Đăng vào: 1 năm trước
Chương 12: Được Chúa Kêu Gọi
Vì tặng phẩm Chúa ban và tiếng Chúa gọi không bao giờ hủy bỏ được.
– Rô-ma 11:19
Nhiều người thấy thật là khủng khiếp khi một người có thể đi chệch khỏi kế hoạch của Chúa, ngay cả là
bị kéo vào những việc trông rất thiêng liêng hay tốt đẹp. Đó là một phản ứng có thể hiểu được. Nhưng hãy nhớ, chúng ta không được kêu gọi để sợ thất bại hay sợ hình phạt mà được kêu gọi để kính sợ Chúa. Sự kính sợ Chúa sẽ giữ chúng ta trong ý định của Đấng mà Kinh Thánh nói, “Tai các ngươi sẽ nghe tiếng nói từ phía sau: “Đây là con đường, hãy đi theo” khi các ngươi rẽ sang bên phải hay bên trái.” (Ê-sai 30:21). Vậy giờ chúng ta hãy chuyen sự chú ý sang vấn đề làm cách nào để chúng ta biết vị trí của chúng ta như là một thợ xây Nhà Kiểu Mẫu của Chúa.
Trước Tiên:
Bạn Có Sốt Sắng Tìm Kiếm Chúa Không?
Khi được hỏi liệu bạn có đang hoàn thành định mệnh của mình không, có thể bạn nghĩ, Tôi muốn thế. Nhưng tôi không biết mình được kêu gọi để làm gì. Có thể có vài lí do cho chuyện này. Câu đầu tiên cần hỏi bản thân bạn là, bạn có sốt sắng tìm kiếm Chúa không? Chúng ta được dạy rằng Chúa ban thưởng cho người nào sốt sắng tìm kiếm Ngài bởi đức tin (xem Hê-bơ-rơ 11:6), chứ không phải những người thi thoảng tìm Ngài với thái độ thắc mắc hay nghi ngờ. Nếu ai sốt sắng tìm kiếm Chúa, thật sự mong đợi câu trả lời, thì người đó sẽ được Chúa bày tỏ những việc mà họ được đặt để làm trên đất này.
Sau khi tôi được cứu tại hội nam sinh đại học Purdue, tôi lập tức bắt đầu tìm kiếm ý muốn của Chúa cho đời sống tôi. Tôi từng là sinh viên học kỹ sư và cứ cách một học kỳ lại làm việc tại tập đoàn IBM. Một trong những điều thôi thúc tôi để biết sự kêu gọi của mình, ngoài một ao ước đơn giản là vâng lời Chúa, là điều đã diễn ra chỉ vài tháng sau khi tôi được cứu. Tôi ở tại một văn phòng cùng với một nhóm tám, chín kỹ sư chúc mừng một người đã phục vụ công ty ba mươi tám năm. Chúng tôi có nói chuyện qua lại với nhau, và anh này nói với tất cả chúng tôi, “Suốt ba mươi tám năm qua ngày nào tôi cũng ghét vì đã làm công việc này.” Mọi người trong phòng hoặc là đồng ý hoặc cười thầm, ngoại trừ tôi. Tôi bị sốc.
Vì là một tân binh giữa những nhân viên chuyên nghiệp lâu năm, tôi thắc mắc tại sao không có ai bình luận khác đi. Nên tôi thốt lên, “Tại sao anh làm việc này ba mươi tám năm nếu anh ghét nó?”
Anh ta nhìn tôi và nói, “Công việc mà.”
Tôi cũng bắt đầu có một ác cảm khi đi làm. Cha tôi từng là một kỹ sư, ông nói đó là một nghề tốt, đảm bảo và lương cao. Nhưng buổi gặp đó đã khiến tôi thay đổi cái nhìn đời của mình. Tôi nghĩ, Không tiền bạc, không gì đảm bảo, hay không thứ gì khác cho tôi biết lý do vì sao tôi có mặt trên cõi đời này. Tôi quyết định ngay lúc đó rằng tôi sẽ tìm hiểu xem những gì tôi được kêu gọi để làm và bước tiếp theo là gì để đi theo ơn gọi đó.
Tôi học biết rằng Chúa sẽ cho bạn bức tranh tổng thể về sự kêu gọi của đời bạn nếu bạn tìm kiếm Ngài sớm trong bước đường theo Chúa của mình. Nói cách khác, Ngài sẽ cho bạn thấy sự kết thúc ngay từ lúc ban đầu. Lúc còn thanh niên, Giô-sép đã được bày tỏ rằng ông sẽ là một lãnh đạo vĩ đại; ngay cả cha và các anh của cậu cũng phục vụ dưới cậu. Nhưng cho đến nhiều năm sau điều này mới được ứng nghiệm. Môi-se biết ông sẽ lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên ít nhất bốn mươi năm trước khi thời điểm của ông đến. Đa-vít được cho thấy mình sẽ là vua khi cậu còn là cậu bé chăn chiên. Nhiều năm sau cậu mới trở thành người cai trị dân Y-sơ-ra-ên. Và danh sách còn tiếp tục.
Kế hoạch của tôi là hoàn thành tấm bằng kỹ sư tại đại học Purdue, theo đuổi bằng thạc sỹ tại Harvard, và được thăng làm quản lý cấp cao trong công ty Mỹ. Tôi sẽ cưới vợ và đi nghỉ vài lần trong năm và dâng một phần mười thu nhập của tôi cho Chúa. Đó là ý tưởng phục vụ Chúa của tôi.
Càng tìm kiếm Chúa, tôi càng cảm thấy được kéo vào chức vụ. Tôi cũng không thích nghe việc đó, nhưng tôi đủ khôn để biết rằng trong sự vâng lời Chúa tôi sẽ tìm thấy sự mãn nguyện và thỏa lòng. Khi tôi kết ước với Ngài rằng tôi sẽ vâng lời dù có thế nào đi nữa, thì Chúa bắt đầu cho tôi thấy một bức tranh toàn cảnh về những gì Ngài kêu gọi tôi làm.
Đến đầu những năm 1980, Chúa đã cho tôi thấy rằng một ngày nào đó tôi sẽ ảnh hưởng nhiều nước bằng Lời của Ngài chừng nào tôi ở trong sự vâng lời Ngài. Khỏi cần nói, điều đó không thể tin nổi. Tôi thấy không có cách nào để hoàn thành việc đó. Tôi là cậu bé sinh ra tại một thị trấn nhỏ, không biết người nào trong chức vụ tầm cỡ quốc gia hay quốc tế.
Cũng như Ngài đã làm trong ví dụ về Giô-sép và Đa- vít, Đức Chúa Trời sẽ cho chúng ta thấy bức tranh cuối cùng nhưng không phải tất cả các bước để hoàn thành nó. Điều này giữ chúng ta sống trong đức tin thay vì sống bởi lí trí. Chúng ta nên tìm kiếm để vâng lời những gì Ngài bảo chúng ta, sau đó tiến tới mục tiêu đó. Tuy nhiên, thường bước đi kế tiếp của chúng ta có thể không giống như thể là chúng ta đang hướng tới mục tiêu mà đi theo hướng ngược lại. Bị bán làm nô lệ trong mười năm sau khi nhận giấc mơ về việc làm lãnh đạo (như trong trường hợp của Giô-sép) không phải là một bước đi hợp lí. Đây là lí do chúng ta được dạy, “Hãy hết lòng tin cậy CHÚA, chớ nương cậy nơi sự sáng suốt của con. Hãy nhận biết Ngài trong mọi đường lối mình, Ngài sẽ làm cho đường lối của con bằng thẳng.” (Châm Ngôn 3:5-6).
