Chương 10: NGÀY PHÁN XÉT CỦA ĐẤNG CHRIST

Hướng Về Cõi Đời Đời

Đăng vào: 5 tháng trước

.

Chương 10: Ngày Phán Xét Của Đấng Christ

Còn ngươi, tại sao lên án anh chị em mình? Sao ngươi khinh bỉ anh chị em mình? Vì tất cả chúng ta đều sẽ ứng hầu trước tòa án của Đức Chúa Trời. Như thế, mỗi người trong chúng ta phải tường trình công việc mình cho Đức Chúa Trời.

– Rô-ma 14: 10, 12.

Tất cả chúng ta sẽ đứng trước ngai Phán Xét của Đấng Christ. Phao-lô đang nói đến ai, tín hữu hay người không tin? Khi nghiên cứu những câu Kinh Thánh này theo mạch văn, thì không có sự nhầm lẫn nào cả; ông đang nói với các tín hữu. Phao-lô nói về tính nghiêm trọng của việc lên án Cơ Đốc nhân và khinh thường anh em mình, nói rằng những ai làm thế sẽ phải giải trình.

Vì thế, sẽ không chỉ có người không tin đứng trước mặt Đức Chúa Trời trong sự phán xét – như chúng ta thấy ở các chương trước – nhưng tất cả Cơ Đốc nhân cũng sẽ đứng trước ngai Đức Chúa Trời để giải trình về đời sống của họ trên đất. Điều này được nhấn mạnh thêm trong thư của Phao-lô gửi cho người Cô-rinh-tô mà chúng ta đã học ở chương trước:

Chúng ta tin tưởng và mong ước rời khỏi thân xác để về nhà với Chúa thì tốt hơn. Như thế, dù còn trong thân xác hay lìa khỏi thân xác, mục đích của chúng ta là sống đẹp lòng Chúa. Vì tất cả chúng ta đều phải ra trước tòa án Chúa Cứu Thế để mỗi người sẽ nhận phần của mình, tùy theo những điều thiện, điều ác mình đã làm khi còn ở trong thân xác. Vậy, vì biết thế nào là kính sợ Chúa, chúng tôi thuyết phục người ta, còn Chúa thì biết rõ chúng tôi và tôi hy vọng anh chị em cũng biết rõ chúng tôi trong lương tâm mình. (2Cô-rinh-tô 5: 8-11).

Rõ ràng là Phao-lô không nói đến sự phán xét tội nhân mà sự phán xét của cơ đốc nhân. Ông nói, “Chúng ta tin tưởng và mong ước rời khỏi thân xác để về nhà với Chúa thì tốt hơn.” Nên chúng ta không nghi ngờ ai là những người mà ông nói đến ở đây. Không có người không tin nào được về nhà ở với Chúa khi họ rời khỏi thân thể mình. Họ sẽ lập tức được chuyển tới Âm Phủ, và nhà đời đời của họ là Hồ Lửa.

Như đã nói trước đây, người không tin kính sẽ đứng trước sự phán xét được biết đến là Ngai Phán Xét Lớn Trắng, nó xuất hiện một thời gian sau sự phán xét tín hữu được nói đến trong phân đoạn trên.

Chúng ta ôn lại nhanh những gì chúng ta đã quan sát ở chương trước. Chúa Giê-su sẽ trở lại đất này với các đạo binh của thiên đàng, chiến thắng kẻ địch lại Đấng Christ, ném satan vào ngục và sau đó thiết lập sự cai trị của Ngài tại Giê-ru-sa-lem trong một ngàn năm. Sau đó, satan sẽ được thả ra khỏi vực sâu không đáy và sẽ được phép lừa dối các nước trong một thời gian ngắn. Lửa từ trời sẽ thiêu rụi chúng và ma quỷ sẽ bị lùa vào Hồ Lửa đời đời. Sau đó tất cả những người tội lỗi và không tin sẽ được làm cho sống lại từ Âm Phủ để đứng trước Ngai Phán Xét Trắng. Chúa Giê-su nói đến việc này như là sự sống lại để chịu đoán phạt (xem Giăng 5:29). Tất cả những ai không có tên ghi vào Sách Sự Sống sẽ bị quăng vào Hồ Lửa.

