Chương 9: THIÊN ĐÀNG

Hướng Về Cõi Đời Đời

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 9: Thiên Đàng

Còn tôi, tôi sẽ chiêm ngưỡng mặt Chúa trong sự công chính, khi tôi thức dậy, tôi sẽ thỏa nguyện trông thấy hình dạng Ngài.

– Thi Thiên 17:15

Bây giờ chúng ta hãy bàn về sự qua đời của người công bình. Có một nơi ở tạm thời dành cho người không tin, được gọi là âm phủ, và sau đó là nơi ở cuối cùng của họ, được gọi là Hồ Lửa. Cũng có hai nơi cư trú dành cho các tín hữu đã qua đời. Ngôi nhà hiện tại được đa số nói đến là thiên đàng, nhưng theo đúng Kinh Thánh thì nó được gọi là Giê-ru-sa-lem trên trời. Căn nhà cuối cùng của người công bình cũng sẽ được gọi là Giê-ru-sa-lem, nhưng nó sẽ tọa lạc trên đất. Đây là thành sẽ từ trên trời ngự xuống sau sự phán xét cuối cùng. Nó được gọi là Giê-ru-sa-lem mới (xem Khải Huyền 21:2).

Giê-ru-sa-lem Ở Trên Trời

Nhưng anh chị em đến gần núi Si-ôn, gần thành phố của Đức Chúa Trời hằng sống, gần Giê-ru-sa-lem trên trời, gần muôn vàn thiên sứ hội họp va hội thánh của các con đầu lòng được ghi tên trên trời, gần Đức Chúa Trời là thẩm phán của mọi người, gần tâm linh của những người công chính đã được toàn hảo, gần Đức Giê-su là Đấng trung gian của giao ước mới… (Hê-bơ-rơ 12:22-24)

Giê-ru-sa-lem trên cao hay “Giê-ru-sa-lem ở trên trời” (xem Galati 4:26), là một thành phố, như được miêu tả là Affabel trong chuyện ngụ ngôn của chúng ta. Nó được xây dựng trên một ngọn núi có tên Si-ôn. Cha và Con sống ở đó, cùng với vô số các thiên sứ. Hội chúng phổ thông và hội thánh của các con đầu lòng ở đó cùng với các thánh đồ Cựu ước và những ai trong Đấng Christ đã qua đời.

Để ý là “tâm linh của người công bình được làm cho trọn vẹn” cũng được tìm thấy trong thành này. Những người này là ai, vì tác giả đã liệt kê cả các thánh đồ Cựu ước lẫn Tân ước đã qua đời để nhận phần thưởng của mình?

Hãy nhớ rằng khi chúng ta được sinh lại bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời, chúng ta trở thành tạo vật mới. Tâm Linh chúng ta được làm cho toàn hảo theo hình ảnh của Đấng Christ và chúng ta được tìm thấy trong Ngài. Trong câu này tác giả không nói đến hồn hay thân thể con người, mà chỉ tâm linh của họ mà thôi. Cá nhân tôi tin điều này nói đến các thánh đồ phục vụ Chúa Giê-su trên đất này. Hãy suy nghĩ điều đó! Tác giả Hê-bơ-rơ thôi thúc chúng ta, “hãy vững lòng đến gần ngai ân sủng” (Hê-bơ-rơ 4:16). Ngai ân sủng tọa lạc giữa thành của Đức Chúa Trời, và lời mời này nói cho chúng ta là những người ở trên đất này. Có thể nào nhiều người sống trên đất này được nổi tiếng ở ngai trên trời vì họ thường đến qua lời cầu nguyện không?

Chúng ta là tâm linh có hồn –hồn là sự kết hợp của tâm trí, ý chí và tình cảm –hiện sống trong thân thể vật lý của chúng ta. Chúa Giê-su nói cách thức duy nhất chúng ta có thể thật sự thờ phượng Chúa là trong “tâm linh và lẽ thật” (Giăng 4:24). Phao-lô tái nhấn mạnh điều này: “Vì Đức Chúa Trời, Đấng tôi hết lòng phụng sự trong việc rao giảng Phúc Âm về Con Ngài, chứng giám cho tôi” (Rô-ma 1:9). Vì tâm linh chúng ta đã được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời và chúng ta đã được tái sinh, nên chúng ta có khả năng – qua huyết Chúa Giê-su và quyền năng Đức Thánh Linh – để bước vào ngai của Đức Chúa Trời bất cứ lúc nào chúng ta có nhu cầu hay muốn thờ phượng.

Thăm Viếng Thiên Đàng

Giê-ru-sa-lem ở trên cao hiện tọa lạc tại một nơi gọi là tầng trời thứ ba. Đó là một nơi có thật mà sứ đồ Phao-lô đã thăm viếng trước khi ông chết. Ông viết:

Tôi phải tự hào, dù chẳng được lợi gì, về các khải tượng và mạc khải Chúa ban cho tôi. Tôi biết một người trong Chúa Cứu Thế, mười bốn năm trước đây đã được đem lên đến tầng trời thứ ba, hoặc trong thân xác hoặc ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Đức Chúa Trời biết. Tôi biết người đó, hoặc trong thân xác hoặc ngoài thân xác, tôi không biết được, chỉ có Đức Chúa Trời biết, được đem lên tận Pa-ra-đi và nghe những lời không thể nào diễn tả mà loài người cũng không được phép nói ra. (2Cô-rinh- tô 12:1-4)

Các học giả Kinh Thánh đồng ý rằng Phao-lô đang nói về bản thân ông. Thật vậy, trong bản dịch NLT câu hai được ghi lại thế này, “Tôi được cất lên tầng trời thứ ba mười bốn năm trước.” Để ý là Phao-lô không biết ông ở trong thân thể hay ngoài thân thể. Điều này chỉ có thể được giải thích bằng việc thiên đàng là một nơi có thật và là nơi vật lí. Tôi thấy có nhiều người nghĩ thiên đàng là một lĩnh vực vô hình nơi mà người ta bay lơ lửng như các hồn ma. Không, đó là một nơi vật lí có đường phố, cây cối, động vật, nhà cửa, nước non và nhiều thứ như vậy.

