Chương Mười: PHỤC HỒI VINH HIỂN CHÚA

Kính Sợ Chúa

Đăng vào: 5 tháng trước

.

MƯỜI

vintage-symbol

PHỤC HỒI VINH HIỂN CHÚA

Nhưng thật như Ta hằng sống, vinh quang Ta sẽ tràn ngập đất.

Dân số 14:21

Chúng ta đang tiến gần đến cơn mưa cuối mùa của vinh hiển Chúa. Có sự khác biệt lớn giữa hội thánh ngày nay với hội thánh trước ngày lễ Ngũ Tuần. Trong sách Công vụ Chúa đổ Thánh Linh Ngài một cách thình lình và ngoạn mục, sau đó nhiều năm phong trào này bắt đầu phai nhạt dần. Tôi tin Kinh Thánh bày tỏ rằng cơn mưa cuối mùa không phải là một sự tuôn đổ thình lình mà là sự phục hồi nhanh chóng.

Cơn mưa đầu là thình lình, cơn mưa sau là sự phục hồi cách nhanh chóng.

Để giải thích, chúng ta hãy quay lại khoảng thời gian giữa Môise và vua Đa-vít. Môise xây đền tạm, tiêu biểu cho trật tự thiên thượng, sau đó vinh hiển Chúa được bày tỏ một cách quyền năng và ngoạn mục. Nó bất thình lình và rất oai nghi. Môise vừa mới xây dựng xong thì đền tạm tràn ngập đám mây vinh hiển của Chúa.

Vinh hiển này cuối cùng bị phai nhạt do phạm tội và thờ ơ đối với Chúa. Sự phai nhạt này tiếp tục xảy ra cho đến khi dân Y-sơ-ra-ên sa sút trầm trọng dưới quyền lãnh đạo của Hêli. Đèn của Chúa sắp tàn, và vinh hiển Ngài đã lìa khỏi.

Cái ngày Hêli và các con ông chết, hòm giao ước của Chúa bị dân Philitin lấy đi. Họ đem hòm về thành Ách- đốt nơi có thần Đa-gôn. Nhưng tay của Chúa nghịch cùng thần Đa-gôn. Tượng thần của họ bị đánh ngã, đầu và tay bị gãy ngay trước hòm giao ước của Chúa. Dân Philitin dời hòm tới năm thành. Nơi nào họ mang hòm tới, dân Philitin bị ung hạch và cái chết hành hại. Sự tàn phá quá lớn đến nỗi tiếng kêu thống thiết của năm thành thấu đến trời (Xem 1Samuên 5.)

Sau bảy tháng, các quan chức Philitin nhóm lại với các thầy tế lễ và pháp sư của họ để quyết định xem cách nào để gởi hòm trở lại dân Y-sơ-ra-ên. Họ muốn tôn trọng Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên bằng của lễ chuộc tội gồm năm hình mục hạch bằng vàng và năm con chuột bằng vàng, đại diện cho năm thành và quan chức của họ. Họ cầu nguyện xin Chúa nương tay không hình phạt họ. Sau khi đặt những món này vào rương, họ đặt rương lên chiếc xe cộ do hai con bò tơ kéo. Thắng những con bò này vào xe. Dân Philitin lý luận, Nếu con bò kéo xe cộ xa khỏi nơi của nó thì chúng ta sẽ biết đây là Chúa đánh phạt chúng ta. Những con bò này kéo chiếc xe hướng ngay về biên giới của Y-sơ-ra-ên, nơi đó hòm giao ước vẫn không hề được đụng đậy. Nó ở trong nhà A-bi-na-đáp tại thành Ki-ri-át Giê-a-rim 20 năm. Điều lạ là vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên là Saulơ không hề tìm cách phục hồi hòm giao ước của Chúa cho dân Y-sơ-ra-ên.

Phục Hồi Vinh Hiển Chúa Cho Dân Y-sơ-ra-ên

Sau đời trị vì của Saulơ, vua Đa-vít lên ngôi. Lòng ông tìm kiếm Chúa và mong ước phục hồi vinh hiển Chúa cho dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng vinh hiển này không được bày tỏ như cách bày tỏ cho Môise. Điều này không bày tỏ thình lình và đầy quyền năng, nhưng đây là một tiến trình phục hồi.

Tiến trình phục hồi này bắt đầu nhiều năm trước đó từ tiên tri Samuên. Chúa uỷ thác cho ông chuẩn bị con đường bằng cách kêu gọi dân sự quay lại tấm lòng của Chúa. Sứ điệp của ông cũng là nhịp đập con tim của tất cả tiên tri thật.

Sa-mu-ên nói với toàn dân Y-sơ-ra-ên: “Nếu anh chị em thật lòng muốn quay về cùng CHÚA, anh chị em phải dẹp bỏ các thần tượng ngoại bang, và các tượng nữ thần Át-tạc-tê nữa. Anh chị em phải hướng lòng về CHÚA, phụng sự một mình Ngài mà thôi; bấy giờ Ngài sẽ giải cứu anh chị em khỏi tay người Phi-li-tin.”

