Chương Mười Hai: TỪ VINH HIỂN ĐẾN VINH HIỂN

Kính Sợ Chúa

Đăng vào: 5 tháng trước

.

MƯỜI HAI

vintage-symbol

TỪ VINH HIỂN ĐẾN VINH HIỂN

Nhưng nếu họ quay về với Chúa, tấm màn ấy mới được cất đi.

2Côrinhtô 3:16

Thật là một lời hứa đầy quyền năng! Khi chúng ta quay trở lại với Chúa, bất kỳ bức màn nào che không cho chúng ta ngắm nhìn vinh hiển Chúa đều sẽ bị cất đi!

Trước khi tôi nói thêm, tôi muốn nhấn mạnh bài học và ý nghĩa đầy đủ của câu Kinh Thánh này. Chúng ta cần tái khẳng định câu Kinh Thánh này bởi vì thường là ý nghĩa quan trọng của những lời Phaolô nói sẽ bị đánh mất do bị che mắt bởi lối tư duy “câu lạc bộ cơ đốc” của chúng ta ngày nay.

Chúa Giê-su đưa ra một câu hỏi gây kinh ngạc, một câu hỏi mà chúng ta ngày nay hay bỏ qua. Ngài hỏi: “Sao các ngươi gọi Ta là Chúa, Chúa nhưng lại không làm theo những gì Ta phán?” (Lu 6:46). Từ ngữ Hy-lạp “Chúa” là kurios. Nó có nghĩa là “có thẩm quyền tối cao.” Nó cũng có nghĩa gợi ý là quyền làm chủ.

Chúa là Đấng Tạo Hoá, là Đấng Cai Trị và Đấng Sở Hữu vũ trụ này. Vì là Đấng có thẩm quyền tối cao, Ngài đặt con người trong vườn và trao thẩm quyền cho họ. Con người đã giao uy quyền quản trị quả đất cho satan (Lu 4:6). Tại thập tự giá, Chúa Giê-su đã chuộc lại những gì bị đánh mất. Bây giờ chúng ta có một sự chọn lựa. Chúng ta có thể giao quyền kiểm soát hoàn toàn đời sống của chúng ta cho Chúa Giê-su, hay là chúng ta giữ quyền đó lại và cứ bị mắc kẹt trong quyền lực của thế gian chết mất này. Không có sự chọn lựa thứ ba, không có chuyện nửa chừng. Khi chúng ta không kính sợ Chúa và không tôn trọng Ngài là Chúa, chúng ta giữ lại một phần quyền kiểm soát đời sống của chúng ta. Chúng ta có thể xưng nhận Chúa Giê-su là Chúa, nhưng qua bông trái của đời sống chúng ta cho thấy sự bất kính của mình. Nếu chúng ta kính sợ Chúa, chúng ta sẽ đầu phục hoàn toàn uy quyền của Ngài như là Vua và là Chúa. Điều này cho phép Ngài hoàn toàn sở hữu chúng ta. Chúng ta trở thành tôi tớ của Ngài.

Phaolô, Timôthê, Giacơ, Phierơ và Giuđe đều nói đến ý niệm tôi tớ trong các thư tín. (Xem Rô 1:1; Cô 4:12; Gia 1:1; 2Phi 1:1; Giu 1). Một người tôi tớ sẽ tự do hiến thân để phục vụ. Đây không phải là làm nô lệ, vì một người nô lệ không có sự chọn lựa trong việc này. Người tôi tớ thì tự nguyện. Chúng ta phục vụ Chúa phát xuất từ tình yêu, lòng tin tưởng và tôn kính Chúa. Chúng ta vui lòng để cho Ngài kiểm soát hoàn toàn và vô điều kiện đời sống chúng ta.

Đó là lý do Phaolô dạn dĩ đối diện với xiềng xích, hoạn nạn và khó khăn đang chờ đón ông tại mỗi thành. Ông nói một cách xác quyết: “Và nay tôi bị ràng buộc trong tâm linh để đi đến thành Giê-ru-sa-lem” (Công 20:22). Có phải Chúa che mắt Phaolô không? Tất nhiên là không rồi! Phaolô hiểu được rằng để hoàn tất ý Chúa, ông phải chịu khổ. Nhưng Phaolô đã chọn ý muốn của Chúa hơn là chọn sự tiện nghi cá nhân. Ông tự nguyện giao quyền kiểm soát hoàn toàn và vô điều kiện đời sống của ông cho Chúa Giê-su.

Phaolô nói đến những khó khăn vô cùng mà ông gặp phải qua những lời này: “Nhưng tôi chẳng ngã lòng, cũng không tiếc mạng sống mình, chỉ mong dâng trọn cuộc đời cho Chúa và chu toàn nhiệm vụ Chúa Giê-xu uỷ thác” (c.24). Ông dâng mình bất kể phải trả giá nào. Chỉ có tình yêu thương của chúng ta dành cho Chúa kết hợp với lòng kính sợ Ngài giúp chúng ta đáp ứng hết lòng với quyền kiểm soát của Ngài. Đây là sự kết ước đòi hỏi có ở tất cả những ai theo Ngài (Lu 14:25-33).

Khi Chúa Giê-su thắc mắc, “Sao các ngươi gọi Ta là Chúa, Chúa mà không làm theo những gì Ta phán?” Ngài có ý phán, “Đừng lừa dối mình khi gọi Ta là Chúa trong khi đó các ngươi lại cứ sống đời sống như thể là các ngươi là chủ.”

