Chương Một - GIÓ TỪ TRỜI

Kính Sợ Chúa

Đăng vào: 5 tháng trước

.

MỘT

vintage-symbol

GIÓ TỪ TRỜI

Ta sẽ tỏ mình thánh khiết giữa vòng những người đến gần Ta: Ta sẽ được tôn vinh trước mặt mọi người.

Lêviký 10:3

Lúc đó mới chỉ có mười ngày sau Tết năm 1997. Những ngày này tôi thường đi hầu việc Chúa ở Âu châu và Á châu. Tôi rất phấn khởi vì một lần nữa lại được đi máy bay, lần này tôi bay đến Nam Mỹ. Tôi chưa hề đến nước Brazil nên thật vinh dự cho tôi được mời giảng cho hội nghị toàn quốc tổ chức tại ba thành phố lớn của nước Brazil. Sau khi bay suốt đêm, một số lãnh đạo hội thánh rất khao khát Chúa tiếp đón tôi tại sân bay. Họ mong đợi những buổi nhóm này và lòng nhiệt thành của họ đã làm tôi phấn chấn.

Buổi nhóm đầu tiên được tổ chức vào buổi tối ngay tại thủ đô của Brazil. Sau vài giờ nghỉ ngơi, người thông dịch cùng tôi thu xếp đồ đạc để đến buổi nhóm. Xe cộ đậu đầy bãi đậu và dọc đường nên tôi nhận thấy buổi nhóm rất đông người tham dự. Khi chúng tôi đến gần toà nhà, tôi nghe tiếng nhạc phát dội qua bức tường và mái của toà nhà. Sự phấn khích và mong đợi của tôi gia tăng khi nghe tiếng nhạc của ban hát đang ngợi khen Chúa bằng tiếng Bồ Đào Nha – ngôn ngữ chính của Brazil.

Một khi bước vào trong, tôi được đưa đến ngay gần bục giảng. Thính đường đầy kín, ước chừng 4000 người. Khán đài vang dội tiếng nhạc ngợi khen. Chất lượng nhạc rất tốt, vì các nhạc sĩ đều có tài năng và rất ăn ý nhau. Họ hát rất hay và giọng hát của người hướng dẫn cũng rất du dương. Nhưng tôi hoàn toàn thấy thiếu vắng sự hiện diện của Chúa. Khi tôi nhìn khắp đám đông và các nhạc sĩ, tôi tự nhủ, Chúa ở đâu? Nên tôi lập tức hỏi Chúa, Chúa ơi, sự hiện diện của Ngài ở đâu rồi?

Trong khi chờ Chúa đáp lời, tôi để ý những gì đang diễn ra trong nhà thờ. Nhờ ánh đèn trên bục giảng mà tôi có thể quan sát những người xung quanh. Nhiều người đứng mở mắt nhìn quanh quẩn. Nhiều người thì vẻ mặt trông mệt mỏi. Họ đút tay vào túi hay đứng trông uể oải. Tư thế và dáng vẻ của đám đông cho thấy họ đang uể oải chờ màn trình diễn bắt đầu. Một số người thì nói chuyện với nhau, còn số khác thì đi lang thang dọc hành lang, ra vào khán đài.

Tôi rất buồn. Đây không phải là buổi truyền giảng mà là buổi bồi linh cho các tín đồ. Tôi biết có một số người dự không phải là tín hữu, nhưng tôi cũng biết phần lớn những người có mặt trong đám đông này là “cơ đốc nhân.” Tôi chờ, mong là các tín hữu bước vào sự tôn kính Chúa. Tôi tự nhủ, Chắc bầu không khí này sẽ thay đổi. Nhưng nó không thay đổi gì cả. Sau hai ba mươi phút, tiếng nhạc lắng dịu xuống mà chúng ta gọi là “những bài hát thờ phượng.” Tuy nhiên điều tôi chứng kiến không phải là thờ phượng gì cả. Tôi quan sát các cử chỉ thiếu tôn kính này ngay từ lúc bước vào khán đài đã kéo dài suốt buổi nhóm.