1Samuên 7:3

Tôn Trọng Nhưng Lại Sỉ Nhục Chúa

Sau khi Đa-vít làm vua, ông đánh bại dân Philitin để chiếm lấy thành Giêrusalem. Sau đó ông tìm cách khôi phục hòm giao ước trở về đúng chỗ. “Bấy giờ Đa-vít tham khảo ý kiến những người chỉ huy ngàn quân và trăm quân cùng tất cả các quan” (1Sử 13:1). Họ bàn đến chuyện nhóm hiệp toàn bộ dân Y-sơ-ra-ên lại cho biến cố này. “Cả hội chúng bằng lòng làm như thế vì họ thấy điều đó là phải.” (c.4)

Hãy đọc kỹ họ làm gì kế tiếp:

Họ đặt rương giao ước của Đức Chúa Trời lên một cỗ xe mới, đem ra khỏi nhà ông A-bi-na-đáp ở trên đồi.

2Samuên 6:3

Dân Y-sơ-ra-ên lấy ý tưởng ở đâu khi chở hòm giao ước về thành Giêrusalem trên chiếc xe cộ? Há không phải đây chính là cách dân Philitin đã gởi hòm lại cho dân Y-sơ-ra-ên sao?

Dân Y-sơ-ra-ên chở hòm trên xe cộ và đem ra khỏi nhà A-bi-na-đáp cùng với hai người là Ahiô và U-xa. “Vua Đa-vít và toàn dân Y-sơ-ra-ên vui mừng nhảy múa trước mặt CHÚA, theo tiếng đàn của đủ loại nhạc cụ.” (c.5) 1Sử ký 13:8 cho chúng ta biết họ dồn hết sức để làm việc này! Tuy nhiên hãy xem chuyện gì xảy ra:

Khi đến sân đạp lúa của Na-côn, bò vấp chân, nên ông U-xa giơ tay ra đỡ rương giao ước của Đức Chúa Trời. CHÚA nổi giận với ông U-xa. Đức Chúa Trời đánh phạt ông ngay tại chỗ vì cử chỉ sơ ý đó. Ông chết ngay đó, cạnh bên rương giao ước của Đức Chúa Trời.

2Samuên 6:6-7

Bản Kinh Thánh New King James có chú trích ngay chữ sơ ý. Tôi truy chữ này trong Kinh Thánh tiếng Anh và thấy chữ này còn có nghĩa là bất kính. Một bản dịch khác dịch, “Đức Chúa Trời đánh phạt ông ngay tại chỗ đó vì bất kính!”

Thật ngạc nhiên! Chỉ một thế hệ trước đó, có hai người phạm tội gian dâm ngay tại cửa đền tạm nơi có hòm giao ước ngự. Sự bất kính quá rành rành và nghiêm trọng hơn việc người này đưa tay giữ cho hòm không ngã xuống. Các thầy tế lễ vô luân con Hêli kia không bị phán xét ngay lập tức vì cách ăn ở của họ, nhưng đằng này U-xa lại bị đánh chết ngay lập tức. Tại sao? Trong trường hợp các con của Hêli, vinh hiển đã lìa khỏi. Trong trường hợp U-xa, vinh hiển Chúa được phục hồi. Vinh hiển của Chúa càng bày tỏ mạnh mẽ thì sự phán xét về sự bất kính càng xảy ra nhanh chóng.

Sợ Chúa

Vua Đa-vít buồn bực vì CHÚA đã đánh chết ông U-xa .

. . Ngày hôm ấy, vua Đa-vít sợ CHÚA và tự nhủ: “Làm sao tôi dám đem rương giao ước của CHÚA về với tôi được?”

2 Samuên 6:8-9

Đa-vít, người lãnh đạo và dân Y-sơ-ra-ên không phải là không có lòng. Họ đã chuẩn bị rất chu đáo để phục hồi hòm giao ước lại cho dân Y-sơ-ra-ên. Một khi dân Y-sơ-ra-ên lấy lại hòm, dân chúng chơi nhạc hết mình. Họ tin rằng họ đang tôn trọng Chúa khi đem hòm trên chiếc xe cộ mới. Đa-vít chọn hai người đẩy xe. Nên bạn hiểu được cú sốc của Đa-vít khi Chúa đánh hạ người mà ông chọn ra. Cơn sốc của ông biến thành cơn giận. Đa-vít có thể thắc mắc, Sao Chúa làm chuyện này? Sao Ngài không chỉ không cảm kích lòng sốt sắng của chúng ta, mà còn từ chối bằng một sự phát xét như thế? Đa vít chắc có lẽ đã suy nghĩ, Mình đã làm tất cả những gì mình biết để tôn trọng Chúa, nhưng thiện ý của mình đã bị Chúa phán xét và không chấp nhận! Sau khi suy nghĩ nhiều, cơn giận của ông biến thành nỗi sợ. Ông đâm ra sợ Chúa. (Đây không phải là kính sợ Chúa. Những ai sợ sẽ lánh mặt Ngài, nhưng những ai kính sợ Ngài sẽ được thu hút đến với Ngài. Chúng ta sẽ thấy điều này sau.) Đa-vít chắc đã thắc mắc, Nếu thiện ý của mình bị phán xét và không chấp nhận thì làm sao hòm của Chúa đến cùng mình được?

