Chương Hai - VINH HIỂN MANG LẠI BIẾN ĐỔI

Kính Sợ Chúa

Đăng vào: 12 tháng trước

.

HAI

vintage-symbol

VINH HIỂN MANG LẠI BIẾN ĐỔI

Vì ai ở trên trời có thể so sánh cùng CHÚA? Có ai trong vòng các thần giống như CHÚA? Là Đức Chúa Trời đáng kính sợ giữa hội đồng các thánh; là Đấng vĩ đại và kinh hoàng hơn tất cả những kẻ chung quanh Ngài.

Thi thiên 89:6-7

Trước khi nói đến sự kính sợ Chúa, chúng ta phải nắm bắt sơ qua sự vĩ đại và vinh hiển của Chúa mà chúng ta phục vụ. Tác giả Thi Thiên trước hết công bố những phép lạ oai nghi của Chúa và rồi khích lệ độc giả hãy kính sợ Ngài. Những lời của Đa-vít có thể được diễn tả theo ngôn ngữ hiện đại bằng một câu hỏi đầy quả quyết: “Ai trong cả vũ trụ này sánh với Chúa?” Ông muốn chúng ta suy gẫm về vinh hiển bao la của Chúa. Vì làm sao chúng ta kính nể và tôn trọng Ngài nếu chúng ta chưa ý thức về sự vĩ đại của Ngài hoặc chưa hiểu tại sao Ngài lại xứng đáng được điều này?

Nổi Tiếng, Nhưng Chưa Biết Tiếng

Để giải thích thêm, chúng ta hãy tưởng tượng một người nào đó nổi tiếng ở một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Anh này rất có tài và hiểu biết rộng. Ai trong nước của anh đều biết về thành tích và tiếng tăm của anh. Anh là một nhà phát minh, có những đóng góp và khám phá vượt trỗi trong lịch sử con người. Anh là một vận động viên tài ba nhất của nước này. Thực tế thì không ai tranh tài với anh trong bất kỳ lĩnh vực nào. Ngoài những vấn đề kể trên, anh rất được người ta kính nể và tôn trọng. Người ta diễu hành và chào tiếp anh rất rầm rộ.

Nào chuyện xảy ra là nếu vị lãnh đạo này chu du đến một nước khác mà vị thế và thành tích của anh không được ai biết đến? Người ta sẽ tiếp đón anh như thế nào tại một nước xa lạ, một nước mà thua xa đất nước hùng mạnh của anh?

Dù những con người quyền thế nhất của nước đó cũng không sánh với những người dưới quyền anh, nhưng anh này vẫn quyết định đi thăm nước khác với tư cách là một công dân bình thường – không ăn mặc sang trọng, không có phái đoàn đi theo, không có cận vệ đi theo, không có các nhà ngoại giao hay quan chức tháp tùng. Anh đi thăm một mình. Người ta sẽ đối xử với anh như thế nào?

Nói cách đơn giản, anh sẽ được đối xử như một người khách nước ngoài. Dù người này là một con người rất vĩ đại tại đất nước của anh nhưng anh ta không được người ta kính nể gì cả. Đôi khi anh còn bị đối xử cách khinh khi, chỉ đơn giản anh là người nước ngoài. Những phát minh và khám phá khoa học của anh đã mang lại ích lợi cho đất nước bạn nhưng dân chúng ở đó vẫn không biết anh ta, và vì thế không kính nể và tôn trọng anh đúng nghĩa.

Bây giờ hãy nghe lời tường thuật của Giăng về Chúa Giê-su, Đấng Êm-ma-nu-ên, tức là Đức Chúa Trời bày tỏ trong xác thịt:

Ngôi Lời ở trong thế giới do chính Ngài sáng tạo nhưng thế giới không nhận biết Ngài. Chúa đã đến trong nước Ngài mà dân Ngài không nghênh tiếp.

