Chương Tám: TRÌ HOÃN PHÁN XÉT

Kính Sợ Chúa

Đăng vào: 5 tháng trước

.

TÁM

vintage-symbol

TRÌ HOÃN PHÁN XÉT

Vì tất cả chúng ta đều phải ra trước toà án Chúa Cứu Thế để mỗi người sẽ nhận phần của mình, tuỳ theo những điều thiện, điều ác mình đã làm khi còn ở trong thân xác.

2 Côrinhtô 5:10

Lúc tôi viết sách này thì chúng ta đang tiến gần đến hồi kết thúc 2000 năm kể từ khi Chúa Giê- su sống lại. Chúng ta đang sống trước thềm của những tuần lễ và những ngày cuối cùng trước khi Chúa tái lâm. Chúa Giê-su phán chúng ta sẽ biết thời kỳ, nhưng không biết ngày giờ. (Xem Mat 24:32-36)

Chúng ta đang sống trong thời kỳ này.

Mưa Đầu Mùa Và Mưa Cuối Mùa

Những lời tiên tri trong Kinh Thánh nói trước việc Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ vinh hiển của Ngài một cách đầy quyền năng vào lúc gần kết thúc thời kỳ hội thánh trước khi Chúa trở lại lần thứ hai. Giacơ mô tả điều này:

Thưa anh chị em, hãy kiên nhẫn cho đến khi Chúa quang lâm. Kìa, người nông phu chờ đợi hoa quả quý báu của đất ruộng, kiên nhẫn đợi chờ cho đến khi đượm mưa thu và mưa xuân.

Giacơ 5:7

Để ý rằng Giacơ nói đến cả cơn mưa đầu mùa (mưa thu) lẫn mưa cuối mùa (mưa xuân). Tại nước Y-sơ-ra-ên mưa đầu mùa đổ xuống làm cho đất ẩm khi bắt đầu mùa gieo. Đất được mưa làm cho xốp sẽ nhận hạt lúa mì và hạt lúa châm rễ sâu dưới đất. Mưa cuối mùa xảy ra ngay trước khi mùa gặt và người ta rất mong cơn mưa này vì nó làm cho cây ra hoa kết quả.

Giacơ dùng cơn mưa thiên nhiên để so sánh nhằm giải thích sự tuôn đổ về vinh hiển của Chúa. Mưa đầu mùa đổ xuống vào ngày Lễ Ngũ Tuần, như Phierơ xác nhận:

Nhưng đây chính là điều Chúa đã phán qua nhà tiên tri Giô-ên. Đức Chúa Trời phán: ‘Trong những ngày sau cùng, Ta sẽ đổ Thánh Linh Ta trên tất cả mọi người, con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên tri, thanh niên sẽ thấy khải tượng. Người già sẽ thấy chiêm bao. Trong những ngày ấy, Ta sẽ đổ Thánh Linh Ta trên các tôi trai, tớ gái của Ta, và họ sẽ nói tiên tri. Ta sẽ ban các phép mầu trên trời và dấu lạ dưới đất là máu, lửa và luồng khói. mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng sẽ đỏ như máu trước ngày vĩ đại và vinh quang của Chúa đến.

Công vụ 2:16-20

Phierơ dùng từ ngữ “đổ”. Thuật ngữ “đổ” này ám chỉ đến cơn mưa lớn. Phierơ có thể nói “nhỏ xuống,” nhưng ông lại dùng từ ngữ thích hợp với một cơn mưa lớn. Ai có thể mô tả hay hơn Phierơ về sự tuôn đổ vinh hiển của Chúa mà ông đã kinh nghiệm vào ngày Lễ Ngũ Tuần?

Nhưng sự mô tả không chỉ giới hạn vào những gì ông đã kinh nghiệm, vì cùng lúc ông mô tả sự tuôn đổ vinh hiển của Chúa trước ngày trọng đại và kinh khiếp của Chúa. Ngày trọng đại và kinh khiếp của Chúa không nói đến thời kỳ mà Phierơ đã sống, nhưng nói đến sự trở lại lần thứ hai của Chúa Cứu Thế.

Thánh Linh của Chúa đã làm qua Phierơ những gì Ngài đã làm nhiều lần trước đây: Ngài kết hợp hai thời kỳ riêng biệt trong cùng một sứ điệp mang tính tiên tri. Vâng, sự tuôn đổ lớn lao của Thánh Linh Chúa bắt đầu vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Giacơ gọi ngày đó là cơn mưa đầu mùa. Vinh hiển của Chúa bày tỏ và lan khắp nơi nào Chúa sai các môn đồ Ngài ra đi giảng tin lành. Không một phần đất nào trên thế giới lúc đó mà không nghe đến tin lành.