Tôi biết có vài người đã lên thiên đàng và quay về lại trái đất, giống như Phao-lô, nhưng hãy để tôi chia sẻ một trong những câu chuyện ưa thích của tôi. Tôi có một người bạn là mục sư tên là Greg. Tháng Mười năm 1979, trong buổi tối đầu tiên của chức vụ, ông từ buổi nhóm trở về nhà và thấy vợ mình quằn quại tại cầu thang và khóc thôi là khóc. Lập tức ông biết có điều gì đó không ổn. Ông biết ngay là đứa con trai mười tuổi Justin đã đem một bộ TV nhỏ vào phòng tắm để xem trận đấu bóng đang khi tắm. Nó vô tình kéo cái TV vào bồn tắm và bị điện giật.

Khi Greg tìm thấy con trai của mình, Justin tim khong còn đập, da thịt nó lạnh cóng và tái ngắt, mắt nó đã trợn ra, điều đó cho thấy não không có hoạt động. Greg đã được được đào tạo y tế và sơ cứu khi còn làm việc với tư cách phó cảnh sát của Sở Cảnh Sát Hạt Los Angeles, ông đã chứng kiến nhiều cái chết. Nếu ông rơi vào tình huống tương tự khi còn làm nhân viên cảnh sát, ông sẽ thông báo nạn nhân đã chết và gọi điều tra viên.

Nhưng Greg là một tín hữu biết về quyền năng của sự cầu nguyện. Ông bắt đầu cầu nguyện và thực hiện hô hấp nhân tạo cho con trai. Sau vài phút các nhân viên y tế đến, nên Greg nhường công tác y tế cho các chuyên gia đang khi tiếp tục cầu nguyện. Họ ở đó 45 phút mà cũng không làm cho Justin tỉnh lại. Máy điện tâm đồ luôn biểu thị đường thẳng. Các nhân viên y tế đâm ra lo đang khi chờ đợi xem thử còn cơ may cứu sống được hay không.

Cuối cùng Greg cầu nguyện, “Cha ơi, con không có thêm đức tin nữa. Con đã dùng hết đức tin của mình, nhưng con biết trong Lời Ngài Ngài nói về một đức tin khác.” (Ông đang nói về ân tứ đức tin được nói trong 1 Cô-rinh-tô 12:9).

Greg nói ông cảm thấy có cái gì đó giống như một bàn tay trên đỉnh đầu của anh. Khi nói xong, ông cảm nhận một sức mạnh phi thường và thẩm quyền dấy lên trong tâm linh ông, và ông hét lên với con trai mình, “Con sẽ sống và chẳng chết đâu, trong Danh Giê-su!”

Thình Lình máy điện tâm đồ bắt đầu kêu tiếng bíp, và các cử động nhịp tim xuất hiện trên màn hình. Các nhân viên y tế nhảy lên phấn khích. Lúc họ đặt Justin xuống ghế và đưa vào xe cứu thương, mặt cậu từ tái ngắt đã trở nên hồng hào, mắt cậu hoàn toàn được hồi phục và cơ thể cậu ấm lại.

Greg rất phấn khởi. Con trai ông sống và khỏe lại. Ông có một câu chuyện phép lạ để kể cho tất cả những người bạn của mình về những gì Chúa đã làm. Điều ông không nhận ra lúc đó là cuộc chiến cho mạng sống của con trai ông chỉ mới mắt đầu.

Các bác sỹ báo là thằng bé bị hôn mê. Sau khi khám, họ phát hiện mô thận của cháu chảy ra ngoài ống thông. Điều này có nghĩa, nói theo ngôn ngữ của người bình thường, cơ thể của cháu đã ngưng hoạt động. Họ nói vói Greg rằng nếu con trai ông sống, thì nó như người thực vật. Sau đó, họ báo cáo tuổi hoạt động theo cơ chế này của cháu sẽ như đứa bé ba tháng tuổi, có chỉ số IQ trông số 0,01.

Để kể vắn tắt câu chuyện, sau bảy tháng gia đình cầu nguyện và không bỏ cuộc, Justin bất chợt tỉnh ra. Cha cậu ở bên giường của cậu khi chuyện này xảy ra và ông bắt đầu hỏi con trai mình, và ông nhận câu trả lời ngay lập tức. Justin tiếp tục học và tốt nghiệp trung học, rồi đến đại học, và học trường Kinh Thánh, tất cả đều đậu cao. Cậu thậm chí là chủ tịch của lớp học năm cuối tại trung học. Hiện nay anh có hôn nhân hạnh phúc và có hai đứa con.

Cha Ơi, Con Đã Ở Với Chúa Giê-su

Ba ngày sau khi Justin xuất viện, Greg thấy mặt con trai mình rạng rỡ. Ông hỏi, “Có chuyện gì vậy Justin?”

Justin trả lời, “Cha ơi, con đã ở với Chúa Giê-su. Khi cái TV đụng vào bồn tắm, con chang cảm thấy gì hết. Một thiên sứ lớn cầm tay phải của con và kéo con ra khỏi cơ thể của mình. Chúng con bay qua một đường hầm với một tốc độ kinh ngạc. Chúng con đạt tới tốc độ ánh sáng trước khi đáp xuống một con đường ở thiên đàng.”

Justin tiếp tục kể cho cha của mình rằng các con phố không phải làm bằng vàng mà nó được làm bằng vàng ròng; cậu có thể nhìn xuyên qua chúng. Trên đất, vàng không thể được tinh luyện hoàn toàn như ở thiên đàng, và nó trong suốt như pha lê. Thậm chí ở trên đất này, vàng thường được giát trên các cửa sổ để có màu vàng (nghĩ đến mạ vàng trên mũ bảo hiểm của phi hành gia ngày xưa, trên cưa buồng lái của một số phản lực cơ hay trên cửa sổ của các tòa nhà lớn).

Justin nói những người đầu tiên chào cậu trên các con phố ở thiên đàng là các họ hàng đã qua đời. Cậu kể tên của từng người trong số họ, trong số đó có những người cậu chưa bao giờ gặp hoặc có tên (cha và mẹ cậu biết) mà cậu thậm chí chưa bao giờ biết. Có một người nữ có tên là Phyllis trong nhóm người chào cậu. Cô là hàng xóm của mẹ Justin, đã cầu nguyện để tiếp nhận Chúa Giê-su một tháng trước khi Justin bị điện giật. Cô đã qua đời hai tuần sau khi tin Chúa.

