Chương Chín: VINH HIỂN SẮP HIỆN RA

Kính Sợ Chúa

Đăng vào: 5 tháng trước

.

CHÍN

vintage-symbol

VINH HIỂN SẮP HIỆN RA

CHÚA Vạn Quân phán: “Vinh quang của đền thờ này sẽ rạng rỡ hơn vinh quang đền thờ thuở xưa.”

A-ghê 2:9

Tôi đã nghe các mục sư và tín hữu khoe rằng chúng ta đang sống trong cơn mưa cuối mùa. Họ nói như thể là hội thánh đang kinh nghiệm sự tuôn đổ lớn lao của Thánh Linh Chúa mà đã được các tiên tri thấy trước, như thể là Chúa Giê-su sẽ tái lâm bất cứ lúc nào và sẽ tiếp rước chúng ta. Tôi trả lời cho những người này, “Khải tượng của các bạn quá nhỏ! Các bạn đã tin quá nhỏ so với những gì Chúa thật sự làm.”

Thường chuyện này xảy ra là do thiếu hiểu biết và cũng hay xảy ra trong lúc Chúa vận hành thật sự. Dù sự vận hành của Thánh Linh Chúa trong các buổi nhóm này có kỳ diệu đi nữa thì chúng ta vẫn chưa kinh nghiệm vinh hiển của cơn mưa cuối mùa. Chúng ta hay lẫn lộn sự vận hành tươi mới của Thánh Linh Chúa, mà thường đi kèm với quyền năng, sự xức dầu và ân tứ, với vinh hiển của Chúa sắp hiện ra. Chúng ta không thấy được sự vinh hiển hầu đến qua con mắt lòng của chúng ta.

Đối với những người khác, đưa ra những lời tuyên bố như thế là do lười biếng trong đời sống thuộc linh. Họ đã mệt mỏi bươn tới ơn kêu gọi cao cả của Chúa và đã đóng trại ở chỗ thấp hơn mức mà Chúa kêu gọi họ. Một số người thì không đóng trại mà chỉ lang thang trên con đường dễ chịu. Những con đường mang những cái tên như thoả hiệp, tinh thần thế gian, theo tôn giáo và hiệp một giả tạo. Trong mỗi trường hợp, những người đi trên con đường này an phận với vinh hiển của con người và nếu để cho họ ngủ gục thì họ sẽ kết cuộc chống lại vinh hiển của Chúa khi nó được bày tỏ ra.

Những người khác cũng tuyên bố sự tuôn đổ của Thánh Linh nhưng xuất phát từ sự thổi phồng. Điều này rất nguy hiểm vì nói vậy là rất bất kính. Chúa phán với lòng tôi: “Những ai muốn sống với cái giả sẽ không bao giờ thấy cái thật.” Nếu họ cứ bất kính thì họ sẽ chịu sự phán xét khi vinh hiển của Chúa được khải thị, vinh hiển này nhằm mang lại sự tươi mới và vui mừng lớn lao.

Một số người lý luận, “Nhưng có sự gia tăng về quyền năng, sự chữa lành và phép lạ của Chúa ngày nay.” Nói vậy cũng đúng, nhưng điều này không ám chỉ đến cơn mưa cuối mùa. Chúng ta phải nhớ rằng các ân tứ Thánh Linh có thể được vận hành trong những người không làm đẹp lòng Chúa. Sự xức dầu của Chúa đến không nhất thiết có nghĩa là có sự chấp thuận của Chúa đi kèm. Chúa Giê-su cảnh cáo rằng nhiều người sẽ đến với Ngài vào ngày phán xét và nói họ đã đuổi quỷ, nói tiên tri và làm nhiều phép lạ trong Danh Ngài, nhưng Ngài sẽ nói với họ, “Hãy lìa khỏi Ta, hỡi những kẻ tội lỗi!”

Chúng ta phải nhớ mục đích của Chúa cho sự sáng tạo. Ngài không đặt Ađam trong vườn để có một chức vụ giảng dạy, chữa bệnh hay giải cứu toàn cầu. Không, Ađam được đặt trong vườn để Chúa có thể cùng đi với ông. Chúa muốn có mối quan hệ với Ađam, nhưng mối quan hệ đó bị cắt đứt do Ađam không vâng lời.

Chúng ta được tạo dựng cho Chúa, cùng sống chung với vinh hiển của Chúa. Nhưng sự bất tuân không thể hiện hữu trong chúng ta nếu chúng ta muốn làm đẹp lòng Chúa. Sự đo lường chính xác về tình trạng thuộc linh đích thực của chúng ta nằm ở việc chúng ta có thật sự vâng phục ý muốn Ngài hay không. Có thể có sự xức dầu trong đời sống chúng ta, nhưng chúng ta vẫn xa cách tấm lòng của Chúa. Hãy xem những ví dụ về Giuđa, Balaam và vua Saulơ: mỗi người này đều vận hành trong ơn xức dầu nhưng lại không bước đi trong vinh hiển của Chúa do những động cơ ích kỷ.

