CHƯƠNG 6: SỰ BỘI ĐẠO LỚN

Hướng Về Cõi Đời Đời

Đăng vào: 5 tháng trước

.

CHƯƠNG 6: SỰ BỘI ĐẠO LỚN

Nhưng ai kiên trì chịu đựng cho đến cùng sẽ được cứu rỗi.

Ma-thi-ơ 24:13.

Bây giờ chúng ta đến với các lẽ thật được phản ánh qua nhân vật Sống Hai Mặt và Ngã Lòng. Họ từng là những người thật sự đi theo Jalyn. Tuy nhiên, một người đã không đi theo ngài với động cơ ngay thẳng, còn người kia rốt cuộc cũng đã mãi mãi quay lưng khỏi các đường lối của ngài. Cái kết của cả hai là hư mất.

“Đọc Những Gì Ta Tin” hay “Tin Những Gì Ta Đọc”

Tôi phát hiện ra rằng một số lẽ thật mà chúng ta bàn đến ở chương này là những lẽ thật gây tranh cãi giữa vòng một số giới trong tin lành. Tuy nhiên, nếu chúng ta khao khát lẽ thật và thành thật với bản thân, việc nghiên cứu kỹ Kinh Thánh sẽ loại bỏ sự tranh cãi. Nên trước khi chúng ta bắt đầu tra xem điều Kinh Thánh bày tỏ liên quan đến những người giống như Sống Hai Mặt và Ngã Lòng, trước tiên để tôi yêu cầu là bạn hãy sẵn sàng đọc với một tấm lòng và tâm trí cỡi mở.

Một trong những ngăn trở lớn nhất đối với việc nhìn biết ý muốn của Đức Chúa Trời là khi chúng ta đọc Kinh Thánh, chúng ta đọc những gì chúng ta tin hơn là tin những gì chúng ta đọc. Việc đọc những gì chúng ta tin xuất hiện khi chúng ta chọn nhìn lẽ thật qua các lăng kính bị vẩn đục. Sự vẩn đục này là kết quả của tri thức không đúng được thu nhận từ nhưng người khác, được dạy dỗ bởi giáo phái của chúng ta hay nó đến từ các định kiến của chúng ta về Đức Chúa Trời và các đường lối Ngài. Điều này rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn chúng ta đến sự lừa dối. Một ví dụ về điều này được tìm thấy trong sách Gióp.

Mới đây tôi cầm cuốn Kinh Thánh của tôi lên, và trước khi tôi mở Kinh Thánh ra, tôi nghe Thánh Linh phán, “Hãy mở đến sách Gióp và bắt đầu đọc từ chương 32.” Tôi lập tức mở sang chương này và nhận ra đó là phần đầu sứ điệp của Ê-li-hu.

Nói một chút về bối cảnh câu chuyện. Sau khi trải qua thảm kịch kinh hoàng, nhận thức của Gióp về các đường lối Chúa đã nhanh chóng xấu đi do bị đau đớn và bất hạnh. Giờ ông xem Chúa qua kinh nghiệm của ông hơn là tìm kiếm Chúa để nhận sự khôn ngoan của Ngài (xem Gia-cơ 1:2-8). Qua thời gian, lý luận này đã chuyển sang tự biện minh. Ba người bạn của Gióp, những người đã nói trong các chương trước mà tôi đọc ngày hôm đó, đã trở thành các nhà thần học sai lạc, kiêu ngạo, họ cố gắng giải nghĩa thảm kịch của Gióp. Điều này khiến cho vấn đề càng trở nên trầm trọng. Họ không tìm thấy cách nào để bác bỏ lý luận ngoan cố của Gióp nhưng thay vào đó họ lên án ông.

Ê-li-hu, người trẻ nhất trong nhóm, đã chờ đợi một thời gian dài để nghe sự khôn ngoan của Chúa từ Gióp và ba người bạn của ông. Nhưng khi ông nhận thấy ba người bạn không còn gì để nói nữa, cuối cùng ông đã lên tiếng: “Này,tôi chờ đợi lời các anh phát biểu, lắng tai nghe các anh tỏ điều thông sáng, trong khi các anh cân nhắc từng lời. Tôi chú tâm nghe cac anh trình bày, nhưng không một ai trong các anh bác bỏ được luận điệu của Gióp, không một ai tranh luận nổi với ông. Xin các anh thận trọng, đừng vội nói: “Chúng tôi tìm được sự khôn ngoan!” Chính Đức Chúa Trời sẽ bài bác luận điệu của Gióp, loài người không làm nổi.” (Gióp 32: 11 – 13)

Ê-li-hu tiếp tục quở trách tất cả những người bạn này. Ông nói, “Theo ý anh, Ngài có nên báo trả người đó không?” (Gióp 34:33). Chà, ông đã nói rất chính xác lỗi lầm rất phổ biến ngày nay. Đây là một trong những căn nguyên chính của thần học sai lạc trong hội thánh: chúng ta cho phép các kinh nghiệm của mình giải nghĩa Lời Chúa hơn là cho phép Lời Chúa thiết lập lẽ thật!

Ê-li-hu không giảng về một lý luận của con người hay một thần học được hình thành từ các biến cố, sự kiện hay định kiến về Đức Chúa Trời là ai. Mà ông ngay thẳng giảng Lời tinh ròng của Đức Chúa Trời. Khi ông nói xong những lời nói của ông, chúng ta đọc thấy:

Sau đó, giữa cơn bão tố, CHÚA phán với Gióp: Con là ai mà dám nghi ngờ ý định ta, nói ra những lời thiếu hiểu biết? Hãy chuẩn bị khí phách nam nhi, Ta sẽ hỏi, và con sẽ đáp lời Ta. (Gióp 38:1 – 3).

Bản Diễn Ý ghi lại câu hỏi của Chúa thế này, “Kẻ này là ai mà dám dùng lời vô ý thức làm mờ ám kế hoạch Ta?” Đây chính xác là điều xảy ra khi chúng ta sàng lọc Lời Chúa qua các kinh nghiệm của chúng ta, các quan điểm của người khác, các loại thần học sai lạc, hay các quan điểm định kiến về Đức Chúa Trời là ai. Chúng ta làm lu mờ mưu luận của Ngài, làm cho những người mà chúng ta ảnh hưởng không thấy chân lí rõ ràng. Thật ra chúng ta che giấu lẽ thật, không cho những người muốn tìm kiếm để biết lẽ thật biết. Đây là lý do Chúa rất tức giận với Gióp và các bạn của ông – và ngày nay Ngài rất tức giận khi chúng ta trình bày sai các đường lối Ngài. Chúng ta ngăn không cho người ta biết lẽ thật!

Sau đó Chúa để bốn chương bày tỏ Lời Ngài cho Gióp.

Khi Ngài đi ngang qua, Gióp ăn năn nói:

“Con biết Chúa là Đấng Toàn Năng, ý định Ngài không ai cản trở được. Chúa hỏi con là ai, không hiểu biết gì, sao dám nghi ngờ ý định Chúa. Thật con đã nói những điều con không hiểu, những việc diệu kỳ quá, con không sao hiểu thấu. Chúa bảo con lắng nghe Chúa phán dạy và trình lên Chúa những điều Chúa hỏi con. Trước kia con chỉ nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, chính mắt con đã thấy Ngài. Vì vậy, con xấu hổ về mọi điều con nói và xin ăn năn giữa đống tro bụi.” (Gióp 42:2 – 6)

Để ý Gióp nói, “Trước kia con chỉ nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, chính mắt con đã thấy Ngài.” Có một lẽ thật quyền năng trong điều này. Kinh Thánh nói chúng ta được biến đổi từ vinh hiển sang vinh hiển khi chúng ta ngắm xem Ngài (xem 2 Cô-rinh-tô 3:18), chứ không phải khi chúng ta nghe về Ngài. Chúa Giê-su là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời. Nhìn thấy Ngài tức là biết Ngài, biết các đường lối Ngài.

Đây là điều mà lẽ thật sẽ được khải thị cho một con người. Chúng ta nghe Lời Chúa, nhưng không có sự thay đổi cho đến khi chúng ta được soi sáng. Khi sự hiểu biết Lời Chúa bước vào lòng chúng ta, thì chúng ta kêu lên, “Tôi hiểu rồi! Tôi hiểu rồi!” Lúc đó chúng ta được soi sáng và được biến đổi giống Chúa nhiều hơn.

