Chương 11: CĂN NHÀ CỦA CHÚA

Hướng Về Cõi Đời Đời

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Chương 11: Căn Nhà Của Chúa

Anh chị em được xây dựng nối kết với nhau thành ngôi nhà của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh.

– Ê-phê-sô 2:22

Chúng ta sẽ chia sự phán xét tín hữu thành hai loại chính. Trước tiên, sự tham gia của chúng ta trong việc xây dựng vương quốc Chúa theo sự kêu gọi và ân tứ của chúng ta. Thứ hai, cách chúng ta xây dựng đời sống của những cá nhân khác – chắc chắn bao gồm đời sống của chúng ta. Liên quan đến việc xây dựng người khác, sự tập chú là ảnh hưởng của chúng ta trên họ; trong việc xây dựng đời sống chúng ta thì đó là cách chúng ta hợp tác với ân sủng của Chúa trong việc kiện toàn phẩm cách giống Chúa Giê-su. Việc này chắc chắn là kết quả của cách chúng ta đáp ứng với Lời Chúa và của những gì chúng ta tin và sự vâng Lời Ngài. Những hành động, việc làm, lời nói, suy nghĩ, và động cơ trong mọi trường hợp sẽ được xem xét hết.

Trước tiên chúng ta sẽ xem sự phán xét về vai trò của chúng ta trong việc xây dựng vương quốc Chúa, sau đó, chúng ta sẽ bàn đời sống cá nhân của mình.

“Con Có Thể Làm Gì Cho Ta?”

Khả năng của chúng ta để xây dựng vương quốc hoàn toàn dựa trên sự vâng lời của chúng ta với Thánh Linh vì chúng ta không thể làm điều gì có giá trị đời đời nếu không bởi ân sủng của Chúa Giê-su Christ. Chúng ta được dạy, “Nếu CHÚA không xây cất nhà, thì người ta có lao khổ để xây cất cũng vô ích. Nếu CHÚA không giữ thành, thì người lính canh có thức canh cũng vô ích” (Thi Thiên 127:1). Câu này chỉ rõ rằng chúng ta có thể xây dựng mà không có Thánh Linh Chúa, nhưng theo ánh sáng đời đời thì công lao đó không có giá trị. Nó sẽ bị thiêu đốt tại Ngai Phán Xét. Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu điều này.

Chúa nói với nhóm người bận rộn phục vụ Ngài trong Cựu Ước:

CHÚA phán như vầy: “Trời là ngôi Ta, đất là bệ chân Ta. Các ngươi sẽ xây một ngôi nhà cho Ta ở đâu? Nơi nào sẽ là chỗ Ta nghỉ ngơi? Tay Ta đã làm ra tất cả những vật này, vì thế chúng đều hiện hữu.” CHÚA tuyên bố như vậy. Đây là kẻ Ta xem trọng: Người nhu mì, tâm thần hối cải và run sợ vì lời Ta phán.» (Ê-sai 66: 1-2)

Nói đơn giản, Chúa nói, “Ta là Đức Chúa Trời, các ngươi có thật sự nhận biết Ta là ai không? Vậy sao các ngươi nghĩ mình có thể làm cho ta?” Ý tưởng cho rằng chúng ta có thể tạo ra một điều gì đó mà Chúa cần đến có thể được sánh với một đoàn kiến nói với loài người, “Chúng tôi sẽ xây nhà cho các anh.” Thật là ngớ ngẩn! Bởi sức riêng chúng ta không thể làm gì để phục vụ và làm hài lòng Đức Chúa Trời oai nghi, sâu nhiệm và tuyệt vời. Thật sự Ngài không cần chúng ta.

Ngược lại, Chúa nhận ra người nào làm đẹp lòng và làm lợi cho Ngài: những người khiêm nhường, ăn năn, kính sợ và vâng lời Chúa. Họ là người Chúa cho đặc ân xây dựng nhà Ngài. Làm cách nào để họ đem lại lợi ích cho Đức Chúa Trời tuyệt vời như thế? “Chẳng phải bởi quyền thế, cũng chẳng phải bởi năng lực, Nhưng bởi Thần Ta, CHÚA Vạn Quân phán” (Xachari 4:6). Chính con người hợp tác trong việc vâng lời Thánh Linh mới đem lại kết quả. Chỉ khi đó công việc của người làm công mới không vô ích.