Vài tháng sau, trong năm cuối đại học, tôi ở lại trường trong ký túc nam trong khi mỗi sinh viên khác đều về nhà trong kỳ nghỉ Tạ Ơn bốn ngày. Tôi kiêng ăn và cầu nguyện, tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa và ý muốn Chúa cho đời sống tôi. Vài tháng sau, tôi nhận được sự chỉ dẫn cho bước kế tiếp, và nó dường như hoàn toàn đối lập với hướng đi tự nhiên để bước vào chức vụ. Dường như đối với tôi, điều hợp lý là đi học trường Kinh Thánh, nhưng Chúa tỏ cho tôi là tôi phải phỏng vấn xin vào vị trí làm kỹ sư. Đây là lí do Chúa bảo chúng ta đừng dựa vào sự hiểu biết riêng của mình!
Tôi gặp nhiều công ty trong khuôn viên trường và ngây lập tức tôi biết tôi phải làm việc cho tập đoàn Rockwell tại Dallas, Texas. Điều này không hợp lí gì cả vì tại Dallas không có trường Kinh Thánh nào mà tôi biết. Tôi có mười ba cơ hội việc làm trong những thành phố khác nhau – một số thành phố có trường Kinh Thánh – và mỗi công việc đó đều cho mức lương nhiều hơn Rockwell. Tuy nhiên, tôi chỉ vâng lời.
Khi tới Dallas, tôi bước vào một nhà thờ, và Chúa nói tôi phải nuôi mình ở đó. Chính tại hội thánh này mà tôi được trưởng dưỡng qua sự phục vụ, mà đó là sự khởi đầu của con đường đem tôi đến chỗ hiện tại.
Thứ Hai:
Bạn Có Trồng Trong Hội Thánh Chưa?
Điều này đem chúng ta đến lí do thứ hai tại sao nhiều người không tìm thấy ý muốn Chúa cho cuộc đời họ. Họ không trồng trong hội thánh địa phương. Lời Chúa bảo chúng ta, “Họ được trồng trong nhà CHÚA, lớn mạnh trong sân của Đức Chúa Trời chúng ta.” (Thi Thiên 92:13).
Những ai được trồng trong nhà Chúa – tức là hội thánh địa phương trên đất này – sẽ “trổ hoa” trong hành lang của Chúa. Một khía cạnh của hành lang của Chúa là Ngai Phán Xét của Đấng Christ. Nên chúng ta sẽ lớn mạnh cả bây giờ lẫn lúc phán xét nếu chúng ta được trồng chắc chắn trong một hội thánh địa phương. Đây là sự sắp đặt của Chúa.
Chúa, chứ không phải con người, mới thiết lập hội thánh. Chúa Giê-su nói, “…Ta sẽ xây dựng Hội Thánh Ta trên vầng đá này và cửa Âm Phủ sẽ không thắng nổi hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18). Để ý chữ xây dựng. Làm sao Chúa Giê-su có thể xây dựng hội thánh của Ngài nếu Ngài không ở đây? Câu trả lời là, qua Thân Thể của Ngài – tức chúng ta. Một lần nữa, đây là lí do chúng ta được gọi là những người cùng làm việc (các nhà thầu phụ). Ân sủng, khả năng, và các ân tứ được Ngài ban cho, và Ngài là Đấng cung cấp sức mạnh siêu nhiên. Nhưng Ngài phải có những cái bình biết đầu phục và vâng lời để hoàn thành công việc của Ngài. Câu hỏi là chúng ta có hợp tác với Ngài để xây dựng hội thánh, hay chúng ta được thúc thẩy bởi chương trình riêng của mình?
Chúa Giê-su có một hội thánh toàn cầu được chia nhỏ thành các hội thánh địa phương. Một trong nhiều ví dụ về điều này là thế này; lời Ngài gửi cho mỗi một trong số bảy hội thánh địa phương trong sách Khải Huyền: hội thánh Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la- đen-phi và Lao-đi-xê.
Trong Kinh Thánh hội thánh cũng được nói đến là thân thể của Christ. Hội thánh chung được chia hành các hội thánh địa phương thế nào thì thân thể chung của Đấng Christ cũng được chia thành các thân thể địa phương như thế.
Chúa là Đấng đặt để dân sự Ngài. Phao-lô nói với chúng ta, “Nhưng Đức Chúa Trời đã xếp đặt mọi chi thể trong thân thể, mỗi bộ phận tùy theo ý Ngài” (1Cô-rinh- tô 12:18). Đây có thể là một câu nói gây sốc đối với bạn: chúng ta không phải là người chọn đi nhóm hội thánh nào, mà là Chúa chọn!
Hãy dừng lại và suy nghĩ điều đó một lát. Nhiều người chọn hội thánh giống như chọn các cửa hàng tạp hóa, hơn là hỏi Chúa Ngài muốn họ nhóm chỗ nào. Nhưng làm sao bạn có thể hoàn thành định mệnh của mình nếu bạn không ở đúng vị trí trong thân thể của Ngài? Mỗi phần của thân thể con người được kết nối cẩn thận bởi thiết kế của Chúa. Một cánh tay sẽ gặp khó khăn nếu được nối vào đầu gối. Cũng vậy, chúng ta nên tìm kiếm chương trình của Chúa trong việc chuyển đến một thành phố hay tham gia một hội thánh địa phương.
Mỗi người trong chúng ta có một vai trò trong hội thánh địa phương. Chúng ta đọc:
Vậy anh chị em là thân thể của Chúa Cứu Thế và mỗi người là một phần của thân thể ấy. Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh trước nhất… (1Cô-rinh-tô 12:27-28)
Sau đó Phao-lô đưa ra một danh sách về những vị trí chính trong hội thánh địa phương. Dù ông không đưa ra một danh sách đầy đủ, chúng ta biết từ những câu Kinh Thánh khác trong Tân Ước rằng mỗi tín hữu là một phần thân thể của Đấng Christ, và mỗi chúng ta đóng một vai trò quan trọng, không khác gì các chi thể của thân thể vật lý. Nếu chúng ta không thực hiện chức năng trong thân thể mà Chúa chỉ định – thì hội thánh địa phương sẽ bị tê liệt – giống như cơ thể của bạn sẽ bị tê liệt nếu một hay nhiều chi thể của bạn (như một cái chân, một con mắt hay một quả thận) làm việc độc lập, không hoạt động hay không liên kết với nhau.
Sự thật đáng buồn là phần lớn chức vụ của Chúa Giê- su không được hoàn thành trong các cộng đồng của chúng ta bởi vì các hội thánh địa phương bị tê liệt nặng nề. Tại sao họ bị tê liệt? Thường việc đó không phải vì lãnh đạo không hiệu quả mà do một số tín hữu xưng mình là tín đồ sống không cần hội thánh. Bạn có tưởng tượng được nếu hai con mắt của tôi hay hai chân hay hai bàn chân, hoặc bất cứ phần nào của thân thể tôi – quyết định chúng sẽ làm bất cứ điều gì chúng muốn? Thật lí thú là nếu chúng ta muốn biết những gì Chúa làm tại Mỹ thì hãy xem xét tình trạng hội thánh địa phương.