Chính lẽ thật thuộc linh này thúc đẩy Phao-lô cầu nguyện, “Tôi… không ngớt cảm tạ Chúa vì anh chị em, hằng nhắc đến anh chị em mỗi khi cầu nguyện. Tôi cầu xin Đức Chúa Trời của Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta, chính Cha vinh quang ban cho anh chị em tâm linh khôn ngoan và được khải thị để nhận biết Ngài. sáng con mắt trong lòng anh chị em để hiểu thấu…” (Ê-phê-sô 1: 15 – 18). Bấy giờ ông Gióp được soi sáng không như trước đó, dù ông đã sống một cuộc đời rất tin kính trước khi gặp thảm kịch. Giờ ông biết Chúa ở bình diện cao hơn.

Một khi Chúa đi qua nói chuyện với Gióp, Ngài đề cập đến Ê-li-pha, bạn của Gióp, rằng, “Ta nổi giận ngươi và hai bạn của ngươi, vì các ngươi không nói sự thật về Ta…” (Gióp 42:7).

Chúa không xem nhẹ việc chúng ta trình bày về Ngài và các đường lối Ngài không đúng. Điều này làm che mờ mưu luận của Ngài và bóp méo công lý của Ngài. Vì lý do này, tôi thấy rất lạ khi nhiều người vội vàng công bố một thần học mà không được hỗ trợ bởi toàn bộ mưu luận của Kinh Thánh. Ôi! Thật đáng sợ! Làm sao chúng ta có thể biết lẽ thật nếu không sẵn sàng để lẽ thật dạy dỗ và sửa sai chúng ta?

Sau khi đọc xong sách Gióp, Chúa đã nói điều này với tôi, và nó trả lời nhiều thắc mắc của tôi. Ngài nói, “Con trai, con có để ý là Ta không xuất hiện trong lúc Gióp và bạn của ông ta nói sai về Ta không? Sự hiện diện của Ta đã không thể hiện cho đến khi có ai đó đứng lên và nói ra lẽ thật!”

Tôi kinh ngạc về những gì Chúa phán với lòng tôi, và tôi bắt đầu suy gẫm câu nói của Ngài. Sau đó tôi lại nghe Ngài phán, “Đây là lý do quá nhiều người, nhiều hội thánh hay hệ phái không kinh nghiệm sự hiện diện của Ta và quyền năng biến đổi của Ta. Họ không công bố Lời thuần túy của Ta mà chỉ công bố các lý luận và lời giải nghĩa đã được họ sàng lọc, không khác gì Gióp và các bạn của ông ta. Họ đang làm lu mờ mưu luận của Ta bằng những lời giảng dạy của họ mà không biết.”

Nếu chúng ta muốn biết thực tế về sự hiện diện và quyền năng của Chúa, chúng ta phải tìm kiếm để biết lẽ thật mà không bóp méo nó. Vì thế, khi chúng ta tiếp tục tra xem những gì Kinh Thánh bày tỏ về các sự phán xét của Chúa, đừng cho phép các định kiến về Chúa, thần học sai trật hay hoàn cảnh thay đổi hiểu biết của chúng ta về những gì Ngài đã nói rõ. Trái lại, hãy tìm kiếm Ngài trong Lời khải thị của Ngài để bạn được soi sáng về các đường lối Ngài.

Chạy Theo Lợi Lộc

Trước tiên hãy bàn về số phận của Sống Hai Mặt. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách trở lại những lời của Chúa Giê-su mà chúng ta đã bàn chương trước:

Vào ngày ấy, nhiều người sẽ nói với Ta rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng con đã nhân danh Ngài nói tiên tri, nhân danh Ngài trừ quỷ, nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ.’ Nhưng Ta sẽ phán cùng họ rằng: ‘Ta không biết các người, hỡi những kẻ gian ác, hãy lui ra khỏi Ta!’ ”(Ma- thi-ơ 7:22–23)

Bản Truyền Thống Hiệu Đính dịch câu trả lời của Chúa Giê-su thế này, “Hỡi những kẻ làm ác, hãy lui ra khỏi Ta, Ta chẳng hề biết các ngươi bao giờ!” Bản dịch này diễn tả sát nghĩa nguyên ngữ hơn. Chữ Hy-lạp để nói về kẻ vô luật lệ (anonia) có nghĩa hành động trái với luật lệ hay ý muốn của Chúa. Nói đơn giản, nó có nghĩa không đầu phục thẩm quyền của Đức Chúa Trời.

Chúa Giê-su cũng dẫn nhập ý niệm vô luật lệ (gian ác) chữ thực hành, (Bản Hiện Đại dịch kẻ làm việc ác), cho thấy đây không phải là người thỉnh thoảng vấp ngã hay em bé thuộc linh, đang tranh chiến để được tự do. Mà Ngài đang miêu tả một người sống trái ngược với những gì làm đẹp lòng Chúa và bỏ qua việc này, biện minh cho việc làm gian ác hoặc chỉ giả đò là việc này không quan trọng. Vì thế những lời của Chúa Giê-su áp dụng cho cả người bị lường gạt, như tên Bị Lừa Dối, hay tên bất trung, như Sống Hai Mặt.

Đám đông mà Chúa Giê-su giảng sẽ nghe những lời tuyên án vang vọng trong linh hồn họ suốt cả cõi đời đời tại khu vực của kẻ bị đoán phạt. Điều quan trọng là chúng ta đừng bỏ qua hay xem nhẹ lời cảnh báo này của Chúa Giê-su.

Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn nhóm thứ hai một chút, những người mà Chúa Giê-su nói đến trong những câu Kinh Thánh trên. Một phần trong số những người đó, những kẻ bị đuổi ra khỏi vương quốc sẽ là những người đã đuổi quỷ trong danh Giê-su.

Những người này là ai? Có thể nào họ là người nam, người nữ sử dụng danh Giê-su chỉ để đuổi quỷ mà không có bất cứ sự giao thông nào với Chúa Giê-su không? Để tìm câu trả lời, chúng ta phải xem Công Vụ.

Có mấy người Do Thái đi từ nơi này đến nơi khác trừ quỷ, cũng thử dùng Danh Chúa Giê- su để trừ tà linh. Họ bảo quỷ: “Ta trục xuất nhà ngươi nhân danh Đức Giê-su mà Phao-lô truyền giảng!” Đó là bảy con trai của Sê-va, một thượng tế Do Thái, đã làm như thế. Nhưng quỷ đáp: “Ta biết Đức Giê-su và cũng rõ Phao-lô, nhưng các ngươi là ai?” Người bị quỷ ám xông vào khống chế và áp đảo cả bọn đến nỗi họ phải bỏ nhà ấy chạy trốn,mình mẩy trần truồng và đầy thương tích. (Công Vụ 19:13 – 16)

Những kẻ đuổi quỷ này không thể đuổi được một con quỷ trong Danh Giê-su! Có một chân lí được thiết lập trong ký thuật này: Để đuổi quỷ, chỉ có Danh Giê-su thôi thì chưa đủ. Bạn phải có mối quan hệ với Đấng mang danh đó. Bạn phải là một người môn đồ thật của Đấng Christ, không giống những người mà chúng ta đã bàn trong chương trước.

Có thể bây giờ bạn suy nghĩ, Nhưng Chúa Giê-su nói Ngài chưa bao giờ biết họ. Làm sao họ có thể đuổi quỷ và làm các phép lạ trong Danh Ngài? Làm sao có chuyện đó được?

Đây là những người thật sự dâng mình cho Chúa Giê- su để được các phúc lành của sự cứu rỗi nhưng họ đã làm thế hoàn toàn bởi động cơ lợi lộc cá nhân. Họ không bao giờ biết tấm lòng của Chúa; họ chỉ muốn quyền năng và các phước hạnh của Ngài. Phao-lô cảnh báo đây là những người có “tâm trí bại hoại, không còn biết lẽ thật nữa. Họ lầm tưởng rằng tin theo Đạo là một phương tiện để trục lợi” (1Ti-mô-thê 6:5).

Những người này tìm kiếm Chúa Giê-su vì lợi lộc cá nhân, nên việc họ hầu việc Chúa được thúc đẩy bởi lợi lộc, chứ không phải được thúc đẩy bởi tình yêu thương. Chúa Giê-su sẽ không biết họ, vì chúng ta đọc, “Nhưng nếu ai yêu kính Đức Chúa Trời, Ngài biết người ấy” (1Cô-rinh-tô 8:3).

Người đó được Chúa biết. Chữ biết không có nghĩa chỉ biết về ai đó, vì Chúa biết mọi điều về mọi người. Ngài toàn tri! Nhưng chữ biết mang ý nghĩa thân mật. Bản Kinh Thánh the Amplified Bible diễn tả ý này: “Nhưng nếu ai yêu mến Chúa [ với cả lòng tôn kính và vâng lời, và với lòng biết ơn nhận biết phước lành của Ngài], người đó sẽ được Chúa biết [được nhìn nhận là xứng đáng với sự thân mật và tình yêu của Ngài, và người đó được Ngài sở hữu]”

Chúa Giê-su nói với đám đông đó vào ngày Phán Xét, “Ta chẳng hề biết các ngươi.” Nên những người không yêu mến Chúa (điều này là rõ ràng vì họ vâng lời Ngài, tríu mến Ngài và biết ơn Ngài) không được Chúa Cha hay Chúa Giê-su biết thân mật –dù họ có trông ngóng Ngài để được cứu rỗi. Yêu Chúa Giê-su có nghĩa phó mạng sống bạn vì Ngài. Bạn không còn sống cho bản thân nữa mà sống cho Ngài.

