Chương Bảy: CỦA LỄ BẤT KÍNH

Kính Sợ Chúa

Đăng vào: 5 tháng trước

.

BẢY

vintage-symbol

CỦA LỄ BẤT KÍNH

Nhưng như Đấng kêu gọi anh chị em là thánh, anh chị em phải nên thánh trong mọi cách sống mình. Vì Kinh Thánh chép rằng: “Các ngươi phải thánh, vì ta là thánh.”

1 Phierơ 1:15-16

Thời gian thấm thoát trôi qua kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần. Hội thánh được phước bởi sự hiện diện và quyền năng của Chúa. Vô số người được cứu;

nhiều người được chữa lành và giải cứu. Không ai thiếu thốn, vì mọi người đều chia sẻ những gì mình có. Những người có của bán tài sản và đem tiền trao cho các sứ đồ để phân phát cho những người thiếu thốn.

Của Lễ Từ Người Ngoại

Giô-sép, người được các sứ đồ gọi là Ba-na-ba nghĩa là “Con Trai An Ủi”, thuộc dòng họ Lê-vi, sinh trưởng tại đảo Síp, bán đám ruộng của mình và đem số tiền đặt nơi chân các sứ đồ.

Công vụ 4:36-37

Đảo Síp là một hòn đảo rất trù phú nguồn tài nguyên, nổi tiếng về nhiều loài hoa và trái cây. Họ sản xuất rất nhiều rượu và dầu. Có rất nhiều đá quý ở đó. Nhưng nguồn của cải chính nằm ở khoáng sản và rừng núi. Có rất nhiều mỏ bạc, đồng và sắt. Đây là một đất nước rất giàu tài nguyên thiên nhiên. Nếu bạn có một miếng đất tại đảo Síp, bạn có lẽ là người giàu có.

Hãy tưởng tượng điều này: một người Lê vi giàu có tên là Banaba từ một đất nước khác đã đem đến toàn bộ số tiền ông thu được do bán đất, có lẽ là một số tiền lớn, rồi đặt dưới chân các sứ đồ. Bây giờ hãy đọc kỹ câu kế tiếp:

Nhưng có một người tên A-na-nia cùng vợ là Sa-phi-ra bán một tài sản.

Công vụ 5:1

Để ý từ đầu tiên của câu này, “Nhưng”. Trong Kinh Thánh, khi giới thiệu một ý tưởng mới thường không dùng chữ nhưng. Hãy nhớ rằng các dịch giả là những người tách mỗi sách Kinh Thánh thành từng chương và từng câu. Nguyên gốc thì sách Công Vụ chỉ là một lá thư được một bác sĩ đó là Luca viết.

Khi dùng chữ “nhưng” thì rõ ràng là những gì xảy ra trong chương bốn của sách Công Vụ có liên hệ đến phần ký thuật về Anania và Saphira ở chương năm. Thật ra, tôi dạn dĩ mà nói rằng bạn không thể hiểu hết những gì sắp xảy ra mà không xem xét kỹ những gì xảy ra trước đó. Điều này giải thích lý do có chữ “nhưng” ở đầu câu này.

Hãy suy nghĩ kỹ ý này. Một người rất giàu có mới gia nhập hội thánh và đã đem một số tiền dâng lớn từ miếng đất ông bán được. Của dâng của người này khiến cho Anania và Saphira phản ứng bằng cách bán tài sản của họ. Hãy xem kỹ vài câu tiếp theo:

[Họ] giữ lại một phần tiền thu được, rồi đem số tiền còn lại đặt nơi chân các sứ đồ. (Người vợ cũng biết rõ việc này.) Phê-rơ hỏi: “Ông A-na-nia, sao Sa-tan đã đầy dẫy lòng ông đến nỗi ông nói dối với Đức Thánh Linh mà giữ lại một phần tiền bán đất như thế? Trước khi bán, tài sản ấy không thuộc quyền sở hữu của ông sao? Sau khi bán rồi, tiền đó vẫn thuộc quyền sử dụng của ông kia mà? Tại sao ông chủ tâm hành động như thế? Không phải ông dối người đâu mà dối Đức Chúa Trời đó!”

