CHƯƠNG 7: NỀN TẢNG

Hướng Về Cõi Đời Đời

Đăng vào: 5 tháng trước

.

CHƯƠNG 7: NỀN TẢNG

…Nhưng nền móng của người công chính còn đời đời.

– Châm Ngôn 10:25

Trước khi trở lại câu chuyện ngụ ngôn Affabel để bàn đến các sự phán xét và phần thưởng của Ích Kỷ và Yêu Thương, chúng ta sẽ khép lại vấn đề đã bàn trong ba chương trước. Nhớ lại đoạn này Kinh Thánh ở chương bốn:

Vì thế, chúng ta hãy từ bỏ bài học vỡ lòng về đạo lý của Chúa Cứu Thế mà tiến lên bậc trưởng thành, tức là không cần phải đặt lại nền móng cho giáo lý ăn năn từ bỏ những công việc chết, đức tin nơi Đức Chúa Trời, giáo huấn về phép báp-tem, sự sống lại của người chết và sự phán xét đời đời. Đây là điều chúng ta sẽ làm nếu Đức Chúa Trời cho phép. (Hê-bơ-rơ 6:1-2)

Việc không có nền tảng chắc chắn trong các lẽ thật về sự phán xét và hình phạt đời đời ngăn trở chúng ta xây dựng một đời sống lành mạnh và đúng đắn trong Đấng Christ. Điều đó có thể so sánh với việc nỗ lực nâng cấp sự giáo dục của bạn mà không có các kiến thức cơ bản lãnh hội ở trường tiểu học, như là khả năng đọc và viết.

Tại sao lại thế? Khi nghiên cứu kỹ các sách Phúc âm, bạn sẽ thấy Chúa Giê-su nói và miêu tả địa ngục nhiều hơn là thiên đàng. Ngài làm điều này để lập một nền móng trong chúng ta – sự kính sợ Chúa. Đây là một ví dụ:

“Vì thế, những lời các con nói trong tối sẽ được nghe ngoài sáng; những tiếng rỉ tai trong phòng riêng sẽ được công bố trên sân thượng. Ta bảo các con, những bạn thân của Ta: ‘Đừng sợ những kẻ giết thân xác rồi sau đó không làm gì được nữa. Nhưng Ta sẽ bảo cho các con phải sợ ai: Hãy sợ Đấng sau khi giết rồi còn có quyền ném vào hỏa ngục. Phải, Ta bảo các con, hãy sợ Đấng ấy!’” (Luca 12:3-5)

Những lời này rất xác quyết và chính xác: việc nhận lãnh và duy trì sự hiểu biết đúng về sự phán xét và hình phạt đời đời sẽ sản sinh và gìn giữ sự kính sợ Chúa trong lòng chúng ta.

Hãy để tôi giải thích. Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể đưa ra hình phạt đời đời ở địa ngục. Điều chúng ta đã nói trong nơi kín giấu sẽ được phơi bày bởi ánh sánh của vinh hiển Ngài lúc phán xét. Không chỉ lời nói mà cả động cơ, thái độ, hành động và việc làm của chúng ta sẽ bị lộ ra. Sự kính sợ Chúa giúp chúng ta luôn nhận thức rằng không điều gì có thể giấu khỏi Ngài, ngay cả những điều thầm kín nhất. Chúng ta biết không có điều gì thoát khỏi sự phán xét của Ngài – và sự phán xét Ngài là công bình. Nếu chúng ta thiếu sự hiểu biết này, chúng ta có thể bị lừa dối tin rằng Chúa bỏ qua hay thậm chí không nhìn thấy sự vô luật lệ, và chúng ta sẽ tự trấn an trong lòng về một ơn thương xót mà không đúng Kinh Thánh và cũng không tồn tại (như Bị Lừa Dối, Ngã Lòng và Sống Hai Mặt đã tin). Chúng ta có thể dễ dàng trở thành một trong số nhiều người sống trong những ngày cuối cùng này, là những kẻ trật khỏi sự tận hiến kiên định mà rơi vào đời sống tội lỗi.

