Chương 14: ẢNH HƯỞNG CÁ NHÂN

Hướng Về Cõi Đời Đời

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Chương 14: Ảnh Hưởng Cá Nhân

Riêng phần con, con đã theo sát ta, và con biết lời dạy dỗ, nếp sống, chí hướng của ta; con đã thấy đức tin, lòng kiên nhẫn, tình yêu thương và sự chịu đựng của ta.

2Ti-mô-thê 3:10

Trong cõi đời đời, chúng ta sẽ được ban thưởng hay bị mất phần thưởng, tất cả đều liên hệ đến việc chúng ta

có ảnh hưởng gì đến đời sống của những người khác. Kết quả này không chỉ đến từ chức vụ của chúng ta mà cũng quan trọng không kém đó là từ chính đời sống cá nhân của chúng ta – cách chúng ta sống và đối xử với người khác.

Cách chúng ta nhìn người khác sẽ thúc đẩy cách ta đối xử với họ, hoặc là xây dựng hoặc là phá đổ. Nếu chúng ta xem người ta thua mình, thì chúng ta sẽ đối xử với họ như thế. Rồi chúng ta sẽ xem nhẹ các nhu cầu của họ và nói chuyện với họ với thái độ của người «bề trên.» Nếu chúng ta coi trọng người khác, chúng ta sẽ tìm cách để xây dựng và làm mạnh mẽ đời sống của họ xuất phát từ tấm lòng trắc ẩn và yêu thương.

Nếu chúng ta xem con người là nguồn cung cấp, thì chúng ta sẽ lợi dụng họ, đặc biệt khi chúng ta đặt ước muốn hay nhu cầu của chúng ta trên giá trị của họ. Nếu chúng ta xem người ta là những người được tạo dựng theo ảnh tượng của Chúa và cực kỳ quí giá, thì động cơ của chúng ta là chúc phước người khác dẫu chúng ta phải chịu thiệt thòi. Đây là cách hành xử giống Chúa.

Các Đồn Lũy Ích Kỷ

Tôi từng là một rất người tập chú vào bản thân trước khi tin Chúa Giê-su. Sau khi tin Chúa năm 1979, Thánh Linh đã phải đánh mạnh vào các đồn lũy ích kỷ trong thói quen hành xử của tôi. Khỏi phải nói, mười năm đầu của tôi trong Chúa là một giai đoạn xử lý các đồn lũy này.

Một trong những đồn lũy trong đời sống tôi là tình dục. Nếu bị cám dỗ xem phim ảnh khiêu dâm thì tôi thấy rất khó chống cự. Sau khi tranh chiến trong sáu năm, tôi được giải cứu vào ngày thứ tư của một đợt kiêng ăn vào năm 1985. Khi tôi được tự do, tiến trình được đổi mới tâm trí của tôi bắt đầu.

Vài năm sau đó tôi đã phát hiện căn nguyện của sự tham dục này. Tình yêu của Chúa tiếp tục tăng trưởng trong lòng tôi, và cảm nhận của tôi về giá trị của con người gia tăng đáng kể. Tôi nhận ra tính ích kỉ về chứng nghiện trước đây của tôi. Nhìn một người phụ nữ trong phim ảnh khiêu dâm hay nhìn một cách dâm dục là hạ thấp người ta như một miếng mồi, và việc này càng khiến lòng tôi trở nên kinh tởm.

Khải thị về một người phụ nữ được tạo dựng theo ảnh tượng của Chúa và được mặc lấy vinh hiển và tôn trọng đã càng lớn mạnh trong tôi. Tôi đã biết về lẽ thật này rất lâu, nhưng tôi chỉ biết ở lí trí mà thôi, chứ không phải ở tấm lòng tôi. Suốt một thời gian, tôi khám phá ra thực tại về quá trình biến đổi của Chúa. Khi hình ảnh khiêu dâm sờ sờ trước mắt tôi trên một biển quảng cáo, trên bìa tạp chí hay trên màn hình truyền hình, tôi sẽ cảm thấy bị tấn công. Tôi thấy mình rất giận vì con người mà Chúa Giê- su đã đổ huyết chết thế cho đã bị hạ thấp như một miếng mồi. Cách tôi phản ứng với phụ nữ đã thay đổi đáng kể khi khải thị này lớn mạnh hơn.

Tôi bị sốc về cách phụ nữ bị một số người nam trong hội thánh đối xử. Phụ nữ bị xem thường, bị coi như thể là phụ nữ kém giá trị hơn và thậm chí là bị khinh miệt. Điều này thật vô lý. Người nam và người nữ là những người kế tự đồng đẳng của vương quốc Chúa, và với tư cách là phái mạnh hơn (nói đến cơ thể vật lý mạnh hơn, chứ không phải tâm hồn hay tấm lòng mạnh mẽ hơn), nam giới nên tôn trọng phụ nữ trên bản thân mình. Nam giới nên tôn trọng, xem trọng, yêu mến, bảo vệ và luôn tìm cách xây dựng phụ nữ. Hỡi những người chồng, bạn là đầu trong mối quan hệ vợ chồng, nhưng làm đầu trong vương quốc có nghĩa bạn phó mạng sống mình vì gia đình qua sự phục vụ. Điều này không có nghĩa bạn “gia trưởng” đối với vợ con. Nếu bạn xem việc làm đầu là đặt mình ở trên vợ, thì cách bạn đối xử với vợ sẽ gây tổn thương và phá đổ, chứ không gây dựng. Và bạn sẽ khai trình về việc này tại ngai phán xét.

