Chương 13: SỰ NHÂN CẤP

Hướng Về Cõi Đời Đời

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 13: Sự Nhân Cấp

Thợ gặt đã lãnh tiền công và thu góp hoa lợi vào sự sống vĩnh phúc để kẻ gieo chung vui với người gặt. Thật đúng như câu người ta vẫn nói: Kẻ thì lo gieo, người thì lo gặt.

– Giăng 4: 36 – 37

Người trồng, kẻ tưới đều như nhau, mỗi người sẽ nhận phần thưởng tùy theo công lao của mình.

– 1Cô-rinh-tô 3:8

Những ai trung tín phục vụ trong vương quốc bằng cách xây dựng nhà Chúa sẽ nhận nhiều tiền công đời đời. Chúng ta sẽ được ban thưởng một cách cá nhân cho công việc của mình theo như công khó của chúng ta. Mỗi chúng ta đều có những trách nhiệm khác nhau, nhưng tất cả sự keu gọi khác nhau đều mang lại một kết quả: những cuộc đời được ảnh hưởng cho cõi đời đời.

Nhiều người tin rằng chỉ có các mục sư là những người đã rao giảng công khai cho hàng triệu cuộc đời mới được đứng trước ngai ở thiên đàng để nhận các phần thưởng giá trị nhất. Tuy nhiên, điều này không đúng. Chúa không ban thưởng theo cách của con người. Ngài ban thưởng tùy theo các việc công bình do vâng lời Chúa. Nếu Ngài ban thưởng theo các tiêu chuẩn con người, thì các thành đạt trong kinh doanh sẽ là trọng tâm của chức vụ. Như chúng ta đã thấy ở hai chương trước, điều này hoàn toàn không đúng. Chúa phán xét và ban thưởng theo như những gì chúng ta đã được kêu gọi để làm, là những việc mà Ngài ban sức mạnh cho chúng ta thực hiện.

Được Thêm Sức Bởi Ân Sủng

Năm 56 sau Chúa, khoảng mười năm trước khi hoàn thành cuộc chạy của mình, Phao-lô viết ông là “người thấp kém nhất trong số các sứ đồ” (1Cô-rinh-tô 15:9). Điều này dường như kì lạ đối với những ai nghiên cứu lịch sử của hội thánh. Phao-lô đã ảnh hưởng toàn bộ thế giới thời đó và hoàn thành nhiều việc cho vương quốc hơn bất cứ người nào vào thời của ông. Không nghi ngờ gì ông là sứ đồ vĩ đại nhất ở thời của mình. Vậy tại sao ông có thể nói một câu như thế? Phải chăng ông đã phóng đại? Chuyện này không thể có được, bạn không thể nói dối trong lúc viết Kinh Thánh. Cách duy nhất Thánh Linh cho phép một câu như thế là nếu ông thật sự tin mình là người như thế.

Câu trả lời được tìm thấy trong những gì ông viết tiếp: “Nhưng nhờ ân sủng Đức Chúa Trời tôi được như ngày nay và ơn Ngài ban cho tôi không phải vô ích đâu, trái lại tôi đã làm việc khó nhọc hơn tất cả những người khác. Thật ra không phải chính tôi mà là ân sủng Đức Chúa Trời đã hành động trong tôi.”(1Cô-rinh-tô 15:10).

Thật lí thú, Phao-lô nhìn nhận ông thành đạt nhiều hơn bất cứ sứ đồ nào khác, nhưng ông vẫn coi mình là người thấp kém nhất trong số họ. Sự giải thích về nghịch lí này được tìm thấy trong những lời của ông, “Nhờ ân sủng Đức Chúa Trời tôi được như ngày nay.” Phao-lô có thể tách biệt bản thân ông khỏi tất cả những việc Chúa đã làm qua ông. Ông hoàn toàn nhận thức rằng ông không thể thêm vào sự kêu gọi của Chúa trên cuộc đời ông cũng như không thể hoàn thành bất cứ việc gì vượt quá khả năng được ban cho ông. Tất cả điều này được tóm tắt trong một chữ: ân sủng. Và động lực này áp dụng cho tất cả tín hữu liên quan đến sự kêu gọi của họ.

Hãy để tôi dẫn giải dựa trên kinh nghiệm của mình trong chức vụ. Những cuốn sách tôi đã viết hiện phổ biến trên chín mươi ngôn ngữ khắp thế giới. Con số lên đến hàng triệu triệu cuốn, và lời chứng về những cuộc đời được thay đổi là vô số kể.

Người ta thường đến gặp tôi và hỏi bí quyết về cách viết lách của tôi. Tôi thầm cười trong lòng và nhớ lại trước khi ân sủng của Chúa được bày tỏ trong cuộc đời tôi, tôi từng là một học sinh học tiếng Anh và viết lách rất tệ. Tôi phải mất nhiều giờ để viết bài kiểm tra tiếng Anh dài hai trang, và dường như tôi phải tốn một nửa cuốn sổ tay trước khi có thể viết được đoạn đầu tiên. Còn bây giờ khi tôi viết, lời lẽ cứ thế tuôn ra. Tôi biết rõ hơn ai hết Người thật sự viết những cuốn sách đó là ai. Thực sự thì tôi chỉ là người đầu tiên đọc nó mà thôi.

Có một lần tôi được phỏng vấn trong chương trình Talk Show của đài truyền hình quốc gia, và cuộc phóng vấn tập trung vào những sứ điệp từ các cuốn sách mà tôi đã viết. Tuy nhiên, khi cuộc phỏng vấn diễn tiến, người dẫn chương trình tập trung vào tôi và những thành tựu của tôi hơn là tập trung vào sứ điệp. Tôi cảm thấy rất khó chịu và trong lòng tôi tìm kiếm lời khuyên của Thánh Linh để chuyển sự tập trung.

Trong chốc lát, chúng tôi ngưng nói chuyện và nghỉ giải lao, đó là thời điểm hoàn hảo để thêm vào lời bình mà Thánh Linh đã cho tôi. Tôi trích những lời của Sa-lô- môn, “Tôi nhận thấy mọi sự Đức Chúa Trời làm tồn tại mãi mãi, loài người không thêm bớt được gì cả. Đức Chúa Trời làm như vậy để loài người kính sợ Ngài. Điều hiện có, đã có rồi; Điều sẽ có, đã có từ ngàn xưa. Đức Chúa Trời cho tái diễn những điều gì đã qua.” (Truyền Đạo 3:14-15).

Sau đó tôi nói, “Còn có vô số các mục sư và tôi tớ Chúa không được nói đến, đang làm những việc Chúa kêu gọi họ làm. Một số người coi sóc hội thánh có ba trăm tín hữu tại các vùng đồng quê. Có những người khác đang giảng tin lành cho những người hư mất và những người bị đau đớn ở các quốc gia đang phát triển; có những người đã dâng cuộc đời mình truyền giáo ở trong cánh đồng truyền giáo. Có những người khác đang làm việc tại nội thành, liều mạng sống mình mỗi ngày để giúp đỡ những người bị cho là ngoài lề xã hội. Còn có những người phục vụ Chúa trung tín tại thương trường. Danh sách là vô tận. Chắc chắn anh chưa bao giờ mời một trong số những người như thế trong chương trình này, nhưng nhiều người sẽ đứng tại ngai ở thiên đàng bởi vì họ đã vâng lời làm những gì họ được kêu gọi để làm, và họ làm những việc đó xuất phát từ động cơ thánh sạch.”

Tôi nói tiếp, “Về phần tôi, Chúa kêu gọi tôi để làm công việc đặt biệt cho Ngài, và phạm vi của nó đã đụng chạm đến nhiều cuộc đời. Đây là lí do anh mời tôi tham gia chương trình này. Tuy nhiên, tôi không thể thêm một điều nào khác vào những gì Ngài kêu gọi tôi làm. Tôi không thể mở rộng hay thêm bớt bởi khả năng riêng của mình. Nếu tôi nhúng tay vô thì sẽ làm hỏng kế hoạch đó và làm như thế sẽ khiến tôi đâm ra sợ hãi!”

Bầu không khí của buổi phỏng vấn lập tức trở nên nghiêm trọng. Người đang phỏng vấn tôi, cũng có một chức vụ quốc tế, ghi nhận những điều tôi nói và chuyển sang nói về việc giúp đỡ những người khác trong suốt thời gian còn lại của cuộc phỏng vấn.

Điều này cũng đúng cho mọi người. Có thể bạn được kêu gọi làm một người vợ và người mẹ nuôi con hay phục vụ thiếu nhi trong hội thánh địa phương của bạn, hay cầu thay ở phòng riêng. Nếu bạn trung tín làm những việc này cho đến cuối cùng, thì bạn sẽ được ban thưởng lớn vì đã vâng lời. Hoặc bạn được kêu gọi để phục vụ cho các tù nhân qua hội thánh của bạn, chạm đến nhiều cuộc đời ở thương trường, và dâng hiến nhiều cho công tác chức vụ. Nếu bạn trung tín làm điều này cho đến cuối cùng, làm hết tấm lòng như làm cho Chúa, bạn sẽ được ban thưởng giống như một nhà truyền giảng trung tín chinh phục nhiều người cho Chúa.