Mặt khác, sự phán xét người tin sẽ xuất hiện trước Ngai Phán Xét Trắng rất lâu. Thời điểm không được nói rõ trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, chúng ta biết nó sẽ diễn ra trong thời gian sau khi hội thánh được cất lên trong đám mây và trước sự cai trị một nghìn năm của Đấng Christ xuất hiện. Cho nên có thời gian khoảng một ngàn năm phải chia hai sự phán xét chính này. (Đây là một trong những điểm không được minh họa trong chuyện ngụ ngôn Affabel của chúng ta.)

Lặp lại các lời trong sách Rô-ma, 2Cô-rinh-tô 5:10 nói, “Vì tất cả chúng ta đều phải ra trước tòa án Chúa Cứu Thế.” Trong cả Rô-ma 14 và 2Cô-rinh-tô 5, các từ ngữ ngai phán xét trong tiếng Anh được dịch từ một chữ trong tiếng Hy-Lạp là bema. Từ điển Strong’s Concordance định nghĩa chữ này là, “một bước, sải bước, mũi tàu (một cái bục được nâng lên), tòa án (toà án công lý).”1 Sách chú giải The UBS Commentary nói, “Ngai phán xét là ghế ngồi của quan tòa trong tòa án thánh phố ở đế quốc La Mã. Phao-lô sử dụng sự tưởng tượng này để nói đến hoạt động phán xử của Đấng Christ.”2 Dựa trên tất cả những điều này, ta nói sự phán xét tín hữu là Ngai Phán Xét của Đấng Christ.

Ngai Phán Xét của Đấng Christ là toàn án thiên thượng của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh tuyên bố rằng Cha đã giao toàn bộ sự phán xét cho Con (xem Giăng 5:22). Chúa Giê-su Christ không chỉ là Cứu Chúa của chúng ta. Ngài cũng là quan án của chúng ta và sẽ sớm phán xét những người nhà của mình. Cách đơn giản nhất để định nghĩa từ nguyên nghĩa về sự phán xét là nói thế này; một quyết định được đưa ra dựa trên một cuộc điều tra – quyết định có lợi hay bất lợi.

Vô số người trong hội thánh không biết họ sẽ giải trình về những gì họ đã làm trong thời gian tá túc ngắn hạn của họ trên đất. Nhiều người lầm tưởng rằng tất cả sự phán xét tương lai sẽ được tẩy xóa khi họ được cứu rỗi. Đúng là huyết Giê-su thanh tẩy chúng ta khỏi mọi tội lỗi ngăn trở chúng ta bước vào vương quốc; tuy nhiên, huyết Ngài không loại trừ chúng ta khỏi sự phán xét về cách chúng ta sống như là một tín hữu, dù tốt hay xấu.

Các Quyết Định Đời Đời

Các sự phán xét hay quyết định được ban bố về chúng ta tại ngai phán xét của Đấng Christ là đời đời; nó sẽ còn mãi mãi, không bao giờ được thay đổi.

Hãy dừng lại một hồi và suy gẫm về các phần thảo luận của chúng ta ở chương đầu tiên khi chúng ta cố gắng hiểu cõi đời đời bằng lí trí. Gia-cơ nói sự sống tạm thời trên đất như hơi thở chóng qua (xem Gia-cơ 4:14). Đây là cách so sánh nghĩa bóng cuộc đời tám mươi năm đến một trăm tuổi so với cõi đời đời. Nếu ông có kiến thức toán học như chúng ta có ngày nay, chắc chắn ông sẽ chính xác hơn trong phần miêu tả của mình. Là sinh viên toán học, lúc mới đi học tôi biết bất cứ thứ gì chia cho vô cực điều bằng không.

80 năm chia cho vô vực (đời đời) = 0. 100 năm chia cho vô vực (đời đời) = 0.

Bất cứ con số hữu hạn nào chia cho hay so sánh với vô cực đều bằng 0. Bạn sống lâu trên đất thế nào không quan trọng. Dù bạn sống tới 150 tuổi trước khi chết, thì cuộc sống trên đất này chỉ là số 0 khi so sánh với cõi đời đời. Điều đó có nghĩa các tín hữu trong Chúa Giê-su Christ, mọi thứ chúng ta làm ở đây trong khung thời gian bằng o này sẽ quyết định cách chúng ta sống đời đời. Hãy nhớ, nơi chúng ta sẽ sống đời đời được quyết định bởi những gì chúng ta làm với thập tự giá của Đấng Christ và ân sủng cứu chuộc của Ngài. Nhưng cách mà chúng ta sẽ sống đời đời trong vương quốc của Ngài được quyết định bởi cách chúng ta sống ở đây như là một tín hữu.