Bức Màn Lừa Dối

Đời sống vua Saulơ minh hoạ cho ý niệm này. Chúa truyền bảo Saulơ qua tiên tri Samuên. Saulơ được bảo phải tụ tập quân đội lại để tấn công dân A-ma-léc, tiêu diệt hoàn toàn mọi vật chi thở – mọi người nam, người nữ, trẻ em và thú vật.

Saulơ không từ chối lời chỉ bảo của Samuên bằng những lời “Tuyệt đối là không!” và đi theo hướng ngược lại. Điều đó sẽ là sự không vâng lời trắng trợn. Thay vào đó Saulơ có lắng nghe, có tụ họp quân đội và có tấn công dân A-ma-léc. Trong cuộc tấn công này, hàng ngàn người nam, nữ và trẻ em bị giết chết. Saulơ chỉ tha cho vua A-ma-léc. Có lẽ ông muốn một vua khác làm chiến tích để phục vụ trong cung điện của ông.

Hầu như có hàng ngàn súc vật bị giết chết. Saulơ chỉ giữ lại một vài con chiên, bò nào khoẻ mạnh. Ông lý luận rằng dân chúng có thể dâng những thứ này làm tế lễ cho Chúa, và việc này cũng “đúng Kinh Thánh” mà. Đối với một người quan sát bên ngoài, không nghe lời của tiên tri, Saulơ trông có vẻ là một vị vua tin kính. “Hãy xem nào, ông chỉ dâng cho Chúa điều gì tốt đẹp nhất!”

Sau chiến dịch này, Chúa phán với Samuên: “Ta hối tiếc đã lập Sau-lơ làm vua, vì người đã bỏ, không theo Ta, và không thi hành mạng lệnh Ta.” (1Sa 15:11).

Ngày hôm sau Samuên đến quở trách Saulơ. Khi Saulơ thấy Samuên đến, ông phấn khởi chào tiên tri bằng những lời, “Xin CHÚA ban phước cho ông. Con đã thi hành xong mạng lệnh của CHÚA.” (c.13).

Hãy chờ một chút! Những lời đó không gây ấn tượng cho Chúa chút nào cả! Chúng ta mới đọc quan điểm của Ngài. Chuyện gì xảy ra ở đây? Sao lại có những quan điểm khác nhau về cùng một sự kiện? Saulơ thật sự tin rằng ông vâng lời Chúa. Sao mà có chuyện nước đôi đây? Giacơ giải thích điều này:

Hãy làm theo Lời, đừng chỉ nghe mà lừa dối chính mình.

Giacơ 1:22

Khi chúng ta nghe Lời Chúa mà không làm theo, chúng ta tự lừa dối chính lòng mình! Đây là cách mà có người tin rằng họ đang vâng lời Chúa trong khi thực tế họ hành xử cách không vâng lời Ngài. Đây là một khải thị vừa đáng sợ vừa cảnh tỉnh. Sự lừa dối che đậy tấm lòng và làm mờ lẽ thật. Một người càng không vâng lời thì bức màn này càng dày thêm và tối thêm, khiến cho nó khó mà cất đi được.

Hãy để tôi lặp lại một số điểm quan trọng. Thứ nhất,Saulơ không bỏ mặc hay từ chối không làm theo những gì ông được truyền bảo. Ông có làm theo. Thứ hai, ông có giết hàng ngàn người, chỉ tha cho một người. Ông giết tất cả súc vật chỉ chừa lại một vài ngàn con. Ông có lẽ đã làm 99% những gì ông được truyền bảo. Nhưng Chúa gọi sự vâng lời chưa trọn vẹn này là sự nổi loạn (1Sa 15:23)! Ngày nay chúng ta hay nói: “Thôi được! Có nỗ lực đó.” Chúng ta thậm chí bênh vực cho Saulơ, cho rằng, “Suy cho cùng, ông ta hầu như đã làm theo hết. Hãy chấm công cho những việc làm đúng của ông! Sao lại chỉ ra có một việc mà ông không làm? Hãy xem tất cả những gì ông đã làm!

Đừng có khắt khe với Saulơ, tội nghiệp ông!”

Dưới con mắt của Chúa, sự vâng lời nửa vời hay có chọn lọc cũng giống như nổi loạn với uy quyền của Ngài. Đây là bằng cớ của việc thiếu đi lòng kính sợ Chúa!

Lần nọ tôi đến Canađa để hầu việc Chúa. Chúng tôi đang hát ngợi khen và thờ phượng Chúa thì Thánh Linh hỏi câu hỏi này: “Con có biết linh tôn giáo là gì không?”

Dù tôi đã viết và giảng về linh tôn giáo và cách chúng hoạt động, nhưng tôi biết ngay là hiểu biết của tôi lúc đó quá bị giới hạn. Tôi học được rằng mỗi khi Chúa hỏi câu hỏi, Ngài không tìm kiếm thông tin. Tôi trả lời, “Dạ không biết, Chúa ơi. Xin hãy chỉ cho con.”

Ngài trả lời ngay, “Một người có linh tôn giáo là người dùng Lời Ta để thực thi ý riêng của họ!” Nói cách khác, ấy là lúc chúng ta lấy những gì Chúa phán và xen ý riêng của chúng ta vào trong đó.

Tôi run rẩy trước sự khôn ngoan mà Thánh Linh của Chúa mặc khải cho. Tôi áp dụng điều này vào trường hợp của Saulơ. Tôi thấy được cách Saulơ đã làm những gì ông được truyền bảo, nhưng ông xen ý riêng của ông vào trong đó. Tấm lòng của Chúa không phải là sự tập chú của ông. Saulơ thấy được cơ hội để làm lợi cho bản thân và củng cốsức mạnh của ông nơi dân sự, và ông bắt lấy điều này. Có để cho Chúa kiểm soát không? Có run sợ trước Lời Chúa không? Sự kính sợ Chúa sẽ giữ chúng ta không thoả hiệp với lẽ thật của Chúa để trục lợi. Lúc đó chúng ta sẽ vâng theo Lời Chúa, bất kể phải trả giá nào.