Giu-đa là một ví dụ. Ông có theo Chúa Giê-su. Qua việc ông hy sinh rất nhiều để đi theo Ngài, nên có vẻ là ông yêu mến Chúa. Giu-đa bỏ tất cả để tham gia vào đội chức vụ của Chúa Giê-su và đồng đi với Thầy. Ông đã ở lại với Chúa Giê-su trong lúc bị bắt bớ gắt gao, và ngay cả các môn đồ khác bỏ Ngài (xem Giăng 6:6). Ông đã không bỏ cuộc. Ông có đuổi quỷ, chữa lành người bệnh, và giảng tin lành (xem Luca 9:1).

Tuy nhiên, ý định của Giu-đa đã sai ngay từ đầu. Ông không hề ăn năn động cơ tư lợi của mình. Phẩm cách của ông được phơi bày bởi những câu nói như: “Các ông bằng lòng trả tôi bao nhiêu để tôi…” (Ma-thi-ơ 26:15). Ông nói dối và nịnh hót để có lợi thế (xem Ma-thi-ơ 26:25), lấy tiền qũy từ chức vụ của Chúa Giê-su để tiêu dùng cá nhân (xem Giăng 12: 4 – 6), và danh sách còn tiếp tục. Ông chưa bao giờ biết Chúa cách thân mật dù đã để ba năm rưỡi trong sự hiện diện của Ngài như là một môn đồ. Vì lí do này, nên Chúa Giê-su nói về ông, “Há chẳng phải Ta đã chọn các con là mười hai người sao? Thế mà một người trong các con lại là quỷ!” (Giăng 6:70-71).

Có những người giống như Giu-đa – hy sinh nhiều cho chức vụ – thậm chí giải cứu người ta ra khỏi sự áp chế của ma quỷ, chữa lành người bệnh, giảng Phúc âm, và tin cậy Chúa Giê-su để được cứu rỗi – nhưng chưa bao giờ biết Chúa Giê-su cách thân mật. Công việc của họ được thực hiện xuất phát từ động cơ trục lợi, không phải vì yêu Chúa. Điều này miêu tả đầy đủ nhân vật Sống Hai Mặt trong chuyện dụ ngôn của chúng ta. Ông ta đi theo Jalyn vì ông ta thích ảnh hưởng và quyền lực mà nó cho ông. Ngay từ ban đầu, động cơ của ông không được đâm rễ trong tình yêu thương dành cho Jalyn.

Sự đoán phạt nặng nề nhất sẽ dành cho những người như thế. Chúa GIê-su nói về Giu-đa, “Nhưng khốn nạn cho kẻ phản bội Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn.” (Ma-thi-ơ 26:24). Đối với các lãnh đạo tôn giáo hầu việc Chúa xuất phát từ động cơ trục lợi và lạm dụng người khác dưới danh nghĩa của Chúa, Ngài phán, “Vì thế các ngươi sẽ bị hình phạt nặng nề hơn” (Ma-thi-ơ 23:14). Những con người này, giống như Sống Hai Mặt, sẽ thấy mình ở nơi tối tăm nhất và thống khổ nhất ở địa ngục.

Từ Bỏ Sự Cứu Rỗi

Điều chúng ta vừa mới bàn đến miêu tả đây đủ Sống Hai Mặt trong chuyện dụ ngôn của chúng ta. Tuy nhiên, còn Ngã Lòng thì sao? Cô thật có một mối quan hệ với Jalyn

– còn yêu ngài nữa – nhưng đã không bền đỗ cho đến cuối cùng. Kinh Thánh cũng có bày tỏ về này không? Chúng ta hãy bắt đầu xem xét câu hỏi này bằng các lời của tiên tri Ê-xê-chi-ên:

Nhưng nếu người công chính từ bỏ sự công chính và làm điều ác, tức là cũng làm mọi điều ghê tởm mà kẻ gian ác đã làm, người sẽ sống chăng? Mọi điều công chính người đã làm sẽ không được ghi nhớ; người sẽ chết vì những điều bất trung và những tội lỗi người đã phạm. (Ê-xê-chi-ên 18:24)

Trước hết, Chúa đang nói đến người công bình, không phải nói đến người nghĩ mình là công bình nhưng chưa bao giờ là công bình. Không nghi ngờ gì vì người này không giống như những người bị lừa dối hay ngộ nhận mà chúng ta đã bàn ở chương trước.

Chúa nói Ngài sẽ không nhớ bất cứ sự công bình nào của người này. Khi Chúa quên điều gì đó, có nghĩa là nó như thể chưa hề có trước đây. Chúng ta nói về việc Chúa quên tội lỗi chúng ta, quăng xa nó như phương Đông xa cách phương Tây và chôn nó dưới biển sâu. Đây là những điều Ngài chắc chắn đã làm. Ngài nói, “Ta sẽ thương xót các sự bất chính của họ và không còn nhớ đến tội lỗi họ nữa.” (Hê-bơ-rơ 8:12). Chúa quên tội lỗi chúng ta khi chúng ta tiếp nhận Giê-su làm Chúa. Ma quỷ cố kiện cáo chúng ta, nhưng Chúa đã nói Ngài sẽ không nhớ tội lỗi chúng ta nữa. Vì thế trong tâm trí Ngài, như thể là chúng ta chưa bao giờ phạm tội.

Mà điều ngược lại cũng đúng nữa. Khi Chúa nói sự công bình của một người sẽ không được nhớ đến, Ngài có ý nói Ngài sẽ quên người mà Ngài đã từng biết trước đó. Mối quan hệ đó bị hủy bỏ.

Giờ chúng ta hãy xem xét kỹ hơn điều Kinh Thánh nói liên quan đến một tín hữu mãi mãi xa rời khỏi sự cứu rỗi. Sứ đồ Gia-cơ viết:

Thưa anh chị em của tôi, nếu có ai trong anh chị em lầm lạc xa cách chân lý và có người đưa kẻ ấy trở lại, thì xin anh chị em biết rằng người dìu dắt tội nhân trở lại khỏi đường lầm lạc, sẽ cứu linh hồn người ấy khỏi chết và che giấu rất nhiều tội lỗi. (Gia-cơ 5:19-20)

Điểm đầu tiên cần để ý được tìm thấy trong lời, “Thưa anh chị em của tôi, nếu có ai trong anh chị em…” Gia-cơ không nói đến những người nghĩ họ là Cơ Đốc nhân. Ông đang nói đến một tín hữu, lầm lạc khỏi chân lý. Trong đoạn này, một người anh em xa cách khỏi chân lý được gọi là một tội nhân. Điều này không có nghĩa anh ta không còn được tái sinh nữa; mà anh ta có thói quen phạm tội và cần quay trở lại vâng lời Chúa. Tuy nhiên, nếu anh ta cứ khăng khăng trong con đường lầm lạc của mình, thì Gia-cơ nói rõ cái kết sẽ là sự chết linh hồn –linh hồn hư mất – nếu không quay trở lại với Đức Chúa Trời (ăn năn). Châm Ngôn khẳng định điều này khi nói: “Người nào đi lạc khỏi con đường khôn ngoan sẽ an nghỉ trong hội người chết.” (Châm Ngôn 21:16).

Châm Ngôn khẳng định những lời của Gia-cơ bằng cách cho thấy nơi ở cuối cùng của người xa cách khỏi đường lối của Chúa mà không quay trở lại sự công bình thì họ sẽ ở trong hội của người chết, tức âm phủ – và cuối cùng là Hồ Lửa.

Sách Sự Sống

Sách Sự Sống được đề cập tám lần trong Tân Ước. Phao-lô và Giăng viết rằng tất cả những ai sẽ ở đời đời với Chúa Giê-su được ghi trong cuốn sách này. Tên của chúng ta được viết ngay lúc chúng ta được tái sinh.

Nhớ lại lời chứng của Efrosyni ở chương bốn. Khi cô thiếu nữ Hy-Lạp này dâng cuộc đời cho Chúa Giê-su, Đức Chúa Cha đã viết tên của cô trong Sách Sự Sống và nói với cô, “Chào mừng con đến với gia đình!” Tương tự, Phao- lô viết cho một tín hữu, “Vâng, tôi cũng xin anh, người đồng lao thật, hãy giúp đỡ hai bà ấy. Họ là người cùng tôi tranh đấu cho Phúc Âm cùng với Cơ-lê-măn và những người cộng sự khác của tôi mà tên tuổi đã được ghi vào sách sự sống rồi.” (Phi-líp 4:3).