Chúa không dấy con cái Ngài lên nhằm mục đích để làm phép lạ. Chúa phán qua con lừa của Balaam trong Cựu ước, nhưng điều này không có nghĩa là Chúa biến con thú này thành nơi ngự của vinh hiển Chúa! Suốt 6000 năm Chúa đã kiên nhẫn tạo ra đền thờ cho chính Ngài. Đền thờ được dựng nên bởi những con cái yêu mến và kính sợ Ngài. Phierơ viết, “Anh chị em cũng được xem như những tảng đá sống được dùng để xây dựng nhà thiêng liêng” (1Phi 2:5). Và Phaolô khẳng định, “Cũng trong Ngài, anh chị em được xây dựng nối kết với nhau thành ngôi nhà của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh.” (Êph 2:22).

Nếu chúng ta thành thật, chúng ta sẽ nhìn nhận rằng chúng ta – đền thờ của Ngài – chưa được chuẩn bị cho vinh hiển của Ngài. Đền thờ vẫn còn đang xây dựng. Trật tự thiên thượng đang được phục hồi trong tấm lòng con người.

Tình Trạng Hiện Tại Của Chúng Ta

Có một giai đoạn khác trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên song song với tình trạng hiện tại của hội thánh. Hãy nhớ những sự kiện và bài học của dân Y-sơ-ra-ên là hình bóng và biểu tượng về những việc sẽ xảy ra trong hội thánh. Sau khi bị làm phu tù tại Ba-by-lôn, một nhóm người Do thái quay trở về xứ hứa thân yêu của họ. Sự phán xét đã qua và sự phục hồi bắt đầu. Đây là lúc để tái thiết tường thành và đền thờ.

Lúc đầu giai đoạn tái thiết này được đền đáp bởi lòng nhiệt thành, tận hiến và tinh thần làm việc siêng năng. Tuy nhiên, khi lòng phấn khởi lúc đầu giảm sút, dân chúng mất đi động lực và mười sáu năm sau đó họ vẫn chưa hoàn tất đền thờ. Công việc cá nhân của họ đã chiếm ưu tiên hơn việc phục hồi nhà Chúa. Lòng kính sợ Chúa của họ đã bị giảm sút khi công việc riêng của họ được mở rộng. Những gì Chúa xem là thánh thiện và quan trọng đã bị “cho vào xó”.

Để thức tỉnh dân sự, Chúa dấy lên tiên tri A-ghê. Ông quở trách dân chúng bằng câu hỏi, “Bây giờ có phải là lúc các ngươi sống trong nhà lót ván, còn nhà này thì lại hoang tàn không? (Aghê 1:4). Dân Y-sơ-ra-ên đánh mất tầm nhìn vì sự tập trung của họ chuyển từ Chúa sang bản thân họ. Mỗi khi chuyện này xảy ra thì sự nóng cháy và khát khao Chúa của người ta sẽ bắt đầu nguội dần.

Qua tiên tri này, Chúa giải thích lý do họ không thấy thoả mãn : “Các ngươi mong nhiều, nhưng chẳng được bao nhiêu, khi các ngươi đem về nhà, Ta thổi bay đi hết. Tại sao vậy? CHÚA Vạn Quân phán: Vì nhà của Ta vẫn còn hoang tàn trong khi đó các ngươi mỗi người lại bận bịu với nhà riêng mình. Vậy nên, vì cớ các ngươi, trời giữ lại sương móc và đất giữ lại hoa màu.” (c.9-10). Không có mưa đổ xuống mùa gặt của họ. Mỗi khi chúng ta đeo đuổi“phước lành” thay vì đeo đuổi Chúa, Ngài sẽ cất đi hay giữ lại nó để chúng ta phải kêu cầu Ngài lần nữa.

Có phải nan đề của chúng ta ngày nay khác không? Chúng ta cũng đang sống trong thời kỳ phục hồi, vì Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-su sẽ không tái lâm cho đến khi có sự phục hồi mọi sự (Xem Công vụ 3:21). Kinh Thánh hứa tất cả những gì đã mất mát trước đây sẽ được phục hồi trước khi Chúa tái lâm. Chúa phục hồi đền thờ vật lý của dân Y-sơ-ra-ên, tuy nhiên đền thờ của chúng ta không phải là đền thờ vật lý mà là đền thờ của tấm lòng. Đền thờ thánh này sẽ được sửa lại và phục hồi lại trật tự thiên thượng để dành cho vinh hiển của Ngài một lần nữa.

Nhưng trong thời kỳ phục hồi, chúng ta lại hành xử như dân Y-sơ-ra-ên thời xưa. Chúng ta đeo đuổi phước lành và tìm kiếm sự an nhàn và dễ chịu. Đối với phần lớn chúng ta, chúng ta dồn hết sức để xây “nhà ván” của chúng ta. Chúng ta đã để phần lớn thời gian để đạt được thành công cá nhân để rồi chúng ta hưởng sự an nhàn và an ninh.