Tuy nhiên sự tuôn đổ lớn lao này không gia tăng sau một thời gian. Nó từ từ giảm sút và biến mất vì các tín hữu không còn thích thú sự hiện diện và vinh hiển của Chúa. Thay vì để sự yêu mến Chúa và kính sợ Ngài nung nấu lòng họ thì bây giờ họ trở thành một tôn giáo ích kỷ, nguội lạnh và không có sự sống. Bị sa sút, nhiều người lại quá bận rộn với các hoạt động tôn giáo và giáo lý, và một lần nữa những điều này đã làm lu mờ mục đích mà Chúa tạo dựng chúng ta – bước đi với Ngài.

Thời Kỳ Ích Kỷ, Ngay Cả ở Lãnh Đạo

Thời kỳ sự hiện diện và vinh hiển của Chúa bị lu mờ và giảm sút có thể được so sánh với thời kỳ giữa sự lãnh đạo của Môise và vua Đavít. Trong thời kỳ của Môise dân Y-sơ-ra-ên đi lang thang trong sa mạc nhiều năm dưới sự che chở của vinh hiển Chúa. Sự bất kính đã bị phán xét và hứng chịu cái chết ngay ở sa mạc.

Nhưng thế hệ sau kính sợ Chúa và hết lòng bước theo Ngài. Họ bước vào chiếm lấy xứ hứa dưới quyền lãnh đạo của Giô-suê. Tuy nhiên, “Sau đó, cả thế hệ ấy đều quy về cùng tổ phụ họ, một thế hệ khác lớn lên kế tiếp họ; thế hệ mới này chẳng biết CHÚA và cũng không biết những việc Ngài đã làm cho Y-sơ-ra-ên.” (Quan Xét 2:10).

Sự không vâng lời của thế hệ sau dẫn họ trở lại cảnh nô lệ và hà khắc. Từng thời kỳ Chúa dấy một người nam hay người nữ làm quan xét để lãnh đạo họ. Qua những lãnh đạo này Ngài đã nhen nhúm sự phấn hưng và phục hồi cho dân sự Chúa. Dù những lãnh đạo mạnh mẽ này được Chúa dấy lên để lãnh đạo, nhưng tình trạng chung của dân Y-sơ-ra-ên ngày càng tệ hơn. Dân Y-sơ-ra-ên chỉ đối phó với các quan xét của họ, chứ không phải với Đức Chúa Trời, vì chúng ta đọc thấy: “Nhưng mỗi khi một vị thẩm phán qua đời, họ liền quay trở về đường cũ. Họ càng trở nên tệ hơn những bậc tiền bối của họ. (c.19)

Với mỗi thế hệ đi qua, tấm lòng của dân sự Chúa trở nên nguội lạnh cho đến khi họ vô phương cứu chữa. Họ rơi vào tình trạng này khi Hêli làm thầy tế lễ và quan xét. Sau khi cai trị dân Y-sơ-ra-ên 40 năm, lòng ông chai lì và mắt ông hầu như không còn thấy đường.

Dưới quyền Hêli, có hai người con trai của ông là Hóp- ni và Phi-nê-a vừa làm lãnh đạo vừa làm thầy tế lễ. Họ hư hỏng còn hơn cha của họ. Gia đình của các lãnh đạo này đã làm Chúa đau đớn đến nỗi Ngài tuyên bố: “Ta hứa quả quyết là tội của gia đình Hê-li sẽ không bao giờ chuộc được, dù bằng sinh tế hay lễ vật ngũ cốc.” (1 Sa 3:14).

Do lãnh đạo gây vấp phạm như thế nên đất nước sa sút trầm trọng. Trước đây khi đất nước đi sai lạc thì lãnh đạo thường dẫn dắt dân sự quay lại với Chúa, nhưng các vị lãnh đạo này lạm dụng thẩm quyền và thao túng quyền lực để đẩy dân sự xa cách Chúa.

Các con trai của Hêli còn gian dâm với các phụ nữ nhóm hiệp tại cửa đền thờ. Họ không chỉ vô luân đạo đức mà còn dùng địa vị lãnh đạo của họ dụ dỗ để ăn nằm với các phụ nữ đến tìm kiếm Chúa (1 Sa 2:22). Họ lạm dụng địa vị quyền lực Chúa đã ban để phục vụ dân sự Ngài nhưng trái lại họ dùng nó để trục lợi. Hành động của họ làm cho Chúa vô cùng bực mình. Hêli biết hành động vô luân và tham lam của các con mình, nhưng ông không can ngăn chúng để không phạm tội nữa hay không cách chức vị trí lãnh đạo của chúng.