Ngược lại, tại sao hội thánh đầu tiên tăng trưởng bùng nổ nhanh chóng? Chúng ta hãy xem xét và nhìn thấy:
Họ chuyên cần giữ lời giáo huấn của các sứ đồ, sự thông công với anh em, lễ bẻ bánh và các buổi cầu nguyện. . . Mọi người đều kinh sợ vì nhiều phép mầu và dấu lạ được các sứ đồ thực hiện. Tất cả các tín hữu đều hợp nhất với nhau, lấy mọi vật sở hữu làm của chung, bán tài sản của cải mà phân phát cho mọi tín hữu tùy theo nhu cầu của mỗi người. Hằng ngày, họ cứ đồng tâm chuyên cần đến Đền Thờ, họp nhau bẻ bánh từ nhà này sang nhà khác, dùng bữa với nhau cách vui vẻ rộng lượng, ca ngợi Đức Chúa Trời và được lòng tất cả mọi người. Mỗi ngày, Chúa tăng thêm số người được cứu. (Công Vụ 2: 42-47).
Bạn có thấy là các tín hữu được trồng trong hội thánh địa phương không? Họ cùng thờ phượng, nghe cùng sứ điệp, có một cùng khải tượng và sống cùng với nhau. Kết quả là sự tăng trưởng hội thánh lành mạnh. Người ta phục vụ Chúa qua hội thánh địa phương, và sự phục vụ này cũng ảnh hưởng đời sống ở nhà của họ nữa.
Đối với các tín hữu đầu tiên, việc trở thành một bộ phận của hội thánh địa phương chính là sự sống còn của họ. Đúng vậy, sau đó một nan đề xảy ra khi một số góa bụa bị bỏ bê không được phục vụ thức ăn. Các sứ đồ đã triệu tập hội thánh địa phương, tức các tín hữu, và nói với họ rằng các lãnh đạo bỏ chức vụ giảng Lời Chúa để phục vụ bàn ăn là không tốt. “Vậy thưa anh em, xin hãy chọn giữa vòng mình bảy người được chứng nhận là tốt, đầy dẫy Thánh Linh và khôn ngoan; chúng tôi sẽ giao trách nhiệm này.” (Công Vụ 6:3).
Để ý các lãnh đạo không nói, “Chúng tôi cần những người tình nguyện. Có ai muốn để thời gian của mình phục vụ các bà này không?” Không, tất cả tín hữu đều kết ước phục vụ vì họ được trồng trong hội thánh địa phương.
Cá nhân tôi tin mỗi thành viên đều hy vọng mình sẽ được chọn để phục vụ. Nhưng chỉ có bảy người được chọn…
. . . rồi trình diện họ trước các sứ đồ. Các sứ đồ cầu nguyện và đặt tay trên các người ấy. Đạo của Đức Chúa Trời ngày càng phát triển, số tín hữu tại Giê-ru-sa-lem gia tăng nhiều lắm, cả một số đông các thầy tế lễ cũng thuận phục Đạo. (Công Vụ 6: 6-7).
Các sứ đồ đặt tay lên bảy người này. Sự xức dầu này không phải là để đứng trên bục giảng rao giảng, không phải để dạy nhóm tế bào, để hướng dẫn ngợi khen thờ phượng, hay để đi truyền giáo. Đó là để phục vụ thức ăn cho những người góa bụa tại hội thánh. Chà vậy sao!
Tuy nhiên, để ý là khi bảy người đảm nhận vị trí phục vụ của mình trong thân thể – việc dường như không quan trọng – thì Lời Chúa lan rộng và số môn đồ tại Giê-ru-sa- lem tăng nhiều. Ở đây chúng ta thấy một sự thật lạ lùng. Trong Công Vụ chương 1 đến 5, chữ tăng thêm được dùng vài lần trong việc miêu tả sự tăng trưởng của hội thánh tại Giê-ru-sa-lem. Đây là vài trường hợp:
…Hôm ấy số tín đồ tăng thêm ba ngàn người. (Công Vụ 2:41)
…Mỗi ngày, Chúa tăng thêm số người được cứu. (Công Vụ 2:47)
Và số người tin nhận Chúa ngày càng gia tăng đông đảo gồm cả nam lẫn nữ. (Công Vụ 5:14)
Đến lúc này, chỉ có các sứ đồ làm công việc chức vụ trong hội thánh địa phương, và Phi-e-rơ là người rao giảng duy nhất được ghi lại. Tuy nhiên, có lúc các tín hữu nhận ra mỗi người có hai trách nhiệm chính. Trước tiên, công bố và dạy dỗ tin lành cho các cá nhân khác. Thứ hai, tham gia vào hội thánh địa phương.
Việc hết thảy tín hữu phải kể câu chuyện kì diệu về sự sống lại của Chúa Giê-su được phát hiện trong Công Vụ 5:42-6:1: “ Hằng ngày, dù ở trong Đền Thờ hoặc đi từ nhà này sang nhà khác, họ cứ tiếp tục dạy dỗ và truyền giảng về Đức Giê-su là Chúa Cứu Thế. Thời ấy, khi số môn đệ Chúa gia tăng gấp bội…” Phi-e-rơ không thể nào rao giảng cho mỗi gia đình vì lúc đó không có đài phát thanh, đài truyền hình hay kết nối Internet. Nên chúng ta biết tất cả tín hữu đã bắt đầu công bố và dạy dỗ phúc âm của Giê-su Christ cho người lân cận mình. Để ý là bấy giờ hội thánh tăng trưởng không theo cấp số cộng mà theo cấp số nhân. Đây là lần đầu tiên trong sách Công Vụ bạn thấy sự tăng trưởng theo cấp số nhân.
Tuy nhiên, sự nhân cấp năng động không dừng lại ở đó. Khi các tín hữu đảm nhận vị trí phục vụ của mình trong hội thánh (ví dụ đưa ra là những người phục vụ các góa bụa có nhu cầu), chúng ta đọc thấy số lượng các môn đồ không chỉ nhân cấp mà nhân cấp gấp bội. Nhân cấp gấp bội là sự tăng trưởng theo số mũ.
Để tôi chia sẻ với bạn sự khác biệt giữa sự tăng trưởng cấp số cộng, cấp số nhân và cấp số mũ. Chúng ta hãy xem một mục sư chinh phục 10.000 người cho Chúa mỗi tháng. Bạn có xem đây là một chức vụ khá hiệu quả không? Có thể. Nhưng bạn có biết ông phải mất bao lâu để chinh phục thế giới không? Câu trả lời là 50.000 năm, một con số sửng sốt, với điều kiện không có ai sinh ra hoặc chết đi trong thời gian đó! Thời gian đó gấp hơn tám lần khoảng thời gian loài người có mặt trên mặt đất. Không thể được!
Giờ hãy để tôi nêu cho bạn một ví dụ về cấp số nhân gấp bội. Giả sử bạn chinh phục hai người cho Chúa và trồng họ trong hội thánh địa phương. Tháng tiếp theo, mỗi người trong số hai người đó dẫn hai người khác về với Chúa và trồng họ trong hội thánh. Tháng kế tiếp, mỗi người trong số bốn người đó làm điều tương tự, và tháng tiếp theo mỗi người trong số tám người này dẫn hai người về với Chúa và trồng họ trong hội thánh. Nếu xu hướng này tiếp tục, bạn có biết cần bao lâu thời gian để chinh phục toàn bộ dân số thế giới bằng tin lành không? Câu trả lời là chỉ ba mươi ba tháng. Vâng, đúng thế, chưa tới ba năm! Đây là theo cấp số nhân gấp bội.