Điều ngược lại cũng đúng. Tất cả những ai không được ghi vào Sách Sự Sống là hư mất. Hãy nghe điều sách Khải Huyền viết: “Ai không được ghi tên trong sách sự sống đều bị quăng xuống hồ lửa.” (Khải Huyền 20:15).

Giăng nhấn mạnh cho chúng ta biết duy chỉ những người được phép bước vào thành đời đời của Chúa là “những người đã được ghi tên vào sách sự sống của Chiên Con.” (Khải Huyền 21:17). Những người còn lại sẽ thấy mình ở trong hội của người chết.

Trong Khải Huyền đoạn 3, Chúa Giê-su nói với một hội thánh – không phải với một thành phố, một nhóm tội nhân hư mất, hay những người thờ tà thần, cũng không nói với một hội thánh “bình phong.” Ngài nói với những người thật sự thuộc về Ngài, và cảnh báo, “Người nào thắng sẽ được mặc áo tinh bạch như vậy. Ta sẽ chẳng bao giờ xóa tên người khỏi sách sự sống” (Khải Huyền 3:5). Bản Kinh Thánh The Amplified Bible ghi lại lời này như sau “Ta sẽ không xóa hay xóa sạch tên người đó khỏi Sách Sự Sống.”

Bạn có để ý chữ xóa không? Cách duy nhất để tên của bạn bị xóa khỏi Sách Sự Sống là ban đầu tên của bạn đã có trong sách sự sống. Chỉ những người thật sự được tái sinh qua đức tin nơi Chúa Giê-su mới được biên vào Sách Sự Sống. Những người không tin và thậm chí là người bị lừa dối – chưa bao giờ thật sự đi với Chúa Giê-su – không bao giờ được biên vào cuốn sách này, vì thế tên của họ không thể bị tẩy xóa. Ngài đang nói với những người “ở trong gia đình.”

Khải Tượng Cảm Động

Có một người của Đức Chúa Trời đã trung tín phục vụ Chúa trong chức vụ gần bảy mươi năm ở thế kỷ 20. Ảnh hưởng của ông trong thân thể Chúa là rất lớn, các sách của ông có số lượng hơn sáu mươi lăm triệu bản in và trường Kinh Thánh của ông có hơn 20.000 người tốt nghiệp.

Ông đã viết về chủ đề này trong một cuốn sách của ông. Ông ghi lại rằng năm 1952, Chúa Giê-su hiện đến với ông trong một khải tượng và cho ông thấy vợ của một mục sư, người mà ông quen biết. Bà ta đã tin lời nói dối rằng tài năng và vẻ đẹp của bà đã bị lãng phí khi hầu việc Chúa. Qua thời gian bà ta dung túng những ý tưởng về sự nổi tiếng, sự háo danh và sự giàu có bà ta có thể có ở thế gian. Cuối cùng bà đã nhượng bộ, bỏ chồng và đi tìm sự thành công mà bà ao ước.

Chúa đã nói cụ thể với vị tôi tớ Chúa này, “ Người đàn bà này từng là con của Ta,” và sau đó bảo ông đừng cầu nguyện cho bà ta. Phần dưới được trích trực tiếp từ sách của ông:

Tôi hỏi, “Chúa ơi, điều gì sẽ xảy ra với bà ta?”

Ngài đáp, “Bà ta sẽ ở đời đời tại nơi thuộc về kẻ bị đoán phạt, là nơi có khóc lóc và nghiến răng.” Và trong khải tượng này tôi đã thấy bà ta đi xuống đáy địa ngục. Tôi đã nghe các tiếng la hét kinh khiếp của bà.

“Chúa ơi, người đàn bà này từng là con của Ngài. Bà được đầy dẫy Thánh Linh và dự phần trong chức vụ.

Nhưng Ngài lại nói đừng cầu nguyện cho bà ta. Con không thể hiểu điều này!”

Chúa nhắc tôi về câu Kinh Thánh sau: “Nếu có ai thấy anh chị em mình phạm một tội không đưa đến sự chết, thì người ấy cầu nguyện và Đức Chúa Trời sẽ ban cho người sự sống. Tôi nói đến những người mà tội không đưa đến sự chết, cũng có tội đưa đến sự chết.Tôi không nói anh chị em phải cầu nguyện về tội đó” (1Giăng 5:16).

Tôi nói, “Nhưng Chúa ơi, trước giờ con luôn tin rằng tội lỗi được nói đến trong câu này là sự chết thể xác, và người đó sẽ được cứu dù người đó đã phạm tội.”

Nhưng Chúa chỉ ra, “Nhưng câu Kinh Thánh đó không nói về sự chết thể xác. Con thêm ý con vào lời đó. Nếu con đọc toàn bộ chương năm của 1 Giăng, con sẽ thấy nó nói về sự sống và cái chết – sự sống thuộc linh và sự chết thuộc linh – và đây là sự chết thuộc linh. Điều này nói đến một tín hữu, người có thể phạm một tội đến nỗi chết, vì thế Ta nói con đừng cầu nguyện cho tội lỗi đó. Ta đã bảo con đừng cầu nguyện cho người đàn bà này vì bà ta đã phạm một tội dẫn đến sự chết.”

Tôi hỏi, “Chúa ơi, điều này thật sự làm “sụp đổ” thần học của con. Ngài có giải thích thêm không ạ?” (Đôi khi thần học của chúng ta cần bị phá đổ nếu nó không phù hợp với Lời Chúa.)

Chúa Giê-su nhắc tôi về câu Kinh Thánh sau: Hê-bơ-rơ 6:4-6

Những người từng được soi sáng, từng nếm ân tứ thiên thượng, từng dự phần về Thánh Linh, từng kinh nghiệm lời tốt lành của Đức Chúa Trời cũng như các quyền năng của đời tương lai. Nếu họ sa ngã thì không thể nào phục hồi để ăn năn trở lại; họ đã tự mình đóng đinh Con Đức Chúa Trời một lần nữa và công khai sỉ nhục Ngài.

Có những phẩm chất nhất định cần để ý trong câu Kinh Thánh trên. Trước tiên, để sa ngã khỏi đức tin, một người phải được soi sáng và đã nếm biết tặng phẩm thiên thượng. Điều này áp dụng cho người đã tiếp nhận Chúa Giê-su, vì Ngài là tặng phẩm thiên thượng đó. Thứ hai, người đó phải được đầy dẫy Thánh Linh. Thứ ba, người đó phải nếm sự tốt lành của Lời Chúa và các quyền năng của thế giới hầu đến. Từ danh sách này ta có thể thấy điều này không bao gồm các Cơ Đốc nhân non trẻ, mà chỉ có các tín hữu trưởng thành mà thôi.

Trước đây có vài người đến với tôi khóc lóc, nói rằng có lúc họ đã nói với Chúa họ không muốn phục vụ Ngài nữa. Sau đó họ cảm thấy vô cùng hối hận và đã ăn năn. Họ kinh nghiệm một nỗi sợ lớn khi đọc phải đoạn Kinh Thánh này và một số phân đoạn khác như thế trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, các tin đồ non trẻ đôi khi làm những điều ngu xuẩn do thiếu hiểu biết, và Chúa biết điều đó. Trước giả sách Hê-bơ-rơ không nói về một em bé thuộc linh mà nói về một người trưởng thành thuộc linh.

Để tiếp tục giúp đỡ an ủi các linh hồn bị khuấy nhiễu này, tôi nói với họ là nếu họ đã phạm tội đến nỗi chết (như đã thấy trong phân đoạn trên), thì họ sẽ không có mong ước trở lại mối thông công với Chúa Giê-su. Sự thật khi họ đói khát Ngài và thật đã ăn năn, cặp theo đó là bông trái tin kính, có nghĩa Đức Thánh Linh đã kéo họ trở lại mối thông công. Sẽ không có ao ước thân mật với Chúa Giê-su hay sống thánh khiết nếu những người này xa cách Chúa mãi mãi, như người đàn bà trong khải tượng của mục sư kia.

