CHƯƠNG 4: NƠI Ở ĐỜI ĐỜI CỦA KẺ CHẾT

Hướng Về Cõi Đời Đời

Đăng vào: 5 tháng trước

.

CHƯƠNG 4: NƠI Ở ĐỜI ĐỜI CỦA KẺ CHẾT

Các môn đệ hỏi Ngài ngụ ngôn ấy có nghĩa gì. Ngài đáp: “Đức Chúa Trời cho các con hiểu biết huyền nhiệm của Nước Đức Chúa Trời, còn những người khác phải dùng ngụ ngôn để họ nhìn mà không thấy, nghe mà chẳng hiểu.”

Lu-ca 8:9-10

Trong bốn chương sau, chúng ta đi vào chi tiết câu chuyện ngụ ngôn của chúng ta và tập trung vào các lẽ thật cụ thể được bày tỏ qua sự phán xét các nhân vật như Độc Lập, Bị Lừa Dối, Ngã Lòng và Sống Hai Mặt. Sau đó chúng ta sẽ kết thúc chuyện ngụ ngôn bằng cách nói về Ích Kỷ và Yêu Thương, và trong phần còn lại của cuốn sách chúng ta sẽ tập trung vào các lẽ thật được bày tỏ qua đời sống của họ. Phần hay nhất của sách này sẽ tập trung vào phần thưởng đời đời của những người đi theo Chúa Cứu Thế Giê-su.

Lẽ Thật Nền Tảng

Trong ngụ ngôn của chúng ta, Jalyn tượng trưng Chúa Giê- su Christ, Vua Cha tượng trưng cho Đức Chúa Trời toàn năng là Cha. Dagon là satan, cuộc sống tại Endel tượng trưng cho sự sống của con người ở trên đất, và Affabel phản chiếu thành phố thiên đàng của Đức Chúa Trời. Xứ Cô Đơn bị bỏ tượng trưng Hồ Lửa, nơi mỗi cá nhân không tin ân sủng cứu chuộc của Chúa Giê-su Christ sẽ sống đời đời. Những nhân vật được nói đến trong chương trước tượng trưng cho những cảnh khác nhau về những người sẽ bị đoán phạt đời đời; Lời Chúa nói rõ điều này.

Vâng, bạn đã hiểu chính xác đó là họ bị đoán phạt đời đời. Khi chuẩn bị viết sứ điệp này, tôi đã tranh chiến không biết làm sao để đem độc giả đến chỗ có thể liên hệ đến những gì mà Kinh Thánh nói là “những sự phán xét đời đời.” Hãy đọc kỹ phần sau:

Vì thế, chúng ta hãy từ bỏ bài học vỡ lòng về đạo lý của Chúa Cứu Thế mà tiến lên bậc trưởng thành, tức là không cần phải đặt lại nền móng cho…sự phán xét đời đời. (Đây là những vấn đề mà anh chị em phải biết từ rất lâu rồi). (Hê-bơ-rơ 6:1-2)

Như bạn có thể thấy, tôi đã bỏ năm giáo lý nền tảng kia ra, trong số đó là sự ăn năn khỏi các công việc chết và đức tin nơi Đức Chúa Trời, để nhấn mạnh sự phán xét và hình phạt đời đời là những sự dạy dỗ vỡ lòng của Đấng Christ.

Một từ điển định nghĩa vỡ lòng là “gồm những phần căn bản, thiết yếu hay nền tảng.”1 Đó là phần quan trọng ta phải có ngay từ ban đầu để xây dựng lên; nó là một nền tảng. Để hiểu, ta hãy xem xét hệ thống giáo dục. Trong trường tiểu học, chúng ta sử dụng các công cụ cơ bản để xây dựng xa hơn nữa nền giáo dục của chúng ta, như đọc, viết và học đếm. Thiếu những điều này làm nền tảng, chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng phát triển nền giáo dục đúng đắn. Điều này cũng đúng cho các tín hữu. Nếu chúng ta không hiểu rõ những sự phán xét đời đời, thì chúng ta không thể xây dựng một đời sống thích đáng trong Đấng Christ. Việc này có thể được sánh với việc cố gắng nâng cao trình độ học vấn mà không biết đọc, viết hay cộng, trừ, nhân, chia.

