Chương Mười Ba: LÀM BẠN VỚI CHÚA

Kính Sợ Chúa

Đăng vào: 5 tháng trước

.

MƯỜI BAvintage-symbol

LÀM BẠN VỚI CHÚA

Bí quyết của CHÚA dành cho người kính sợ Ngài. Ngài tỏ cho họ biết giao ước Ngài.

Thi Thiên 25:14

Bây giờ chúng ta sẽ bàn đến điều mà tôi cho là khía cạnh hấp dẫn nhất trong đời sống kính sợ Chúa.

Đây là ước ao của mọi tấm lòng con cái Chúa thật. Đây chính là điều mang lại sự mãn nguyện lâu dài. Đây chính là động cơ của Chúa trong sự sáng tạo, là mục đích của Ngài trong sự cứu chuộc, là trọng tâm của tấm lòng Ngài và là kho báu được giữ cho những ai kính sợ Ngài. Để giới thiệu, chúng ta hãy đọc đến sự khôn ngoan của Salômôn:

Kính sợ Chúa là khởi đầu của tri thức.

Châm ngôn 1:7

Tri thức về điều gì? Có phải Salômôn nói đến tri thức khoa học không? Không, nhiều nhà khoa học đề cao con người mà không kính sợ Chúa. Có phải câu này nói đến sự thành tựu trong xã hội hay trong chính trường không? Không, vì cách của thế gian là ngu dại đối với Đức Chúa Trời. Có phải tri thức Kinh Thánh không? Không, vì dù những người Pharisi chuyên gia về luật pháp nhưng họ vẫn không làm đẹp lòng Chúa. Câu trả lời được tìm thấy trong Châm Ngôn 2:5: Kính sợ Chúa, rồi bạn sẽ có được tri thức về Chúa. Hãy để tôi nói cách đơn giản cho bạn hiểu: bạn sẽ biết Chúa cách thân mật. Tác giả Thi Thiên xác nhận điều này khi ông nói:

Bí mật của Chúa ở cùng những kẻ kính sợ Ngài.

Thi thiên 25:14

Sự kính sợ Chúa là khởi đầu hay khởi điểm của mối quan hệ thân mật với Chúa. Sự thân mật là mối quan hệ hai chiều. Chẳng hạn, tôi biết về tổng thống Mỹ. Tôi có thể kể ra thông tin về những thành tựu và quan điểm chính trị của ông, nhưng tôi không thật sự biết ông. Tôi thiếu đi mối quan hệ riêng tư với ông. Những ai thuộc về gia đình tổng thống và cộng sự gần gũi của ông sẽ biết rõ ông. Nếu chúng tôi có mặt chung một phòng thì chúng tôi sẽ nhận ra tổng thống ngay, nhưng ông không biết tôi. Dù tôi là công dân của nước Mỹ và biết về ông, nhưng tôi không thể nói chuyện với ông như một người bạn. Việc này không đúng và thiếu tôn trọng. Tôi vẫn phải chịu sự phán quyết của ông và thẩm quyền như là một tổng thống và ở dưới sự bảo vệ của ông vì ông là một vị tổng tư lệnh, nhưng thẩm quyền của ông không tự động trao cho tôi cái quyền được gần gũi ông.

Một ví dụ khác rất quen thuộc với phần lớn chúng ta là các vận động viên và các nhân vật nổi tiếng của Hollywood trong thời đại chúng ta. Nhà nhà tại Mỹ đều biết đến tên tuổi của họ. Truyền thông đã phơi bày đời tư của họ qua các cuộc phỏng vấn và các mục báo. Tôi nghe các người hâm mộ nói chuyện như thể là các nhân vật nổi tiếng là bạn thân của họ. Tôi đã chứng kiến nhiều người xúc động khi biết các nhân vật nổi tiếng mà họ ưa thích gặp vấn đề về hôn nhân và tôi quan sát họ buồn như thể họ là người thân trong gia đình khi các “anh hùng” trên màn ảnh hay trong thể thao chết.

Nếu các người hâm mộ gặp các nhân vật nổi tiếng này trên đường phố, họ không chỉ nên đón nhận cái chào. Nếu họ dạn dĩ đủ để dừng chân các nhân vật nổi tiếng này thì họ sẽ thấy được con người thật rất khác xa với hình ảnh mà các nhân vật này xây dựng. Mối quan hệ giữa các nhân vật nổi tiếng và các người hâm mộ chỉ là mối quan hệ một chiều.