Danh sách còn tiếp tục. Cá nhân tôi tin rằng ở thiên đàng, chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều bà mẹ, nhiều doanh nhân, nhiều công nhân và nhiều người như thế sẽ nhận được phần thưởng lớn nhất từ Chúa.

Quân Đội Của Chúa Trên Đất

Hội thánh của Chúa Giê-su Christ là quân đội của Chúa trên đất. Tất cả chúng ta có những thứ hạng và ân tứ để hoàn thành sứ mạng của mình. Nhiều năm trước, Chúa đánh thức vợ tôi dậy và cho cô thấy trong Thánh Linh một quân đội lớn của Chúa. Lúc đó là bốn giờ sáng, nhưng cô đã lập tức thức dậy để nói lại cho tôi điều cô đã thấy trong khải tượng.

Cô nói, “Anh à, đó là một quân đội, trong đó mọi người đều biết cấp bậc, vị trí và trách nhiệm của mình. Họ diễu binh rất trật tự, trong các hàng ngũ có những vị trí bỏ trống, và em thấy người ta liền thế chỗ vào. Em thấy em và anh lấp vào hai vị trí để phục vụ. Không ai phải nhìn người khác để biết mình phải diễu hành tới đâu. Tất cả họ đều đồng lòng hiệp ý vì mắt họ chăm nhìn Chúa.”

Sau đó vợ tôi nói một câu mà khiến tôi phải chú ý. “Không một ai ham muốn vị trí của người khác. Mỗi người đều thỏa lòng phục vụ tại nơi Chúa đã hoạch định cho họ.” Bạn có hiểu điều đó không? Không ai trong đạo binh thánh này ganh tị vị trí phục vụ của người khác. Mỗi người thỏa lòng và vui vẻ làm việc trong vị trí của mình.

Biết được điều này, chúng ta quay trở hại ví dụ về căn nhà kiểm mẫu. Hãy nhớ Kinh Thánh nói, “Nhờ khôn ngoan nhà được xây cất.” (Châm Ngôn 24:3). Có hai loại sự khôn ngoan mà qua đó chúng ta có thể xây dựng, một sự khôn ngoan đến từ trời và một sự khôn ngoan đến từ đất.

Trong anh chị em có ai là người khôn ngoan, hiểu biết không? Hãy thể hiện hành động của mình trong cách cư xử tốt đẹp bởi tính nhu mì do sự khôn ngoan. Nhưng nếu anh chị em ganh ghét, cay đắng, tranh cạnh trong lòng thì đừng khoe khoang và nói dối trái với sự thật. Sự khôn ngoan này không phải từ thiên thượng xuống, nhưng từ trần gian, từ bản tính tự nhiên và ác quỷ. Nơi nào có ganh ghét, tranh cạnh thì chỉ có rối loạn và đủ mọi hành động bất lương. (Gia-cơ 3:13-16)

Cho dù chúng ta có làm gì hay công việc có vẻ tốt đẹp như thế nào, nếu làm bởi động cơ ganh tị hoặc tham vọng ích kỷ là chúng ta xây dựng với những động cơ xác thịt, phi Kinh Thánh và thuộc về ma quỷ, và chắc chắn nó sẽ không được ban thưởng.

Từ điển Webster định nghĩa sự ganh tị là “một cảm giác không thỏa lòng hay tham lam liên quan đến những lợi thế, sự thành công, tài sản của người khác…” Nếu chúng ta nhìn ơn gọi của Chúa qua cái nhìn thế gian, thì sự ganh tị là không thể tránh khỏi. Có những người phục vụ Chúa khác ganh tị với nhiệm vụ trong đời sống của Phao-lô. Ông viết, “Thật vậy, có vài kẻ truyền giảng Chúa Cứu Thế vì ganh tị và cạnh tranh nhưng những người khác truyền giảng vì thiện chí. Những người này truyền giảng do lòng yêu thương; họ biết rằng tôi được ủy nhiệm để bênh vực Phúc Âm. Còn những kẻ kia truyền giảng Chúa Cứu Thế vì lòng ích kỷ, không thành thật; tưởng rằng như thế họ làm tôi đau khổ thêm trong khi bị xiềng xích.” (Phi-líp 1:15-17)

Những người phục vụ Chúa này không thỏa lòng với ơn kêu gọi Chúa đã đặt để trên đời sống họ, và họ ham muốn sự thành công của Phao-lô. Sự ganh tị này được gia tăng bởi tham vọng ích kỷ của họ. Tham vọng là một ao ước cháy bỏng muốn hoàn thành một điều gì đó. Nhưng khi nó là ích kỷ thì nó tập trung vào bản thân hơn là vì lợi ích của người khác. Động cơ này sẽ tạo ra sự lộn xộn và tranh chấp và sẽ mở cửa cho mọi việc ác.

Mặc khác, sự khôn ngoan tin kính sẽ tiếp nhiêu liệu cho niềm đam mê về vương quốc, chứ không phải tham vọng ích kỷ. Nó sẽ xây dựng theo ước muốn của Đấng Phát Thảo ra Kế Hoạch, lấy những ao ước của tấm lòng Ngài làm động lực thúc đẩy chúng ta làm việc. Chúng ta đọc về sự khôn ngoan này: “Nhưng sự khôn ngoan thiên thượng trước hết là trong sạch, rồi hòa hiếu, tiết độ, thuận phục, đầy dẫy lòng thương xót và quả tốt lành, không thiên vị cũng chẳng đạo đức giả.” (Gia-cơ 3:17)

Sự khôn ngoan của Chúa trước hết là tinh sạch. Nói cách khác, nó không có hai mặt, có vẻ ngoài tin kính pha trộn với động cơ ganh tị hay ích kỉ. Động cơ của nó là trung tín với Chủ, vui vẻ chấp nhận sự phân công của Ngài. Mục tiêu không phải là «làm lớn» mà là vâng theo sự kêu gọi. Nó sẽ khiến chúng ta vui mừng vì Nước Chúa được mở rộng dù qua chúng ta hay qua những người khác.

Sự khôn ngoan tin kính luôn tập trung vào lợi ích của những người khác, không phải cái tôi của mình. Nó có sự bình an, không cãi cọ, không phân bì, không chỉ trích hay kiểm soát người khác. Động cơ sâu sa của nó là nhìn thấy người khác bước đi trong sự tin kính và hoàn thành định mệnh của họ. Có những người yêu mến chức vụ và chịu đựng con người, và rồi cũng có những người yêu mến con người và xem chức vụ của họ là một phương tiện để phục vụ con người. Nhóm người sau làm thế là do được thúc đẩy bởi sự khôn ngoan tin kính.

Một đặc điểm khác của sự khôn ngoan tin kính là sự đầu phục. Khi chúng ta thỏa lòng trong sự kêu gọi của mình, chúng ta sẽ đầu phục thẩm quyền do Chúa ủy thác và điều khiển. Chúng ta nhìn thấy một bức tranh lớn về nhà của Chúa đang được xây dựng, và chỉ có một Kiến trúc sư, một Nhà thiết kế và một Đấng Kiến thiết phụ trách. Ngài tín thác thẩm quyền, khả năng và công việc của Ngài cho những cá nhân khác nhau trong hội thánh Ngài. Những người sẽ được ban thưởng nhiều tại Ngai Phán Xét là những người đầu phục những ai có vị trí trên họ. Các mục sư phụ tá chia rẽ hội thánh, các nhân viên lập công việc kinh doanh riêng đang khi vẫn còn làm cho chủ, và vân vân – những người này sẽ mất mát rất nhiều tại ngai phán xét, dù họ mang lại kết quả lớn lao khi họ nổi loạn lại lãnh đạo của họ.

Đừng để những kết quả lừa dối bạn. Chúng ta có thể có những kết quả lớn lao song vẫn đang nổi loạn với thẩm quyền của Chúa. Hãy xem ông Môi-se. Chúa bảo ông hãy nói với hòn đá thì nước sẽ lập tức chảy ra. Ông đã không vâng lời. Trái lại vì giận mà ông đã đập vào hòn đá. Nước vẫn chảy ra, đủ để cho ba triệu người uống trong sa mạc. Dân sự có lẽ sẽ nói với nhau lúc uống nước, “Chà! Chúa có lắng nghe Môi-se, ông có ơn quá!”

Nhưng sau khi họ thảy đều uống xong, Chúa kêu ông Môi-se ra và bảo ông sẽ không được bước vào Xứ Hứa vì ông đã không vâng lời. Môi-se có kết quả – kết quả lạ lùng. Nhưng kết quả không phải là dấu chỉ về sự thành công. Sự vâng lời mới là dấu chỉ. Sự khôn ngoan tin kính được bén rễ trong sự kính sợ Chúa, đặt ý muốn của Chúa trên bất cứ ai khác hay bất cứ điều gì khác. Những ai kính sợ Chúa sẽ hoàn toàn đầu phục thẩm quyền của Ngài.