Người Cùng Làm Việc

Đây là sự thật kinh ngạc: Như Chúa là Đấng oai nghi và tuyệt vời thế nào thì Ngài bởi sự chọn lựa của Ngài tự giới hạn chính Ngài trong những gì Ngài làm trên đất bằng cách ban cho con người thẩm quyền trên hành tinh này ngay từ lúc ban đầu. Kết quả là Đức Chúa Trời tự giới hạn chính Ngài.

Điều này có thể làm bạn sốc, nhưng có nhiều ví dụ xuyên suốt Kinh Thánh. Dòng dõi của Áp-ra-ham “giới hạn Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên” (Thi Thiên 78:41). Và Chúa Giê-su nói với các lãnh đạo thuộc linh thời đó: “Vì giữ các tục lệ cổ truyền, các ông đã làm cho đạo của Đức Chúa Trời trở thành vô hiệu. Các ông còn làm nhiều điều tương tự khác nữa” (Mác 7:13). Chúng ta có trách nhiệm hợp tác với Chúa để hoàn thành mục tiêu mong muốn của Ngài, tức là có một dân được biến đổi theo ảnh tượng của Chúa Giê-su, là những người Ngài có thể ở trong họ đời đời. Vì lí do này, chúng ta được gọi là những người cùng làm việc:

Vì chúng tôi là người cùng làm việc với Đức Chúa Trời, anh chị em là đồng ruộng của Đức Chúa Trời, là nhà của Đức Chúa Trời. (1Cô- rinh-tô 3:9)

Gần như mỗi lần bạn nghe những câu Kinh Thánh Tân ước nói về công việc mang tính đời đời, bạn sẽ thấy nó được so sánh với công việc đồng án hay xây nhà. Tại sao là đồng ruộng? Bởi vì quả đất là cánh đồng mà sự tăng trưởng của vương quốc Chúa hiện sẽ xảy ra. Cả thiên đàng cổ vũ khi chứng kiến các thánh đồ xây dựng vương quốc trên đất. Tại sao lại là một tòa nhà? Bởi vì Chúa đang tìm kiếm một nơi cư ngụ đời đời, và chúng ta là những hòn đá sống hợp thành nơi ở của Ngài.

Phi-e-rơ viết, “Anh chị em cũng được xem như những tảng đá sống được dùng để xây dựng nhà thiêng liêng” (1Phi-e-rơ 2:5). Phao-lô viết, “Chúng ta là nhà của Ngài… cả tòa nhà đều được kết liên trong Chúa Cứu Thế” (Ê-phê- sô 2:20-21). Nên xét về cốt lõi, lí do chúng ta tồn tại trên đất là để xây dựng đền thờ vinh hiển của Chúa, dù đó là đem người ta tin Chúa hay dạy dỗ, phục vụ hay giúp đỡ người khác hay làm nhiều điều tương tự. Mỗi chúng ta đều có vai trò như một tảng đá sống, tinh sạch và như một thợ xây, một người làm cho những tảng đá sống ăn khớp và liên kết với nhau thành một ngôi nhà vinh hiển cho Chúa. Điều này minh họa cho các trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm của vương quốc mà tất cả chúng ta sẽ khai trình.

Ngôi Nhà Kiểu Mẫu

Nếu tôi là một thợ xây nhà kiểu mẫu, tôi sẽ thiết kế và lên kế hoạch xây dựng một căn nhà trước khi bất cứ làm bất kì công việc nào khác. Các bản vẽ sẽ được chuẩn bị để chi tiết hóa cách lắp ráp nhà và các vật liệu cần thiết. Nhưng không phải thế là xong. Mỗi thợ xây nhà biết một trong những phần quan trọng nhất trong công việc của mình là lên lịch cho các nhà thầu phụ vào các thời điểm thích hợp. Đây là những người thiết kế sàn nhà, người làm bê-tông, thợ ống nước, người lợp ngói, thợ điện – danh sách còn dài. Họ là những người thật sự làm việc cất nhà. Nếu không lên lịch phù hợp cho họ, thì sự lộn xộn là không tránh khỏi. Ví dụ như thế này, sếp thời gian cho nhà thầu sheetrock trước khi đường điện và vật liệu cách điện được lắp đặt.

Nếu một nhà thầu làm quá tệ hoặc trễ thời gian được chỉ định, thì chủ thầu sẽ gọi người khác, có thể làm được việc đó. Công nhân mới được chỉ định sẽ phải thông báo ngắn gọn kế hoạch làm việc và có thể sẽ gỡ bỏ phần việc kém chất lượng của nhà thầu trước. Dù một nhà thầu phụ có thể lỡ công việc mình được chỉ định nhưng chủ thầu sẽ đảm bảo công việc được hoàn tất.