 

Mỗi khi tôi trải qua nỗi thất vọng hay nổi giận cùng Chúa, tôi liền trấn an mình rằng ấy là do tôi thiếu hiểu biết, vì đường lối của Chúa là trọn vẹn. Cá nhân tôi đã học biết rằng một người có thể có lòng sốt sắng nhưng thiếu hiểu biết. Lòng sốt sắng và sự yêu mến Chúa không được kiềm chế bởi sự khôn ngoan và tri thức luôn dẫn tới rắc rối. Ngoài chuyện này ra, tôi cũng học được rằng trách nhiệm của tôi là tìm kiếm tri thức của Chúa (Châm 2:1-5).

Bỏ Lơ Trách Nhiệm

Đa-vít nổi giận với Chúa, nhưng sự phán xét xảy đến do Đa-vít và các nhân sự của ông thiếu hiểu biết. Môise nói:

Đây là các điều răn, quy luật và sắc lệnh CHÚA, Đức Chúa Trời chúng ta đã truyền tôi dạy cho anh chị em vâng giữ khi sinh sống trong xứ anh chị em sẽ chiếm hữu sau khi qua sông Giô-đanh, để anh chị em và con cháu anh chị em biết kính sợ CHÚA, Đức Chúa Trời của anh chị em suốt thời gian sống trên đất và nhờ giữ các mạng lệnh, điều răn đó, anh chị em sẽ được sống lâu.

Phục truyền 6:1-2

Môise chỉ dạy rõ ràng: để kính sợ Chúa chúng ta phải vừa biết vừa vâng lời đường lối Ngài trên hết mọi điều khác. Mạng lệnh này không chỉ nói cho dân Y-sơ-ra-ên, nhưng Chúa truyền bảo cụ thể cho vua:

Vừa lên ngai, vua phải căn cứ trên bản chính của kinh luật này do các thầy tế lễ người Lê-vi giữ để sao chép lại cho mình một bản. Vua phải giữ bản sao này bên mình và phải nghiền ngẫm suốt những ngày vua sống trên trần gian để học tập kính sợ CHÚA, Đức Chúa Trời của vua và cẩn thận làm theo hết thảy các lời của kinh luật và điều răn này.

Phục truyền 17:18-19

Vua phải đọc Lời Chúa mỗi ngày. Tại sao? Sự khôn ngoan và tôn trọng Chúa phải được khắc ghi trong lòng của vua để vua coi trọng đường lối của Chúa hơn quan điểm con người. Lỗi lầm của Đa-vít cùng các nhân sự của ông có thể tránh được.

Đa-vít cùng các nhân sự của ông nhóm lại để thảovluận là nên đem hòm trở lại bằng cách nào. Kinh Thánh không nói họ tìm kiếm những lời của Môise truyền lại cho họ từ luật pháp. Nếu Đa-vít và các thầy tế lễ trước đây đọc Lời Chúa, họ chắc có lẽ nhận ra rằng chỉ duy những người được mang hòm của Chúa là người Lêvi, không bởi bằng xe cộ mà khiên bằng cây đòn và vác trên vai (Xuất 25:14; Dân 4:15; 7:9). Chính do thiếu hiểu biết này khiến cho dân Y-sơ-ra-ên bắt chước cách của dân ngoại hay cách của thế gian khi mang sự hiện diện của Chúa. Dân Philitin không biết nên họ gởi hòm trở lại bằng xe cộ, nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã được uỷ thác Lời Chúa; vì thế họ phải chịu trách nhiệm.

Do lơ là trong việc tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa qua Lời Ngài dẫn đến hậu quả là họ hạ thấp hình ảnh của Đức Chúa Trời xuống thành nhận thức của con người phàm tục. Đây là lý do dân Y-sơ-ra-ên tôn trọng Chúa cùng một cách như những người không biết Chúa. Họ bắt chước con người thay vì nhận sự thần cảm từ Chúa. Họ quả có lòng sốt sắng, nhưng Chúa vẫn xem phương cách của họ là bất kính.

Nguồn Cảm Hứng Của Chúng Ta Là Gì?