Muốn Sự Chấp Nhận

Một lĩnh vực sự ích kỷ khác mà Chúa phơi bày cho tôi thấy thì rất là lừa lọc. Vào giữa những năm 1980, tôi phục vụ trong một hội thánh có khoảng bốn trăm nhân sự. Hội thánh của chúng tôi có hơn tám nghìn thành viên và chạm tới hàng ngàn hội thánh khắp thế giới.

Lúc đó tôi ghét sự góp ý, nên bằng bất cứ giá nào tôi sẽ né tránh nó. Tôi cực kỳ tử tế và lịch sự với người ta. Khi có cơ hội tôi đều nói những lời tốt đẹp với người ta, dù những gì tôi nói là không thật. Tôi có tiếng là một trong những anh chàng tốt bụng nhất trong đám nhân sự. Rồi người ta nói lại với tôi, và tôi rất mừng về chuyện này.

Rồi một ngày nọ trong sự cầu nguyện, Chúa hỏi tôi, “Có chỗ nào trong 1Cô-rinh-tô 13 Ta nói tình yêu thường là tốt bụng không con?

Tôi khá hụt hẫng và trả lời, “Không chỗ nào cả.”

Rồi Ngài nói, “Con trai, con có biết lí do con chỉ nói những điều tốt với người ta không, dẫu là nó không thật?”

Tôi trả lời, “Tại sao, không, con chưa nghĩ về điều đó.”

Ngài nhanh chóng trả lời, “Con sợ sự khước từ của họ, vậy thì tình yêu của con tập trung vào ai, con hay họ? Nếu con thật sự yêu người ta, con sẽ nói sự thật dù họ thích hay không. Con nên quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của họ mà giúp họ, dẫu làm thế đồng nghĩa là họ khước từ con.”

Tôi thấy rõ tính ích kỉ của mình bị đậy bởi mặt nạ lịch sự; sự thật đau đớn đã được làm sáng tỏ. Tôi lợi dụng người ta vì tôi cần sự chấp nhận. Tôi muốn sự xác nhận để che đậy sự bất an của tôi và đã không ưu tiên giúp đỡ người khác. Tôi chỉ muốn sự chấp nhận của họ.

Đây là lí do tại sao có vô số mục sư chỉ giảng mặt “tích cực” của Lời Đức Chúa Trời. Họ tránh những lời cảnh báo, sửa trị hay quở trách. Họ bận tâm nhiều đến việc không làm cho tín đồ bị vấp phạm và không nhìn thấy hội thánh bị suy yếu thay vì thật lòng yêu thương hội chúng.

Tình yêu kiểu đó tập trung vào ai, người khác hay cái tôi? Nếu chúng ta thấy ai đó bị bịt mắt đang lao tới một vách đá, chúng ta có la lên để họ xoay khỏi con đường nguy hiểm không? Thế nhưng tôi đã nghe một số “mục sư luôn yêu thương” này nói chuyện ở chỗ riêng tư, và cách họ nói chuyện với người ta thật sự báo động. Họ đối xử với người hầu bàn, với nhân viên hành lý và nhân viên phục vụ khác như thể là những người này là cong dân kém cỏi. Làm sao những người như thế ảnh hưởng đến người ngoại qua đời tư của họ? Họ sẽ khai trình về cách họ ảnh hưởng mỗi người mà họ tiếp xúc.

Từ Tử Tế Đến Khắc Khe

Khi sự khải thị này đến với cuộc đời tôi thì mọi chuyện đều đảo ngược. Tôi trở thành một người rao giảng khắt khe. Tôi vẫn không bày tỏ tình yêu của Chúa cho những con người mà lòng tôi cưu mang. Tôi tập trung vào chuyện tôi đúng hơn là tập trung vào lợi lích đời đời của họ. Đôi khi tôi nóng quá nên hội chúng nghe tôi cũng bị «đốt» luôn. Sự tập trung vẫn là nhắm về tôi, nhưng tính ích kỉ của tôi nay được thể hiện cách khác. Lối hành xử của tôi là một ví dụ tiêu biểu của phân đoạn Kinh Thánh này: “Về vấn đề đồ cúng thần tượng, chúng ta biết rằng “mọi người đều hiểu biết.” Nhưng sự hiểu biết sinh kiêu ngạo, còn tình yêu thương xây dựng. Nếu ai nghĩ rằng mình hiểu biết điều gì thì người ấy chưa hiểu biết như đáng phải biết.” (1Cô-rinh-tô 8:1-2).