Giờ bạn có hiểu cách chúng ta có thể đọc điều này trong Kinh Thánh không?
Việc này tiếp tục hai năm, đến nỗi tất cả mọi người ở tỉnh Tiểu Á, cả người Do Thái lẫn người Hy Lạp, đều được nghe Đạo Chúa. (Công Vụ 19:10) Tất cả mọi người! Nếu Kinh Thánh nói tất cả thì có nghĩa là mỗi người đều nghe. Chúng ta không nói đến một thành phố mà cả một khu vực. Lúc đó người ta không có vệ tinh, truyền hình, phát thanh, mạng truyền thông xã hội, xe ô-tô hay thậm chí là xe đạp. Đây là sự tăng trưởng theo cấp số mũ.
Để kinh nghiệm một sự nhân cấp nhiều theo cấp số nhân cần có một thân thể lành mạnh là các tín hữu. Một thân thể khỏe mạnh được hình thành từ các tín hữu được trồng trong hội thánh địa phương, bao gồm sự phục vụ trong hội thánh địa phương đó (làm những việc như phục vụ bàn ăn của các góa bụa, hướng dẫn chỗ ngồi, làm việc tại bãi đỗ xe, chào đón, làm chứng, tham gia vào công tác thiếu nhi – danh sách rất nhiều). Những người phục vụ cũng là những người giảng tin lành cho người khác ngay tại nơi làm việc hay nơi sống của họ và trồng họ vào hội thánh địa phương. Hãy nhớ, Chúa Giê-su bảo chúng ta hãy môn đồ hóa muôn dân, chứ không chỉ cải đạo. Chúng ta trồng những người mà chúng ta làm chứng vào các hội thánh của mình để họ được dạy dỗ tất cả mọi điều Chúa Giê-su đã truyền bảo chúng ta (xem Ma-thi-ơ 28:20). Cần toàn bộ hội thánh địa phương và tất cả ân tứ trong hội thánh để làm cho người ta trưởng thành trong Chúa.
Chìa khóa là được trồng trong hội thánh địa phương. Tại đây chúng ta sẽ lớn mạnh. Nếu bạn để ý thì Phi-líp là một trong bảy người được chọn để phục vụ thức ăn cho các góa bụa. Tuy nhiên, sau đó trong sách Công Vụ, ông được gọi là nhà truyền giảng Phi-líp. Công tác chức vụ của ông bấy giờ được mở rộng bao gồm nhiều thành phố: “Hôm sau, đến Sê-sa-rê, chúng tôi vào trọ nhà ông truyền giáo Phi-líp là một trong bảy vị chấp sự.” (Công Vụ 21:8).
Dẫu bấy giờ Phi-líp là một nhà truyền giảng vĩ đại và đã được Chúa chuyển đến một thành phố khác, nhưng ông vẫn được nhìn nhận là một trong bảy người từng phục vụ các góa bụa. Việc phục vụ trong hội thánh địa phương đó một vai trò quan trọng trong việc đưa ông vào sự kêu gọi cho cuộc đời của mình. Tôi nói với người ta điều này: “Bạn có thể có một sự kêu gọi trong cuộc đời để làm những điều lớn lao, nhưng nó sẽ không trưởng thành cách thích đáng nếu trước hết nó không được bắt nguồn từ việc được trồng trong một hội thánh địa phương.”
Để tôi lặp lại lời của tác giả Thi Thiên: “Họ được trồng trong nhà CHÚA, lớn mạnh trong sân của Đức Chúa Trời chúng ta.” (Thi Thiên 92:13). Hãy suy nghĩ về chữ được trồng để hiểu cách vận hành của vương quốc, bạn phải cân nhắc luật của mùa gieo và mùa gặt. Chúa Giê-su nói với các môn đồ Ngài rằng nếu bạn không hiểu các nguyên tắc của hạt giống, đất đai và mùa gặt, thì bạn không thể hiểu hết các dụ ngôn của Ngài (xem Mác 4:13). Nói đơn giản, toàn bộ vương quốc của Đức Chúa Trời là:
“Nước Đức Chúa Trời cũng ví như một người kia gieo hạt giống xuống đất. Dù ngủ hay thức, dù ngày hay đêm, hạt giống cứ mọc lên, đâm chồi nẩy lộc thể nào người ấy cũng không hay biết. Vì đất tự nó sinh hoa màu, trước hết là cây non, lớn lên trổ hoa, rồi kết hạt. Khi lúa chín, người cho gặt hái ngay vì đã đến mùa thu hoạch.” (Mác 4:26-29).
Giả sử tôi cầm một số loại hạt giống trong tay, tất cả đều là giống cây ăn trái, nhưng tôi không biết hạt nào thuộc cây nào. Cách duy nhất tôi có thể biết được loại cây nào là tôi trồng nó xuống. Khi mỗi hạt giống được trồng, thời gian trôi qua tôi sẽ phát hiện ra bản chất của nó.
Đức Chúa Trời đặt để trong chúng ta một sự kêu gọi được định trước và các ân tứ để hoàn thành nó: “Vì chúng ta là tác phẩm của Đức Chúa Trời, được tạo nên trong Chúa Cứu Thế Giê-su để làm những việc thiện lành,là việc Đức Chúa Trời đã chuẩn bị trước cho chúng ta để theo đó mà tiến hành.” (Ê-phê-sô 2:10). Và “Vì tặng phẩm Chúa ban và tiếng Chúa gọi không bao giờ hủy bỏ được.” (Rô- ma 11:29). Theo Chúa Giê-su, sự kêu gọi và các ân tứ của tôi dưới hình thức hạt giống. Nếu tôi được trồng trong hội thánh, tôi sẽ vươn tới định mệnh mà Chúa ban cho. Nếu không, tôi có thể dùng các ân tứ trong cuộc đời của mình cho một mục đích khác với mục đích mà Đấng Tạo Hóa của tôi đã định. Nên đừng bị lừa dối bởi sự thành công theo tiêu chuẩn của thế gian. Bạn có thể rất thành công với các ân tứ của mình, nhưng bạn lại dùng nó không theo kế hoạch của Chúa.
Hãy để tôi đưa ra ví dụ. Bạn sẽ thấy nhiều người trong thế gian có chất giọng tuyệt vời và họ có thể làm người ta cảm động rơi nước mắt. Các ân tứ của họ được ban cho để làm vinh hiển Chúa và khuấy động người ta để đeo đuổi tấm lòng và ao ước của Ngài. Nhưng họ không hề hoàn thành định mệnh của họ vì họ chưa được cứu hay chưa được trồng trong một hội thánh.
Đó là một trong số nhiều ví dụ tôi có thể đưa ra về những người chưa bao giờ đến với Chúa Giê-su trong quãng đời của mình. Tuy nhiên, cũng có những người đã dâng lòng mình cho Chúa Giê-su nhưng đi nhóm không đều đặn. Họ không hoàn thành sự kêu gọi cao cả nhất của vương quốc vì họ đã không được trồng trong hội thánh. Có thể họ được kêu gọi để ảnh hưởng nhiều đời sống bên ngoài hội thánh, và có thể họ làm việc này ở một mức độ nào đó, nhưng ảnh hưởng của họ sẽ lớn lao hơn nếu họ được trồng trong hội thánh địa phương.