Bạn có nhớ trong chuyện ngụ ngôn của chúng ta cách Ích Kỷ và những người mà cậu ta gặp ở phía sau của Sảnh Lớn đã hối tiếc cách họ lãng phí thời gian ngắn ngủi của họ tại Endel không? Phần lớn trong thời gian năm năm của họ tại Endel được dành cho các ham muốn và lợi lộc riêng hơn là dâng toàn bộ cho ý muốn của Jalyn. Họ nhận ra phần đời còn lại sống ở một cấp độ thua xa tiềm năng của họ, vì mỗi người đã có cơ hội để làm việc và sống gần gũi Jalyn, thậm chí là cai trị trong thành bên cạnh Ngài. Họ đã không tận hưởng thời gian ngắn ngủi sau khi tốt nghiệp ra trường. Dù sao đi nữa, thì tương lai của họ giờ đã được định đoạt. Trong 130 mươi năm tới, lối sống của họ sẽ là kết quả trực tiếp của cách họ đã sống năm năm ngắn ngủi. Hãy suy nghĩ điều đó: 130 năm so sánh với năm năm. Đó là một thời gian rất dài. Thậm chí rất ít người sống đạt được số năm dài như thế trên đất. Giá mà Ích Kỷ và những người khác đã cân nhắc điều này trước khi thời gian của họ tại Endel hết đi, chắc chắn họ đã sống khác.

Ví dụ trong chuyện ngụ ngôn của chúng ta thật cảm động, nhưng nó cũng không so sánh với những gì chúng ta đang nói tới đây. Vậy nên chúng ta hãy thử một viễn cảnh khác. Hãy tưởng tượng điều này. Bạn được ban cho một ngày, và cách bạn sống khoảng thời gian hai mươi bốn tiếng đó sẽ quyết định cách bạn sống một ngàn năm tiếp theo. Hãy cố gắng tưởng tượng một ngàn năm. Thời gian đó còn trước cả sự khai sinh của nước Mỹ, trước khi Christopher Columbus giăng buồm để khám phá thế giới mới, thậm chí trước cả khi người Norman xâm chiếm nước Anh.

Một ngàn năm là thời gian rất dài. Nhưng các phần thưởng bạn nhận được – vị trí bạn nắm giữ, công việc bạn làm, người bạn cùng làm việc, nơi bạn sống, loại nhà bạn sẽ ở, phong cảnh bạn có được từ căn nhà của mình và mọi thứ khác về cuộc đời bạn trong một ngàn năm – tất cả sẽ được quyết định bởi cách bạn sống một ngày đó.

Bạn có nghĩ mình sẽ dồn mọi nỗ lực cho ngày đó không? Bạn sẽ sống thế nào? Bạn có sống khác cách mà bạn đang sống không? Các ưu tiên của bạn có thay đổi không? Việc vâng lời Chủ có chiếm quyền ưu tiên tuyệt đối không? Bạn có đọc Lời Ngài cẩn thận hơn và tìm cách vâng lời Ngài cách sốt sắng hơn không? Bạn có tìm cách ảnh hưởng đời sống người khác cho vương quốc không? Bạn có đối xử với người ta khác đi không? Danh sách về sự thay đổi lối sống là vô tận. Nhưng điều này không là gì khi sánh với điều chúng ta đang bàn ở đây, vì một ngày chia cho 365.000 ngày (tương đương một nghìn năm) vẫn là một con số có hạn – không phải số 0.

Chúng ta hãy đi sâu hơn. Giả dụ cách bạn sống một ngày đó sẽ quyết định cách bạn sẽ sống một triệu năm tiếp theo – của cải của bạn, công việc của bạn, người bạn cùng làm việc, loại nhà mà bạn sống, nơi ở của bạn, chiếc xe bạn lái và vân vân! Hãy cố tưởng tượng lượng thời gian này. Chúng ta không có điểm tham chiếu, vì con người chỉ mới ở trên quả đất xấp xỉ sáu nghìn năm. Cho nên thời gian đó sẽ dài gấp 150 lần thời gian con người đã ở trên đất. Tự thân con số đó gần như không thể đo được. Thế mà con số này chẳng là gì khi so sánh với những gì chúng ta đang bàn đến, vì một ngày chia cho 365.000.000 ngày (tương đương một triệu năm) vẫn là một con số có hạn – không phải số 0. Nếu tôi nói một tỉ năm hay nghìn tỉ năm cũng không khác biệt gì; bạn vẫn sẽ có một con số có hạn khi so sánh nó với một ngày.

