Chương Bốn: TRẬT TỰ, VINH HIỂN, PHÁN XÉT: PHẦN 1

Kính Sợ Chúa

Đăng vào: 5 tháng trước

.

BỐN

vintage-symbol

TRẬT TỰ, VINH HIỂN, PHÁN XÉT: PHẦN 1

Vì Đức Chúa Trời là Đấng đã phán: Ánh sáng, hãy chiếu ra từ nơi tối tăm, cũng là Đấng đã soi sáng tấm lòng chúng tôi để đem đến cho chúng tôi ánh sáng hiểu biết về vinh quang của Đức Chúa Trời trên mặt Chúa Cứu Thế Giê-su.

2Côrinhtô 4:6

Trong các chương tới chúng ta sẽ chứng minh kiểu mẫu quan trọng lặp lại suốt cả Kinh Thánh. Kiểu mẫu này trở thành một kiểu mẫu ủng hộ cho những vấn đề liên hệ đến ngày nay.

Kiểu Mẫu Của Chúa

Hôm đó là đêm đầu tiên trong hàng loạt bốn buổi nhóm đã lên kế hoạch tại Saskatchewan, Canada. Mục sư đang giới thiệu tôi và tôi đã đứng trên bục được ba phút rồi.

Thình lình, Thánh Linh Chúa dẫn tôi lướt qua cả Kinh Thánh, bày tỏ một kiểu mẫu lặp lại suốt cả Cựu ước lẫn Tân ước. Kiểu mẫu này là:

  1. Trật tự thiên thượng
  2. Vinh hiển của Chúa
  3. Sự phán xét

Trước khi Chúa bày tỏ vinh hiển Ngài, phải có trật tự thiên thượng. Một khi vinh hiển Ngài được bày tỏ, có một phước lành lớn lao. Nhưng một khi vinh hiển Ngài được bày tỏ thì bất kỳ sự bất kính, sự vô trật tự hay sự bất tuân đều gặp phải sự phán xét ngay lập tức.

Chúa đã mở mắt tôi thấy được kiểu mẫu này chưa tới hai phút, và Ngài cho tôi biết tôi phải giảng khải thị này cho hội chúng người Canađa đang đói khát ngồi ngay trước mặt tôi. Tối đó là một trong những buổi nhóm đầy quyền năng mà tôi đã giảng và tôi muốn chia sẻ lẽ thật này cho bạn.

Ngay Từ Đầu

Để có cơ sở, chúng ta hãy quay lại lúc khởi nguyên.

Khi Chúa tạo dựng trời đất:

Lúc ấy, đất không có hình thể và còn trống không. Bóng tối, bao trùm vực thẳm và Thần Linh của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.

Sáng Thế Ký 1:2

Từ tiếng Anh “vô hình” là kết hợp hai từ trong tiếng Hêbơrơ, hayah tohuw. Hai từ này được diễn giải ra là “Đất trở nên vô hình và hỗn độn.” Không có trật tự mà chỉ có hỗn độn.

Dù Thánh Linh che phủ hay ấp ủ quả đất hỗn độn này, Ngài cũng không hành động cho đến khi Lời Chúa được nói ra. Khi Lời Chúa được nói ra, trật tự thiên thượng được thiết lập trên hành tinh này. Chúa chuẩn bị quả đất sáu ngày trước khi Ngài phóng thích vinh hiển của Ngài. Ngài chăm sóc đặc biệt khu vườn mà Ngài trồng cho chính Ngài. Sau đó Ngài tạo dựng con người – đối tượng của công trình sáng tạo.

Một khi chuẩn bị xong khu vườn, Chúa “nắn con người từ bụi đất.” Khoa học đã phát hiện mỗi nguyên tố hoá học trong cơ thể con người đều có trong đất. Chúa đã thiết kế một kỳ quan vừa có kỹ thuật vừa có khoa học.

Trật Tự Thiên Thượng Mang Lại Vinh Hiển

Chúa mất sáu ngày mang lại trật tự thiên thượng cho quả đất. Sau đó Ngài mang trật tự cho cơ thể con người. Một khi trật tự thiên thượng được tái thiết, Chúa “hà hơi thở sự sống vào lỗ mũi con người; và con người trở thành một linh hồn sống” (Sáng 2:7). Thật ra Chúa thở Thánh Linh Ngài vào trong thân thể con người.