Justin đang nói chuyện với tất cả những người này thì thình lình cậu nghe tiếng xào xạc, nhóm người xung quanh cậu rẽ ra. Chúa Giê-su đứng đó.

Chúa đem Justin đi tham quan thiên đàng. Có nhiều con phố và tòa nhà; đó là một thành lớn. Những bông hoa, đồng cỏ và tảng đá đều sống động và ca hát nhịp nhàng. Justin nói việc ấy như thể họ đang ca ngợi Đức Chúa Trời. Nếu cậu bước lên cỏ hay một bông hoa, thì nó không bị dập nát. Nó lập tức đàn hồi trở về vị trí như lúc trước. Justin thấy màu sắc thật sống động và sáng lạng hơn nhiều so với những gì cậu thấy trên quả đất. Thậm chí có màu sắc cậu chưa bao giờ thấy trước đó. Cậu cũng có đặc ân được nhìn thấy các toà biệt thự của mẹ, cha và hai anh em của cậu.

Rồi một tin sốc đến: Chúa Giê-su bảo Justin phải quay trở lại trái đất. Justin không muốn rời khỏi thiên đàng, nhưng Chúa Giê-su đã đem cậu tới một nơi, tại đó Ngài kéo một bức màn. Justin có thể nhìn thấy cha gọi mình sống lại. Chúa Giê-su nói, “Ông ấy là cha của con và ông có thẩm quyền để gọi con sống lại.”

Từ lúc đó, Justin nói với cha mình là đừng bao giờ gọi cậu sống lại nếu lỡ lại chết một lần nữa – tôi thấy phần đó của câu chuyện thật hài hước khi Greg chia sẻ với tôi. Nhưng thiên đàng tốt hơn nhiều so với quả đất đến nỗi tôi thấy những ai đã nếm biết thiên đàng luôn luôn không muốn quay về quả đất.

Phao-lô đã tranh chiến với điều này, vì ông nói với hội thánh Phi-líp, “Tôi muốn ra đi để ở cùng Chúa Cứu Thế là điều tốt hơn.” (Phi-líp 1:23). Không chỉ tốt hơn mà tốt và tốt hơn rất nhiều! Phao-lô đã kinh nghiệm Thành của Đức Chúa Trời và ông muốn quay lại đó, nhưng ông chọn ở lại trần gian vì cớ lợi ích của vương quốc.

Sau đó Justin chia sẻ với cha của mình rằng khi ở thiên đàng thì cậu không phải là mười tuổi. Cậu có cơ thể của một người trưởng thành. Nhiều người, gồm Justin, tin tất cả chúng ta sẽ ba mươi tuổi khi chúng ta ở trong thân thể vinh hiển của mình. Điều đó là hợp lý vì đây là tuổi của Chúa Giê-su khi Ngài chịu đóng đinh và Kinh Thánh nói, “Các con yêu dấu! Giờ đây chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Còn chúng ta sẽ như thế nào thì chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, vì chúng ta sẽ thấy Ngài như Ngài vẫn hiện hữu.” (1Giăng 3:2)

Đây chỉ là một trong số nhiều câu chuyện có thật tôi có thể chia sẻ. Câu chuyện đó, cùng với Kinh Thánh, đã cho thấy sự thực hữu của thiên đàng. Ai là đầy tớ trung tín của Chúa Giê-su sẽ bước vào thành phố này khi họ rời quả đất.

Sự Cứu Rỗi Tâm Linh, Hồn Và Thân Thể

Như đã nói rồi, tâm linh con người trở thành tạo vật mới lúc họ tiếp nhận Giê-su làm Chúa. Họ lập tức được tái tạo theo hình ảnh của Chúa Giê-su. Điều này được xác chứng bởi câu nói của sứ đồ Giăng: “Ngài thế nào thì chúng ta cũng như vậy trong thế gian này” (1Giăng 4:17). Như bạn có thể thấy, Giăng phân biệt các tín đang ở trên đất này và tín hữu đã đi nhận phần thưởng của mình. Một người thật sự được tái sinh bởi Thánh Linh đã được làm cho trọn vẹn trong tâm linh ngay bây giờ và ngay trên đất này.

Sau khi tâm linh chúng ta được cứu, thì tiến trình cứu rỗi phần hồn bắt đầu. Như đã chỉ ra trước đó, hồn gồm có tâm trí, ý chí và tình cảm. Hồn chúng ta được cứu hay biến đổi bởi Lời Chúa và sự vâng lời của chúng ta đối với Lời Ngài. Sứ Đồ Gia-cơ khẳng định điều này khi nói, “Thưa anh chị em thân yêu, hãy ý thức điều này… Vì thế, hãy bỏ tất cả những điều ô uế, gian ác đang lan tràn, lấy lòng mềm mại nhận lấy lời Chúa đã trồng trong anh chị em, là lời có khả năng cứu rỗi linh hồn anh chị em. Hãy thực hành Lời Chúa, đừng tưởng chỉ nghe là đủ mà tự lừa dối mình.” (Gia-cơ 1:19, 21-22). Điều quan trọng cần để ý là liên quan đến sự cứu rỗi phần hồn, Gia-cơ đang nói với anh chị em, không phải người không tin. Ông nhấn mạnh việc nghe lẫn làm theo Lời Đức Chúa Trời.

Hồn là phần duy nhất của con người mà mức độ được cứu là do chúng ta quyết định. Chúng ta hợp tác qua việc nghe và làm theo Lời Chúa, là việc sẽ đẩy nhanh tiến trình này. Còn ngược lại, chúng ta sẽ làm chậm tiến trình cứu rỗi qua việc xem thường những gì Chúa phán. Sự biến đổi phần hồn của chúng ta rất quan trọng đối với việc chúng ta là một tín hữu kết thúc tốt đẹp.

Cuối cùng, có một phần sau cùng của chúng ta cần phải được cứu: thân thể. Hãy đọc kỹ những gì Phao-lô viết về vấn đề này.