Tôi rất buồn vì cách hành xử như thế trong hội thánh. Tôi nghe nhiều tín đồ nói về Chúa như thể là Ngài chỉ là người bạn, là ai đó mà họ muốn đi chơi cùng. Họ nói về việc Chúa tỏ cho họ điều này điều kia cách mơ hồ. Họ nói họ rất muốn sự hiện diện của Ngài và đói khát ơn xức dầu của Ngài. Thường những người non trẻ không vững vàng trong mối quan hệ với Chúa sẽ cảm thấy khó chịu và hụt hẫng trong đời sống thuộc linh khi gần gũi những người gọi là “bạn thân” của Chúa.

Chỉ vài phút thôi bạn sẽ nghe những con người này rất mâu thuẫn với chính họ. Họ sẽ nói điều gì đó mà cho thấy rõ mối quan hệ của họ với Chúa chẳng khác gì giữa một người hâm mộ với nhân vật nổi tiếng mà họ thích. Họ chứng tỏ cho thấy mối quan hệ đó không có thật.

Chúa phán rằng chúng ta không thể biết Ngài cách thân mật cho đến khi chúng ta kính sợ Ngài. Nói cách khác, một mối quan hệ thân mật và một tình bạn gần gũi với Chúa sẽ không bắt đầu cho đến khi sự kính sợ Chúa châm rễ sâu trong lòng chúng ta.

Chúng ta có thể đi nhóm, tiến lên phía trước để đáp lại lời mời của mục sư, đọc Kinh Thánh mỗi ngày và dự tất cả các buổi nhóm cầu nguyện. Chúng ta có thể giảng những bài giảng cảm động, siêng năng hầu việc Chúa nhiều năm, và đón nhận lời khen tặng và ngưỡng mộ từ bạn bè. Nhưng nếu chúng ta không kính sợ Chúa, chúng ta chỉ leo lên những nấc thang tôn giáo. Sự khác biệt giữa những lễ nghi tôn giáo và việc lây nhiễm triệu chứng chuộng người nổi tiếng là gì.

Tôi biết có những người kể cho tôi nghe nhiều về đời tư của một người nổi tiếng nào đó hơn là họ nói về chính đời tư của họ. Họ biết đủ thứ, biết từng sự kiện và biết rất chi tiết. Biết như thế về ai đó cũng không đảm bảo là họ gần gũi với nhân vật đó. Những người hâm mộ nhân vật nổi tiếng giống như những người quan sát đời sống người ta qua cánh cửa kiếng. Họ thấy cái này, biết chỗ kia và hiểu khi nào, nhưng họ không biết tại sao.

Bạn của Chúa

Trong Kinh Thánh Chúa gọi hai người là bạn của Chúa. Nói vậy không có nghĩa là không có ai khác nữa. Ý ở đây là Chúa đặc biệt nhìn nhận hai người này, chủ ý ghi lại tình bạn hữu của họ. Tôi tin Ngài làm việc này để chúng ta được ích lợi và có được cái nhìn về những gì Chúa tìm kiếm nơi người bạn.

Người thứ nhất là Áp-ra-ham. Áp-ra-ham được gọi là bạn của Chúa (2Sử 20:7). Khi Áp-ra-ham 70 tuổi, Chúa đến với Áp-ra-ham và lập giao ước với ông. Trong điều kiện của giao ước này, Chúa hứa ban cho Áp-ra-ham điều ước ao của lòng ông: một đứa con trai. Trước khi sinh đứa con này, Áp-ra-ham mắc một số lỗi lầm – một số lỗi rất trầm trọng.

Nhưng dù trải qua tất cả những điều này , Áp-ra-ham vẫn tin cậy và vâng lời Chúa. Ông tin chắc rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã hứa.

Khi Áp-ra-ham 99 tuổi, vợ ông mang thai và đứa con trai của lời hứa là Y-sác ra đời! Bạn có tưởng tượng ra niềm vui Áp-ra-ham và Sa-ra kinh nghiệm sau nhiều năm chờ đợi không? Bạn có tưởng tượng ra tình cảm họ dành cho đứa con của lời hứa này không?

Thử Thách

Thời gian trôi qua và thế là mối quan hệ này phát triển khi cha và con trở nên mật thiết hơn. Cuộc sống của người con có ý nghĩa đối với Áp-ra-ham hơn là chính cuộc sống của ông. Của cải của ông cũng không nghĩa lý gì so với niềm vui có được đứa con này. Đối với Áp-ra-ham không có gì ý nghĩa hơn là người con yêu dấu mà Chúa ban cho ông.

Sau đó, Đức Chúa Trời thử nghiệm Áp-ra-ham. Chúa gọi: “Áp-ra-ham.” Người thưa: “Có con đây.” Chúa bảo: “Hãy dắt Y-sác, đứa con một mà con yêu quý, đem đến vùng Mô-ri-a và dâng nó làm tế lễ thiêu trên một ngọn núi mà Ta sẽ chỉ cho con.”