Một người có thể nhận những ân tứ nào đó và sử dụng chúng theo cách được coi là tốt nhất, nhưng cũng như bạn sẽ không bao giờ biết chính xác nó là loại cây nào – hình dạng, cỡ kích, sức mạnh và nhiều thứ khác . . . của cây đó
– nếu hạt giống vẫn hoàn là hạt giống, thì cũng vậy bạn sẽ không bao giờ biết định mệnh mà Chúa ban cho bạn nếu bạn không được trồng trong hội thánh. Đây là sự sắp đặt của Chúa, chứ không phải của con người.
Một vấn đề khác xảy ra đối với các tín hữu thay đổi hội thánh khi phát sinh nan đề. Ngày nay nhiều người sẵn sàng bỏ hội thánh nếu họ thấy có điều gì đó sai trật, đặc biệt là ở người lãnh đạo. Có lẽ vấn đề là cách lãnh đạo và các nhân sự điều hành hội thánh. Có thể đó là cách lấy tiền dâng hay cách dùng tiền. Nếu tín đồ không thích cách mục sư giảng, họ bỏ nhóm cho rằng ông mục sư khó gần gũi hoặc quá quen thuộc. Hay nan đề có thể là một tín hữu không được hội thánh quan tâm đến. Danh sách vẫn còn nhiều nữa. Thay vì đối diện với những sự khó khăn và duy trì niềm hy vọng, những tín đồ này chạy đến chỗ nào mà họ thấy không có xung đột.
Chúng ta hãy đối diện vấn đề. Chỉ có Chúa Giê-su là mục sư hoàn hảo và là tín hữu trọn vẹn của hội thánh. Vậy tại sao trong xã hội Tây Phương thay vì đối diện và giải quyết vấn đề, chúng ta lại chạy trốn những khó khăn? Rồi chúng ta đi từ hội thánh này sang hội thánh khác, tìm nơi nào đó có người lãnh đạo hay có các tín hữu không chút lỗi lầm nào.
Nhưng hãy nhớ rằng nơi nào Chúa đặt để chúng ta chính là nơi ma quỷ muốn làm chúng ta vấp phạm và kéo chúng ta ra khỏi đó. Kẻ thù muốn nhổ những người nam và người nữ ra khỏi nơi mà Chúa đã trồng họ. Nếu nó có thể kéo bạn ra khỏi đó, nó đã thành công rồi. Nếu bạn cứ bám trụ ở hội thánh đó, ngay cả giữa lúc có những xung đột dữ dội, bạn sẽ làm hỏng kế hoạch của ma quỷ và hoàn thành kế hoạch của Chúa.
Một lần nữa, “Những ai được trồng trong nhà CHÚA sẽ lớn mạnh trong sân của Đức Chúa Trời chúng ta.” Chuyện gì xảy ra với một cái cây nếu bạn nhổ nó rồi trồng chỗ khác cứ mỗi ba tuần? Bộ rễ của nó sẽ bắt đầu giảm sút, và nó sẽ không đâm chồi nảy lộc đúng với tiềm năng của nó. Nếu bạn cứ nhổ rồi trồng, nó sẽ chết vì thiếu nước.
Nhiều tín đồ nhảy từ hội thánh này sang hội thánh khác, cố gắng phát triển sự kêu gọi của chức vụ mình. Nếu họ không được mục sư nhìn nhận tại nơi mà Chúa đặt để họ, thì họ rất dễ vấp phạm. Nếu hội thánh làm một việc gì theo cách thức mà họ không đồng ý, thì họ vấp phạm và bỏ hội thánh. Họ bỏ hội thánh nhưng đồng thời cũng đổ lỗi cho lãnh đạo. Họ bị che mắt về những thiếu sót trong cá tính của bản thân họ và họ không nhận ra Chúa đang tôi luyện họ bằng chính những áp lực họ đang chịu. (Điều này không chỉ giới hạn trong chức vụ mà còn mở rộng sang hôn nhân, việc làm và các mối quan hệ khác.)
Chúng ta hãy học từ các ví dụ Chúa đưa ra về cây cối. Khi một cây ăn quả được trồng dưới đất, nó phải đối diện với mưa sa bão táp và nắng nóng kinh khủng. Nếu một cây non có thể nói chuyện, nó sẽ nói, “Làm ơn, hãy nhổ tôi ra khỏi đây! Hãy trồng tôi ở một nơi không có nắng nóng kinh khủng và không có mưa sa bão táp!”
Nếu người làm vườn nghe lời cây đó nói, anh ta sẽ làm hại cho cây non đó. Cây cối chịu đựng nắng nóng và mưa bão bằng cách mọc rễ càng sâu. Nghịch cảnh nó đối diện cuối cùng thành ra cơ sở để nó bám chắc. Sự khắc nghiệt của môi trường khí hậu xung quanh khiến cho nó tìm một nguồn sự sống khác. Một ngày nào đó nó sẽ đạt đến chỗ mà ngay cả những con gió bão mạnh nhất cũng không thể ảnh hưởng đến khả năng sản sinh bông trái của nó. Biết được điều này, chúng ta không nên chống cự lại điều Chúa cho phép chúng ta trải qua để làm chúng ta mạnh mẽ trong sự kêu gọi của mình.
Thứ Ba: Bạn Có Bị Vướng Bận Không?
Lí do cuối cùng chúng ta sẽ bàn liên quan đến việc tại sao người ta không tìm thấy và hoàn thành sự kêu gọi của mình là sự vướng bận. Những gánh nặng đã ngăn người ta chạy và hoàn tất cuộc đua của mình.
Phao-lô nói về bản thân ông, “Tuy nhiên tôi chẳng kể mạng sống mình là quý, miễn sao chạy xong cuộc đua và hoàn tất chức vụ nhận lãnh từ nơi Chúa Giê-su, để xác chứng cho Phúc Âm về ân sủng Đức Chúa Trời” (Công Vụ 20:24). Phao-lô ý thức rõ về sứ mạng của cuộc đời ong. Ông có một công việc để hoàn thành, và ông cũng biết việc đó chưa hoàn thành. Làm sao ông biết? Như Chúa Giê-su đã biết. Như Phi-e-rơ đã biết (xem 2Phi-e-rơ 1:14). Và những ai tìm kiếm Chúa, được trồng trong hội thánh và bền đỗ đến cuối cùng cũng sẽ biết rõ. Chúa sẽ bày tỏ điều này cho bất kỳ người nào không xem mạng sống mình quí giá hơn ý muốn của Chúa. Trong câu này chứa đựng một chìa khóa cuối cùng: khi chúng ta hoàn toàn phó đời sống mình để hoàn thành kế hoạch mà Chúa ao ước cho chúng ta, lúc đó chúng ta không chỉ khám phá sự kêu gọi của mình mà cũng hoàn thành nó nữa.
Chúng ta thấy một ví dụ trong các sách tin lành. Vào một ngày kia, Chúa Giê-su đang đi từ thành này sang thành kia. Chúng ta đọc, “Khi đang đi đường, một người thưa với Ngài: Thầy đi đâu, con sẽ theo đó!” (Luca 9:57).