Vì chúng ta biết rằng nếu trại tạm trú của chúng ta dưới đất bị hủy diệt, chúng ta còn có nhà vĩnh cửu ở trên trời là nhà do Đức Chúa Trời xây dựng chứ không phải do loài người làm ra. Thật vậy, chúng ta than thở trong trại tạm trú này, mong ước mặc lấy nhà trên trời. Khi đã mặc lấy thì không bị trần truồng. Còn sống trong trại tạm trú bao lâu, chúng ta còn than thở não nề, không phải vì chúng ta muốn lột bỏ nó nhưng muốn mặc thêm vào để cái chết bị sự sống nuốt đi. Đấng đã chuẩn bị điều này cho chúng ta chính là Đức Chúa Trời, Ngài cũng ban Đức Thánh Linh cho chúng ta làm bảo chứng. Vì thế, chúng ta luôn luôn tin tưởng và biết rằng khi nào còn sống trong nhà của thân xác thì chúng ta xa cách Chúa. Vì chúng ta sống bởi đức tin, chứ không phải bởi điều mắt thấy. Chúng ta tin tưởng và mong ước rời khỏi thân xác để về nhà với Chúa thì tốt hơn. (2Cô-rinh-tô 5:1-8)

Đọc những lời này mang lại cho chúng ta hy vọng lớn lao và thậm chí làm sạch tâm hồn chúng ta. Để ý Phao-lô không chỉ nói đến mà ông còn tập chú vào sự thật là chúng ta sẽ có thân thể đời đời. Ở một chỗ khác ông nói, “Vì sự hư nát này phải mặc lấy sự không hư nát và sự hay chết sẽ mặc lấy sự bất tử” (1Cô-rinh-tô 15:53). Thân thể chúng ta sẽ không khác gì thân thể của Chúa Giê-su, vì Kinh Thánh nói, “Vì nếu chúng ta kết hợp với Ngài trong sự chết giống như sự chết của Ngài thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ kết hợp với Ngài trong sự sống lại của Ngài” (Rô-ma 6:5). Và, “Các con yêu dấu! Giờ đây chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Còn chúng ta sẽ như thế nào thì chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, vì chúng ta sẽ thấy Ngài như Ngài vẫn hiện hữu.” (1 Giăng 3:2).

Chúng ta hãy xem thân thể của Chúa Giê-su sau khi Ngài sống lại. Bất cứ đặc điểm nào thân thể vật lý của Ngài có, chúng ta sẽ có một khi chúng ta kinh nghiệm sự cứu chuộc thân thể. Chúng ta hãy bắt đầu với những gì xảy ra ngay tại ngôi mộ vào buổi sáng Ngài sống lại. Mary Magdalene phát hiện ngôi mộ trống trước hết và than khóc, nghĩ rằng thân thể Chúa đã bị ai trộm.

Nói xong, nàng quay người lại, thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng không nhận ra Ngài.

Chúa hỏi: “Con ơi, sao con khóc? Con tìm ai?” Tưởng đây là người làm vườn, nàng khẩn khoản: “Thưa ông, nếu ông dời Ngài đi, xin cho tôi biết ông đặt Ngài ở đâu để tôi đến đem về.” (Giăng 20:14-15)

Bộ dạng của Chúa Giê-su không khác với người bình thường. Ngài không giống như một người ngoài hành tinh trong các bộ phim giả tưởng. Mary đã không nhận ra Ngài vì cô không dám tin là Ngài sống lại. Cô nhìn thấy Chúa Giê-su bị đánh đập tàn bạo, bị đem đi và chôn cất. Cô chỉ có thể tin đó thật sự là Ngài cho đến khi Ngài nói chuyện với cô cách cá nhân. Cô nhầm Ngài là người làm vườn. Vì thế Ngài có một cơ thể rất giống với cơ thể chúng ta đang có.

Thân thể của Chúa Giê-su không khác với thân thể một người bình thường. Nhưng chúng ta phải hỏi, phải chăng Mary nhìn thấy một khải tượng về tâm linh của Ngài, hay Ngài thật sự có thể xác không? Câu hỏi này được trả lời rõ ràng trong câu chuyện sau khi Chúa Giê-su hiện đến với các môn đồ. Ngài nói, “Tại sao các con hoảng hốt và lòng các con nghi ngờ như thế? Hãy xem tay Ta và chân Ta, vì thật chính Ta đây! Hãy sờ Ta xem! Ma chẳng có xương có thịt như các con thấy Ta có đây!” (Luca 24: 38 -39).

Chúa Giê-su có thịt và xương. Nên chúng ta cũng sẽ có. Nhưng để ý Chúa Giê-su không nói gì về huyết. Đó là vì huyết Ngài được rưới lên Nắp Thi Ân của Đức Chúa Trời. Bây giờ những gì tuôn ra qua tĩnh mạch của Ngài, tôi tin, là sự sống vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Chúa Giê-su cũng có thể ăn thức ăn thuộc thể. Ta đọc, “Thấy họ vẫn chưa tin vì vừa vui mừng vừa kinh ngạc, Ngài hỏi: “Tại đây các con có gì ăn không?” Họ đưa cho Ngài một miếng cá khô. Ngài cầm lấy, ăn trước mặt họ” (Luca 24:41-43).

Việc Chúa Giê-su ăn trước mặt môn đồ không chỉ diễn ra một lần. Có hai trường hợp khác được ghi lại: một là ở trong nhà của một người mà Ngài gặp trên đường Em-ma- út, và trường hợp kia là khi Ngài nấu bữa sáng cho mười một môn đệ tại bờ biển. Vì thế, trong thân thể đời đời của mình chúng ta có thể ăn uống.

Trong thân thể vinh hiển của Ngài, Chúa Giê-su có thể nói, hát, đi bộ, cầm đồ vật và vân vân, giống như một người bình thường, nhưng Ngài cũng có thể đi xuyên qua tường và biến mất trong nháy mắt!

Bạn hỏi, “Ngài có xương và thịt nhưng có thể đi bộ qua đường và biến mất được sao?” Vâng, hãy xem điều Giăng ghi lại: “Buổi chiều ngày đầu tuần lễ đó, khi các môn đệ đang họp, các cửa ra vào đều đóng chặt vì sợ người Do Thái, Đức Giê-su đến đứng giữa họ, phán rằng: “Bình an cho các con!” (Giăng 20:19).