Ngày nay chúng ta cũng mắc phải cùng một lỗi lầm. Đôi lúc chúng ta nghĩ để bắt đầu chức vụ là hãy thu hút được nhiều người. Làm thế là chúng ta múc từ cái giếng khôn ngoan hữu hạn của con người, tiếp nhận những lời khuyên đã bị ảnh hưởng của các trào lưu văn hoá. Các trào lưu này nhan nhản ngay trước mắt chúng ta và rất dễ tiếp cận hơn là chờ đợi Chúa khải thị ý muốn của Ngài. Dù những ý kiến này trông mới lạ và hấp dẫn, nhưng chúng ta có phải lúc nào cũng biết nguồn cảm hứng của chúng ta đến từ đâu không? Chúng ta đã thay thế tri thức về Chúa để lấy những kỹ thuật gây cảm động lòng người được rút tỉa từ những con người không tin Chúa.

Như có nói đến trong Kinh Thánh, âm nhạc đóng một vai trò ý nghĩa và quan trọng việc kiến tạo bầu không khí thuộc linh để Chúa hiện diện. Nó có khả năng mở lòng và dọn lòng. Cách đây vài năm rất nhiều loại nhạc gọi là “nhạc cơ đốc hiện đại” đã lấy nguồn cảm hứng từ thế gian. Nếu thế gian chơi nhạc rock mạnh thì hội thánh cũng chơi! Khi nhạc ráp thu hút sự chú ý của thế gian, các nhạc sĩ cơ đốc cũng bắt chước. Dĩ nhiên, lời lẽ thì khác – nhưng nhịp điệu và cách trình bày chẳng khác gì thế gian.

Một số người lý luận, “Nhưng chúng tôi dùng âm nhạc để hướng đến những người hư mất và chúng tôi cần “sáng tác” âm nhạc cách nào đó để tội nhận có thể nghe được.” Trong một số trường hợp thì điều này đúng, nhưng khi những người trẻ quá bị kích thích bởi thế gian, chúng có khuynh hướng xem thường chính cái điều mà chúng cần hơn hết.

Tôi rất biết ơn là ngày nay có một loại nhạc cơ đốc rất tuyệt vời, thật sự thờ phượng Chúa không chỉ hợp thời mà còn được hội thánh đón nhận, nhưng cũng có ảnh hưởng tới người thế gian nữa. Nguyện Chúa tiếp tục dấy lên những nhạc sĩ cơ đốc trẻ yêu mến Chúa, không thoả hiệp sứ điệp tin lành nhưng dùng âm nhạc thờ phượng kéo chúng ta đến gần tấm lòng của Chúa.

Người ta thích mua vui. Người Mỹ trung bình xem ti vi 34 giờ mỗi tuần. Một số hội thánh đã tìm cách thu hút đám đông y như cách thế gian làm. Trong hội thánh, chúng ta đã học cách thu hút đám đông bằng cách khơi dậy lòng khát khao được mua vui. Xuất phát từ kiểu cách này mà ra đời những hội thánh được gọi là hội thánh “thân thiện với mọi người” hay hội thánh “lấy lòng thân hữu.” Vì đã giảng cho một số hội thánh, tôi thấy rằng thường cái gọi là “lấy lòng thân hữu” đôi khi là “mất lòng Chúa.” Thay đổi phương pháp thì không có gì sai, nhưng chúng ta phải không được thoả hiệp sứ điệp tin lành. Nhiều hội thánh thu hút đám đông, nhưng họ lại làm cho Chúa buồn lòng.

Tôi đã giảng cho các hội thánh đã chi hàng ngàn đô la hàng năm để mua vui đám đông. Các thanh niên được mua vui chủ yếu qua những chương trình như trò chơi bắn súng, khúc côn cầu, đá banh và video game. Không có môn đồ hoá hay dạy dỗ gì cả. Rồi các mục sư thắc mắc sao không có sự thăm viếng của Chúa giữa vòng ban thanh niên và bối rối về con số những thiếu nữ có thai. Số người nhóm thì tăng, nhưng trái của Thánh Linh được bày tỏ trong đời sống của các thanh niên nam nữ này ở đâu? Chương trình văn nghệ thì không có gì sai, nhưng không nên đeo đuổi văn nghệ mà bỏ qua sự giảng dạy Kinh Thánh.

Sự cảm hứng lấy từ văn hoá không chỉ giới hạn trong giới mục sư lãnh đạo mà còn ảnh hưởng đến nhiều tín hữu. Hãy xem một trường hợp. Nhiều người trong xã hội chúng ta chỉ tôn trọng người lớn khi nào họ đồng ý. Có câu khẩu hiệu nói rằng hãy “thắc mắc người lớn” Thái độ này không chỉ có ở thế gian mà một số hội thánh cũng nhiễm lối suy nghĩ này. Họ tôn trọng và vâng lời người lớn với điều kiện họ đồng ý. Người ta hầu như tưởng rằng Nước Chúa đã đổi thành nền dân chủ rồi! Đáng báo động là thái độ này còn đi quá xa đối với những người có thẩm quyền, vì người ta tôn trọng Chúa với một thái độ thờ ơ như vậy. Nếu họ thích những gì Ngài làm trong đời sống họ thì họ sẽ ngợi khen Ngài; nếu không họ sẽ than phiền. Chuyện này kể ra không hết. Vấn đề là phần lớn cách chúng ta hầu việc Chúa chịu ảnh hưởng bởi thế gian. Rốt cuộc chúng ta làm gì? Cách thức chúng ta làm hoá ra là gì?