Công vụ 5:2-4

Cho tới lúc này, Anania và Saphira nổi tiếng là người dâng hiến nhiều trong hội thánh. Họ có lẽ đã được nhiều người để ý về sự rộng lượng của họ. Nhìn cách họ phản ứng, tôi chắc chắn là họ rất thích có được một chỗ kính trọng và kính nể do việc dâng hiến của họ.

Bây giờ họ thấy hụt hẩng. Sự chú ý đã dời sang một con người mới tin, một người Lê-vi từ đảo Síp. Ai cũng bàn tán về con người rộng lượng này. Nhiều tín đồ bàn tán nhau thể nào việc dâng hiến của ông đã giúp rất nhiều người thiếu thốn. Hội thánh bàn tán xôn xao. Sự tập trung không còn nhắm vào Anania và Saphira nên tạo ra một khoảng trống mà họ không biết nên làm gì.

Họ phản ứng ngay bằng cách bán miếng đất của họ. Miếng đất này cũng đắt giá và họ thu được một số tiền lớn. Có lẽ đây là tài sản đắt giá của họ. Cả hai vợ chồng kết luận, “Đây là số tiền quá lớn nên không thể cho hết. Chúng ta không thể dâng hết số tiền này. Nhưng chúng ta sẽ dâng làm sao để người ta tưởng là mình dâng hết.

Vậy chúng ta hãy giữ lại một phần và nói đây là toàn bộ số tiền chúng ta thu được.”

Họ cùng nhau đồng ý giữ lại cho họ một ít số tiền họ có do bán được. Nhưng họ vẫn muốn làm ra vẻ là họ đã dâng toàn bộ số tiền đó. Tội của họ chính là sự lừa dối. Giữ lại một ít tiền do bán được thì không có gì sai. Đây là tiền của họ, họ muốn làm gì tuỳ ý họ. Nhưng nói rằng họ đã dâng tất cả số tiền họ thu được thì sai. Thật ra, đây là nói dối. Họ muốn lời ca ngợi của con người hơn là muốn sự thật và liêm khiết. Đối với họ, tiếng tăm mới là quan trọng. Họ chắc có lẽ tự an ủi chính mình rằng, “Nói vậy có mất mát gì đâu? Chúng ta cũng dâng hiến và đáp ứng được nhu cầu của người kém may mắn cơ mà. Đây mới là vấn đề quan trọng.”

Nếu bạn muốn con người ca ngợi, bạn sẽ sợ con người. Nếu bạn sợ con người bạn sẽ hầu luỵ con người – vì bạn sẽ hầu luỵ cái mà bạn sợ. Anania và Saphira sợ con người hơn là kính sợ Chúa. Điều này khiến cho họ biện minh cho hành động của họ và bước vào sự hiện diện của Chúa mà không có một sự kính sợ thánh. Nếu họ kính sợ Chúa, họ sẽ không dám nói dối trong sự hiện diện của Ngài.

Nghe các lời đó, A-na-nia ngã xuống, tắt thở. Tất cả những ai nghe tin đều khiếp sợ. Nhưng các thanh niên đứng dậy liệm xác A-na-nia và khiêng đi chôn.

Công vụ 5:5-6

Người này đã đem của dâng cho những người thiếu thốn mà giờ lại ngã lăn đùng ra chết! Lập tức sự phán xét xảy ra. Nỗi sợ bao trùm mọi người chứng kiến hay nghe đến chuyện này. Xin hãy đọc tiếp:

Độ ba giờ sau, vợ A-na-nia bước vào, nhưng vẫn chưa biết việc mới xảy ra. Phierơ hỏi bà: “Bà bán đất được bao nhiêu đó, phải không? Xin bà cho biết!” Bà đáp:

“Vâng, chỉ được chừng ấy thôi!” Phierơ nói: “Tại sao ông bà đồng mưu thử Đức Thánh Linh của Chúa? Kìa chân của những kẻ chôn chồng bà đã về tới cửa, họ sẽ khiêng bà đi luôn!” Lập tức, bà ngã xuống nơi chân Phierơ, tắt thở. Các thanh niên bước vào, thấy bà đã chết, nên họ khiêng đi chôn bên cạnh mộ chồng bà. Toàn thể Hội Thánh và tất cả những ai nghe tin này đều rất khiếp sợ.