Con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, và sau đó người nữ được dựng từ xương sườn của người nam. Cả hai đều trần truồng. “A-đam và vợ, cả hai đều trần truồng nhưng không thấy xấu hổ (c.25). Tất cả tạo vật khác đều được cho lớp áo che thân. Thú có lông, chim cũng có lông, cá thì có vảy. Nhưng con người không cần che gì bên ngoài cả, vì tác giả Thi Thiên cho chúng ta biết Chúa “đội cho người vinh hiển và tôn trọng” (Thi 8:5). Từ “đội” trong tiếng Hêbơrơ là atar. Nó có nghĩa là “che quanh hay vây quanh.” Thật ra, người nam và người nữ được mặc lấy vinh hiển của Chúa và không cần mặc áo quần bình thường.

Những phước lành mà cặp vợ chồng đầu tiên kinh nghiệm thật không sao mô tả hết. Khu vườn ra trái tự động mà không cần vun xới. Thú vật sống hài hoà với con người. Không có bệnh tật, đau yếu hay nghèo thiếu. Nhưng trên hết là cặp vợ chồng này có vinh dự đồng đi với Chúa trong vinh hiển của Ngài!

Sự Phán Xét

Trước hết Chúa mang lại trật tự thiên thượng bởi Lời Ngài và Thánh Linh Ngài. Sau đó vinh hiển Ngài được bày tỏ. Phước lành dư dật, nhưng sau đó là sự sa ngã. Chúa truyền bảo con người không được ăn trái cây biết điều thiện và điều ác, vì nếu không vâng lời thì họ sẽ chết về tâm linh ngay lập tức.

Nhằm nhạo báng Chúa, satan thách thức Lời Chúa qua việc bóp méo Lời của Ngài: “Chắc chắn không chết đâu! Vì Đức Chúa Trời biết ngày nào đó ông bà ăn trái ấy mắt ông bà sẽ mở ra, ông bà sẽ trở nên giống như Đức Chúa Trời, biết điều thiện, ác.” (Sáng 3:4-5). Sau đó Ađam, với ý thức hoàn toàn về hành động của mình, đã chọn không vâng lời Chúa. Sự bất kính của ông không gì khác hơn là một tội trọng. Khi chuyện này xảy ra, sự phán xét được thực thi ngay sau đó.

Lập tức Ađam và Êva biết họ đã trần truồng. Vinh hiển lìa khỏi, làm cho họ thấy loã lồ và bị phân cách khỏi Chúa trong tình trạng chết về tâm linh. Trong nổ lực một cách vô vọng để che đậy sự trần truồng của họ, họ đã lấy lá vả làm áo che thân do chính công việc của đôi tay họ. Chúa thấy việc họ đã làm, loan báo sự phán xét trên họ và lấy da thú mặt cho họ. Da lấy từ con chiên, hình bóng về Chiên Con của Đức Chúa Trời sẽ đến phục hồi con người trở lại mối quan hệ với Chúa. Sau đó cặp vợ chồng sa ngã này bị đuổi ra khỏi khu vườn nơi mà họ sẽ tìm thấy sự sống đời đời. Sự phán xét thật nặng nề – hậu quả của việc bất tuân và bất kính của Ađam đang khi sống trong vinh hiển của Chúa.

Đền Tạm Vinh Hiển Của Ngài

Hàng trăm năm sau đó, cuối cùng Chúa đã tìm được một người bạn là Áp-ram. Chúa lập giao ước lời hứa với Áp-ram và đổi tên ông thành Áp-ra-ham. Nhờ người này vâng lời Chúa nên lời hứa của Chúa một lần nữa được đảm bảo cho các thế hệ tương lai. Con cháu của Áp-ra- ham rốt cuộc sống tại Ai-cập, làm nô lệ hơn 400 năm. Trong lúc khốn khổ Chúa dấy lên một tiên tri và là người giải cứu là Môi-se.