Chúng ta quay trở lại với khải tượng của vợ tôi. Cô nói với tôi sáng hôm đó, “John ơi, tất cả các chiến binh này đều có khuôn mặt giống như đúc.” Nói cách khác, đó là đạo binh không có khuôn mặt. Điều này cho thấy Chúa không có những vị trí siêu sao. Hiểu được điều này sẽ giữ chúng ta không «tham quyền» về vị trí của người khác trong hội thánh hay chống lại thẩm quyền để rồi mình có được vị trí lớn hơn. Sự thăng chức của chúng ta sẽ đến từ trên cao nếu chúng ta cứ tiếp tục được trồng trong hội thánh.

Những Cấp Bậc Khác Nhau

Trong các sách tin lành chúng ta thấy hai dụ ngôn giống nhau, mỗi dụ ngôn đều minh họa một lẽ thật khác biệt liên quan đến Ngai Phán Xét. Đây là những dụ ngôn về ta-lâng và nén bạc. Dụ ngôn đầu tiên, nói về các ta-lâng, nhấn mạnh rằng không chỉ tất cả các tín hữu được ban cho cùng mức độ sự kêu gọi và các ân tứ. Chúa Giê-su nói.

“Nước Thiên Đàng cũng ví như một người kia sắp đi xa nên gọi tôi tớ lại để giao tài sản mình cho họ. Ông giao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người nọ một nén, mỗi người tùy theo khả năng, rồi lên đường.» (Ma-thi-ơ 25:14-15)

Người đi xa kia tượng trưng cho Chúa Giê-su, và những người đầy tớ tượng trưng cho chúng ta. Ta-lâng là đơn vị đo lường tiền tệ, tuy nhiên, vì đây là dụ ngôn nên chắc chắn ta-lâng tượng trưng cho một điều khác.

Một khả năng là, điều mà cá nhân tôi tin là đúng; ta-lâng tượng trưng cho mức độ kêu gọi và các ân tứ của chúng ta. Ví dụ, có những cá nhân có cấp bậc chức vụ giảng cho các nước, người thì giảng cho các thành phố, người thì giảng cho các nhóm tế bào trong hội thánh. Một số tác giả chạm đến hàng triệu người, số khác chạm đến hàng ngàn người, và số khác nữa chạm đến hàng trăm người. Một người có ân tứ quản lý có thể đem một chức vụ tới cấp độ hội thánh lớn, trong khi đó những người khác chỉ có thể coi sóc hội thánh cỡ trung hay nhỏ. Có những nam, nữ doanh nhân có khả năng kinh doanh, và điều đó giúp họ có khả năng phát triển công việc kinh doanh có lợi nhuận ròng hàng trăm ngàn đô-la cho vương quốc. Còn những người khác phát triển kinh doanh tạo ra hàng triệu đô-la, và có những người có khả năng phát triển vài công ty sinh ra hàng triệu hay hàng tỉ đô-la để dâng cho công việc Chúa.

Trở lại với dụ ngôn. Để ý hai điểm quan trọng trong đó. Đầu tiên, tất cả đầy tớ được ban cho ta-lâng, điều đó cho chúng ta biết không có một ai trong hội thánh không có sự kêu gọi (kèm theo các ân tứ) trên đời sống họ. Thứ hai, các cấp bậc khác nhau của sự kêu gọi và ân tứ được ban cho mỗi đầy tớ là theo khả năng của họ. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ Chúa ban cho chúng ta khả năng. Chúng ta chẳng có thứ gì giá trị mà không đến từ Chúa, vì Kinh Thánh nói, “Vì ai phân biệt anh chị em với người khác? Điều mà anh chị em có không phải do anh chị em đã nhận lãnh sao? Nếu anh chị em đã nhận lãnh tại sao anh chị em lại khoe khoang như chưa bao giờ phải nhận lãnh?” (1Cô-rinh-tô 4:7).

Trong dụ ngôn này, người mà có sự kêu gọi và ân tứ ở cấp độ năm đã làm lợi gấp đôi nỗ lực đầu tư của mình. Người có hai ta-lâng làm điều tương tự. Cá nhân tôi tin điều này cho thấy rằng dẫu Chúa ban cho chúng ta các ân tứ, chúng ta phải kết hợp công khó của chúng ta để tạo ra lợi nhuận mà Ngài mong muốn.

Tuy nhiên, người có sự kêu gọi và ân tứ ở cấp độ một có thể cảm thấy sự tín thác dành cho mình là không quan trọng. Anh ta xem chủ là bất công, vô lí và khắc nghiệt. Có thể anh ta tự nghĩ, Tại sao mình được ban cho ít hơn người khác? Tại sao họ có ảnh hưởng tầm quốc gia và quốc tế? Tại sao họ có khả năng để rao giảng, ca hát hay viết lách mà không phải tôi? Tại sao công ty tôi không tăng trưởng theo cách mà tôi có thể dâng hiến như người ta dâng? Và vân vân. Nên anh ta giấu ta-lâng của mình. Anh ta không hoàn thành sự kêu gọi của mình. Anh ta sử dụng các ân tứ cho bản thân hay cho những lĩnh vực không làm lợi cho vương quốc Chúa.

Sau một thời gian dài, chủ của các đầy tớ này về và tính sổ với họ. Hai người đã làm lợi gấp đôi những gì họ được giao thì đã được ban thưởng, họ nhận được cùng một lời khen: “Giỏi lắm, anh là đầy tớ tốt và trung tín! Anh đã trung tín trong các việc nhỏ, ta sẽ đặt anh cai quản những công việc lớn hơn,hãy vào chung vui với chủ anh.”(Ma- thi-ơ 25:12). Người đầy tớ ở cấp độ năm không được khen nhiều hơn người đầy tớ ở cấp độ hai vì cả hai đều trung tín và siêng năng. Điều này một lần nữa xác chứng rằng Chúa chỉ yêu cầu chúng ta trung tín với những gì Ngài đã giao cho chúng ta.

Người có một ta-lâng bị quở gắt gao, và chủ của hắn ra lệnh lấy những gì hắn được giao và đưa cho một trong hai người kia. Đầy tớ bất trung đã mất hết, trong khi đó người trung tín được nhiều hơn.

Khi nghe điều này, tôi nhớ lại vào năm 1992, khi Chúa bảo tôi viết sách. Tôi hầu như đã cười trong sự vô tín về những gì mình nghe trong lòng khi cầu nguyện. Tôi ghét tiếng Anh. Nếu ai đó nói tôi sẽ viết sách, tôi sẽ cười chế nhạo để họ ra khỏi phòng.

Tuy nhiên, mười tháng sau, hai người phụ nữ đến với tôi trong vòng cách nhau hai tuần và nói cho tôi một lời tiên tri, “John, nếu anh không viết những gì Chúa ban cho anh để viết, Ngài sẽ ban sứ điệp cho người khác và anh sẽ bị phán xét.” Tôi run rẩy và hành động bởi đức tin, và câu chuyện còn lại đã thành lịch sử. Nếu tôi đã không vâng lời, thì người khác sẽ viết các sứ điệp này, và tôi sẽ mất ta-lâng đã được giao cho mình.

Nhân Cấp Những Gì Được Giao

Chúng ta đã bàn rất nhiều rằng bạn không thể thêm bớt sự kêu gọi hay ân tứ của mình. Giờ hãy chuyển chú ý sang sự nhân cấp những mà mỗi tín hữu đã có. Dụ ngôn về nén bạc, nó tương tự như dụ ngôn về ta-lâng nhưng lại rất khác, bày tỏ chân lí này. Chúa Giê-su nói:

“Một thái tử đi phương xa để được phong vương rồi mới về nước. Ông gọi mười đầy tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và bảo: ‘Hãy kinh doanh cho đến khi ta về!’” (Luca 19:12-13)

Một nén bạc, giống một ta-lâng, là sự đo lường về tiền bạc. Nhưng trong dụ ngôn này mỗi người được cho số lượng như nhau, mỗi người một nén bạc. Vì thế, nén bạc không tượng trưng cho cấp độ kêu gọi hay ân tứ của chúng ta như ta-lâng. Mà nén bạc tượng trưng các lẽ thật của Lời Chúa, nền tảng đức tin của chúng ta, tình yêu thương của Chúa tuôn đổ trong lòng chúng ta, và các phước hạnh giao ước được ban cho mỗi tín hữu. Mỗi tín hữu đều có cùng một lượng như nhau; lúc đầu không ai được cho dư cả.