Tuy nhiên tôi phát hiện thấy sau gần hai mươi năm chức vụ đi lại hầu việc Chúa rằng nhiều người –kể cả các môn đồ tận hiến của Chúa Giê-su Christ – không biết về những vấn đề này. Để ý tác giả nói, “Đây là những vấn đề anh chị em phải biết rõ từ rất lâu rồi.” Ông không nói ta phải làm quen với những vấn đề này nhưng phải biết đầy đủ hay trọn vẹn. Những lời của tác giả, “Từ rất lâu” nhấn mạnh rằng đây là nền tảng cho đức tin căn bản của chúng ta, như khả năng đọc, viết là căn bản cho sự học vấn của chúng ta.

Chúng ta sẽ thấy ngay là tại sao “sự phán xét đời đời” lại là một giáo lý căn bản mà chúng ta phải hiểu để xây dựng một đời sống Cơ Đốc lành mạnh. Hãy nhớ điều này khi chúng ta tiếp tục đọc. Không có sự hiểu biết này thì rất khó khăn để hiểu điều chúng ta sắp bàn đến, và bạn sẽ vội buông xuôi mà tự nhủ, Vấn đề là gì?

Địa Ngục – Nghĩa Bóng Hay Có Thật

Trước khi tôi bắt đầu viết cuốn sách này, tôi đã tranh chiến với suy nghĩ: Làm cách nào để truyền thông với thế hệ “chỉ biết sống qua ngày” thực tại của các quyết định đời đời mà Quan Án của vũ trụ này sẽ sớm đưa ra liên quan đến cuộc đời chúng ta đây? Sau vài ngày tranh chiến, trong sự cầu nguyện một suy nghĩ khác nảy ra. Tôi nhận thấy Chúa Giê-su, để truyền thông các lẽ thật thuộc linh cho tâm trí con người, đã kể các câu chuyện. Thế nên mới có ý tưởng về câu chuyện ngụ ngôn Affabel.

Khi tôi đang viết về sự phán xét của các nhân vật tại Affabel và sự hình phạt đời đời của họ tại Xứ Cô Đơn, tôi thấy mình run lên. Thật ra, tôi đã viết phần cuối của chương trước đang khi đi máy bay về nhà vào một chiều Chủ nhật. Ngày hôm đó tôi đã giảng ba lần. Các phụ tá của tôi ngủ rất ngon, nhưng tôi không thể ngừng đánh máy. Khi trở về nhà bình an sau nửa đêm, tôi không ngủ được, run sợ cho tất cả những ai sẽ thấy mình rơi vào một tình huống tồi tệ nhất mà không từ ngữ nào diễn tả hết được: đó là Hồ Lửa – và, theo Chúa Giê-su, phần lớn người ta sẽ đi vào đó:

“Hãy vào cổng hẹp, vì cổng rộng và đường lớn dẫn đến hủy hoại, nhiều người đi vào đó. Cổng hẹp và đường nhỏ dẫn đến sự sống, chỉ có ít người tìm thấy.” (Ma-thi-ơ 7:13-14)

Đêm đó khi đang nằm trên giường, tôi nhớ lại thời gian vài năm trước đó lúc tôi được mời giảng tin lành cho một nhà tù có an ninh hàng đầu dành cho nam tại Nam Phi. Tôi nhớ mình đi bộ vào nơi đáng sợ đó, chứng kiến những sự khinh khiếp giống như mùi hôi ghê tởm, các điều kiện sống bạo loạn và những buồng giam chứa hai mươi cho đến ba mươi người đàn ông với những giường ngủ cách nhau có vài cen-ti-mét. Thậm chí có các bao cao su treo lủng lẳng trên các bức tường. Tôi đã giảng lời Chúa trong vài nhà tù tại Mỹ, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy tình trạng tuyệt vọng như thế. Nếu so sánh thì nhà tù ở nước Mỹ giống như các câu lạc bộ đồng quê.

Tôi không thể tưởng tượng việc sống một tuần trong nơi khủng khiếp đó, chứ chưa nói bốn mươi đến năm mươi năm. Phần lớn các tù nhân ở đó cả đời. Bạn có thể nhìn thấy sự tuyệt vọng cùng cực trên khuôn mặt của những người không tin Giê-su. Gần như tôi có thể nghe được các suy nghĩ của họ: Ít ra một ngày nào đó mình sẽ thoát ra khỏi nơi này đó là qua cái chết. Nhưng mặt khác, họ kinh hoảng bởi sự thật về cái chết mà họ không biết. Đó thật sự là một tình cảnh rất khó khăn. Họ ở trong tình trạng vô vọng hoàn toàn. Nếu bạn từng sống trong một thế giới tự do – giống như tất cả họ từng sống – và bạn đang sống trong nơi này suốt cả phần đời còn lại của mình thì đó quả là sự thống khổ thật sự.