Chúa Giê-su nói người đàn bà này từng là con cái thật của Chúa. Vị mục sư, người ghi lại lời chứng này đã được trưởng dưỡng trong một hệ phái mà nhiều người không tin một tin đồ có thể xa cách khỏi sự cứu rỗi; họ tin vào sự an ninh đời đời vô điều kiện. Đây là lý do ông nói, “Điều này thật sự làm “sụp đổ” thần học của tôi.” Là con cái Chúa, tên người đàn bà đó đã được biên vào Sách Sự Sống. Bà đã không bền đồ nhưng đã vĩnh viễn quay trở lại thế gian; vì thế tên của bà đã bị xóa, như Chúa cảnh báo hội thánh trong Khải Huyền 3. Bà đã đi xa cách mãi mãi. Bà không phải là một “kẻ chiến thắng.” Vì lí do này, trước giả Hê-bơ-rơ cho biết không thể phục hồi một người như thế. Giờ bà ta chết hai lần. Bà từng chết trong tội lỗi, sau đó thừa hưởng sự sống đời đời, nhưng lại chết trong tội lỗi vì đã xa cách Chúa vĩnh viễn (xem Giu-đe 12).

Khi một người rơi đến tình trạng này, họ không bao giờ có thể được tái sinh một lần nữa. Đây là lí do trước giả Hê-bơ-rơ nói “không thể…phục hồi để ăn năn trở lại.” Cho nên thật là sai lầm khi nghĩ rằng có thể có những trường hợp mà người ta được tái sinh lặp đi lặp lại.

Để tôi nói lại: nếu một người phạm tội này, họ sẽ không muốn ăn năn và sống hết mình cho Chúa Giê-su một lần nữa. Không ai có thể kéo chúng ta đến gần Chúa Giê-su ngoại trừ Thánh Linh. Khi Ngài rời khỏi một tín hữu thật do sự bội đạo của họ – như trong trường hợp của người đàn bà mà vị mục sư này mô tả – Ngài sẽ không trở lại. Vì lí do này, Đức Thánh Linh rất kiên nhẫn. Ngài sẽ không bỏ cuộc dễ dàng đâu.

Sự Tối Tăm U Ám

Sứ đồ Phi-e-rơ cung cấp thêm ánh sáng. Ông nói,

Họ thoát khỏi sự giác ác của thế gian nhờ nhận biết Chúa và Chúa Cứu Thế Giê-su… (2 Phi-e-rơ 2:20).

Trước tiên, ta hãy dừng lại và xem xét Phi-e-rơ nói đến ai. Nếu ai đó đã thoát khỏi sự ô nhiễm (sự gian ác) của thế gian qua sự nhận biết Chúa và Chúa Cứu Thế Giê-su, điều này rõ ràng là họ đã trở thành Cơ Đốc nhân. Họ sẽ không rơi vào hạng người ngộ nhận được nói đến ở chương trước, là những người xưng mình là biết Chúa nhưng thực tế thì không. Trái lại, những người này đã thật sự thoát khỏi sự hư hoại của thế gian qua ân sủng cứu chuộc của Chúa Giê-su. Không nghi ngờ gì, Phi-e-rơ đang nói đến những người đã thật sự được tái sinh.

Chúng ta đọc tiếp:

. . . rồi lại dính dấp vào đó và bị chinh phục, thì số phận sau cùng của họ còn xấu hơn lúc đầu bội phần. Thà họ không biết con đường công chính còn hơn là đã biết rồi lại quay lưng lìa bỏ điều răn thánh đã truyền cho họ. (2Phi-e-rơ 2: 20 – 21)

Phi-e-rơ đang nói đến các Cơ Đốc nhân đã lại phó mình để làm nô lệ cho tội lỗi. Thà họ chưa bao giờ biết thực tại của sự cứu rỗi qua Chúa Giê-su thì tốt hơn. Họ đã mãi mãi chọn những khoái lạc, tham dục và kiêu ngạo của đời này hơn là vâng lời để sống cuộc đời thánh khiết.

Tại sao sẽ tốt hơn nếu không bao giờ biết con đường công bính? Giu-đe trả lời điều này. Như Phi-e-rơ, Giu-đe nói về những người đi xa cách khỏi sự cứu rỗi của họ. Ông nói, “Khốn thay cho họ! Họ đã chọn theo con đường của Ca-in, vì lợi lộc, họ đã tự chuốc cho mình lỗi lầm của Ba-la- am, và phản loạn như Cô-rê, để bị hủy diệt.” (Giu-đe 11).

Cain, Balaam và Cô-rê từng có mối quan hệ với Chúa. Hai người trong số họ là người hầu việc Chúa. Lỗi của Cain là trắng trợn không vâng lời Chúa, lỗi của Balaam là mê tham tiền bạc và lỗi của Cô-rê là nổi loạn chống lại thẩm quyền được ủy thác.

Giu-đe nói tiếp:

Họ giống như những vết nhơ trong bữa tiệc thương yêu, cùng dự tiệc mà không biết sợ,chỉ biết lo cho chính mình; họ giống như những áng mây không nước bị gió cuốn trôi đi; họ giống như những cây không trái cuối thu, bị nhổ tận rễ, chết đến hai lần. Họ giống như những lượn sóng cuồng dưới biển, sủi bọt bỉ ổi của mình; giống như những vì sao lạc, sự tối tăm u ám đời đời đã được dành sẵn cho họ. (Giu-đe 12-13)

Trong hội thánh đầu tiên, tiệc yêu thương là bữa ăn tối, tại đó các thành viên tụ họp như một sự thể hiện mối quan hệ gần gũi của họ với Chúa và với nhau. Các yến tiệc yêu thương thường kết thúc bằng bí tích tiệc thánh. Ở đây ta học được một sự thật chắc chắn: không phải tất cả những người sa ngã khỏi sự cứu rỗi sẽ bỏ giáo hội, như người phụ nữ trong khải tượng của mục sư kia. Điều này khiến cho những người như thế trở nên rất nguy hiểm bởi cớ ảnh hưởng chết người của họ lên những tân tín hữu, những người có lương tâm yếu đuối và những người đã bị thương tổn.

Cô-rê là một ví dụ về hạng người này. Ông ta là một người phụ tá cho A-rôn, nhưng ông ta nói với Môi-se và A-rôn, “Các ông tht là quá quắt, toàn thể cộng đồng đều là thánh, và CHÚA đang ở với mỗi người trong cộng đồng. Vậy, tại sao hai ông đặt mình lên cao hơn hội chúng của CHÚA?” (Dân Số 16:3). Ảnh hưởng của Cô-rê đã khiến sự đoán phạt bằng sự chết xảy đến trên 250 lãnh đạo và 14,700 thành viên hội chúng.

Giu-đe cho chúng ta biết những kẻ bội đạo này, được nói đến như các vết nhơ, vẫn còn trong các hội chúng của chúng ta. Họ có một cảm giác an ninh giả tạo nơi ân sủng mà họ từng sống, nhưng họ đã bóp méo ân ấy bằng cách sống để phục vụ bản thân họ và mất sự kính sợ Chúa. Để ý là Cô-rê nói Chúa ở “với tất cả chúng ta.” Ông cũng sống trong cảm giác an ninh giả tạo, vì ngày hôm sau đất mở ra và nuốt sống ông ta vào hỏa ngục.

Hậu quả là những kẻ bội đạo này vẫn biết ngôn ngữ của Cơ Đốc nhân. Họ gần gũi với các tín hữu khác, nhưng bạn sẽ không tìm thấy họ giữa vòng những người chiến thắng mà Chúa Giê-su trở lại để tiếp rước. Ngài sẽ trở lại tiếp rước một hội thánh không tì vết (xem Ê-phê-sô 5:27).

Giu-đe chỉ ra rằng những người này chết hai lần. Làm sao bạn có thể chết hai lần? Có thể bạn từng chết một lần trong tội lỗi, sau đó nhận sự sống đời đời qua sự tái sinh, nhưng chết một cách đau thương một lần nữa do tội cố chấp và không ăn năn. Hãy nhớ, Gia-cơ nói nếu một Cơ Đốc nhân đi xa cách lẽ thật và cứ ở trong tình trạng đó, thì linh hồn anh ta sẽ chết. Và Giăng nói cho các tín hữu là có một tội dẫn đến cái chết. Cả hai đều nói đến một người chết hai lần.

Để ý Giu-đe nói, “Sự tối tăm u ám đời đời đã được dành sẵn cho họ.” Sự tối tăm u ám có nghĩa là hình phạt đời đời tệ hại nhất. Điều này được thấy rõ trong những lời của Chúa Giê-su về sự hiện đến của Ngài và sự phán xét. Ngài nói:

Phước cho những đầy tớ khi chủ về thấy họ đang thức canh! Thật,Ta bảo các con, chủ sẽ tự thắt lưng roi cho những đầy tớ ấy ngồi vào bàn tiệc và đến phục vụ họ. Nhưng nếu đầy tớ ấy thầm nghĩ: ‘Chủ ta trì hoãn chưa về,’ rồi đánh đập các tôi trai tớ gái, và ăn uống say sưa, chủ sẽ đến trong ngày nó không ngờ, vào giờ nó không hay, và xé xác nó, cho nó đồng số phận với bọn bất trung. Đầy tớ ấy đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng và không làm theo ý chủ sẽ bị phạt đòn nhiều. Còn đầy tớ không biết ý chủ mà phạm tội đáng phạtsẽ bị phạt đòn nhẹ hơn. Ai được cho nhiều sẽ bị đòi nhiều; còn ai được giao nhiều sẽ bị hỏi nhiều hơn.” (Luca 12:37,45-48).