Giờ tôi nhìn lại những ngày đầu của chức vụ đi đây đó giảng dạy của chúng tôi và cảm thấy tội nghiệp cho các mục sư phải “dọn dẹp rác» sau khi tôi đi khỏi. Nếu lúc đó tôi là mục sư, chắc chắn tôi sẽ không mời John Bevere đến giảng dạy trong hội thánh của mình. Tôi rất biết ơn các lãnh đạo này, những người nhìn thấy trong tôi một ao ước muốn phục vụ Chúa và dân sự của Ngài dù tôi vẫn phải tăng trưởng nhiều hơn.

Thời điểm đó, tôi không còn dua nịnh để có sự chấp nhận và để tránh sự khước từ. Tôi nói sự thật và phơi bày, nhưng cũng có những động cơ ích kỉ ẩn sâu bên trong mà Chúa phải gột rửa.

Sau vài năm, một mục sư nổi tiếng đã chỉ trích tôi trước một số lãnh đạo có ảnh hưởng; tôi nghe về lời bình của ông từ ba châu lục khác nhau. Ban đầu tôi rất tức giận và lòng tan nát, nhưng tôi biết sự vấp phạm sẽ chỉ khiến tôi đi xa Chúa. Cuối cùng sự công kích của ông ta nghịch lại tôi đã khiến tôi kêu cầu Chúa ban cho thêm tình yêu của Ngài như chưa hề có trước đây. Tôi tha thiết cầu xin Chúa ban cho tôi lòng trắc ẩn lớn lao hơn. Rồi tự nhiên sau một thời gian Chúa đã làm cho tình yêu của Ngài dành cho con dân yêu dấu của Ngài lớn lên trong lòng tôi.

Suốt quá trình này, Chúa cho tôi một sự khải thị đã làm thay đổi chức vụ của tôi. Bạn có lẽ sẽ nghĩ bạn sắp nghe một điều gì đó rất sâu nhiệm và uyên thâm, nhưng thật sự nó rất đơn giản. Sự khải thị là, “một muỗng đường giúp thuốc trôi xuống bụng.” Tôi nhận ra công hiệu của thuốc không bị thuyên giảm nếu được uống cùng với chút đường. Làm thế sẽ giúp cho việc uống thuốc dễ hơn, và hầu như làm cho người ta thích uống thuốc.

Bây giờ nhiều lãnh đạo đã nói với tôi, “John, tôi ngạc nhiên về cách anh khiến tất cả chúng tôi cười đang khi chúng tôi được thanh tẩy bởi Lời Chúa. Anh đã làm cho chủ đề rất nghiêm túc nhưng đầy sức sống.” Khi mới nghe những lời bình này, tôi nhận ra tôi đang trưởng thành nhờ ân sủng của Chúa. Tôi rất biết ơn Ngài.

Dù vị mục sư chỉ trích tôi với các lãnh đạo khác chắc chắn không có ý định chúc phước cho tôi, nhưng thật ra ông là một trong những phước hạnh lớn lao nhất cho đời tôi. Bạn phải nhớ rằng đôi khi Chúa dùng ý xấu của người ta để đem bạn đến ý muốn của Ngài cho đời bạn. Ngài dùng sự phản bội của Giu-đa để sắp sếp cho định mệnh của Chúa Giê-su tại thập tự giá. Ngài dùng ý xấu của các anh trai Giô-sép để thực hiện giấc mơ Chúa ban cho Giô- sép. Và danh sách tiếp tục.

Mục Tiêu Là Tình Yêu Của Chúa

Tất cả đều gói gọn trong cách chúng ta nhìn người ta. Nếu chúng ta để tình yêu và lòng trắc ẩn của Chúa tăng trưởng trong cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ không xem thường người khác. Việc nhìn người ta như thể họ thấp kém hơn chúng ta sẽ tăng thêm sự đối xử chỉ trích; thái độ đoán xét, lối hành xử khắt khe, vân vân. Hãy xem những gì Phao-lô nói với các tín hữu Rô-ma:

Còn ngươi, tại sao lên án anh chị em mình? Sao ngươi khinh bỉ anh chị em mình? Vì tất cả chúng ta đều sẽ ứng hầu trước tòa án của Đức Chúa Trời. Như thế, mỗi người trong chúng ta phải tường trình công việc mình cho Đức Chúa Trời. (Rô-ma 14:10, 12)

Nếu các tín hữu đánh mất cái nhìn về mạng lệnh thứ hai – yêu thương lẫn nhau – chúng ta chắc chắn sẽ rơi vào cái bẫy mà Phao-lô nói ở trên, tức là xem thường người khác. Lối suy nghĩ này đặc biệt thấy rõ khi một người có tri thức Kinh Thánh mà không có bông trái của Thánh Linh.

Kinh Thánh cho biết Chúa là tình yêu thương. Điều quan trọng cần chỉ ra rằng tình yêu không phải là Chúa. Có một sự khác biệt lớn. Nhân cách, đường lối và mục đích của Chúa không bị gói gọn trong định nghĩa của chúng ta về tình yêu, vì không ai biết tình yêu cho đến khi biết Chúa Giê-su. Ngài chính là cốt lõi của tình yêu thương.