Công vụ 5:7-11

Có thể lắm Anania và vợ ông là một trong số những người đầu tiên tiếp nhận ơn cứu rỗi bởi ân điển. Họ có thể là những người dâng hiến nhiều trong hội thánh. Họ có lẽ cũng đã hy sinh địa vị xã hội và sự an ninh về tài chánh để hầu việc Chúa. Những sự hy sinh này thật vô dụng khi không có lòng yêu mến và kính sợ Chúa.

Để ý câu cuối của Kinh Thánh: “Tất cả những ai nghe tin này đều khiếp sợ.” Hãy nhớ lại lời cảnh báo với Arôn khi hai con trai của ông chết ngay trong sự hiện diện của Chúa trong lúc dâng của lễ cách bất kính.

Ta sẽ tỏ mình thánh khiết giữa vòng những người đến gần Ta: Ta sẽ được tôn vinh trước mặt mọi người.

Lêviký 10:3

Qua nhiều thế kỷ Đức Chúa Trời không thay đổi. Lời Ngài và mức độ thánh khiết của Ngài cũng không dao động. Lời Ngài đã không thay đổi kể từ khi Chúa ban Lời Ngài 2000 năm trước đây. Đức Chúa Trời trước đây, bây giờ và tương lai vẫn là Vua vĩ đại, và Ngài phải được tôn kính. Chúng ta không thể cho là tục điều mà Ngài gọi là thánh.

Kinh Thánh không nói sự sợ hãi giáng trên cả thành phố, nhưng nói sự sợ hãi giáng trên cả hội thánh. Hội thánh đang thích thú sự hiện diện của Chúa và tất cả những phước lành của Ngài. Khi tín hữu được đầy dẫy Thánh Linh họ hành xử như một người say. Tôi tin chắc là một số người đã cười cách vui mừng và họ kinh ngạc khi họ nói tiếng lạ. Chắc chắn có biểu lộ nào khác nữa mà người ta mới lầm tưởng rằng các môn đồ say rượu lúc 9 giờ sáng (Công vụ 2:15).

Có lẽ sau một thời gian các tín hữu trở nên lờn với sự hiện diện của Chúa. Chuyện này trở nên quá thường đối với họ. Có lẽ họ nhớ Chúa Giê-su rất dễ gần gũi và bây giờ họ quyết định rằng mối quan hệ của họ với Thánh Linh đã trở nên quá quen thuộc. Dù Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời và là hình ảnh thấy được của Đức Chúa Trời đã trở nên xác thịt, chúng ta không thể quên rằng Ngài đến với tư cách là Con Loài Người và Đấng Trung Gian, vì con người không thể đến gần một Đức Chúa Trời thánh khiết.

Dù là một Đức Chúa Trời, nhưng có sự khác biệt giữa Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Dù Chúa Giê-su phán rằng con người có thể nói phạm đến Ngài cũng sẽ được tha, nhưng nói phạm với Thánh Linh thì không được tha. Chúa Giê-su cho họ biết trước rằng trật tự thánh của Chúa sắp được phục hồi. Trước khi Chúa Con đến, dân chúng có sợ hãi hay kinh sợ Đức Chúa Trời nhưng không kính sợ Ngài. Bây giờ con người được phục hồi lại với Đức Chúa Trời, và trật tự thiên thượng phải được tái thiết.