“Sự Tôn Trọng Ta ở Đâu?”

Sau này Chúa hỏi dân Y-sơ-ra-ên lần nữa qua vị tiên tri cuối cùng của Cựu ước là Malachi. Ông sống cùng thời với A-ghê trong suốt thời kỳ phục hồi. Ông kêu lên:

CHÚA Vạn Quân phán: “Con trai hiếu kính cha mình, đầy tớ tôn trọng chủ mình. Nếu Ta là cha các ngươi, thì sự hiếu kính của các ngươi dành cho Ta ở đâu? Nếu Ta là chủ, thì sự tôn trọng của các ngươi dành cho Ta ở đâu? Chính các ngươi, những thầy tế lễ, các ngươi đã khinh khi danh Ta. Nhưng các ngươi hỏi: ‘Chúng con đã khinh khi danh Chúa bằng cách nào?’ Các ngươi đã dâng bánh ô uế trên bàn thờ Ta.

Các ngươi lại hỏi: ‘Chúng con làm ô uế Chúa bằng cách nào?’ ” Các ngươi nói: “Bàn của Chúa đáng khinh bỉ khi các ngươi đem những con thú đui mù để dâng tế lễ, như vậy không sai sao? Khi các ngươi dâng tế lễ bằng những con thú què quặt, bệnh hoạn, như vậy không sai sao? Các ngươi hãy thử dâng những thứ đó cho quan tổng trấn các ngươi, liệu người có bằng lòng với các ngươi không? Liệu người có chấp nhận các ngươi không?”

Malachi 1:6-8

Chúa hỏi dân sự Ngài, “Các ngươi gọi Ta là Chúa, nhưng sự tôn trọng và kính sợ Ta ở đâu?” Ngài không được tôn trọng như thế nào? Dân sự dâng cho Ngài của dâng thứ yếu còn họ giữ lại cho họ những của tốt nhất cho họ.

Chúa gọi hành động của dân sự lúc đó là không tôn trọng và bất kính. Để giúp cho dân Y-sơ-ra-ên thấy rõ lỗi lầm của họ, Chúa thách thức họ hãy “thử dâng cho vị quan chức (chủ, lãnh đạo, chứ đừng nói là dâng cho Vua của cả vũ trụ này) những của lễ đã dâng cho Ta!” Nếu chúng ta làm việc cho các ông chủ theo cách mà nhiều người hầu việc Chúa, chúng ta sẽ bị sa thải ngay trong một tuần.

Chúng ta hãy xem mức độ tôn trọng mà chúng ta thường dâng cho Chúa. Chúng ta đi nhóm trễ 10 phút. Chúng ta ngồi đó quan sát, không hề đưa tay lên thờ phượng Chúa, trong khi đó lại chỉ trích mục sư và những ai đang phục vụ Chúa. Chúng ta cứ dòm ngó cách nghi ngờ về chuyện chi tiêu bao nhiêu tiền của hội thánh khi mà chúng ta không dâng trọn số tiền phần mười của chúng ta. Do muốn đi ăn uống liền nên chúng ta bỏ ra khỏi buổi nhóm trước khi nó kết thúc. Chúng ta chỉ dự các buổi nhóm chính còn khi nghe nói có buổi nhóm bồi linh đặc biệt thì chúng ta thấy khó chịu. Nếu thời tiết mưa gió thì chúng ta ở nhà vì không muốn ra đường bị mưa gió. Nếu có chuyện nào hấp dẫn ở nhà thì chúng ta ở nhà để vui chơi. Nếu có chương trình nào trên ti vi mà chúng ta thích, chúng ta bỏ nhóm để xem ti vi.

Nếu đi làm thì lối làm việc như thế sẽ tồn tại bao lâu?

Nhiều người hầu việc Chúa trong hội thánh hay chức vụ đã làm việc quá tải vì không có đủ người sẵn lòng dâng thì giờ để cùng mang gánh nặng của công việc trong chức vụ. Trong nhiều hội thánh, nhiều tín đồ đến nhóm chỉ để nhận phước hay để xem lễ, không hề dâng hiến hay phục vụ gì cả. Họ xem đồng hồ để đảm bảo là buổi nhóm Chủ Nhật kết thúc đúng giờ – họ không có thì giờ đi nhóm giữa tuần. Tuy nhiên cũng cùng những người này làm việc cực khổ nhiều giờ để kiếm sống và đeo đuổi sự thành công của riêng họ.

Vì có ít người hầu việc Chúa, người nghèo và người thiếu thốn trong hội thánh bị bỏ lơ. Nhưng khi chúng ta nhìn thẳng vào vấn đề thì cũng chính những con người này chỉ trích mục sư và nhân sự hội thánh khi nhu cầu của những người nghèo không được đáp ứng.