Sáng thế ký 22:1-2

Bạn có tưởng tượng Áp-ra-ham bị sốc khi nghe những lời này không? Ông không hề mơ tưởng rằng Chúa sẽ yêu cầu một điều khó cho ông. Ông lặng người. Hai cha con rất gần gũi. Sau những năm tháng chờ đợi để có được người con quý giá này, Chúa lại yêu cầu một điều mà còn hơn là chính mạng sống của ông – Ngài yêu cầu tấm lòng của ông. Sao khó hiểu quá!

Nhưng Áp-ra-ham biết Chúa không lầm. Không chối cãi gì được về những gì Chúa đã nói rõ ràng. Chỉ có hai sự chọn lựa cho một người có giao ước – làm theo hay vi phạm giao ước. Vi phạm giao ước là điều mà con người đức tin này không tính tới vì ông vô cùng kính sợ Chúa.

Chúng ta biết đây là một thử thách, nhưng Áp-ra-ham không nghĩ vậy. Chúng ta không hề biết Chúa thử chúng ta cho đến khi chúng ta vượt qua được. Có thể có chuyện gian lận trong kiểm tra (trắc nghiệm) ở trường học nhưng không ai gian lận trong bài kiểm tra mà Chúa ra đề. Nếu chúng ta không học và không làm bài tập về nhà bằng cách thanh tẩy tấm lòng và làm sạch đôi tay chúng ta thì chúng ta sẽ không tài nào vượt qua thử thách của Chúa, bất kể chúng ta thông minh cỡ nào.

Nếu con cháu của Áp-ra-ham biết được kết quả của những gì Chúa làm trong đồng vắng dưới chân núi Si-nai thì họ chắc có lẽ đã phản ứng khác rồi. Áp-ra-ham có một điều gì khác trong tấm lòng của ông, điều gì đó mà con cháu của ông không có.

Lần nọ Chúa bảo tôi từ bỏ một điều mà tôi nghĩ là Ngài đã ban cho tôi. Chuyện này có ý nghĩa đối với tôi hơn bất cứ điều gì khác. Tôi ước ao nó nhiều năm. Đó là được làm việc cho một nhà truyền giảng nổi tiếng mà tôi rất quý mến.

Vợ tôi và tôi được đề nghị làm người trợ lý cho tôi tớ Chúa và vợ của ông. Tôi không chỉ quý mến con người này mà tôi cũng thấy đây là cơ hội của Chúa để làm ứng nghiệm ước mơ Ngài đặt trong lòng tôi: tôi có thể giảng tin lành cho các nước trên thế giới.

Tôi rất mong Chúa trả lời “được” cho lời đề nghị tuyệt vời này, nhưng Ngài nói rõ rằng tôi nên từ chối. Tôi khóc nhiều ngày sau khi từ chối lời đề nghị này. Tôi biết tôi đã vâng lời Chúa, nhưng tôi không hiểu tại sao Ngài yêu cầu một điều khó nơi tôi. Sau nhiều tuần bối rối, cuối cùng tôi kêu cầu, “Chúa ơi, sao Ngài lại muốn con dâng điều này lên bàn thờ?”

Ngài trả lời cho lời kêu cầu của tôi ngay: “Để xem thử con có hầu việc Ta hay hầu việc giấc mơ của con.” Chỉ khi đó tôi mới hiểu được rằng tôi đã bị thử thách. Trong lúc bị thử thách tôi không nhận ra những gì Chúa đang làm. Điều duy nhất giúp tôi không đi theo đường riêng đó là tình yêu của tôi dành cho Chúa và lòng kính sợ Chúa của tôi.

Sự Kính Sợ Chúa của Áp-ra-ham Được Xác Nhận

Tôi thích phản ứng của Áp-ra-ham với mạng lệnh vô cùng khó khăn của Chúa. “Vậy Áp-ra-ham thức dậy sớm” (Sáng 22:3). Ông không bàn với Sa-ra. Ông không có do dự. Ông quyết định vâng lời Chúa. Đối với Áp-ra-ham có hai điều ý nghĩa hơn là đứa con của lời hứa là Y-sác. Đó là lòng yêu mến Chúa và kính sợ Chúa. Ông yêu mến và kính sợ Chúa hơn mọi thứ khác.