Một khi con cháu Áp-ra-ham được giải phóng khỏi ách nô lệ, Chúa đem họ vào sa mạc. Chính tại sa mạc núi Si-nai mà Chúa phác thảo kế hoạch sẽ ngự với dân sự Ngài. Chúa bảo Môi-se : “Ta là Chúa, Đức Chúa Trời của họ, Đấng đem họ ra khỏi xứ Ai-cập để Ta ngự giữa họ” (Xuất 29:46).

Một lần nữa Chúa đồng đi với con người, vì điều này luôn luôn là ước ao của Ngài. Tuy nhiên, do tình trạng sa ngã của con người, Chúa không thể ngự trong họ. Nên Ngài chỉ bảo Môi-se: “Hãy bảo họ làm một đền thánh cho Ta để Ta ngự giữa họ” (Xuất 25:8). Đền thánh này được gọi là đền tạm.

Trước khi vinh hiển Chúa ngự đến, điều đầu tiên là phải thiết lập trật tự thiên thượng. Vì thế, Chúa cẩn thận chỉ bảo Môi-se cách để xây đền tạm. Ngài rất chi tiết về tất cả các hạng mục như ai xây và ai sẽ phục vụ trong đền thờ đó. Những lời chỉ dẫn chi tiết về vật liệu, số đo, đồ dùng và của lễ. Thật ra, những lời chỉ dẫn này chiếm hết các chương sách Xuất Ai-cập.

Đền thờ do tay con người làm ra phản ánh đền thờ ở thiên đàng (Hê 9:23-24). Chúa cảnh báo Môi-se: “Hãy đảm bảo là làm mọi sự theo kiểu mẫu Ta bày tỏ cho ngươi trên núi” (Hê 8:5; cũng xem Xuất 25:40). Điều vô cùng quan trọng là tất cả mọi sự phải làm chính xác như Chúa đã bày tỏ. Điều này sẽ tạo ra một trật tự thiên thượng cần thiết trước khi vinh hiển của Chúa bày tỏ trước mắt họ.

Của dâng được nhận từ hội chúng sẽ cung cấp mọi vật liệu họ cần – nào là vàng, bạc, đồng, vải màu xanh, tím và đỏ, vải gai mịn, da thú, vây cá, gỗ keo, dầu, hương liệu và đá quí.

Chúa bảo Môi-se: “Nầy, Ta đã chọn Bết-sa-lê-ên . . thuộc chi tộc Giu-đa, và Ta đã cho người này đầy dẫy thần của Đức Chúa Trời, với tài khéo, khả năng và hiểu biết trong ngành thủ công mỹ nghệ . . . Ngoài ra, Ta cũng chỉ định Ô-hô-li-áp, con trai A-hi-sa-mạc, thuộc chi tộc Đan để làm phụ tá cho Bết-sa-lê-ên. Ta cũng ban tài năng cho các thợ khéo để họ thực hiện mọi thứ Ta đã truyền dạy con.” (Xuất 31:1-3,6). Thánh Linh Chúa đến trên những con người này để mang lại trật tự thiên thượng. Thánh Linh Chúa hành động qua những con người này, một nổ lực phù hợp với Lời Chúa, một lần nữa đã mang lại trật tự thiên thượng.

Rồi thì tất cả những con người tài khéo này bắt đầu làm việc xây đền tạm. Họ chế tạo các bức màn, tấm che, và cây trụ. Họ gọt đẽo hòm giao ước, bàn để bánh trần thiết, chơn đèn vàng, bàn thờ dâng hương, bàn thờ dâng của lễ thiêu, chậu bằng đồng. Họ thiết kế áo cho thầy tế lễ và chế dầu để xức.

Dân Y-sơ-ra-ên làm tất cả các công việc đúng theo mạng lệnh CHÚA đã truyền cho Môi-se. Môi-se thanh tra và thấy họ làm đúng theo mạng lệnh CHÚA đã truyền nên ông chúc phước cho họ. Sau đó CHÚA phán dạy Môi-se: “Con dựng Đền Tạm và Trại Hội Kiến vào ngày mồng một tháng giêng.”