Đeo Đuổi Tri Thức Của Chúa

Có nhiều người kêu cầu Chúa phục hồi vinh hiển của Ngài. Họ cầu nguyện xin cơn mưa cuối mùa (Xa 10:1). Họ đầu phục tiến trình thanh tẩy của Chúa mà không than phiền khi họ trải qua thử thách. Họ không than phiền trong đồng vắng thuộc linh mà họ trải qua. Ngay sau đó họ vui mừng, vì Chúa không giữ lại vinh hiển của Ngài đối với những ai khao khát Ngài.

Những người này khác với những người đeo đuổi sự tiện nghi và thành công. Còn những người khác thì kẹt ở giữa – họ đeo đuổi sự hiện diện của Chúa, nhưng giống như Đa vít, lòng sốt sắng của họ không có hiểu biết. Họ đeo đuổi Chúa theo ý riêng . . . bởi khôn ngoan riêng của họ. Họ chưa hiểu được vinh hiển và sự thánh khiết của Đấng mà họ khao khát.

Chúng ta không được phép bỏ qua những câu Kinh Thánh nào đem lại sự quở trách, dạy dỗ và chấn chỉnh nhằm dẫn đến đời sống thánh khiết. Hãy nghe những lời của Ô-sê:

Nào, chúng ta hãy quay về với CHÚA, vì dù Ngài đã xé nát chúng ta, nhưng Ngài sẽ chữa lành, dù Ngài đã đánh chúng ta, nhưng Ngài sẽ băng bó lại. Sau hai ngày, Ngài sẽ chữa lành chúng ta, đến ngày thứ ba, Ngài sẽ nâng chúng ta dậy, cho chúng ta sống trước mặt Ngài.

Ô-sê 6:1-2

Đoạn này là một lời tiên tri mô tả việc Chúa thanh luyện hội thánh Ngài để chuẩn bị cho vinh hiển của Ngài. Ngài xé nát nhưng Ngài sẽ chữa lành. Một ngày đối với Chúa là ngàn năm của chúng ta (2Phi 3:8). Đã trải qua hai ngày trọn (2000 năm) kể từ khi Chúa sống lại. Chúng ta đang cận kề sự phục hồi vinh hiển của Ngài cho đến thời của Ngài. Ngày thứ ba nói đến sự cai trị 1000 năm của Chúa Giê-su khi Ngài sống và cai trị ngay trước mắt chúng ta. Ô-sê dạy thêm về cách sống thế nào và đeo đuổi điều gì khi chúng ta chuẩn bị cho vinh hiển của Ngài.

Chúng ta hãy tìm biết, hãy gắng sức tìm biết CHÚA. Ngài sẽ ra khỏi nơi ngự Ngài, và đế với chúng ta, chắc chắn như hừng đông đến, như mưa đầu mùa thu, như mưa cuối mùa xuân, tưới nhuần đất đai.

Ô-sê 6:3

Ô-sê đảm bảo cho chúng ta rằng sự hiện đến vinh hiển của Ngài là chắc chắn như mặt trời mọc buổi sáng. Thời điểm đã được định sẵn, dù chúng ta có sẵn sàng hay không. Điều chúng ta đeo đuổi là hiểu biết Chúa. Đa-vít và các nhân sự của ông đói khát sự hiện diện của Chúa nhưng thiếu sự hiểu biết Chúa. Chính hiểu biết đó có thể ngăn được cái chết bất ngờ của U-xa. Ngày này cũng không có gì khác. Chúng ta được khuyên:

Hỡi con ta, nếu con tiếp nhận những lời ta và trân trọng giữ gìn các điều răn ta trong lòng. Nếu tai con lắng nghe sự khôn ngoan; và lòng con hướng về sự hiểu biết; phải, nếu con kêu nài sự sáng suốt; nếu con cất tiếng xin sự hiểu biết; nếu con tìm nó như tìm bạc, và kiếm nó như kiếm châu báu ẩn giấu; bấy giờ con sẽ hiểu sự kính sợ CHÚA và tìm thấy sự hiểu biết Đức Chúa Trời.