Dụ ngôn này nói về những gì mà mỗi chúng ta là tín hữu, có được trong Chúa. Kinh Thánh nói, “Thế thì, đừng ai khoe khoang về loài người vì mọi sự đều thuộc về anh chị em.” (1Cô-rinh-tô 3:21). Một lần nữa, «Chúc tụng Đức Chúa Trời, Cha của Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta, là Đấng đã ban đủ mọi phúc lành thiêng liêng trên trời cho chúng ta trong Chúa Cứu Thế.” (Ê-phê-sô 1:3). Những phước hạnh này thuộc về chúng ta trong Đấng Christ, nhưng chính đức tin của chúng ta mới chiếm hữu và bày tỏ nó ra ngay trên đất này. Và chính sự vâng lời, sự cầu nguyện và sự dâng hiến của chúng ta sẽ làm cho nó được nhân cấp lên. Đây là lí do thái tử, tương trưng cho Chúa Giê-su, nói với các đầy tớ mình (tượng trưng chúng ta), “Hãy kinh doanh cho đến khi ta về.” Chúng ta phải lấy những gì được giao cho và nhân cấp nó lên vì sự vinh hiển của Chúa.

Hãy xem những kết quả sản sinh bởi các đầy tớ này:

Sau khi thụ phong, tân vương quay về, cho gọi những đầy tớ đã được giao bạc đến, để xem mỗi người làm lợi được bao nhiêu.

Đầy tớ thứ nhất đến thưa: ‘Thưa, nén bạc của ngài sinh lợi được mười nén.’ Vua khen: ‘Được lắm, đầy tớ giỏi của ta. Vì ngươi trung tín trong việc nhỏ nên ngươi sẽ được quản trị mười thành.’

Đầy tớ thứ hai đến trình: ‘Thưa, nén bạc của ngài sinh lợi được năm nén.’ Vua đáp: ‘Ngươi sẽ được quản trị năm thành!’

Một đầy tớ khác đến thưa: ‘Thưa, đây là nén bạc của ngài, con đã gói cất trong khăn, vì con sợ ngài; bởi ngài là người nghiêm ngặt, lấy những gì không đặt, lại gặt những gì không gieo!’ (Luca 19:15-20)

Vua quở trách nghiêm khắc người cuối cùng, và nén bạc anh ta có bị lấy đi và đưa cho người đã nhân cấp nén bạc của mình lên con số mười. Chủ nói, “‘Ta bảo cho các ngươi biết, ai đã có sẽ được cho thêm;nhưng ai không có sẽ bị lấy mất luôn điều gì họ có” (câu 26).

Trong dụ ngôn này, Chúa Giê-su chỉ nói đến ba trong số mười đầy tớ. Sự khác biệt quan trọng trong dụ ngôn này là mỗi cá nhân khởi sự với số lượng y như nhau; tuy nhiên, một người đã gia tăng nó lên mười lần, người kia năm lần và người thứ ba thì không có gì cả. Chúng ta cũng thấy các phần thưởng là khác nhau tùy theo hiệu quả công việc kinh doanh của đầy tớ. Thành công của họ sẽ quyết định trực tiếp đến số thành mà họ sẽ cai trị.

Cách chúng ta nhân cấp những gì giao cho chúng ta sẽ quyết định trực tiếp là chúng ta sẽ được giao bao nhiêu thẩm quyền trong thời kỳ một nghìn năm và ở trời mới đất mới. Người trung tín sẽ cai trị với Đấng Christ, nhưng không phải tất cả sẽ có thẩm quyền như nhau. Sự siêng năng của chúng ta ở đây sẽ quyết định phạm vi cai trị của chúng ta với Ngài suốt cõi đời đời. Điều này dựa trên việc tất cả chúng ta đều bắt đầu bằng nhau và mỗi người đều có một nén bạc, nên một người vợ và người mẹ siêng năng phục vụ trong hội thánh có cùng cơ hội để giành phần thưởng như một nhà truyền giảng chinh phục hàng trăm ngàn linh hồn.

Dụ ngôn này cho thấy mỗi người có tiềm năng nhân cấp nén bạc của mình gấp nhiều lần hơn. Trong đời sống cá nhân, chúng ta có thể ảnh hưởng và xây dựng vương quốc Chúa nhiều hay ít là tùy ý chúng ta muốn, lựa chọn là của chúng ta. Thật ra, về một phương diện thì chúng ta không có giới hạn nào cả. Bạn có thể rào đón câu nói này, nhưng hãy để tôi giải thích qua những ví dụ. Tôi có thể đưa ra nhiều ví dụ, nhưng chỉ cần một ít thôi cũng sẽ mở cánh cửa lòng bạn về nguyên tắc thuộc linh này. Nhưng trước khi chúng ta đào sâu thêm, hãy xem những lời của sứ đồ Phi-e-rơ:

Nguyện xin ân sủng…tràn ngập (nhân cấp) trong anh chị em nhờ sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Giê-su, Chúa chúng ta. Bởi thần năng, Ngài ban cho chúng ta mọi điều cần để sống và sống tin kính… (2Phi-e-rơ 1:2-3)

Ân sủng có thể được nhân cấp trong cuộc đời chúng ta. Gia-cơ nói, “Nhưng Ngài ban ân sủng cho người khiêm tốn.” (Gia-cơ 4:6). Ấy là nhờ ân sủng mà chúng ta có thể làm bất cứ điều gì có giá trị trong vương quốc. Khả năng này được nhân cấp qua việc biết Chúa cách thân mật. Đây là lí do mỗi tín hữu nên để thời gian nhiều với Chúa. Chúng ta nên cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, đọc những sách vỡ được xức dầu và lắng nghe những sứ điệp đầy ơn, cùng lúc đó tìm kiếm và lắng nghe Thánh Linh và sự mặc khải của Ngài. Khi chúng ta làm điều này, ân sủng được nhân cấp trong đời sống chúng ta, ban cho chúng ta khả năng để làm nhiều hơn.

Tôi phát hiện rằng khi tôi càng biết Chúa và đường lối Ngài cách thân mật, thì tôi càng trở nên hiệu quả. Nếu tôi có một cái rìu cùn, việc đốn cây có thể mất cả ngày. Tuy nhiên, nếu mài sắc nó, tôi có thể đốn hạ năm cái cây trong một ngày, dùng cùng năng lượng như vậy. Đây là điều xảy ra khi ân sủng được nhân cấp trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta làm việc với hiệu xuất cao hơn.

Tôi nhớ lại lúc làm chứng ngoài đường tại một cuộc diễu hành của người đồng tính năm ở Dallas nhiều năm trước. Tôi đã nói cho những linh hồn hư mất này về Chúa Giê-su trong hai giờ liên, và họ nhìn tôi như thể tôi đến từ một thế giới khác. Một số người lấy Kinh Thánh đáp trả lại tôi nhanh như tôi đang nói chuyện với họ. Tôi cảm nhận được rằng mình nói như «nước đổ đầu vịt,» như gieo hạt trên nền bê-tông vậy.

Sau đó Chúa thì thầm với tôi, “Hãy trông đợi nơi Ta, và Ta sẽ chỉ con phải làm gì.” Trong ba mươi phút tiếp theo, Chúa dẫn dắt tôi tới gặp nhiều người và ban cho tôi những lời để chia sẻ. Những lời này đã đánh động lòng tội nhân và ba người đàn ông dâng đời mình cho Chúa Giê- su. Việc mong đợi nơi Thánh Linh và lắng nghe lời Ngài phán với lòng chúng ta đã nhân cấp các nỗ lực của tôi.

Tôi đã thấy điều này xảy ra trong tất cả lĩnh vực của đời sống. Khi tôi tăng trưởng trong Lời Chúa, tôi có khả năng để làm nhiều hơn trong thời gian ít hơn. Tôi khám phá ra những con đường của lẽ thật và đã tiết kiệm cho tôi nhiều giờ, nhiều ngày và thậm chí nhiều tháng. Sự cầu nguyện trở nên đầy quyền năng hơn, sự hiện Chúa trở nên mạnh mẽ hơn, và ảnh hưởng lên nhiều cuộc đời hiệu quả hơn. Kinh Thánh hứa điều này:

Kính sợ CHÚA là khởi đầu sự khôn ngoan; Hiểu biết Đấng Thánh là sự sáng suốt. Vì nhờ ta các ngày của con sẽ được nhiều thêm, các năm của đời con sẽ được gia tăng. (Châm Ngôn 9: 10-11)

Có hai điều được hứa trong đoạn này: số năm, nghĩa là sống lâu hơn, và số ngày được thêm lên. Ý sau không có nghĩa là thêm nhiều năm như thể là nó bị lùi lại. Nhưng nó có nghĩa là khả năng để hoàn thành nhiều hơn trong cùng lượng thời gian. Điều này được miêu tả ở chỗ khác như là các ngày dài: “Vì chúng sẽ làm gia tăng số ngày và số năm của đời con; chúng sẽ đem lại cho con bình an thịnh vượng” (Châm Ngôn 3:2). Tác giả câu này nói về việc tuân thủ Lời Chúa, như Phi-e-rơ đã nói ở trên. Để ý không chỉ sống thọ mà cả những ngày dài được ban cho nữa. Việc lắng nghe và để ý Chúa sẽ nhân cấp thời gian của chúng ta.