Trong cuộc gặp với những người thuộc về Ngài, Chúa Giê-su đã bảo Thô-ma đặt ngón tay vào tay Ngài và hông Ngài. Nên một lần nữa ta thấy Chúa Giê-su có xương và thịt. Sao Ngài có thể bất chợt đứng giữa họ, thậm chí khi cửa đang khóa? Ngài đi qua tường và xuất hiện – Ngài xuất hiện cũng dễ như biến mất, điều này cũng được ghi lại. Sau khi Ngài bẻ bánh với những người Ngài gặp trên đường Em-ma-út, chúng ta được biết, “Lúc ấy, mắt họ bừng mở, nhận ra Ngài, nhưng Ngài biến đi,không còn thấy nữa.” (Luca 24:31).

Trong thân thể phục sinh, chúng ta cũng sẽ có khả năng để “biến mất” và “tái xuất” tại một địa điểm khác. Điều này giải thích cách chúng ta sẽ di chuyển các quãng đường xa ở trên trời mới và đất mới. Chúng ta sẽ phải làm điều này, bởi vì Thành của Đức Chúa Trời rộng và dài 1400 dặm, chưa nói đến khoảng cách trong việc đi đến các dải ngân hà khác. Chúng ta cũng có thể nổi trong không khí; nhớ lại việc Chúa Giê-su đã cất lên thiên đàng sau bốn mươi ngày nói chuyện với các môn đồ. Một trong những điều Justin báo lại cho cha mình (cũng được báo cáo bởi những người tôi biết đã lên thiên đàng) là bạn có thể đi bộ, trôi nổi hay lập tức di chuyển đến một nơi nào đó. Trong chuyến đi của Justin với Chúa Giê-su, có những phần cậu đi bộ và những phần cậu bay lượn và trôi đến các nơi.

Cai Trị Một Nghìn Năm Của Đấng Christ

Chúng ta cần chuyển sự chú ý của mình về sự di dời Thành Đức Chúa Trời, nhưng trước hết ta hãy bàn các biến cố xuất hiện trước. Cuối Thời Đại Hội Thánh, sẽ có bảy năm đại nạn. Kẻ vô đạo, là kẻ địch lại Christ, sẽ xuất hiện và lừa dối nhiều người. Hắn sẽ chống lại và tự tôn cao bản thân trên tất cả mọi thứ, gọi mình là Đức Chúa Trời và bắt người ta thờ lạy. Hắn sẽ bắt bớ các thánh đồ và dẫn nhiều nước vào sự tối tăm nhằm nổi loạn nghịch lại Đức Chúa Trời.

Trong thời gian này, Chúa sẽ đến tiếp rước các thánh của Ngài. Một số người tin việc này sẽ diễn ra trước thời kỳ bảy năm bắt đầu, người thì tin là sẽ xảy ra sau ba năm rưỡi đầu, người khác thì tin sẽ diễn ra cuối bảy năm. Tôi không nói đến vấn đề ấy trong cuốn sách này. Điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng không.

Phao-lô bàn về “sự cất lên” của hội thánh vài lần trong Tân Ước. Đây là một phân đoạn như thế:

Vì khi mệnh lệnh ban ra cùng với tiếng gọi của thiên sứ trưởng và tiếng kèn của Đức Chúa Trời vang lên thì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống. Bấy giờ những người chết trong Chúa Cứu Thế sẽ sống lại trước hết, rồi đến chúng ta là những người đang sống mà còn lại sẽ cùng họ được cất lên trong đám mây để nghênh tiếp Chúa trên không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi. (1Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17)

Đây không phải là sự trở lại lần thứ hai của Chúa Giê- su Christ vì Chúa Giê-su sẽ không đến trái đất nhưng sẽ gặp những thánh đồ trung tín của Ngài trên các đám mây. Sự hiện đến lần thứ hai xuất hiện lúc kết thúc bảy năm đại nạn với sự trở lại của Chúa Giê-su và Ngài cưỡi một con ngựa trắng, dẫn dầu các đạo thiên binh, và vô số các thánh của Ngài (xem Giu-đe 4).

Kẻ địch lại Đấng Christ, tiên tri giả, các lãnh đạo thế gian và quân đội của các nước sẽ tập hợp để chiến trận chống lại Chúa và đạo quân của Ngài. Chúa Giê-su sẽ giết họ bằng gươm của Ngài trong một ngày chiến trận, và các chim trời sẽ ăn thịt của chúng. Điều này thường được nói đến là Armageddon vì nó sẽ xảy ra tại một nơi ở thung lũng Megiddo, trải dài từ núi Cạt-mên ở phía đông nam cho đến thành Giê-ru-sa-lem (xem Khải Huyền 16:16, Khải Huyền 19:11-21).

Sẽ có vô số người khắp thế giới, họ không nổi loạn chống lại Chúa trong cuộc chiến này cũng không trung thành với kẻ địch Đấng Christ. Nhiều nhà thần học tin rằng những người này sẽ sống sót và tiếp tục sống cho đến thời đại tiếp theo, thường được nói đến là sự cai trị một nghìn năm của Đấng Christ. Họ sẽ cứ ở trong các quốc gia của mình và sẽ phục dưới sự cai trị toàn cầu của Đấng Christ. Họ sẽ có thân thể tự nhiên và tiếp tục sinh sôi nảy nở trên đất.

Nên về cốt lõi, sẽ có hai loại người cư ngụ trên đất sau những năm đại nạn; những người sống sót qua cuộc chiến Armageddon và các thánh đồ trở lại với Chúa Giê-su. Các thánh đồ sẽ có thân thể vinh hiển giống hình ảnh của Vua Giê-su, và họ sẽ là những người cai trị với Ngài trên đất. Thật không khó để hiểu cách hai nhóm này liên hệ với nhau; việc đó sẽ không khác gì cuộc nói chuyện của Chúa Giê-su với các môn đồ của Ngài sau khi Ngài sống lại. Các thánh đồ được làm cho vinh hiển có thể nói năng, đi lại, ăn uống, và giao thiệp với những người còn sống trong thân thể tự nhiên.

