CHƯƠNG 1 CÕI ĐỜI ĐỜI

Hướng Về Cõi Đời Đời

Đăng vào: 5 tháng trước

.

CHƯƠNG 1 CÕI ĐỜI ĐỜI

Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống

. . . Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố [làm cho thành công], xin củng cố việc tay chúng con làm.

Thi thiên 90:12,17 (BCG)

Phần lớn mọi người muốn sống cuộc đời có ý nghĩa. Đây là một ước ao phải lẽ và thánh thiện. Đó cũng là lời cầu nguyện của Môi-se trong câu Kinh Thánh trên. Môi-se khuyên hãy cầu xin sự khôn ngoan để tận dụng thời gian. Nhiều thứ mất mác trong đời có thể hồi phục lại được; tuy nhiên, mất thời gian không bao giờ lấy lại được. Một khi màn đêm buông xuống thì một ngày mãi mãi đi qua.

Lời cầu nguyện của Môi-se còn có lời, “Việc tay chúng con làm, xin Ngài cũng cố.” Nhóm từ này được lặp lại chính xác. Tại sao? Môi-se không gặp vấn đề về văn phạm hay trí nhớ. Trái lại, đây là lối viết văn chương trong tiếng Hê-bơ-rơ. Sự lặp lại là một hình thức nhấn mạnh. Trong tiếng Anh, khi chúng ta muốn nhấn mạnh tầm quan trong một từ hay nhóm từ, chúng ta có một vài cách làm. Chúng ta có thể viết, viết nghiêng, gạch dưới, viết chữ in hay giải thích thêm để nhấn mạnh. Tất cả việc này là nhằm làm cho độc giả chú ý đến một điều quan trọng nào đó. Tuy nhiên, các tác giả người Hê-bơ-rơ hay viết một từ hay nhóm từ hai lần để nhấn mạnh, và làm thế không phải là họ nói hơi quá mà là họ cẩn trọng trong lời nói của họ. Sự thật nhóm từ này được lặp lại hai lần trong Kinh Thánh cho thấy không chỉ sự thành công là ý Chúa dành cho chúng ta mà Ngài muốn rất tha thiết về việc này. Ngài là Đấng đặt sự nhấn mạnh về việc này.

Chúng ta được tạo dựng để tận hưởng sự thành công. Chúa muốn cuộc đời chúng ta có ý nghĩa! Đây là ước ao của Chúa trước hết, chứ không phải ao ước của chúng ta. Hãy để tôi liệt kê hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất: ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho anh em thành công trong mọi công việc tay anh em làm” (Phục truyền 30:9- BCG). Để ý từ “công việc,” chứ không phải một số việc.

Lần nữa chúng ta đọc : “Quyển sách kinh luật này chớ xa miệng con, hãy suy gẫm ngày và đêm hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép trong sách; vì như vậy đường lối con mới được thịnh vượng và thành công.” (Giô-suê 1:8)

Cần có sự khôn ngoan thánh thiện mới tận hưởng sự thành công. Kinh Thánh nói, “Ai nhận được lòng khôn ngoan, yêu mến linh hồn mình . . . tìm được phúc lành. (Châm 19:8). Khôn ngoan ban cho chúng ta kiến thức và khả năng đưa ra những chọn lựa đúng tại thời điểm thích hợp. Khôn ngoan không chỉ dành cho những người có đầu óc sắc bén mà còn dành cho tất cả những ai kính sợ Chúa và được ở trong Chúa Giê-su. Nếu mục tiêu của bạn là xây dựng một cuộc đời có ý nghĩa đến đời đời, bạn phải xây dựng bởi sự khôn ngoan của Chúa – đó là ý nghĩa của sứ điệp này.

Khôn ngoan sinh ra thành công, nó mang lại sự thỏa lòng và toại nguyện: “Nếu con khôn ngoan, khôn ngoan của con sẽ thưởng con” (Châm ngôn 9:12). Chúa không chỉ ước ao bạn thành công, mà Ngài còn mong muốn ban thưởng cho bạn sự thành công. Một lần nữa chúng ta đọc, “Chúa biết số ngày người thiện lành, Ngài cho [ban thưởng] họ cơ nghiệp vĩnh cửu.” (Thi thiên 37:18).

Sự thật rằng Chúa muốn chúng ta thành công đã được nhấn mạnh trong đại bộ phận của hội thánh những năm gần đây, đây là điều nên làm. Tuy nhiên, nhiều khi sự thành công được nhìn nhận theo cách mà xã hội nhìn chứ không phải theo cách của Chúa nhìn. Nó được nhìn qua cái nhìn tạm thời thay vì cái nhìn đời đời. Điều này sẽ làm méo mó tầm nhìn và hiểu biết của chúng ta, dẫn tới việc đeo đuổi sai lạc.

Một ngày nào đó tất cả chúng ta thảy đều đứng trước mặt Đấng Phán Xét của toàn vũ trụ là Chúa Cứu Thế Giê- su. Nếu chúng ta cẩn thận sống cuộc đời của mình bởi sự khôn ngôn của Chúa, chúng ta sẽ được ban thưởng ở cõi đời đời. Nếu chúng ta bị dẫn dụ làm những công việc sai trật, chúng ta hoặc là bị hình phạt hoặc là bị hư mất đời đời. Nên khôn ngoan là chúng ta để vài giờ tìm hiểu xem điều mà Ngài mong muốn chúng ta làm.