Tôi cũng đã quan sát thấy khi thợ xây xây nhà riêng mình, thì họ rất cụ thể trong việc tìm các nhà thầu phụ. Họ đảm bảo họ có các vật liệu tốt nhất và mọi thứ khác mà họ đòi hỏi để làm xong công việc đúng yêu cầu. Họ sẽ giám sát kỹ công việc. Đức Chúa Trời là Thợ Xây Nhà Mẫu, xây chính căn nhà của Ngài, nhưng nhà của Ngài là một thành phố được kết tinh từ những con người.

Thường thì trên đất, những căn nhà đặc biệt đều có tên. Ví dụ, nhà của nữ hoàng Anh có tên là Cung Điện Kuckingham. Tại Mỹ, nhà của tổng thống được gọi là Nhà Trắng. Những tên gọi khác có lẽ bạn không quen thuộc. Nhà của nữ diễn viên Phyllis Calvert có tên Hill House. Nhà của đạo diễn/diễn viên Charles Ivan Vance có tên Oak Lodge. Nhà của nhà tiểu thuyết Charles Dyer được gọi là Old Wob. Danh sách vẫn còn. Tuy nhiên, Chúa đã bắt đầu làm điều này rất lâu trước khi chúng ta làm. Ngài gọi nhà đời đời của mình, nhà vẫn đang được xây dựng, là Si-ôn. Chúng ta đọc:

Vì CHÚA đã chọn Si-ôn, Ngài muốn tại đó là nơi Ngài ngự. Đây là nơi nghỉ ngơi của Ta đời đời; Ta sẽ ngự nơi đây vì Ta muốn như thế. (Thi Thiên 132:13-14).

Nếu bạn có đặc ân thiết kế căn nhà mơ ước của mình, bạn biết sự phấn khích và mong đợi của việc nhà được xây xong. Bạn muốn nghỉ ngơi tại đó, vì đó sẽ là nơi bạn thấy vui mừng và bình an.

Lisa và tôi có đặc ân xây dựng căn nhà theo yêu cầu vào những năm 1990. Đang khi sống lại Orlando, Florida, thì một thợ xây đạt giải thưởng xây nhà mẫu có tên Robert yêu mến chức vụ của chúng tôi, ông đến và tuyên bố, “Tôi muốn xây cho anh chị một căn nhà.” Lúc đó chúng tôi đang sống trong một căn nhà rất nhỏ và cho rằng giá của ông quá cao. Khi chúng tôi nghe kỹ, ông thốt ra, “Tôi sẽ xây và lấy giá bèo thôi.” Đúng thế, ông không lấy một xu nào cả khi xây căn nhà của chúng tôi.

Trước việc này chúng tôi đã sở hữu hai căn hộ. Chúng đều là nhà quy hoạch nhỏ, có nghĩa chúng tôi không thiết kế chúng. Tôi sẽ không bao giờ quên lúc Robert tới căn nhà quy hoạch của chúng tôi vài ngày sau cuộc nói chuyện đầu tiên, ngồi xuống với chúng tôi tại bàn nhà bếp, trải một tờ giấy trắng và hứng khởi nói, “Vẽ nhà mơ ước của anh chị đi.!”

Chúng tôi ngạc nhiên. Lúc đó chúng tôi không biết có thể làm việc đó. Vợ tôi lập tức làm việc và bắt đầu vẽ. Cô đã mơ ước cơ hội này trong nhiều năm. Cuối cùng tôi cũng tham gia vào vẽ. Chúng tôi thật là sung xướng và sự phấn khởi của chúng tôi càng gia tăng khi phát hiện là mình có thể thiết kế nhà bất cứ kiểu nào mình muốn. Không có giới hạn nào cả.

Sau đó chúng tôi xem căn nhà mơ ước của mình, được vẽ nguệch ngọac trên trang giấy trắng đó, rồi đến kiến trúc sư và nhà thiết kế. Vài ngày sau Bob cho chúng thấy các bản thiết kế. Chúng tôi nóng lòng chờ công việc xây dựng được bắt đầu.

Khi các nhà thầu của Robert đào móng và bắt đầu xây dựng, chúng tôi đến nơi xây dựng mỗi ngày – đôi khi một ngày tới hai lần – trong toàn bộ quá trình xây dựng. Chúng tôi rất háo hức. Chúng tôi không thể đợi đến lúc xây thêm một phần khác của căn nhà. Dường như vài tháng ít ỏi đó đã kéo dài vài năm vậy, và thời gian trôi qua nhanh vì chúng tôi mong đợi mỗi khi một phần khác của căn nhà được xây thêm và mong ước ngày nào đó chúng tôi sẽ dời vào ở. Chúng tôi kinh ngạc khi chứng kiến giấc mơ mà chúng tôi đã vẽ lên trang giấy trắng đã hiện hữu ngay trước mắt chúng tôi!

