Chương Năm: TRẬT TỰ, VINH HIỂN, PHÁN XÉT: PHẦN 2

Kính Sợ Chúa

Đăng vào: 5 tháng trước

.

NĂM

vintage-symbol

TRẬT TỰ, VINH HIỂN, PHÁN XÉT: PHẦN 2

Đến nỗi các thầy tế lễ không thể đứng hành lễ vì mây toả, vì vinh quang của CHÚA toả đầy đền thờ Đức Chúa Trời.

2Sử Ký 5:14

Một khi đền tạm được dựng lên, trật tự thiên thượng được thiết lập. Ngay sau đó mọi thứ đều đi vào vị trí của nó:

Một đám mây bao phủ Trại Hội Kiến và vinh quang của CHÚA đầy dẫy Đền Tạm. Môi-se không thể vào Trại Hội Kiến vì mây bao phủ Lều và vinh quang của CHÚA tràn ngập Đền Tạm.

Xuất 40:34-35

Sau khi bàn đến vinh hiển của Chúa, chúng ta có thể hiểu tại sao người bạn của Chúa là Môise không thể bước vào. Đền tạm đầy dẫy vinh hiển Chúa !

Việc vinh hiển của Chúa bày tỏ và ngự giữa dân Y-sơ-ra-ên đã mang lại phước hạnh lớn lao. Trong sự hiện diện vinh hiển của Ngài có sự cung ứng, sự dẫn dắt, sự chữa lành và sự bảo vệ. Không một kẻ thù nào đứng nổi trước dân Y-sơ-ra-ên. Khải thị về Lời Chúa thật phong phú. Một ích lợi khác nữa là đám mây vinh hiển của Ngài phủ bóng che dân Y-sơ-ra-ên khỏi cái nắng gắt của sa mạc vào ban ngày và mang lại sự ấm cúng và ánh sáng cho họ vào ban đêm. Họ không thiếu bất cứ điều gì.

Sự Phán Xét

Chúa chỉ dạy Môise trước đó: “Trong dân Y-sơ-ra-ên, con hãy chọn A-rôn, anh con, cùng với các con trai người là Na-đáp, A-bi-hu, Ê-lê-a-sa và Y-tha-ma, để họ phục vụ Ta với chức vụ thầy tế lễ” (Xuất 28:1).

Những người này được biệt riêng và được huấn luyện để phục vụ trước mặt Chúa và đứng cầu thay cho dân sự. Bổn phận và giới hạn của họ trong sự thờ phượng được tóm tắt trong những lời dạy rất chi tiết mà Chúa truyền cho Môise. Sự huấn luyện là một phần của trật tự thiên thượng. Theo sau sự huấn luyện và chỉ dạy là lễ dâng mình của các thầy tế lễ này. Khi mọi sự được sắp xếp đúng chỗ rồi thì chức vụ của họ mới bắt đầu.

Hãy đọc kỹ những gì hai thầy tế lễ này đã làm sau khi vinh hiển của Chúa bày tỏ trong đền tạm:

Hai con trai của A-rôn là Na-đáp và A-bi-hu lấy lư hương của họ, bỏ lửa vào rồi bỏ thêm hương và dâng một thứ lửa lạ trước mặt CHÚA, trái với mạng lệnh của Ngài.

Lêviký 10:1

Để ý Na-đáp và A-bi-hu dâng lửa lạ trước mặt Chúa. Định nghĩa chữ “lạ” trong từ điển Webster’s Dictionary là “tỏ ra không tôn trọng hay khinh thường những vật thánh; bất kính.” Nó có nghĩa rằng cho những gì Chúa gọi là thánh hay thiêng liêng là tục. Hai người này cầm lư hương dùng để thờ phượng Chúa và đổ đầy lửa và hương theo ý họ, chứ không dâng của lễ như Chúa mô tả. Họ bất cẩn với những gì Chúa gọi là thánh và bày tỏ thiếu lòng kính sợ. Họ mang sự bất kính vào trong sự hiện diện của Chúa, dâng của lễ không được chấp nhận. Họ cho điều thánh thiện là phàm tục. Hãy xem hậu quả là chuyện gì xảy ra:

Lửa từ sự hiện diện của CHÚA phát ra thiêu đốt họ và họ chết trước mặt CHÚA.

Lêviký 10:2

Hai người này lập tức bị phán xét vì không kính sợ Chúa. Họ gánh chịu cái chết ngay lập tức. Sự bất kính của họ xảy ra sau khi nhận khải thị về vinh hiển Chúa. Dù họ là thầy tế lễ, họ cũng không miễn khỏi việc phải tôn trọng Ngài. Họ phạm tội đó là đến gần Đức Chúa Trời thánh khiết như thể Ngài là phàm tục. Họ “quen quá hoá lờn” sự hiện diện của Ngài! Bây giờ hãy nghe những lời của Môise theo sau cái chết do bị phán xét này.