Có rất nhiều bài học trong những câu này. Hãy để tôi chỉ ra một số điểm nhấn mạnh. Trước tiên, để ý đây là một đầy tớ, không phải người ngoại, người thế gian hay tội nhân. Anh ta biết ý chủ nhưng lại làm ngược lại. Điều này không liên hệ đến hành vi của Độc Lập, cậu ta rơi vào hạng người không biết và đã bị đánh vài roi. Nó cũng không thể áp dụng cho bị Lừa Dối. Bị Lừa Dối dù là một đầy tớ, nhưng theo Jalyn, cậu ta chưa bao giờ là một đầy tớ thật. Ở đây người mà Chúa Giê-su nói đến được gọi là một đầy tớ, anh ta hoàn toàn hiểu ý của chủ mình. Anh ta là người đi xa khỏi sự cứu rỗi của mình.

Lưu ý là người này đánh các đầy tớ khác của mình. Điều này nói về lối sống lợi dụng người khác vì lợi ích và khoái lạc cá nhân. Và chúng ta thấy anh ta sống cho ngày đó. Anh ta ăn uống và say xỉn. Anh ta sống để phục vụ bản thân. Nhớ lại Giu-đe nói rằng kẻ bội đạo ăn tiệc chung với các tín hữu khác mà không có sự kính sợ Chúa. Họ chỉ phục vụ bản thân mình. Tất cả quyết định của họ, dù có vẻ cao quý, đều vì lợi ích của riêng họ.

Cuối cùng, hãy để ý rằng riêng sự phán xét người đầy tớ này, chúng ta được bảo là anh ta được chỉ định hay được đưa tới nơi mà những người không tin (những người chưa bao giờ được cứu) ở. Người không tin chỉ nhận ít đòn roi, nhưng tên đầy tớ biết ý chủ và đi xa khỏi ý chủ thì bị đánh nhiều đòn – vì thế cho thấy anh ta sẽ nhận sự đoán phạt nặng nhất của Hồ Lửa, hay là sự tối tăm u ám mãi mãi!

Sự Không Tha Thứ Đắng Cay

Chắc chắn điều này áp dụng cho Ngã Lòng (cùng với Sống Hai Mặt). Ngã Lòng biết ý muốn của Jalyn là tha thứ, nhưng cô ta không chịu thứ tha. Cô ta chọn giữ sự vấp phạm với Vu Khống. Sự cay đắng của cô ta đã mở cửa khiến cô bị ô uế. Vì lí do này, chúng ta đọc về dân sự của Chúa, “Hãy thận trọng để trong anh chị em đừng có ai hụt mất ân sủng của Đức Chúa Trời; đừng để rễ cay đắng mọc ra gây rối và do đó làm ô uế nhiều người.” (Hê-bơ-rơ 12:15).

Cả trong việc tra cứu Kinh Thánh Tân Ước lẫn những năm tháng kinh nghiệm trong chức vụ, tôi học được rằng cái bẫy lớn nhất kéo người ta ra khỏi đời sống bước đi với Chúa là không tha thứ. Như chuyện này xảy ra với Ngã Lòng, sự không tha thứ đã mở cửa cho đủ loại niềm tin và hành vi sai trật khác.

Trong Ma-thi-ơ 18, Chúa Giê-su kể dụ ngôn về một vua lớn trong quá trình soát sổ. Một người đầy tớ nợ ông mười ngàn ta-lâng được đến trước mặt ông. Nào một ta- lâng không phải là một lượng tiền bạc mà là sự đo lường về trọng lượng. Nó được dùng để đo vàng (xem 2Sa-mu-ên 12:30), bạc (xem 1Các Vua 20:39), và các kim loại và hàng hóa khác. Trong dụ ngôn này, một ta-lâng tượng trưng cho lượng nợ, nên chúng ta có thể cho rằng Chúa Giê-su đang nói một đơn vị hoán đổi như vàng hay bạc. Ta hãy cho đó là vàng.

Một ta-lâng phổ thông tương đương khoảng 34kg. Đó là trọng lượng tối đa mà một người có thể khiêng đi (xem 2Các Vua 5:23). Mười ngàn ta-lâng sẽ xấp xỉ 375 tấn. Vậy là người đầy tớ này nợ vua 375 tấn vàng. Khi tôi viết cuốn sách này, giá vàng gần 1,200 đô-la một lượng. Vậy hãy tính đi. Mười ngàn ta-lâng vàng sẽ có giá gần mười bốn tỉ đô-la. Đó là số mà người đầy tớ này nợ vua! Điểm Chúa Giê-su nhấn mạnh ở đây là người đầy tớ nợ ngập đầu và anh ta không thể trả nỗi.

Vua ra lệnh đem bán anh ta và gia đình để trả nợ. Ông ta cúi rạp xuống chân vua và cầu xin sự thương xót, và vua đã ban cho. Ông đã xóa toàn bộ số nợ.

Chúng ta có thể thấy trong dụ ngôn này, vua đại diện Đức Chúa Cha. Người được tha thứ nợ đại diện cho người đã nhận sự tha thứ của Ngài qua Chúa Giê-su Christ. Khi không trả được thì anh mắc nợ. Bạn hay nghe người ta nói, “Anh ta sẽ trả giá cho chuyện này.” Sự tha thứ là sự xóa nợ. Người này, giống như chúng ta, được tha món nợ không thể trả.

Tuy nhiên, chúng ta đọc, “Người đầy tớ ấy đi ra thấy một người đầy tớ khác mắc nợ mình một trăm đồng đê- na-ri,liền bắt lấy, nắm cổ đòi: ‘Hãy trả nợ đây!’” (Ma-thi-ơ 18:28).

Một đê-na-ri là tiền lương của một ngày. Giả sử nó tương đương 100 đô-la tiền ngày nay. Tổng nợ sẽ xấp xỉ 10.000 đô-la. Nên đây không phải là một sự vấp phạm nhỏ.

Chúng ta tiếp tục đọc, “Người đầy tớ kia quỳ xuống năn nỉ: ‘Xin anh hoãn lại cho tôi,tôi sẽ trả hết.’Nhưng người đầy tớ ấy không chịu, bắt anh đầy tớ kia bỏ tù cho đến khi trả hết nợ.” (Ma-thi-ơ 18:29-30). Người đàn ông này đã được tha món nợ mười bốn tỉ đô-la. Một người đầy tớ nợ ông ta 10.000 đô-la, nhưng ông ta không xí xóa nợ. Ông ta nhất quyết bắt người kia trả.

Điều quan trọng cần để ý là những sự vấp phạm chúng ta giữ nghịch lại người khác, khi so sánh với sự vấp phạm ban đầu của chúng ta nghịch với Đức Chúa Trời, có thể được ví sánh với khoản nợ 10.000 đô-la so với 14 tỉ đô-la. Dù người khác đối xử với bạn tệ thế nào nhưng việc làm sai của họ không thể sánh so với tội lỗi chúng ta phạm với Chúa. Có thể bạn cảm thấy không ai bị tổn thương tệ hai như bạn. Bạn không nhận ra Chúa Giê-su đã bị đối xử thậm tệ thế nào. Ngài là Chiên Con vô tội, không tì vết, đã bị giết và gánh món nợ «mười bốn tỉ đô-la» của chúng ta.

Một người mà không thể tha thứ đã quên mất mình đã được thứ tha một món nợ lớn như thế nào! Khi bạn hiểu sự chết và sự thống khổ đời đời mà Chúa Giê-su đã giải cứu bạn thoát khỏi, bạn sẽ thứ tha cho người khác không chút điều kiện. Không có gì khốn khổ hơn là ở đời đời trong Hồ Lửa. Không có sự yên nghỉ. Sâu bọ không hề chết, và lửa không hề tắt. Trước đây nơi đó là chỗ chúng ta sẽ đến cho tới khi Chúa tha thứ chúng ta qua sự chết của Con Ngài là Giê-su Christ! Nếu một người không thể tha thứ, họ không nhận thức về thực tại của địa ngục. Họ chưa hiểu tình yêu và sự tha thứ của Chúa.

Chúng ta tiếp tục với dụ ngôn trên:

Thấy thế, những đầy tớ khác rất buồn, họ đi báo cáo lại với vua mọi sự. Vua gọi người đầy tớ ấy vào và phán: ‘Này đứa đầy tớ độc ác, vì ngươi van xin, nên Ta đã tha hết nợ cho ngươi, tại sao ngươi không thương xót đồng bạn như ta đã thương xót ngươi?’ (Ma-thi-ơ 18:31-33).