Bạn Đang Ngắm Nhìn Cái Gương Nào?

Một lần nữa hãy nghe những lời của Giacơ:

Hãy thực hành Lời Chúa, đừng tưởng chỉ nghe là đủ mà tự lừa dối mình. Kẻ nào nghe Lời Chúa mà không thực hành cũng giống như một người soi mặt trong gương, thấy rồi bỏ đi, quên ngay mặt mình như thế nào.

Giacơ 1:22-24

Giacơ dùng ví dụ trong tự nhiên để minh hoạ những gì xảy ra trong tâm linh khi chúng ta không đầu phục quyền kiểm soát của Chúa Giê-su. Khi chúng ta không run sợ trước Lời Ngài bằng sự vâng lời vô điều kiện, việc này chẳng khác gì nhìn mình trong gương, rồi đi khỏi như thể là chúng ta không xem gì cả và rồi xem lại vì chúng ta đã quên mất mình trông thể nào. Chúng ta chỉ thấy bao lâu chúng ta nhìn trong gương, nhưng ngay sau khi đi khỏi, chúng ta sẽ quên mất, như thể chúng ta bị che mắt.

Điều này giải thích lý do nhiều người có thể đọc, nghe và ngay cả giảng Lời Chúa, nhưng lại sống như những người không biết Lời Chúa gì cả. Không có sự thay đổi gì nhiều trong đời sống của họ. Hầu như cuộc đời họ chưa được biến đổi. Tác giả Thi Thiên mô tả tình trạng những người đến nhà Chúa, nghe Lời Chúa, nhưng vẫn không được thay đổi. Ông nói: “Vì chúng nó chẳng có sự biến cải trong mình, cũng chẳng kính sợ Đức Chúa Trời.” (Thi 55:19- BTT)

Những người này xưng mình là được cứu, nhưng lại không được thay đổi bởi quyền năng của Chúa. Họ sống bất khiết, vô ơn, ganh ghét, bất tuân và không tha thứ, và bày tỏ những tính nết khiến họ không khác gì những người ngoại chưa hề nghe Lời Chúa. Họ có lẽ không hút thuốc, không uống rượu hay chưởi thề như người ngoại, nhưng động cơ trong lòng họ vẫn như cũ – tư kỷ. Phaolô mô tả tình trạng của họ là cứ học luôn nhưng không thể áp dụng để hiểu lẽ thật. Họ đã bị lừa dối (2Ti 3:1-7,13)

Ở đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên cũng bị “cận thị” do tấm lòng bị che khuất. Bức màn này được gọi là sự lừa dối. Họ nghe Lời Chúa và thấy quyền năng của Ngài, nhưng họ vẫn y như cũ. Chính do thiếu sự kính sợ Chúa mà khiến cho con mắt thuộc linh của họ bị tối tăm.

Không có sự ăn năn thật, bức màn này sẽ dày thêm đến độ gây cho họ mù loà. Lòng họ bị che khuất không thấy được con người thật của họ. Trong khi họ ăn mừng vì đã được giải cứu khỏi Ai-cập (thế gian), họ đánh mất mục đích của Chúa và thối lui – ngay cả thu mình lại – khi sự hiện diện vinh hiển của Ngài được bày tỏ. Điều tương tự có thể xảy ra cho chúng ta nếu chúng ta không để ý lời cảnh cáo của Chúa.

Phaolô cho chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta đầu phục quyền kiểm soát của Chúa, kính sợ sự hiện diện của Ngài và run sợ trước Lời Ngài.

Nhưng nếu họ quay về với Chúa, tấm màn ấy mới được cất đi . . . . Và tất cả chúng ta, với mặt trần không bị màn che, đều phản chiếu vinh quang của Chúa và được biến đổi theo hình ảnh Ngài từ vinh quang này đến vinh quang khác nhờ Chúa là Thánh Linh.

2Côrinhtô 3:16-18

Cũng như Giacơ, Phaolô dùng lối phân tích nhìn xem cái gương. Tuy nhiên, chúng ta không nhìn cái gương vật lý mà nhìn chính vinh hiển của Chúa được thấy nơi mặt của Chúa Giê-su (2Cô 4:6). Ảnh tượng này được bày tỏ trong tấm lòng khi chúng ta không chỉ nghe Lời Ngài mà còn vâng lời. Giacơ xác nhận điều này :

Nhưng người nào chăm chú nhìn vào luật toàn hảo, là luật đem lại tự do, lại kiên trì tuân giữ, không phải nghe rồi quên đi, nhưng thực hành luật đó, thì sẽ được phước trong việc mình làm.

Giacơ 1:25

Luật tự do chính là Chúa Giê-su. Ngài là Lời hằng sống và khải thị của Đức Chúa Trời. Giăng cho chúng ta biết, “Và Đức Thánh Linh làm chứng, vì Đức Thánh Linh là chân lý.”

Khi chúng ta hết lòng tìm kiếm Chúa, duy trì sự nhạy bén với Lời Ngài dưới sự lãnh đạo của Thánh Linh, và vâng theo những gì Chúa bày tỏ, mắt thuộc linh của chúng ta sẽ sáng sủa và mở ra. Sau đó chúng ta có thể nhận ra vinh hiển của Ngài!