Chúa bảo Áp-ra-ham đi một đoạn đường mất 3 ngày. Điều này cho phép ông có thời gian ngẫm nghĩ về những gì Chúa bảo ông làm. Nếu ông có nghi ngờ gì thì lúc này sẽ phơi bày nó ra. Khi ông và Ysác đến địa điểm thờ phượng, Áp-ra-ham dựng một bàn thờ, trói con mình lại, đặt con lên bàn thờ và rút dao ra. Ông đưa dao tới ngay cổ của Y-sác.

Đến lúc này Chúa phán qua thiên sứ, dừng tay ông lại ngay lúc ông bày tỏ hành động vâng lời. “Đừng giết đứa trẻ, cũng đừng làm gì nó cả! Vì bây giờ, ta biết ngươi kính sợ Đức Chúa Trời và không tiếc con ngươi với Ta, dù là con một của ngươi!” (Sáng 22:12).

Áp-ra-ham chứng tỏ lòng kính sợ bằng cách coi ước muốn của Chúa quan trọng hơn chính ước ao của ông. Chúa biết rằng nếu Áp-ra-ham vượt qua thử thách này, ông sẽ vượt qua tất cả.

Áp-ra-ham ngước mắt nhìn thấy một con chiên đực, sừng đang mắc vào bụi gai rậm phía sau mình. Ông liền bắt nó dâng tế lễ thiêu thay thế con trai mình. Áp-ra- ham gọi địa điểm này là CHÚA cung ứng. Vì thế, cho đến ngày nay, người ta vẫn nói; “Trên núi của CHÚA, điều ấy sẽ được cung ứng!”

Sáng Thế Ký 22:13-14

Khi kết thúc sự thử thách này, Chúa bày tỏ một khía cạnh mới về chính Ngài cho Áp-ra-ham. Ngài bày tỏ chính Ngài Giê-hô-va Di-rê. Khải thị về bản tính này của Chúa nghĩa là “Giê-hô-va nhìn thấy.” Kể từ thời Ađam không ai biết Chúa theo cách này. Chúa bày tỏ tấm lòng của Ngài cho một con người hạ mình đã trở thành bạn hữu của Ngài. Chúa bày tỏ cho Áp-ra-ham những điều mà đối với những người khác vẫn còn là “bí mật” của tấm lòng và bản tính của Ngài.

Nhưng điều quan trọng cần hiểu rằng Chúa không bày tỏ chính Ngài là “Giê-hô-va nhìn thấy” cho đến khi Áp-ra-ham vượt qua được thử thách về lòng kính sợ Chúa. Nhiều người tuyên bố là biết những đặc tính và thuộc tính của bản chất Đức Chúa Trời, nhưng họ không bao giờ vâng lời Ngài trong những lúc khó khăn. Họ có thể hát, “Giê-hô-va Di-rê, Đấng hằng cung cấp phước ân thiêng liêng Ngài đầy dư cho tôi, cho tôi . . .” Nhưng đó cũng chỉ là một bài hát cho đến khi Chúa khải thị do có sự vâng lời như thế. Cho đến khi chúng ta vượt qua thử thách vâng lời, những lời hát như thế chỉ phát ra từ lý trí chứ không phải từ tấm lòng chúng ta. Chỉ khi chúng ta mạo muội bước vào sự vâng lời trong đồng vắng thuộc linh khô cằn thì Chúa bày tỏ chính Ngài là Giê-hô-va Di-rê và là bạn hữu. (Xem Êsai 35:1-2).

Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, chẳng từng được kể là công chính do hành động hiến dâng con mình là Y-sác trên bàn thờ sao? Anh thấy đức tin đồng công với các hành động của ông và nhờ các hành động mà đức tin được kiện toàn, Và lời Kinh Thánh này được ứng nghiệm: “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời nên được kể là công chính và được gọi là bạn hữu của Đức Chúa Trời.”

Giacơ 2:21-23

Để ý rằng Áp-ra-ham được xưng công chính qua những việc làm đồng công. Bằng cớ của sự kính sợ thánh và đức tin là sự vâng lời của ông. Kính sợ Chúa là tin cậy Chúa. Tin cậy Chúa là vâng lời Ngài. Giacơ cho thấy sự vâng lời của Áp-ra-ham, được tiếp sức bởi lòng kính sợ Chúa, mang lại tình bạn hữu với Chúa. Chúa nói rõ điều này:

Chúa kết bạn với người tin kính lời giao ước, Chúa cho biết rõ.

Thi Thiên 25:14

Lời này quá rõ ràng! Hãy đọc câu này từ Thi Thiên 25 lần nữa và giữ nó trong lòng bạn. Tại sao có vô số những lời giảng rỗng tuếch trên toà giảng ngày nay? Tại sao cơ đốc nhân thiếu đi sự sâu nhiệm như các thánh tổ thời xưa? Đây là hậu quả của căn bệnh đang lan tràn trong hội thánh. Nó là một loại vi-rút gọi là “Thiếu Vắng Sự Kính Sợ Chúa”!