Châm ngôn 2:1-5

Cách sống thể nào thì quá rõ ràng rồi. Nếu ai đó bảo bạn rằng có 10.000 đô la được giấu trong nhà bạn, bạn sẽ tìm số tiền đó cho bằng được. Nếu cần thiết, bạn sẽ dỡ thảm lên, lục lọi khắp nơi và thậm chí đào nền nhà để tìm số tiền đó. Nhưng lời sự sống lại càng quan trọng hơn thế!

Khi chúng ta nhận nguồn cảm hứng từ thế gian, chúng ta lãnh hội khôn ngoan từ con người và các thầy bói. Lúc đó sự kính sợ Chúa chỉ được dạy bởi luật lệ hay giáo điều của con người. Không có việc đeo đuổi để hiểu biết Chúa, một lần nữa chúng ta sẽ thấy mình rơi vào tình huống như U-xa – có ý tốt nhưng lại là chướng ngại đối với vinh hiển của Ngài.

Cùng với việc gia tăng vinh hiển của Chúa trong những ngày cuối cùng, sẽ có nhiều trường hợp khác xảy ra tương tự như đã xảy ra cho Anania và Saphira. Đây không phải là ước ao của Chúa cũng không phải là mục đích của việc phục hồi vinh hiển của Ngài. Sự phán xét như thế chỉ là hậu quả do không kính trọng sự vinh hiển lớn lao của Ngài. Vinh hiển được bày tỏ đến mức nào thì phán xét sẽ được thực thi đến mức đó mỗi khi vinh hiển của Chúa gặp phải sự bất kính và bất xứng.

Lòng Kiên Định

Hãy xem lại sách Gia-cơ, chúng ta thấy cùng một lời cảnh báo:

Thưa anh chị em, hãy kiên nhẫn cho đến khi Chúa quang lâm. Kìa, người nông phu chờ đợi hoa quả quý báu của đất ruộng, kiên nhẫn đợi chờ cho đến khi đượm mưa thu và mưa xuân. Anh chị em cũng hãy kiên nhẫn và vững lòng vì ngày Chúa quang lâm gần rồi.

Giacơ 5:7-8

Để ý Giacơ cho chúng ta biết là hãy kiên nhẫn. Từ Hy lạp nghĩa là “chịu đựng và không nản lòng.” Sau đó Giacơ nói, “Hãy vững lòng.” Nói cách khác, “Hãy đặt lòng vào trật tự thiên thượng và duy trì tình trạng đó.” Nếu không, chúng ta sẽ thấy mình gánh chịu sự phán xét của vinh hiển Ngài. Cả Phaolô và Phierơ đều dạy chúng ta cách để làm cho chúng ta vững lòng:

Vậy, vì anh chị em đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-su là Chúa, hãy bước đi trong Ngài, Hãy đâm rễ và xây nền trong Ngài, tăng cường đức tin như anh chị em đã được dạy dỗ, và chan chứa lời cảm tạ.

Côlôse 2:6-7

Khi việc đầu phục Chúa làm cho chúng ta vững vàng thì chúng ta mới có thể giữ vững những gì chúng ta đã được Thánh Linh dạy trong Kinh Thánh. Phierơ tái xác nhận điều này:

Nên tôi sẽ nhắc nhở anh chị em luôn luôn về những điều này, mặc dù anh chị em đã biết rồi và nay cũng đã vững vàng trong lẽ thật.

2Phierơ 1:12

Phierơ nói, “Nhắc nhở anh chị em luôn luôn.” Ông biết tầm quan trọng của sự vững vàng trong lẽ thật thời nay. Qua chính kinh nghiệm cá nhân Phierơ biết tín hữu rất dễ xa lìa lẽ thật. Vì là một môn đồ đã từng tiếp nhận khải thị Chúa Giê-su là ai rồi lại chối không biết Đấng Mê-si chỉ sau vài tháng nhận khải thị tuyệt vời đó, Phierơ biết rõ chuyện xa lìa chân lý là gì.

Đeo đuổi tri thức về Đức Chúa Trời thì chưa đủ. Để tiếp tục trong việc này, chúng ta phải sống theo lẽ thật nữa. Rất thường chúng ta sống bởi những gì Chúa đã làm trong quá khứ và khiến cho chúng ta không kinh nghiệm Chúa trong hiện tại. Chúng ta vẫn trích Kinh Thánh và nói rất hay, nhưng chúng ta thiếu đi lòng đói khát biết đường lối Ngài.