Một số người làm việc lam lũ để lo cho gia đình họ nhưng lại không chịu để thì giờ cho gia đình họ. Họ gác gia đình qua một bên, khẳng định, “Dĩ nhiên tôi yêu gia đình tôi; bạn không thấy tôi bận làm để lo cho gia đình sao? Để tôi yên đi; tôi mệt mỏi lắm rồi và không có thì giờ cho gia đình.”

Chúa giải thích vấn nạn này: “Các ngươi tìm nhiều thứ nhưng không nhận được bao nhiêu; vì khi các ngươi đem về nhà, Ta thổi bay mất đi. Tại sao?” Chúa Vạn Quân phán. “Vì nhà Ta thì bỏ hoang, trong khi đó mỗi người trong các ngươi lo cho nhà riêng mình. Vì vậy Ta không đổ cơn mưa cuối mùa xuống các ngươi và hoa quả sẽ không được gặt hái” (Aghê 1:9-10, tác giả diễn ý).

Những Người Hầu Việc Chúa Thật Ở Đâu?

Malachi và A-ghê đều là các tiên tri thật. Những lời tiên tri mạnh mẽ của họ đã mang lại sự thay đổi trong tấm lòng dân Y-sơ-ra-ên. Dân Y-sơ-ra-ên nghe những lời này và “vâng lệnh CHÚA, Đức Chúa Trời của họ, và những lời của tiên tri Ha-gai mà CHÚA, Đức Chúa Trời của họ đã phái đến; và dân chúng kính sợ CHÚA.” (A-ghê 1:12).

Sự kính sợ Chúa được phục hồi. Bây giờ họ tập trung xây đền thờ; sở thích cá nhân đặt xuống hàng thứ yếu. Khi chúng ta kính sợ Chúa chúng ta sẽ luôn đặt sở thích và ước muốn của Chúa trên sở thích và ước muốn riêng của chúng ta.

Ngày nay chúng ta cần những người hầu việc Chúa như A-ghê hay Malachi, là những người chạy trốn khỏi sự nổi tiếng của con người để làm đẹp lòng Chúa. Chúng ta cần những người hầu việc Chúa rao giảng trung tín Lời Chúa, những lời mà người ta cần nghe, trái với những lời mà họ muốn nghe. Ngày nay nếu ai đó viết một cuốn sách về bí quyết để cải thiện lối sống hay để đạt được thành công thì sách này sẽ được bán rất chạy. Chúng ta hay viết và giảng những chủ đề hấp dẫn người ta. Nhưng những người sau đây ở đâu rồi? Những người mà không bận tâm đến việc sứ điệp của họ có được đón nhận ở dưới đất này hay không, mà họ chỉ mong sao được thiên đàng tiếp nhận mà thôi.

Khi tôi đi lại hầu việc Chúa, thời gian cho phép tôi giảng hay bị giới hạn bởi một số chương trình nên chỉ còn ba bốn mươi phút. Thường thì có hai lý do đằng sau chuyện này. Thứ nhất, có nỗi sợ rằng nếu buổi nhóm quá lâu, hội thánh chính sẽ mất đi số người nhóm lại cũng như mất tín đồ. Điều lạ là rất nhiều người có thể ngồi suốt hai ba tiếng xem phim hay xem bóng đá nhưng lại tỏ ra bực bội khi bài giảng quá 40 phút.

Thứ hai, có áp lực lên buổi nhóm từ các cô giáo thiếu nhi. Tôi tin rằng các cô giáo thiếu nhi cần kinh nghiệm sự vận hành của Chúa khi giúp đỡ thiếu nhi thay vì chỉ giữ thiếu nhi! Có vài lần tôi đã tổ chức buổi nhóm kéo dài ba bốn tiếng vì các em thiếu nhi có người giữ nên phụ huynh không bận tâm về thời gian nữa. Nói vậy không có ý nói rằng một buổi nhóm phải dài ra mới đầy ơn. Nhưng thái độ như thế phản ánh điều gì chúng ta coi trọng thì chúng ta để ý tới.

Tôi để ý chuyện này thường xảy ra ở các hội thánh lớn. Đôi khi lý do hội thánh đó lớn là vì họ chỉ lo “nuôi” mấy tín đồ hâm hẩm đi nhóm và ra về cách vội vã mà không dám làm họ phật ý.

Đồng ý rằng nếu Thánh Linh không hiện diện trong buổi nhóm thì không có lý do gì để kéo dài hơn một giờ rưỡi. Thật ra nếu không có sự hiện diện của Thánh Linh thì một giờ rưỡi cũng quá lâu. Tôi đồng ý điều đó. Tuy nhiên, người ta sẽ cảm nhận Thánh Linh trong buổi nhóm khi mà người lãnh đạo để cho Ngài làm và nói bất cứ điều gì Ngài muốn!

Mới đây, tôi gặp một mục sư của hội thánh lớn đã yêu cầu tôi giới hạn phần tôi giảng trong vòng 45 phút. Tôi nhìn ông và trả lời với lòng tôn trọng vị trí của ông: “Có phải đó là điều mục sư muốn không? Mục sư có muốn ấn định thời gian cho Thánh Linh không? Nếu mục sư muốn, mục sư có thể tăng trưởng hội thánh, nhưng hãy quên đi sự vận hành đích thực của Chúa trong hội thánh này.”