Chúa phán Ngài bày tỏ những bí mật của Ngài cho những ai kính sợ Ngài. Bạn hay chia sẻ những điều thầm kín trong lòng bạn cho ai? Cho người mới quen hay cho bạn thân? Dĩ nhiên cho bạn thân. Chia sẻ bí mật cho người mới quen không an tâm chút nào. Vâng, Chúa cũng làm như vậy; Ngài chia sẻ tấm lòng Ngài chỉ cho những người kính sợ Ngài.

Người Biết Đường Lối Chúa

Có một người khác mà Chúa gọi là bạn hữu của Ngài. Đó là Môise. Ông là một người biết đường lối Chúa. Xuất 33:11 nói, “Chúa phán với Môise mặt giáp mặt như một người nói chuyện với bạn hữu mình.” Mặt của Môise không bị che lại vì ông kính sợ Chúa. Vì thế, ông có thể nói chuyện với Chúa ở mức độ thân mật. Kết quả là:

Ngài bày tỏ cho Môise biết đường lối Ngài, cho dân Y-sơ-ra-ên biết công việc Ngài.

Thi Thiên 103:7

Vì dân Y-sơ-ra-ên không kính sợ Chúa nên họ không chịu gần gũi Ngài. Đường lối và bí mật giao ước của Ngài không được bày tỏ cho dân Y-sơ-ra-ên. Họ biết Ngài rất giống cách tôi biết tổng thống nước Mỹ. Tôi biết tổng thống qua những thành tựu, những sự chu cấp và những hành động của ông. Dân Y-sơ-ra-ên không được chia sẻ để hiểu cái tại sao trong giao ước của Chúa. Họ không hiểu động cơ, ý định và ước ao của tấm lòng Ngài.

Dân Y-sơ-ra-ên chỉ biết bản tính của Đức Chúa Trời như đã được bày tỏ trong thế giới tự nhiên. Họ thường hiểu sai phương cách của Ngài là “lấy đi” hay “giữ lại” khi họ không nhận được đúng điều họ muốn. Không thể nào biết Chúa chỉ qua việc quan sát những gì Ngài làm trong thế giới tự nhiên. Cũng giống như biết một nhân vật nổi tiếng chỉ qua lời tường thuật của giới truyền thông. Đức Chúa Trời là Thần Linh, và đường lối của Ngài được giấu khỏi khôn ngoan của thế giới tự nhiên (Gi 4:24; 1Cô 2:6- 8). Chúa chỉ bày tỏ chính Ngài cho những ai kính sợ Ngài. Dân Y-sơ-ra-ên không thấy được sự khôn ngoan hay hiểu biết đằng sau mọi việc Ngài làm. Vì thế, họ liên tục bước trước Chúa.

Kính Sợ Chúa Là Biết Đường Lối Chúa

Môise thường biết tại sao Đức Chúa Trời làm những việc Ngài làm. Kinh Thánh mô tả cái nhìn này là sự hiểu biết. Thật ra, Môise thường biết những gì Chúa sắp làm trước khi Ngài làm, vì Chúa bày tỏ điều đó cho ông trước. Kinh Thánh gọi đó là sự khôn ngoan. Tác giả Thi Thiên cho biết:

Kính sợ CHÚA là khởi đầu của sự khôn ngoan. Tất cả những ai làm theo các mạng lệnh Ngài được nhiều sáng suốt.

Thi thiên 111:10

Kính sợ Chúa là vâng lời Ngài, ngay cả khi làm thế dường như không ích lợi cho chúng ta. Khi chúng ta kính sợ Ngài, Ngài gọi chúng ta là bạn hữu và bày tỏ lý do hay ý định và ước ao của lòng Ngài. Chúng ta đi đến chỗ biết Ngài không chỉ qua các hành động của Ngài mà còn qua các đường lối của Ngài. Hãy đọc kỹ những lời của Chúa phán với môn đồ Ngài tại Bữa Tiệc Cuối Cùng, sau khi Giu-đa đã bỏ đi:

Các con là bạn hữu của Ta nếu các con thi hành điều Ta truyền. Ta không còn gọi các con là đầy tớ nữa, vì đầy tớ không biết điều chủ mình làm; nhưng Ta đã gọi các con là bạn hữu, vì mọi điều nghe được nơi Cha, Ta đã cho các con biết.

Giăng 15:14-15

Tôi có nghe câu Kinh Thánh này được trích như là một lời hứa về tình bạn hữu với Chúa. Tuy nhiên, có một điều kiện đi kèm với tình bạn hữu này. Điều kiện đó là:

. . . Nếu các con thi hành điều Ta truyền.