Những ai thiếu đi nền tảng này chắc chắc sẽ sập bẫy vào nỗi sợ con người, cuối cùng chúng ta phục vụ kẻ mà chúng ta sợ. Nếu chúng ta kính sợ Chúa, chúng ta sẽ vâng lời Ngài dù chịu áp lực. Nếu chúng ta sợ con người, chúng ta sẽ đầu phục con người – đặc biệt khi chịu áp lực – và cuốn theo những gì ích lợi của khoái lạc, của ham muốn xác thịt hay của sự kiêu ngạo. Liên tục phục dưới xác thịt rốt cuộc sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Nên nếu chúng ta thiếu đi sự hiểu biết về sự phán xét và hình phạt đời đời, chúng ta sẽ có lòng kính sợ Chúa, vì sự run sợ thánh thiện trước sự phán xét của Đấng Christ là một khía cạnh của sự kính sợ Chúa. Phao-lô nói điều này như thế này:

Vì tất cả chúng ta đều phải ra trước tòa án Chúa Cứu Thế để mỗi người sẽ nhận phần của mình, tùy theo những điều thiện, điều ác mình đã làm khi còn ở trong thân xác. Vậy,vì biết thế nào là kính sợ Chúa, chúng tôi thuyết phục người ta… (2Cô-rinh-tô 5:10-11)

Phao-lô không nói đến Ngai Phán Xét Trắng Lớn (Ngai mà Chúa Giê-su nói trong Luca 12), tại đó người ta sẽ bị hình phạt ở hỏa ngục. Ông nói sự phán xét của tín hữu. Chúng ta sẽ bắt đầu bàn đến sự phán xét này ở chương sau, nhưng để ý là Phao-lô đánh đồng ngai phán xét của Đấng Christ với sự kính sợ Chúa. Đúng vậy, trong câu trên, thật ra ông gọi Ngai Phán Xét là “sự kính sợ Chúa.” Vấn đề này, bạn không thể tách sự kính sợ Chúa khỏi sự hiểu biết về sự phán xét, và sự kính sợ Chúa là chìa khóa để có một đời sống lành mạnh.

Hãy nghe các lời của tiên tri Ê-sai: “Ngài sẽ là sự bền vững cho thời đại các ngươi; Sự cứu rỗi, khôn ngoan và tri thức sẽ đầy dẫy. Sự kính sợ CHÚA sẽ là kho báu của ngươi.” (Ê-sai 33:6)

Sự kính sợ Chúa là chìa khóa để có nền tảng chắc chắn của Chúa. Nhớ lại trong các chương trước Chúa Giê- su nói tiên tri về vô số người làm những điều kì diệu trong Danh Ngài nhưng sẽ bị phó cho sự hình phạt đời đời. Không ngạc nhiên khi trong Ma-thi-ơ đoạn 7, Chúa Giê-su tiếp tục giải thích ngay nguyên do của sự sa ngã của những con người này. Đó là nền tảng của họ. Họ xây cuộc đời của mình trên lối tư duy và niềm tin không thể chịu nỗi những giông bão của cuộc đời. Trong các lời của Chúa Giê-su:

“Vậy, ai nghe lời Ta dạy và làm theo, sẽ giống như một người khôn ngoan xây nhà mình trên nền đá. Khi mưa đổ xuống, nước lụt dâng lên, cuồng phong ập đến, nhà ấy không sụp đổ vì đã được xây trên nền đá [Nền tảng chắc chắn của Chúa là sự kính sợ Chúa]. Còn ai nghe lời Ta dạy, nhưng không làm theo thì giống như một người ngu dại xây nhà mình trên cát. Khi mưa đổ xuống, nước lụt dâng lên, cuồng phong ập đến, thì nhà ấy sụp đổ, hư hại nặng nề.” (Ma-thi-ơ 7:24-27)

Những ai bền lòng đến cuối cùng sẽ đứng vững trước những giông bão nhờ có một nền tảng vững chắc. Sự kính sợ Chúa là nền tảng đó; nó cung cấp sự vững vàng cho chúng ta. Đó là một kho báu giàu có của Chúa. Sự cứu rỗi, sự khôn ngoan, và tri thức của Ngài đều được giấu trong đó.