Đây là trọng tâm của cuốn sách này: hãy cẩn thận sống cuộc đời của mình không chỉ ngay hiện tại mà còn đến suốt cõi đời đời. Kinh Thánh nói rõ về cách để làm việc này. Nếu chúng ta được thúc đẩy bởi cõi đời đời, chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu về điều này.

Cõi Đời Đời

Hãy đọc kỹ hai câu Kinh Thánh này:

Này, Đức Chúa Trời vĩ đại, chúng ta không hiểu thấu, số năm đời Ngài, chúng ta không thể dò. (Gióp 33:26)

Tuy Đức Chúa Trời có đặt vào tâm trí loài người ý niệm về cõi đời đời… (Truyền đạo 3:11)

Cõi đời đời!Nó là gì? Làm sao định nghĩa cõi đời đời? Làm sao hiểu nó đây? Từ điển định nghĩa cõi đời đời là thời gian bất tận; một định nghĩa khác là tình trạng hiện hữu bên ngoài thời gian . Làm sao mà một định nghĩa thì cho rằng cõi đời đời hiện hữu bên trong thời gian còn định nghĩa kia thì cho rằng nó hiện hữu bên ngoài thời gian? Sao chúng ta lại không thắc mắc chuyện này? Liệu chúng ta có thắc mắc một trong hai cuốn sách viết về khoa học nếu họ định nghĩa điều gì đó trong thế giới này hiện hữu ở hai tình trạng khác nhau không? Giả thử một sách thì định nghĩa cá sống được dưới nước trong khi đó một báo cáo khoa học khác cho rằng nó sống trong môi trường không cần nước. Chúng ta sẽ lập tức kết luận lập luận sau là sai và không chấp nhận nó. Vậy sao chúng ta không thắc mắc và không chấp nhận một trong hai định nghĩa của từ điển về cõi đời đời?

Sự thật thì cõi đời đời không thể hiểu bằng lý trí được. Lý trí chúng ta hữu hạn, không cho phép chúng ta hiểu được những khái niệm đời đời.

Hãy để tôi minh họa điểm này. Hãy để vài phút tưởng tượng điểm cùng tận của vũ trụ này là ở đâu. Hãy nghĩ đến những giới hạn ngoài không gian. Nếu bạn tưởng tượng ra được, bạn tìm thấy gì bên ngoài giới hạn đó? Một bức tường chăng? Nó gồm những gì? Nó dày bao nhiêu? Liệu bức tường bọc bên ngoài vũ trụ đó có điểm dừng chính xác không? Nếu có, điều gì nằm bên ngoài bức tường đó? Còn có thêm không gian nào nữa không? Có phải những thứ này hình thành sự giãn nỡ của vũ trụ không? Đâu là điểm dừng? Đầu óc con người có thể hiểu hết sự cùng tận của vũ trụ này không? Hãy dừng lại suy nghĩ điều này một lát.

Vậy hố sâu không đáy là gì? Bạn thử nghĩ rơi vào một cái hố không đáy thì sao? Bạn không hề chạm tới đáy mà cứ rơi mãi mãi. Có hai điều khiến cho lýý trí của chúng ta phải suy nghĩ: trước hết là hố sâu không đáy; hai là chúng ta rơi mãi mãi. Thật khó hiểu và ý niệm này giống chuyện khoa học viễn tưởng, thế nhưng một nơi như thế được nói đến bảy lần trong Kinh Thánh.

Còn về chính Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của con người thì sao? Hãy dừng lại một lát và nghĩ đến sự khởi đầu của Ngài, hay nói chính xác là Ngài không có khởi đầu. Kinh Thánh tuyên bố Ngài có từ “đời đời đến đời đời.” Nếu Ngài không sinh ra, nếu không ai tạo ra Ngài – vậy thì Ngài bắt đầu như thế nào để trở thành Ngài là ai? Ngài tiến hóa như thế nào?

Sự thật thì Ngài không tiến hóa thành Đức Chúa Trời, vì tác giả thi thiên tuyên bố, “Trước khi núi non được sinh ra; Trái đất và thế gian được tạo nên; Từ trước vô cùng cho đến đời đời, Ngài là Đức Chúa Trời.” (Thi thiên 90:2). Hãy suy gẫm điều này một lát. Nếu bạn suy gẫm, bạn sẽ thấy rối trí ngay vì như sách Gióp có nói, “Không ai thật sự hiểu được cõi đời đời.”

Đặt Để trong Tấm Lòng

Một sự thật mà lý trí con người không hiểu nỗi lại được đặt trong tấm lòng chúng ta bởi Đấng Tạo Hóa. Cõi đời đời được tỏ ra trong tấm lòng con người. Nó được sinh ra trong mỗi con người. Đây là lý do mà “kẻ ngu dại nói trong lòng rằng không có Thượng Đế” (Thi 14:1). Để ý Kinh Thánh không nói, “Kẻ ngu dại nói trong đầu.” Có nhiều người vô thần cố tình chối bỏ sự hiện hữu của Thượng Đế, nhưng sâu sa trong lòng họ biết có Ngài, vì cõi đời đời được đặt trong lòng họ. Tấm lòng con người vẫn chưa đến nỗi cứng cõi mà không nhận biết ý niệm về cõi đời đời.