Kinh Thánh cho thấy trong thời gian này sẽ có sự bình an toàn cầu – thật ra, đó là sự bình an khắp vũ trụ – vì Satan và các bè lũ của hắn sẽ bị trói lại trong một ngàn năm. Sẽ không có chiến tranh, bất công, thù ghét, xấu hổ, tội phạm, bệnh tật và vân vân vì vô số người ở tất cả các nước trở lại với Đức Chúa Trời. Tiên tri Mê-chê nói:

Trong những ngày đến, hòn núi nơi dựng đền thờ của CHÚA sẽ được lập vững vàng là núi cao nhất, sẽ được nâng cao vượt khỏi các đồi, và các dân sẽ đổ về đó. Nhiều quốc gia sẽ rủ nhau đến đó: “Nào, chúng ta hãy lên núi CHÚA, chúng ta hãy lên đền thờ Đức Chúa Trời của Gia-cốp, để Ngài dạy chúng ta đường lối Ngài, để chúng ta bước đi trong các nẻo Ngài. Kinh luật sẽ ra từ núi Si-ôn, và lời CHÚA từ thành Giê-ru-sa-lem. Ngài sẽ xét xử giữa nhiều dân, Ngài sẽ phân xử các cường quốc xa xôi. Người ta sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn dao tỉa cây. Chẳng còn nước nào giơ gươm lên nghịch cùng nước khác, chẳng còn ai học tập chiến tranh nữa. Ai nấy sẽ ngồi dưới gốc cây nho và cây vả của riêng mình. Chẳng còn ai gây sợ hãi nữa. Chính CHÚA Vạn Quân đã phán. (Mi-chê 4:1-4)

Sẽ có sự thịnh vượng toàn cầu và hệ thống tài chính an toàn vì các nước sẽ làm theo luật pháp của Chúa. Đó sẽ là một thời kỳ tuyệt vời!

Ngai Phán Xét Lớn Trắng

Sau khi một ngàn năm kết thúc, Satan sẽ được thả ra khỏi ngục trong một thời gian ngắn. Nó sẽ được phép đi ra và lừa dối các nước. Việc này không bao gồm các thánh đồ có thân thể vinh hiển của họ, mà chỉ những người còn sống trong thân thể tự nhiên cư trú tại các nước, những người sống sót qua trận Armageddon hay được sinh ra trong thời kỳ một ngàn năm.

Những kẻ nổi loạn sẽ tập trung với nhau, vây quanh thành Giê-ru-sa-lem để chiến tranh, rồi lửa của Chúa từ trên trời sa xuống và nuốt chửng chúng. Ma quỷ sẽ bị quăng xuống “hồ lừa và diêm sinh.” Hắn bị thống khổ ngày và đêm mãi mãi. Hắn sẽ không bao giờ được thả ra một lần nữa (xem Khải Huyền 20:7-10).

Ngai Phán Xét Trắng sẽ diễn ra ngay sau đó. Âm phủ sẽ giao lại người đã chết thuộc mọi thế hệ, từ những ngày của A-đam cho đến trận chiến cuối cùng này. Tất cả những ai không bước vào giao ước của Đức Giê-hô-va trong thời Cựu Ước hay đầu phục quyền làm Chúa của Giê-su Christ sau đó sẽ đứng trước Vua và giải trình, như chúng ta đã thấy trong sự phán xét nhân vật Độc Lập, Bị Lừa Dối, Ngã Lòng và Sống Hai Mặt. Ai không có tên được ghi vào Sách Sự Sống sẽ bị quăng đời đời vào Hồ Lửa cùng với satan và các bè lũ hắn.

Trời Mới Và Đất Mới

Khi các tầng trời và trái đất hiện có bị lửa thiêu đốt (xem 2Phi-e-rơ 3:10-13), trời mới và đất mới sẽ xuất hiện. Sứ đồ Giăng viết, «Lúc ấy, tôi thấy trời mới và đất mới vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến mất và biển cũng không còn nữa.” (Khải Huyền 21:1).

Sứ đồ Giăng sau đó miêu tả sự ngự xuống của Giê-ru-sa- lem Mới từ trên cao để được tọa lạc đời đời trên đất. Thành này được nói đến là Vợ của Chiên Con hay Nàng dâu bởi vì nó sẽ la ngôi nhà cho tất cả những người được cứu chuộc của Chúa, trải dài từ A-đam cho đến những người được nhận vào sự vinh hiển lúc Đấng Christ trở lại lần thứ hai. Giăng miêu tả tổng quát về Giê-ru-sa-lem mới này:

Tường thành thì lớn và cao; có mười hai cổng, ở các cổng có mười hai thiên sứ canh gác… Phía đông có ba cổng, phía bắc có ba cổng, phía nam có ba cổng và phía tây có ba cổng. Thiên sứ đang nói chuyện với tôi, mang theo một cái thước tức là cây gậy bằng vàng, để đo thành phố, các cổng và tường thành. Thành phố vuông vức, chiều dài và chiều rộng đều bằng nhau. Người dùng gậy đo thành phố mỗi chiều được mười hai ngàn dặm ết-ta-đơ, ba chiều dài, rộng và cao đều bằng nhau. Người đo tường thành: Tường dày một trăm bốn mươi bốn bộ cu-bít, theo lối đo lường của loài người mà thiên sứ ấy đang dùng. Tường xây bằng ngọc thạch anh, còn thành phố bằng vàng ròng, trong như thủy tinh. Nền móng của tường thành được tô điểm bằng đủ mọi thứ bảo thạch. Nền thứ nhất bằng ngọc thạch anh, nền thứ hai bằng lam ngọc, nền thứ ba bằng ngọc mã não, nền thứ tư bằng bích ngọc, nền thứ năm bằng bạch ngọc, nền thứ sáu bằng ngọc hồng mã não, nền thứ bảy bằng kim lục thạch, nền thứ tám bằng lục ngọc, nền thứ chín bằng hoàng ngọc, nền thứ mười bằng ngọc phỉ túy, nền thứ mười một bằng ngọc hồng bửu, nền thứ mười hai bằng ngọc tử bửu. Mười hai cổng là mười hai hạt ngọc trai, mỗi cổng làm bằng một viên ngọc nguyên khối. Đường phố trong thành đều bằng vàng ròng tợ thủy tinh trong suốt. (Khải Huyền 21:10-21).