Sự Kính Sợ Chúa

Thế nào là sự kính sợ Chúa? Có phải là sợ hãi Chúa không? Hoàn toàn không. Làm sao chúng ta có thể có sự thân mật với Chúa (cũng là ao ước tha thiết của Ngài) nếu chúng ta sợ hãi Ngài? Khi Đức Chúa Trời đến để bày tỏ chính Ngài cho dân Y-sơ-ra-ên, Ngài đến để có sự thông công với họ giống như Ngài có với Môi-se – nhưng tất cả họ đều lui lại và không chịu đến gần. Môi-se nói với dân sự, “Anh chị em đừng sợ. Đức Chúa Trời đến để thử anh chị em, để anh chị em có lòng kính sợ Đức Chúa Trời và không phạm tội với Ngài.” (Xuất Hành 20:20)

Những lời của Môi-se nghe dường như mâu thuẫn, nhưng không phải vậy. Ông phân biệt giữa việc sợ hãi Chúa và sự kính sợ Chúa, nên có một sự khác biệt. Người sợ hãi Chúa có điều gì đó cần giấu giếm. Hãy nhớ lại điều A-đam đã làm khi ông bất tuân Chúa tại vườn Ê-đen: ông lẩn trốn khỏi sự hiện diện Chúa. Mặt khác, người kính sợ Chúa thì sợ xa cách Ngài. Người đó chạy xa sự bất tuân. Nên định nghĩa đầu tiên của sự kính sợ Chúa là kinh khiếp khi phải xa rời Chúa.

Chúng ta tiếp tục giải thích thêm ý nghĩa của nó. Kính sợ Chúa là tôn trọng, đánh giá cao, kính trọng và kính mến Ngài trên mọi thứ và mọi người khác. Kính sợ là yêu điều Ngài yêu và ghét điều Ngài ghét. Điều nào quan trọng đối với Ngài cũng quan trọng đối với chúng ta, điều nào không quan trọng với Ngài cũng không quan trọng đối với chúng ta. Khi chúng ta kính sợ Ngài, chúng ta sẽ run rẩy trước lời Ngài, nghĩa là chúng ta lập tức vâng lời Ngài, dù hoàn cảnh thật phi lý, khi có tổn thương, khi không thấy lợi lộc gì. Và chúng ta vâng lời cho đến cùng. Vâng, biểu hiện của sự kính sợ Chúa là sự vâng lời Ngài, đường lối Ngài và mạng lệnh Ngài.

Kinh Thánh cho biết sự kính sợ Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan. Hay có thể nói như thế này: nó là nền tảng của sự khôn ngoan. Khôn ngoan, là điều chúng ta sẽ bàn sâu ở các chương tới, là tri thức và khả năng để đưa ra những chọn lựa đúng vào thời điểm thích hợp. Những ai đưa ra những chọn lựa sai lầm do chịu áp lực là thiếu khôn ngoan, và nguồn của sự khôn ngoan là kính sợ Chúa.

Kinh Thánh cho biết đời sống chúng ta có thể được ví sánh với việc xây cất nhà. Trước hết là cái móng; tiếp theo là xây dựng kết cấu. Chúng ta đọc, “Nhờ khôn ngoan nhà được xây cất…” (Châm Ngôn 24:3). Nếu chúng ta xây dựng cuộc đời của mình bằng khả năng đưa ra những chọn lựa đúng, thì chúng ta sẽ xây dựng một đời sống lành mạnh, nhờ đó chúng ta mới đủ tự tin đứng trước ngai phán xét. Khởi đầu hay nền tảng của sự khôn ngoan này là sự kính sợ Chúa.

Được Giữ Khỏi Bội Đạo

Cơ đốc nhân sẽ không sa ngã nếu sự kính sợ Chúa được trồng sâu trong lòng họ. Chúng ta sẽ không trượt ngã hay trôi lạc khỏi sự tận hiến trung kiên với Chúa Giê- su. Chúng ta sẽ không xem nhẹ và lạnh nhạt đối với Lời Ngài. Chúng ta sẽ không chơi giởn với tội lỗi, là điều khiến lòng của tín hữu trở nên chai cứng và cuối cùng là họ sa ngã (xem Hê-bơ-rơ 3:12-13). Chúng ta luôn biết rằng những gì đã làm và nói nơi bí mật sẽ được công bố cách công khai tại Ngai Phán Xét.