Vị mục sư này hạ giọng, “Thôi được, nhưng làm ơn giảng trong vòng 75 phút.”

Buổi nhóm cuối cùng của chúng tôi là vào tối thứ Hai, và tôi giảng một sứ điệp mạnh mẽ. Khoảng 80 phần trăm số người nhóm tiến lên phía trước khi tôi mời gọi ăn năn tin Chúa. Tôi để ý thì giờ của tôi cũng hết khi tôi kết thúc buổi nhóm. Tôi học được rằng Chúa hài lòng khi tôi tôn trọng uy quyền mà Ngài thiết lập trên hội thánh.

Sáng hôm sau tôi bay về nhà sớm. Ngày hôm sau mục sư đó gọi cho tôi: “Anh John ơi, tôi thấy hôm qua anh nên cầu nguyện cho các nhân sự của tôi nữa.”

Tôi đồng ý và trả lời, “Tôi có cầu nguyện, nhưng không đủ thời gian.”

Ông nói tiếp: “John à, khi tôi về nhà, vợ tôi đã vào phòng khách khóc. Cô ấy nhìn tôi và nói, “Chúng ta đã bỏ lở cơ hội Chúa làm việc. Buổi nhóm đáng lý kéo dài hơn nữa. Chúng tôi đã nhận nhiều cú điện thoại suốt ngày hôm đó làm chứng về những đời sống được thay đổi. Các tín hữu ở vùng đó gọi lại hỏi, ‘Chúng tôi có nghe Chúa làm nhiều điều tại hội thánh quý vị. Tối nay có nhóm không?’ Tôi không thể tin nỗi là tôi đã giới hạn thời gian. Chúa đã xử lý tôi về chuyện này.”

Tôi trả lời, “Mục sư ơi, tôi rất vui, vì tôi thấy mục sư rất mở lòng ra.”

Rồi ông mời tôi quay lại càng sớm càng tốt để tổ chức nhóm suốt tuần lễ. Tôi ước gì tôi có thể làm chứng lại rằng tất cả các mục sư mà tôi gặp đã từng giới hạn Thánh Linh trong hội thánh của họ nên có tấm lòng mở ra.

Chúa than khóc về sự bất kính này qua Giêrêmi:

Một việc hãi hùng rùng rợn đã xảy ra trong xứ: Tiên tri nói tiên tri giả dối, thầy tế lễ cai trị theo ý các tiên tri, thế nhưng dân Ta lại ưa thích như vậy! Các ngươi sẽ làm gì khi sự cuối cùng đến?

Giêrêmi 5:30-31

Thật đáng kinh sợ, nhưng đoạn Kinh Thánh này mô tả nhiều điều chúng ta chứng kiến ngày nay. Thường lời của những người gọi là “tiên tri” trong hội thánh không gây dựng tấm lòng dân sự Chúa thật sự. Họ chỉ giải khuây bằng những lời hứa phước lành. Nhưng sau đó tín đồ nản lòng khi họ thất vọng nơi Chúa vì những lời đó không xảy ra. Qua sứ điệp của A-ghê và Malachi mà dân sự trở lại tấm lòng của Chúa. Những lời tiên tri của họ đem lại sự kính sợ Chúa cách lành mạnh và dẫn tới sự vâng lời.

Không may thay nhiều sự giảng dạy và lời tiên tri cá nhân ngày nay đã dung túng những thái độ và nhận thức sai lầm và đã thâm nhập vào tấm lòng con cái Chúa. Chúa muốn quí vị hạnh phúc. Chúa muốn quí vị được phước! Đời sống thành công đang chờ quí vị! Hãy tự học Kinh Thánh về những lời tiên tri cá nhân trong Tân ước. Bạn sẽ thấy có một vài lời tiên tri cá nhân, và phần lớn nói đến xiềng xích, hoạn nạn và sự chết đang chờ đợi những con người muốn tôn vinh Chúa. (Xem Giăng 21:8- 19; Công vụ 20:22-23; 21:10-11). Điều này hoàn toàn khác với những lời tiên tri cá nhân ngày nay.

Chúa mô tả thầy tế lễ là người cai trị bằng cánh tay sắt. Điều này xảy ra khi các mục sư cai trị qua sự kiểm soát thay vì vâng theo sự dẫn dắt của Thánh Linh. Thật xúc phạm Thánh Linh khi nói rằng Ngài chỉ có 45 phút để làm xong công việc của Ngài. Ngài sẽ không đẹp lòng khi các lãnh đạo bước theo khuôn mẫu cứng nhắc và đưa ra những quyết định mà không hỏi ý Chúa. Nhưng điều mà Chúa thấy đáng lo ngại nhất là dân sự Ngài lại thích kiểu này! Đối với nhiều người, những ấn định như thế che đậy lối sống bất kính và ích kỷ của họ.