Hãy nhớ Chúa ước ao chúng ta ngắm nhìn vinh hiển của Ngài! Ngài đau buồn khi dân Y-sơ-ra-ên không thể đứng nổi trong sự hiện diện vinh hiển của Ngài do thiếu sự kính sợ Chúa. Chỉ có một tấm lòng không bị che khuất mới nhìn thấy Ngài!

Khi chúng ta ngắm nhìn vinh hiển của Ngài trong cái gương của Lời Ngài, chúng ta sẽ được biến đổi theo ảnh tượng của Ngài bởi Thánh Linh! Ngợi khen Chúa! Bây giờ bạn hiểu được tính cấp bách mà tác giả thư Hêbơrơ cảm nhận:

Vậy, ta càng phải lưu ý hơn nữa đến những điều đã nghe, để khỏi bị trôi lạc.

Hêbơrơ 2:1

Có một ơn kêu gọi cao cả dành cho mỗi tín hữu đó là được biến đổi giống hình ảnh của Chúa Giê-su (Phi 3:14; Rô 8:29). Nhưng nếu chúng ta không sốt sắng để vâng theo Lời Chúa, chúng ta sẽ bị trôi dạt khỏi cuộc đua Ngài đặt trước mặt chúng ta. Bạn có tưởng tượng ra việc cố lái xe đang khi bị bịt mắt không? Bạn đề ba nhưng chiếc xe của bạn vẫn không tới đích! Bạn không thể thấy bạn sẽ đi tới đâu nếu bạn bị bịt mắt. Vâng lời sẽ giúp bạn không bị che mắt.

Ánh Sáng Dẫn Đường Cho Cả Con Người

Chúng ta được thay đổi theo những gì chúng ta thấy. Nếu có bức màn che con mắt thuộc linh của chúng ta thì hình ảnh về Chúa sẽ bị méo mó. Trong suy nghĩ của chúng ta, hình ảnh của Chúa mang dáng dấp của con người phàm tục thay vì một Đức Chúa Trời chân thực. Lúc đó chúng ta nhìn đường lối của Ngài bởi ánh sáng lim dim của nền văn hoá của chúng ta. Đây là lý do dân Y-sơ-ra-ên có thể kinh nghiệm phép lạ và dấu lạ quyền năng, nhưng họ thấy ngay mình cư xử như các nước không biết Chúa. Chúa Giê-su phán:

Mắt là đèn của thân thể. Vì thế, nếu mắt con tốt, thì cả thân thể sẽ sáng láng. Nếu mắt con xấu, cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy nếu ánh sáng ở trong con chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm ấy còn lớn là dường nào!

Mathiơ 6:22-23

Ngọn đèn hướng dẫn thân thể (con người) chúng ta chính là con mắt. Hình ảnh về ngọn đèn không chỉ nói về ánh sáng thể lý mà còn nói đến con mắt lòng (Êph 1:18). Toàn bộ con người của chúng ta chỉ làm theo nhận thức và hướng dẫn của chúng ta. Nếu mắt chúng ta nhìn xem Lời hằng sống của Chúa (Hê 1:5), toàn bộ con người của chúng ta sẽ đầy dẫy ánh sáng của bản chất Ngài (1Gi 1:5). Chúng ta liên tục được biến hoá theo ánh sáng lẽ thật này; chúng ta sẽ an toàn và không bị trật khỏi cuộc đua.

Chúa Giê-su phán tiếp rằng con mắt nào tập trung vào điều xấu thì cả con người ấy sẽ đầy dẫy bản chất tối tăm. Điều này mô tả tấm lòng tối tăm của người không tin.

Nhưng hãy xem kỹ câu nói cuối cùng: “Nếu mắt con xấu, cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy nếu ánh sáng ở trong con chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm ấy còn lớn là dường nào!” (Mat 6:23)! Câu này không nói cho người không tin mà nói cho người biết Lời Chúa. Ánh sáng ở trong người đó. Chúa Giê-su phán rằng nếu nhận thức của chúng ta bị tối tăm hay bị che khuất do thiếu sự kính sợ Chúa, bóng tối này sẽ lớn hơn bóng tối bao quanh những người chưa hề thấy hoặc nghe chân lý (Xem Giuđe 1:12-13; Lu 12:47-48). Hãy nhớ lại lời Chúa nói cho những ai tuyên bố biết Ngài, nhưng thiếu lòng kính sợ Ngài: “Nhưng đối với kẻ ác, Đức Chúa Trời phán: Tại sao ngươi đọc lên luật lệ Ta? Vì sao ngươi nhận giao ước Ta bằng môi miệng? Vì người ghét sự rèn luyện, gạt bỏ sau lưng lời dạy dỗ Ta.” (Thi 50:16-17). Họ là những người xưng là mình tin Lời Chúa và thậm chí giảng Lời Chúa, nhưng ánh sáng trong họ vô cùng tối tăm. Do bị che mắt, họ thấy Chúa như họ thấy chính họ, chứ không thấy Ngài như vốn có. Chúa phán, “Ngươi đã làm những điều này nhưng Ta im lặng. Ngươi tưởng Ta giống như ngươi” (c.21).

Thực Hiện Sự Cứu Rỗi

Phierơ khích lệ chúng ta rằng Chúa đã “ban cho chúng ta những lời hứa lớn lao và quý báu, bởi đó anh chị em có thể thoát khỏi dục vọng hư hoại của thế gian mà được dự phần vào bản tánh của Đức Chúa Trời”(2Phi 1:4). “Dự phần vào bản tánh của Đức Chúa Trời!” Thật là một lời hứa tuyệt vời!