Chúng ta phải quay lại thói quen chịu học hỏi khi chúng ta mới yêu Chúa. Khi chúng ta gặp Chúa lần đầu, chúng ta thường đọc Kinh Thánh và lắng nghe bài giảng với lòng khao khát mong chờ, mong mỏi Chúa chúng ta, đối tượng mà chúng ta yêu mến, sẽ bày tỏ cho chúng ta cách lớn lao hơn. Nhưng chẳng mấy chốc, chúng ta bắt đầu có thái độ: “Để xem thử ông mục sư này có cái gì hay không.” Động cơ tiềm ẩn đằng sau thái độ đó là xem thường sự giảng dạy lẽ thật, biện minh cho sự thờ ơ của chúng ta bằng những lời lẽ. “Mình biết điều này rồi” hay “Mình nghe hết những điều này trước đây rồi!” Một triệu chứng khác của thái độ này là nghe hay đọc để gạn lọc những gì chúng ta muốn, thay vì kinh nghiệm đường lối Chúa và tìm kiếm khải thị sâu nhiệm về tấm lòng của Ngài. Chúng ta được cảnh cáo:

Vậy, ta càng phải lưu ý hơn nữa đến những điều đã nghe, để khỏi bị trôi lạc.

Hêbơrơ 2:1

Nhiều người bị trôi lạc ngay trong các hội thánh vì họ không neo chặt hay vững vàng trong sự hiểu biết Chúa. Họ đánh mất lòng khao khát đeo đuổi sự hiểu biết Chúa. Các sứ đồ và tiên tri thấy trước việc xao lãng này và liên tục cảnh cáo chúng ta hãy duy trì sự vững vàng để cuối cùng chúng ta có được niềm vui.

Thật run sợ khi biết chuyện gì sẽ xảy ra khi tấm lòng không ngay thẳng. Nhiều người không nhận phước lành của vinh hiển Chúa trong khi những người khác thì gánh chịu sự phán xét.

Đền Tạm Đa-vít Được Phục Hồi

Khi Đa-vít thấy chuyện xảy ra cho U-xa, ông trở về thành Giê-ru-sa-lem và hết lòng tìm kiếm để biết Chúa. Ba tháng sau ông tuyên bố:

Bấy giờ vua Đa-vít nói rằng: “Không ai được khiêng rương giao ước của Đức Chúa Trời ngoại trừ những người Lê-vi vì CHÚA đã chọn họ để khiêng rương giao ước và phụng vụ CHÚA đời đời.”

1Sử Ký 15:2

Lần này ông không tụ họp thần dân để thảo luận. Một khi Đa-vít khám phá ra ý định của Chúa về vấn đề, ông dạn dĩ tiến hành ngay. Ông mời dân Y-sơ-ra-ên và biệt riêng con cháu A-rôn và người Lêvi. Ông nói với những thầy tế lễ này:

Người bảo họ, các ngươi là những trưởng tộc Lê-vi, hãy thanh tẩy mình cùng anh em mình để khiêng rương giao ước của CHÚA, tức là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, lên nơi ta đã chuẩn bị sẵn. Vì lần trước, các ngươi đã không khiêng rương nên CHÚA, Đức Chúa Trời đã nổi cơn thịnh nộ cùng chúng ta. Chúng ta đã không thỉnh ý Ngài như cách Ngài truyền.

1Sử Ký 15:12-13

Mạng lệnh đòi hỏi các thầy tế lễ phải biệt riêng và truyền bảo họ phải dùng đòn để khiêng hòm giao ước, tức sự hiện diện của Chúa. Lần này hòm được đem đến thành Giêrusalem đặt trong đền tạm mà Đa-vít đã chuẩn bị, và một lần nữa vinh hiển của Chúa được phục hồi cho dân Y-sơ-ra-ên. Phương cách đúng đắn để mang sự hiện diện của Chúa được tìm thấy ngay trong tấm lòng. Chúng ta phải sửa soạn tấm lòng, vì Chúa sẽ bày tỏ vinh hiển Ngài trên đất này như chưa hề có trước đây. Ngài công bố:

Nhưng thật như Ta hằng sống, vinh quang Ta sẽ tràn ngập đất.

Dân số 14:21

Khi Chúa phán lời này, Ngài rất buồn vì dân sự của Ngài không tin hay không vâng lời Ngài. Điều này cũng ám chỉ rằng có một lúc nào đó trong tương lai dân sự của Chúa sẽ kính sợ Ngài và vì vậy họ sẽ vâng lời Ngài một cách vô điều kiện. Những tín hữu này sẽ bày tỏ vinh hiển của Ngài, vì họ sẽ là đền thờ của vinh hiển Ngài. Sau này Chúa cũng phán qua tiên tri Êsai:

Hãy đứng lên và chiếu sáng vì ánh sáng của ngươi đã đến và vinh quang CHÚA toả sáng trên ngươi. Vì nầy, bóng tối sẽ bao trùm quả đất và tối tăm che phủ các dân. Nhưng CHÚA sẽ toả sáng trên ngươi và vinh quang Ngài sẽ chiếu sáng trên ngươi. Các nước sẽ đến cùng ánh sáng ngươi và các vua sẽ hướng về ánh bình minh của ngươi.