Nhiều năm trước đây, một người bạn của tôi là một người vô thần cố hữu vì anh ta nghĩ vậy. Anh không cho phép ai làm chứng cho anh. Thật ra, ngày đó anh giựt cuốn Kinh Thánh từ tay một cộng sự, ném xuống đất và giẫm lên, chửi bới người cộng sự và Kinh Thánh của anh ta. Anh buộc tội cơ đốc nhân là những con người hèn nhát và không chịu suy nghĩ.

Sau này, sau nhiều năm cho mình là vô thần, người này bị đau ở ngực. Các bác sỹ đề nghị phẩu thuật để tìm hiểu nguyên do. Họ lập tức ngưng lại và cho anh biết là anh ta chỉ còn không tới 24 giờ để sống.

Đang khi anh nằm trên giường đêm đó, anh nhận ra rằng anh sẽ bước vào cõi vĩnh hằng và đó không phải là kết cuộc mà anh muốn. Làm sao anh này biết cõi vĩnh hằng, vì anh không cho phép bất kỳ ai chia sẻ Kinh Thánh cho anh ta? Có thể nào anh ta có cõi đời đời được đặt trong tấm lòng anh ta? Như Kinh Thánh nói về tất cả nhân loại, “Bởi những gì có thể biết về Đức Chúa Trời đều rõ ràng đối với họ vì Đức Chúa Trời đã tỏ bày cho họ rồi.” (Rô-ma 1:19).

Đêm đó tim của bạn tôi ngừng đập. Anh lìa thể xác và rơi vào vực sâu tối tăm. Bóng tối quá dày đặc nên anh cảm thấy nó bao trùm anh như chiếc áo; không thấy một tia sáng nào. Sau khi rơi vào hôn mê một thời gian ngắn, anh nghe tiếng la hét kinh khiếp của những linh hồn đang thống khổ. Anh bị một sức mạnh kéo anh lên cửa địa ngục rồi thình lình anh quay lại thể xác của mình và anh đã tỉnh lại.

Sáng hôm sau anh gọi điện cho một cơ đốc nhân mà anh quen biết. Bạn anh đến và chia sẻ tin lành của Chúa Giê-su. Một khi anh này tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-su anh làm Chúa và Cứu Chúa vào đời sống, bạn anh cầu nguyện cho anh được chữa lành. Ba tuần sau đó anh xuất viện. Anh sống được nhiều thập niên sau đó rồi anh qua đời để nhận phần thưởng đời đời. Anh là một phép lạ sống.

Là một người vô thần, người này tuyên bố không có Thượng Đế, tuy nhiên cõi đời đời được đặt trong tấm lòng anh ta. Trái lại, kẻ ngu dại là kẻ chối bỏ Thượng Đế trong lí trí nhưng tấm lòng người đó cũng có một lương tâm chai lì. Người đó khó mà nghe tin lành. Giữ niềm tin trong lí trí là một chuyện. Niềm tin này có thể thay đổi. Nhưng cứng lòng là một chuyện khác. Từ điển The New Unger’s Bible Dictionary đưa ra định nghĩa này: “Trong Kinh Thánh ‘ngu dại’ là người bỏ qua sự kính sợ Chúa, suy nghĩ và hành động như thể là không có những nguyên tắc công chính đời đời của Thượng Đế.”

Thật ra kẻ ngu dại có thể nhìn nhận có Thượng Đế ở lí trí, nhưng người đó chối bỏ sự hiện hữu của Ngài trong tấm lòng mà điều này được phản ánh qua cách người đó sống. Sự kính sơ Chúa là điều giữ tấm lòng chúng ta trong tầm với của Thánh Linh. Nếu mất đi lòng kính sợ Chúa thì chúng ta không còn hy vọng nào khác. Phao lô nói, ” Thưa các anh em là dòng dõi Áp-ra-ham và những người kính sợ Đức Chúa Trời, Đạo cứu rỗi này đã được ban bố cho chúng ta.” (Công vụ 13:26). Chỉ những ai kính sợ Chúa mới có khả năng nghe những lời của sự sống đời đời.

Định Nghĩa Cõi Đời Đời

Cõi đời đời đã được đặt trong tấm lòng chúng ta, dù chúng ta không thể hiểu nó bằng lý trí. Nên khi định nghĩa cõi đời đời, tôi muốn bạn lắng nghe bằng tấm lòng, vì như thế bạn mới lãnh hội được nhiều khi đọc cả cuốn sách này.

Vậy bạn làm sao đây? Trước hết, hãy nhìn nhận bạn cần Thánh Linh giúp đỡ bạn và xin Ngài giúp bạn. Ngài sẽ thông công với con người bề trong của bạn, không phải lý trí của bạn. Thứ hai, hãy dừng lại suy gẫm hay ngẫm nghĩ khi lòng bạn được thôi thúc bởi một chân lý nào đó. Đừng vội đọc hết cuốn sách; nếu bạn làm thế, bạn sẽ lãnh hội rất ít.