Ông giải thích rằng sự ứng nghiệm lời hứa này vừa có điều kiện vừa là một tiến trình. Vì ông nói, “Anh chị em nên chú ý vào điều đó, như ánh sáng soi trong nơi tối tăm, cho đến khi bình minh và sao mai mọc lên trong lòng anh chị em.” (c.19). Điều kiện: chú ý những lời hứa lớn lao và quý báu. Tiến trình: Khi chúng ta run sợ và vâng lời thì ánh sáng vinh hiển của Ngài sẽ mọc lên. Nó bắt đầu như ánh bình minh rồi tiếp tục đi từ vinh hiển đến vinh hiển cho đến khi ánh sáng chiếu rọi như mặt trời đứng bóng. Châm Ngôn 4:18 cho biết, “Con đường của người công chính như ánh sáng bình minh; chiếu sáng rạng rỡ cho đến giữa trưa.” Lúc giữa trưa chúng ta sẽ chiếu sáng mãi mãi như mặt trời (Mat 13:43). Chúng ta sẽ không phản chiếu vinh hiển của Ngài mà toả sáng vinh hiển ấy! Halêlugia!

Khi chúng ta ngắm nhìn vinh hiển của Chúa trong cái gương của Lời Ngài, chúng ta sẽ “được biến đổi theo cùng một ảnh tượng của Chúa từ vinh hiển đến vinh hiển.” Điều này nói đến tiến trình mà Kinh Thánh gọi là “thực hiện” sự cứu rỗi của chúng ta. Phaolô có dạy cụ thể về điều này cho người Phi-líp. Khi bạn đọc những lời dạy của ông, hãy suy gẫm sự kiện rằng nếu cùng những lời dạy này được dân Y-sơ-ra-ên chú ý, họ chắc có lẽ đã thoát khỏi sự chết mất trong đồng vắng.

Vậy, thưa anh chị em yêu dấu của tôi, như anh chị em vẫn luôn luôn vâng phục, không những khi tôi có mặt mà thôi nhưng nhất là bây giờ, lại càng vâng phục hơn khi tôi vắng mặt. Hãy lấy lòng kính sợ và run rẩy mà hành động để hoàn thành sự cứu rỗi mình. Vì Đức Chúa Trời là Đấng đang tác động trong lòng anh chị em để anh chị em vừa muốn vừa làm theo ý chỉ tốt lành của Ngài.

Phi-líp 2:12-13

Tôi biết thư tín này là của Phaolô viết cho người Phi- líp, nhưng nó cũng chính là lá thư của Chúa gởi cho chúng ta. Cả Kinh Thánh đều được Thánh Linh thần cảm, và không bởi ý riêng mà giải nghĩa. Chúng ta nên đọc các câu trên như thể là Chúa phán lời này cho cá nhân chúng ta. Trước khi đọc tiếp, hãy đọc lại Phi-líp 2:12-13 theo ánh sáng này.

Những câu này minh hoạ cách mà sự kính sợ Chúa sẽ thêm sức cho chúng ta để vâng lời Ngài, không chỉ trong sự hiện diện của Ngài mà còn khi không ở trong sự hiện diện của Ngài. Kinh Thánh mô tả hai khía cạnh khác nhau về sự hiện diện của Chúa. Thứ nhất, có sự hiện diện toàn tại của Ngài. Nói đơn giản là Chúa ở khắp mọi nơi. Đa-vít mô tả như vầy: “Tôi sẽ đi đâu xa khỏi thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Ngài? Nếu tôi lên trời, Ngài đang ở đó; nếu tôi nằm dưới Âm Phủ, kìa, Ngài cũng có ở đó.” (Thi 139:7-8). Đây chính là sự hiện diện mà Ngài hứa sẽ không bao giờ lìa hay bỏ chúng ta (Hê 13:5).

Thứ hai, có sự hiện diện cảm nhận được – sự hiện diện tỏ bày của Chúa. Chúng ta thường cảm nhận tình yêu của Ngài trong buổi nhóm. Chúng ta cảm nhận sự ấm áp của Ngài khi thờ phượng Chúa; chúng ta cảm nhận quyền năng khi cầu nguyện. Rất dễ vâng lời Chúa trong những lúc như vậy khi mà lời cầu nguyện của chúng ta được đáp lời, lời hứa của Ngài được ứng nghiệm và niềm vui của chúng ta dâng tràn. Nhưng một người kính sợ Chúa là người sẽ vâng lời Chúa trong những lúc khó khăn khi mà không cảm nhận sự hiện diện của Chúa để khích lệ chúng ta.

Kính Sợ Chúa Cách Kiên Định

Hãy nghĩ đến Giô-sép, cháu cố của ông Áp-ra-ham. Trong giấc mơ Chúa tỏ cho Giô-sép rằng cậu là một nhà lãnh đạo vĩ đại, cai trị luôn các anh của cậu! Nhưng chuyện gì xảy ra ngay sau khi nhận lời hứa này? Các anh mà Giôsép được chỉ định sẽ cai trị đâm ra ganh tị và quăng cậu xuống hố. Nhiều người ngày nay thắc mắc không hiểu,“Làm sao Chúa lại cho phép chuyện này? Có phải giấc mơ của cậu chỉ là chuyện đùa không? Sau khi họ bị sốc lúc đầu, họ lại đâm ra vấp phạm Chúa. Sự vấp phạm này là một dấu hiệu khác cho thấy thiếu đi lòng kính sợ Chúa! Nhưng chúng ta không thấy Kinh Thánh ghi lại việc Giô- sép than phiền.