Khi buổi thờ phượng kết thúc, tưởng chừng kéo dài cả tiếng đồng hồ nhưng thật ra nó chỉ bốn mươi phút. Những người có mặt được mời ngồi xuống. Người ta ngồi xuống nhưng họ vẫn nói chuyện ồn ào. Một vị mục sư cầm micrô khích lệ tín hữu, tuy nhiên đám đông vẫn cứ nói chuyện. Vị này đọc Kinh Thánh và chia sẻ Lời Chúa. Tôi chỉ nghe toàn là tiếng ồn và nhiều người đi qua đi lại trong đám đông. Tôi cũng để ý nhiều người không tập trung nghe mục sư chia sẻ. Tôi không tin nổi những gì mình chứng kiến. Trong lúc bối rối, tôi quay sang anh thông dịch người Brazil và hỏi cách sinh hoạt như thế này là bình thường đối với các buổi nhóm của họ hay không.

Anh đồng cảm với sự khó chịu của tôi. Anh thì thầm, “Đôi khi tôi phải lên tiếng và xin mọi người làm ơn chú ý.” Lúc đó tôi đâm ra nổi giận. Tôi đã từng nhóm những buổi nhóm mà người ta cũng uể oải như vậy, nhưng chưa đến mức như buổi nhóm này.

Trong những buổi nhóm này tôi cũng gặp một bầu không khí nặng nề tương tự, thiếu vắng sự hiện diện của Chúa. Bây giờ tôi biết câu hỏi của tôi – Chúa ơi, sự hiện diện của Ngài đâu rồi? – đã được trả lời. Sự hiện diện của Ngài chắc chắn không có ở đây.

Thánh Linh Chúa lúc đó phán với tôi: “Ta muốn con hãy góp ý thẳng về vấn đề này.”

Cuối cùng mục sư giới thiệu tôi, người ta bớt nói chuyện hơn nhưng vẫn còn. Tôi bước lên bục giảng và đứng nhìn đám đông. Tôi quyết định không nói gì cho đến khi người ta tập trung. Tôi cảm nhận cơn giận thánh nung nấu trong tôi. Sau vài phút, mọi người dường như im lặng, khi thấy không có gì xảy ra trên bục giảng.

Tôi không tự giới thiệu hay chào đám đông. Thay vào đó tôi mở đầu bằng câu hỏi: “Quý vị thấy thế nào nếu đang khi quí vị nói chuyện với ai đó mà người đó không thèm để ý quí vị suốt lúc nói chuyện hay cứ nói chuyện với người bên cạnh? Hay là họ cứ trố mắt nhìn đâu đó mà không tôn trọng quí vị gì cả?”

Tôi ngừng lại, rồi trả lời chính câu hỏi của tôi: “Chắc quí vị không thích vậy, đúng không nào?”

Tôi nói thêm: “Chuyện gì xảy ra nếu mỗi lần quí vị đến thăm và bấm chuông nhà hàng xóm mà người ta chào hỏi quí vị với một thái độ thờ ơ và lạnh nhạt, ‘Ôi, lại anh (chị) nữa; thôi vào đi?’”

Tôi ngưng lại rồi nói thêm: “Quí vị chắc sẽ không đến thăm nhà ấy nữa phải không nào?”

Rồi tôi nói cao giọng: “Quí vị có nghĩ Vua của muôn vua và Chúa của muôn chúa có đến ngự một nơi mà Ngài không được tôn trọng và kính nể không? Quí vị có nghĩ Chúa của cả vũ trụ sẽ phán khi mà Lời Ngài không được tôn trọng, không chịu lắng nghe hay tập trung không? Quí vị bị lừa dối khi quí vị nói không sao đâu!”