Giăng 1:10-11

Thật đáng buồn là Đấng tạo dựng vũ trụ và thế giới mà chúng ta đang sống không nhận được sự đón nhận và tôn trọng như đáng phải có. Bi thảm hơn nữa, Ngài đến với dân Ngài, những người đã trông chờ Ngài và biết giao ước của Ngài, những người Ngài đã giải cứu nhiều lần bởi quyền năng của Ngài, nhưng Ngài không nhận được sự tôn trọng gì cả. Dù người ta nói về sự hiện đến của Ngài, đến đền thờ thường xuyên để trông đợi Ngài đến và cầu nguyện xin những hồng ân có được khi Ngài cai trị, nhưng họ không nhận ra Ngài khi Ngài đến.

Dân của Ngài không nhận biết Đấng oai nghi mà họ nói là đã trung tín phục vụ Ngài. Dân Y-sơ-ra-ên không chỉ không biết về quyền năng vĩ đại của Ngài mà họ còn không biết sự khôn ngoan lớn lao của Ngài. Vì thế không lạ gì họ không tôn kính hay kính sợ Ngài như đáng phải có. Chúa giải thích:

Vì dân này đến gần Ta bằng miệng; Tôn vinh Ta bằng môi nhưng lòng thì xa cách Ta. Sự chúng nó kính sợ Ta chỉ là điều răn của loài người, do loài người dạy bảo.

Ê SAI 29:13

Ngài phán: “Sự chúng nó kính sợ Ta chỉ là điều răn của loài người, do loài người dạy bảo.” Ngài muốn nói rằng dân chúng đã hạ thấp vinh hiển của Chúa đến mức vinh quang của loài người phàm tục. Người ta phục vụ Chúa theo ảnh tượng mà họ tạo ra – không theo ảnh tượng thật của Ngài mà theo tiêu chuẩn riêng của họ.

Thay Đổi Vinh Hiển Của Đức Chúa Trời Đời Đời

Thế hệ của Chúa Giê-su cũng không tránh khỏi điều này. Thật ra vào thời của Chúa Giê-su thì việc này đã rơi xuống tình trạng rất thấp. Lỗi lầm này cũng được tái diễn suốt nhiều thế hệ của những người được Chúa uỷ thác Lời Đức Chúa Trời cho họ.

Chúng ta thấy sự bất kính này xảy ra trong sự phạm tội của Ađam. Ông nghe theo sự khôn ngoan của con rắn: “Vì Đức Chúa Trời biết ngày nào đó ông bà ăn trái ấy mắt ông bà sẽ mở ra, ông bà sẽ trở nên giống như Đức Chúa Trời, biết điều thiện, ác.” (Sáng 3:5)

Tác giả Thi Thiên hỏi, “Chúa ơi, ai giống như Ngài?” Nên thật là vô ích cho Ađam khi nghĩ rằng ông có thể giống Chúa mà không cần Chúa. Trong suy nghĩ hoang tưởng của ông, Ađam hạ thấp Chúa xuống mức của con người.

Nếu bạn nhìn vào lỗi lầm của dân Y-sơ-ra-ên ở sa mạc, bạn sẽ thấy cùng một nguyên do khiến cho họ nổi loạn. Việc họ kính sợ Chúa bị bóp méo bởi hình ảnh sai lầm của họ về Chúa.

Môi-se lên núi Si-nai để nhận Lời Chúa. Nhiều ngày đã trôi qua nên “dân chúng nhóm hiệp lại” (Xuất 31:1). Luôn luôn xuất hiện nan đề khi dân chúng quy tụ lại do khôn ngoan riêng của họ mà không có quyền năng và sự hiện diện của Chúa trong đó. Thay vì chờ đợi như Chúa truyền bảo, dân chúng nhóm hiệp lại và cố làm điều gì đó để thoả mãn bản thân họ. Điều mà chỉ có Chúa mới có thể cung ứng thì được thay thế bởi những gì tạm bợ và giả tạo.