Hội thánh đã thức tỉnh về sự thánh khiết của Chúa khi Anania và Saphira ngã chết dưới chân của Phierơ. Có lẽ chúng ta nên suy nghĩ lại một số điều, một số người thắc mắc vậy. Số khác có lẽ nghĩ, Rất dễ chuyện này cũng đến với mình. Số khác nữa nghĩ sai về Đức Chúa Trời! Mình đoán mình không thể biết Chúa như mình đã nghĩ. Mình không nghĩ là Chúa phán xét nhanh như vậy. Nhưng mọi người đều thốt lên đầy kinh ngạc, “Ngàilà thánh khiết và biết mọi sự!” Nỗi sợ hãi giáng trên mọi người trong hội thánh khi họ tra xét tấm lòng họ, ngạc nhiên về một Đức Chúa Trời đầy kinh ngạc. Ngài yêu thương nhưng cũng thánh khiết. Không ai lúc đó mà không bị tác động bởi biến cố gây kinh ngạc này.

Ăn Ở Kính Sợ Chúa

Phierơ, người vừa bước đi với Chúa mà cũng vừa chứng kiến sự phán xét này, sau đó đã viết lời khuyên chân tình này bởi sự thần cảm:

Nhưng như Đấng kêu gọi anh chị em là thánh, anh chị em phải nên thánh trong mọi cách sống mình. Vì Kinh Thánh chép rằng: “Các ngươi phải thánh, vì ta là thánh.” Và nếu anh chị em xưng Ngài là Cha, là Đấng không thiên vị nhưng xét xử mỗi người tuỳ theo việc họ làm, thì hãy ăn ở với lòng kính sợ trong thời gian sống tha hương.

1 Phierơ 1:15-17

Để ý ông không nói “hãy ăn ở trong tình yêu thương.” Đồng ý là chúng ta phải bước đi trong tình yêu thương, vì không có tình yêu thương chúng ta không có gì cả! Không có tình yêu của Ngài, chúng ta không thể biết được tấm lòng của Chúa Cha. Trước đó cũng trong chính thư tín này, Phierơ khích lệ hãy để tình yêu dành cho Chúa nung nấu trong lòng chúng ta, là “Đấng mà chúng ta không thấy nhưng yêu mến Ngài” (c.8). Chúng ta được kêu gọi đến mối quan hệ yêu thương riêng tư với Cha chúng ta, nhưng Phierơ thêm ngay rằng phải cân bằng với sự kính sợ Chúa. Tình yêu của chúng ta dành cho Chúa bị giới hạn do thiếu sự kính sợ thánh. Tấm lòng của chúng ta phải mang cả ánh sáng lẫn hơi ấm của nó nữa.

Bạn có lẽ thắc mắc sao mà tình yêu này bị giới hạn quá. Bạn chỉ có thể yêu ai đó tới mức độ là bạn biết họ.

Nếu hình ảnh của bạn về Đức Chúa Trời là ai bị méo mó thì bạn chỉ biết mơ hồ về Đấng mà bạn yêu thương. Tình yêu thật được tìm thấy trong lẽ thật về Đức Chúa Trời thật sự là ai. Bạn có nghĩ rằng Chúa bày tỏ tấm lòng Ngài cho những ai xem nhẹ Ngài không? Bạn có làm vậy chưa? Thật ra, Chúa chọn giấu chính Ngài (Êsai 45:15). Tác giả Thi Thiên nói đến nơi Ngài ẩn giấu là “nơi bí mật” (Thi 91:1).

Chính tại nơi bí mật này mà chúng ta khám phá sự thánh khiết và vĩ đại của Ngài. Nhưng chỉ những ai kính sợ Ngài mới tìm thấy nơi ẩn náu này. Vì chúng ta được dạy rằng:

Bí quyết của CHÚA dành cho người kính sợ Ngài. Ngài tỏ cho họ biết giao ước Ngài.