Người mà nói điều này rất phấn khởi, rất yêu Chúa và rất thật lòng. Anh ta muốn theo Chúa trọn đường. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nhìn xuyên qua sự nhiệt tình và thấy được động cơ hay cạm bẫy của tấm lòng. Ngài thấy có một sự vướng bận ngăn trở người này không hoàn thành định mệnh của mình, nên Chúa Giê-su nói về sự vướng bận này, «Chồn cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu!” (Luca 9:58).
Người này chắc cảm thấy thoải mái trong những tiện nghi mà anh ta có ở đời này. Có thể anh ta có một công việc tốt, có tài sản lớn trong nhà và có một sự chuẩn bị cho việc nghỉ hưu lúc tuổi già. Chúa nói «trúng tim đen» về sự an toàn mà anh này bám víu khi nói Ngài rằng Ngài không có chỗ để gối đầu.
Tôi nhìn thấy người này, cũng như nhiều người khác trong đám đông, bắt đầu lùi lại chầm chậm ra phía sau đám đông và cuối cùng biến mất luôn. Người này có lẽ sẽ nói, “Chúa Giê-su ơi, tôi sẽ sắp xếp chỗ ngồi cho các buổi nhóm của Ngài, chơi trong ban nhạc hay thậm chí giúp đỗ xe cho những người lớn tuổi đến dự hội nghị của Ngài ở thành phố tôi.” Sức hấp dẫn của việc đi theo Chúa Giê-su đã mất đi vẻ hào nhoáng của nó và ý định tốt muốn phục vụ Ngài đã sớm tiêu tan. Nên người này và nhiều người khác thối lui dần, dù vẫn có ý định hỗ trợ Chúa Giê-su nhưng họ không có kết ước gì cả.
Sau đó Chúa Giê-su nhìn một người khác cũng rất tha thiết và nói, “Hãy đi theo Ta.” Nhưng người ấy thưa: “Xin cho phép con đi chôn cất cha con trước đã!” Ngài tiếp: “Con hãy để kẻ chết chôn kẻ chết của họ! Còn con, hãy đi truyền giảng Nước Đức Chúa Trời!” (Luca 9:59-60).
Ôi chao! Thật là một câu trả lời rất sốc. Một số người có thể nghĩ Chúa Giê-su không nhạy bén và hơi khắt khe.
Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu văn hóa của thời đó. Các học giả cho biết truyền thống thời đó là thế này; khi người cha qua đời và con cả làm xong phận sự chôn cất cha, thì người con đó sẽ nhận sản nghiệp gấp đôi – còn những đứa con khác chỉ nhận một phần. Tuy nhiên, nếu con cả không hoàn thành phận sự của mình, tức chôn cất cha, thì phần gấp đôi sẽ dành cho người con trai thứ hai.
Người này chỉ nghĩ đến gia tài. Chắc chắn anh ta thích ăn sung mặc sướng, là điều cuối cùng đã ngăn trở anh đi theo Chúa Giê-su. Anh ta sẽ bị phân tâm và đưa ra những quyết định dựa trên tiền bạc thay vì dựa trên kế hoạch của Chúa.
Qua lời khuyên của Chúa Giê-su, tôi gần như chắc chắn người này, cùng với một số người khác, bắt đầu thối lui. Câu trả lời của anh đối với mạng lệnh của Chúa đại ý như thế này: “Chúa Giê-su ơi, tôi sẽ phục vụ trong các hội nghị Ngài tổ chức trong thành phố của tôi. Tôi sẽ tham gia ban hát lễ hay chơi trống. Tôi có thể làm việc đó. Tôi thích làm điều này và phục vụ Ngài không tính toán một đồng nào đâu.” Sự phấn khởi của việc theo Chúa Giê-su đã mất đi sự hấp dẫn đối với người đàn ông này cùng nhiều người khác.
Để ý anh ta không nói anh sẽ không theo Chúa Giê- su. Anh nói anh sẽ theo, nhưng nguyên do mà anh thất bại được tìm thấy trong những chữ “trước hết hãy để tôi.” Anh ta muốn chắc chắn điều anh ao ước được hoàn thành trước khi dâng cuộc đời cho Chúa Giê-su.
Không điều gì có thể đi trước ý muốn Chúa nếu chúng ta muốn khám phá và hoàn thành mục đích của Ngài cho cuộc đời chúng ta. Tôi đã chứng kiến vô số tín hữu đã thối lui không vâng lời nữa vì ý định của họ là phải lo cho các ưu tiên của họ trước hết. Thật buồn khi họ mất đi sự kêu gọi của mình. Người khác phải thế chỗ và hoàn thành vai trò của họ. Họ sẽ thế nào tại Ngai Phán Xét đây?
Trở lại câu chuyện của chúng ta. Đám đông thưa dần và một người tình nguyện hào hứng khác bước lên.
Một người khác thưa: “Lạy Chúa, con sẽ theo Chúa, nhưng trước hết xin cho phép con về từ giã người nhà trước đã!”
Đức Giê-su đáp: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngoảnh nhìn lại đằng sau thì không xứng hợp với Nước Đức Chúa Trời!” (Luca 9:61-62).
Một lần nữa, để ý chữ trước hết. Rõ ràng anh chàng này rất gần gũi với gia đình của mình, hay anh có bạn bè hoặc bạn gái ở nhà. Anh ta muốn qua những người thân này mà đưa ra quyết định đi theo Chúa Giê-su. Mối quan hệ khăng khít của anh ta là nhân tố quyết định cuối cùng trong cách anh phục vụ Chúa Giê-su. Nên Chúa đối chất thẳng điều này bằng cách nói rằng anh ta sẽ không phù hợp cho công việc của vương quốc.
Tôi nhìn thấy người này lui ra phía sau cùng với một nhóm người khác. Tôi hầu như nghe anh ta nói, “Chúa Giê-su ơi, tôi giỏi trong các mối quan hệ công chúng và nguồn nhân lực. Tôi có thể là người tư vấn cho chức vụ của Ngài và giúp Ngài gắn kết với một số nhân viên thật sự giỏi. Tôi cũng sẽ giúp đảm bảo an ninh cho trung tâm hội nghị địa phương nơi Ngài tổ chức buổi nhóm ở thành phố chúng tôi. Và khi Ngài đến, tôi sẽ lo để có nhiều người đứng ra chào đón và có những người sắp sếp chỗ ngồi cho các buổi nhóm của Ngài. Thậm chí tôi sẽ hướng dẫn chỗ ngồi cho Ngài nếu Ngài cần tôi. Tôi ở đó vì Ngài!”
Ngoài ra, lúc này Chúa Giê-su thấy một đám đông đầy những con người hăng hái đi theo đã giảm xuống khoảng 70 người. Có thể ban đầu có hàng ngàn người, nhưng Ngài đã trực tiếp xử lý ba lĩnh vực vướng bận chính đã ngăn trở người ta hoàn thành định mệnh của mình: sự an toàn, tiền bạc và mối quan hệ. (Có những sự vướng bận khác như vui thú, ham muốn nhiều thứ khác ngoài mục đích của Chúa, và vân vân – nhưng theo nhiều năm kinh nghiệm của tôi, đây là ba lĩnh vực chính).