Phước hạnh lớn lao đi kèm theo cơn mùa đầu mùa, nhưng nó cũng đem đến sự phán xét ngay lập tức. Chúa hỏi, “Nhưng các ngươi sẽ làm gì khi sự cuối cùng đến?” Tôi tin Ngài đang cảnh cáo, “Nếu các con không thay đổi thì vào ngày vinh hiển của Ta các con sẽ bị phán xét thay vì được phước.”

Hãy Xem Đền Thờ Trước Đây

Chúng ta hãy trở lại A-ghê. Sự kính sợ Chúa được phục hồi trong tấm lòng của dân Y-sơ-ra-ên, và sự tập trung của họ hướng về Chúa. A-ghê chỉ cho thấy tình trạng hiện tại của đền thờ:

Ai trong các ngươi còn sót lại đây đã từng thấy cảnh huy hoàng thuở xưa của đền thờ? Bây giờ các ngươi thấy nó thế nào? Trước mắt các ngươi hình như đền thờ này chẳng ra gì, phải không?

A-ghê 2:3

Tôi tin Chúa cũng hỏi chúng ta tương tự ngày nay: “Bao nhiêu người trong các ngươi còn nhớ hội thánh đã kinh nghiệm sự vinh hiển đầu tiên? So sánh với bây giờ thì như thế nào? Chúng ta là đền thờ của Chúa được so sánh như thế nào đây?”

Để trả lời, ta hãy so sánh xem thử vinh hiển của hội thánh trong sách Công Vụ. Lễ Ngũ Tuần, ngày đầu tiên của cơn mưa đầu mùa, đến cách đầy quyền năng đến độ thu hút sự chú ý của vô số người tại Giêrusalem. Lúc đó không có đài phát thanh, không có ti vi hay thông cáo báo chí. Không có phát tờ rơi. Thật ra, không buổi nhóm nào lên thời khoá biểu trước. Nhưng Chúa lại bày tỏ chính Ngài cách mạnh mẽ đến độ vô số người nghe những lời được xức dầu của Phierơ và hàng ngàn người được cứu. Buổi nhóm lúc đó không được tổ chức tại nhà thờ, sân vận động hay khán đài mà là ở ngoài đường phố. Một thời gian ngắn sau đó Phierơ và Giăng đang trên đường đến đền thờ, và họ thấy một người bị què từ lúc mới sinh. Mỗi ngày anh ta được đặt ở ngoài đường để ăn xin. Phierơ đỡ anh dậy và người què được chữa lành trong Danh Chúa Giê-su. Trong vòng vài phút đám đông hàng ngàn người nhóm hiệp lại. Phierơ giảng và 5000 người tin Chúa. Không có thì giờ mời gọi tin Chúa, vì Phierơ và Giăng đã bị bắt trước khi họ giảng xong.

Một thời gian ngắn sau đó hội thánh tăng trưởng từ 120 lên đến trên 8000 thành viên.

Sau khi Phierơ và Giăng được thả ra khỏi tù họ quay lại gặp các tín hữu khác. Họ cùng nhau cầu nguyện hiệp một đến độ nơi nhóm lại bị rúng động. Thật là quyền năng! Ngày nay tôi biết có những người hầu việc Chúa có khuynh hướng phóng đại, nhưng Kinh Thánh thì không! Khi Kinh Thánh nói nơi nhóm lại rúng động tức là nó rúng động thật sự!

Ngay sau đó một cặp vợ chồng đem của dâng, do bất kính nên họ ngã lăn đùng ra chết. Lập tức chúng ta đọc biến cố sau:

Đến nỗi người ta đem những người bệnh ra ngoài đường phố, đặt trên giường chõng, để khi Phierơ đi qua, ít ra bóng ông cũng ngả trên một vài người.

Công vụ 5:15

Để ý là “các đường phố” chứ không phải là một con đường! Thành Giêrusalem lúc đó không phải là một thành phố nhỏ. Vinh hiển của Chúa quá mạnh mẽ đến độ điều duy nhất Phierơ phải làm là đi ngang qua những người này và họ được lành bệnh!

Sau đó cơn bách hại xảy đến khốc liệt tại thành Giêrusalem đến nỗi các tín hữu tản lạc khắp các vùng Giu-đê và Samari. Có một người trong họ là Phi-líp, một người phụ giúp thức ăn cho những người goá, đến thành Samari rao giảng. Cả thành đáp ứng và vô số người nghe ông giảng, khi họ thấy những phép lạ lớn lao ông làm. Tác động của Thánh Linh lên thành phố đó quá lớn đến nỗi Kinh Thánh ghi lại, “Cả thành có sự vui mừng lớn” (Công vụ 8:8).

Thiên sứ của Chúa bảo Phi-líp đến sa mạc, nơi ông gặp một người có quyền lực đến từ Ê-thi-ô-pi. Phi-líp dẫn ông này đến với Chúa Giê-su và làm báp tem cho ông. Sau đó Thánh Linh đưa Phi-líp đi khỏi đó trong lúc ông biến mất ngay trước mắt ông quan này. Phi-líp được đưa đi khỏi sa mạc đến một thị trấn gọi là A-xốt.