Nhân Cấp Qua Sự Dâng Hiến

Bất cứ ai biết Chúa thân mật đều trở thành một người dâng hiến vui mừng và hào phóng vì chính Chúa là Đấng ban cho rời rộng. Ngài đã ban món quà tốt nhất, tức Con Độc Nhất của Ngài. Đối với Ngài không có gì giá trị hơn là Chúa Giê-su. Đức Chúa Trời không bao giờ ban một món quà vô nghĩa, không hết lòng. Ngài ban Chúa Giê-su, và mong đợi một mùa gặt được nhân cấp – tức là những con trai, con gái bước vào gia đình của Ngài – và mùa gặt vẫn đang được thâu vào.

Sự dâng hiến bởi đức tin là một cách để nhân cấp những gì chúng ta có; nó có thể nhân cấp những gì chúng ta có để ảnh hưởng nhiều cuộc đời cho cõi đời đời, như trường hợp Chúa Cha ban Giê-su cho chúng ta. Chúa Giê- su nói rõ với chúng ta, “Nên Ta nói với các ngươi, hãy dùng tiền của bất chính để kết thêm bạn bè, hầu khi tiền của ấy hết, họ sẽ tiếp các ngươi vào ở với họ mãi” (Luca 16:9). Tiền bạc của chúng ta, nếu được sử dụng đúng, có thể ảnh hưởng chất lượng của cuộc sống của chúng ta ở thiên đàng và tại Giê-ru-sa-lem Mới sau khi tiền bạc không còn nữa. “Như có chép rằng, người nào rải của mình ra giúp người nghèo khổ, công đức của người ấy sẽ trường tồn mãi mãi.” (2Cô-rinh-tô 9:9)

Người nghèo không chỉ là nghèo về tiền bạc mà cũng là người nghèo trong tâm linh. Một người có thể có nhiều triệu đô-la nhưng tâm linh vẫn nghèo. Xa-chê là một ví dụ. Trong khi nói về sứ mạng của Ngài, Chúa Giê-su phán, “Thần Chúa ngự trên Ta vì Ngài đã xức dầu cho Ta để truyền giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ…” (Luca 4:18). Sau đó Chúa vào một thành kia, thấy một người rất giàu có, và sau đó nói chuyện với ông ta trước đám đông, rằng, “…vì hôm nay Ta phải ghé lại nhà con” (Luca 19:5). Dẫu Xa-chê là người giàu nhất trong thành, nhưng rõ ràng ông là người nghèo nhất. Nói cách khác, ông biết hơn ai hết mình cần Chúa như thế nào. Chúa Giê-su đã giảng cho nhiều người giàu có về tài chính, nhưng họ cũng biết họ cần Lời Chúa.

Các chức vụ được dấy lên để làm công việc của Chúa Giê-su, để công bố và dạy dỗ Lời Chúa cho người nghèo. Trong việc dâng hiến tài chính cho công việc Chúa, chúng ta gieo cho những người nghèo, và việc làm của chúng ta còn đến đời đời. Dù bạn có nhiều hay ít tiền cũng không khác biệt. Chừng nào bạn có hạt giống – mà Chúa nói Ngài sẽ cho bạn – bạn có thể nhân cấp các nỗ lực của mình trong việc xây dựng vương quốc Chúa.

Ân tứ của bạn sẽ nhân cấp như thế nào? Hãy xem một hạt táo. Nếu bạn trồng nó, cuối cùng bạn sẽ nhận được mùa thu hoạch táo. Nhưng quan trọng hơn thế đó là trong những trái táo này sẽ có thêm nhiều hạt táo. Nếu tất cả số hạt này được trồng, nó sẽ cho năng suất nhiều lần hơn, và quy trình cứ thế tiếp tục. Điều này cũng đúng với tài chính của chúng ta. Hãy xem những gì Phao-lô nói với những người Cô-rinh-tô liên quan đến sự dâng hiến của họ:

Anh chị em nên nhớ điều này, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người nên quyên giúp tùy lòng đã định, không phải vì miễn cưỡng hay bị ép buộc. Vì Đức Chúa Trời yêu người hiến tặng một cách vui lòng. (2Cô- rinh-tô 9:6-7)

Mùa gặt mà chúng ta nhân cấp lên sẽ tỉ lệ thuận với việc chúng ta gieo bao nhiêu. Để ý việc gieo là không do Chúa quyết định mà do chúng ta quyết định gieo. Nếu chúng ta dự định bởi đức tin và muốn trở thành người hào phóng, thì sự dâng hiến của chúng ta được nhân cấp lên rất nhiều: “Đấng đã cung cấp hạt giống dồi dào cho người gieo và bánh làm thực phẩm, cũng sẽ cung cấp và gia tăng hạt giống của anh chị em. Ngài cũng sẽ làm cho hoa quả công chính của anh chị em sinh sôi nẩy nở thêm nhiều” (2Cô-rinh-tô 9:10).

Chúa sẽ gia tăng kho hạt giống của chúng ta, tương tự như ví dụ về hạt táo mà tôi vừa đưa ra. Nếu chúng ta gieo những gì mình có, chúng ta sẽ có thêm nhiều hạt giống. Tiến trình này tiếp tục cho đến khi chúng ta thấy mình sở hữu một kho hạt giống, mang lại cho chúng ta khả năng lớn hơn để chúc phước nhiều người khác.

Qua sự dâng hiến của chúng ta, Chúa cũng sẽ mở rộng mùa gặt công chính của chúng ta. Đây là chỗ vấn đề trở nên rất lí thú. Điều này nói về sự gia tăng mùa gặt của chúng ta, tức là phần thưởng đời đời, từ những cuộc đời mà chúng ta chạm đến qua sự dâng hiến của chúng ta. Nên xét về cốt lõi, chúng ta đang nhân cấp các nén bạc của mình, như những người đầy tớ trong dụ ngôn.

Hợp Tác Với Người Khác

Sự dâng hiến của chúng ta cho những người khác, đặc biệt là cho những người thiếu thốn không thể trả lại chúng ta, sẽ đem lại phần thưởng cả ở đời này lẫn tại ngai phán xét. Liên quan đến sự nhân cấp các nỗ lực của chúng ta để xây dựng vương quốc, chúng ta có thể làm điều này qua sự cộng tác trong phúc âm. Hãy xem những gì Phao-lô nói với các tín hữu Phi-líp, người đã hỗ trợ tài chính cho chức vụ của ông:

Tuy nhiên khi chia sẻ hoạn nạn với tôi anh chị em đã làm một điều tốt đẹp. Thưa anh chị em thành Phi-líp, chính anh chị em biết rằng trong thời gian bắt đầu truyền giảng Phúc Âm, khi tôi rời khỏi xứ Ma-xê-đoan, không Hội Thánh nào tham gia trong việc chi phí và hỗ trợ cho tôi, ngoại trừ anh chị em. Vì ngay khi tôi còn ở Tê-sa-lô-ni-ca anh chị em đã gởi đồ tiếp tế cho tôi một hai lần. (Phi-líp 4:14-16).

Để ý Phao-lô nói về sự cộng tác của tín hữu Phi-líp với chức vụ của ông. Sự cộng tác được định nghĩa là “một mối quan hệ giữa các cá nhân hay một nhóm mà tiêu biểu là sự hợp tác và trách nhiệm hai bên, để đạt được mục tiêu cụ thể nào đó.” Sự hợp tác lành mạnh do Chúa kết hợp luôn luôn tạo ra cho chúng ta khả năng để làm nhiều hơn điều mà chúng ta mơ ước làm bởi sức riêng.

Như tôi đã nói, Chúa Giê-su giao sứ mạng cho chúng ta để đi khắp thế giới và môn đồ hóa muôn dân, chứ không chỉ mời người ta tin Chúa mà thôi. Nhiệm vụ này có cả mỗi tín hữu. Tuy nhiên, nếu tất cả tín hữu đi truyền giáo, làm việc này trọn thời gian, thì làm sao tin lành được hỗ trợ về tài chính? (Đây là lí do Chúa ban những sự kêu gọi và ân tứ khác nhau cho mỗi cá nhân). Chúa không bao giờ định cho các chức vụ nhận tài chính qua sự phân phát của các thiên sứ hay qua việc mưa tiền từ trời xuống. Trái lại, Ngài giao đặc ân dâng hiến cho hội thánh Ngài, điều này tạo ra sự hợp tác.

Chúa đã kêu gọi và lập những người có ân tứ chức vụ để chinh phục nhiều người. Như đã nói, Ngài ban ơn, khả năng đặc biệt, và sự xức dầu để hoàn thành mục đích này. Ngài không giao nhiệm vụ này cho tất cả mọi người mà chỉ cho một số người trong hội thánh (xem Ê-phê-sô 4:1). Những người còn lại trong hội thánh Ngài giao cho công việc khác để hoàn thành mục đích của Ngài. Điều này bao gồm việc đi làm, kiếm tiền hay lãnh lương, và giảng tin lành cho những người ở trong vòng ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, nếu bạn làm việc trọn thời gian, thì làm sao bạn có thể chinh phục vô số người? Câu trả lời là qua sự hợp tác.