Xuất 39:42-40:2

Lời chỉ dẫn của Chúa rất cụ thể đến độ là đền tạm phải được dựng lên chính xác vào ngày đó.

Ngày đầu của tháng thứ nhất đã đến. Môise và các thợ thủ công dựng đền tạm lên. Sau đó chúng ta đọc:

Vậy, Môise đã hoàn tất mọi công việc.

Xuất 40:33

Mọi thứ bây giờ đã sẵn sàng. Trật tự thiên thượng được thiết lập bởi Lời Chúa và dân sự đầu phục sự hướng dẫn của Thánh Linh. Bây giờ hãy để ý điều gì xảy ra:

Một đám mây bao phủ Trại Hội Kiến và vinh quang của CHÚA đầy dẫy Đền Tạm. Môi-se không thể vào Trại Hội Kiến vì mây bao phủ Lều và vinh quang của CHÚA tràn ngập Đền Tạm.

Xuất 40:34-35

Một khi có được trật tự thiên thượng, Chúa bày tỏ vinh hiển của Ngài. Phần lớn chúng ta trong hội thánh thiếu hiểu biết về vinh hiển của Chúa. Tôi đã dự nhiều buổi nhóm mà các mục sư hay tuyên bố, hoặc là do thiếu hiểu biết hoặc là do thổi phồng: “Vinh hiển của Chúa đang ở đây.” Trước khi chúng ta nói thêm, chúng ta hãy nói đến vinh hiển của Chúa là gì.

Vinh Hiển Của Chúa

Trước tiên vinh hiển của Chúa không phải là đám mây. Có người sẽ hỏi: “Vậy thì tại sao mây được nói đến mỗi lần vinh hiển của Chúa bày tỏ trong Kinh Thánh?” Lý do: Chúa ẩn mình trong đám mây. Ngài quá oai nghi con người không thể ngắm nhìn nổi. Nếu mây không che bớt dung nhan của Ngài thì tất cả những gì xung quanh Ngài sẽ bị thiêu đốt và chết ngay lập tức.

Lúc ấy Môi-se thưa: “Xin cho con được nhìn xem vinh quang Chúa.” CHÚA đáp: “. . . Nhưng con không thể thấy diện mạo Ta, vì không ai thấy mặt Ta mà còn sống.”

Xuất 33:18,20

Xác thịt người phàm không thể đứng nổi trong sự hiện diện thánh của Chúa và trong vinh hiển của Ngài. Phaolô nói:

Chúa Cứu Thế sẽ xuất hiện đúng thời điểm Đức Chúa Trời ấn định. Đức Chúa Trời là Chúa tể duy nhất, là Đấng ban mọi phước lành, là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa. Chỉ mình Ngài sống mãi, không hề chết. Ngài ngự trong ánh sáng không ai có thể đến gần được. Chưa người nào từng thấy Ngài, cũng không ai có thể thấy Ngài được. Ngài được tôn kính mãi mãi, và uy quyền Ngài còn đến muôn đời. A-men.

1Timôthê 6:15-16

Hêbơrơ 12:29 cho chúng ta biết rằng Chúa là một đám lửa thiêu đốt. Khi bạn nghĩ đến điều này thì đừng cho đó là đám lửa củi. Đám lửa thiêu đốt này không có trong bếp lò của bạn. “Chúa là ánh sáng và trong Ngài không có tối tăm nào.” (1Gi 1:5). Thứ lửa cháy trong bếp lò của bạn không mang lại ánh sáng hoàn hảo. Nó có bóng tối trong đó. Ta có thể đến gần thứ lửa này được và ta cũng có thể xem lửa cháy được.

Nào chúng ta hãy tiếp tục xem ánh sáng chói loà hơn. Hãy xem tia la-de. Đây là thứ ánh sáng rất hội tụ và chói sáng, nhưng nó cũng không phải là ánh sáng hoàn hảo. Dù nó sáng chói và đầy sức mạnh thật nhưng vẫn có bóng tối trong tia sáng la-de.

Ta hãy xem mặt trời. Mặt trời quá lớn và người ta không thể đến gần nó. Nó rất chói sáng và đầy sức mạnh, nhưng nó vẫn có bóng tối trong tia sáng của nó.

