khắp thế gian và giảng tin lành. Chúng ta tốt hơn hết là đi ngay bây giờ!” Tôi tin Chúa chờ cho đến khi những người còn lại quyết tâm nói trong lòng rằng, Nếu chúng ta có ngã quỵ, chúng ta cũng không đi đâu cả, vì Chúa phán là hãy chờ. Chỉ những người hoàn toàn đầu phục Chúa mới có sự cam kết như thế. Không người nào, hoạt động nào hay việc nào quan trọng cho bằng việc vâng theo Lời Chúa. Những người này là những người run sợ trước Lời Chúa (Êsai 66:2). Họ kính sợ Chúa!

Những người còn lại đã nghe kỹ khi Chúa Giê-su phán với đám đông:

Ai không vác thập tự giá mình mà theo Ta cũng không thể nào làm môn đệ Ta!” Ai trong các người muốn xây một ngôi tháp mà không ngồi xuống tính toán chi phí trước, xem mình có đủ tiền để hoàn thành hay không? Nếu không, khi đổ nền xong, nhưng không đủ sức hoàn tất, ai nấy thấy vậy đều chế nhạo rằng: ‘Anh chàng này khởi công xây cất mà không hoàn tất nổi!’ Cũng thế, nếu ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả những gì mình có thì không thể nào làm môn đệ Ta.

Luca 14:27-29,33

Chúa Giê-su nói rõ rằng để theo Ngài, chúng ta trước hết phải đếm cái giá. Có cái giá để đi theo Chúa Giê-su, và Ngài đã đưa ra cái giá đó. Cái giá đó không gì khác hơn đó chính là mạng sống của chúng ta.

Bạn có thể thắc mắc: “Tôi nghĩ sự cứu rỗi là món quà miễn phí mà bạn không thể mua được?” Đúng vậy, sự cứu rỗi là một món quà không thể mua hay đoạt lấy được. Tuy nhiên, bạn không thể có được nếu bạn không dâng toàn bộ cuộc đời bạn để đổi lấy nó. Ngay cả một món quà cũng cần được bảo vệ để khỏi bị thất lạc hay đánh cắp.

Chúa Giê-su khích lệ, “Nhưng ai bền lòng đến cuối cùng sẽ ĐƯỢC CỨU” (Mat 10:22). Sức mạnh để chịu đựng được tìm thấy trong việc phó dâng đời sống của bạn.

Một tín hữu hay một môn đồ thật sẽ phó sự sống của mình hoàn toàn cho Chúa. Các môn đồ đã đứng vững cho đến cuối cùng. Những người theo đạo và những kẻ “ngoại đạo” có thể ước ao nhận phước nhưng họ không thể chịu đựng cho đến cuối cùng. Rốt cuộc họ thối lui. Chúa Giê-su ban sứ mạng trọng đại là hãy “đi khắp thế giới môn đồ hoá muôn dân . . .” (Mat 28:19). Ngài uỷ thác cho chúng ta là hãy môn đồ hoá, chứ không phải cải đạo người ta.

Những người còn lại vào ngày Lễ Ngũ Tuần đã gác giấc mơ, tham vọng, mục tiêu và chương trình của họ. Điều này tạo ra một bầu không khí để họ hiệp một lòng và có một mục đích.

Đây là sự hiệp một mà Chúa mong muốn đem đến cho chúng ta ngày nay. Đã có những hoạt động nhằm mang lại sự hiệp một giữa các lãnh đạo và hội thánh trong các thành phố. Chúng ta nhóm hiệp nhau và tìm kiếm sự hiệp một.