Giăng 15:14

Theo lời của tác giả Thi Thiên, tình bạn hữu với Chúa như vậy chỉ dành “cho những ai kính sợ Ngài,” cho những ai vâng theo Lời Ngài một cách vô điều kiện.

Chúa phán, “Ta không còn gọi các con là đầy tớ nữa.” Các môn đồ Ngài đã chứng tỏ là đầy tớ trung tín suốt ba năm rưỡi. Họ ở lại với Chúa Giê-su trong khi các môn đồ khác bỏ Ngài (Gi 6:66). Có dạo Ngài xem họ chỉ là những đầy tớ. Đây là giai đoạn thử thách, giống như trường hợp của Áp-ra-ham và Môise. Một bài tập mới bắt đầu; bây giờ những lời phán của Ngài mang tính tiên tri. Bài kiểm tra kết thúc bằng sự vâng lời kiên định ở phòng cao. Trật tự thiên thượng được thiết lập. Phòng cao sẽ bày tỏ bản chất thật mỗi tấm lòng con người.

Chúa Giê-su phán, “Vì tôi tớ không biết điều chủ mình làm; nhưng Ta gọi các con là bạn hữu, vì mọi sự Ta nghe nơi Cha Ta, Ta sẽ bày tỏ cho các con [bạn hữu Ta, người kính sợ Đức Chúa Trời].” Các bạn hữu của Chúa sẽ có ân tứ hiểu biết này, vì Ngài chia sẻ kế hoạch của Ngài với bạn hữu Ngài.

Chúa Chia Sẻ Kế Hoạch Với Bạn Hữu Ngài

Chúa chia sẻ động cơ và ý định của lòng Ngài với bạn hữu Ngài. Ngài bàn thảo kế hoạch của Ngài với họ và kết bạn thiết với họ.

Chúa nói, “Ta có nên giấu Áp-ra-ham điều Ta sẽ làm không?”

Sáng Thế Ký 18:17

Chúa phán lời này cho các thiên sứ đang ở cùng Ngài trước mặt Áp-ra-ham. Rồi Chúa quay sang nói với Áp-ra- ham.

Bấy giờ CHÚA bảo Áp-ra-ham: “Tiếng than oán về Sô- đôm và Gô-mô-rơ quá lớn, tội ác chúng nó thật trầm trọng. Ta sẽ xuống đó xem có đúng như tiếng than vãn đã thấu đến Ta không. Nếu không thì Ta sẽ biết.”

Sáng Thế Kỷ 18:20-21

Rồi Chúa cho Áp-ra-ham biết rằng sự phán xét cận kề sẽ trút lên thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Áp-ra-ham cầu thay và nài xin cho mạng sống của những người công chính.

Áp-ra-ham đến gần Chúa và hỏi: “Chúa tiêu diệt người công chính chung với người ác sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành thì sao? Chúa sẽ tiêu diệt hay Chúa sẽ dung thứ họ vì năm mươi người công chính ở giữa họ.” “Chúa không bao giờ làm việc ấy! Không bao giờ Chúa diệt người công chính chung với kẻ ác! . . . Vị thẩm phán tối cao của cả thế giới không xử đoán công minh sao.” CHÚA đáp: “Nếu Ta tìm thấy năm mươi người công chính trong thành Sô-đôm thì vì cớ họ Ta sẽ dung thứ cả thành.”

Sáng thế ký 18:23-26

Áp-ra-ham đã cầu xin cho mạng sống của người khác được thoát khỏi cánh tay phán xét của Chúa. Chỉ có người bạn mới nói như vậy với một vị vua hay thẩm phán có quyền thực thi phán xét. Xét theo địa vị tôi tớ hay thần dân, lời nài xin như thế là vô lễ. Nhưng Áp-ra-ham thật sự bước vào tiến trình thương lượng với Chúa. Sau đó Áp- ra-ham xin Chúa giảm từ 50 đến 10 người, và Chúa tự ý tìm kiếm 10 người công chính trong thành Sô-đôm và Gô- mô-rơ. Rõ ràng là lời báo cáo về sự gian ác ở đó là thật, vì ngay cả 10 người công chính cũng không thấy có trong hai thành đó. Chúa chỉ tìm thấy ông Lót, cháu của Áp-ra-ham cùng gia đình của ông.

Chúa tỏ cho bạn Ngài là Áp-ra-ham điều Ngài dự định làm. Ngài kết bạn với Áp-ra-ham vì Áp-ra-ham kính sợ Chúa. Sự kính sợ Ngài đã nâng ông lên mức thân thiết với Chúa.