Ngay sau đó chúng ta thấy Phierơ đến một thành gọi là Ly-đa. Tại đó ông gặp một người tên là Ê-nê đã bị què 8 năm. Phierơ nói với anh trong Danh Chúa Giê-su, và người què này được chữa lành ngay lập tức.

Kinh Thánh nói: “Tất cả dân chúng ở Ly-đa và Sa-rôn thấy Ê-nê lành bệnh đều quay về với Chúa.” (Công vụ 9:35). Cả hai thành này đều được cứu!

Sau này chúng ta thấy Chúa làm việc một cách đầy quyền năng giữa dân ngoại. Nơi nào các tín hữu đến, cả thành đều chịu ảnh hưởng. Các tín hữu lúc đó được mô tả là “những kẻ làm đảo lộn thế giới này đã đến đây” (Công vụ 17:6).

Vinh hiển của Chúa quá quyền năng đến nỗi Kinh Thánh ghi lại, “Việc này tiếp tục hai năm, đến nỗi tất cả mọi người ở tỉnh Tiểu Á, cả người Do Thái lẫn người Hy Lạp, đều được nghe Đạo Chúa.” (Công vụ 19:10). Thật lạ lùng! Kinh Thánh không nói, “Cả Tiểu Á đều nghe đạo Chúa.” Nói thế có nghĩa là cả thành đều chịu ảnh hưởng, nhưng không nhất thiết là ai ai cũng tin Chúa.

Trái lại Kinh Thánh nói, “Tất cả mọi người ở Tiểu Á đều được nghe Lời Chúa!” Điều này cho chúng ta biết mỗi người sống ở Tiểu Á lúc đó nghe được Lời Chúa chỉ trong vòng hai năm. Tiểu Á không phải là một thành phố, một thị trấn hay một nước. Nó là cả một khu vực.

Tất cả công cuộc truyền giáo này được thực hiện mà không cần tới vệ tinh, Internet, truyền hình, truyền thanh, xe hơi, xe đạp, băng đĩa, sách vở hay video. Tuy nhiên Kinh Thánh nói mọi người đều nghe tin lành khi các cơ đốc nhân đầu tiên rao giảng.

Lớn Gấp Bảy Lần

Bây giờ bạn có thấy được hội thánh trong sách Công vụ đầy dẫy vinh hiển thể nào dưới ảnh hưởng của cơn mưa đầu mùa của Thánh Linh không? Nào ta hãy lặp lại câu hỏi của Chúa: “Hội thánh thời này mà đem sánh với sách Công vụ thì như thế nào?” Có phải chúng ta không có gì cả không? Nếu chúng ta thành thật, chúng ta sẽ trả lời đúng cho câu hỏi này. Không có cách nào để so sánh hội thánh thời nay với hội thánh vinh hiển thời Công vụ. Chúng ta có thể có nhiều phương tiện hơn, nhưng dường như chúng ta lại ít có sự hiện diện. Tôi không chống lại sách vở, băng đĩa, truyền hình, máy tính và kỹ thuật vệ tinh. Những thứ này là phương tiện, nhưng nếu nó không được Chúa hà hơi chúc phước, nó vẫn còn thiếu. Đức Chúa Trời là Nguồn Phương Tiện của mọi phương tiện của chúng ta.

Có phải Chúa hỏi câu hỏi này để định tội chúng ta không? Hoàn toàn là không! Ngài chỉ thách thức chúng ta mở rộng khải tượng. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã đạt mục tiêu rồi thì chúng ta không khao khát tiến xa hơn. Niềm đam mê và ý thức mạo hiểm của chúng ta sẽ vơi đi. Châm Ngôn 29:18 cho biết: “Ở đâu không có khải tượng [tầm nhìn mang tính tiên tri], dân chúng phóng túng.”

Hãy đọc Lời Chúa và nhìn thấy khải tượng của Ngài:

“Vinh quang của đền thờ sau lớn hơn vinh quang của đền thờ trước. Chúa Vạn Quân phán vậy.”

A-ghê 2:9

Thật lạ lùng! Bạn có tưởng tượng ra điều này không? Chúa phán vinh hiển tỏ bày của Ngài sẽ trỗi vượt hơn vinh hiển đã được bày tỏ trong sách Công vụ! Bạn có thấy chúng ta vẫn còn hụt hẫng với khải tượng của Chúa không?

Thật ra, Chúa làm tôi phải nín lặng khi phán với tôi trong lúc cầu nguyện cách đây vài năm: “John, sự oai nghi vĩ đại của vinh hiển Ta trong những ngày sắp tới sẽ lớn gấp bảy lần những gì mà người ta đã kinh nghiệm trong sách Công vụ!”