Nếu bạn có một sản phẩm làm thay đổi cuộc đời nhưng bạn chỉ có thể sản xuất hai cái mỗi tháng, thì không thể nào phân phát món hàng này cho cả thành phố, cho khắp nước của bạn và cho thế giới. Tuy nhiên, nếu có một công ty, họ có cả khả năng và trang thiết bị đặc biệt, cần thiết để sản xuất và phân phát hàng ngàn sản phẩm này mỗi tháng, thì bạn sẽ hợp tác với họ để hoàn thành công việc. Khi làm vậy, bạn sẽ không chỉ hướng đến hai người mỗi tháng (một ví dụ về làm chứng và môn đồ hóa cá nhân), mà thêm hàng ngàn người mà công ty đã hướng đến. Bạn sẽ nhân cấp một cách hiệu quả các ta-lâng và nỗ lực của bạn qua sự hợp tác đơn giản.

Cùng nguyên tắc này áp đụng cho lời nhận xét của Phao-lô dành cho người Phi-líp. Ông nói tiếp, “Ấy khong phải tôi cầu mong quà biếu, nhưng cầu mong kết quả dồi dào cho tài khoản của anh chị em” (Phi-líp 4:17).

Để ý cụm từ “kết quả dồi dào cho tài khoản của anh chị em.” Những tín hữu Phi-líp này đã nhân cấp các nỗ lực của mình trong việc rao giảng và dạy dỗ nhiều linh hồn bằng cách gieo tài chính cho đời sống và chức vụ của Phao-lô qua sự hợp tác. Họ dâng hiến của tạm thời, qua đó nó chuyển thành của đời đời, và khi làm như thế thì của cải sẽ được nhân cấp lên.

Khi bạn bước vào sự hợp tác như thế, Phao-lô nói bạn sẽ có “mùa gặt phước hạnh được tích trữ vào tài khoản của bạn.” Đây là tài khoản thiên thượng của bạn. Khi bạn đứng trước Ngai Phán Xét của Chúa, bạn không chỉ được ban thưởng vì những cuộc đời bạn đã ảnh hưởng ở nơi làm việc, trong hàng xóm, trường học và vân vân, mà cũng được thưởng vì hàng ngàn hay hàng triệu người khác mà bạn đã rao giảng và huấn luyện qua sự hợp tác với các chức vụ do Chúa lập lên. Vì lí do này Kinh Thánh bảo chúng ta, “Hãy gởi bánh con ăn trên mặt nước; Sau nhiều ngày, con sẽ tìm thấy lại. Hãy chia phần con cho bảy, hoặc ngay cả tám người…» (Truyền Đạo 11:1-2)

Khi bạn liên tục dâng cho các chức vụ được Chúa lập lên (bao gồm hội thánh địa phương của bạn), bạn cùng tham gia với họ khi họ chạm đến những người khác qua việc rao giảng. Bạn có phần trong tất cả những việc họ làm vì bạn hợp tác với họ. Đây là tin tức phấn khởi: bạn càng đầu tư, phần thưởng bạn càng lớn.

Hãy biết rằng Chúa không đánh giá món quà theo số lượng mà theo sự trung tín gieo của bạn. Đức Chúa Trời là Cha đang tìm kiếm sự dâng hiến thật sự từ tấm lòng. Ngài yêu thương và ban phước cho tấm lòng như thế, chứ không chỉ số lượng mà thôi. Ví dụ, một người có thể trung tín dâng cho một chức vụ một của dâng là ba mươi đô-la mỗi tháng. Khi làm thế, người dâng hiến đó sẽ phải hy sinh một chút. Chúa sẽ nhìn xem của dâng này, hơn là nhìn vào số tiền, vì nó được dâng từ số tiền mà người đó cần để sống. Cũng có người khác mỗi tháng dâng một ngàn đô-la, nhưng của dâng này được dâng hiến xuất phát từ sự dư dật của người đó. Người này không có trả giá hay hi sinh gì cả. Cả hai đều tốt đẹp và có giá trị đối với Chúa, nhưng người dâng hiến nhiều hơn qua cái nhìn của Chúa chính là người dâng ba mươi đô-la. Ý niệm này được minh họa qua việc người góa bụa dâng hai đồng xu (xem Mác 12:41-44).

Chúng ta cũng phải nhớ rằng Chúa nhân cấp các ân tứ của chúng ta trong cuộc sống trên đất này nữa. Ơn phước này ban cho mỗi người trong chúng ta khả năng lớn hơn để dâng hiến nhiều hơn. Kinh Thánh nói, “Người ban cho rộng rãi lại càng giàu có…” (Châm Ngôn 11:24). Hãy suy nghĩ về điều đó. Sự đầu tư của bạn không chỉ tăng trưởng ở đời đời, nhưng nó cũng mở rộng trong thế giới tự nhiên, và điều này cho bạn khả năng để hướng tới nhiều người hơn. Đây là một vòng tròn liên tục đổi mới và gia tăng.

Hai mươi hai năm trước, một nhóm các doanh nhân mà tôi biết đã họp lại với nhau và kết ước dành một phần thu nhập từ công việc kinh doanh của họ để mở mang Nước Chúa. Nỗ lực này bắt đầu ít thôi, nhưng mỗi năm trôi qua nó đã tăng trưởng. Những người này cứ kiên định trong sự dâng hiến và sự hợp tác của mình. Sự dâng hiến của họ đã mở rộng tới mức họ đã dâng hơn 120 triệu đô-la cho tin lành trong mười hai năm đầu từ khi họ đưa ra sự kết ước. Họ đã lấy nén bạc của mình và nhân cấp nó cho các mục đích của vương quốc Chúa; phần thưởng của họ sẽ rất lớn.

Có rất nhiều người nam, người nữ trong hội thánh có những công việc kinh doanh rất thành công; tuy nhiên, nhiều người đã dâng hiến cho Nước Chúa rất ít so với những gì họ kiếm được. Dù họ rất thành công theo cái nhìn thế gian, nhưng theo cái nhìn của Chúa thì họ đã giữ lại như thế nào? Dù họ có làm ra hàng triệu đô-la, liệu họ có chịu phán xét như người đã giấu nén bạc của mình không? Họ đã không nhân cấp những gì đã giao cho họ để làm cho Nước Chúa. Những ai sống như thế này đều không sống hướng về cõi đời đời.

Gần đây tôi có chơi gôn với một doanh nhân, anh ta thỉnh thoảng dâng hiến cho chức vụ của chúng tôi. Chơi xong, anh ta chở tôi về khách sạn. Khi chúng tôi lái xe, anh ta nói, “Anh John à, tôi gần năm mươi tuổi rồi. Tôi đã làm việc cật lực để xây dựng giá trị ròng của công ty lên đến chín triệu đô-la. Tất cả đều tốt đẹp, công việc kinh doanh rất tốt, và vợ con tôi được chăm lo cả đời. Sao tôi lại không để thêm mười năm của cuộc đời để làm việc cật lực nhằm xây dựng công ty của mình lên ba mươi hay bốn mươi triệu đô-la?

Tôi nhận ra anh ta đã không thấy mình là một phần quan trọng của việc xây dựng nhà Chúa. Anh thấy tôi giữ một vai trò quan trọng trong vương quốc, nhưng với tư cách một thương gia, anh ta đã không nhìn thấy giá trị của mình.

Tôi nhanh chóng trả lời câu hỏi của anh ta bằng một câu hỏi khác. “Giả sử tôi nói với anh, ‘Tôi đã làm việc vô cùng cực nhọc để viết được mười bảy cuốn sách, đã đi lại hầu việc Chúa bảy triệu dặm và đã rao giảng hàng ngàn bài giảng. Mọi sự đang xuôi chèo mát mái, chức vụ suôn sẻ, vợ con tôi được chăm sóc đến cuối đời. Tại sao tôi phải làm việc cật lực để viết thêm sách, đi đây đó để rao giảng thêm nhiều sứ điệp nữa chứ?’ Anh nghĩ Chúa Giê-su sẽ phản ứng với điều đó như thế nào?”

Anh ta cười và nói, “Tôi không muốn ở vị trí của anh khi anh đối diện với Ngài.”

Tôi lập tức trả lời, “Anh nói chính xác.”

Tôi để anh ta suy nghĩ một lát. Rồi tôi nói tiếp, “Các ân tứ Chúa Giê-su đã cho tôi để xây dựng vương quốc của Ngài là giảng dạy và viết lách. Ân tứ Chúa Giê-su cho anh để xây dựng vương quốc của Ngài là làm ra tiền để tài trợ cho vương quốc. Anh đã không hiểu mối quan hệ giữa hai vấn đề. Tôi bị giới hạn trong những gì tôi làm cho Chúa, ấy là tùy thuộc vào sự vâng lời hay không vâng lời của anh, cũng như miệng tôi sẽ bị giới hạn trong những gì nó muốn nói nếu đôi chân của tôi quyết định không chịu đi để đưa tôi tới những người tôi cần nói chuyện.” Anh ta cứng miệng.