Bị Ô Uế Bởi Thế Gian

Lót có thể được xem là công chính, nhưng ông cũng sống theo thế gian nữa. Ông cũng không biết về sự phán xét sắp xảy ra như dân sự trong các thành gian ác này. Dù ông công chính, nhưng Lót rất mù mờ về những gì sắp xảy ra. Lót tiêu biểu cho các cơ đốc nhân sống xác thịt, tức là những người thiếu đi lòng sốt sắng kính sợ Chúa. Mối quan hệ của họ với Chúa chẳng khác gì mối quan hệ giữa những người hâm mộ với các nhân vật nổi tiếng.

Điều này được thấy qua cách Lót chọn chỗ ở (giữa dân cư thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ), cô vợ mà ông chọn, và con cái mà sau này ông là cha của chúng qua sự loạn luân – đó là dân Mô-áp và A-mô-rít. Lót đã chọn những gì mà lúc đầu ông cho là tốt nhất, nhưng cuối cùng ông nghiệm lại là ông đã chọn cách ngu xuẩn.

Ngược lại, Áp-ra-ham chọn một đời sống biệt riêng. Ông tìm một thành mà người xây cất và kiến thiết là Đức Chúa Trời. Lót chọn thông công với những con người tội lỗi hơn là chọn đời sống thánh khiết. Lối sống tội lỗi của họ đã làm lu mờ đời sống công chính của ông. Cuối cùng tác hại của tội lỗi đã gây ra hậu quả trong đời sống của Lót và của con cháu ông. Tiêu chuẩn của Lót không được Chúa hướng dẫn; nó bị xã hội thời đó điều khiển. Lót đâm ra “buồn vì đời sống nhơ nhớp của những người vô luân. Vì người công chính ấy, sống ở giữa họ ngày nầy qua ngày kia, linh hồn công chính của ông bị đau xót vì những hành động phi pháp mà ông nghe và thấy.” (2Phi 2:7-8).

Ngày phán xét sẽ đến trên Lót như kẻ trộm vào ban đêm nếu không bởi ơn thương xót của Chúa và tình bạn hữu của Ngài với Áp-ra-ham. Chúa sai các thiên sứ của Ngài, giống như Ngài sẽ sai các sứ giả tiên tri của Ngài đến cảnh cáo các tín đồ xác thịt trong hội thánh không thèm để ý đến sự phán xét sắp tới.

Trong cơn phán xét gấp rút và kinh khiếp, vợ Lót chọn nhìn lại. Bà đã được cảnh cáo là đừng nhìn lại khi Chúa sai sự huỷ diệt đến trên các thành phố đầy gian ác này. Nhưng vợ của Lót quá bị thế gian ảnh hưởng đến độ thế gian lôi cuốn bà hơn là sự kính sợ Chúa. Đó là lý do Chúa Giê-su cảnh cáo các tín hữu thời Tân ước hãy “nhớ lại vợ Lót” (Lu 17:32).

Áp-ra-ham kính sợ Chúa. Ông là bạn của Chúa. Lót thiếu tất cả những đức tính này ngoại trừ có chút đỉnh nào đó. Ông kính sợ Chúa đủ để chạy trốn khỏi sự phán xét sắp đến, nhưng sự phán xét ập đến những người theo ông. Sau này Lót tỏ cho thấy ông không biết tấm lòng lẫn đường lối Chúa. Giacơ khuyên các tín hữu bằng những lời:

Này những người ngoại tình kia, anh chị em không biết kết bạn với thế gian là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao? Vậy ai muốn kết bạn với thế gian đều trở thành kẻ thù nghịch của Đức Chúa Trời.

Giacơ 4:4

Bạn không thể yêu thế gian và là bạn của Chúa cùng lúc được. Giacơ mô tả tình trạng của kẻ tin vẫn còn tìm kiếm mối quan hệ với thế gian là kẻ ngoại tình và kẻ thù của Chúa. Salômôn cho biết:

Ai yêu mến tấm lòng trong sạch và môi miệng ân nghĩa sẽ được kết bạn với vua.