Sự vi phạm tiếp theo của họ là ở lĩnh vực của lễ. Một lần nữa họ dùng thẩm quyền Chúa cho để thoả mãn lòng tham của họ khi họ ăn chặn các của dâng qua việc thao túng và đe doạ người ta.

Phán Xét Được Trì Hoãn

Hãy so sánh tội của các con của Hêli với tội của các con của Arôn là Na-đáp và A-bi-hu (hai người này chết khi họ dâng lửa lạ trước mặt Chúa). Rất dễ để thắc mắc tại sao các con của Hêli không bị phán xét cho chết ngay tức thì. Tội của họ là hoàn toàn không tôn trọng Chúa, dân sự Ngài và của lễ của Ngài. Vậy thì tại sao họ không bị phán xét tương tự – bị chết ngay lập tức tại đền thờ? Câu trả lời được tìm thấy trong câu Kinh Thánh sau:

Trong khi ấy, cậu bé Sa-mu-ên tiếp tục phục vụ CHÚA dưới sự hướng dẫn của ông Hê-li. Thời bấy giờ, lời CHÚA phán trực tiếp với loài người rất hiếm; Ngài cũng chẳng ban khải tượng. Một đêm kia, ông Hê-li đang nằm ngủ trong chỗ ông thường nằm. Mắt ông bắt đầu mờ, không thấy rõ. Sa-mu-ên cũng nằm ngủ trong đền thờ CHÚA, nơi để rương giao ước của Đức Chúa Trời. Lúc ấy, đèn của Đức Chúa Trời chưa tắt.

1 Samuên 3:1-3

Để ý những lời sau:

  • Lời của Chúa thật hiếm. Chúa không còn phán như Ngài đã từng phán với Môise. Nơi nào Lời Chúa hiếm hoi thì sự hiện diện của Chúa cũng hiếm thấy.
  • Không có khải thị bày tỏ ra. Khải thị chỉ được tìm thấy trong sự hiện diện của Chúa (Mat 16:17). Hiểu biết về đường lối Chúa bị giới hạn do thiếu sự hiện diện của Chúa.
  • Lãnh đạo bị che mắt nên họ không thể thấy gì. Trong Phục Truyền 34:7 chúng ta đọc thấy: “Môi-se qua đời lúc ông được một trăm hai mươi tuổi, nhưng mắt ông không làn, sức ông không giảm.” Môise không bao giờ bị mờ mắt vì ông luôn bước đi trong sự vinh hiển của Chúa. Thân thể ông được bảo vệ cách cẩn mật.
  • Đèn của Chúa bị tắt. Nó tắt vì thiếu dầu. Vinh hiển bị dời đi nên sự hiện diện của Chúa chỉ là một tia sáng loe loét.

Trong trường hợp các con của Arôn, vinh hiển vừa mới được bày tỏ một cách mạnh mẽ. Lửa phát ra từ Chúa và thiêu đốt họ, và họ chết ngay trước mặt Chúa. Sự hiện diện và vinh hiển của Chúa rất mạnh mẽ. Nhưng các con của Hêli mò mẫn trong bóng tối để lãnh đạo và sống dưới ánh đèn gần tàn. Đèn của Chúa hầu như sắp tắt. Chỉ còn lại dấu vết của sự hiện diện của Chúa. Vinh hiển của Ngài đã bị dời đi. Sự phán xét xảy ra ngay sau khi sự hiện diện vinh hiển của Ngài đến. Vì thế, sự phán xét đến trên họ không xảy ra ngay mà được trì hoãn.

Vinh Hiển Lớn Lao – Phán Xét Nhanh Chóng

Chân lý này phải in sâu trong lòng chúng ta. Dù đã nói trước đây rồi, nhưng bây giờ chuyện này càng rõ ràng hơn. Vinh hiển của Chúa được bày tỏ càng lớn thì sự phán xét về sự bất kính xảy ra càng nhanh và càng nghiêm trọng hơn. Mỗi khi tội lỗi bước vào sự hiện diện vinh hiển của Chúa thì có phản ứng ngay. Tội lỗi và bất kỳ ai cố tình che đậy tội lỗi sẽ gánh chịu ngay. Ánh sáng càng chói loà thì rất ít có cơ may cho bóng tối tồn tại.