Dù không giống lắm, nhưng cảm xúc và mong đợi của Chúa về căn nhà mơ ước của Ngài cũng như vậy, Ngài đã chờ đợi nhiều hơn là vài tháng. Ngài đã luôn mong đợi việc xây xong ngôi nhà từ buổi sáng thế. Chúng ta được dạy, “Vì CHÚA sẽ xây dựng lại thành Si-ôn.” (Thi Thiên 102: 16) và, «Từ Si-ôn tốt đẹp, tuyệt mỹ, Đức Chúa Trời đã chiếu sáng ra.” (Thi Thiên 50:2).

Chúa đã và đang xây nhà của Ngài vài ngàn năm rồi. Ngài đã sắp đặt kế hoạch trước khi con người được đặt trên đất. Trong sự toàn tri Ngài đã biết là con người sẽ sa ngã, dù đó không phải là ý định hay công việc của Ngài. Nên xuất phát từ sự biết trước của Ngài, Chúa đã lên kế hoạch xây dựng Si-ôn từ chinh những con người mà Ngài cứu chuộc.

Chúa phải bắt đầu với phần móng và đá góc nhà, mà không ai khác hơn là Chúa Giê-su, chính Ngài là Đấng Cứu Chuộc. Cha nói về Ngài, “Này, Ta đặt tại Si-ôn một tảng đá, Tảng đá thử nghiệm, là đá góc nhà quí báu, một nền móng vững chắc…” (Ê-sai 28:16). Vì Cha đã thiết kế và lên kế hoạch cho ngôi nhà của Ngài từ trước buổi sáng thế, nên Chúa Giê-su được gọi “Chiên Con là Đấng đã bị giết từ khi sáng tạo vũ trụ” (Khải Huyền 13:8). Và Phi-e-rơ nói, “Ngài đã được định trước khi sáng thế” (1Phi-e-rơ 1:20).

Chúa Giê-su không chỉ là nền tảng và đá góc nhà, nhưng Ngài cũng là chủ thầu. Chúa Giê-su không bỏ công việc của Ngài; Ngài đã hoàn tất nó thật trọn vẹn. Trong sự cầu nguyện, Ngài đã nói những lời này với Cha trước khi chịu đóng đinh: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, đã hoàn tất công việc Cha giao cho Con làm.” (Giăng 17:4).

Đức Chúa Cha bắt đầu thiết kế toàn bộ căn nhà của Ngài bằng cách lên lịch cho Chúa Giê-su vào thời điểm viên mãn (xem Galati 4:4). Sau đó Ngài lên lịch cho các nhà thầu phụ còn lại. Các nhà thầu phụ này là bạn và tôi. Tuy nhiên, như đã nói, chúng ta không chỉ là các nhà thầu phụ mà cũng hãy là vật liệu trong nhà của Ngài. Vì Phao- lô nói, “Trước khi sáng tạo vũ trụ, Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta trong Chúa Cứu Thế để chúng ta trở nên thánh hóa không có gì đáng trách trước mặt Ngài.” (Ê-phê-sô 1:4). Điều này nói về việc chúng ta là vật liệu trong nhà của Ngài; chúng ta là những hòn đá sống.

Chúa cũng chọn chúng ta làm các thầu phụ, vì chúng ta đọc, “Vì chúng ta là tác phẩm của Đức Chúa Trời, được tạo nên trong Chúa Cứu Thế Giê-su để làm những việc thiện lành, là việc Đức Chúa Trời đã chuẩn bị trước cho chúng ta để theo đó mà tiến hành” (Ê-phê-sô 2:10). Để ý Ngài đã chuẩn bị trước các công việc sẽ giao cho chúng ta. Không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói các công việc của chúng ta đã được ban cho từ buổi sáng thế – dù điều đó hoàn toàn có thể. Chúng ta biết “công việc ca Ngài đã hoàn tất từ khi sáng tạo vũ trụ.” (Hê-bơ-rơ 4:3). Tuy nhiên, liên quan đến các công việc cá nhân của chúng ta với tư cách các thầu phụ thì điều duy nhất chúng ta thấy được ghi lại là công việc đã được ban trước khi chúng ta được có mặt trên đời này. Đa-vít nói, “Mắt Chúa thấy thể chất vô hình của tôi; Tất cả các ngày định cho tôi đã được ghi vào sổ của Chúa trước khi chưa có một ngày nào trong số các ngày ấy” (Thi Thiên 139:16).