Khi đọc các sách tin lành, đa số chúng ta bỏ qua câu nói quan trọng tiếp theo của Luca vì nó sang một chương mới. Tuy nhiên, để tôi nhắc bạn rằng sách Luca là một bức thư dài. Hội thánh sau này đã thêm chương và câu để dễ tham chiếu. Hãy nghe điều tiếp theo Luca nói:
Sau đó, Chúa lập lên bảy mươi hai môn đệ khác, sai từng toán hai người đi trước Ngài đến mọi thành, mọi chỗ mà Ngài định đến. Ngài bảo họ:“Mùa gặt thật trúng, nhưng thợ gặt lại ít… (Luca 10:1-2).
Có rất nhiều bài học trong những câu này. Trước tiên, hãy xem những từ, “Sau những việc đó.” Chúng ta phải hỏi, sau việc gì? Câu trả lời là, sau khi Chúa Giê-su chứng kiến đám đông giảm xuống và chỉ còn những người còn ở lại, thì những người vẫn còn đứng đó sẽ tự nhủ, Tôi không quan tâm đến việc phải trả giá nào để theo Ngài. Tôi sẵn sàng và sẽ theo Ngài. Họ đã nghe câu trả lời của Chúa Giê-su về các vấn đề an ninh, tiền bạc và mối quan hệ, và họ nhất quyết không để bất cứ điều gì ngăn họ hoàn thành định mệnh của mình trong Chúa.
Sau đó Chúa Giê-su lập bảy mươi thành viên trong đội hình mới, họ chắc chắn là những người còn ở lại. Những chữ lập và chọn được dùng đồng nghĩa với nhau trong Tân Ước. Một người được lập là người được chọn, và người được chọn là người đã được lập. Chúa Giê-su nói về câu này ở hai nơi khác nhau trong sách tin lành Ma-thi-ơ. Nếu Ngài lặp lại chính xác một câu ở hai chỗ khác nhau trong cùng một sách tin lành, thì chúng ta cần chú ý kỹ càng. Đây là câu đó: “Vì nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn.” (Ma-thi-ơ 20:16, 22:14).
Nhiều người được gọi. Bao nhiêu người? Chính xác là mọi người. Mọi tín hữu đều có một sự kêu gọi trên cuộc đời của mình và có các ân tứ để hoàn thành nó. Tuy nhiên, điều này có thể làm bạn bị sốc – chỉ ít người được chọn hay được lập để hoàn thành sự kêu gọi đó. Tại sao chỉ có ít người được lập lên? Vì chỉ có ít người từ bỏ những ham muốn riêng, những sự an toàn và mê tham tiền bạc của mình cùng các mối quan hệ gây cản trở . . . để hoàn thành sự kêu gọi trên cuộc đời của họ.
Để ý Chúa Giê-su nói, “Mùa gặt thật trúng, nhưng thợ gặt thì ít.” (Ma-thi-ơ 9:37). Thế hệ của chúng ta không được cứu không phải do lỗi của Chúa vì Ngài “Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và đạt đến sự hiểu biết chân lý” (1Ti-mô-thê 2:4). Chúng ta là những người sẽ phải đứng trước Ngai Phán Xét và giải trình lí do tại sao thế hệ chúng ta không được cứu. Nếu chúng ta hoàn thành sự kêu gọi của mình, thì chúng ta sẽ không chịu phán xét. Tuy nhiên, nếu chúng ta ta cho phép những sự vướng bận ngăn trở chúng ta thì sự phán xét chúng ta chịu sẽ rất nghiêm trọng.
Bạn có thể nói, “Tôi chỉ là một trong số nhiều người mà.” Chuyện gì xảy ra nếu lá gan của bạn nói, “Tôi chỉ là một bộ phận không quan trọng của cơ thể, không ai để ý đến tôi và công việc của tôi, nên tôi sẽ làm việc riêng mình, chứ không làm trọn phận sự của tôi?” Bạn biết nếu không có lá gan thì cơ thể sẽ gặp rắc rối lớn. Chuyện gì xảy ra nếu hai lá phổi cũng nói điều này – hay một cái chân hay bàn chân hay bất cứ bộ phận nào khác của cơ thể? Cũng như mọi chi thể của cơ thể đều quan trọng thì mỗi thành viên của hội thánh đều quan trọng.
Đây là sự thật chắc chắn. Chúa Giê-su cho biết chỉ có ít người hoàn thành định mệnh của mình như những nhà thầu phụ trong nhà Chúa. Mỗi tín hữu sẽ có một sự kêu gọi để xây dựng, nhưng ít người hoàn thành được. Điều này có nghĩa phần lớn những người đứng trước sự phán xét tín hữu sẽ bị mất hết và không nhận được phần thưởng vinh hiển gì cả.
Tôi biết đây là không phải là tin tức vui vẻ gì. Tuy nhiên, đây là tin mừng: bạn có thể bắt đầu bây giờ. Bạn có thể quỳ gối xuống và xin Chúa tha thứ về tất cả những gì bạn đã cho phép ngăn bạn vâng theo ý muốn Ngài cho cuộc đời bạn, sau đó hãy tiến về phía trước từng bước một. Smith Wigglesorth, một nhà truyền giảng vĩ đại của thế kỷ hai mươi, chỉ bắt đầu chức vụ cho đến khi ông ở độ tuổi năm mươi. Không quá trễ cho bạn đâu.
Hãy nhớ, chìa khóa để xây dựng thành công là: trước hết, hãy tìm kiếm Chúa bởi đức tin. Thứ hai, hãy được trồng trong hội thánh địa phương mà Chúa tỏ cho bạn – và hãy duy trì sự đầu phục và vâng lời lãnh đạo của hội thánh địa phương đó. Và thứ ba, từ bỏ các vướng bận của đời này. Khi Chúa chỉ cho bạn thấy những gánh nặng đang cầm giữ bạn, hãy xin gươm của Ngài cắt đứt những sợi dây trói buộc mà ảnh hưởng lên tâm hồn hay thân thể bạn. Ân sủng của Ngài là đủ để giải phóng bạn.
Phần Thưởng Đầy Đủ
Một lời cuối cùng trước khi chúng ta quay sang chương tiếp theo. Có nhiều người chưa hề bắt đầu xây dựng nhà Chúa. Họ đã bị phân tâm bởi những hào quang tạm thời: của cải đời này, thích ảnh hưởng, mê quyền lực hay khoái lạc, thích sự ủng hộ của con người. Tất cả những thứ này đều chóng tàn. Đừng bị lừa dối, bị chệch hướng hay bị dẫn dụ. Hãy tập trung. Bạn có một nhiệm vụ phải làm trong Chúa. Bạn phải hoàn thành công việc của bạn.
Có những người mà công khó tạm thời hay trọn đời của họ không tồn tại lâu. Nó bị phá đỗ và vì thế nó sẽ không trở thành một phần trong nhà đời đời của Chúa. Bạn có tưởng tượng được điều này không?
Để giúp bạn hình dung tính chất nghiêm trọng của câu nói này, hãy cho phép tôi trở lại câu chuyện về căn nhà được xây dựng theo yêu cầu của gia đình chúng tôi. Vì tôi đi tới hiện trường mỗi ngày, nên các nhà thầu biết tôi khá rõ. Họ gọi tôi là “thầy giảng.”