Hãy nghe điều Chúa nói với Giê-rê-mi về những người sống thời Tân Ước:

Bấy giờ,chúng sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Đức Chúa Trời của chúng. Ta sẽ ban cho chúng cùng một ý chí và một mục đích duy nhất, ấy là kính sợ Ta trọn đời,để chúng và con cháu chúng sau này được phước lành. Ta sẽ lập với chúng một giao ước đời đời, Ta sẽ không hề lìa bỏ chúng, hoặc ngưng ban phước cho chúng. Ta sẽ đặt vào lòng chúng niềm kính sợ Ta, để chúng không xây khỏi Ta. (Giê-rê-mi 32: 38-40)

Để ý Chúa nói dân sự Ngài sẽ “kính sợ Ta trọn đời… để chúng không xây khỏi ta.” Tôi nhớ một buổi nhóm tại Malaysia, ở đó Linh của sự kính sợ Chúa đã bày tỏ mạnh mẽ. Những người ở buổi nhóm đến từ khắp châu lục. Các sinh viên trường Kinh Thánh, các mục sư và nhiều người khác chật cứng khán phòng nơi tôi đang giảng. Lúc gần kết thúc buổi nhóm, nhiều người bậc khóc nức nở và nằm la liệt khắp sàn nhà gần bục giảng.

Sự kinh hãi của Chúa rất oai nghi trong thính phòng đó, tôi tự nhủ, John Bevere, ngươi hành xử sai lầm hay nói lời nào sai lầm nữa là ngươi tiêu đời! Chuyện gì xảy ra vậy? Tôi không biết, nhưng tôi có thể nói có cặp nam và nữ đã hành xử sai trật trong bầu không khí thuộc linh tương tự như thế và đã bị đánh ngã chết ngay. Hậu quả nhãn tiền của việc họ bị phán xét là “Toàn thể Hội Thánh và tất cả những ai nghe tin này đều rất khiếp sợ.” (Công Vụ 5:11).

Sau buổi nhóm đó tại Malaysia, một cặp vợ chồng từ Ấn Độ đến với tôi và nói, “Ông John, bên trong chúng tôi cảm thấy rất trong sạch.”

Tôi đáp lại, “Vâng, tôi cũng thế.”

Sáng hôm sau tôi ở trong phòng khách sạn và tôi tìm thấy câu Kinh Thánh này: “Sự kính sợ CHÚA là trong sạch, hằng còn mãi mãi.” (Thi Thiên 19:9).

Thánh Linh lập tức phán với lòng tôi và nói, “Lucifer từng là thiên sứ hướng dẫn thờ phượng trên thiên đàng. Hắn được xức dầu, xinh đẹp và được chúc phước. Nhưng hắn đã không kính sợ Ta; hắn chẳng còn đến mãi mãi.”

Sự kính sợ Chúa ban cho chúng ta quyền năng để cứ ở trong Ngài. Nó giữ chúng ta liên tục vâng phục Lời Chúa. Các tín hữu được cảnh báo, “Vậy, chúng ta hãy kính sợ kẻo có ai trong anh chị em bị rớt lại trong khi lời hứa cho vào sự an nghỉ của Ngài vẫn còn hiệu lực” (Hê-bơ-rơ 4:1). Thật lí thú khi tác giả của câu này nói sự kính sợ chứ không nói tình yêu thương. Chính sự kính sợ Chúa giữ chúng ta không quay trở lại tội lỗi.

Nhà Truyền Giảng Nổi Tiếng

Tôi sẽ không bao giờ quên có lần tới thăm một nhà truyền giảng nối tiếng, ông ngồi tù năm cuối trong bản án tù năm năm. Vụ án của ông được cả thế giới biết và gây nhiều tai tiếng cho Nước Chúa. Tuy nhiên, trong năm đầu ở tù, ông có một sự gặp gỡ thật với Chúa. Khi tôi bước vào tù bốn năm sau, một trong những điều đầu tiên ông nói với tôi là, “John, nhà tù không phải là sự hình phạt của Chúa cho đời tôi, đó là lòng thương xót của Ngài. Nếu tôi cứ tiếp tục sống như tôi từng sống, kết cục tôi sẽ ở trong hỏa ngục đời đời.”