Công việc của cuộc đời chúng ta đã được tiền định trước khi chúng ta được tạo thành trong lòng mẹ. Lẽ thật này được ghi lại trong Lời của Chúa gửi cho Giê-rê-mi. Ngài phán, “Trước khi con lọt lòng mẹ, Ta đã biệt riêng con, Ta đã lập con làm tiên tri cho các dân tộc.” Giê-rê-mi 1:5 Sứ đồ Phao-lô cũng viết, “Nhưng khi Đức Chúa Trời là Đấng đã chọn tôi từ trong lòng mẹ và bởi ân sủng kêu gọi tôi…” (Galati 1:15-16). Những lời chứng này chỉ xác chứng lời của Đa-vít, rằng tất cả chúng ta đã được biệt riêng để làm công việc cụ thể cho Chúa trước khi chúng ta được sinh ra.

Nên đây là lẽ thật tuyệt vời: Chúa đã viết một cuốn sách về bạn trước khi bạn sinh ra, trong đó mỗi giây phút cuộc đời bạn đã được sắp đặt trước khi một ngày trôi qua! Câu hỏi là, liệu chúng ta có hoàn thành những gì đã được lên kế hoạch cho chúng ta không? Sa-lô-môn nói:

Tôi nhận thấy mọi sự Đức Chúa Trời làm tồn tại mãi mãi, loài người không thêm bớt được gì cả. Đức Chúa Trời làm như vậy để loài người kính sợ Ngài. Điều hiện có, đã có rồi; Điều sẽ có, đã có từ ngàn xưa. Đức Chúa Trời cho tái diễn những điều gì đã qua.” (Truyền Đạo 3:14-15).

Có rất nhiều bài học trong những câu Kinh Thánh này. Trước tiên, Đức Chúa Trời có một kế hoạch. Không gì có thể ngăn kế hoạch đó được hoàn thành, và loài người không thể thêm thắt gì vào kế hoạch đó. Tuy nhiên, Sa-lô- môn nói tiếp rằng những điều hiện đang được hoàn thành đã ở trong đầu của Chúa rồi. Những gì sẽ được hoàn thành trong tương lai cũng đã ở trong kế hoạch của Chúa trước. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khai trình về những gì chúng ta đã làm! Chúng ta có bước đi theo những gì Chúa đã định cho chúng ta hoàn thành không? Chúng ta có làm hỏng hay bỏ mất hoàn toàn công việc của mình không? Có phải Ngài phải chỉ định một người khác làm những gì chúng ta được kêu gọi để làm trong kế hoạch tổng thể không?

Tại điểm này, tôi cần nêu ra một câu nói quan trọng. Mỗi người có một sự kêu gọi thiên thượng trên đời sống của mình. Mỗi chúng ta là một phần quan trọng của kế hoạch tổng thể trong nhà Chúa. Nên thật tốt để chúng ta biết lẽ thật này:

Liên quan đến sự kêu gọi của bạn, bạn sẽ không bị phán xét theo những gì bạn đã làm mà theo những gì bạn được kêu gọi để làm.

Để tôi cho bạn một ví dụ. Tại Ngai Phán Xét, Chúa Giê- su có thể nói như thế này, “Nhà truyền giảng Anderson, hãy bước lên và giải trình về tất cả linh hồn Ta kêu gọi con ảnh hưởng cho Ta.”

Người đàn ông đó có thể đến trước mặt Chúa Giê-su, khá bối rối và run rẩy, nói rằng, “Chúa ơi, ý Ngài là kế toán Anderson phải không ạ? Con là kế toán cho công ty của mình. Đây là nghề của con. Thật vậy, con đã xây nhiều nhà thờ và các tổ chức phi lợi nhuận. Những chức vụ này đã ảnh hưởng nhiều linh hồn cho vương quốc Ngài. Ngài có nhầm lẫn con với ai khác không ạ?”

Chủ có thể đáp, “Không, Ta đã kêu gọi con trước khi con sinh ra để ảnh hưởng và chinh phục nhiều người tại Châu Á cho Ta. Hãy giải trình xem giờ họ ở đâu. Nếu con vâng lời Ta, con đã được ban thưởng lớn vì tất cả bông trái con thu hoạch cho vương quốc Ta. Giờ kết quả của con thế này, các công việc của con sẽ bị thiêu đốt, vì con không vâng lời Ta để làm việc đó.”