Phaolô nói với Timôthê rằng vinh hiển của Ngài là “ánh sáng không ai đến gần được. Không ai có thể thấy hay ngắm nhìn được.”

Phaolô viết ý niệm này cách dễ dàng vì chính ông đã kinh nghiệm một chút ánh sáng đó trên đường đến thành Đa-mách. Ông kể lại kinh nghiệm này với vua Ạt-ríp-ba:

Trên đường đi, vào lúc giữa trưa, muôn tâu, tôi bỗng thấy ánh sáng từ trời, sáng hơn cả mặt trời, ánh sáng chiếu xuống chung quanh tôi và các bạn đồng hành.

Công Vụ 26:13

Phaolô nói ánh sáng này quá chói sáng hơn là ánh sáng mặt trời lúc trưa! Hãy để chút thì giờ nhìn xem ánh sáng mặt trời lúc trưa. Thật khó nhìn mặt trời trừ khi có đám mây che. Chúa trong vinh hiển của Ngài trỗi vượt hơn ánh sáng chói loà này.

Phaolô không thấy mặt Chúa; ông chỉ thấy ánh sáng phát ra từ Ngài, vì ông phải hỏi: “Lạy Chúa, Chúa là ai?” Ông không thể thấy hình thể của Ngài hay vẻ mặt của Ngài, ông bị mù mắt bởi ánh sáng phát ra từ vinh hiển Ngài, quá chói sáng hơn ánh sáng mặt trời ở Trung Đông. Có lẽ điều này giải thích lý do cả tiên tri Giôên lẫn Êsai đều nói trong những ngày sau cùng vinh hiển của Chúa được bày tỏ trong mặt trời sẽ trở nên tối tăm. “Kìa, ngày của CHÚA đang đến . . . Vì các ngôi sao và chùm sao trên trời sẽ không chiếu sáng, mặt trời trở nên tối tăm khi mọc,mặt trăng sẽ không chiếu sáng nữa.” (Êsai 13:9-10)

Vinh hiển của Chúa sẽ trỗi vượt hơn mọi ánh sáng khác. Ngài là ánh sáng hoàn hảo và thiêu đốt sạch sẽ. “Người ta sẽ chui vào hang đá, vào hầm dưới đất để tránh đối diện với sự kinh hoàng từ CHÚA và vinh quang của sự uy nghiêm Ngài” (Êsai 2:19).

Vinh hiển của Chúa thật đầy oai nghi đến độ khi Ngài ngự đến trước mắt dân Y-sơ-ra-ên giữa đám mây tối tại núi Si-nai, dân sự kêu lên kinh khiếp và phải lùi lại. Môise mô tả cảnh này:

Đó là các điều răn CHÚA đã lớn tiếng truyền dạy toàn thể cộng đồng Y-sơ-ra-ên, ở trên núi từ trong đám lửa,mây đen kịt và bóng tối dày đặc. . . . Khi anh chị em nghe tiếng nói từ trong bóng tối dày đặc phát ra và thấy núi cháy phừng phừng, các cấp lãnh đạo và các trưởng lão thuộc các chi tộc đến với tôi và nói: “CHÚA, Đức Chúa Trời chúng ta đã bày tỏ vinh quang và uy nghi Ngài và chúng tôi có nghe tiếng phán của Ngài từ trong đám lửa. Hôm nay chúng tôi ý thức được rằng người ta có thể còn sống mặc dù được Đức Chúa Trời phán với mình. Nhưng tại sao chúng tôi lại phải chịu nguy cơ mất mạng? Đám lửa hừng này sẽ thiêu huỷ chúng tôi, và nếu chúng tôi cứ tiếp tục nghe tiếng của CHÚA, Đức Chúa Trời chúng tôi nữa, chúng tôi sẽ chết.”

Phục Truyền 5:22-27

Dù họ thấy Ngài ẩn mình trong đám mây dày đặc nhưng đám mây cũng không giấu được ánh sáng chói loà của vinh hiển Ngài.