Ngoài ra, chúng ta không đọc chỗ nào nói, «Chúa có tình yêu.» Ngài có quyền năng. Ngài có các ân tứ. Ngài có thẩm quyền. Danh sách tiếp tục. Nhưng Chúa Giê-su là cốt lõi của tình yêu thương. Vì Ngài là như vậy nên chúng ta cũng phải như vậy, vì chúng ta được sinh lại trong bản chất của Ngài. Đây là lí do Phao-lô nói:

Dù tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chỉ như tiếng cồng khua vang hay chập chỏa inh ỏi. Dù tôi được ân tứ nói tiên tri và hiểu biết tất cả mọi huyền nhiệm cũng như tri thức, dù tôi có tất cả đức tin đến nỗi có thể dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi vẫn không là gì cả. Dù tôi phân phát tất cả gia tài của tôi cho người nghèo, và hy sinh thân thể để chịu thiêu đốt, nhưng không có tình yêu thương thì cũng chẳng ích lợi gì cho tôi. (1Cô-rinh-tô 13: 1-3)

Tình yêu thương không phát xuất từ lời nói của chúng ta. Chúng ta có thể nói mình quan tâm tới ai đó trong khi hành động lại phủ nhận tất cả. Tình yêu cũng không bắt đầu với những hành động của chúng ta. Phao-lô nói trong đoạn trên rằng chúng ta có thể làm những công việc có vẻ là tình yêu cao thượng (bố thí hết cho người nghèo và xả thân vì họ) nhưng chúng ta làm thế mà không có tình yêu thương. Điều này cho chúng ta biết tình yêu thật phát xuất từ tấm lòng.

Khi chúng ta yêu, chúng ta sẽ kiên nhẫn và tử tế với người khác. Chúng ta sẽ không ganh tị sự thành công của họ vì chúng ta khát khao muốn thấy họ đến đích. Chúng ta sẽ không bao giờ khoe về bản thân và sẽ tránh xa mọi sự kêu căng và ngạo mạn. Chúng ta sẽ không đòi hỏi quyền lợi của mình. Chúng ta sẽ không khó chịu bởi cớ thái độ thiếu kiên nhẫn của mình. Chúng ta sẽ không ghim gút khi bị người ta làm tổn thương và sẽ chọn tha thứ và phóng thích mọi món nợ. Chúng ta sẽ không vui về sự bất công; chúng ta sẽ khao khát sự thương xót và lẽ thật. Chúng ta sẽ không mất niềm tin nơi con người, chúng ta sẽ luôn tin tưởng điều tốt nhất. Chúng ta sẽ luôn coi người khác vô tội trừ khi được chứng minh là có tội, dẫu tới lúc đó thì chúng ta vẫn hy vọng họ ăn năn và phục hồi. Chúng ta sẽ đầy hy vọng và chịu dựng bất kì khó khăn nào nhằm vì lợi ích của vương quốc Chúa và lợi ích của người khác. Tóm lại: chúng ta sẽ sống để gây dựng đời sống tin kính của người khác, tức là họ được biến đổi giống Chúa và hoàn thành ý muốn của Ngài cho cuộc đời họ.

Một Lãnh Đạo Ảnh Hưởng Nhiều Người

Vài năm trước, tôi tham dự lễ tang của một người bạn chí cốt. Tên anh là Jack Wallace. Anh thành lập Detroit World Outreach tại Detroit, Michigan, một hội thánh đa sắc tộc đã tăng trưởng tới bốn ngàn thành viên chỉ trong mười năm. Jack đến Zimbabwe để giảng tại một chiến dịch, thì anh đột quỵ vì suy tim khi vừa xuống máy bay.

Hàng ngàn người đã tham dự đám tang của Jack: các lãnh đạo của các chức vụ từ khắp nước Mỹ, các lãnh đạo cộng đồng và các chủ tịch của các tập đoàn lớn cùng với những người mà xã hội gọi là người làm công ăn lương, người sống ngoài đường phố và những người mẹ sống nhờ các phiếu trợ cấp thực phẩm. Đây là các thành phần của hội thánh anh. Nhiều người không tin Chúa lẫn tin Chúa cũng đã tham dự đám tang, những người này gồm nhân viên khách sạn, nhà hàng cùng với những người khác trong cộng đồng mà anh đã ảnh hưởng lớn lao trong những cuộc gặp cá nhân của mình.

Sự tham dự của những công dân từ bên ngoài hội thánh của Jack không làm tôi ngạc nhiên. Jack và tôi đã để thời gian cùng nhau rất nhiều bên ngoài hội thánh của anh, và tôi rất được phước qua cách anh đối xử với mọi người anh gặp. Anh đối xử với mỗi cá nhân đều như những người có giá trị và quý giá. Anh cho tiền bo cho các bồi bàn và người phục vụ cách rời rộng. Đôi khi tôi hơi keo một tí, suy nghĩ hành vi của anh có thể hơi quá một chút, nhưng một ngày nọ lối suy nghĩ dại dột này đã bị sửa trị khi Jack nói với tôi rằng tất cả những người này có giá trị và quý giá với Chúa dường nào. Jack không chỉ khiến bạn cảm thấy bạn là người quan trọng nhất khi bạn ở với anh. Khi bạn ở với Jack, bạn thật sự là người quan trọng nhất đối với anh.