Tôi muốn nhấn mạnh là Chúa Giê-su không nói đến những người không tin trong dụ ngôn này. Ngài đang nói về các đầy tớ của vua, các tín hữu được tái sinh. Người này đã nhận sự tha thứ món nợ lớn của mình (sự cứu rỗi) và được gọi là đầy tớ của chủ. Người mà ông ta không thể tha thứ là một đầy tớ. Nên ta có thể kết luận đây là kết cục cuối cùng của một “tín hữu” đã vĩnh viễn không chịu tha thứ người khác.

Tôi tìm thấy một sự thật tuyệt vời ở đây. Khi họ nghe tất cả các dụ ngôn khác trong các sách Phúc Âm, người ta sẽ phải đặt câu hỏi để được giải thích ý nghĩa. Tuy nhiên, Chúa Giê-su giải nghĩa dụ ngôn này mà không cần ai hỏi. Tôi tin việc này là vì điều Ngài truyền thông vượt ra ngoài tiêu chuẩn đến nỗi Ngài phải đảm bảo người ta hiểu. Đây là sự giải nghĩa:

Chủ nổi giận, giao người ấy cho kẻ tra tấn, cho đến khi trả hết nợ. “Cha Thầy trên trời cũng đối xử với các con như thế, nếu các con không hết lòng tha thứ anh em mình!” (Ma-thi-ơ 18: 34-35).

Có ba điểm chính tôi muốn nhấn mạnh trong hai câu này. Đầu tiên, người đầy tớ không tha thứ được giao nộp cho kẻ tra tấn. Thứ hai, giờ ông ta phải trả hết số nợ 375 tấn vàng lúc đầu. Và thứ ba, đây là điều Đức Chúa Cha, sẽ làm với người nào không tha thứ sự vấp phạm của anh em mình.

Ta hãy bàn ngắn gọn từng điểm một. Trước tiên, chữ tra tấn có nghĩa hành động gây đau đớn cùng cực lên tâm trí hay thân thể và làm cho biến dạng. Người tra tấn là người dùng cực hình tra tấn.

Một tín hữu không chịu tha thứ sẽ bị hình phạt bởi các tà linh. Những kẻ tra tấn này được phép gây ra đau đớn và thống khổ cho tâm trí và thân thể theo ý chúng. Trong các buổi nhóm tôi thường cầu nguyện cho những người không thể nhận sự chữa lành, sự an ủi hay sự giải cứu vì họ không phóng thích người khác và tha thứ từ tấm lòng. Sự cay đắng này gần như luôn dẫn đến sự giận dữ và vấp phạm đối với Chúa. Đức tin của người đó bị ô uế, và nếu không có sự ăn năn và tha thứ, kết cuộc của họ là chết mất.

Điểm thứ hai là người đầy tớ không tha thứ giờ phải trả món nợ gốc, không thể trả. Ông ta được yêu cầu phải làm điều không thể! Đây là món nợ Chúa Giê-su đã trả tại Gô-gô-tha. Có thể bạn run sợ khi nghe điều này, nhưng hãy nghe lời của Chúa Giê-su trong một ký thuật khác: “Khi đang đứng cầu nguyện, nếu có điều gì bất bình với ai, các con hãy tha thứ, để Cha các con trên trời cũng tha thứ lỗi lầm cho các con.” (Mác 11:25).

Để ý người mà Chúa Giê-su đang nói đến ở đây. Hãy nhìn các lời của Ngài, “Cha các con trên trời.” Đức Chúa Trời không làm Cha của tội nhân. Ngài là Đức Chúa Trời đối với tội nhân và Cha đối với tín hữu. Cũng vậy, tội nhân mà cầu nguyện là chuyện không bình thường. Nên rõ ràng Chúa Giê-su đang nói đến con cái Chúa.

Chúng ta tiếp tục. Chúa Giê-su nói, “Nếu các con không tha lỗi cho người khác, thì Cha các con ở trên trời cũng không tha thứ những lỗi lầm cho các con.” (Mác 11:26). Điều này là quá rõ ràng. Và ý này dẫn chúng ta tới điểm thứ ba: nếu một người không chịu tha thứ, họ sẽ chịu sự thống khổ cho đến khi họ trả món nợ không thể trả. Điều này là không thể xảy ra, vì không ai có thể trả giá chuộc cho chính linh hồn mình (xem Thi Thiên 49:7). Chúa Giê- su nói nếu bạn không tha thứ, thì Cha sẽ không tha thứ các tội lỗi của bạn. Có đáng phải như thế không?

Chúng ta không nói về ai đó đang giải quyết một sự vấp phạm và cầu nguyện để tha thứ. Chúng ta đang nói đến một người như Ngã Lòng, cương quyết không chịu tha thứ. Để ý trong câu chuyện dụ ngôn là sự không tha thứ của cô ta đã mở cửa cho các hành vi gian ác khác, và cô dần trôi dạc khỏi sự tận hiến với Jalyn. Sự vấp phạm của cô có đáng để có cái kết cuộc chết mất không? Một lần nữa, đây là lí do trước giả Hê-bơ-rơ nhấn mạnh cho chúng ta biết hãy cẩn thận tra xét mình và loại bỏ mọi hình thức của sự cay đắng, vì nhiều người đã bị nó làm cho ô uế.

Giờ chúng ta có thể hiểu những lời của Chúa Giê-su liên quan đến những ngày sau cùng của hội thánh. Ngài nói, “Lúc đó nhiều người sẽ sa ngã, phản bội và thù ghét nhau. Nhiều tiên tri giả sẽ nổi lên và lừa gạt nhiều người… Vì sự gian ác sẽ gia tăng nên tình yêu thương của nhiều người cũng phai nhạt dần. Nhưng ai kiên trì chịu đựng cho đến cùng sẽ được cứu rỗi.” (Ma-thi-ơ 24:10,12-13).

Để ý câu này không nói một ít hay thậm chí một số mà nóinhiều người sẽ bị vấp phạm trong thời đại chúng ta đang sống. Chữ nhiều có nghĩa là rất nhiều, rất lớn hay số lượng lớn. Vấp phạm hay không tha thứ, sẽ dẫn tới tình trạng vô luật pháp và tình yêu của nhiều người sẽ trở nên nguội lạnh.

Chữ Hy-Lạp được dịch tình yêu ở đây là agape, miêu tả tình yêu của Đức Chúa Trời được tuôn đổ trong lòng một Cơ Đốc nhân lúc họ được cứu. Chúa Giê-su không nói về những kẻ ngộ nhận, vì họ chưa bao giờ thật sự nhận lấy tình yêu của Chúa. Không, Ngài đang nói với các tín hữu, hãy để ý vì Ngài nói, “Nhưng ai kiên trì chịu đựng cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu.” Bạn không nói với một tội nhân hay kẻ giả hình, “Nếu bạn chịu đựng cho đến cuối cùng, thì bạn sẽ được cứu.” Họ chưa được cứu mà!

Lìa Bỏ Đức Tin

Kinh Thánh cảnh báo chúng ta về sự bội đạo sẽ xuất hiện giữa vòng các tín hữu thời của chúng ta. Phao-lô nói, “Đừng để ai lừa dối anh chị em bằng bất cứ cách nào. Vì sự bội đạo phải đến trước và người đại ác, hiện thân của sự hủy diệtxuất hiện.” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3). Một lần nữa ông báo trước, “Đức Thánh Linh phán rõ ràng: Vào thời đại cuối cùng, sẽ có một số người chối bỏ đức tin, chú tâm vào các thần lừa dối và đạo lý của ác quỷ.” (1Ti-mô-thê 4:1).

Tại sao? “Vì sẽ đến thời kỳ người ta không chịu nhận giáo lý chân chính, nhưng chiều theo dục vọng mà quy tụ nhiều giáo sư quanh mình để dạy những điều êm tai. Họ ngoảnh tai đi không chịu nghe chân lý nhưng lại hướng về chuyện hoang đường.” (2Ti-mô-thê 4: 3-4).

Để ý trong câu Kinh Thánh trên, Phao-lô nói người ta, “chối bỏ đức tin.” Đức tin mà ông nói không phải là một đức tin tưởng tượng. Đó là đức tin thật nơi Chúa Giê-su Christ. Để những người này chối bỏ đức tin, thì họ cần phải thật sự ở trong đức tin đó tại một thời điểm nào đó trong quá khứ.