Tất Cả Những Gì Tạo Nên Bản Thể Của Chúa

Bây giờ chúng ta hãy thử hỏi, Vinh hiển của Chúa là gì? Để trả lời, chúng ta hãy trở lại lời cầu xin của Môise trên núi của Chúa. Môise hỏi:

Xin hãy bày tỏ cho con vinh hiển của Ngài.

Xuất 33:18

Từ “vinh hiển” Môise dùng trong trường hợp này trong tiếng Hêbơrơ là kabowd. Từ điển Strong’s Bible Dictionary định nghĩa vinh hiển là “sức nặng của vật gì đó, nhưng chủ yếu dùng theo nghĩa tốt.” Định nghĩa này cũng nói về vinh quang, sự dư dật và tôn trọng. Môise xin, “Hãy tỏ chính Ngài cho con trong tất cả vinh quang của Ngài.” Hãy xem kỹ sự đáp lời của Chúa:

CHÚA đáp: “Ta sẽ phát hiện đức nhân ái Ta trước mặt con, Ta sẽ tuyên bố danh Ta, là CHÚA trước mặt con.”

Xuất 33:18

Môise xin tất cả vinh hiển của Ngài và Kinh Thánh lại nói đến Chúa là “tất cả nhân đức của Ta . . .” Từ “nhân đức” trong tiếng Hêbơrơ là tuwb. Nó có nghĩa là “tốt đẹp theo nghĩa rộng.” Nói cách khác, Ngài không giữ lại điều gì cả.

Do đó Chúa phán: “Ta sẽ loan báo danh của Chúa trước mắt ngươi.” Trước khi một vị vua ở dưới đất này bước lên ngai, người ta sẽ loan báo tên của vua. Sau đó ông bước vào vinh quang của ông. Sự vĩ đại của vua được bày tỏ, và tại cung điện của ông không ai lầm lẫn vua là ai. Nếu vị vua này đi trên đường phố của đất nước ông, ăn mặc bình thường, không đoàn tuỳ tùng, những người xung quanh vua có thể không nhận ra tông tích thật sự của ông. Thật ra đây chính là điều Chúa đã làm cho Môise. Ngài phán: “Ta sẽ tuyên bố danh Ta và mọi vinh quang Ta sẽ đi ngang qua con.”

Do đó chúng ta thấy rằng vinh hiển của Chúa là tất cả những gì làm nên bản thể của Chúa. Tất cả bản tính, uy quyền, quyền năng, khôn ngoan – sức nặng vô song và sự oai nghi của Chúa – đều chứa đựng trong vinh hiển của Ngài. Không gì che giấu hay giữ lại!

Vinh hiển Ngài được bày tỏ trong Chúa Giê-su Chúng ta được biết vinh hiển của Chúa được bày tỏ nơi mặt của Chúa Giê-su (2Cô 4:6). Nhiều người tuyên bố đã thấy khải tượng về Chúa Giê-su và xem thấy vẻ mặt của Ngài. Chuyện này có thể xảy ra. Phaolô mô tả điều này, “Vì hiện nay chúng ta chỉ thấy mập mờ qua gương, đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy tận mặt.” (1Cô 13:12). Vinh hiển của Ngài bị che bởi tấm gương mờ, vì không ai có thể nhìn thấy vinh hiển được tỏ bày đầy trọn của Ngài mà còn sống.

Có người sẽ hỏi, “Nhưng các môn đồ đã nhìn thấy mặt của Chúa Giê-su khi Ngài sống lại từ kẻ chết!” Điều này cũng đúng. Lý do điều này đúng là vì Ngài không bày tỏ vinh hiển của Ngài cách công khai. Có người đã thấy Chúa, ngay cả trong Cựu ước, nhưng Ngài không được bày tỏ trong vinh hiển của Ngài. Chúa hiện ra cùng Áp-ra- ham tại cây dẻ bộp ở Mam-re (Sáng 18:1-2). Giôsuê nhìn mặt Chúa trước khi xâm chiếm thành Giêricô (Giô 5:13- 14). Chúa phán với ông, “Hãy cởi giày ngươi ra, vì nơi ngươi đứng là đất thánh” (c.5).