Để nhận đầy đủ tác động của Lời đời đời của Đức Chúa Trời dành cho bạn, hãy áp dụng hai bước này và bạn sẽ được thay đổi đời đời. Đa-vít nói, “Tôi đã giấu Lời Chúa trong lòng tôi để tôi không phạm tội cùng Ngài” (Thi thiên 119:11). Đừng chỉ đọc để hiểu ở lí trí, vì như thế rất dễ quên hay mất đi, nhưng hãy để Lời Chúa giấu trong lòng bạn qua sự suy gẫm và cầu nguyện.

Cõi đời đời tồn tại đến đời đời; không có điểm kết thúc. Tuy nhiên, nó không phải là vấn đề thời gian ngừng lại vì nó không phục dưới thời gian. Cõi đời đời vượt trên thời gian. Nói về cõi đời đời theo điều kiện của một quãng thời gian là không hiểu toàn bộ vấn đề.

Để có một cái nhìn về cõi đời đời, chúng ta phải nhìn chính Đức Chúa Trời. Ngài không bị giới hạn trong quyền năng, hiểu biết, khôn ngoan, hiểu biết hay vinh hiển. Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; Ngài là đời đời và mãi mãi Ngài là Đức Chúa Trời. Ngài được gọi là “Cha đời đời” (Ê-sai 9:6). Bản dịch theo nghĩa đen Young Literal Translation dịch nhóm từ này là “Cha của cõi đời đời.” Ngài được gọi là “Vua đời đời” (1 Ti 1:17). Tất cả những gì mang tính đời đời được tìm thấy trong Ngài; thật ra, cõi đời đời tự thân nó cũng được tìm thấy trong Ngài. Tất cả những gì bên ngoài là tạm thời và sẽ thay đổi. Dù nó có vẻ tốt đẹp, quí phái, oai nghi hay tồn tại một thời gian dài, nhưng cuối cùng mọi vật đều ngưng hiện hữu. Ngay cả quả đất và vũ trụ sẽ thay đổi, nhưng Ngài sẽ không:

“Chúa ơi, ban đầu Chúa xây nền móng cho quả đất, Các tầng trời là công trình tạo tác của bàn tay Chúa. Trời đất sẽ tiêu tan nhưng Chúa vẫn vĩnh hằng. Tất cả đều sẽ cũ mòn như chiếc áo.

Chúa sẽ cuốn chúng lại như chiếc áo choàng, chúng sẽ thay đổi như y phục. Nhưng Chúa vẫn y nguyên, các năm của Chúa sẽ không bao giờ cùng.” (Hê 1:10-12)

Ngài không chỉ không ngừng hiện hữu, nhưng Ngài đời đời vẫn như vậy. Kinh Thánh tuyên bố:

Loài người ví như cỏ, tất cả vinh quang của họ ví như hoa dại. Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời Đức Chúa Trời còn lại đời đời. Lời đó, chính là Phúc Âm đã được rao truyền cho anh chị em. (1 Phi 1:24-25)

Đức Chúa Trời là đời đời; vì thế những gì Ngài phán là đời đời. Ngài không thể nói dối cũng không đổi lời. Nếu không phải vậy, thì tất cả sẽ sụp đổ trong bóng tối hoàn toàn, vì Ngài là ánh sáng và cầm giữ mọi vật bởi Lời Ngài. Không bao giờ có sự thay đổi nào trong những gì Ngài phán, còn không thì Ngài không còn là đời đời nữa. Đây là nền tảng chắc chắn mà chúng ta xây dựng cuộc đời của mình.

Sự Phán Xét Đời Đời

Nhiều người ngày nay không xây cuộc đời mình trên Lời đời đời của Đức Chúa Trời nhưng xây dựng trên lối tư duy cũ kĩ, trên truyền thống, giả định và cảm xúc về Đức Chúa Trời. Điều này không chỉ áp dụng cho những người không tin Chúa mà còn áp dụng cho các cơ đốc nhân nữa. Thật rùng rợn khi tin một điều gì có tình tạm thời là chân lí đời đời. Nếu ai tin như thế, nền tảng của họ không chắc chắn. Họ đặt mình ở chỗ bị sa lầy. Họ tin lời dối trá và ở trong tình trạng bị lừa dối.