Thi Thiên 25:14

Bây giờ bạn đã hiểu rõ hơn những lời của Phierơ. Phaolô, người không đi cùng với Chúa Giê-su khi còn ở trên đất, nhưng ông đã gặp Ngài trên đường đến thành Đa-mách, đã làm tăng thêm sức mạnh của lời khích lệ bằng cách thêm chữ run rẩy. Ông nói với các tín hữu, “Hãy lấy lòng kính sợ và run rẩy mà hành động để hoàn thành sự cứu rỗi mình.” (Phi 2:12). Thật ra, nhóm từ này được dùng ba lần trong Tân ước để mô tả mối quan hệ đúng đắn giữa tín hữu và Chúa Giê-su.

Phaolô nhận biết Chúa Giê-su qua khải thị của Thánh Linh. Đây cũng là cách chúng ta biết Ngài như vậy. “Dù trước đây chúng tôi biết Chúa theo xác thịt nhưng bây giờ chúng tôi không còn biết Ngài như vậy nữa.” (2Cô 5:16). Nếu chúng ta tìm kiếm để bước vào sự hiểu biết Chúa và sống với Ngài như chúng ta làm với con người phàm tục thì cuối cùng chúng ta sẽ xem thường sự hiện diện của Ngài như một số người đã làm trong hội thánh đầu tiên.

Tôi chắc chắn là Anania và Saphira là một trong số những người đã kinh ngạc và phấn khích trong hội thánh đầu tiên. Lúc đó mọi người đều ngạc nhiên vì có vô số những dấu kỳ và phép lạ xảy ra. Tuy nhiên những dấu kỳ và phép lạ trở nên quá quen thuộc khi thiếu đi sự kính sợ Chúa trong lòng. Chính sự kính sợ Chúa đó mới kiềm hãm sự ngu dại của cặp vợ chồng xấu số này (Xem Thi Thiên 34:11-13). Sự kính sợ Chúa bày tỏ sự thánh khiết của Chúa.

Chúng ta phải nhớ cả hai thuộc tính đời đời này: “Chúa là tình thương,” và “Chúa là đám lửa thiêu đốt” (1Gi 4:8; Hê 12:29). Phaolô nói đến ngọn lửa mà các tín hữu kinh nghiệm khi họ đứng trước mặt một Đức Chúa Trời thánh khiết tại ngai phán xét. Do đó chúng ta sẽ khai trình mọi công việc đã làm trong hội thánh, cả việc tốt lẫn việc xấu (2Cô 5:10). Sau đó Phaolô cảnh cáo, “Vậy, vì biết thế nào là kính sợ Chúa, chúng tôi thuyết phục người ta” (2Cô 5:11).

Nhờ tình yêu của Chúa chúng ta có thể tin chắc khi chúng ta đến gần Ngài. Kinh Thánh thêm rằng chúng ta phải phục vụ hay đến gần Ngài theo cách mà Ngài chấp nhận. Cách nào? Với sự tôn trọng và kính sợ thánh (Hê 12:28).

Những ai đã được tái sanh đều biết Đức Chúa Trời là Aba, là Cha. Nhưng biết vậy cũng không làm mất đi địa vị Ngài là Đấng phán xét mọi xác thịt (Ga 4:6-7; Hê 12:23). Đức Chúa Trời phán rõ ràng: “Chúa sẽ phán xét dân sự Ngài” (Hê 10:30).

Hãy xem các vị vua có những người con trai và con gái. Tại cung điện vua vừa là chồng vừa là cha. Nhưng ngồi trên ngai, ông là vua và vợ con ông phải kính trọng. Vâng, có những lúc tôi cảm nhận Cha Thiên Thượng gọi tôi từ phòng riêng của Ngài, tay đưa ra, mời tôi “hãy đến đây, hãy nhảy vào mình Ta và ôm ta và nói chuyện.” Tôi thích những giây phút như thế. Đây là những giây phút đặc biệt. Nhưng có những lúc tôi cầu nguyện hay hầu việc Chúa, đó là lúc tôi kính sợ và run rẩy trước sự hiện diện thánh của Ngài.