Hãy tưởng tượng một sân vận động lớn không có cửa sổ hay ánh sáng tự nhiên. Bóng tối bao trùm. Bạn không thể thấy cánh tay đưa ra trước mắt bạn. Sau đó hãy bật hộp quẹt lửa lên. Ánh sáng sẽ loé lên nhưng rất giới hạn. Phần lớn bóng tối vẫn không được xua đi. Hãy bật một bóng đèn 60 công suất. Ánh sáng sẽ sáng hơn nhưng bóng tối vẫn còn bao trùm phần lớn các căn phòng. Hãy tưởng tượng đặt một nguồn sáng như mặt trời trong khán đài này. Bạn đoán xem; tất cả bóng tối sẽ bị xua tan và ánh sáng sẽ chiếu xuyên qua từng ngõ ngách.

Khi sự hiện diện vinh hiển của Chúa bị giới hạn hay hiếm hoi, bóng tối vẫn bao trùm và không bị xua tan. Sự phán xét được trì hoãn. Nhưng đến mức độ ánh sáng vinh hiển của Chúa gia tăng thì cũng gia tăng việc thực thi sự phán xét. Phaolô giải thích điều này trong thư tín của ông:

Tội lỗi của một số người thì rõ ràng, ngay trước khi họ bị xét xử, còn tội lỗi của những người khác về sau mới bại lộ.

1Timôthê 5:24

Tội bất kính của Anania và Saphira bị phơi bày bởi ánh sáng vinh hiển chói loà của Chúa và vì vậy họ nhận sự phán xét ngay lập tức. Điều này giải thích tại sao nhiều người ngày nay phạm tội trọng hơn hai vợ chồng trên vẫn thoát khỏi sự phán xét ngay lập tức mà chờ đợi để chịu phán xét sau. Những tội này cũng giống tội của các con của Hêli. Họ cứ phạm tội, tự trấn an cách mù quáng vì họ không nhận ra rằng họ sẽ bị phán xét nay mai. Không có chuyện gì xảy ra, họ thở phào nhẹ nhõm khi suy nghĩ vậy. Mình chắc được miễn khỏi sự phán xét của Chúa. Ngài chắc bỏ qua những việc mình làm. Những người này tự trấn an bởi cái cảm giác giả tạo về ân điển, lầm tưởng Chúa trì hoãn phán xét là Ngài bỏ qua.

Những ai trong chúng ta sống trong những năm đầu của thế kỷ 21 đã chứng kiến tội lỗi xảy ra trong hội thánh, không chỉ giữa vòng tín đồ mà cả giữa vòng các lãnh đạo hội thánh. Trong những năm tôi đi lại hầu việc Chúa, hầu như là tháng nào tôi cũng nghe về một mục sư, giáo sĩ, trưởng lão hay nhân sự hội thánh phạm tội gian dâm, thường là với các phụ nữ trong hội thánh của họ.

Lòng tôi đau xót khi tôi chứng kiến cảnh người ta thao túng và lừa dối xung quanh chuyện dâng hiến và của dâng. Không chỉ người ta nói dối về sự dâng hiến như Anania và Saphira mà nhiều lần tôi nghe các lãnh đạo hội thánh sử dụng sai tiền quỹ của hội thánh. Tôi đã nghe hai kế toán làm việc cho các chức vụ từ hai tiểu bang khác nhau trải lòng ra với vợ tôi và tôi về chuyện tham lam và lừa dối họ thấy trong các chức vụ này. Có người nói: “Nếu một mục sư khác đến văn phòng tôi, tìm cách “xin xỏ” thêm tiền và trốn thuế thì tôi sẽ đóng cửa văn phòng không cho vào.”

Đôi khi người ta lấy tiền dâng là vì tham lam hơn là vì dân sự Chúa. Phaolô nói: “Ấy không phải tôi cầu mong quà biếu, nhưng cầu mong kết quả dồi dào cho tài khoản của anh chị em.” (Phi 4:17). Trái với lời trên, tôi nghe các lãnh đạo tìm cách cắt xén số tiền dâng của tín đồ. Tôi đã thấy những lá thư được các công ty tư vấn viết bóp méo sự thật để lấy tiền. Một số nhà tư vấn khoe rằng họ đã tính toán rất khoa học và đưa ra những dự án rất chính xác so với nhu cầu. Phierơ cảnh cáo rằng sẽ có những lãnh đạo nổi lên trong những ngày sau cùng là kẻ “tham lam sẽ bịa đặt nhiều chuyện để bóc lột anh chị em. . . và sự huỷ diệt của họ chẳng hề ngủ.” (2Phi 2:3).

Nếu lối sống như thế này đã xảy ra trong bối cảnh chúng ta thấy trong sách Công Vụ, sự phán xét chắc chắn xảy ra nhanh chóng. Tuy nhiên, ngày nay sự phán xét được trì hoãn, vì đèn của Chúa đang tàn. Sự tuôn đổ về vinh hiển của Chúa chưa xảy ra.