Tôi ngạc nhiên về rất nhiều người tôi gặp đã đặt cuộc đời họ trên những gì không thuộc cõi đời đời. Một số người nói cho tôi biết về Đức Chúa Trời và niềm tin của họ nơi Chúa Giê-su, nhưng Đấng mà họ tuyên bố tin không phải là Đấng được khải thị trong Lời Ngài. Sự lừa dối đã lan tràn. Làm sao họ có thể tin điều mà họ chỉ tưởng tượng trong tâm trí họ, những quan niệm bị xã hội nhào nặn mà hoàn toàn trái ngược với bản chất của Đức Chúa Trời? Chúa Giê-su phán:

Ai khước từ Ta và không tiếp nhận lời Ta thì đã có biện pháp xét xử rồi; chính lời Ta phán dạy sẽ kết án họ trong ngày sau cùng. Vì Ta không tự mình giảng dạy, nhưng Cha là Đấng sai Ta đã truyền cho Ta điều răn phải giảng và phải dạy. (Giăng 12:48-49)

Có một Ngày Phán Xét đã được chỉ định từ buổi sáng thế (xem Công vụ 17:31). Ngày đó sẽ không mang đến một khải thị mới nào về lẽ thật cả, mà nó chỉ đo lường mọi việc bởi những gì Chúa đã phán ra. Lời Chúa mà chúng ta hiện đang có, sẽ phán xét chúng ta vào ngày sau cùng đó. Nó là đời đời và là phán quyết cuối cùng. Không có ngoại lệ, không có chọn lựa nào khác cũng không có khải thị nào khác. Há không ích lợi cho chúng ta khi biết và sống bởi những gì Chúa phán thay vì cứ đưa ra những giả định về những gì Ngài nói sao?

Những sự phán xét sẽ được bày tỏ vào ngày đó được gọi là sự phán xét đời đời (xem Hê-bơ-rơ 6:2). Nói cách khác, các quyết định được đưa ra ngày đó sẽ dựa trên cách mà chúng ta sống làm sao phù hợp với Lời đời đời của Ngài – sẽ xác định cách mà chúng ta sống suốt quãng thời gian ở cõi đời đời! Sẽ không có bất kì thay đổi nào đối với những quyết định này, vì nó là những phán xét đời đời.

Nhiều người, cả người tin lẫn người không tin, vô tình cho phép sự phán xét được định sẵn ập đến họ mà không có suy xét kỹ càng. Họ có hy vọng hão huyền về những quan niệm mà không tim thấy trong Kinh Thánh. Một số người nghĩ Chúa sẽ xét đến những điều tốt đẹp họ đã làm, và nếu nó trỗi vượt hơn những điều xấu thì họ sẽ được chiếu cố. Còn những người khác tuyên bố họ được tái sanh nhưng họ nghĩ họ sẽ không chịu phán xét trước mặt Chúa Giê-su vì Ngài là Cứu Chúa của họ. Họ tin là họ miễn khỏi bất kỳ hình thức phán xét nào. Họ sẽ là người ngạc nhiên hơn hết. Còn có những người nghĩ rằng mọi sự sẽ xí xóa thôi. Họ tin vào một ân huệ không chép trong Kinh Thánh.

Không một quan niệm nào trên đây đúng với những gì Kinh Thánh Tân ước khải thị và dạy dỗ. Những khái niệm này cùng nhiều quan niệm khác mà người ta tưởng tượng trong đầu óc họ đều là tạm bợ và sẽ không đứng nổi vào ngày đó. Sẽ có những người nam và người nữ sẽ bị sốc, và cá nhân tôi tin rằng sẽ có nhiều người tự xưng là cơ đốc nhân sẽ bị sốc nhiều hơn là những người không tin vào Ngày Phán Xét.

Vững Tin Lúc Phán Xét

Chúng ta không cần phải sợ khi đến Ngày Phán Xét. Chúng ta có thể đối diện với lòng tin quyết:

Nhờ đó tình yêu thương giữa chúng ta được toàn vẹn để chúng ta được vững tâm trong ngày phán xét, vì Ngài thế nào thì chúng ta cũng như vậy trong thế gian này. (1 Gi 4:17)

Để ý những lời “Nhờ đó tình yêu thương giữa chúng ta được toàn vẹn.” Chìa khóa để chúng ta vững tâm vào Ngày Phán Xét là tình yêu của Chúa được toàn vẹn (trưởng thành) trong chúng ta.

Đây là chỗ nhiều người trong hội thánh dao động. Họ nhìn thấy tình yêu của Chúa theo ánh sáng tạm thời, không phải là đời đời. Xã hội rất ngưỡng mộ khi biết về tình yêu thương và lòng tốt của ai đó và nhiều người trong hội thánh cũng vậy, nhưng nó được xác định bởi những thẩm định của con người. Những quan niệm này trái ngược với tình yêu của Chúa. Hãy để tôi minh họa một vài chuyện xảy ra rất phổ biến.

“Chúng tôi yêu nhau rất nhiều và dự tính tiến tới hôn nhân.” Câu này người ta hay nói khi hai người ăn ở nhau ngoài hôn nhân. Việc làm này không chỉ là tội lỗi dù họ có tuân thủ mọi thủ tục để tiến tới hôn nhân, nhưng nhiều khi tôi chứng kiến những người nói câu nói này rốt cuộc không lấy nhau. Họ quên mất lời khuyên dạy rõ ràng, “Hôn nhân phải được mọi người kính trọng, loan phòng phải giữ cho tinh khiết, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục và kẻ ngoại tình” (Hê 13:4). Để ý tác giả thư Hê-bơ-rơ không nói, “kẻ dâm dục và kẻ ngoại tình không đi nhà thờ.” Không, Kinh Thánh nói đến tất cả những ai sống lối sống như thế.