Môi-se nói với A-rôn: Việc này cho thấy ý nhĩa của lời CHÚA khi Ngài phán dạy rằng: Ta sẽ tỏ mình thánh khiết giữa vòng những người đến gần Ta: Ta sẽ được tôn vinh Trước mặt mọi người. A-rôn nín lặng.

Lêviký 10:3

Chúa đã nói rõ là sự bất kính không thể tồn tại trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời thánh khiết. Đức Chúa Trời không để bị khinh dể đâu. Ngày nay cũng không có gì khác biệt; Ngài cũng là Đức Chúa Trời thánh khiết. Chúng ta không thể mong được cho vào sự hiện diện của Ngài với thái độ bất kính.

Na-đáp và A-bi-hu là cháu của Môise. Nhưng Môise biết tốt hơn hết là không nên thắc mắc về sự phán xét của Chúa, vì ông biết Chúa là công chính. Thật ra, Môise cảnh cáo Arôn và hai người con còn sống của ông là đừng than khóc e rằng họ cũng chết luôn chăng. Làm thế sẽ không tôn trọng Chúa nên xác của Na-đáp và A-bi-hu được mang ra ngoài trại và chôn cất.

Một lần nữa, chúng ta thấy kiểu mẫu – trật tự thiên thượng, vinh hiển tỏ bày của Chúa, sau đó là sự phán xét vì đã bất kính.

Đền Thờ Mới

Gần 500 năm sau đó, con của vua Đavít là Salômôn, bắt đầu xây một đền thờ cho Chúa ngự. Đây là một toà nhà nguy nga. Kho vật liệu, phần lớn được Đa vít gom góp trong đời trị vị của ông, thật nhiều vô số. Trước khi chết, Đa vít chỉ bảo Salômôn:

Này, ta đã khổ nhọc cung cấp cho đền thờ CHÚA ba ngàn bốn trăm năm chục tấn vàng, ba mươi bốn ngàn năm trăm tấn bạc, đồng và sắt thì cân đo không hết; ta cũng cung cấp vô số gỗ và đá, con có thể thêm vào. Con cũng có nhiều công nhân, thợ đá, thợ nề, thợ mộc và những người thông thạo đủ mọi ngành nghề; những người thợ vàng, thợ bạc, thợ đồng, thợ sắt thì vô số. Hãy đứng lên và làm việc, CHÚA sẽ ở cùng con.

1Sử Ký 22:14-16

Salômôn cũng đóng góp thêm vào các vật liệu đã có sẵn và bắt đầu xây đền thờ vào năm thứ tư đời ông cai trị. Thiết kế đền thờ, vật dụng trang trí và rất nhiều chi tiết khác thật hoành tráng. Với lực lượng lao động 10.000 người, việc thu gom vật liệu và xây dựng mất hết 7 năm. Chúng ta đọc:

Khi mọi công trình vua Sa-lô-môn làm cho đền thờ CHÚA đã hoàn tất.

2Sử Ký 5:1

Salômôn nhóm hiệp dân Y-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem nơi đền thờ toạ lạc. “Các thầy tế lễ đem rương giao ước của CHÚA vào nơi dành sẵn cho rương trong nội điện của đền thờ” (2 Sử 5:7). Tất cả thầy tế lễ đều dọn mình thánh sạch. Không có sự bất kính trong sự hiện diện của Chúa. Họ nhớ lại số phận của người bà con của họ là Na-đáp và A-bi-hu.

Sau đó những người Lê vi là các ca sĩ và nhạc sĩ đứng phía đông bàn thờ, mặc áo trắng và cùng với 120 thầy tế lễ thổi kèn.

Một lần nữa, với sự cẩn trọng cao độ và tốn nhiều thời gian, công tác chuẩn bị chu đáo đã mang lại trật tự thiên thượng. Và điều gì đến sau khi có trật tự thiên thượng? Chúng ta hãy đọc:

Những người thổi kèn và ca sĩ cùng hoà ca một điệu; họ ca ngợi và cảm tạ CHÚA. Họ cất tiếng hát hoà với tiếng kèn, tiếng chập choả và những nhạc cụ khác cùng ca ngợi CHÚA rằng: “Ngài là thiện, tình yêu thương nhân từ Ngài còn đến đời đời.” Bấy giờ đền thờ của CHÚA đầy mây, đến nỗi các thầy tế lễ không thể đứng hành lễ vì mây toả, vì vinh quang của CHÚA toả đầy đền thờ Đức Chúa Trời.