Có một buổi nhóm vào tháng Tám năm 1995, lúc kết thúc một tuần nhóm lại tại Kuala Lumpur, Malaysia. Bầu không khí rất ngột ngạt và hôm đó tôi cảm thấy cuối cùng chúng tôi cũng kinh nghiệm sự thăm viếng. Sự hiện diện của Chúa đầy dẫy phòng nhóm, và một số người cười trong Thánh Linh. Chuyện này kéo dài từ 10-15 phút; sau đó ngừng lại và một làn sóng khác về sự hiện diện của Chúa. Nhiều người được đụng chạm. Một lần nữa, có thời gian yên tĩnh; rồi một làn sóng về sự hiện diện của Chúa kèm theo sự vui mừng thăm viếng phòng nhóm cho đến khi mọi người đều được tươi mới và bật cười. Sau đó lại có một làn sóng thăm viếng khác.

Lúc đó tôi nghe Chúa nói, “Ta sẽ thăm viếng thêm một làn sóng nữa, nhưng lần này khác với những lần trước.” Tôi cứ im lặng và chờ đợi. Trong vòng vài phút chính sự biểu lộ về sự hiện diện của Chúa tràn ngập phòng nhóm. Điều này thật khiếp sợ. Tuy nhiên tôi bị cuốn hút về điều này. Bầu không khí thuộc linh rất được phước. Cũng những người này mới cười trước đó bây giờ bật lên khóc lóc, quằn quại và kêu la. Một số người hét lên như thể là họ bị đốt. Nhưng những người này không phải la hét đau đớn do bị ma quỷ tấn công.

Tôi đi tới đi lui trên bục giảng, ý tưởng này chạy qua đầu tôi: John, đừng hiểu sai sự vận hành của Ta cũng đừng có nhận xét sai lầm . . . nếu con làm, con sẽ chết. Tôi không biết chắc điều đó có xảy ra hay không, nhưng tôi cảm thấy ý tưởng này cứ liên tục đến. Tôi biết sự bất kính không tồn tại trong sự hiện diện mạnh mẽ này.

Hôm đó tôi chứng kiến hai phản ứng khác nhau – hoặc là người ta sợ hãi và rút lui khỏi sự hiện diện của Ngài, hoặc là họ kính sợ Chúa và được lôi kéo đến gần sự hiện diện đáng kính của Ngài. Đây không phải là những giây phút mà Chúa thì thầm, “Nào hãy đến nhảy vào mình Ta!”

Chúng tôi rời buổi nhóm với tinh thần run sợ. Nhiều người cảm thấy được thay đổi hoàn toàn bởi sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa. Có một người đã được sự hiện diện của Chúa đụng chạm rất mạnh mẽ đã nói với tôi sau đó: “Tôi cảm thấy tấm lòng được thanh sạch.” Tôi đồng ý, vì tôi cũng cảm thấy được tẩy sạch. Sau này tôi tìm ra câu Kinh Thánh này: “Sự kính sợ CHÚA là trong sạch, hằng còn mãi mãi.” (Thi 19:9)

Sự Kính Sợ Chúa Hằng Còn Luôn

Sự kính sợ Chúa còn đến đời đời! Nếu Luciphe có sự kính sợ Chúa thì hắn sẽ không bao giờ sa ngã khỏi thiên đàng như tia chớp (Êsai 14:12-15; Lu 10:18). Luciphe là một chê-ru được xức dầu ở trên núi thánh của Chúa và bước đi trong sự hiện diện của Chúa (Êxê 28:14-17). Nhưng Luciphe là kẻ đầu tiên tỏ cho thấy không có sự kính sợ Chúa.

Hãy nghe tôi đây, hỡi dân sự của Chúa: Bạn có thể có sự xức dầu thánh trên bạn, như Na-đáp và Abihu đã có. Bạn có thể vận hành trong dấu lạ và phép lạ, nhân Danh Chúa đuổi quỷ và chữa lành người bệnh, nhưng thiếu đi sự kính sợ Chúa! Không có sự kính sợ Chúa kết cuộc của bạn không khác gì kết cuộc của Na-đáp và Abihu hay của Anania và Saphira. Vì chính sự kính sợ Chúa mới khiến cho bạn đứng vững đời đời trước sự hiện diện của Chúa!