“Tôi biết chuyện này rõ ràng không đúng lắm, nhưng nó giúp để kí được hợp đồng và chúng tôi đảm bảo là họ sẽ được đối xử công bằng.” Những doanh nhân hay nói lời này khi họ muốn đảm bảo là vụ làm ăn mà họ tin là ích lợi cho khách hàng nhưng họ bóp méo một chút sự thật để họ tiến hành. Đây không chỉ là tội nói dối mà vụ làm ăn này hầu như chỉ có lợi cho người nói câu nói đó. Họ quên mất lời cảnh báo rằng, “. . . tất cả những người giả dối thì số phận chúng nó ở trong hồ lửa cháy phừng với diêm sinh; đó là sự chết thứ hai.” (Khải huyền 21:8)?

“Những gì tôi nói về anh ta là thật.” Người ta hay nói lời này khi họ có cái nhìn tiêu cực (nói xấu hay phỉ báng) về công sự, bạn bè, ông chủ, và vân vân. Sự thật thì bạn có thể đúng 100 phần trăm mà vẫn sai theo tiêu chuẩn đời đời. Nếu bạn nhớ lại, người con út của Nô-ê là Cham, kể lại chính xác sự trần truồng và tình trạng say sưa của cha mình cho các anh. Tuy nhiên, do hậu quả của việc nhục mạ cha mình, sự rủa sả đến với dòng dõi của ông suốt nhiều thế hệ sau đó. Có phải chăng những người hay nói xấu và phỉ báng quên mất lời khuyên bảo dành cho các tín hữu nói rằng, “Thưa anh chị em, đừng phàn nàn trách móc nhau để anh chị em khỏi bị xét đoán. Kìa, Đấng Thẩm Phán đang đứng trước cửa.” (Gia-cơ 5:9)?

Những ví dụ thì vô kể, nhưng dấu chỉ thường thấy là nó trái ngược với ý muốn đời đời của Chúa. Sự thật đáng sợ là nhiều người sống theo cách này và tuyên bô nhiều câu vô bổ lại đi nhà thờ, làm ra vẻ mộ đạo và giả bộ làm “công dân ưu tú”. Nhưng làm sao họ đủ tiêu chuẩn so với cõi đời đời?

Giăng đưa ra câu trả lời đối với tình yêu trọn vẹn của Chúa trước đó trong lá thư của ông:

Người nào nói: “Tôi biết Ngài”, nhưng không tuân giữ các điều răn của Ngài là người nói dối, chân lý không ở trong người đó. Người nào tuân giữ lời Ngài thì tình yêu thương Đức Chúa Trời trong người ấy thật toàn hảo, nhờ đó chúng ta biết mình ở trong Ngài. (1 Giăng 2:4-5)

Hãy nhớ lại rằng tình yêu trọn vẹn của Chúa giúp chúng ta vững tâm đứng trước Đấng Phán Xét của chúng ta. Giăng nói rõ rằng tình yêu của Chúa được trọn vẹn do tuân giữ các điều răn của Ngài, không phải do cư xử sao cho tốt đẹp dưới con mắt của người đời. Hãy nhớ rằng Ê- va không bị cám dỗ bởi mặt xấu của cây biết điều thiện và điều ác; trái lại, bà bị dụ dỗ bởi mặt tốt! “Người nữ thấy trái cây vừa ăn ngon vừa đẹp mắt” (Sáng thế 3:6). Lí trí con người có thể tạo ra một hình thức đẹp đẽ và tốt lành nhưng trái ngược với tình yêu đời đời của Chúa.

Kinh Thánh cũng nói chúng ta không thể tuân giữ một vài phần trăm các mạng lệnh của Chúa và tin rằng chúng ta sẽ vững tâm vào Ngày Phán Xét. Chính là khi chúng ta cẩn thận tuân giữ toàn bộ Lời Chúa mà tình yêu của Chúa mới trọn vẹn trong chúng ta. Đây là lí do Chúa ban cho chúng ta ân sủng: nó thêm sức cho chúng ta để vâng theo Lời Ngài một cách hoàn toàn, theo cách mà Ngài chấp nhận. “Bởi vậy, vì chúng ta được hưởng một vương quốc không thể nào rúng động, nên ta hãy ghi ơn và hãy lấy lòng kính sợ, tôn kính mà phục vụ Đức Chúa Trời cách đẹp lòng Ngài.” (Hê 12:28).

Chìa khóa là biết điều gì Vua muốn và tìm kiếm, chứ không phải những gì dường như tốt đẹp đối với thế gian hay lí trí con người. Vì lí do này Chúa bảo chúng ta, “Đừng rập khuôn theo đời này, nhưng hãy được biến hóa bởi sự đổi mới tâm trí, để thử nghiệm cho biết ý định tốt lành, trọn vẹn và đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 12:2). Những gì mà dường như tốt đẹp với văn hóa loài người có thể là sự lăng mạ đối với ý muốn của Chúa – ý muốn đời đời.