2Sử Ký 5:13-14

Khi trật tự thiên thượng được thiết lập, vinh hiển của Chúa bày tỏ. Một lần nữa vinh hiển thật oai nghi đến nỗi các thầy tế lễ không thể hầu việc, vì vinh hiển của Chúa đầy dẫy đền thờ.

Sự Phán Xét

Theo sau khải thị về vinh hiển Chúa, chúng ta lại thấy sự bất kính đối với sự hiện diện và Lời của Ngài. Dù dân Y-sơ-ra-ên biết ý Chúa, lòng họ đâm ra bất cẩn đối với những gì Chúa gọi là thánh khiết và thiêng liêng.

Hơn thế nữa, những thầy tế lễ lãnh đạo và dân chúng ngày càng trở nên bất trung, làm mọi điều ghê tởm như các nước chung quanh; họ làm ô uế đền thờ CHÚA,là đền thờ Ngài đã để riêng ra thánh tại Giê-ru-sa- lem. CHÚA, Đức Chúa Trời của tổ phụ họ đã nhiều lần sai các sứ giả Ngài đến với chúng vì Ngài thương xót dân Ngài và nơi Ngài ngự. Nhưng chúng nhạo báng các sứ giả của Đức Chúa Trời, khinh thường lời Chúa, chế giễu các tiên tri của Ngài, vì thế cơn thịnh nộ của CHÚA nổi lên trừng phạt dân chúng, không còn phương cứu chữa.

2Sử Ký 36:14-16

Họ khinh thường sứ giả của Ngài và bỏ qua lời cảnh báo. Dân chúng chế nhạo các tiên tri của Ngài. Tôi đã thấy nhiều bằng cớ tương tự của việc thiếu đi lòng kính sợ Chúa ngày nay.

Lần nọ tôi giảng cho một hội thánh lớn, giảng sứ điệp về sự vâng lời Chúa và quyền cai trị của Chúa. Vợ của một trong những nhân sự của chúng tôi bồng đứa con bỏ ra khỏi buổi nhóm và đi đến quầy tiếp khách nơi có màn hình chiếu cảnh buổi nhóm. Cô nghe hai phụ nữ của hội thánh đó bàn tán về bài giảng: “Ông đó nghĩ ông là ai vậy? Hãy tắt ti vi đi!” Họ chế nhạo. Sự kính sợ Chúa ở đâu?

Dân Y-sơ-ra-ên và dân Giu-đa đã gánh chịu sự phán xét nhiều lần chỉ vì thiếu đi lòng kính sợ Chúa và thiếu tôn trọng sự hiện diện thánh khiết của Ngài và Lời của Ngài. Sự phán xét đạt đến đỉnh điểm khi con cháu của Áp-ra-ham bị bắt đi làm phu tù tại Ba-by-lôn. Hãy đọc câu chuyện này:

Nhưng chúng nhạo báng các sứ giả của Đức Chúa Trời, khinh thường lời Chúa, chế giễu các tiên tri của Ngài, vì thế cơn thịnh nộ của CHÚA nổi lên trừng phạt dân chúng, không còn phương cứu chữa. CHÚA cho vua Ba-by-lôn đến trừng phạt chúng; vua này dùng gươm giết những thanh niên trong nơi thánh; người không tha mạng thanh niên, thiếu nữ, người già, kẻ yếu ớt; Ngài trao tất cả chúng nó vào tay vua. Vua lấy tất cả vật dụng lớn nhỏ trong đền thờ Đức Chúa Trời, các kho báu của đền thờ CHÚA, các kho báu của vua và của các quan, đem hết về Ba-by-lôn. Quân Ba-by-lôn đốt đền thờ Đức Chúa Trời; phá huỷ tường thành Giê-ru-sa- lem; thiêu đốt mọi cung điện và báu vật trong thành.

2 Sử ký 36:16-19

Tôi muốn bạn suy nghĩ kỹ về những gì tôi sắp nói đây. Chúng ta đã đọc lại ba câu chuyện – vườn Êđen, đền tạm và đền thờ. Trong mỗi trường hợp sự phán xét thật nghiêm trọng. Mỗi trường hợp đều dẫn tới cái chết và huỷ diệt.

Điều đáng phải suy nghĩ đó là sự kiện chúng ta không nói đến những người chưa bao giờ kinh nghiệm sự vinh hiển hay sự hiện diện của Chúa. Những sự phán xét này chống lại những người không chỉ đã nghe Lời Ngài mà còn đã từng bước đi trong sự hiện diện của Ngài và kinh nghiệm sự vinh hiển của Ngài!

Bây giờ chúng ta đã lập một nền tảng từ Cựu ước, chúng ta hãy đọc tiếp trong thời Tân ước. Một lần nữa chúng ta sẽ phát hiện những chân lý gây kinh ngạc và những bài học vô cùng phấn khởi.