Nên dù ta sống lâu trên đất bao nhiêu thì thời gian của chúng ta ở đây khi so sánh với cõi đời đời là con số 0. Phải chăng đây là lí do sứ đồ Phao-lô nói rất cấp thiết với chúng ta là hãy sống làm sao để nhận được phần thưởng tối đa của mình? Trong lá thư của mình gửi cho người Cô- rinh-tô, ông bảo rằng bất cứ ai tranh tài trong thể thao là để chiến thắng, sau đó nói với tất cả chúng ta:

Anh chị em không biết rằng trên vận động trường, tất cả đều tranh đua, nhưng chỉ có một người thắng giải sao? Vậy, hãy chạy sao cho thắng cuộc. Mỗi lực sĩ đều theo kỷ luật khắt khe về đủ mọi thứ, họ chịu như vậy để đoạt mão hoa chiến thắng sẽ tàn héo, nhưng chúng ta chịu như thế để nhận được mão hoa chiến thắng không phai tàn. Về phần tôi, tôi chạy đua không phải là chạy vu vơ, tôi đánh, không phải là đánh gió. Nhưng tôi phải áp dụng kỷ luật và khắc phục thân thể tôi, e rằng sau khi giảng dạy người khác, chính tôi lại bị loại chăng. (1Cô-rinh-tô 9:24-27).

Theo Phao-lô, chúng ta sống cuộc đời này có mục đích; để nhận giải đời đời, không hề phai tàn. Trong đời sống này, chúng ta phải chạy để chiến thắng. Để chiến thắng, chúng ta phải phát triển sự kỷ luật dẻo dai, tiết độ và sống có chủ ý.

Tôi đã tham gia trong các môn thể thao trong nhiều năm. Khi tôi chơi trong Hiệp Hội Quần Vợt Mỹ, Junior Davis Cup và NCAA Divison One Tennis tôi đã luyện tập siêng năng. Mỗi ngày tôi ở trên sân quần vợt sáu tiếng, đôi khi thực hiện hàng trăm cú đánh bóng riêng biệt với huấn luyện viên hoặc người cùng chơi. Tôi đọc các sách nói về việc có một ý chí sắt đá trên sân. Tôi luyện tập ngoài sân quần vợt bằng cách nâng tạ, chạy, nhảy dây, tung hứng để cải thiện sự phối hợp giữa tay và mắt – danh sách là vô kể. Tôi rất chú ý và nhắm tới mục đích đến nỗi mẹ tôi dọa chuyển cái giường ngủ của tôi xuống sân quần vợt trong khu vực lân cận. Tôi tránh bất cứ hoạt động hay môn thể thao nào ngăn trở tiến trình của tôi. Tại sao tôi làm điều này? Để giành chiến thắng. Để trở thành nhà vô địch. Để trở thành người tốt nhất. Và để nhận phần thưởng vì là người giỏi nhất.

Điều đó khác biệt một chút trong vương quốc. Chúng ta không tranh đua với nhau, mà chỉ với bản thân chúng ta, và mục tiêu của chúng ta đẹp lòng Chúa Giê-su trong mọi việc chúng ta làm (xem 2 Cô-rinh-tô 5:9). Khi chúng ta đọc kỹ Kinh Thánh, chúng ta thấy đều Chúa muốn trong cách chúng ta đối xử với con người, những gì chúng ta theo đuổi, những gì mà chúng ta bỏ thời gian ra, những người mà chúng ta ảnh hưởng cho cõi đời đời, cách chúng ta dâng hiến cho vương quốc và người khác, cách chúng ta tha thứ người khác và còn nhiều nữa. Chúng ta sẽ bàn điều này sâu hơn sâu. Kết luận là chúng ta nên sống để chiến thắng!

Nhiều Loại Phần Thưởng

Kinh Thánh cho thấy các phần thưởng và vị trí đời đời được ban cho tín hữu không chỉ khác nhau mà còn có nhiều loại. Nó khác nhau, từ việc đánh mất mọi thứ và bị thiêu đốt hết cho đến việc được cai trị bên cạnh Đấng Christ đời đời (xem 1Cô-rinh-tô 3:15; Khải Huyền 3:21).