Châm Ngôn 22:11

Chỉ có người có lòng trong sạch mới làm bạn với Chúa. Chúng ta phải tự hỏi, Điều gì thanh tẩy tấm lòng tôi? Tình yêu của tôi dành cho Chúa chăng? Tình yêu dành cho Chúa khơi dậy ước muốn để thanh tẩy, nhưng chỉ có tình yêu thương thôi không thanh tẩy tấm lòng được. Chúng ta có thể nói chúng ta yêu Chúa với tất cả tâm tư tình cảm, nhưng chúng ta vẫn còn có thể ham mê thế gian. Đây là cái bẫy mà hàng triệu tín hữu trong hội thánh vấp phải. Sức mạnh nào giữ chúng ta thánh sạch trước mặt Vua oai nghi? Phaolô trả lời bằng những từ ngữ rõ ràng và súc tích:

Anh chị em yêu dấu, vì chúng ta có những lời hứa như thế, hãy thanh tẩy chính mình cho sạch những điều ô uế về phần thân thể lẫn tâm linh, hãy hoàn thành sự thánh hoá trong niềm kính sợ Đức Chúa Trời.

2Côrinhtô 7:1

Sự thánh khiết thật hay tấm lòng thánh sạch sẽ trở nên trọn vẹn trong sự kính sợ Chúa! “Nhờ kính sợ Chúa mà một người lìa khỏi tội ác” (Châm 16:6).

Nhưng hãy xem lại phần đầu của 2Côrinhtô 7:1: “Vì chúng ta có lời hứa như thế . . .” Lời hứa nào? Nó được tìm thấy trong các câu trước. Nào chúng ta hãy đọc:

Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống như Đức Chúa Trời đã phán: “Ta sẽ ở và đi lại giữa họ Ta sẽ là Đức Chúa Trời của họ. Và họ sẽ là dân Ta.” Vì thế Chúa phán: “Hãy ra khỏi giữa vòng chúng nó, hãy phân rẽ khỏi họ, chớ động đến đồ ô uế, thì Ta sẽ tiếp nhận các con . Ta sẽ là Cha các con và các con sẽ là con trai, con gái Ta, Chúa Toàn Năng phán vậy.”

2Côrinhtô 6:16-18

Đây chính là cách Chúa mô tả ước ao của Ngài được ngự với dân Y-sơ-ra-ên trong vinh hiển của Ngài ở đồng vắng. Ngài phán, “Họ sẽ biết Ta là CHÚA, Đức Chúa Trời của họ, Đấng đã đem họ ra khỏi Ai-cập để Ta có thể ở giữa họ.” (Xuất 29:46). Và một lần nữa, “Ta sẽ đi giữa các ngươi và là Đức Chúa Trời của ngươi và ngươi sẽ là bạn Ta” (Lê 26:12). Có sự song song ở đây: Ngài vẫn là một Đức Chúa Trời thánh khiết. Ngài không ngự trong một đền thờ bị ô uế hay bất khiết.

Chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa đầy trọn của những lẽ thật dành cho thời đại này. Chúa tóm tắt điều kiện hay đòi hỏi trong giao ước của chúng ta với Ngài để chúng ta có thể sống trong sự hiện diện vinh hiển của Ngài. Chúng ta phải ra khỏi hệ thống thế gian và hãy biệt riêng. Đây là một nỗ lực hợp tác giữa sự kính sợ Chúa và ân điển của Ngài. Đó là lý do Phaolô bắt đầu chương 6 bằng cách nài xin hội thánh Côrinhtô “đừng nhận ân điển của Chúa cách vô ích” (2Cô 6:1).

Trong một thư tín khác Phaolô làm sáng tỏ thêm vấn đề này, khuyên giục chúng ta đeo đuổi sự thánh khiết, vì nếu chúng ta không có, chúng ta sẽ không thấy Chúa.

Hãy . . . đeo đuổi sự thánh hoá, vì nếu không thánh hoá, không ai được thấy Chúa. Hãy thận trọng để trong anh chị em đừng có ai hụt mất ân sủng của Đức Chúa Trời; đừng để rễ cay đắng mọc ra gây rối và do đó làm ô uế nhiều người.

Hêbơrơ 12:14-15

Một lần nữa để ý rằng Phaolô nói đến việc nhận ân điển của Chúa cách vô ích! Chúng ta có thể hụt mất ân điển! Ông mô tả tiếp điều gì giúp cho ân điển hoạt động và mang lại kết quả trong đời sống chúng ta: “Nên ta hãy ghi ơn và hãy lấy lòng kính sợ, tôn kính mà phục vụ Đức Chúa Trời cách đẹp lòng Ngài” (c.28). Sự kính sợ Chúa ngăn chúng ta không nhận ân điển Ngài cách vô ích. Nó giữ chúng ta không muốn có mối quan hệ với thế gian. Chính ân điển của Chúa, kèm với sự kính sợ Chúa sản sinh ra sự thánh khiết hay tấm lòng thanh sạch. Chúa hứa rằng nếu chúng ta thanh tẩy mình khỏi sự ô uế của thế gian, Ngài sẽ ngự trong chúng ta trong vinh hiển của Ngài. Halêlugia!