Hãy để tôi minh họa. Tôi hiện đang ngồi tại khách sạn ở Singapore, nơi tôi đang giảng cho gần hai chục ngàn người vào cuối tuần này. Tôi đã đến quốc gia giàu có này nhiều lần. Tôi cũng giảng tin lành tại Hà lan vài lần. Tại Hà lan đem theo cần sa hút là hợp pháp. Người dân ở đó hút cần sa hợp pháp và không sợ bị phạt. Tuy nhiên, tại nước Singapore nếu bạn bị bắt với số lượng nhỏ loại thuốc này, bạn sẽ bị bắt và bị phạt nặng. Nếu bị bắt với số lượng lớn, án phạt tử hình là treo cổ! Khi bạn bay sang Singapore, chính sách này được viết ngay trên tờ khai hải quan: “Án tử hình cho ai buôn bán ma túy theo luật Singapore.”

Bạn có thể tưởng tượng một thanh niên hay hút cần sa đi du lịch sang Singapore và cùng hút thuốc với người dân Singapore được không? Anh này vui vẻ nói với những người bạn địa phương, “Này, tụi bây, cái này đã lắm. Nó làm tụi bây lặng người, làm tụi bây phấn chấn, cất đi mọi ưu phiền. Tụi bây hút không? Tớ thích chia sẻ cho tụi bây?

Người thanh niên lập tức bị bắt ngay. Anh ta sẽ bị sốc. Câu hỏi đầu tiên phát ra từ miệng anh nói với cảnh sát, “Sao mấy anh bắt tôi?”

Ngày xét xử diễn ra. Người than niên Hà lan đứng tại tòa trước mặt vị thẩm phán, tin với lòng mình rằng đây là một sự nhầm lẫn. Vị thẩm phán tuyên bố tội của anh và hình phạt đi kèm.

Người này bị sốc và nói, “Thưa quan tòa, ở đất nước của tôi việc mời bạn bè hút cần sa là không sao cả.”

Quan tòa trả lời, “Anh không ở nước Hà lan. Anh đang ở nước Singapore và ở đất nước này, việc hút cần sa là vi phạm luật pháp!”

Niềm tin của anh thanh niên Hà lan này không còn nữa; anh không có gì để biện bạch. Không có cầu viện ai được. Anh đang đứng trước tòa án tối ao của đất nước khác, không có ai bào chữa.

Lúc tôi quay lại Singapore nhiều năm sau đó, một thanh niên người Mỹ bị bắt vì tội phá hoại xe hơi. Cậu này bị bắt, xử là có tội và bị phạt đánh đòn. Đây là hình phạt dùng roi tre đánh vào hông cách đau đớn. Án phạt này có vẻ hơi khắt khe. Ngay cả tổng thống Mỹ tìm cách làm giảm nhẹ hình phạt cho cậu thanh niên này. Tuy nhiên, vụ việc bất thành. Cậu này vi phạm luật pháp của Singapore và phải gánh chịu hình phạt.

Tất cả chúng ta đều sẽ đứng trước tòa án tối cao của vũ trụ. Quyết định của tòa án này sẽ là phán quyết cuối cùng. Nhiều người sẽ bị sốc bởi phán quyết về cuộc đời họ, nhưng họ không cần phải chịu như thế và bạn cũng vậy.

Bạn có sẵn sàng không? Theo Lời Chúa, chúng ta có thể đứng trước Đấng Phán Xét của vũ trụ với lòng tin quyết. Cuốn sách này được viết để giúp bạn chuẩn bị. Nếu người thanh niên Hà lan kia để thì giờ học và chuẩn bị khi thăm Singapore, anh sẽ tránh được hình phạt nặng như thế. Huống chi đối với chúng ta lại quan trọng hơn khi chuẩn bị cho sự phán xét của chính chúng ta, vì các quyết định được đưa ra tại Ngai Phán Xét sẽ là đời đời.

Phần Thưởng

Có nhiều sự phán xét ở cõi đời đời. Có sự phán xét cho những người không tin, có sự phán xét khác cho những kẻ tin, và ngay cả cho các thiên sứ nữa. Các quyết định đưa ra cũng rất khác. Sẽ có người bị hư mất và chịu hình phạt, và sẽ có người được phần thưởng. Chúng ta sẽ nói chi tiết hơn ở các chương sau, nhưng để tôi nêu ra một lần nữa rằng các quyết định đưa ra là đời đời. Không thể không nhấn mạnh điểm này được; dùng lí trí mà hiểu chuyện này thì vô phương! Ý muốn của Chúa là chúng ta nên biet trước chuyện này và chúng ta hãy làm việc để được ban thưởng vì đã tuân giữ Lời Ngài. Phao lô nói:

Anh chị em không biết rằng trên vận động trường, tất cả đều tranh đua, nhưng chỉ có một người thắng giải sao? Vậy, hãy chạy sao cho thắng cuộc. Mỗi lực sĩ đều theo kỷ luật khắt khe về đủ mọi thứ, họ chịu như vậy để đoạt mão hoa chiến thắng sẽ tàn héo, nhưng chúng ta chịu như thế để nhận được mão hoa chiến thắng không phai tàn. Về phần tôi, tôi chạy đua không phải là chạy vu vơ, tôi đánh, không phải là đánh gió. Nhưng tôi phải áp dụng kỷ luật và khắc phục thân thể tôi, e rằng sau khi giảng dạy người khác, chính tôi lại bị loại chăng. (1Cô 9:24-27)

Phao lô nói rõ, “Tôi chạy đua không phải là chạy vu vơ (không có mục đích rõ ràng).” Một bản dịch khác dịch ý này như vầy: “Tôi chạy thẳng đến mục tiêu, xác định mục đích cho từng bước chân” (c.26-NLT). Đây chính là điều mà mỗi con người nên làm – chạy kiên quyết và nhắm mục đích chiến thắng. Chúng ta không cạnh tranh với người khác, mà chỉ với bản thân mà thôi.