Tôi nói tiếp: “Tối nay khi tôi bước vào khán đường này, tôi không cảm nhận sự hiện diện của Chúa đâu cả. Trong lúc ngợi khen hay thờ phượng, trong lúc khích lệ hay lúc lấy tiền dâng đều không có sự hiện diện của Chúa. Có một lý do: Chúa không bao giờ đến nơi mà Ngài không được tôn kính. Vị mục sư chủ tịch của quí vị đứng trên bục giảng này tối nay là vì ông tôn trọng chức vụ của ông. Nếu tôi đứng đây cùng với một trong những cầu thủ bóng đá mà quí vị yêu thích chắc nhiều người trong quí vị sẽ ngồi chăm chú nghe. Quí vị sẽ mong chờ lắng nghe mọi lời anh ta nói. Nhưng lúc nãy khi mục sư đọc Lời Chúa, quí vị lại không nghe gì cả vì quí vị đã xem nhẹ Lời Chúa.”

Tôi bắt đầu đọc những lời mà Chúa đòi hỏi nơi những người đến gần Ngài:

Ta sẽ tỏ mình thánh khiết giữa vòng những người đến gần Ta: Ta sẽ được tôn vinh trước mặt mọi người.

Lêviký 10:3

Trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ, tôi giảng sứ điệp mà Chúa nung nấu trong lòng tôi. Tôi nói ra những lời này cách can đảm và đầy uy quyền. Tôi không sợ họ nghĩ gì hay phản ứng ra sao.

Nếu ngày mai họ đuổi tôi ra khỏi nước này, tôi cũng không lo, tôi thà vâng lời Chúa còn hơn! Tôi tự nhủ vậy – tôi nói thật đấy.

Bạn có thể nghe tiếng nói chuyện giảm dần rồi im lặng sau mỗi lần tôi nói. Suốt một tiếng rưỡi đồng hồ không còn nghe tiếng ồn ào nữa. Mọi người không còn có thái độ bất kính nữa. Thánh Linh của Chúa đã lôi kéo sự chú ý của mọi người qua Lời của Ngài. Bầu không khí thay đổi trong giây lát. Tôi cảm nhận Lời Chúa xuyên qua tấm lòng cứng cỏi của họ.

Lúc kết thúc bài giảng, tôi yêu cầu mọi người hãy nhắm mắt lại. Lời mời gọi ăn năn thật rõ ràng và ngắn gọn: “Nếu quí vị coi thường sự thánh khiết của Chúa, và nếu quí vị sống với thái độ bất kính đối với Chúa, và nếu tối nay quí vị được Thánh Linh thuyết phục qua Lời của Ngài, quí vị có sẵn sàng ăn năn trước mặt Chúa không? Nếu vậy, xin hãy đứng lên.” Không chút chần chừ, 75 % số người có mặt hôm đó đều đứng dậy.

Tôi cúi đầu cầu nguyện lớn tiếng lời cầu nguyện đơn sơ này : “Chúa ơi, xin hãy xác chứng cho anh chị em con Lời Ngài đã được rao ra tối nay.”

Ngay lập tức sự hiện diện của Chúa đầy dẫy khán đài. Dù tôi không hướng dẫn hội chúng cầu nguyện, nhưng tôi nghe tiếng khóc nức nở và tiếng kêu cầu từ hội chúng. Giống như một làn sóng của sự hiện diện Chúa càn quét qua khán đài mang lại sự tẩy sạch và tươi mới. Không thể nào để cho mọi người tiến lên bục giảng nên tôi hướng dẫn họ đứng ngay tại chỗ cầu nguyện ăn năn. Tôi quan sát nhiều người lau nước mắt. Sự hiện diện tuyệt vời của Chúa tiếp tục bày tỏ.

Sau vài phút sự hiện diện của Chúa giảm bớt. Tôi khích lệ hội chúng tiếp tục tập trung vào Chúa. “Hãy đến gần Chúa thì Ngài sẽ đến gần anh em” (Gia 4:8).

Vài phút trôi qua, một làn sóng mới về sự hiện diện của Ngài tràn ngập khán đài. Nhiều người bật khóc lớn tiếng kêu cầu Chúa. Lúc này sự hiện diện của Chúa tác động mạnh mẽ hơn, và càng nhiều người được Chúa đụng chạm. Việc này kéo dài vài phút, rồi sau đó giảm dần. Tôi khích lệ hội chúng đừng bị chi phối mà hãy giữ sự tập trung.