Các anh cậu bán Giô-sép làm nô lệ tại xứ người. Cậu hầu việc hơn 10 năm tại nhà của Phô-ti-pha, một người thờ lạy thần tượng. Mười năm! Hãy suy nghĩ về điều này! Mỗi ngày giấc mơ đến từ Chúa đó chắc hẳn phai nhạt và trở nên xa vời hơn. Ngày nay phần lớn chúng ta sẽ không còn thắc mắc Chúa sau 10 năm đợi chờ; chúng ta đã bỏ cuộc từ lâu rồi! Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thấy Kinh Thánh ghi lại Giô-sép than phiền. Cậu không từ bỏ hy vọng, không quên giấc mơ hay không chịu đầu hàng. Cậu kính sợ Chúa.

Ngược lại, dân Y-sơ-ra-ên thì cứ than phiền và lằm bằm. Lòng kiên nhẫn của Giô-sép kéo dài suốt 10 nằm làm nô lệ trong khi đó sự kiên nhẫn của dân Y-sơ-ra-ên bị giảm sút chỉ sau vài phút. Ngày nay nhiều người trong chúng ta than phiền khi lời cầu nguyện không được đáp lời sau vài tuần. Chúng ta quá khác với Giô-sép, bạn có đồng ý không nào?

Giô-sép sống một mình ở đất khách quê người, xa cách người thân. Cậu không được thông công với các tín hữu khác. Không có người anh em nào để tâm sự. Trong tình trạng cô đơn đó, vợ của chủ tìm cách dụ dỗ Giô-sép. Được trang điểm bởi những mỹ phẩm hảo hạng của Ai-cập, vợ của Phô-ti-pha mỗi ngày nài nỉ Giô-sép ăn nằm với bà.

Tôi thích cách Giô-sép bày tỏ lòng kính sợ Chúa của cậu. Dù cậu trải qua khó khăn và thất vọng, nhưng cậu không đầu hàng cám dỗ của vợ Phô-ti-pha. Nếu cậu đánh mất lòng kính sợ Chúa và đâm ra vấp phạm Chúa, cậu chắc có lẽ mất đi sức mạnh để chống cự cơn cám dỗ. Cậu dứt khoát từ chối lời đề nghị của bà: “Lẽ nào tôi làm điều đại ác và phạm tội với Đức Chúa Trời sao?” (Sáng 39:9).

Hành động vâng lời Chúa của Giô-sép khiến ông phải vào tù của vua Pharaôn. Vào những lúc như thế có bao nhiêu người vẫn còn chọn tin cậy và vâng lời Chúa? Nhiều người sẽ trở thành mồi ngon cho nỗi cay đắng chết người. (Xem Hêbơrơ 12:15). Giô-sép bị giam giữ trong tù trên 2 năm. Nhưng chúng ta không thấy dấu hiệu cậu than phiền hay đâm ra cay đắng. Ngay cả trong bóng tối của ngục tù và xiềng xích, Giô-sép vẫn cứ kính sợ Chúa! Không thất vọng nào xoay lòng cậu khỏi Chúa.

Thật cảm động vô cùng dù trải qua bao nỗi buồn nhưng Giô-sép vẫn giúp đỡ các tù nhân khác. Lúc khốn khổ cậu an ủi họ, giải thích chiêm bao cho họ và nói cho họ biết về Chúa.

Than Phiền: Cản Trở Sự Biến Đổi

Con cháu của Giô-sép thì khác. Họ vâng lời Chúa khi ước ao của họ được thoả mãn và khi Chúa bày tỏ quyền năng vô song của Ngài cho họ. Mỗi khi họ thất vọng hay cảm thấy cô đơn, họ vội bỏ đi sự vâng lời. Triệu chứng đầu tiên của việc bỏ đi lòng tin kính xuất hiện dưới hình thức than phiền.

Những ai vấp phạm Chúa thường không ngu dại đến độ phản đối Chúa cách thẳng thừng. Trái lại, họ chống cự Lời Chúa hay chống lại sự kiểm soát của Ngài. Dân Y-sơ-ra-ên than phiền về lãnh đạo của họ, nhưng Môise trả lời như vầy: “Không phải anh chị em phiền trách chúng tôi đâu, nhưng chính anh chị em phiền trách CHÚA đó.”

Thái độ than phiền là thái độ huỷ diệt. Nó làm tiêu hao sự sống của Chúa trong bạn nhanh hơn bất cứ thứ gì khác. Than phiền vô tình nói với Chúa rằng, “Con không thích những gì Ngài đang làm trong đời sống con – và nếu con là Ngài, con sẽ làm khác đi.” Than phiền chẳng khác nào tỏ cho thấy không chịu đầu phục uy quyền của Chúa. Nó là thái độ bất kính! Chúa ghét điều này! Giô-sép kính sợ Chúa, và cậu không bao giờ than phiền. Đó là lý do Chúa khuyên chúng ta:

Hãy lấy lòng kính sợ và run rẩy mà hành động để hoàn thành sự cứu rỗi mình. Vì Đức Chúa Trời là Đấng đang tác động trong lòng anh chị em để anh chị em vừa muốn vừa làm theo ý chỉ tốt lành của Ngài. Hãy làm mọi việc mà không càu nhàu hay cãi cọ.

Phi-líp 2:12-14

Chúa nghiêm khắc cảnh cáo chúng ta không để cho than phiền bén rễ trong lòng chúng ta. Chúng ta sẽ không bó tay trước sự tấn công này. Sự kính sợ Chúa là một sức mạnh bên trong giúp chúng ta loại trừ thái độ huỷ diệt này. Châm Ngôn xác nhận điều này:

Sự kính sợ CHÚA là nguồn sự sống, để tránh cạm bẫy sự chết.