Dân chúng đã thấy quyền năng của Chúa bày tỏ nhiều lần, nhưng họ lại nặn hình tượng con bò vàng. Ngày nay việc này nghe có vẻ buồn cười, nhưng đối với dân Y-sơ-ra-ên thời xưa thì không có buồn cười gì cả. Dân Y-sơ-ra-ên đã thấy những hình tượng như thế tại Ai-cập suốt 400 năm rồi. Đây là một phần của nền văn hoá Ai-cập và vì thế nó rất phổ biến.

Sau khi nặn tượng con bò xong, con bò vàng được đem ra trước mặt dân chúng và họ đồng thanh nói, “Hỡi Y-sơ-ra-ên, đây là thần đã đem các ngươi ra khỏi xứ Ai-cập!” (Xuất 32:4). Sau đó lãnh đạo của họ tuyên bố : “Ngày mai sẽ có một lễ cho Chúa” (c.5). Để hiểu ý họ nói, chúng ta phải nhìn vào từ Hêbơrơ “Chúa” trong câu 5. Đây là từ Yehovah, mà chúng ta gọi Giê-hô-va. Từ này được định nghĩa là “Đấng hiện hữu,” một danh xưng của Chân Thần. Họ dùng danh của Chân Thần. Đây là danh của Đấng mà Môise rao giảng, Danh của Đấng mà Áp-ra-ham lập giao ước, danh của Đấng mà chúng ta phục vụ. Giê-hô-va không được dùng để mô tả bất kỳ tà thần nào khác trong Kinh Thánh. Danh Giê-hô-va này quá thánh đến độ sau này các thầy thông giáo người Hêbơrơ không được phép viết đầy đủ danh này; họ cố tình bỏ những nguyên âm để tôn kính sự thiêng liêng của danh này.

Nhưng đằng này dân chúng cùng các lãnh đạo của họ đã chỉ về con bò vàng này và gọi nó là Giê-hô-va! Họ không nói: “Đây là thần Ba-anh, thần giải cứu các ngươi ra khỏi Ai-cập!” Họ cũng không dùng tên các thần giả. Họ gọi con bò này là danh của Giê-hô-va, do đó họ đã hạ thấp sự vĩ đại của Chúa xuống mức gọi thông thường và bằng những hình ảnh hữu hạn mà họ quen thuộc.

Thật lý thú khi để ý rằng dân Y-sơ-ra-ên vẫn nhìn nhận chính Giê-hô-va là Đấng giải cứu họ khỏi ách nô lệ. Họ không phủ nhận là Ngài đã làm việc này; họ chỉ hạ thấp sự vĩ đại của Chúa xuống tới những gì mà họ quen thuộc. Trong Cựu ước, ra khỏi Ai-cập là hình bóng về việc được ra khỏi thế gian và được cứu rỗi mà Tân ước đã dạy. Những việc xảy ra trong Cựu ước là hình bóng về những gì sẽ xảy ra trong Tân ước.

Phục Vụ Chúa Bằng Hình Tượng Chúng Ta Tạo Ra

Bây giờ hãy nghe những gì Phaolô viết cho chúng ta trong Tân ước:

Vì những gì của Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, kể cả quyền năng vĩnh cửu lẫn thần tính của Ngài, thì từ thuở sáng tạo vũ trụ đã được thấy rõ nhờ nhận thức về các tạo vật, nên họ không còn cách nào bào chữa được. Vì họ đã biết Đức Chúa Trời nhưng không tôn vinh cảm tạ Ngài là Đức Chúa Trời, trái lại họ suy tưởng những chuyện hư không và lòng dạ ngu dốt của họ ra tăm tối.

Rôma 1:20-21

Để ý những người này không tôn vinh Ngài là Chúa, dân Y-sơ-ra-ên có nhìn nhận sự giải cứu của Giê-hô-va, nhưng họ không dâng cho Ngài sự tôn trọng, kính sợ hay vinh hiển như Ngài đáng phải có. Quả thật, tình thế cũng không thay đổi gì mấy, vì chỉ cần nhìn vào những gì Phaolô nói tiếp về những con người sống vào thời Tân ước: họ cũng không kính sợ Chúa như đáng phải có:

. . . đổi vinh quang của Đức Chúa Trời bất diệt ra giống như hình tượng của loài người hư nát, của chim trời, của thú đồng và loài bò sát.