Êsai 60:1-3

Để ý Êsai nói: “Vinh quang Ngài sẽ toả sáng trên ngươi.” Tuy nhiên, chúng ta cũng nghe nói vinh hiển được nói đến như là cơn mưa cuối mùa. Chúa phán với tôi trong sự cầu nguyện và Ngài so sánh sự phóng thích cơn mưa cuối mùa của Ngài với cơn lụt thời Nô-ê. Kinh Thánh nói, “Vào ngày đó tất cả các nguồn nước của vực lớn đều dâng lên và các cửa sổ trên các tầng trời đều mở tung.” (Sáng 7:11). Vinh hiển được Ngài phục hồi sẽ toả sáng trên những người đã dọn lòng cho Ngài, và nó sẽ toả trên các nước ở thế gian. Không thành phố nào mà không chịu ảnh hưởng bởi cơn mưa cuối mùa của Thánh Linh Ngài.

Chúa phán vinh hiển Ngài sẽ được phục hồi cho dân sự Ngài, và ngay cả những người không tin cũng sẽ được lôi kéo đến ánh sáng của Ngài. A-mốt nói:

Ngày ấy Ta sẽ dựng lại nhà chòi sụp đổ của Đa-vít, Ta sẽ vá lành những chỗ thủng, dựng lại những nơi đổ nát, xây nhà lại như ngày xưa.

Amốt 9:11

Vinh hiển của Chúa sẽ được phục hồi cho hội thánh và sẽ trỗi hơn vinh hiển có vào thời của Đa-vít. Giacơ trích câu Kinh Thánh này để nói với các lãnh đạo hội thánh lúc đó và cũng áp dụng cho hội thánh ngày cuối cùng này:

Si-môn đã công bố việc Đức Chúa Trời thăm viếng các dân tộc ngoại quốc buổi đầu như thế nào để tuyển chọn một dân cho Danh Ngài. Điều này phù hợp với lời các tiên tri của Chúa: ‘Sau các việc này, Ta sẽ trở lại và tái thiết nhà trại của Đa-vít đã hư sập; Ta sẽ xây dựng lại và trùng tu những nơi đổ nát ngõ hầu những người còn lại trong nhân loại có thể tìm kiếm Chúa, cùng tất cả các dân tộc ngoại quốc mang Danh Ta. Chúa là Đấng thực hiện việc này phán vậy. Suốt các thời đại, ai cũng biết điều đó.’

Công vụ 15:14-18

Bởi Thánh Linh, Giacơ thấy trước mùa gặt lớn lao về việc các tín hữu sẽ bước vào Nước Chúa kèm với sự phục hồi vinh hiển của Chúa. Ông nói những lời tiên tri, nhưng ông chưa nói hết sứ điệp của Amốt, vì những lời này áp dụng đặc biệt cho thời đại chúng ta. Chúng ta hãy xem toàn bộ sứ điệp của Amốt:

CHÚA phán: Trong những ngày đến, người cày ruộng sẽ đuổi kịp người gặt lúa, người ép nho sẽ đuổi kịp người gặt lúa, người ép nho sẽ đuổi kịp người gieo giống, rượu ngọt nhỏ xuống từ các núi, Chảy lan khắp mọi đồi.

Amốt 9:13

Chúa phán mùa gặt sẽ bội thu, thợ gặt sẽ thu hoạch không xuể nên họ không thể gặt xong trước khi thợ cày đến để cày xới đất chuẩn bị cho mùa gieo mới. Bản Diễn Ý dịch câu này như sau:

Chúa phán: Thời kỳ ấy, dân Ta sẽ được mùa dư dật; vừa gặt xong vụ mùa đã bắt đầu vụ chiêm; vừa ép nho xong, vườn đã nứt đọt cho mùa sau.

Nói nôm na là Chúa mô tả mùa gặt quá dư dật đến độ nó trúng bội thu. Ngợi khen Chúa! Hãy canh chừng những ngày này, vì nó sẽ đến nhanh. Thời gian rất gấp. Đừng chống cự công việc thanh tẩy của Ngài mà bỏ qua sự hiểu biết Chúa.

Khi tôi viết sách này, tôi vô cùng ý thức về tầm quan trọng và thời điểm của lời tiên tri này. Đây là lời kêu gọi của Thánh Linh nói với hội thánh. Sứ điệp của Ngài là: “Hãy dọn đường cho Chúa bằng cách sửa soạn dân sự Ngài sẵn sàng cho vinh hiển của Ngài!” Khi Chúa phục hồi vinh hiển của Ngài, chúng ta hãy khôn ngoan và rút ra bài học từ Đa-vít và nhân sự của ông. Những sự kiện này được ghi lại không chỉ vì mục đích lịch sử. Chúng ta được biết: “Tất cả những điều được ghi từ xưa đều nhằm giáo huấn chúng ta” (Rô 15:4).

Đến giờ chúng ta đã lập một nền tảng để hiểu về thời điểm, nên đây là lúc đeo đuổi việc học hỏi để bước đi trong sự kính sợ Chúa.