Ông ta làm tôi phải chú ý. Tôi biết mình đang nói chuyện với một người của Đức Chúa Trời bị tan vỡ, một đầy tớ thật của Đấng Christ. Tôi biết ông bắt đầu hầu việc Chúa với tấm lòng rất yêu mến Chúa Giê-su. Lòng nhiệt huyết của ông rất rõ ràng. Tôi thắc mắc làm thế nào mà ông ta kết cuộc lại xa cách Chúa đến thế đang khi chức vụ phát triển. Nên tôi hỏi ông, “Ông đã không còn yêu Chúa Giê-su từ khi nào?”

Ông ta nhìn tôi và trả lời không chút lưỡng lự, “Làm gì có!”

Bối rối, nên tôi hỏi, “Thế còn vụ gian lận thư từ và ngoại tình mà ông đã phạm trong bảy năm qua – đây là lí do ông ngồi tù – thì sao?

Ông ta nói, “John, suốt thời gian đó tôi yêu Chúa Giê- su, nhưng tôi đã không kính sợ Chúa. Lúc đó Ngài không có thẩm quyền tối thượng trong cuộc đời tôi.” Sau đó ông nói một điều khiến tôi đứng người: “John, có hàng triệu cơ đốc nhân Mỹ giống như tôi. Họ gọi Giê-su là Cứu Chúa và yêu mến Ngài, nhưng họ không kính sợ Ngài như là Chúa chủ tể của họ.”

Lúc đó một ánh sáng lóe lên trong tôi. Tôi nhận ra chúng ta có thể yêu mến Chúa Giê-su, nhưng chỉ thế thôi sẽ không giữ chúng ta khỏi xa cách Chúa. Chúng ta phải kính sợ Chúa nữa. Nhớ lại những lời của Môi-se: “Anh chị em đừng sợ. Đức Chúa Trời đến để thử anh chị em, để anh chị em có lòng kính sợ Đức Chúa Trời và không phạm tội với Ngài.” (Xuất Hành 20:20). Chính sự kính sợ Chúa cho chúng ta quyền năng để cứ ở trong Ngài và không trôi lạc khỏi sự vâng lời Chúa – giống như Lucifer, một phần ba thiên sứ, A-đam và những người sa ngã trong hội thánh trong những ngày cuối cùng này.

Hoàn Tất Sự Cứu Rỗi

Ví lí do này, Phao-lô bảo chúng ta “hãy lấy lòng kính sợ và run rẩy mà hoàn thành sự cứu rỗi của mình” (Phi-líp 2:12). Chúng ta thực hiện và hoàn tất sự cứu rỗi với lòng kính sợ và run rẩy. Điều này khiến chúng ta luôn ý thức rằng mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm sẽ bị phơi bày vào ngày phán xét. Chính nhận thức đó giữ chúng ta khiêm nhường, cẩn trọng, tỉnh áo, dịu dàng và ý thức về những cám dỗ để không vâng lời Chúa. Nó thôi thúc chúng ta luôn tránh xa những điều nào không đẹp lòng Chúa.

Để ý Phao-lô không nói chúng ta hoàn tất hay hoàn thành sự cứu rỗi bằng tình yêu thương và sự nhân từ. Sự kính sợ Chúa cho chúng ta sức mạnh để không sa ngã khỏi ân sủng của Ngài và rơi vào đời sống vô luật lệ. Ngược lại sự yêu mến Chúa giữ chúng ta khỏi chủ nghĩa tuân giữ luật pháp, cũng là thứ làm triệt tiêu sự thân mật với Chúa. Tình yêu của chúng ta dành cho Chúa tiếp nhiên liệu cho động cơ và ý định của chúng ta, giữ cho nó luôn sốt sắng và đứng đắn. Chúng ta phải có cả hai sức mạnh lớn lao đó là tình yêu thương và sự kính sợ Chúa trong đời sống để giữ cho mối quan hệ với Ngài lành mạnh. Vì lí do này Phao-lô gọi Đức Chúa Trời là Cha thiên thượng của chúng ta và Abba (nghĩa là Cha) nhưng cũng nói Đức Chúa Trời là lửa hay thiêu đốt (xem Hê-bơ-rơ 12:29). Ngài là tình yêu thương, nhưng Ngài cũng công bình và là Quan án thánh khiết. Không kính sợ Ngài là thiếu đi nền tảng vững bền, và Chúa Giê-su phán lặp lại, “Nhưng ai kiên trì cho đến cuối cùng thì sẽ được rỗi” (Ma-thi-ơ 10:22).