Rôma 1:23

Một lần nữa chúng ta thấy hình ảnh vinh quang của Chúa đã bị hạ thấp. Nhưng lần này không phải thành con bò vàng mà là giống như loài người hư nát. Dân Y-sơ-ra-ên bị vây quanh bởi một xã hội thờ lạy những hình tượng bằng vàng giống thú đồng và bò sát. Hội thánh thời nay bị vây quanh bởi một nền văn hoá thờ lạy con người.

Suốt nhiều năm câu nói này đã liên tục vang vọng trong đầu tôi:

Chúng ta đã phục vụ Chúa theo hình ảnh mà chúng ta tạo ra.

Khi tôi đi thăm hàng trăm hội thánh, tôi gặp những lối suy nghĩ hạ thấp hình ảnh và vinh quang của Chúa xuống bằng hình ảnh của con người hư hoại. Lối suy nghĩ này đã xâm nhập nhiều hội thánh.

Có những người rất mau nhìn nhận Chúa Giê-su là Đấng cứu rỗi, Đấng chữa lành và Đấng giải cứu. Miệng họ nhìn nhận quyền cai trị của Ngài. Nhưng họ hạ thấp vinh quang của Ngài xuống tới mức con người hư hoại qua hành động và thái độ của tấm lòng họ.

Họ nói: “Chúa là bạn tôi; Ngài hiểu lòng tôi.” Sự thật thì Chúa hiểu lòng chúng ta hơn là chúng ta hiểu về mình. Nhưng thường câu nói đó được đưa ra để biện minh cho những hành động trái với giao ước của Ngài. Thật ra, họ không vâng theo Lời Chúa. Trong Kinh Thánh, hạng người duy nhất tôi thấy Chúa gọi là bạn hữu của Ngài là những người run sợ trước Lời Ngài và sự hiện diện của Ngài cũng như mau vâng lời Ngài, bất kể họ phải trả giá như thế nào.

Do đó, Chúa không nhận được sự tôn trọng và tôn kính như Ngài đáng có, hoặc nếu có họ đã vâng lời Ngài ngay rồi. Họ lấy môi miếng tôn thờ Ngài, nhưng việc họ kính sợ Ngài là do con người dạy bảo. Họ nhìn Lời Chúa và mạng lệnh của Ngài qua lối suy nghĩ bị ảnh hưởng bởi nền văn hoá của họ. Hình ảnh của họ về vinh hiển của Ngài bị nhào nặn bởi cái nhìn hạn hẹp của họ hơn là bởi hình ảnh đích thật của Chúa đã được bày tỏ qua Lời hằng sống của Ngài.

Chính cái nhìn như thế đã khiến cho họ vội chỉ trích những người lãnh đạo, như xã hội chúng ta (Mỹ) đã làm. Chúng ta có các chương trình truyền hình từ hài kịch đến trò chuyện liên tục chỉ trích các nhà lãnh đạo. Giới truyền thông chế nhạo các lãnh đạo và đề cao những con người ranh ma và nổi loạn. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu các nhà lãnh đạo biến chất? Chúa nói gì về điều này? Ngài phán: “Ngươi đừng mạ lỵ các nhà lãnh đạo dân mình!” (Công vụ 23:5). Tuy nhiên chúng ta tưởng rằng Chúa tán thành việc chỉ trích các lãnh đạo biến chất vì chúng ta đã hạ thấp phản ứng của Ngài tới mức như xã hội chúng ta đã làm, kéo Ngài xuống như hình ảnh của con người hư hoại, ngay cả trong các nhà thờ.

Tôi đã nghe một mục sư biện minh cho việc ly dị bằng lời, “Chúa muốn tôi hạnh phúc.” Họ thật sự tin hạnh phúc của họ quan trọng hơn việc họ làm theo Lời Chúa và giao ước mà họ đã lập với Ngài.