Tôi lập tức kêu cầu: “Chúa ơi, con không biết con có thể tin hay hiểu được điều này hay không! Con cần thấy những gì Ngài phán trong Lời Ngài để xác nhận đây là lời Ngài phán với con.”

Tôi thường hay hỏi như vậy, và Chúa không bao giờ quở tôi về chuyện này. Kinh Thánh nói : “Bởi lời chứng của hai ba người mà mọi vấn đề đều được xác định” (2Cô 13:1). Thánh Linh của Chúa không mâu thuẫn với chính Lời Kinh Thánh.

Chúa lập tức trả lời, rót những câu Kinh Thánh này vào lòng tôi – không chỉ hai ba câu mà là nhiều câu.

Trước tiên Ngài hỏi: “John, Ta há không phán trong Lời Ta rằng Ta sẽ khiến kẻ thù nổi lên chống lại dân sự Ta sẽ bị thất bại sao? Chúng ra một đường đánh nhưng sẽ chạy bảy đường? (Phục 28:7).”

Sau đó Ngài dùng một câu Kinh Thánh trong Truyền Đạo hỏi: “John, Ta há không phán trong Lời Ta rằng ‘sự cuối cùng hơn sự khởi đầu sao’ (Truyền đạo 7:8)?” Thời kỳ cuối cùng của hội thánh sẽ tốt đẹp hơn thời kỳ đầu.

Tuy nhiên một lần nữa Ngài hỏi: “John, Ta há không để dành rượu ngon vào giờ cuối tại tiệc cưới Ca-na sao” (Gi 2:1-11)? Trong Kinh Thánh rượu nói về sự hiện diện vinh hiển của Ngài.

Sau đó Ngài tỏ cho tôi một câu Kinh Thánh nhằm xác định điều này trong lòng tôi. Êsai, chương 30, cho biết thể nào dân sự Chúa tìm kiếm sức mạnh của Ai-cập (hệ thống thế gian) để an thân. Họ tìm sức mạnh nơi thần tượng mà người đời đeo đuổi. Sau đó Chúa phải dẫn dân sự Ngài qua hoạn nạn và thử thách để luyện lọc họ. Trong tiến trình này, họ loại bỏ các thần tượng và hướng lòng về Chúa hoàn toàn. Một khi chuyện này xảy ra, Chúa phán:

Ngài sẽ ban mưa cho hạt giống các ngươi gieo trên đồng ruộng . . .

Êsai 30:23

Êsai không nói về mưa thiên nhiên mà nói về mưa Thánh Linh như đã được Giô-ên, Phierơ và Giacơ mô tả. Hãy xem những gì Êsai nói tiếp:

Ánh sáng mặt trăng sẽ giống như ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trời sẽ sáng hơn gấp bảy lần như ánh sáng của bảy ngày, trong ngày CHÚA băng bó vết thương của dân Ngài và chữa lành những vết đòn Ngài đã đánh.

Êsai 30:26

Mặt trời tự nhiên không sáng gấp bảy lần khi trời mưa. Không bao giờ, Chúa đang nói đến vinh hiển của Con Ngài mà Kinh Thánh gọi là “Mặt Trời Công Chính” (Mal 4:2). Vinh hiển của Ngài sẽ lớn gấp bảy lần vào những ngày trước khi Chúa tái lâm.

Cơn mưa vinh hiển sau cùng của Chúa sẽ mang lại sự tươi mới không chỉ cho dân sự Chúa mà còn cho những người gần bên họ. Tôi đã dự nhiều buổi nhóm phước hạnh nơi mà Chúa vận hành và hàng ngàn người dự nhóm mỗi đêm. Dù trong các buổi nhóm này đều có cả tín đồ lẫn tội nhân nhóm, nhưng nó không ảnh hưởng gì đến thành phố bên cạnh. Khi tôi lái xe đến các buổi nhóm này, tôi thắc mắc khi nào thì cả thành phố được ảnh hưởng. Dù các buổi nhóm này tuyệt vời như thế nào đi nữa nhưng tôi vẫn trông đợi cơn mưa cuối mùa.

Cơn mưa cuối mùa khác với các cuộc phấn hưng trước đây. Các cuộc phấn hưng này ảnh hưởng cả một thành phố hay một khu vực xa gần, như cuộc phấn hưng ở Azusa và xứ Wales. Nó ảnh hưởng đến nhiều nước, nhưng bạn phải đến đó để tham dự. Nhưng trong sách Công vụ vinh hiển của Chúa bày tỏ mọi nơi nào môn đồ Ngài đến. Vinh hiển của Chúa được đổ ra trên toàn thế giới thời bấy giờ. Cơn mưa cuối mùa sẽ được đổ ra trên khắp đất với một mức độ lớn lao hơn!

Tôi phấn khởi mà tuyên bố: Vị trí quá khứ hay hiện tại của chúng ta không phải là vị trí mà chúng ta nhắm tới trong tương lai! Chúng ta phải ngước mắt lên chân trời và mong đợi sự vinh hiển sắp hiện ra của Ngài!