Salômôn than lên, “Bấy giờ tôi thấy kẻ ác chết, được chôn cất linh đình vì họ thường ra vào đền thánh. Nhưng những người công chính ngay trong thành lại bị lãng quên. Đây cũng là một việc khó hiểu.” (Truyền đạo 8:10). Ông nói những con người hư hỏng này thường đến đền thờ (nhà thờ) và rất kỉnh kiền nhưng dường như là họ đã chế nhạo Chúa qua hành động của họ và chết mà không chịu phán xét nhãn tiền. Lý do là vì Chúa trì hoãn sự phán xét.

Salômôn nói tiếp: “Loài người chú tâm làm ác vì kẻ ác không bị trừng phạt ngay. Và người phạm tội dù làm ác cả trăm lần, vẫn được sống lâu. Tuy nhiên, tôi biết những người kính sợ Đức Chúa Trời sẽ được phước lành, vì họ kính sợ Ngài, còn kẻ ác sẽ không được phước lành, cuộc đời kẻ ác sẽ qua đi như cái bóng, không lâu bền, vì họ không kính sợ Đức Chúa Trời.” Tại sao kẻ ác lại được phước? Vì sự phán xét được trì hoãn chứ không phải bỏ qua.

Chúng ta được cảnh báo trước trong các câu Kinh Thánh sau đây:

Kìa, Đấng Thẩm Phán đang đứng trước cửa.

Gia cơ 5:9

Vì tất cả chúng ta đều phải ra trước toà án Chúa Cứu Thế để mỗi người sẽ nhận phần của mình, tuỳ theo những điều thiện, điều ác mình đã làm khi còn ở trong thân xác.

2Côrinhtô 5:10

Chúa sẽ xét đoán dân Ngài. Sa vào tay Đức Chúa Trời Hằng Sống là một điều khủng khiếp!

Hêbơrơ 10:30-31

Đây là những lời khuyên dạy viết cho tín hữu chứ không viết cho các tội nhân ở ngoài đường!

Các con của Hêli thấy an ninh trong tội lỗi của họ. Có lẽ do danh xưng chức tước trong giáo hội đã lừa dối họ. Có lẽ họ phán xét bản thân theo tiêu chuẩn của những người gần họ. Dù là lý do gì đi nữa, các con của Hêli đã bị lừa dối vì họ tin Chúa trì hoãn phán xét đồng nghĩa là Ngài không phán xét. Sự lãnh đạo lũng đoạn này chỉ làm cho tình trạng thuộc linh của dân Y-sơ-ra-ên càng thêm thối nát.

Ân Điển Bị Xuyên Tạc

Phaolô đã tiên đoán về tình trạng của con người nên ông đã mô tả thời kỳ mà chúng ta đang sống ngày nay. Ông viết: “Con nên biết trong thời kỳ cuối cùng sẽ có những giai đoạn khó khăn. Vì sẽ có những người vị kỷ, tham tiền, khoe khoang, kiêu căng, ăn nói phạm thượng, không vâng lời cha mẹ, vong ân bội nghĩa, không tôn trọng thần thánh, không tình nghĩa, bất nhân, vu khống, không tiết độ, tàn bạo, thù ghét điều lành, phản phúc, liều lĩnh, tự phụ, thích vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời” (2 Ti 3:1-4)

Sự thật thương tâm đó là Phaolô không nói đến thực trạng xã hội mà nói đến hội thánh, vì ông nói tiếp: “Ngoài mặt thì giữ hình thức của sự tin kính, nhưng trong lòng chối bỏ quyền năng của sự tin kính ấy.” (c.5 – BHĐ) Họ thường đi nhà thờ, nghe Lời Chúa, nói Lời Chúa, khoe về ân điển cứu rỗi của Chúa, nhưng lại từ chối quyền năng giúp họ nên thánh.

Quyền năng nào giúp cho họ sống tin kính? Câu trả lời thật đơn giản: ấy là ân điển của Chúa mà họ đang khoe. Suốt hai ba mươi năm qua, ân điển mà nhiều hội thánh (tại Mỹ) đã giảng dạy và tin không phải là ân điển thật, mà chính là ân điển bị xuyên tạc. Đây là hậu quả của việc quá nhấn mạnh đến sự tốt lành của Chúa mà bỏ qua sự kính sợ Chúa.

Khi giáo lý về tình yêu của Chúa không quân bình với hiểu biết về sự kính sợ Chúa, hậu quả là sai lầm. Cũng vậy, khi sự kính sợ Chúa không được quân bình với tình yêu của Chúa, chúng ta cũng có hậu quả tương tự. Đây là lý do chúng ta được khuyên bảo “hãy gẫm xem lòng nhân từ và nghiêm minh của Đức Chúa Trời” (Rô 11:22). Chúng ta cần cả hai – nếu không có cả hai, chúng ta sẽ kết cuộc mất quân bình.