Nhiều người rùng mình khi họ nghe các thuật ngữ hư mất và bị thiêu đốt liên quan đến đời sống của họ. Họ thấy thật khó để tin việc này có thể xảy ra trên thiên đàng. Tuy nhiên, điều này được trình bày rõ ràng cho chúng ta trong Kinh Thánh.

Trước khi tôi chia sẻ những câu này, hãy để tôi giới thiệu bằng cách giải thích rằng nhiều lần trong Kinh Thánh, phép ẩn dụ về việc xây dựng được sử dụng để miêu tả đời sống cá nhân. Những lần khác, Kinh Thánh nói về hội thánh như là một tòa nhà hay đền thờ. Trong cả hai cách sử dụng phép ẩn dụ, liên quan đến cách chúng ta ảnh hưởng chính đời sống của mình, đời sống người khác và hội thánh chung thì chúng ta được miêu tả là các thợ xây. Tôi sẽ tham chiếu phép ẩn dụ này thường xuyên, suốt phần còn lại của cuốn sách. Trong tinh thần đó, Phao-lô nói rõ:

Vì chúng tôi là người cùng làm việc với Đức Chúa Trời, anh chị em là đồng ruộng của Đức Chúa Trời, là nhà của Đức Chúa Trời. Nhờ ân sủng Đức Chúa Trời đã ban cho tôi, như một chuyên gia xây cất giỏi, tôi đã đặt nền móng, còn người khác xây dựng lên. Nhưng mỗi người phải cẩn thận về công trình xây cất của mình. Vì không ai có thể đặt một nền móng nào khác ngoài nền đã lập tức là Chúa Cứu Thế Giê-su. Hễ ai dùng vàng, bạc, đá quý,gỗ, cỏ khô hay rơm rạ để xây nhà trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ được phơi bày rõ ràng. Ngày phán xét sẽ phô bày công trình đó ra vì ngày ấy sẽ xuất hiện trong lửa và lửa sẽ thử nghiệm công việc của mỗi người. Nếu công trình của người nào đã xây dựng còn tồn tại, người đó sẽ được phần thưởng. Nếu công trình của người nào đã xây dựng bị thiêu đốt, thì công trình ấy sẽ mất đi còn người đó sẽ được cứu nhưng dường như qua lửa vậy. (1Cô-rinh-tô 3:9-15).

Chúng ta quyết định cách chúng ta sẽ xây dựng, và chúng ta có hai chọn lựa chính trong việc xây dựng mỗi giây phút cuộc đời của mình. Một là bị cuốn vào điều tạm bợ, là thứ thỏa mãn xác thịt (gỗ, cỏ khô, rơm rạ). Còn bên kia là sống phù hợp với ao ước của tâm linh được tái sinh, làm theo Lời đời đời của Đức Chúa Trời (vàng, bạc và đá quý). Cách chúng ta xây, hay cách chúng ta sống cuộc đời của mình, sẽ quyết định cách chúng ta có thể nhận được khi lửa là sự hiện diện của Chúa thử nghiệm công việc chúng ta.

Không chỉ công việc chúng ta được thử nghiệm mà những suy nghĩ, động cơ và ý định của chúng ta cũng sẽ bị phơi bày. Đây là lí do tại sao điều quan trọng đối với tín hữu là phải cẩn thận lắng nghe, chú ý và giấu Lời Chúa trong lòng, vì Lời Chúa liên tục “mổ xẻ hồn linh, xương tủy, phân tích tư tưởng và ước vọng trong lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12-BDY). Không có thứ gì có thể đi sâu vào lòng chúng ta như Lời Ngài.

Nếu chúng ta lắng nghe lý luận, lô-gic, tâm lý học hay khôn ngoan của con người, chúng ta sẽ cuốn các suy nghĩ và động cơ lòng của mình sang điều tạm bợ, và thường chúng ta hoàn toàn không biết gì hết, như Ích Kỷ trước khi cậu bước vào Sảnh Phán Xét. Vì lí do này nên Chúa Giê-su cảnh báo:

Vì không có điều gì giấu kín mà sẽ không bị tỏ lộ; chẳng có điều gì giữ bí mật mà sẽ không biết và bị phơi bày. Vậy, các con hãy cẩn thận về cách mình nghe. Ai có sẽ được cho thêm; ai không có, cũng sẽ bị lấy luôn điều họ tưởng mình có. (Luca 8:17-18).

Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng chính những gì chúng ta lắng nghe hay chú ý sẽ chìm vào lòng chúng ta và định hình nếp suy nghĩ và mục đích trong lòng, rồi nó sẽ quyết định cách chúng ta xây dựng đời sống của mình. Chúng ta phải cẩn thận chú ý Lời Chúa vì đó là ánh sáng cho đường lối chúng ta. Không có ánh sáng chắc chắn chúng ta sẽ đi lạc, giống như đi trệch đường trong đêm tối vậy. Có thể bạn tình cờ đi đúng đường được một thời gian, nhưng cuối cùng bạn sẽ lạc lối.

Khi chúng ta đã lạc lối, thì cách chúng ta xây dựng dễ dàng được thúc đẩy bởi những thứ tạm bợ. Điều này sẽ không được phơi bày cho đến khi ánh sáng Lời Chúa chiếu vào. Phao-lô nói rộng ra, “Nhưng tất cả những điều bị ánh sáng vạch trần đều sẽ được thấy rõ.” (Ê-phê-sô 5:13).

Nếu chúng ta bị lạc lối, có hai điều có thể xảy ra. Trước tiên, cách chọn tốt nhất trong hai sự chọn lựa – là chúng ta nghe Lời Chúa (khi nó được giảng, khi đọc hay nghe một mục sư hay người bạn chia sẻ), nó bắt phục lương tâm của chúng ta. Đây là lí do quan trọng tại sao cần giữ một chế độ ăn nuốt Lời Chúa cố định. Nếu chúng ta khôn ngoan, chúng ta sẽ nhanh chóng ăn năn và xin sự tha thứ về những suy nghĩ, động cơ và ý định của mình. Tuy nhiên, nếu lương tâm chúng ta chai lì do lỗi lầm lặp lại liên tục, thì chúng ta sẽ khó nghe Lời Chúa hơn – và nếu lương tâm chúng ta lãnh đạm, thì thực tế việc nghe Lời Chúa là không thể. Vì lí do này, Kinh Thánh nói về tầm quan trọng của việc gìn giữ lương tâm trong sạch (xem Châm Ngôn 4:23; 2Ti-mô-thê 1:3). Nếu chúng ta bảo vệ và giữ lương tâm trong sạch, chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận công việc của Lời Chúa trong lòng chúng ta.

Lựa chọn thứ hai, không ai thích, đó là các động cơ của chúng ta sẽ bị phơi bày tại Ngai Phán Xét. Nếu điều này xảy ra, chúng ta mất đi phần thưởng sắm sẵn. Nên bạn chắc chắn sẽ hỏi, có đáng để chống cự lại sự thuyết phục của Lời Chúa không? Mỗi lần bạn chống cự, lòng bạn càng trở nên chai cứng và rơi vào tình trạng bị lưa dối nghiêm trọng hơn. Chúng ta sẽ không nhận ta tình trạng của bản thân mình và nó sẽ bị phơi bày bởi ánh sáng vinh hiển của Chúa tại Ngai Phán Xét.

Chuẩn Bị Cho Tương Lai Đời Đời

Sự phán xét cuộc đời chúng ta sẽ được tỏ tưởng tất cả. Mọi thứ sẽ được phô bày ra và trở nên rõ ràng. Đây là lí do Phao-lô nói Ngai Phán Xét là “sự kính sợ Chúa cách trang nghiêm.” Đó sẽ là một cuộc điều tra kỹ càng các động cơ, ý định, suy nghĩ, lời nói, hành động…của chúng ta. Những lời của Phao-lô trong 1 Cô-rinh-tô 3:9 và 12-15 rất là mạnh mẽ, liên quan đến sự xây dựng và phán xét:

…Anh chị em là…nhà của Đức Chúa Trời. Hễ ai dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ khô hay rơm rạ để xây nhà trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ được phơi bày rõ ràng. Ngày phán xét sẽ phô bày công trình đó ra vì ngày ấy sẽ xuất hiện trong lửa và lửa sẽ thử nghiệm công việc của mỗi người. Nếu công trình của người nào đã xây dựng còn tồn tại, người đó sẽ được phần thưởng. Nếu công trình của người nào đã xây dựng bị thiêu đốt, thì công trình ấy sẽ mất đi còn người đó sẽ được cứu nhưng dường như qua lửa vậy.