Một vị lãnh đạo hội thánh khác nói với tôi, “John à, tôi quyết định ly dị vợ tôi vì chúng tôi không hiểu nhau suốt 18 năm nay. Chúng tôi không xem phim với nhau hay vui chơi với nhau. Anh biết là tôi yêu Chúa Giê-su, và nếu tôi làm sai, Ngài sẽ chỉ cho tôi biết.” Sao Chúa lại phán riêng với chúng ta khi mà chúng ta đã bỏ qua những gì Ngài đã phán rồi?

Bằng cách nào đó những con người như thế đã bóp méo Lời của Chúa Giê-su để biện minh rằng trường hợp của họ là ngoại lệ. Như thể là Ngài phán: “Khi Ta phán trong Lời Ta rằng Ta ghét sự ly dị, nhưng điều này không áp dụng cho con. Ta muốn con hạnh phúc và có người bạn đời để vui vẻ với con. Hãy tiến hành ly dị đi. Nếu có gì sai thì con sẽ ăn năn sau.”

Đó là cách xã hội chúng ta suy nghĩ. Vô hình dung chúng ta nói rằng, “Đối với những người khác thì trắng đen rõ ràng, nhưng đối với tôi thì du di. Đối với những người khác thì sai vì nó không ảnh hưởng gì đến tôi, nhưng tôi được miễn trừ nếu chuyện vâng lời Chúa làm cho đời tôi khó chịu!”

Khi chúng ta cho phép chuyện này xảy ra ở bình diện cá nhân thì nó cũng xảy ra ở bình diện tập thể. Nên không lạ gì trong hội thánh vinh hiển của Chúa bị hạ thấp xuống tới mức con người – từ đời tư của các lãnh đạo hội thánh đến các bài giảng được giảng ra từ toà giảng.

Việc hạ thấp vinh hiển của Chúa gởi đến hội chúng thông điệp gì? Thông điệp này nói: “Chúa không có ý hay không làm như Ngài phán.” Sau đó chúng ta thắc mắc tại sao tội lỗi tràn lan giữa chúng ta và đánh mất sự kính sợ Chúa. Nên không lạ gì tội nhân ngồi cách thụ động ở hàng ghế nhà thờ mà không bị cáo trách bởi lời giảng. Không lạ gì sự nguội lạnh thường thấy ở các hội thánh giảng Kinh Thánh. Không lạ gì những người goá bụa, mồ côi, những tù nhân và người bệnh bị các tín đồ bỏ lơ.

Thường các bài giảng chúng ta đã giảng suốt 20 năm qua các toà giảng và làn sóng tạo cho người ta cái nhìn về Chúa như là “ông thần tài,” muốn ban cho chúng ta bất cứ điều gì chúng ta muốn, bất cứ khi nào chúng ta muốn. Họ chỉ vâng lời Chúa vì những lý do xác thịt. Cha mẹ nào nuôi dạy con cái theo kiểu này sẽ rốt cuộc làm hỏng chúng. Những đứa con hư hỏng thiếu đi lòng kính trọng đối với người lớn, đặc biệt khi chúng không nhận điều chúng muốn. Thiếu lòng kính trọng những người trên mình khiến cho họ rất dễ vấp phạm Chúa.

Làm sao chúng ta có thể thấy sự tôn kính này được phục hồi khi chúng ta hụt mất sự vinh hiển của Ngài? Làm sao sự vâng lời được đề cao trong lúc mà người ta cho việc bất tuân và nổi loạn là bình thường? Chúa sẽ phục hồi sự kính sợ thánh cho dân sự Ngài và đem họ quay lại Ngài để họ dâng cho Ngài sự vinh hiển và tôn trọng đích thực mà Ngài đáng phải có. Ngài hứa: “Như Ta hằng sống, cả đất đầy dẫy vinh hiển của Chúa” (Dân 14:21).