Tôi đã nghe nhiều tín đồ và lãnh đạo bào chữa cho sự bất tuân khi nói rằng mọi chuyện đều được ân điển hay tình yêu Chúa “xí xoá.” Ân điển là không bởi công trạng và nó che đậy, nhưng không phải che đậy như cách chúng ta đã được giảng dạy. Ân điển không phải là lời bào chữa mà là mặc lấy sức mạnh.

Việc thiếu sự quân bình đã đầu độc lý trí chúng ta cho đến khi chúng ta cảm thấy thoải mái hoàn toàn để không vâng lời Chúa bất cứ khi nào chúng ta thấy tiện hay lợi cho mình. Ngay cả khi chúng ta phạm tội, chúng ta hay trấn an mình và xoa dịu lương tâm bằng ý tưởng, Ân điển Chúa che đậy điều này, vì Chúa yêu mình và hiểu cuộc sống rất khó khăn. Ngài muốn mình hạnh phúc, bất kể phải trả giá như thế nào! Ừ nhỉ!

Đành rằng chúng ta không nói ra những ý tưởng này,nhưng nó lại có trong đầu chúng ta. Rõ ràng là Phaolô đã nói trước hậu quả của lối lý luận như thế.

Dù ân điển có che đậy nhưng không phải bao che. Ân điển còn đi xa hơn nữa. Ân điển ban cho chúng ta sức mạnh để sống đời sống thánh khiết và vâng phục thẩm quyền của Chúa. Tác giả thư Hêbơrơ khích lệ: “Nên ta hãy ghi ơn và hãy lấy lòng kính sợ, tôn kính mà phục vụ Đức Chúa Trời cách đẹp lòng Ngài.” (Hê 12:28). Ân điển được mô tả ở đây không phải là bao che hay “xí xoá”, mà là sức mạnh giúp chúng ta lấy lòng kính sợ thánh mà phục vụ Chúa theo cách được Ngài chấp nhận. Nó chính là quyền năng đằng sau đời sống vâng lời. Nó là bằng cớ của sự cứu rỗi.

Một số người bác bỏ và lý luận, “Nhưng Kinh Thánh nói, ‘Ấy là nhờ ân điển và bởi đức tin mà anh em được cứu; điều đó không đến từ anh em mà là món quà của Chúa” (Êph 2:8). Đồng ý, câu này đúng; nhưng bởi sức riêng chúng ta không tài nào sống đời sống xứng đáng với cơ nghiệp của chúng ta trong Nước Chúa, vì hết thảy mọi người đều phạm tội và thiếu hụt tiêu chuẩn công chính của Chúa. Không ai trong chúng ta có thể đứng trước mặt Chúa và tuyên bố rằng nhờ công đức, công lao hay đời sống tốt đẹp của chúng ta mà giúp chúng ta có được cái quyền để ở trong Nước Chúa. Mỗi người trong chúng ta đều đã phạm tội và đáng bị đốt cháy ở hồ lửa đời đời.

Câu trả lời cho sự thiếu hụt của chúng ta là món quà cứu rỗi qua ân điển của Ngài, một món quà mà chúng ta nhận không bởi công lao của chúng ta (Rô 4:4). Nhiều tín đồ trong hội thánh đã hiểu chân lý này. Tuy nhiên chúng ta lại không nhấn mạnh quyền năng của ân điển không chỉ cứu chuộc chúng ta mà còn ban cho chúng ta khả năng để sống đời sống hoàn toàn khác thế gian. Lời Chúa công bố:

Đức tin cũng thế, nếu đức tin không có hành động thì tự nó chết đi. Nhưng có người sẽ nói: “Anh có đức tin, còn tôi có hành động.” Anh hãy chỉ cho tôi đức tin không có hành động của anh, rồi tôi sẽ cho anh thấy đức tin bằng hành động của tôi.

Giacơ 2:17-18

Giacơ không có mâu thuẫn với Phaolô. Ông chỉ làm sáng tỏ sứ điệp của Phaolô khi nói rằng bằng cớ một người nhận ân điển của Chúa là một đời sống vâng lời Chúa. Ân điển này không chỉ tạo ra ước muốn vâng lời Chúa mà cũng tạo ra khả năng để làm trọn bổn phận đó. Một người cứ liên tục không làm theo Lời Chúa là một người mà đức tin đã chết hay không có đức tin gì cả. Giacơ nói tiếp:

Anh thấy đức tin đồng công với các hành động của ông và nhờ các hành động mà đức tin được kiện toàn.