Tôi không biết bạn thì sao, nhưng tôi không muốn được cứu dường như qua lửa tại Ngai Phán Xét của Đấng Christ. Ở đây ta đang nói về định mệnh đời đời của chúng ta. Bạn có tưởng tượng được nhiều người sẽ bị sốc như thế nào không? Trong chuyện ngụ ngôn của chúng ta, mỗi nhân vật đều ngạc nhiên về điều họ đối diện – ngoại trừ Yêu Thương, người được chuẩn bị. Những người khác không nghiêm túc nhận lấy giáo lý sơ học mà họ đáng ra phải biết từ ban đầu.

Tôi liên tục nhìn thấy những người khôn ngoan ở đời này chuẩn bị cho tương lai của họ. Bắt đầu bằng việc học hành chăm chỉ ở trường để mở ra cánh cửa nghề nghiệp tốt đẹp. Khi đã có nghề nghiệp, họ nỗ lực để mua nhà để tạo cơ đồ. Họ cũng dành dùm tiền tiết kiệm và tải khoản lương hưu cá nhân. Một số người sẽ lấy số tiền dư ra của mình và đầu tư để tiền mang lại hiệu quả cho họ. Họ làm tất cả những việc này để chuẩn bị cho tương lai của họ; họ không muốn thấy mình bị thiếu thốn, đặc biệt khi họ tới tuổi nghỉ hưu. Nếu những người này chuẩn bị cho những năm nghỉ hưu của mình giống như nhiều người chuẩn bị cho cõi đời đời, họ không chỉ đang đi đến chỗ mất mác lớn. Mà họ, không giống nhiều người trong hội thánh, cũng rất lo và sợ hãi.

Nên để tôi nêu cho bạn một kịch bản giả thiết. Bạn có tưởng tượng được tình huống này vào đúng ngày một người nghỉ hưu không? Đầu tiên, ủy ban An Ninh Xã Hội bị phá sản và họ không còn quỹ để cho nhưng người nghỉ hưu này hàng tháng. Không chỉ thế, ngân hàng giữ tất cả số tiền của họ cũng đóng cửa và không còn giao dịch. Tất cả tiền tiết kiệm bị mất. Rồi, cũng vào ngày đó, người này thức dậy và thấy lửa cháy. Nhà của anh ta đang cháy. Anh ta chạy thoát ra khỏi nhà không đem gì theo ngoại trừ tấm áo che thân, và chứng kiến ngôi nhà cháy trụi, hủy phá mọi thứ mà anh ta sở hữu.

Đây sẽ là một ngày rất buồn trong đời sống người đàn ông đó. Nhưng đây chính xác là bức tranh Phao-lô vẽ, điều này sẽ thật sự xảy ra với một số Cơ Đốc nhân tại Ngai Phán Xét của Đấng Christ. Hãy nghe lại lời của ông: “Nếu công trình của người nào đã xây dựng bị thiêu đốt, thì công trình ấy sẽ mất đi còn người đó sẽ được cứu nhưng dường như qua lửa vậy.” (1Cô-rinh-tô 3:15). Những ai là người khôn trong vương quốc nhận ra rằng chúng ta không làm việc để chu cấp cho tương lai trong những năm nghỉ hưu. Chúng ta chuẩn bị cho cõi đời đời!

Người khôn ngoan mà tôi nói là những người đang lên kế hoạch cho tương lai đời đời của mình. Họ sống có mục đích và biết định mệnh đời đời của mình đang được viết ra bởi cách mà họ sống trên đất. Điều này sẽ cho họ một cánh cửa rộng bước vào vương quốc Đức Chúa Trời, hơn là bị trôi lạc, còn tất cả những gì họ làm bị thiêu đốt và hủy phá. Liên quan tới điều này hãy xem điều Phi-e-rơ nói:

Bởi đó, hỡi anh chị em, hãy làm hết sức để kh- iến sự kêu gọi và chọn lựa của anh chị em được chắc chắn. Vì nếu anh chị em làm như thế, anh chị em sẽ chẳng bao giờ bị vấp ngã. Nhờ thế con đường vào nước đời đời của Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta sẽ được rộng mở tiếp đón anh chị em. (2Phi-e-rơ 1:10-11).

Một sự chào mừng nồng hậu đó là nghe Chủ nói với chúng ta, “‘Giỏi lắm, anh là đầy tớ tốt và trung tín! Anh đã trung tín trong các việc nhỏ, ta sẽ đặt anh cai quản những công việc lớn hơn, hãy vào chung vui với chủ anh.” (Ma-thi-ơ 25:21).