Ảnh Hưởng Của Chúng Ta

Một lí do khác cũng quan trọng mà chúng ta cần có một sự hiểu biết chắc chắn về sự phán xét và hình phạt đời đời là ảnh hưởng của chúng ta lên những người khác. Nếu chúng ta thiếu sự kính sợ Chúa, chúng ta sẽ truyền đạt

– dù đó là qua lời nói hay qua hành động – một tin lành mất quân bình. Làm thế sẽ khiến cho những người dưới ảnh hưởng của chúng ta rất dễ vấp ngã và thậm chí là sa ngã vĩnh viễn.

Dù là giáo sư Kinh Thánh hay mục sư, nếu chúng ta thiếu sót trong các giáo lý nền tảng này, chúng ta sẽ truyền đạt rất nhiều những nguyên tắc của Kinh Thánh về đời sống phước hạnh, thịnh vượng và hạnh phúc. Những nguyên tắc này có tác đụng thật sự, vì Chúa đã định chúng ta như vậy. Nó sẽ mang lại những mối quan hệ lành mạnh, thành công, hài hòa, tốt đẹp và vân vân. Tuy nhiên, nếu không có sự hiểu biết nền tảng về sự phán xét đời đời, chúng ta sẽ nhút nhát không rao giảng thập tự giá và cái trả của việc bước theo Chúa Giê-su. Chúng ta rao giảng các sứ điệp làm thỏa mãn bản thân thay vì giảng kêu gọi phó mạng sống mình bằng mọi giá.

Nếu chúng ta không được thúc đẩy bởi cõi đời đời, chúng ta sẽ sống và giảng dạy chỉ nhắm đến ích lợi của đời này thay vì nhìn đời theo cái nhìn đời đời. Chúng ta sẽ dạy dỗ tín đồ sống chờ đến Ngày đó hơn thay vì sống như các tổ phụ, “mong đợi một thành phố có nền móng do Đức Chúa Trời thiết kế và xây dựng.” (Hê-bơ-rơ 11:10)

Vâng, có các phần thưởng ở đời này cho việc vâng lời các nguyên tắc của Chúa. Chúng ta đã dạy dỗ lẽ thật rất tốt. Nhưng chúng ta đừng quên chúng ta chỉ là những lữ khách ở trần gian này. Chúng ta phải thành công ở đời này, nhưng chúng ta phải làm theo tiêu chuẩn của thiên đàng, chứ không phải theo văn hóa đời này. Nhà thật của chúng ta không phải ở dưới đất này.

Hãy đọc kỹ động cơ của các thánh đồ là những người từ bỏ thế gian này để theo Chúa:

Tất cả những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận được những điều Chúa hứa,chỉ trông thấy và chào mừng những điều ấy từ đàng xa, nhìn nhận mình là người xa lạ và lữ khách trên mặt đất. Những người nói như thế minh định rằng họ đang tìm kiếm một quê hương. Nếu còn nhớ đến quê cũ là nơi họ đã ra đi, tất họ cũng có cơ hội trở về. Trái lại, họ mong ước một quê hương tốt hơn, là quê hương ở trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn khi được gọi là Đức Chúa Trời của họ vì Ngài đã chuẩn bị cho họ một thành phố. (Hê-bơ-rơ 11:13:16)

Quê hương mà các thánh đồ này trông ngóng là Thành của Đức Chúa Trời, là thành Giê-ru-sa-lem mới, mà cùng là đối tượng chúng ta sẽ tập trung ở các phần còn lại của sách này. Những người sống trong thành này được gọi là những người chiến thắng. Phần thưởng của họ chắc chắn tốt hơn những gì tốt đẹp nhất mà cuộc sống trên đất cung phụng.