Châm ngôn 14:27

Giô-sép sống trong đồng vắng thuộc linh hơn 12 năm. Dường như là không có gì thuận lợi cho cậu. Không có điều gì nâng đỡ và khích lệ cậu. Nhưng có một nguồn sự sống mà Giô-sép khai thác – nằm sâu xa trong lòng cậu. Nguồn sự sống này mang lại sức mạnh cậu cần để vâng lời Chúa trong những lúc khô hạn và khó khăn. Đây chính là sự kính sợ Chúa!

Cậu có thể tránh được những hố sâu của hận thù, vấp phạm, ganh tị, bực mình, giận dữ và ngoại tình nhờ nguồn nước sống đó. Trong khi những người khác ngã quỵ dưới cái bẫy của sự chết, Giô-sép có sức để tránh khỏi và giúp đỡ người khác trong những giờ phút đen tối nhất.

Giô-sép cư xử khôn ngoan vì cậu kính sợ Chúa. “Sự kính sợ Chúa là sự chỉ dẫn khôn ngoan” (Châm 15:33). Những ai kính sợ Chúa sẽ khôn ngoan. Đaniên nêu rõ:

Còn những người khôn sáng sẽ chói lọi như bầu trời rực sáng, những ai dạy dỗ nhiều người sống công chính sẽ chiếu sáng như các vì sao, đời đời mãi mãi.

Đaniên 12:3

Giô-sép đã vượt qua được thử thách của tấm lòng qua việc dâng mình và công bố sự thành tín của Chúa trong những giờ phút đen tối nhất. Chẳng bao lâu sự khôn ngoan của Giô-sép đã giúp ông toả sáng tại Ai-cập. Đức tính tốt của cậu không thể bị che giấu mà lại được bày tỏ cho cả một đất nước ngoại bang.

Thật lý thú là cách cư xử của Giô-sép ở trong tù và phản ứng của cậu đối với các tù nhân khác rốt cuộc đưa cậu đến chỗ được thăng quan tiến chức. Trong Sáng Thế 40, chúng ta đọc thấy quan chước tửu và quan hoả đầu của vua Pharaôn nằm trong số các tù nhân. Cả hai quan này đều thấy chiêm bao, được Giô-sép giải thích cho. Đối với quan chước tửu, Giô-sép giải thích ý nghĩa của giấc mơ:

Đây là ý nghĩa của giấc mộng đó: ba cành nho nghĩa là trong ba ngày nữa nhà vua sẽ phóng thích, và phục chức cho quan. Quan sẽ dâng rượu cho nhà vua như quan đã làm ngày trước khi còn giữ chức chước tửu.

Sáng thế 40:12-13

Nhưng đối với quan hoả đầu, lời giải thích không mấy tích cực.

Đây là ý nghĩa giấc mộng đó: ba cái giỏ chỉ về ba ngày, trong ba ngày nữa Pha-ra-ôn sẽ đem quan ra nhưng lại treo cổ quan trên cây. Đàn chim trời sẽ ăn rỉa thịt quan.

Sáng thế 40:18-19

Nếu có một chút than phiền nào đó trong lòng của Giô-sép thì cậu chắc đã không giúp đỡ cho hai vị quan này. Nếu cậu không giúp họ thì cậu chắc có lẽ vẫn còn ở trong tù cho đến chết.

Tới giờ phút cuối, Giô-sép chắc đã than phiền về việc dường như Chúa không thành tín. Nhưng thực tế cho thấy nếu Giô-sép thiếu đi lòng kính sợ Chúa thì lời hứa của Chúa sẽ bị gián đoạn. Nhưng Chúa thành tín phóng thích Giô-sép khỏi ngục tù. Vào lúc này, Giô-sép được vua Pharaôn mời vào để giải nghĩa điềm chiêm bao theo lời giới thiệu của vị quan chước tửu. Và cả nước này được giải thoát khỏi nạn đói vì có một con người là Giô-sép kính sợ Chúa.

Nửa sau của thế kỷ 20, hội thánh đã tỏ cho thấy thiếu đi lòng kính sợ Chúa. Vì thế, chúng ta xem những lời nhục mạ là điểm sáng mà đất nước cần có. Tội lỗi thường được các phương tiện truyền thông khai thác, và chúng ta đánh mất lòng kính trọng mà các cơ đốc nhân cần phải có. Chúng ta không bày tỏ những phẩm chất trung tín, kính sợ Chúa như đã thấy nơi Giô-sép. Xin Chúa dùng ân điển giúp chúng ta!

Chiếu Sáng Vinh Hiển Của Ngài

Gióp là một người khác nữa đã chịu khổ rất nhiều. Ông cũng bị thử thách khốc liệt. Ông cố hiểu tất cả những gì ông chịu khổ nhưng lại rơi vào thất vọng. Các bạn của ông đến khuyên ông, nhưng những lời nói của họ không giúp được gì mà chỉ làm cho ông Gióp rối rắm thêm. Ông tìm kiếm khôn ngoan, nhưng khôn ngoan tránh né ông. Chúa im lặng trong khi Gióp và các bạn ông chia sẻ những cố gắng vô vọng nhằm hiểu đường lối của Ngài. Chúa chờ cho đến khi tất cả quan điểm của họ cạn kiệt. Ngài gởi một tôi tớ đầy khôn ngoan tên là Êlihu. Nhưng sau việc này:

Sau đó, giữa cơn bão tố, CHÚA phán với Gióp: Con là ai mà dám nghi ngờ ý định ta, nói ra những lời thiếu hiểu biết? Hãy chuẩn bị khí phách nam nhi, Ta sẽ hỏi, và con sẽ đáp lời Ta. Con ở đâu khi Ta đặt nền móng trái đất? Nếu con thông sáng, hãy cho Ta biết!