Ađam và Êva đã từng bước đi trong sự hiện diện của Chúa. Họ thích thú và được phước bởi sự tốt lành của Ngài. Họ không hề bị vấp phạm bởi những ai trên họ.

Họ sống trong môi trường hoàn hảo. Tuy nhiên họ không vâng lời Chúa và đã sa ngã, gánh chịu hình phạt nặng nề. Họ chắc có lẽ sẽ không sa ngã nếu họ có được sự kính sợ Chúa.

Sự kính sợ Chúa còn đến đời đời! Nếu Anania và Saphira kính sợ Chúa thì họ sẽ không hành xử cách dại dột như thế, vì “bởi sự kính sợ Chúa mà một người lìa khỏi tội ác” (Châm 16:6).

Có người sẽ hỏi, “Chớ không phải việc tôi yêu Chúa giữ tôi không phạm tội sao?” Đúng, nhưng tình yêu này sẽ tới mức nào khi mà bạn thiếu đi sự kính sợ Ngài? Khi tôi thăm Jim Bakker trong tù, ông chia sẻ với tôi chính cái cảnh tù túng trong tù đã khiến ông kinh nghiệm một sự thay đổi hoàn toàn trong lòng. Lần đầu tiên ông kinh nghiệm Chúa Giê-su là Chúa thật sự. Ông chia sẻ ông đã mất gia đình, mất chức vụ, mất mọi thứ ông có nhưng sau đó ông lại tìm được Chúa Giê-su.

Tôi nhớ ông nói những lời dứt khoát này: “John, cái tù này không phải là sự phán xét của Chúa cho đời sống tôi mà chính là ơn thương xót của Ngài. Tôi tin nếu tôi tiếp tục đi con đường đó, tôi sẽ kết thúc dưới địa ngục!”

Sau đó Jim chia sẻ lời cảnh báo cho hết thảy chúng ta: “John, tôi lúc nào cũng yêu mến Chúa Giê-su, tuy nhiên Ngài không phải là Chúa của tôi, và có hàng triệu người Mỹ sống giống như tôi!” Jim thích hình ảnh Chúa Giê-su đã bày tỏ cho ông. Sự yêu mến Chúa của ông không trọn vẹn vì nó thiếu đi sự kính sợ Chúa. Ngày nay Jim Bakker là một con người kính sợ Chúa. Khi tôi hỏi ông sẽ làm gì khi ra khỏi tù, ông trả lời ngay, “Nếu tôi quay trở lại lối sống cũ, tôi sẽ bị phán xét!”

Không Ai Dám Tham Gia Với Họ

Chuyện xảy ra cho Anania và Saphira đã làm hội thánh bị sốc. Nó phơi bày và dò xét những động cơ thầm kín trong lòng. Những ai thấy mình bất kính giống Anania và Saphira đều xé lòng ăn năn. Những người khác cần đếm cái giá phải trả trước khi gia nhập với các tín hữu tại Giêrusalem. Một số đã bỏ cuộc vì sợ Chúa phán xét.

Nỗi sợ giáng trên hội thánh, nhưng tất cả những ai nghe chuyện xảy ra cho cặp vợ chồng này đều khiếp sợ. Tôi chắc chắn tin này cũng lan ra nhiều thành phố. Người ta thắc mắc nhau: “Anh chị có nghe chuyện xảy ra cho các môn đồ theo Chúa Giê-su không? Có một cặp vợ chồng đem tiền dâng cho những người thiếu thốn đã ngã lăn đùng ra chết!” Kinh Thánh ghi lại:

Nhưng người ngoài không ai dám tham dự, mặc dù các tín hữu đều được dân chúng ca ngợi. Và số người tin nhận Chúa ngày càng gia tăng đông đảo gồm cả nam lẫn nữ,.