Vài phút sau đó tôi nghe Thánh Linh thì thầm trong lòng tôi: “Ta sẽ bày tỏ lần nữa.” Lập tức tôi cảm nhận điều này và nói: “Chúa sẽ bày tỏ lần nữa.”

Những lời tôi viết ở đây không nói được hết những gì xảy ra sau đó. Từ ngữ của tôi bị giới hạn còn Chúa thì quá cao cả. Tôi không phóng đại vì làm thế là không kính sợ Chúa. Tôi phỏng vấn ba vị mục sư lãnh đạo khác có mặt ở đó để làm sáng tỏ và xác nhận những gì tôi nói ra ở đây. Ngay sau khi tôi nói “lần nữa” thì những điều sau đây xảy ra. Cách duy nhất tôi có thể mô tả là so sánh việc này với việc bạn đứng cách phía cuối đường băng hàng trăm mét khi nghe tiếng máy bay cất cánh phía trước bạn. Tôi có thể mô tả tiếng gầm của cơn gió thổi qua khán đài cũng như vậy. Hầu như mọi người tự động cầu nguyện hết lòng và sốt sắng, họ đồng thanh kêu cầu Chúa lớn tiếng.

Lúc đầu tôi nghe tiếng gió thổi mạnh, tôi lý luận là chắc có máy bay đang bay ngang qua khán đài. Nếu tiếng ồn này không phải đến từ Chúa thì tôi cũng không muốn nói là nó đến từ Chúa. Tâm trí tôi nhớ lại lúc đến gần phi trường. Nhưng phi trường không ở gần đó và hai tiếng đồng hồ nảy giờ tôi không nghe tiếng máy bay nữa.

Tôi hướng lòng về Thánh Linh, nhận biết rằng tôi đã cảm nhận sự hiện diện của Chúa cách mạnh mẽ, và hội chúng đang lớn tiếng cầu nguyện. Đây chắc chắn không phải là phản ứng khi nghe tiếng máy bay đang bay ngang qua.

Nếu đó là tiếng máy bay thì chắc hẳn là máy bay sẽ bay rất thấp, cách khán đài không xa nên mới nghe âm thanh lớn như vậy. Và dù gì đi nữa, tôi chắc chắn không tài nào nghe được tiếng ồn phát ra từ lời cầu nguyện của hàng ngàn người ở đó.

Tôi nghe âm thanh càng lớn hơn, và rõ ràng nó át đi mọi tiếng nói. Tôi khẳng định trong đầu rằng đây là gió của Thánh Linh thổi, nhưng tôi vẫn không nói gì. Tôi không muốn hội chúng hiểu sai và “quá khích” về những biểu lộ của Thánh Linh. Tiếng gió gầm rú này kéo dài khoảng hai phút. Khi tiếng ồn này lắng xuống, hội chúng bắt đầu khóc lóc cầu nguyện. Bầu không khí ngập tràn niềm tôn kính thánh thiện. Sự hiện diện của Chúa rất thực hữu và mạnh mẽ.

Sau đó sự hiện diện của Chúa tiếp tục bày tỏ thêm hai mươi phút nữa. Rồi tôi nhường lại cho người hướng dẫn và yêu cầu dẫn tôi ra khỏi khán đài. Thông thường thì tôi hay nán lại nói chuyện với người ta sau buổi nhóm, nhưng lúc này tôi thấy không nên nói chuyện với ai. Người lãnh đạo bảo tôi đi ăn tối với họ nhưng tôi từ chối. Vẫn còn bị tác động bởi sự hiện diện của Ngài, tôi trả lời, “Không thể được, tôi muốn quay về khách sạn.”

Tôi được chở về khách sạn. Người thông dịch và hai vợ chồng vị mục sư lãnh đạo đi về cùng tôi. Người phụ nữ này là một nhạc sĩ đã thu đĩa, và nhạc của cô được phổ biến khắp nước.

Cô ta bước vào xe và khóc, “Mục sư có nghe tiếng gió không?”