Gióp 38:1-4

Chúa tiếp tục giải thích cho đến khi Gióp bị choáng ngợp bởi sự khôn ngoan, hiểu biết và sức mạnh của Chúa. Gióp tràn ngập lòng kính sợ Chúa và ông kêu lên:

Con biết Chúa là Đấng Toàn Năng. Ý định Ngài không ai cản trở được. Chúa hỏi con là ai, không hiểu biết gì, sao dám nghi ngờ ý định Chúa. Thật con đã nói những điều con không hiểu, những việc diệu kỳ quá, con không sao hiểu thấu. Chúa bảo con lắng nghe Chúa phán dạy và trình lên Chúa những điều Chúa hỏi con. Trước kia con chỉ nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, chính mắt con đã thấy Ngài. Vì vậy, con xấu hổ về mọi điều con nói và xin ăn năn giữa đống tro bụi.

Gióp 42:2-6

Gióp kính sợ Chúa. Ông thấy được Chúa. Ông được biến đổi. Nỗi đau và mất mát của ông không giảm đi, nhưng ông có được một ý thức kính sợ Chúa cao độ. Lòng kính sợ đó nằm trong sự khôn ngoan mà ông cần. Giống như Giô-sép đã giúp đỡ trong lúc đau đớn và thương tổn, Gióp quay sang giúp đỡ người khác.

Sau khi Gióp cầu thay cho các bạn, CHÚA phục hồi Gióp và ban cho Gióp gấp đôi những gì Gióp có xưa kia.

. . . Rồi Gióp qua đời, tuổi thọ cao và thoả lòng.

Gióp 42:10,17

Gióp đã bày tỏ sự khôn ngoan và sức mạnh lớn lao như chưa từng có trước đây. Nhiều người ngày nay vẫn còn học được bài học từ nỗi đau và khôn ngoan của ông. Chúng ta thấy tại sao Chúa cảnh cáo chúng ta cách nghiêm trọng:

Mọi việc anh chị em làm, xin đừng làm với thái độ lằm bằm và cãi vã.

Phi-líp 2:14 – bhđ

Điều gì ban cho chúng ta cái khả năng sống tự do khỏi những thái độ chết chóc này? Sự kính sợ Chúa. Khi chúng ta kính sợ Chúa, lòng của chúng ta không bị che giấu. Khi chúng ta ngắm nhìn vinh hiển Ngài, chúng ta được biến đổi theo ảnh tượng mà chúng ta ngắm nhìn.

Để anh chị em trở nên không có gì đáng trách, tinh khiết, là con cái Đức Chúa Trời không tì vết giữa một thế hệ gian ác, đồi truỵ. Anh chị em hãy chiếu sáng trong thế hệ đó như những vì sao trong thế gian. Hãy nắm vững những lời ban sự sống . . .

Phi-líp 2:15-16

Bản Hiện Đại dịch câu này như vầy:

Để anh chị em được trọn vẹn và tinh ròng, xứng đáng làm con cái Đức Chúa Trời, không chút hoen ố, giữa thế hệ lươn lẹo và đồi truỵ nầy.

Phi-líp 2:15

Ngợi khen Chúa đời đời! Chúng ta là những người kính sợ Chúa sẽ liên tục được biến đổi theo ảnh tượng của Ngài cho đến khi chúng ta chiếu sáng như những vì sao sáng trong thế giới tối tăm. Điều này mô tả vinh hiển lớn lao mà hội thánh trung tín sẽ chiếu sáng trong những ngày sau cùng này.

Ở chương trước chúng ta bàn đến sự biến đổi này sẽ gia tăng cho đến khi vinh hiển của Chúa trong chúng ta bày tỏ cách mạnh mẽ đến nỗi tội nhân sẽ được lôi kéo đến với Chúa Giê-su qua ánh sáng của chúng ta. Hãy ôn lại những gì Êsai nói, chúng ta sẽ thấy:

Hãy đứng lên và chiếu sáng vì ánh sáng của ngươi đã đến và vinh quang CHÚA toả sáng trên ngươi. Vì nầy,bóng tối sẽ bao trùm quả đất và tối tăm che phủ các dân. Nhưng CHÚA sẽ toả sáng trên ngươi Và vinh quang Ngài sẽ chiếu sáng trên ngươi. Các nước sẽ đến cùng ánh sáng ngươi Và các vua sẽ hướng về ánh bình minh của ngươi.

Êsai 60:1-3

Chúa sẽ bày tỏ vinh hiển của Ngài trên đất này. Ngài đã phán cách mà Ngài sẽ làm. “Ta sẽ tôn vinh nhà của vinh hiển Ta” (Êsai 60:7). Nhà của vinh hiển Ngài là dân sự của Ngài, tức đền thờ của Ngài, là những người kính sợ và yêu mến Ngài. Xachari thấy trước vinh hiển của Chúa sẽ chiếu trên dân sự Ngài và ông nói:

CHÚA Vạn Quân phán như sau: “Trong những ngày ấy, mười người thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân các nước sẽ nắm chặt chéo áo của một người Do Thái nài nỉ: ‘Xin cho chúng tôi đi với anh chị em, vì chúng tôi có nghe biết rằng CHÚA ở cùng anh chị em.’ ”

Xachari 8:23

Xachari không dùng những thuật ngữ mà chúng ta dùng ngày nay. Nên ông không thể nói người ta sẽ nắm tay áo của mỗi cơ đốc nhân. Ông nhìn thấy thời đại của chúng ta và mô tả nó bằng chính từ ngữ của ông. Thật lý thú biết bao vì chúng ta đang tiến gần đến những ngày này! Halêlugia!