Điều này cũng đúng sau sự phục sinh. Các môn đồ ăn sáng với Chúa Giê-su tại biển Ti-bê-ri-a (Giăng 21:9-10). Hai môn đồ cùng đi với Chúa trên đường đến làng Êm- ma-út, “nhưng họ bị che mắt” (Lu 24:16). Tất cả những người này đều nhìn thấy mặt của Ngài vì Ngài không bày tỏ vinh hiển Ngài cách công khai.

Ngược lại, sứ đồ Giăng thấy Chúa trong Thánh Linh và đã gặp gỡ Chúa hoàn toàn khác với lúc ăn sáng với Ngài ở biển, vì Giăng thấy Ngài trong vinh hiển của Ngài:

Vào ngày của Chúa, tôi được Thánh Linh cảm hoá, nghe sau lưng có tiếng lớn như tiếng kèn . . . Tôi xoay người lại xem tiếng nói đã bảo tôi. Vừa xoay lại, tôi thấy bảy giá đèn bằng vàng, và giữa các giá đèn có ai giống như Con Người, mặc áo dài chấm chân, thắt đai vàng ngang ngực, đầu và tóc Ngài trắng như lông chiên, trắng tựa tuyết, mắt Ngài sáng rực như ngọn lửa, hai chân Ngài bóng loáng như đồng luyện trong lò và tiếng Ngài như tiếng nhiều dòng thác. Tay phải Ngài cầm bảy ngôi sao, miệng Ngài hé lộ một thanh gươm hai lưỡi sắc bén. Mặt Ngài như mặt trời chiếu sáng rực rỡ. Khi thấy Ngài, tôi ngã nhào xuống chân Ngài như đã chết.

Khải Huyền 1:10,12-17

Để ý là vẻ mặt của Ngài giống như mặt trời chiếu sáng rực. Vậy thì làm sao Giăng thấy được Ngài? Lý do:

ông ở trong Thánh Linh, như Êsai ở trong Thánh Linh khi ông thấy ngai Chúa và sê-ra-phim ở trên ngai cùng Đấng ngồi trên ngai (Êsai 6:1-4). Môise không thể nhìn thấy mặt Chúa, vì Môise đang ở trong thân thể vật lý.

Ngài Rút Vinh Hiển Lại Để Thử Chúng Ta

Vinh hiển của Chúa là tất cả những gì làm nên Ngài. Điều này quá sức hiểu của chúng ta, vì ngay cả các thiên sứ đầy quyền năng cũng liên tục kêu lên, “Thánh thay, thánh thay, thánh thay . . .” trong sự kinh ngạc và tôn kính.

Bốn sinh vật sống trước ngai cũng kêu lên, “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Chúa Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng đã có, hiện có và sẽ đến!” (Khải 4:8).

Mỗi khi bốn sinh vật tôn vinh, ca ngợi và cảm tạ Đấng ngự trên ngai là Đấng sống đời đời vô cùng, thì hai mươi bốn trưởng lão quỳ xuống trước Đấng ngự trên ngai và thờ lạy Đấng sống đời đời vô cùng. Họ đặt mão mình trước Ngai mà tung hô: “Lạy Chúa là Đức Chúa Trời của chúng con, Chúa xứng đáng nhận vinh quang, danh dự và quyền năng, vì Chúa đã sáng tạo vạn vật, do ý chỉ của Chúa mà vạn vật hiện hữu và được sáng tạo.”

Khải Huyền 4:9-10

Ngài xứng đáng được vinh hiển mà bất kỳ sinh vật sống nào dâng cho Ngài suốt cả cõi đời đời cũng không đủ! Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta phục vụ Đấng tạo dựng vũ trụ và quả đất này. Ngài có từ đời đời sẽ còn đến đời đời. Không thần nào giống như Ngài. Trong sự khôn ngoan của Ngài, Ngài chủ ý rút lại khải thị về vinh hiển Ngài để xem thử chúng ta có phục vụ Ngài với tình yêu thương và kính sợ Ngài hay không hoặc xem thử chúng ta có để ý đến vinh quang chóng tàn ở dưới đất khi so với Ngài.