Buổi lễ tang dài bốn tiếng rưỡi. Nhiều lãnh đạo gần gũi với anh được mời đứng dậy và chia sẻ một chút. Sau khi nghe từ bốn năm người chúng tôi về sự gần gũi của chúng tôi với Jack và ý nghĩa của anh với chúng tôi, một lãnh đạo rất nổi tiếng cuối cùng đã đứng lên và nói, “Tôi nghĩ tôi là bạn thân nhất của anh ấy.” Mọi người đều cười.

Tất cả chúng tôi đều biết Jack xem chúng tôi và đối xử với mỗi chúng tôi như bạn thân nhất của mình. Người lãnh đạo vĩ đại này không chỉ ảnh hưởng các nước qua các chiến dịch và phát sóng truyền hình, nhưng anh cũng ảnh hưởng tất cả những người anh nói chuyện cách cá nhân. Dù bạn là giám đốc điều hành của một tập đoàn lớn hay người sống nhờ trợ cấp không quan trọng, Jack biết cách để truyền thông với bạn và yêu bạn như một con người. Jack không chỉ trung tín với sự kêu gọi và các ân tứ của mình, nhưng anh đã khiến cho các nén bạc của mình nhân cấp trong mọi lĩnh vực đời sống.

Người Gác Cổng Ảnh Hưởng Nhiều Người

Một số người có ảnh hưởng sâu rộng nhất trên đời tôi là những người bạn sẽ không bao giờ thấy phía sau bục giảng. Một người trong số họ là một nhân viên tài chính tại Rockwell International. Tên của anh là Mike, tôi biết anh chỉ hai năm sau khi tôi tin Chúa. Tại chỗ làm anh ngồi gần tôi, và chúng tôi thường nói về công việc Chúa lúc giải lao và giờ ăn trưa. Sau đó, chúng tôi được kết nối trong nhiều giờ tại nhà của nhau và tại hội thánh. Chính sự liêm khiết và sự khôn ngoan thực tế của Mike từ Kinh Thánh đã ảnh hưởng tôi nhiều nhất. Tôi cũng chịu ảnh hưởng bởi cách anh tôn trọng, yêu thương và tôn trọng vợ, con cái và bất cứ người nào anh gặp.

Cuối cùng tôi rời Rockwell và bước vào chức vụ. Một thời gian ngắn sau đó, Mike cũng rời công ty và mở công ty kiểm toán riêng, hôm nay vẫn còn tồn tại. Việc kinh doanh của anh rất thành công. Anh đã giúp trên mười hai nghìn khách hàng khai thuế và làm kế toán, và năm ngàn trong số các khách hàng này thường xuyên đến với anh. Họ đã làm việc với anh nhiều năm vì sự thật thà và liêm khiết của anh.

Gần đây tôi có hỏi Mike rằng anh đã chia sẻ giúp đỡ Lời Chúa cho bao nhiều khách hàng. Anh nói, “John, ước lượng 90 phần trăm.” Tức là trên mười ngàn người.

Tôi hầu như ngã ra sàn. Sau đó tôi hỏi anh đã dẫn bao nhiêu người tin Chúa. Anh trả lời, “Hàng trăm người.” Anh nói, “Mới tuần rồi tôi dẫn một người đàn ông gốc Mỹ La Tinh tin Chúa và cầu nguyện với anh ta để được lành bệnh ung thư.”

Mike cũng giúp nhiều chức vụ thiết lập kế toán. Chức vụ của chúng tôi, khi ở trong giai đoạn non trẻ, là một trong số đó. Mike nhìn thấy sự kêu gọi trên cuộc đời tôi và nhiều năm kê khai thuế cho tôi mà không lấy phí. Cuộc đời của Mike đã ảnh hưởng người ta nhiều cách.

Tôi nhớ cuộc nói chuyện dài của chúng tôi với Mike, nói về người gác cổng đã ảnh hưởng cuộc đời của anh hơn bất cứ một người nào khác. Gần đây tôi có gọi điện cho anh và hỏi về người đàn ông này. Mike bắt đầu khóc trên điện thoại.

Anh nói, “John, sáu trong số chín người dì và cậu của tôi rốt cuộc phải vào nhà thương điên. Mẹ tôi cũng vào nhà thương điên. Cả hai ông nội, ngoại của tôi đều bị những người đàn ông khác bắn. Gia đình tôi tan nát, và tôi cũng bị cuốn theo số phận này.