Thành này tuyệt đẹp, một kỳ quan không giống thành nào trên đất chúng ta từng thấy. Nó sẽ phát ra sự sang trọng, rạng rỡ và huy hoàng. Sẽ không có bất kì sự hư hoại nào vì thành hoàn toàn là tinh ròng.

Giăng tiếp tục miêu tả:

Rồi thiên sứ chỉ cho tôi xem sông nước hằng sống trong như pha lê chảy ra từ ngai Đức Chúa Trời và ngai Chiên Con, chảy giữa đại lộ của thành phố. Hai bên bờ sông trồng cây hằng sống ra trái mười hai mùa, mỗi tháng một lần kết quả, lá cây dùng để chữa bệnh cho các dân tộc. Tại đó sẽ không còn nghe lời nguyền rủa. Ngai Đức Chúa Trời và ngai Chiên Con sẽ đặt trong thành; các đầy tớ Chúa sẽ phụng vụ Ngài. Họ sẽ được thấy mặt Ngài và Danh Ngài được ghi trên trán họ. Đêm tối không còn nữa. Họ sẽ không cần đèn hay ánh sáng mặt trời vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ chiếu sáng họ và họ sẽ trị vì cho đến đời đời. (Khải Huyền 22: 1-5).

Để ý Kinh Thánh bày tỏ là chúng ta sẽ thấy mặt Đức Chúa Trời. Điều mà Môi-se khao khát nhưng bị từ chối thì chúng ta sẽ chiêm ngưỡng. Thật kỳ diệu và phấn khích biết bao!

Cũng hãy để ý là lá cây sự sống sẽ đem lại sự chữa lành cho các nước. Điều này dấy lên một số câu hỏi lí thú. Các nước này gồm những ai, vì các thánh sẽ ở trong thành phố? Các thánh đồ sẽ cai trị mãi mãi chỗ nào? Liệu sẽ có những người được sinh đẻ tự nhiên trong thời gian này nữa không? Ê-sai trả lời điều này.

Vì nầy, Ta đã sáng tạo Trời mới và đất mới. Những điều trước kia sẽ không còn được nhớ đến, cũng không được nhắc đến trong tâm trí. Nhưng hãy hân hoan và vui mừng mãi mãi vì những gì Ta sáng tạo. Vì nầy, Ta tạo nên Giê-ru-sa-lem như một nguồn vui, Ta dựng nên dân thành ấy như một niềm hoan hỉ. Ta sẽ vui mừng vì Giê-ru-sa- lem, Ta sẽ hoan hỉ vì dân Ta. Nơi đó sẽ không còn nghe tiếng khóc la, than vãn. (Ê-sai 65: 17 – 19).

Bây giờ Ê-sai chuyển sang nói về những người ở bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem Mới:

Tại đó sẽ không còn trẻ con chết yểu, cũng chẳng có người già mà không sống đầy tuổi thọ. Vì người chết lúc trăm tuổi là chết trẻ và kẻ chỉ sống đến trăm tuổi sẽ bị coi như bị rủa sả. Người ta sẽ xây dựng nhà cửa và được ở trong đó, sẽ trồng vườn nho và được ăn quả. Họ sẽ không xây nhà cho người khác ở, không trồng nho cho người khác ăn trái. Vì tuổi thọ của dân Ta sẽ như số năm của cây; Những người được chọn của Ta sẽ hưởng công lao của tay mình làm. Họ sẽ không làm việc vất vả vô ích, không sinh con cái để gặp tai họa bất ngờ, vì là dòng dõi được CHÚA ban phước; Họ cùng con cháu của họ. Trước khi họ gọi, chính Ta đã đáp lời; Khi họ còn đang nói, chính Ta đã nghe. Chó sói và chiên con sẽ ăn chung, sư tử sẽ ăn rơm như bò, bụi đất sẽ là thức ăn cho rắn. Sẽ không có ai làm tổn hại hay tàn phá trên khắp núi thánh Ta,” CHÚA phán như vậy. (Ê-sai 65:20-25).

Nhiều người đã áp dụng không đúng phân đoạn này cho sự cai trị một ngàn năm của Đấng Christ. Tuy nhiên, nó nói rõ về thời đại khi trời mới và đất mới đã đâu vào đấy. Qua việc nghiên cứu các sách của sứ đồ Giăng và Ê-sai, chúng ta biết có những người sống ở ngoài Thành Đức Chúa Trời trong thời gian này. Họ tự xây nhà trong sự thịnh vượng và trong sự bình an đời đời khắp vũ trụ. Những người này không thể là các thánh đồ cư ngụ trong thành thánh, vì họ được chính Chúa Giê-su chuẩn bị sẵn các căn biệt phủ (xem Giăng 14: 2 – 4).

Cũng hãy để ý những người này cũng sẽ sinh con cái. Điều này cũng không thể nói về các thánh đồ được vinh hiển, vì Chúa Giê-su nói rõ rằng những người có thân thể vinh hiển sẽ không sinh sản, vì họ sẽ không kết hôn. Ngài nói, “Vì trong ngày sống lại, người ta sẽ không cưới vợ, gã chồng nhưng sẽ như thiên sứ trên trời.” (Ma-thi-ơ 22:30). Đây là một sự thật khác mà Justin xác chứng trong chuyến đi thiên đàng của mình.

Các nước này sẽ cư ngụ tại đất mới, làm phong phú quả đất bằng việc trồng trọt, thu hoạch và xây dựng. Họ sẽ gia tăng và lấp đầy quả đất một cách thoải mái, giống như A-đam và các hậu duệ của ông đã làm nếu ông không sa ngã.

Làm sao có thể giải thích điều này một cách lô-gic đây? Một khả năng có thể được bàn đến là thế này; khi một nghìn năm bắt đầu, sự sống con người tự nhiên sẽ được kéo dài vì kẻ thù cuối cùng của chúng ta – sự chết – sẽ bị tiêu diệt (xem 1Cô-rinh-tô 15:26). Chúa Giê-su sẽ tiêu diệt sự rủa sả của sự chết cả thuộc linh lẫn thuộc thể. Vì thế, con người có tiềm năng sống qua thời kỳ một ngàn năm.