Mỗi ngày tôi lái xe tới khu vực xây dựng, những công nhân mở nhạc đời vang ra rất xa. Khi thấy tôi, một trong số họ vội chạy tới tắt nhạc đi. Tôi mỉm cười trong lòng vì sự tôn kính của họ đối với tôi tớ Chúa. Sau đó chúng tôi chuyện trò một hồi. Tôi có một số cuộc nói chuyện thú vị với những anh chàng này – và có cơ hội chia sẻ Lời Chúa cho họ.
Vào một dịp nọ, tôi nhớ các nhà thầu đã nói cho tôi biết về những căn nhà đẹp mà họ là người góp phần xây dựng. Mặt họ sáng ngời ra khi kể lại những đóng góp của mình. Bạn có thể nhìn thấy sự thỏa lòng lớn lao mà họ biểu lộ khi trở thành một phần trong công tác xây dựng những ngôi nhà đẹp như thế. Họ không thấy xấu hổ gì cả, chỉ thấy vui là họ đã bỏ công sức mang lại lợi ích cho nhiều gia đình cũng như cho các khách hàng thuê họ xây cất.
Chúng ta hãy nói thêm một vài điều nữa. Bạn có tưởng tượng được những người xây dựng Nhà Trắng tại Washington D.C cảm thấy thế nào không? Hãy tưởng tượng một ngày nọ một người trong số họ nhìn thấy con cái mình đi học về và báo cáo rằng ở trong lớp chúng đã học về một ngôi nhà nổi tiếng nhất trong đất nước Mỹ. Rồi con cái họ hào hứng báo về chuyến đi thực tế sắp tới của trường để tham quan toà nhà đó.
Bạn có tưởng tượng được sự phấn khởi của người thợ đã dự phần xây dựng tòa nhà đó không? Bạn có tưởng tượng được cảm xúc của anh ta khi anh đi cùng với lớp của con mình tới số 1600 đại lộ Pennsylvania trong chuyến thực tế không? Bạn có tưởng tượng được anh ta cảm thấy thế nào khi quan sát sự phấn khởi và hãnh diện trên khuôn mặt của con mình khi bạn cùng lớp của chúng biết anh ta từng dự phần xây dựng tòa nhà cho tổng thống Mỹ ở không?
Điều này cũng rất giống đối với chúng ta. Nhưng chúng ta không xây một ngôi nhà tạm bợ và rồi phải thay thế. Chúng ta đang xây một ngôi nhà mà sẽ là trung tâm điểm của toàn cõi vũ trụ. Vâng, đúng vậy! Hãy nhớ lại lời của tiên tri Mi-chê: “Nhiều quốc gia sẽ rủ nhau đến đó: Nào, chúng ta hãy lên núi CHÚA, chúng ta hãy lên đền thờ Đức Chúa Trời của Gia-cốp, để Ngài dạy chúng ta đường lối Ngài, để chúng ta bước đi trong các nẻo Ngài. Kinh luật sẽ ra từ núi Si-ôn, và lời CHÚA từ thành Giê-ru-sa-lem.” (Mi-chê 4:2).
Tất cả những công việc của vũ trụ sẽ xoay quanh ngôi nhà này. Sự khôn ngoan và luật lệ chi phối mọi cõi tạo vật đều ra từ đó. Và đây là sự thật kì diệu: từ bây giờ cho đến mười nghìn tỉ năm ngôi nhà ấy vẫn đẹp như ngày nó được xây xong.
Có một tôi tớ Chúa rất đầy ơn, đã trung tín cho đến cuối cùng. Ông hầu việc Chúa rất hiệu quả hơn sáu mươi năm và chờ nhận phần thưởng sau thời kỳ một nghìn năm. Một năm sau khi ông qua đời, tôi đến thăm một hội thánh lớn tại miền Trung Tây, một người hướng dẫn thờ phượng đã chia sẻ rằng Chúa ban cho anh ta một giấc chiêm bao rõ ràng. Trong chiêm bao đó, anh ta ở thiên đàng, nhìn thấy và nói chuyện với vị tôi tớ Chúa này. Vị tôi tớ Chúa này mỉm cười nói với người hướng dẫn thờ phượng, “Ở đây tốt hơn nhiều điều mà tôi đã từng tưởng tượng.”
Hai người nói về những lẽ thật và những biến cố, sau đó vị tôi tớ Chúa này quay sang và chỉ về phần của ông trong công tác xây dựng tại Si-ôn. Nó vô cùng lớn. Ảnh hưởng của sự trung tín của ông đã vang xa và rộng lớn hơn điều ông từng mơ ước, và những điều này ngay trước mắt ông. Ông chỉ vào công việc của mình, giống như các nhà thầu xây dựng kể lại sự đóng góp của họ cho tôi nghe. Thật là một phần thưởng đời đời tuyệt vời!
Hãy tưởng tượng suốt cả cõi đời đời, bạn không chỉ kể cho con cháu của mình mà còn cho nhiều nước, nhiều dân, là những người sẽ đến để ngắm xem ngôi nhà vinh hiển của Chúa mà được gọi là Si-ôn, sự đóng góp của bạn trong việc xây dựng ngôi nhà của Chúa. Bạn có tưởng tượng được người ta đến và nhìn vẻ đẹp của ngôi nhà của Chúa và bàn tán về đóng góp của bạn suốt cả cõi đời đời không?
Chúng ta hãy suy gẫm một mặt khác. Hãy suy nghĩ đến cảnh không có bất cứ sự trình bày nào về công việc của bạn vì bạn đã không kết thúc tốt đẹp. Bạn có thể tưởng tượng con cháu mình và tổ phụ của bạn đến để xem sự đóng góp của bạn, nhưng bạn không thể chỉ cho họ thấy bất cứ thứ gì không? Bạn có tưởng tượng được nhiều nước đến xem những gì bạn đã làm, và bạn không có gì để chỉ cho họ thấy suốt cả cõi đời đời vì phần cơ nghiệp của bạn đã bị lấy đi và bị thay thế không? Hãy nhớ lại những lời của Phao-lô.
Nếu công trình của người nào đã xây dựng còn tồn tại, người đó sẽ được phần thưởng. Nếu công trình của người nào đã xây dựng bị thiêu đốt, thì công trình ấy sẽ mất đi… (1Cô-rinh-tô 3: 14-15).
Đây quả là một sự mất mát đời đời. Buồn thay, đây là một thực tế. Nhưng, thưa độc giả yêu dấu, tôi không muốn điều đó xảy ra cho bạn đâu. Chúa cũng không muốn điều đó xảy ra cho bạn. Và giờ bạn có thể quyết định rằng chuyện này sẽ không xảy ra cho bạn. Chúa đã ban cho chúng ta ân sủng để xây dựng Si-ôn. Như sứ đồ Giăng nói:
Coi chừng kẻo bà đánh mất điều mà mình đã thực hiện được, là điều bà có thể được tưởng thưởng đầy đủ. (2Giăng 8).
Chính Chúa đã sắp đặt điều đó để mỗi con cái Ngài sẽ có cơ hội nhận phần thưởng đầy đủ cho việc xây nhà của mình. Công lao của bạn sẽ không phải mất đi, không hề cũ mòn, không phải thay thế. Nếu bạn lệ thuộc vào ân sủng của Chúa và xây dựng tốt đẹp, thì sự đóng góp của bạn sẽ được vô số các thiên sứ và các thánh đồ ngưỡng mộ đến đời đời kiếp kiếp.