Rồi chúng ta có thể thấy trong cảnh này. Chúa Giê-su có thể nói, “Kế toán Jones, hãy bước lên và giải trình về điều ta kêu gọi con làm.”

Người đó bước lên, cũng bối rối và run rẩy, anh ta nói, “Thưa Ngài, ý Ngài là mục sư Jones phải không ạ? Con là mục sư của một hội thánh có chín trăm thành viên. Con đã xây dựng hội thánh đó từ con số không.”

Chủ trả lời, “Không, Ta kêu gọi con để làm việc tại thương trường với nghề kế toán và xây dựng một công ty mạnh để giúp nhiều hội thánh của Ta và các chức vụ hoàn thành hiệu quả điều Ta đã định cho chọ hoàn thành. Nếu con sốt sắng tìm kiếm Ta, Ta đã tỏ cho con điều này rồi. Rồi thì tất cả các chức vụ nào mà được ảnh hưởng đến đời đời sẽ được tính sổ cho con rồi; và con sẽ được ban thưởng về mỗi một linh hồn này. Nhưng bây giờ con sẽ chẳng nhận được gì cho những việc con làm, vì Ta không bảo con làm vậy.»

“Ta cũng định cho con làm người xếp ghế trong nhà thờ nơi mà con sẽ mở hội thánh của con. Dù tổng thành viên của hội thánh này chỉ hơn năm trăm, nhưng các thành viên của họ đã ảnh hưởng nhiều đời sống trong cộng đồng. Nếu con vâng lời thì tất cả hai mươi nghìn linh hồn họ đụng chạm đời đời cũng sẽ được tính trực tiếp cho con vì con đã là một phần quan trọng của thân thể này mà Ta đã kêu gọi con tham gia vào. Vì con đã không ở đó, nên sẽ chẳng nhận phần thưởng gì cả vì hai mươi nghìn linh hồn này.”

Hãy cho phép tôi đưa ra một ví dụ có thật. Chức vụ của chúng tôi có một thành viên trong ban điều hành, anh là một người bạn thân và là mục sư của một hội thánh tăng trưởng tại đông nam nước Mỹ. Anh đã mở hội thánh năm 1991 với 22 người, và giờ đang đẩy lên bốn nghìn người. Đó là một trong những hội thánh rất dễ để giảng dạy vì tín đồ rất đói khát. Nhiều người đã được cứu và môn đồ hóa trong hội thánh này.

Hội thánh tăng trưởng nhanh chóng qua nhiều sự cầu nguyện, sự rao giảng mạnh mẽ, làm việc siêng năng và họ đã xây dựng một tòa nhà rất đẹp để có chỗ cho số đông người. Sau vài năm, bạn tôi quan sát thấy một quý ông nổi tiếng, tóc bạc, luôn ăn mặc chỉnh tề, tham dự các buổi nhóm. Anh cũng thấy người đàn ông này ngồi và theo dõi hết buổi nhóm này tới buổi nhóm khác với những giọt nước mắt lăn dài trên mặt. Vị mục sư này cảm nhận đây không phải là những giọt nước mắt vui mừng.

Cuối cùng, quý ông kia tới gặp một mục sư phụ tá và chia sẻ rằng năm 1991, Chúa đã nói rõ với ông rằng ông phải mở một hội thánh tại thành phố đó. Vài ngày sau ông nằm mơ thấy tòa nhà mà hội thánh ông làm mục sư sẽ nhóm lại. Giấc mơ rất sống động đến nỗi ông nhờ một chuyên gia để vẽ phác họa tòa nhà mà ông thấy. Ông nói là sau đó ông gặp một vài sự chống đối và rút lui không mở hội thánh. Một thời gian sau, ông đi lại và hầu việc Chúa trong các thành phố khác một thời gian ngắn và cuối cùng trở lại lĩnh vực kinh doanh.

Sau đó ông mở ra một tờ giấy được gấp lại cẩn thận và nói với phụ tá đó là phác họa của kiến trúc sư về tòa nhà ông đã vẽ vào năm 1981. Khi phụ tá nhìn vào bản vẽ, anh ấy gần như bị sốc. Đó là tòa nhà bạn của tôi đã xây dựng nhiều năm sau, và giờ họ đang nhóm trong đó. Từ đó bạn tôi đã an ủi người đàn ông này, nhưng ông đã chia sẻ về sự khó khăn của mình mà ông phải vượt qua. (Tất nhiên Chúa không định cho ông sống trong sự định tội nhưng để ông học hỏi, tăng trưởng và tìm xem ông có thể phục vụ Chúa hiệu quả thế nào trong cuộc đời còn lại.)