Sáu tháng sau, tôi gọi cho anh ta. Tôi hỏi anh ta thế nào. Anh nói, “John, mỗi ngày tôi đã bị ám ảnh bởi những lời anh nói với tôi sáu tháng trước. Tôi đang làm việc cật lực để kiếm nhiều tiền hơn để có thể dâng nhiều hơn.” Tôi thích sự khiêm nhường của anh ta.

Mặt khác, tôi và vợ tôi biết một doanh nhân đã nhóm trong hội thánh nhà của chúng tôi và rất năng nổ hầu việc Chúa, phục vụ bất cứ nơi nào cần anh. Anh biết mình không được kêu gọi để giúp đỡ trọn thời gian nhưng làm việc tại thương trường. Anh ta đặt một mục tiêu sống trên mười phần trăm thu nhập và dâng chín mươi phần trăm. Anh ta đã đạt được mục tiêu đó, nhưng với mười phần trăm đó, anh ta chạy một xe cáu kỉnh và sống trong một căn nhà rất đẹp. Sự hợp tác của anh với vương quốc Chúa đã khiến công việc kinh doanh của anh phát triển vượt bậc và mười phần trăm anh dâng cũng gia tăng. Anh đã áp dụng nguyên tắc của Chúa Giê-su: ai trung tín trong chuyện nhỏ sẽ trung tín trong chuyện lớn.

Một lí do khác mà chúng ta hợp tác đó là chúng ta có cơ hội để dâng lại cho các chức vụ đã chạm đến chúng ta. Phao-lô nói, “Nếu chúng tôi đã gieo điều thiêng liêng cho anh chị em thì việc gặt hái vật chất từ anh chị em là quá đáng sao? Nếu những người khác còn có quyền ấy đối với anh chị em, chúng tôi không có sao?” (1Cô-rinh-tô 9:11-12)

Điều này cũng thể hiện trong thế giới tự nhiên. Nếu bạn được một người bạn cho một món quà, bạn sẽ không viết thư cám ơn cho một người khác. Bạn sẽ cảm ơn người đã chúc phước cho bạn, làm thế bạn sẽ làm cho mối quan hệ đó bền vững hơn. Chúa chủ ý hoạch định sự hợp tác theo cách này, để chức vụ đó rao giảng và đụng chạm nhiều người hơn, để họ có nhiều tài chánh để mở rộng hoạt động hơn. Vậy tất cả những người được nuôi dưỡng bởi chức vụ nào đó nên dâng hiến tài chính trở lại cho chức vụ đó (dù sự dâng hiến của họ chỉ là hai xu như người đàn bà góa) thì chức vụ đó mới có đủ tài chánh trang trải để duy trì công việc và thậm chí mở rộng ra thêm.

Phao-lô kết luận lá thư của ông cho người Phi-líp khi nói rằng:

Giờ đây tôi có đầy đủ và còn dư dật nữa. Tôi đã nhận đầy đủ tặng phẩm của anh chị em do Ê-ba-phô-đi trao như hương thơm, như lễ vật Đức Chúa Trời chấp nhận và đẹp lòng. Và Đức Chúa Trời của tôi sẽ cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu cho anh chị em theo như sự giàu có vinh quang của Ngài trong Chúa Cứu Thế Giê-su. (Phi-líp 4: 18-19).

Lời hứa rằng Chúa sẽ tiếp trợ mọi nhu cầu theo sự giàu có của Ngài được nói cho những người hợp tác với các chức vụ. Nếu bạn dâng phần mười và hợp tác với các chức vụ, thì bạn có thể xác quyết đứng trên lời hứa này của Chúa. Bạn sẽ không bao giờ thiếu thốn.

Nhân Cấp Qua Sự Cầu Nguyện

Một cách khác chúng ta có thể nhân cấp là qua cầu nguyện. Giống như chúng ta đã làm qua sự dâng hiến cho các chức vụ, chúng ta cũng có thể chạm đến nhiều người mà chúng ta sẽ không gặp cho đến khi họ về thiên đàng bằng cách cầu nguyện cho anh em mình, cho gia đình, cho hội thánh, cho thành phố và cho đất nước mình. Chúng ta cũng có thể đụng chạm nhiều cuộc đời bằng cách cầu nguyện cho các chức vụ. Trong chức vụ của chúng tôi có cả những người hợp tác về tài chính lẫn những người hợp tác trong sự cầu nguyện. Một người hợp tác cầu nguyện là người kết ước cầu nguyện cho Messenger International mỗi ngày.

Người ta thường đến gặp tôi và nói, “Tôi cầu nguyện cho anh mỗi ngày.” Tôi biết ngay là họ có thật sự cầu nguyện hay không hay là họ chỉ nói cho có mà thôi. Đối với những người thật lòng cầu thay cho chúng tôi, tôi nói, “Đó là điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm để giúp đỡ chúng tôi.” Đúng vậy! Nếu tín hữu cầu nguyện, nhiều cuộc đời sẽ được đụng chạm và tạo ra một ảnh hưởng lớn lao. Sự cầu nguyện sẽ khiến Chúa hành động trên tấm lòng để người ta dâng hiến cho công việc Ngài – nên nếu tôi phải chọn giữa một người cộng tác cầu nguyện và người hợp tác tài chính, thì tôi sẽ chọn người cộng tác cầu nguyện trước hết. Tuy nhiên, cả hai đều rất cần thiết.

Nhân Cấp Qua Sự Phục Vu

Một cách khác chúng ta có thể nhân cấp là qua sự phục vụ các chức vụ. Có rất nhiều người giúp đỡ và là thành viên trong đội hình của tổ chức chúng tôi, Lisa và tôi liên tục nhắc nhở họ rằng họ sẽ nhận công lao tại Ngai Phán Xét cho mỗi cuộc đời mà chức vụ chúng tôi chạm đến.

Tôi biết điều này từ câu nói của Đa-vít nói với tất cả binh lính của ông khi ông đánh trận trở về. Trong 1Sa- mu-ên 30, chúng ta thấy sự kí thuật về việc Đa-vít đuổi theo dân A-ma-léc và lấy lại những gì mà dân Y-sơ-ra-ên đã bị bắt đi và trộm lấy. Khi Đa-vít và các đầy tớ của ông trở về trại, một số người đã ra trận với Đa-vít không muốn chia sẻ phần thưởng với những người ở lại phía sau để giữ đồ. Nhưng hãy nghe câu trả lời của Đa-vít:

Không ai có thể nghe lời anh em đề nghị! Phần của người đi đánh giặc cũng như phần của người ở lại giữ đồ đạc đều bằng nhau. Họ sẽ chia đồng đều. Kể từ hôm ấy, Đa-vít lập quyết định này thành luật trong dân Y-sơ-ra-ên, vẫn còn áp dụng đến ngày nay. (1Sa-mu-ên 30: 24-25)

Đa-vít là hình bóng hay đại diện cho Đấng Christ. Nên câu nói, “Kể từ hôm ấy, Đa-vít lập quyết định này thành luật trong dân Y-sơ-ra-ên, vẫn còn áp dụng đến ngày nay,” cho tôi biết rằng điều này ngày nay vẫn áp dụng cho Chúa Giê-su và hội thánh của Ngài. Tại Ngai Phán Xét, tất cả những người mà một chức vụ nào đó chạm đến không chỉ được tính công cho người lãnh đạo mà còn cho tất cả những người trung tín phục vụ, dâng hiến và cầu nguyện cho chức vụ đó dẫu họ không có mặt tại công trường thuộc linh.

Thái Độ Là Quan Trọng

Một phần quan trọng của việc nhận lãnh phần thưởng cho sự phục vụ của bạn là thái độ của bạn, như chúng ta đã bàn đến. Không chỉ có việc làm của chúng ta mới quan trọng, nhưng ngay cả động cơ tiếp sức cho việc làm của chúng ta và thái độ mà tác động đến động cơ của chúng ta cũng quan trọng. Chúa nói, “Nếu các ngươi mong muốn và vâng lời, các ngươi sẽ ăn sản vật tốt lành của đất” (Ê-sai 1:19).

Tôi nhớ có lần đời sống thuộc linh của tôi rất khô hạn. Tôi gần như không nhận được gì khi đi nhóm tại hội thánh, đặc biệt là bài giảng của mục sư. Rõ ràng là tôi không lớn mạnh gì cả.

Tôi từng làm nhân sự của hội thánh có tám ngàn tín đồ, báo cáo trực tiếp với mục sư, nhưng tôi có thái độ chỉ trích mục sư. Vào một buổi sáng cầu nguyện Chúa nói với tôi, “Nan đề không phải là ở mục sư của con. Nan đề là ở con.”

Tôi kinh ngạc. “Tại sao lại là nan đề của con?”

Sau đó Chúa hỏi tôi Ê-sai 1:19 nói gì. Tôi trích câu ở trên vì tôi thuộc lòng nó. Sau đó Chúa nói, “Đó là nan đề của con. Con cứ liên tục nói mình không được nuôi dưỡng, và chuyện này là đúng, nên con không ăn được sản vật tốt của xứ.”