Giacơ 2:24

Giacơ mở đầu lời này bằng cách dùng Áp-ra-ham, tổ phụ đức tin, làm ví dụ: “Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, chẳng từng được kể là công chính do hành động hiến dâng con mình là Y-sác trên bàn thờ sao? (c.21). Đức tin được thể hiện qua hành động của Áp-ra-ham. Hành động hay việc làm chứng minh rằng đức tin được trọn vẹn. “Áp- ra-ham tin Đức Chúa Trời nên được kể là công chính và được gọi là bạn hữu của Đức Chúa Trời.” (c.23).

Trong ngôn ngữ của chúng ta từ tin đã bị hạ thấp đến chỗ nhìn nhận ở lý trí sự hiện diện của điều gì đó. Vô số người cầu nguyện tin Chúa vì họ quá xúc động, nhưng sau đó quay lại lối sống bất tuân trước đây. Họ cứ sống cho bản thân, trong khi đó họ cứ tin vào cảm xúc là mình được cứu, nhưng không có quyền năng để giúp họ thay đổi. Vâng, họ tin có Chúa – nhưng Kinh Thánh nói: “Anh tin có một Đức Chúa Trời. Tốt lắm các ác quỉ cũng tin điều ấy và run sợ.” (c.19)

Có phước hạnh gì khi nhìn nhận Chúa Giê-su khi mà không có thay đổi gì trong lòng, và vì thế cũng không có hành động thay đổi nào?

Kinh Thánh mô tả một ý nghĩa khác của từ tin. Tin còn hơn là nhìn nhận có Chúa Giê-su; nó hàm ý đến sự làm theo Lời Ngài và ý muốn Ngài. Điều này giải thích Hêbơrơ 5:9: “Khi hoàn tất rồi, Ngài trở nên nguồn cứu rỗi đời đời cho tất cả những người vâng phục Ngài.” Tin là vâng lời, và vâng lời là tin. Bằng cớ đức tin của Ápraham là sự vâng lời tương ứng. Ông dâng cho Chúa đứa con yêu quí của ông. Không điều gì, ngay cả con của ông, quan trọng đối với Áp-ra-ham hơn là vâng lời Chúa. Đây là đức tin thật. Đây là lý do Áp-ra-ham được tôn trọng là “tổ phụ của đức tin” (Rô 4:16). Chúng ta có thấy cùng một đức tin và ân điển đó biểu lộ trong các hội thánh ngày nay không? Như vậy chúng ta đã bị lừa dối biết chừng nào?

“Chúa Giống Chúng Ta”

Hê-li và các con ông không chỉ lừa dối dân Y-sơ-ra-ên mà chính họ cũng bị lừa dối. Họ tin rằng Chúa làm ngơ trước sự bất tuân của họ. Với lương tâm chai lì, họ nghĩ Chúa hoàn toàn giống như họ. Họ đo lường Ngài qua những gì họ biết và thấy.

Phaolô tiếp tục mô tả những người trong hội thánh thuộc thời đại chúng ta là những người thiếu đi quyền năng giúp họ sống tin kính. “Còn những kẻ gian ác . . . lường gạt người ta rồi bị lường gạt lại.” (2Ti 3:13).

Cái nhìn mang tính tiên tri của Phaolô đã được xác chứng ngày nay. Chúa tuyên bố với những nhà lãnh đạo băng hoại và tín hữu giả mạo trong giáo hội:

Nhưng đối với kẻ ác, Đức Chúa Trời phán: Tại sao ngươi đọc lên luật lệ Ta? Vì sao ngươi nhận giao ước Ta bằng môi miệng? Vì người ghét sự rèn luyện, gạt bỏ sau lưng lời dạy dỗ Ta. Khi ngươi thấy kẻ trộm thì thoả thuận với nó. Ngươi đồng loã với những kẻ ngoại tình. Miệng ngươi nói ra những điều ác, lưỡi ngươi thêu dệt điều lừa dối. Ngươi ngồi nói xấu anh em mình, chê trách con trai của mẹ ngươi.

Thi Thiên 50:16-20

Chúa hỏi, “Sao ngươi giảng Lời Ta mà ngươi lại không kính sợ và vâng lời Ta? Sao ngươi lừa dối người khác và cả bản thân ngươi? Ngài nói với những người này:

Ngươi đã làm những điều này nhưng Ta im lặng. Ngươi tưởng Ta giống như ngươi, nhưng Ta sẽ quở trách ngươi, buộc tội ngươi ngay trước mặt ngươi.