Hướng Đến Cõi Đời Đời

Chỉ nghĩ đến chuyện mọi thứ sẽ ổn thôi tại Ngai Phán Xét thì chưa đủ. Chúng ta không có bào chữa được, vì Chúa bày tỏ rõ ý muốn của Ngài cho chúng ta rồi. Có những người lúc bị phán xét tin rằng họ đã làm tốt khi so với những người xung quanh họ, nhưng họ không cho phép cõi đời đời điểu khiển và tăng tốc cho đời sống họ. Do đó tựa của cuốn sách này là : Sống Hướng Đến Cõi Đời Đời.

Từ “hướng đến” nghĩa là “được thúc đẩy.” Nó cũng có nghĩa là “hướng dẫn, kiểm soát hay điều khiển.” Một định nghĩa khác là “cung cấp một sức mạnh thúc đẩy đằng sau đó.” Điều gì thúc đẩy và tạo động lực cho đời sống chúng ta trên đất này? Có phải là cõi đời đời hay cái tạm thời? Nó có dựa trên sự khôn ngoan của Chúa không? Hay chúng ta so sánh mình với người khác? Chúng ta có lắng nghe lời nịnh hót, truyền thống hay huyền thoại được rao rêu tại bục giảng hay trường học? Liệu những gì chúng ta dùng để xây cuộc đời sẽ là những gì còn đứng vững trước mặt Chúa tại Ngai Phán Xét, hay mọi nỗ lực của chúng ta bị hư mất đời đời? Hãy nhớ chúng ta đã biết tiêu chuẩn nào dùng để phán xét chúng ta: “Lời Ta đã rao ra sẽ phán xét người đó vào ngày sau cùng” (Gi 12:48).

Nhiều người xưng mình là cơ đốc nhân sẽ bị sốc khi họ đứng trước mặt Chúa Giê-su tại Ngai Phán Xét. Họ sẽ là những người đặt sự an ninh trên một phần của Kinh Thánh Tân ước dạy nhưng không chịu tra cứu cẩn thận toàn bộ Kinh Thánh. Câu hỏi của tôi dành cho bạn là thế này: bạn có muốn tìm hiểu sự thật sau khi quyết định đời đời đưa ra và như vậy thì quá trễ để thay đổi, hay bạn muốn biết ngay bây giờ tiêu chuẩn nào mà bạn chịu phán xét?

Chương tới sẽ bắt đầu bằng câu chuyện dụ ngôn và sẽ được nói đến trong các chương tiếp theo. Hãy đọc kỹ chương đó và ghi nhớ những chi tiết, vì chúng ta sẽ đề cập trở lại thường xuyên câu chuyện này. Câu chuyện sẽ kết thúc ở chương tám, và những chân lí của nó sẽ được bàn đến trong các chương còn lại của cả sách. Sách này xoay quanh câu chuyện dụ ngôn này, vì vậy đừng đọc lướt qua. Bạn cũng có thể quay trở lại câu chuyện này để dạy lại cho người khác.

Chúa đã dạy tôi một cách riêng tư về phần lớn những gì được chia sẻ trong sách này. Tôi cũng chia sẻ những sai lầm của tôi mà đã được Thánh Linh mài dũa dưới lăng kính của lẽ thật. Hỵ vọng của tôi là lẽ thật này sẽ khuyến khích bạn tra cứu kỹ Kinh Thánh để bạn có một nền tảng vững vàng để nương dựa vào Ngày Phán Xét. Tôi sẽ chia sẻ một số quan niệm sai lầm trong xã hội Mỹ của chúng ta mà đã khiến cho những người nam và người nữ đi xa khỏi Đấng mà họ xưng là Chúa của họ. Bạn sẽ bị sốc, bị rúng động và bị khiển trách nữa, nhưng sau đó là lời hứa, là niềm hy vọng và là sự an ủi.

Nếu bạn can đảm, khát khao lẽ thật và có tấm lòng với Chúa, thì chúng ta hãy bắt đầu đọc. Bạn sẽ vui khi bạn làm chuyện này! Hãy ghi nhớ lời khuyên sau đây:

Như thế, được tuyên xưng công chính nhờ ân sủng của Ngài, chúng ta trở nên người kế tự trong niềm hy vọng sống vĩnh cửu. Đây là lời đáng tin cậy. Ta muốn con nhấn mạnh những điều đó để người đã tin Đức Chúa Trời kiên quyết tham gia vào những việc tốt lành. Đó là những điều tốt lành và ích lợi cho mọi người. (Tít 3:7-8)