Tôi liền trả lời, “Đó là tiếng máy bay.” (Dù trong lòng tôi cảm thấy không phải, tôi cần lời xác chứng và quyết định tôi không phải là người đầu tiên nói ra chuyện này.) Cô ta lắc đầu nói, “Không đâu. Đây là của Thánh Linh.”

Sau đó chồng cô, một người đàn ông tôi thấy rất ít nói và đạo mạo, lại khẳng định quả quyết, “Lúc đó không có máy bay nào bay gần khán đài.”

Tôi thốt lên: “Vậy hả!”

Anh nói tiếp: “Hơn nữa, âm thanh của tiếng gió không phát ra từ ban nhạc hay từ loa phóng thanh.” Tôi ngồi im lặng cách kinh ngạc.

Sau này tôi biết được rằng người đàn ông này quả quyết rằng tiếng gió chúng tôi đã nghe không phải là tiếng máy bay. Có các nhân viên an ninh và cảnh sát bên ngoài có nghe âm thanh phát ra từ bên trong khán đài. Bên ngoài không có tiếng gió thổi gì cả. Hôm ấy là buổi tối yên tĩnh tại Brazil.

Vợ anh kể tiếp trong lúc nước mắt còn chảy trên mặt cô ta. “Tôi thấy những cơn sóng bằng lửa ập đến khán đài và thiên sứ khắp mọi nơi!”

Tôi không thể tin nổi bằng tai mình. Tôi đã nghe một mục sư tại buổi nhóm ở North Carolina mô tả tương tự hai tháng trước đó. Tôi cũng giảng về sự kính sợ Chúa, và sự hiện diện của Chúa tràn ngập trên hết thảy những người trong hội chúng – có hơn một trăm em nhỏ khóc suốt một giờ. Một diễn giả kể cho mục sư đó nghe rằng bà đã thấy những làn sóng quả cầu lửa rơi xuống khán đài. Điều này cũng được ba thành viên trong ban nhạc xác nhận.

Nên bây giờ tôi muốn ở riêng với Chúa. Khi đã về phòng khách sạn, tôi chỉ làm mỗi một việc là thờ phượng và cầu nguyện.

Tôi có kế hoạch giảng thêm một buổi nhóm nữa trước khi đi đến Rio de Janeiro. Lần này khi tôi bước vào khán đài, bầu không khí hoàn toàn khác. Tôi có thể cảm nhận lòng kính trọng Chúa được phục hồi. Lần này tiếng nhạc không thiếu vắng sự hiện diện của Chúa. Nó thật kỳ diệu, được xức dầu và sự hiện diện của Chúa rất ngọt ngào.

Đa-vít nói, “Tôi sẽ vào nhà Ngài; với lòng kính sợ, tôi sẽ hướng về điện thánh Ngài mà thờ phượng.” (Thi 5:7). Tất cả sự thờ phượng thật đều được gắn chặt trong sự tôn kính sự hiện diện của Ngài, vì Chúa phán, “Ngươi phải kính sợ đền thánh Ta. Ta là CHÚA” (Lê 19:30).

Trong buổi nhóm thứ hai nhiều người được giải cứu và được chữa lành. Nhiều người trước đây bị cay đắng trói buộc và chất chứa những tổn thương đã được tự do. Nơi nào có sự kính sợ Chúa thì nơi đó sự hiện diện của Ngài bày tỏ. Và nơi nào sự hiện diện của Ngài bày tỏ thì nhu cầu được đáp ứng.

Bây giờ chúng ta hiểu được lời kêu gọi khẩn thiết của Đa-vít:

Hỡi các thánh, hãy kính sợ CHÚA, vì người nào kính sợ Ngài chẳng thiếu thốn gì.

Thi thiên 34:9

Đây là sứ điệp mà bạn đang đọc hôm nay – sự kính sợ Chúa. Trong những trang sách này, nhờ Thánh Linh giúp đỡ, chúng ta sẽ học biết không chỉ ý nghĩa của việc kính sợ Chúa mà còn học cách bước vào kho báu của chân lý này. Chúng ta sẽ học về sự phán xét xảy ra khi thiếu đi sự kính sợ Chúa cùng các ích lợi được tìm thấy trong việc kính sợ Chúa.