Cách đây vài năm tôi đang giảng về chủ đề này trong một hội nghị lớn. Sau buổi nhóm một mục sư, run rẩy và rất phật ý, lại gần một thành viên trong đội chúng tôi. Lãnh đạo này nói, “Ông ấy nghiêm túc về điều đã nói tối nay phải không?”

Thành viên đội của tôi trả lời, “Tất nhiên ông ấy nói sao thì ý ông vậy. Đó là Lời Chúa. Sao vậy, có chuyện gì thế ông?”

Vị mục sư này, hơn năm mươi tuổi, trả lời, “Khi còn trẻ, tôi có một giấc mơ sống động về việc sống và hầu việc Chúa cho người dân Phi-líp-pin. Giấc mơ rất thật nên tôi tin một ngày nào đó sẽ phải chuyển đến đó. Tuy nhien, nó không bao giờ xảy ra, và giờ tôi đã làm mục sư hội thánh của mình hơn 30 năm.”

Một thành viên trong đội chúng tôi nhẹ nhàng đáp, “Vậy ông sẽ làm gì về chuyện đó?”

Ông không thốt ra lời và bỏ đi.

Một năm sau thành viên đội chúng tôi nghe tin từ vị cựu mục sư này. Ông này đã giao hội thánh lại cho một phụ tá và giờ ông sống tại Phi-líp-pin, ông thích việc đó. Vị cựu mục sư này kể lại, “Lần đầu tien trong đời tôi cảm thấy mình đang làm chính xác điều mình được tạo dựng để làm.”

Cho phép tôi chia sẻ một câu chuyện khác xác chứng lẽ thật này. Cách đây không lâu, một người bạn của tôi đã sắp xếp một buổi ăn tối để tôi gặp một người lính Hải Quân SEAL. Để bảo vệ danh tính của mình – vì lúc viết cuốn sách này, anh vẫn đang phục vụ – tôi sẽ đặt cho anh một tên giả tưởng là Paul. Tôi đã bị lôi cuốn khi nghe lời chứng của anh trong hai giờ.

Trở lại lúc Paul sắp vượt ngưỡng tuổi thiếu niên và bước vào tuổi hai mươi, cậu đã hoàn thành hai năm học cao đẳng Kinh Thánh và đang thực tập trong ban thanh niên của một hội thánh. Sau mùa hè thực tập thứ hai, Paul bị cáo buộc quan hệ tình dục với một cô gái trong hội thánh. Paul nói, “Anh John, tôi không có ngủ với cô ta. Thật ra, thậm chí tôi còn không thấy cô ta hấp dẫn gì cả! Tuy nhiên, người lãnh đạo không chỉ tin lời báo cáo mà họ còn kéo dài việc đó và tôi đã mất mọi thứ. Họ đã cướp uy tín của tôi. Danh tiếng của tôi bị nhơ nhuốc và tôi bị buộc phải đi khỏi.”

Sau đó Paul nói, “Tôi đã tìm kiếm Chúa như chưa hề có trước đây. Một ngày nọ trong sự cầu nguyện tôi nghe Chúa nói rõ ràng, ‘Ta không kêu gọi con vào chức vụ. Ta gọi con vào quân đội.’”

Paul tới các văn phòng tuyển dụng của quân đội, thủy quân lục chiến và không quân và không có bằng cớ gì là cậu được tuyển. Chỉ còn lại là Hải quân.

Khi Paul nộp đơn vào Hải quân, nhân viên tuyển dụng xem qua danh sách những công việc mà cậu có thể căn cứ để nhập ngũ. Paul rất thất vọng vì không có công việc nào cảm động trong lòng cậu phù hợp với sự hướng dẫn của Chúa. Vì rất muốn được tuyển dụng vào vị trí mới này nên vị sĩ quan đề nghị một số chương trình đặc biệt trong Hải quân. Khi anh này nói từ SEAL, người bạn của tôi nói anh biết đúng là công việc anh muốn. Thế là cậu ký hợp đồng.

Sĩ quan tuyển dụng cố làm nản lòng Paul vì rất ít người vượt qua được chương trình huấn luyện của SEAL. Thật ra, Paul đã được thông báo là không có người nào từ văn phòng đó vượt qua được và SEAL được coi là khóa huấn luyện quân sự khó khăn nhất trên thế giới! Tuy nhiên, Paul ngập tràn vui mừng, với cảm giác đi bước đầu tiên vào hành trình Chúa đã định liệu. Cậu nằng nặc đòi mình phải được nhập ngũ để làm việc này.