Tôi lập tức biện bạch, “Con có vâng lời mà. Con đã làm mọi việc mục sư con yêu cầu mà.”

Sau đó Chúa trả lời, “Ta không nói nếu con vâng lời con sẽ ăn sản vật tốt của xứ. Ta nói nếu con sẵn lòng và vâng lời.” Rồi Ngài nói, “Sự vâng lời liên quan đến hành động của con, và sự sẵn lòng liên quan đến thái độ của con. Thái độ của con xấu quá!”

Chúa tiếp tục cho tôi thấy thể nào tôi có vâng lời và thậm chí có vẻ đầu phục, nhưng thái độ của tôi là chỉ trích, là than phiền, là đoán xét, do đó nó ảnh hưởng đến động cơ hầu việc Chúa của tôi.

Tôi lập tức ăn năn, và buổi nhóm tiếp theo, thiên đàng đã mở ra. Tôi nhận được nhiều điều từ Chúa. Tôi khóc khi mục sư giảng, tiếc về tất cả những điều tôi đã đánh mất suốt nhiều tháng chỉ vì thái độ của tôi. Không lâu sau, những lời thần cảm của Phao-lô đã được tỏ rõ cho tôi: “Vì lý do này tôi viết cho anh chị em để thử xem anh chị em có vâng lời trong mọi việc không.” (2Cô-rinh-tô 2:9).

Tôi nhận ra Chúa sẽ thử thái độ đầu phục của chúng ta đối với ý muốn của Ngài dành cho chúng ta. Tôi không nói đến việc phải dung chịu những điều mà quỷ tìm cách ném vào chúng ta, là những điều Chúa Giê-su đã trả giá để giải thoát chúng ta. Chúng ta phải kiên cường chống cự kẻ thù qua đức tin, sự cầu nguyện và sự công bố Lời Chúa. Trái lại, tôi đang nói về thái độ của chúng ta với đường lối mà Chúa chọn cho chúng ta bước theo. Về điều này Phao-lô nói, “Hãy có cùng một tâm tình như Chúa Cứu Thế Giê-su đã có” (Phi- líp 2:5). Chúa Giê-su không chỉ uống từ chén đắng Cha đã chuẩn bị cho Ngài nhưng Ngài cũng sẵn lòng làm điều đó. Ví lí do này, Phao-lô bảo chúng ta hãy, “Hãy để Chúa đổi mới tâm linh và tâm trí anh chị em” (Ê-phê-sô 4:23).

Tại sao? Vì thái độ sẽ ảnh hưởng đến động cơ, và tại Ngai Phán Xét chúng ta sẽ được thưởng không chỉ cho những công việc mà cả động cơ tiếp sức cho công việc đó nữa. Một lần nữa, hãy xem những lời của Phao-lô:

Vì tất cả chúng ta đều phải ra trước tòa án Chúa Cứu Thế để mỗi người sẽ nhận phần của mình, tùy theo những điều thiện, điều ác mình đã làm khi còn ở trong thân xác. (2Cô-rinh-tô 5:10)

Tôi đau buồn khi thấy một số người trở nên cay đắng khi phục vụ Chúa. Họ mất đi cái nhìn đời đời. Họ tiếp tục làm việc, nhưng thái độ của họ trở nên lãnh đạm và động cơ của họ đâm ra ganh tị và tìm tư lợi. Tôi cho rằng chính điều này đã khiến cho những người lúc đầu rất sốt sắng nhưng họ kết cuộc không mấy tốt đẹp. Đây là lí do chúng ta được cảnh báo, “Hãy thận trọng để trong anh chị em đừng có ai hụt mất ân sủng của Đức Chúa Trời; đừng để rễ cay đắng mọc ra gây rối và do đó làm ô uế nhiều người.” (Hê-bơ-rơ 12:15).

Để ý câu này nói nhiều người bị ô uế. Tôi đã chứng kiến chuyện này được lặp đi lặp lại trong hơn ba mươi năm hầu việc Chúa trọn thời gian, và điều này hết sức đau lòng. Trong bản Diễn Ý, câu này khuyên chúng ta hãy, “Đề cao cảnh giác.” Chúng ta nên nhắc nhở nhau để không cho những cay đắng đâm rễ, vì chúng ta không muốn nhìn thấy những người thân yêu của mình sa ngã hay không nhận được phần thưởng đầy đủ chỉ vì có thái độ cay đắng mà không xử lý.

Tôi và vợ tôi đặc biệt cảnh giác đối với các con và các nhân viên của chúng tôi về chuyện này. Chúng tôi được kêu gọi để đi đây đi đó hầu việc Chúa trọn thời gian, và các con chúng tôi cũng có ơn Chúa trong đời sống chúng để chịu đựng cách sống của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn các con chúng tôi hụt mất ơn đó. Chúng tôi nói với các con những lời này để khích lệ chúng, canh chừng thái độ của chúng và giữ chúng mạnh mẽ.

Tôi nhớ một ngày kia tôi ngồi xuống với bốn con trai của mình và nói, “Các con, các con biết rõ một tháng bố đi lại nhiều ngày, và mẹ một tháng cũng đi xa vài ngày. Cha mẹ làm điều này vì đó là sự kêu gọi của Chúa trên đời sống cha mẹ. Đây là cách Chúa đã chọn cha mẹ để chạm đến đời sống của nhiều người vì vinh hiển của Ngài và để xây dựng vương quốc Ngài.”

Tôi nói tiếp, “Các con có thể nhìn sự kêu gọi của Chúa trên cuộc đời cha mẹ một trong hai cách. Các con có thể nhìn nó giống như các con bị tướt đoạt khỏi cha mẹ mình và các con không được sống cuộc sống gia đình như mọi người khác. Hay các con có thể nhìn đây là chức vụ của các con, chứ không chỉ chức vụ của cha mẹ mình. Khi nhìn nó như là chức vụ của các con thì các con đang gieo cho cha mẹ của mình – sai cha mẹ mình đi ra giảng cho cuộc đời của hàng ngàn người vì mục đích của Chúa. Nếu các con có thái độ này, thì mỗi linh hồn cha mẹ chạm tới, các con sẽ được thưởng tại Ngai Phán Xét. Nếu các con xem mình bị thiệt thòi vì không được gần cha mẹ, thì các con sẽ không nhận được một phần thưởng nào về những cuộc đời mà cha mẹ chạm đến. Nên hỡi các con, tất cả chỉ gói gọn trong một chữ: thái độ.”

Các con tôi hiểu được những lời tôi nói với chúng, kết quả là chúng chưa bao giờ than phiền về sự đi lại của chúng tôi. Thật vậy, nhiều lần khi tôi và Lisa phân vân không biết có nên nhận lời mời giảng không, các con chúng tôi đã khích lệ chúng tôi hãy đi. Chúng tôi có mối quan hệ tuyệt vời với các con. Chúng đều yêu mến Chúa, và tất cả phục vụ Chúa với chúng tôi trong chức vụ. Cảm tạ Chúa về ân sủng diệu kỳ của Ngài. Kết quả là các con trai chúng tôi đang nhân cấp nén bạc của mình từ lúc còn rất trẻ.

Tôi đã nói tương tự với các nhân viên của chúng tôi. Tôi nói với họ, “Các bạn có thể làm việc ở đây như một công việc, và cuối cùng các bạn sẽ mệt mỏi và cay đắng và không nhận phần thưởng tại Ngai Phán Xét. Hoặc các bạn có thể nhìn đó là đặc ân để chạm đến hàng triệu cuộc đời. Với mỗi cuốn sách các bạn gửi đi, mỗi lá thứ các bạn giúp chúng tôi trả lời, mỗi người các bạn hướng tới qua phương tiện truyền thông đại chúng, mỗi buổi nhóm các bạn tổ chức, và vân vân, bạn là một phần quan trọng của những gì Chúa đang làm để chạm đến những cuộc đời mà Ngài đã lập chức vụ này lên để chạm đến. Các bạn giống như những người giữ đồ của Đa-vít.” Họ hiểu được lẽ thật này và họ có một thái độ tuyệt vời. Là lãnh đạo, công việc của tôi là nói những lời sự sống này để giúp người ta gìn giữ thái độ này, dù trách nhiệm cuối cùng là thuộc về họ.

Giữ thái độ tốt giúp chúng ta nhân cấp các nén bạc và kết thúc tốt đẹp. Chúa đang xây dựng căn nhà xây theo yêu cầu của Ngài. Thật là một vinh dự lớn lao mà chúng ta có được khi là người cùng làm việc với Ngài. Nên dù phần của bạn có vẻ không quan trọng, hãy nhớ phần nào cũng quan trọng và bạn có thể hiệu quả hay không hiệu quả là do bạn chọn. Hy vọng của tôi đối với bạn giống như hy vọng của sứ đồ Giăng: “Hãy coi chừng kẻo ngươi đánh mất điều mà mình đã thực hiện được, là điều ngươi có thể được tưởng thưởng đầy đủ” (2Giăng1:8).