“Tuy nhiên, do căng thẳng tài chính, mẹ tôi đã gửi tôi đến một gia đình khác để họ chăm sóc tôi. Tôi sống với họ bảy năm. Người chồng của gia đình này là một người gác cổng của một xưởng làm giấy địa phương. Tên ông ấy là Charlie. Sự liêm chính, sự dâng mình cho Chúa của anh và tình yêu của anh dành cho người khác đã đánh tan mọi sự rủa sả khỏi cuộc đời tôi. Mỗi tuần ông ấy đưa tôi đi nhà thờ và dạy dỗ tôi về đường lối của Chúa. Ảnh hưởng của ông trên cuộc đời tôi đã giúp hình thành con người tôi hôm nay. Con gái tôi từng viết một bài báo có tựa ‘Người đàn ông vĩ đại nhất tôi từng biết.’ Đó là về Charlie.”

Chắc chắn bạn sẽ không bao giờ nghe về Charlie bất cứ nơi nào khác trên thế gian này ngoài cuốn sách này. Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông đã lan sang hàng ngàn người mà Mike đã chia sẻ. Ảnh hưởng của ông cũng chạm tới tôi qua Mike. Nên hàng triệu người mà tôi có đặc ân để giảng dạy cũng đều được chạm đến một cách giáng tiếp qua Charlie. Bạn có thấy thể nào một người gác cổng đã nhân cấp các nén bạc của mình và một ngày nào đó anh sẽ được ban thưởng bội hậu không?

Ảnh Hưởng Đối Với Di Sản

Điều này nhắc tôi về một sự ký thuật có thật mà một nhân viên của tôi đọc cho tôi nghe mới đây. Câu chuyện về một người vô thần có tên Max Jukes và một người tin kính có tên Jonathan Edwards. Đây là câu chuyện:

Max Jukes, một người vô thần, sống cuộc đời tội lỗi. Anh ta cưới một cô gái tội lỗi, và mối quan hệ hôn nhân đó sản sinh ra những con người sau đây: 310 người chết như một tên ăn mày, 150 người là tội phạm, 7 người là kẻ giết người, 100 người say xỉn, và hơn một nửa phụ nữ là gái mại dâm. 540 hậu duệ của ông đã kh- iến nước Mỹ tiêu tốn 1.15 triệu đô-la.

Nhưng ngợi khen Chúa có qua thì có lại! Sử sách ghi lại về một người đàn ông người Mỹ vĩ đại của Chúa, tên là Jonathan Edwards. Ông sống cùng thời điểm với Max Jukes, nhưng ông cưới một người phụ nữ tin kính. Một cuộc điều tra được thực hiện trên 1.394 hậu duệ được biết đến của Jonathan Edwards. 13 người trở thành hiệu trưởng đại học, 65 người là giáo sư đại học, 3 người là thượng nghị sĩ, 30 người làm thẩm phán, 100 người là luật sư, 60 bác sỹ, 75 người là nhân viên quân đội và hải quân, 100 người là mục sư và giáo sỹ, 60 người là tác giả nổi tiếng, và một là phó tổng thống Mỹ, 80 người trở thành công chức trong các lĩnh vực khác, 295 người tốt nghiệp đại học, trong số họ có người làm thống đốc tiểu bang và bộ trưởng bộ ngoại giao. Hậu duệ của ông không làm tổn hại của Mỹ một xu nào.

Đó là một trường hợp khác của việc nhân cấp các nén bạc. Những người này – Charlie, Mike, và Jonathan Edwards – đã ảnh hưởng rất nhiều đời sống. Ảnh hưởng của họ đã để lại những di sản vĩ đại. Tuy nhiên, không phải chức vụ công khai của họ đã ảnh hưởng vô số người mà chính là qua đời sống cá nhân của họ.

Đây là đặc ân mà Chúa ban cho mỗi chúng ta. Cách bạn trả lời một nhân viên cảnh sát, cách bạn nói chuyện với mục sư của mình, cách bạn đối xử với con cái, cách bạn sử dụng tài chính, những ngôn từ bạn dùng để nói chuyện với từng người và danh sách còn tiếp tục – tất cả những điều này tác động đến đời sống của những người xung quanh bạn. Ban sẽ là một thợ xây hay là hòn đá ngăn trở?

Như thế, mỗi người trong chúng ta phải tường trình công việc mình cho Đức Chúa Trời. Vậy nên chúng ta đừng lên án lẫn nhau nữa, nhưng quyết định không làm trở ngại hay gây cớ vấp ngã cho anh chị em mình. Vậy,ta hãy đeo đuổi những việc đem lại hòa thuận và xây dựng nhau. (Rô-ma 14:12-13)

Phao-lô nói điều này trong mối liên hệ trực tiếp với Ngai Phán Xét của Đức Chúa Trời. Mỗi ảnh hưởng của chúng ta lên những cá nhân sẽ được thử nghiệm rõ ràng tại đó. Điều quan trọng nhất là chúng ta giữ điều này trước mặt chúng ta luôn luôn. Nó sẽ thúc đẩy chúng ta đạt đến sự chiến thắng hơn là chỉ lo cho bản thân.