Tuy nhiên, có một vài nan đề lớn. Trước tiên, Paul không biết bơi. Anh phải cầu nguyện và cuối cùng tự học bơi. Thứ hai, để làm cho vấn đề thêm lí thú, lúc còn nhỏ anh đã phải đặt ống vào lỗ tai nhiều lần và đã có nhiều ca phẫu thuật để thông ống tai. Vì chuyện này nên, dù là một thanh niên, nếu có một lượng nước nhỏ vào tai anh sẽ bị đau đớn, và thường theo sau đó là nhiễm trùng tai nặng. Nhưng anh thật sự tin là nếu anh có thể đạt được điều gì đó bởi sức riêng thì đó không phải điều Chúa kêu gọi anh làm.

Paul tự học bơi và cầu nguyện sốt sắng để hai lỗ tai được lành. Mỗi ngày huấn luyện dưới nước đều đau đớn, nhưng anh sẽ không bỏ cuộc. Một ngày kia, sau khoảng bốn tháng kiên trì vượt qua nỗi đau hàng ngày, Paul không chỉ biết bơi mà anh còn có thể lặn sâu mà hoàn toàn không đau đớn! Anh được chữa lành và sẵn sàng tham gia vào hành trình đến với đội SEAL.

Paul đã trải qua sự khó khăn cùng cực và sức cản trong việc vượt qua chương trình, nhưng cuối cùng đã hoàn thành và được giới thiệu vào đội SEAL, là những người đã được trui rèn cho chiến tranh. Anh đã ở trong SEAL hơn mười bốn năm và những câu chuyện của anh về sự can thiệp thiên thượng trong các nhiệm vụ rất kỳ diệu đến nỗi nó khiến tôi nổi da gà.

Tôi biết buổi chiều hôm đó mình đang ngồi với một con người vĩ đại của Chúa, nhưng anh không được kêu gọi để đứng phía sau bục giảng. Anh được kêu gọi để giúp đỡ những người trong quân đội và phục vụ đất nước trong khả năng đó. Ngày nay, Paul không chỉ là lính SEAL mà còn là một huấn luyện viên Hải quân SEAL. Anh để Chúa chỉnh sửa đường lối của mình để anh có thể bước vào công việc tốt lành mà Chúa đã lên kế hoạch cho anh.

Tôi đã nghe nhiều gương về những người, không giống Paul, đã bỏ lỡ định mệnh của mình. Tôi cũng đã thấy nhiều gương về việc đó. Trong hơn hai mươi năm đi lại giảng cho các hội thánh khắp thế giới, tôi thấy các mục sư quản nhiệm khi gặp tôi biết ngay trong lòng rằng họ được kêu gọi làm mục sư phụ tá, những thương gia khi gặp tôi biết đáng lí phải ở trong chức vụ trọn thời gian, và thậm chí các mục sư mà sự kêu gọi của họ tôi biết là phải ở thương trường. Tôi đã thấy những người trong công ty hay thương trường ở không đúng chỗ; họ làm việc cho người khác vì sợ nếu họ tự làm thì sẽ thất bại. Tôi cũng thấy có những người không trung tín với người khác chỉ vì họ muốn tự làm chủ.

Tôi thấy nhiều người lập gia đình ngoài ý muốn Chúa; sự kêu gọi của họ đã bị cản trở. Có người thì bị ảnh hưởng hay vấn vương với những người đã ngăn trở sự kêu gọi của họ. Tôi thấy những người bị mắc bẫy trong những trò giải trí, thể thao, mê tiền bạc hay quyền lực, hay những thứ khác nữa. Ví dụ thì vô kể, nhưng dù tình huống thế nào đi nữa, những thứ này ngăn trở tín hữu không hoàn thành vai trò của họ trong kế hoạch tổng thể liên quan đến việc xây dựng nhà Chúa.

Đây là những suy nghĩ nghiêm túc, nhưng tin mừng là không ai trong chúng ta phải đi ra khỏi còn đường Chúa đã đặt trước mặt chúng ta. Chúa là tác giả câu chuyện của chúng ta, và Ngài hoàn toàn có thể dẫn dắt chúng ta để làm cho nó ứng nghiệm. Vấn đề bây giờ là, làm cách nào để tôi biết tôi được kêu gọi để làm gì khi làm nhà thầu phụ? Chúng ta sẽ bàn câu hỏi quan trọng này ở chương sau. Chúng ta cũng se đưa ra một số ánh sáng về cách nào để quay trở lại nếu chúng ta lạc lối.