Tôi đã chia sẻ các lẽ thật từ hầu hết các trước giả Tân Ước liên quan đến sự lìa bỏ đức tin thật của tín hữu. Giờ hãy để tôi chia sẻ một số tác phẩm của các tổ phụ nổi tiếng trong hội thánh đầu tiên, một số người trong họ là bạn của các sứ đồ, người đã viết Tân Ước. Tôi thấy các tác phẩm của họ liên quan trực tiếp đến những lời chúng ta đã thấy trong Kinh Thánh:

Chúng ta hãy làm điều công bình để chúng ta được cứu lúc cuối cùng.

– Clement of Rome.

Ngay cả trong trường hợp của một người đã làm các việc lành vĩ đại nhất trong đời mình, nhưng lúc cuối cùng lại cắm đầu làm điều ác, tất cả những công lao trước đó của người đó là vô ích. Lúc kết cuộc, người đó đã từ bỏ phần của mình.

– Clement of Alexandria.

Một số người nghĩ Đức Chúa Trời thấy cần thiết phải ban điều Ngài đã hứa (ban) thậm chí trên cả người không xứng đáng. Thế nên họ biến sự tự do của Ngài thành sự nô lệ của Ngài… Vì chẳng phải nhiều người sau đó trật khỏi ân sủng sao? Chẳng phải tặng phẩm này đã bị lấy lại khỏi nhiều người sao?

– Tertullian.

Một người có thể có được sự công bình, nhưng người đó cũng có thể sa ngã khỏi đó.

– Origen.

Những ai không vâng lời Ngài, bị Ngài tước đi quyền nhận cơ nghiệp, sẽ không còn là con của Ngài nữa.

– Irenaeus.

Sau khi nghe lập trường của tôi về những lẽ thật này từ Kinh Thánh, một số người đã nói không đúng với tôi, “John, anh là một người theo trường phái Arminius.” Đây là thuật ngữ mà từ điển miêu tả như sau: “thuộc về hoặc liên quan đến thần học của Jacobus Arminius và những người theo ông, là những người khước từ giáo lý của Calvin về thuyết tiền định và lựa chọn, ông tin ý chí tự do của con người tương thích với sự tể trị của Đức Chúa Trời.”

Đối với những người này, tôi chỉ nói đơn giản, “Không, tôi không phải người theo thuyết Calvin lẫn Arminian. Tôi là một Cơ Đốc nhân tin vào Kinh Thánh là Lời vô ngộ của Đức Chúa Trời.”

Jacobus Arminius sống sau rất lâu các trước giả Kinh Thánh và thậm chí là sau các lãnh đạo hội thánh đầu tiên đã được trích ở trên. Vậy bạn có thể gọi các trước giả này theo thuyết Arminian không? Rõ ràng là không, vì họ sống và viết trước khi Arminius sinh ra. Điều tôi đang viết không phải là một ý kiến, một khái niệm hay niềm tin cá nhân mà chỉ chuyển tải rõ ràng lẽ thật của Tân Ước. Và Chúa đã nói sứ điệp cảnh báo của Ngài rất rõ ràng cho những ai trong chúng ta là người tin. Chúng ta phải cẩn thận để không bị ngụp lặn trong các trường phái tư tưởng mà phải mở ra với mạch văn Kinh Thánh như là Lời được Đức Thánh Linh thần cảm, vì:

Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời thần cảm, có ích cho việc dạy dỗ chân lý, bác bỏ điều sai trái, sửa chữa lỗi lầm, đào luyện con người sống công chính, hầu cho người của Đức Chúa Trời được trang bị đầy đủ… (2Ti-mô-thê 3:16-17).

Thật lí thú khi để ý rằng các lãnh đạo giả mạo, người Chúa Giê-su cảnh báo và quở trách nghiêm khắc, chính là những người cứ tập trung xoay quanh các trường phái tư tưởng và dạy dỗ tương tự. Tuy nhiên, nếu bạn xem những gì Kinh Thánh nói về Giăng Báp-tít, Chúa Giê-su và những người khác là người nói lẽ thật, thì Kinh Thánh tường thuật lặp đi lặp lại rằng họ “dạy dỗ…đầy quyền uy chứ không như các chuyên gia kinh luật của họ” (Ma-thi-ơ 7:29). Vì lí do này, Phao-lô hướng dẫn Tít, “Đó là những điều con phải dạy dỗ, khích lệ và khiển trách với tất cả uy quyền; đừng để một ai khinh dể con” (Tít 2:15). Và ông viết cho Ti-mô-thê, “Ta khuyên con phải ở lại thành Ê- phê-sô, để răn bảo một số người kia đừng dạy giáo lý sai lạc.” (1Ti-mô-thê 1:3). Phao-lô cũng khuyên Ti-mô-thê:

Hãy kiên trì rao giảng lời Chúa, dù gặp thời hay không, khi thì nài khuyên thuyết phục, khi thì khiển trách, khích lệ; hãy dạy dỗ với tất cả lòng nhịn nhục và quảng đại. (2Ti-mô-thê 4:2).

Trong Ê-phê-sô 6, Phao-lô nhờ cầu thay để “tôi mạnh dạn công bố đúng như tôi phải nói” (câu 20). Bạn có thể thấy đây là một đặc điểm giữa vòng tất cả các phát ngôn viên thật của Chúa. Thẩm quyền của họ ở trong Lời Chúa. Họ sẽ không xoay quanh cảm giác cá nhân, các trường phái tư tưởng hay sự đồng thuận của số đông. Số đông đôi khi là sai trật. Chúng ta phải biết rằng Chúa nói sao thì ý Ngài như vậy và ý sao thì Ngài nói như vậy.

Giữ Mình Khỏi Vấp Ngã

Một số người bị lay động bởi sứ điệp nói về về việc trật khỏi ân sủng này, là điều quá rõ ràng trong Kinh Thánh. Họ đến với tôi trong tình trạng hoảng hốt, nói rằng, “Tôi nghĩ chúng ta có sự an ninh đời đời.”

Tôi đáp lại, “Hoàn toàn đúng! Chúng ta có sự an ninh đời đời! Chúa Giê-su nói Ngài sẽ không để mất bất cứ người nào Cha ban cho Ngài (xem Giăng 18:9) vì Ngài sẽ không bao giờ lìa hay bỏ chúng ta. Nhưng Ngài không nói chúng ta không thể bỏ Ngài.” Người ta thường thể hiện vẻ lo lắng khi nghe điều này. Nên tôi nói, “Nếu bạn thật sự yêu Chúa Giê-su Christ, tại sao bạn lại thoát ra? Bạn sẽ không chối bỏ Ngài nếu bạn thật sự yêu Ngài!”

Nếu bạn yêu Chúa, bạn sẽ không gặp khó khăn khi giữ các điều răn của Ngài! Nếu sự phục vụ Chúa là một nghĩa vụ, bạn đã bước vào mối quan hệ luật pháp, và sẽ rất khó giữ các điều răn Ngài. Chúng ta không nên phục vụ Chúa để được sử ủng hộ của Ngài;chúng ta nên phục vụ Chúa vì chúng ta yêu mến Ngài!

Giu-đe tiếp tục nói cho chúng ta cách để giữ tình yêu của chúng ta được tươi mới dẫu có những ảnh hưởng xấu trong hội thánh. Ông nói, “Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Mong đợi lòng thương xót của Chúa Cứu Thế Giê-su chúng ta cho được sự sống vĩnh phúc” (Giu-đe 21). Chúng ta phải ngửa trông nơi Chúa mỗi phút giây trong đời. Chúng ta phải khao khát Ngài và tìm kiếm Ngài liên tục, để Ngài bày tỏ chính Ngài cách lớn lao hơn, vì “ai có hy vọng này nơi Ngài thì phải sống trong sạch, cũng như Ngài vốn là Đấng thanh sạch.” (1 Giăng 3:3). Giăng nói cụ thể về sự mặc khải về Chúa Giê-su Christ.

Khi bạn tìm kiếm Ngài và thông công với Thánh Linh, bạn sẽ không bao giờ muốn ra khỏi. Cho nên chẳng có gì để phải bị lay động. Một trong các lời hứa ưa thích của tôi trong Kinh Thánh ở phần kết luận của sách Giu-đe. Đối với những ai giữ mình trong tình yêu thương với Chúa bằng cách tìm kiếm sự mặc khải về Chúa Giê-su, Giu-đe nói:

Nguyện xin Đấng có quyền gìn giữ anh chị em khỏi vấp ngã, trình anh chị em một cách hân hoan và không có gì đáng trách trước sự hiện diện vinh quang của Ngài; là Đức Chúa Trời duy nhất, Đấng cứu rỗi chúng ta qua Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta. Nguyện xin vinh quang,oai nghiêm, năng lực và uy quyền đều thuộc về Ngài từ trước mọi thời gian, hiện tại và cho đến đời đời. A-men. (Giu-đe 24-25)

Đây là lời cầu nguyện khẩn thiết và là ước ao của tôi dành cho bạn!