Gần đây Chúa cho tôi một khải tượng. Tôi thấy những nhà vô địch của vương quốc đến diễu hành vào Thành Đức Chúa Trời. Họ diễu hành qua những con phố bằng vàng, có đám đông nam nữ cổ vũ họ trên vỉa hè. Vua Giê-su ở trên bục cao, cả thành đều nhìn thấy. Những người lính trung tín diễu hành và đem tới cho Chúa Giê-su các chiến lợi phẩm của Ngài trong lúc đám đông reo vui. Trong khải tượng đó dường như Chúa đang nói với các chiến binh đó, “Giỏi lắm.”

Sau đó Chúa phán với lòng tôi. “Con có muốn là một trong số những người lính này, đem bông trái họ đã thu hoạch được đến cho Ta, hay con muốn là một trong số những người ở trên vỉa hè cổ vũ?” Kể từ đó tôi quyết tâm làm cho chắc sự kêu gọi và lựa chọn của mình. Tôi quả quyết khi biết rằng tôi muốn nhìn thấy nụ cười khoái lạc trên mặt của Chúa tôi khi Ngài xem lại cuộc đời tôi – không phải với vẻ mặt buồn rầu, khi biết rằng tiềm năng Ngài đã ban cho tôi đã bị tiêu mất hết.

Tôi cũng quyết tâm công bố lẽ thật này cho tất cả những ai yêu mến Chúa trong thế hệ của mình, để họ cùng tôi bước vào sự hiện diện tuyệt vời của Ngài, mang theo các chiến lợi phẩm xứng đáng của Ngài và nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của Cha chúng ta. Chúng ta quyết định liệu mình được chào đóng nồng hậu hay không phụ thuộc vào sự phục vụ của chúng ta ở trên đất này. Đó là lý do chính cho các chương sắp tới.

Sắp Tới

Các chương tới sẽ gồm các phần thảo luận về các lĩnh vực chính mà chúng ta sẽ bị phán xét và được ban thưởng. Dù không gian không cho phép để nói hết mọi vấn đề, chúng ta sẽ nói đến một số vấn đề quan trọng hơn. Cần có một nền tảng tốt để bạn có thể xây dựng thêm và để làm cho cuộc đời của mình xứng đáng với cõi đời đời.

Để kết thúc, hãy đọc chậm những lời này của Phi-e-rơ và để nó phán với lòng bạn liên quan đến tất cả nhũng gì bạn đã đọc trong chương này. Bạn sẽ thấy những từ và cụm từ chìa khóa, nó sẽ làm cho những gì chúng ta đã bàn thêm phần sống động hơn. Những lời của Phi-e-rơ cũng sẽ chuẩn bị chúng ta cho điều chúng ta sẽ bàn ngay ở chương tới:

Bởi thần năng, Ngài ban cho chúng ta mọi điều cần để sống và sống tin kính, qua sự nhận biết Ngài là Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân từ Ngài. Vì chính lý do nầy, hãy hết sức thêm cho đức tin anh chị em nhân từ, thêm cho nhân từ hiểu biết, thêm cho hiểu biết tiết chế, thêm cho tiết chế kiên trì, thêm cho kiên trì tin kính, thêm cho tin kính tình huynh đệ, thêm cho tình huynh đệ tình yêu thương. Vì nếu anh chị em có những điều này và càng gia tăng thì sẽ không sợ mình vô hiệu năng hoặc không kết quả trong sự hiểu biết Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta. Bởi đó, hỡi anh chị em, hãy làm hết sức để khiến sự kêu gọi và chọn lựa của anh chị em được chắc chắn. Vì nếu anh chị em làm như thế, anh chị em sẽ chẳng bao giờ bị vấp ngã. Nhờ thế con đường vào nước đời đời của Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta sẽ được rộng mở tiếp đón anh chị em. Nên tôi sẽ nhắc nhở anh chị em luôn luôn về những điều này, mặc dù anh chị em đã biết rồi và nay cũng đã vững vàng trong lẽ thật. Hễ tôi còn sống trong lều tạm nầy bao lâu, tôi nghĩ nên nhắc để anh chị em nhớ cũng là điều đúng. (2Phi-e-rơ 1:3,5-8,10 -13).