Cuối thời kỳ một nghìn năm, có thể những người ở trong thân thể tự nhiên được ban cho món quà sự sống đời đời này nếu họ không nổi loạn chống lại Chúa khi satan được thả ra trong thời gian ngắn. Tác giả Thi Thiên viết, “Vì vậy các dân sẽ ca ngợi Ngài đời đời.” (Thi Thiên 45:17). Một cách để hiểu khả năng này là xem những người này giống như A-đam và Ê-va trước sự sa ngã. A-đam không được tạo dựng để chết nhưng để sống đời đời. Món quà này đã bị mất qua sự bất tuân của ông, ông đã đem sự rủa sả là sự chết và sự hư hoại cho dòng dõi của mình.

Chỉ có những người được cứu chuộc của Đấng Christ, có thân thể vinh hiển mới cư ngụ trong thành Giê-ru-sa- lem mới. Tuy nhiên, theo Kinh Thánh thì có vẻ những người trong cơ thể tự nhiên có thể đi qua thành, ăn trái cây của thành và thờ phượng Chúa. Chúng ta thấy điều này trong sách của Giăng:

Các dân tộc sẽ qua lại dưới ánh sáng nó; các vua trên thế giới sẽ mang vinh quang mình vào đó. Các cổng thành suốt ngày không đóng vì ở đó không có ban đêm. Người ta sẽ đem vinh quang, vinh dự của các dân tộc vào đó. (Khải Huyền 21:24-26).

Từ khởi thủy, con người sa ngã dưới sự cám dỗ của tội lỗi. Hình phạt là sự chết, cả về thuộc linh lẫn thuộc thể, kết qủa là sự chết đời đời. Tuy nhiên, sự Sa Ngã không ngăn cản Chúa không thực hiện kế hoạch đời đời nguyên thủy của Ngài dành cho con người trên đất.

Có thể nào Chúa chịu thất bại đối với dự định của Ngài vì sự bất tuân của con người không? Không. Ngược lại Đức Chúa Trời đảo ngược sự thất bại của con người thành một phước hạnh qua sự cứu chuộc của Đấng Christ, bằng cách gom từ chính loài người sa ngã một dân thánh, vinh hiển, là những người sẽ cai trị trên con người tại đất mới. Điều này giúp chúng ta hiểu những lời của Chúa Giê- su trong câu chuyện người đầy tớ trung tín: “‘Được lắm, đầy tớ giỏi của ta. Vì ngươi trung tín trong việc nhỏ nên ngươi sẽ được quản trị mười thành.” (Luca 19:17). Phải chăng đây là các thành phố trong kỷ nguyên một ngàn năm và đời đời của quả đất mới không?

Nếu sự Sa Ngã không xảy ra, Chúa sẽ không có một nhóm người vinh hiển để giúp Ngài quản trị và cai trị trên các vấn đề của trái đất và vũ trụ đời đời. Ngài nhìn thấy trước điều này trong sự khôn ngoan đời đời của Ngài; vì lí do này, Chúa Giê-su được nói đến là “Chiên Con là Đấng đã bị giết từ khi sáng tạo vũ trụ.” (Khải Huyền 13:8).

Khi một nghìn năm bắt đầu, và trong kỷ nguyên đời đời của đất mới, thì mục đích nguyên thủy của Đức Chúa Trời sẽ được ứng nghiệm – để làm cho quả đất này đầy dẫy những cư dân tự nhiên sẽ sống bất tử. Những lời của Chúa Giê-su sẽ được ứng nghiệm cách đầy trọn: “Nước Cha được đến, Ý Cha được nên, ở đất như ở trời.” (Ma- thi-ơ 6:10). Nước Cha ở trên đất như Justin đã thấy trên thiên đàng: các màu sắc mới đẹp đẽ, cây sống và vầng đá ngợi khen Chúa, kiến trúc hoàn hảo, nước hằng sống và vân vân. Một thế giới toàn hảo!

Ê-sai kết luận cuốn sách tiên tri của mình bằng cách nói về thời đại đất mới thế này:

“Vì như trời mới và đất mới mà chính Ta làm ra sẽ đứng vững trước mặt Ta thế nào thì dòng dõi và tên các ngươi cũng đứng vững như thế.” CHÚA phán: Từ ngày trăng mới này đến ngày trăng mới khác, từ ngày Sa-bát này đến ngày Sa-bát nọ, mọi người sẽ đến thờ phượng trước mặt Ta. Họ sẽ đi ra và thấy xác của những người phản loạn cùng Ta; vì giòi bọ trên chúng nó sẽ không chết, lửa thiêu chúng nó sẽ không tàn và chúng nó là vật ghê tởm cho mọi người.” (Ê-sai 66:22-24).

Suy nghĩ này rất nghiêm túc, nhưng xuyên sốt cả đời đời, chúng ta có thể đến một nơi nhất định và nhìn xem số phận kinh khiếp của satan, các quỷ sứ của hắn và những con người nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời. Có lẽ đây là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đó là luôn đặt trước mắt mọi tạo vật những hậu quả kinh khiếp của tội lỗi và nổi loạn. Hãy suy nghĩ điều đó: Satan rơi vào sự nổi loạn dù không có người cám dỗ. Nếu Chúa giữ cảnh này trước mặt toàn bộ tạo vật của Ngài xuyên suốt cõi đời đời, nó sẽ là một sự răn đe mạnh mẽ để không rơi vào tội kinh khiếp mà Lucifer cùng các quỷ sứ nó đã rơi vào.

Như đã nói rồi, các thánh đồ vinh hiển sẽ sống trong thành của Đức Chúa Trời, là Giê-ru-sa-lem Mới. Họ sẽ nhận các phần thưởng và địa vị đời đời của mình, tức là phục vụ Vua Đời Đời trước thời kỳ một ngàn năm tại Ngai Phán Xét của Đấng Christ, chúng ta sẽ khám phá sâu hơn điều này ở chương sau.