Nhưng chúng ta phải nhớ rằng chỉ có Chúa mới làm cho chúng ta hiệp một. Trừ khi chúng ta gác qua những thứ khác, còn không thì những động cơ tiềm ẩn cũng sẽ nổi lên. Một khi có những động cơ tiềm ẩn như thế thì mối quan hệ sẽ chỉ là hời hợt. Hậu quả là trống rỗng và thất bại. Chúng ta có thể có hiệp một trong mục đích nhưng lại không vâng theo tấm lòng của Chúa chúng ta. Do đó, chúng ta không kết quả gì cả. Vì “nếu Chúa không xây nhà thì người thợ xây cũng vô ích” (Thi 127:1). Chúa vẫn đang tìm kiếm những ai run sợ trước Lời Ngài! Đó là nơi chúng ta tìm thấy sự hiệp một đích thực.

Vinh Hiển Của Chúa Được Bày Tỏ

Những người nhóm hiệp vào ngày Lễ Ngũ Tuần có sự hiệp một thật. Họ hiệp một trong mục đích của Chúa họ. Lòng họ theo một trật tự nhất định. Nhờ sự chuẩn bị của chức vụ Giăng cộng với chức vụ của Chúa Giê-su nên đã mang lại trật tự thiên thượng. Trật tự thiên thượng được thiết lập trong tấm lòng của con người. Thể theo kiểu mẫu của Chúa, sau khi có trật tự thiên thượng thì vinh hiển của Chúa bày tỏ. Hãy đọc lại những gì xảy ra vào ngày đó:

Thình lình có tiếng động từ trời như tiếng gió thổi mạnh, đầy cả nhà môn đệ ngồi. Có những lưỡi như lửa xuất hiện, rải ra và đậu trên mỗi người.

Công vụ 2:2-3

Vinh hiển của Chúa được bày tỏ ở mức độ nào đó trên 120 người nam và người nữ. Để ý là “có lưỡi bằng lửa đậu trên mỗi người.” Hãy quên đi những hình ảnh mà bạn thấy trong các cuốn sách dạy Trường Chúa Nhật –một chút lửa đậu trên đầu các môn đồ này. Mọi người có mặt lúc đó đều được chìm ngập hay được báp tem bằng lửa của sự hiện diện vinh hiển của Ngài (Mat 3:11).

Dĩ nhiên, đây chưa phải là vinh hiển đầy trọn của Chúa được bày tỏ, vì không ai thấy hay đứng nổi trong sự vinh hiển đầy trọn của Chúa (1 Ti 6:16). Tuy nhiên sự biểu lộ này mạnh mẽ đủ để thu hút sự chú ý của những người Do thái sùng kính từ khắp mọi quốc gia đến thành Giê-ru-sa-lem lúc đó (Công vụ 2:6-7).

Để trả lời cho sự kiện này, Phierơ đứng lên giảng tin lành cho họ. Ngày đó 3000 người được cứu và được thêm vào hội thánh. Đây không phải là buổi nhóm đã được lên kế hoạch hay được quảng cáo. Kết quả là:

Mọi người đều kinh sợ vì nhiều phép mầu và dấu lạ được các sứ đồ thực hiện.

Công vụ 2:43

Chúa đã bày tỏ một phần vinh hiển của Ngài, và dân chúng đều tôn kính sự hiện diện và quyền năng của Ngài. Ngài tiếp tục vận hành một cách đầy quyền năng. Mỗi ngày đều có người làm chứng về những phép lạ và sự giải cứu.

Không chối cãi về việc cánh tay quyền năng của Chúa đang hành động. Nhiều người nam và người nữ đem vào Nước Chúa. Những người trước đây đã dâng đời sống họ cho Chúa nay được làm cho tươi mới bởi sự hiện diện của Thánh Linh.

Nhưng như chúng ta đã thấy, nếu Chúa bày tỏ vinh hiển của Ngài và dân sự Chúa lại thiếu lòng kính sợ thì chắc chắn sẽ có sự phán xét. Thật ra, vinh hiển càng lớn lao thì sự phán xét càng xảy ra nhanh hơn và nghiêm trọng hơn. Chương tới sẽ xem xét kỹ biến cố bi kịch xảy ra ngay sau khi vinh hiển Chúa được khải thị.