Công vụ 5:13-14

Điều này dường như mâu thuẫn: không ai dám tham gia, nhưng câu kế tiếp lại nói rằng số tín hữu được thêm vào. Làm sao tín hữu được thêm vào khi không ai dám tham gia? Kinh Thánh thật sự muốn nói gì ở đây? Tôi tin không ai dám gia nhập theo Chúa Giê-su cho đến khi họ đếm cái giá phải trả. Không có chuyện “gia nhập” vì lý do tư lợi. Họ đến với Chúa vì Ngài là ai, không phải vì những gì Ngài làm.

Rất dễ phát sinh thái độ bất kính khi chúng ta đến với Chúa vì những gì Ngài có thể làm cho chúng ta hay ban cho chúng ta. Đây là mối quan hệ dựa trên phước lành và sự kiện. Khi mọi chuyện không xảy ra theo ý chúng ta muốn và chắc chắn chuyện này sẽ xảy ra – chúng ta thất vọng, và giống như đứa trẻ hư hỏng, lòng kính trọng của chúng ta cũng không còn. Khi sự bất kính bị phán xét, mọi người đều tra xét lại đời sống của mình và những động cơ sai trật sẽ được thanh tẩy bởi ánh sáng phán xét. Đây là một bầu không khí thuộc linh để cho một tấm lòng có sự ăn năn thật được đổ đầy sự kính sợ Chúa.

Tại Sao Lại Là Họ?

Tại sao Anania và Saphira chết? Tôi biết những tín đồ đã nói dối với mục sư nhưng họ không bị phán xét nghiêm minh. Thật ra, trong lịch sử hội thánh cũng như trong hội thánh ngày nay có những hành động còn bất kính hơn là hành động của Anania và Saphira. Nhưng không ai ngã lăn ra chết trong buổi nhóm nữa. Ngày nay chuyện này dường như không hề xảy ra.

Câu trả lời được tìm thấy giấu trong các câu sau đây của câu chuyện này:

Đến nỗi người ta đem những người bệnh ra ngoài đường phố, đặt trên giường chõng, để khi Phierơ đi qua, ít ra bóng ông cũng ngả trên một vài người.

Công vụ 5:15

Để ý họ đem những người bệnh để ngoài đường! Không phải một con đường mà là những con đường – chờ bóng của Phierơ đi ngang qua để người bệnh được lành. Bây giờ tôi nhận ra rằng điều tôi sắp nói sẽ gây tranh cãi, nhưng tôi tin sự giải nghĩa không chỉ giới hạn là cái bóng vật lý của Phierơ mà thôi. Cái bóng không có quyền năng chữa bệnh. Tôi tin đây là đám mây của Chúa. Sự hiện diện của Chúa trên Phierơ quá mạnh mẽ đến nỗi có một đám mây phủ lên và che khuất cái bóng của ông. Tương tự, khi Môise xuống núi của Chúa, vinh hiển của Chúa chiếu sáng trên khuôn mặt ông đến độ người ta không thấy mặt ông được. Có thể nào Chúa đã che Phierơ trong một đám mây che phủ để giấu đi vinh hiển của Ngài? Trong Công Vụ 5:15, điều duy nhất Phierơ làm là bước vào cái bóng đang dàn trải trên những người bệnh và kết quả là vô số người trên đường phố được chữa lành.

Chúng ta biết rằng chính sự hiện diện sờ nếm được của vinh hiển Chúa đậu trên Phierơ khi lúc đầu Anania và Saphira nói dối với Phierơ và ngã lăn ra chết. Thật ra, Anania và Saphira ngã lăn ra chết vì họ bất kính trong sự hiện diện của Chúa, trong đó vinh hiển đã được bày tỏ rồi. Cũng như xảy ra cho Ađam, Na-đáp, Abihu và dân Y-sơ-ra-ên, một lần nữa chúng ta thấy kiểu mẫu: trật tự, vinh hiển và sự phán xét.

Trong các chương sau chúng ta sẽ áp dụng kiểu mẫu này vào hội thánh hiện tại. Khi chúng ta đào sâu hơn, chúng ta sẽ thấy tại sao tình yêu của Chúa phải đi kèm với sự kính sợ Chúa.