Thi Thiên 50:21

Chúa phán: “Ta im lặng.” Trì hoãn phán xét, chứ không bỏ qua phán xét, vì Chúa khẳng định: “Ta sẽ quở trách ngươi, buộc tội ngươi . . .” Hãy nhớ trật tự thiên thượng có trước vinh hiển tỏ bày. Một khi vinh hiển được bày tỏ, sự vô trật tự sẽ hứng chịu sự phán xét ngay lập tức để đảm bảo duy trì trật tự thiên thượng. Chúa hứa rằng sự phán xét đang chờ những người này: “Hãy biết rõ là chắc chắn sẽ có sự chấn chỉnh lại trật tự, vì Ta sẽ chấn chỉnh lại.”

Để ý rằng chính lương tâm của họ xoa dịu sự bất tuân qua lối hành xử bất kính của họ. Họ tin Chúa hoàn toàn giống như họ. Họ hạ thấp hình ảnh vinh hiển của Chúa xuống mức con người hư hoại!

Hỡi dân sự của Chúa, hãy nghe những lời thương xót của Ngài! Bạn sẽ hỏi, “Những lời thương xót hả? Tôi nghĩ ông đang nói đến sự phán xét mà.” Không! Qua sự giảng dạy và sách vở viết mang tính tiên tri, Chúa tìm cách cảnh báo chúng ta để giữ chúng ta khỏi sự phán xét của Ngài. Do đó sứ điệp của Ngài là sứ điệp thương xót!

Chúa Có Dân Sót

Bởi Thánh Linh của Chúa, Phaolô thấy vinh hiển tỏ bày của Chúa bị lu mờ cho đến khi nó bị che khuất hoàn toàn. Những thời kỳ trước sự tuôn đổ thứ hai sẽ chứng kiến cảnh sa sút thuộc linh này. Cả thầy tế lễ lẫn dân chúng đều băng hoại. Phaolô thốt lên lời tiên tri này:

Vì sẽ đến thời kỳ người ta không chịu nhận giáo lý chân chính, nhưng chiều theo dục vọng mà quy tụ nhiều giáo sư quanh mình để dạy những điều êm tai.

2Timôthê 4:3

Thật đáng buồn khi nói rằng chúng ta đang sống trong những ngày như vậy. Rất nhiều mục sư và tôi tớ Chúa dường như chỉ muốn thu hút đám đông hơn là duy trì đời sống ngay thẳng. Họ sợ giảng lẽ thật cách can đảm, lo rằng họ sẽ làm nguy hại đến những gì họ đã giày công xây đắp bấy lâu nay. Họ giảng cho tín đồ những gì người ta muốn nghe và tránh không quở trách tín đồ.

Hậu quả thật tai hại. Tội nhân cứ ngồi trong nhà thờ mà không bị cáo trách tội lỗi và không biết gì về một đời sống ngay thẳng. Nhiều người cứ đinh ninh là họ được cứu, trong khi thực tế thì họ chưa được cứu. Cùng lúc, một số người hầu việc Chúa tìm kiếm chút “ân huệ” và phần thưởng của con người mà không nghĩ đến ân huệ của Chúa, trong khi đó các tín hữu sống tin kính thì kêu cầu liên tục, “Chúa ở đâu rồi?.” Tệ hơn nữa là trong khi xã hội vẫn sống trong bóng tối mà hội thánh thì bị che mắt. Khi hội thánh bị nhiễm bệnh vì thiếu lòng kính sợ Chúa thì hội thánh không thể nào giúp đỡ xã hội được.

Câu trả lời của Chúa là gì? Nó được tìm thấy trong từ “sót lại”. Như trước đây Chúa tìm thấy dân sót là những người run rẩy trước Lời Ngài để đổ đầy vinh hiển của Ngài trong cơn mưa đầu mùa thì Ngài cũng sẽ tìm thấy các tín hữu còn sót lại trong những ngày sau cùng này trong cơn mưa cuối mùa để qua đó Ngài bày tỏ vinh hiển của Ngài một lần nữa. Tầm mức hay số lượng của dân sót này không quan trọng. Những tín hữu này yêu mến và vâng phục Chúa bất kể đời sống cá nhân họ phải trả giá nào. Có những lãnh đạo, những tôi tớ Chúa và những tín hữu khắp thế giới ngày nay là những người sẽ kêu cầu Chúa ban cho một sự tuôn đổ như thế.

Vị trí quá khứ hay hiện tại của chúng ta không phải là vị trí mà chúng ta nhắm tới trong tương lai! Chúng ta phải ngước mắt lên chân trời và mong đợi sự vinh hiển sắp hiện ra của Ngài!