Rebecca Ruter Springer sống ở thế kỷ mười chín, bà được Chúa cho lên thăm thiên đàng trước khi bà qua đời để nhận thưởng. Khi quay trở lại, bà đã viết cuốn sách kinh điển của mình có tựa Intra Muros.Trong đó bà trích một người họ hàng, người để nhiều thời gian với bà trên thiên đàng. Bà nói người họ hàng này, anh trai của chồng, gần gũi với Chúa. Đây là lời của ông nói với bà:

“Giá mà chúng ta đang khi còn sống có thể nhận ra rằng mỗi ngày chúng ta đang xây dựng cho cõi đời đời, thì đời sống chúng ta sẽ khác đi rất nhiều! Mỗi lời nhân hậu, mỗi suy nghĩ rộng lượng, mỗi việc làm bao dung sẽ trở thành một cột trụ xinh đẹp đời đời trong đời hầu đến.”

Dẫn Người Ta Đến Với Chúa Giê-Su

Ảnh hưởng lớn nhất chúng ta có trên một cá nhân là dẫn người đó đến với Đấng Christ. Khi bạn hiểu những sự phán xét đời đời, bạn sẽ được thúc đẩy để nói cho những người bạn quen về kế hoạch cứu rỗi. Chúng ta đọc, “Kết quả của người công chính là cây sự sống; còn người chinh phục được linh hồn người ta là người khôn ngoan.” (Châm Ngôn 11:30)

Là một tân tín hữu, tôi thường cảm thấy bị thôi thúc để giảng tin lành cho mỗi cá nhân tôi nói chuyện. Tuy nhiên, sau này tôi học để mong đợi Thánh Linh hướng dẫn khi nào nên nói và nên nói gì. Tôi nhận thấy cả Chúa Giê-su cũng nói Ngài chỉ làm những gì Ngài thấy Cha làm. Khi chúng ta bước đi với Chúa thì chúng ta sẽ có một vận hành suông sẻ, chứ không phải sự ép buộc mà khiến người nghe thất vọng và xa lánh.

Tuy nhiên, sự thôi thúc muốn dẫn người khác đến với sự sống đời đời vẫn luôn có đó cho đến khi chúng ta về thiên đàng. Tình yêu của Chúa sẽ tăng cường cho ước muốn này. Việc dẫn một người đến với Chúa khiến cho tất cả thiên sứ cũng như chính Đức Chúa Trời vui mừng với niềm vui không tả xiết. Việc làm này sẽ có phần thưởng. Chúa Giê-su nói, “Thợ gặt đã lãnh tiền công và thu góp hoa lợi vào sự sống vĩnh phúc để kẻ gieo chung vui với người gặt” (Giăng 4:36).

Tôi có đặc ân dẫn vợ tôi đến với Chúa trong cuộc hẹn đầu tiên. Không lâu sau khi đến với Chúa Giê-su, tôi đã kết ước không hẹn hò một cô gái nào khác cho đến khi Chúa đem vợ của tôi đến cho tôi. Tôi cho rằng Chúa đã đem Ê-va đến cho A-đam, Ngài cũng có thể làm điều tương tự cho tôi.

Tôi đã hẹn hò nhiều cô trước khi tôi tin Chúa. Sau khi tin Chúa, tôi có hẹn hò với một vài cô gái trong Chúa và tôi thấy sự hẹn hò đó ngăn trở đời sống của tôi với Chúa. Có nhiều nước mắt và đau khổ khi chúng ta những mối quan hệ như thế. Không lâu sau đó tôi phát hiện ra mối quan hệ đó không lành mạnh cho tôi. Thế là tôi kết ước cầu nguyện trước khi hẹn hò một cô gái khác.

Lúc đó, vợ tôi là cô gái hay tiệc tùng. Một anh chàng khác trong khuôn viên đại học nói cô ta là cô gái quậy nhất ở kí túc xá. Tôi không biết điều đó có đúng hay không, nhưng cũng hơi chính xác. Khi mối quan hệ của tôi với Lisa bắt đầu, trước đó tôi đã không đi hẹn hò với cô gái nào trong một năm rưỡi vì mỗi lần tôi hỏi, Chúa đều bảo tôi đừng đi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy sự thôi thúc bởi Thánh Linh để mời Lisa tới một buổi học Kinh Thánh ngoài trời sắp tới. Cô đã nhận lời.

Sau chuyến dã ngoại, Lisa và tôi đi bộ tại khuôn viên đại học và tôi chia sẻ tin lành cho cô từ tối khuya cho đến 1 giờ 30 phút sáng. Cô ngắt lời tôi và đòi tin Chúa ngay lập tức. Không lâu sau, cả hai chúng tôi biết ý Chúa là cho chúng tôi lấy nhau. Tôi có thể nói thành thật rằng tôi được «lời» trong vụ này. Tôi sẽ không trở thành con người như hôm nay nếu không nhờ cô ấy.

Lisa đã chạm đến hàng triệu cuộc đời. Cô là một tác giả viết về nhiều đề tài và là một người bênh vực cho những bất công, và cô đã giảng tại nhiều hội nghị khắp thế giới. Chuyện gì xảy ra nếu tôi không nắm lấy cơ hội để giảng tin lành cho cô? Chuyện gì xảy ra nếu tôi để nỗi sợ cô ta chế giễu tôi ngăn tôi không nói cho cô biết về Chúa Giê-su? Tôi tin Chúa sẽ sai người khác. Tôi sẽ bỏ lỡ lựa chọn tốt nhất của Chúa đem đến một người vợ cho tôi và tôi sẽ không dự phần vào việc giúp đỡ vô số người đến với cõi đời đời. Cảm tạ Chúa về sự ban cho của Ngài!

Hãy nhớ, hạt giống sẽ nhân cấp, dù hạt giống đó trông có vẻ không quan trọng mấy. Đừng bao giờ xem nhẹ sự dẫn dắt của Thánh Linh, và đặc biệt nhất là đừng bao giờ bỏ qua Ngài. Những điều “ít ý nghĩa nhất” mà Chúa dẫn dắt tôi làm hóa ra là những nhân tố nhân cấp quan trọng nhất trong đời tôi. Chúa muốn bạn nhân cấp. Và Chúa muốn thưởng cho bạn về sự nhân cấp của bạn.

Lời Khích Lệ Sau Cùng

Nhiều công việc của chúng ta đang có nguy cơ bị mất đi. Chúng ta không thể xem nhẹ thời gian mình được giao trên đất này. Số phận đời đời của người ta tùy thuộc vào sự vâng lời của chúng ta đối với kế hoạch của Chúa. Ý muốn Ngài là tất cả mọi người được cứu rỗi và được biến đổi theo ảnh tượng của Chúa Giê-su. Ngài không muốn bất kỳ ai bị bỏ lại.

Cả một thế hệ đã chết mất trong sa mạc sau khi ra khỏi Ai Cập. Họ có một trong những vị lãnh đạo vĩ đại nhất của mọi thời đại, nhưng họ vẫn thất bại. Chúng ta có thể có những nhà lãnh đạo tuyệt vời, nhưng để hoàn thành kế hoạch của Chúa thì tùy vào thế hệ của chúng ta để làm ứng nghiệm kế hoạch của Kiến Trúc Sư Vĩ Đại. Ngài đã truyền bảo, “Phúc Âm về Nước Đức Chúa Trời sẽ được truyền giảng khắp thế giới để làm chứng cho muôn dân, bấy giờ tận thế sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14). Chúng ta đừng bỏ qua nhiệm vụ của mình! Này là thời điểm đó, kì thuận lợi đang đến với chúng ta, và Ngài đang đứng ngoài cửa! Nếu chúng ta không hoàn thành định mệnh của mình, thì Chúa sẽ phải dấy lên một thế hệ khác như Ngài đã làm với Giô-suê để hoàn thành nhà của Ngài, vì Ngài đã truyền bảo rằng nhà của Ngài sẽ đầy người.

Chúng ta phải làm phần của mình để hoàn thành kế hoạch của Chúa bằng cách nhân cấp những gì Ngài đã giao cho chúng ta. Đừng nản lòng. Đừng coi phần của bạn là không quan trọng. Đừng đánh mất lòng nhiệt quyết. Đừng đánh mất cái nhìn về khải tượng thiên thượng được nói rõ trong Tân Ước, là những điều đã được trình bày trong cuon sách này. Không chỉ những người khác ở thế hệ của bạn lệ thuộc vào bạn – một số người rất cần bạn bày tỏ Chúa Giê-su cho họ, và có người cần bạn cởi mở chia sẻ những lời khích lệ và sức mạnh của Ngài. Định mệnh đời đời của bạn cũng đang chờ đợi bạn. Bạn có thể thành công khi lệ thuộc hoàn toàn vào ân sủng của Ngài. Ngài là thành tín!

Là một công dân đồng công của vương quốc, tôi nài nỉ bạn. Hãy hoàn thành sự kêu gọi của mình và hãy làm cho sự lựa chọn của mình chắc chắn. Hãy chạy xong cuộc đua của mình cho đến cuối cùng. Mười triệu năm sau bạn nhìn lại và vui mừng về những gì bạn đã làm. Bạn dâng mình cho ý muốn Chúa không bao nhiêu là đủ. Vậy hãy chạy cuộc chạy của mình để chiến thắng!

Như là một lời khích lệ sau cùng, tôi muốn nhắn nhủ bạn lời cầu nguyện tha thiết của Phao-lô dành cho tất cả các thánh đồ:

Xin Chúa khiến tình thương của anh chị em tăng thêm và chan chứa đối với nhau và đối với mọi người cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh chị em vậy. Xin Chúa làm cho lòng anh chị em vững vàng, thánh khiết, không có gì đáng trách trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta khi Đức Giê-su, Chúa chúng ta quang lâm cùng với tất cả các thánh của Ngài. A-men. (1Tê-sa-lô-ni-ca 3:12-13).

Kinh Thánh có nhiều câu liên quan đến phần thưởng đời đời, nhiều quá không thể in hết ra trong sách này. Để xem hết danh sách các đoạn Kinh Thánh khải thị về những lĩnh vực quan trọng của sự phán xét và phần thưởng đời đời, hãy truy cập trang DrivenByEternity. com/EternalRewards.