Đang khi ở đó, tôi nghĩ cảnh này dù kinh khiếp thật đấy, nhưng nếu so với địa ngục thì nó vẫn còn đẹp đẽ lắm. Ít ra những tù nhân này còn có bạn và tia nắng mặt trời còn chiếu vài tia sáng qua cửa sổ có song sắt của nhà tù này. Trong địa ngục, chẳng có bạn bè lẫn ánh sáng, ngoại trừ có lửa chẳng bao giờ tắt. Trong Hồ Lửa mãi mãi và mãi mãi không có sự an nghỉ; các linh hồn sẽ ở trong sự đau đớn liên tục! Trong địa ngục, người ta không thể nghĩ, Sẽ có một ngày mình thoát ra khỏi nơi này. Họ đã nhận sự hình phạt đời đời!

Bởi vì đây là một trong những sự dạy dỗ căn bản, Chúa Giê-su thường xuyên nói về địa ngục, nói nhiều hơn những chủ đề mà các tòa giảng ngày nay giảng. Ngài không cho việc đề cập đến phần miêu tả về địa ngục – trong đó có sự thống khổ cũng như sự thật là nó không bao giờ chấm dứt – là thiếu lòng trắc ẩn. Trái lại Ngài, là Đấng Chăn Chiên tốt lành, xem việc nói đến hỏa ngục là điều quan trọng để đụng chạm chúng ta. Vì thế sự giảng dạy của Ngài về địa ngục được thúc đẩy bởi tình yêu thương, vì tất cả những gì Ngài làm và dạy dỗ đều xuất phát từ tấm lòng trắc ẩn. Nên câu hỏi của tôi là, Chúng ta có giúp đỡ người nghe thiết thực nhất khi không giảng về địa ngục từ các tòa giảng ngày nay ? Đó có phải là tình yêu thương thật không?

Trong Kinh Thánh có vài tên gọi dành cho địa ngục. Sheol (chỉ có trong Cựu Ước), Hades và mồ mả là một trong số ít tên gọi để nói về nơi giam kẻ chết. Gehenna và Hồ Lửa Đời Đời la các tên gọi để nói về địa ngục đời đời. Chúng ta sẽ bàn một ít sự khác nhau giữa nơi tạm giam và nơi đời đời.

Kinh Thánh cho ta biết địa ngục là một nơi có thật, không phải nghĩa bóng như người đời hay rêu rao. Trong Dân Số đoạn 16 đất đã mở ra và có nhiều gia đình bị nuốt chửng vào Sheol trước đám đông chứng kiến. Trong Tân Ước, chúng ta được cho biết về kẻ địch lại Đấng Christ và Tiên Tri Giả, “Nhưng con thú bị bắt sống cùng với tiên tri giả…Cả hai đều bị quăng sống xuống hồ lửa diêm sinh cháy phừng.” (Khải Huyền 19:20). Chúng không chết và chỉ có linh hồn bị đem tới chỗ này, nhưng thân thể vật lý và linh hồn chúng bị ném vào Hồ Lửa.

La-Xa-Rơ Và Người Giàu Có

Trong Phúc Âm Luca, Chúa Giê-su kể một biến cố có thật về một người đàn ông giàu có chỉ lo sống cho bản thân, bỏ mặc một kẻ ăn xin hàng ngày nằm trước nhà của hắn. Chúng ta biết đây không phải một dụ ngôn vì Chúa Giê- su mở đầu câu chuyện thế này, “Có một người đàn ông giàu có.” Thứ hai, Ngài sử dụng tên Áp-ra-ham và nói tên cụ thể của người ăn mày là La-xa-rơ. Chúa Giê-su thường không nói đến tên hay đến người nào cụ thể trong các dụ ngôn của Ngài.

La-xa-cơ chết và được các thiên sứ đem đặt vào ngực của Áp-ra-ham, đó là nơi giam cầm dễ chịu dành cho các thánh đồ Cựu Ước cho đến khi Chúa Giê-su mở đường cho họ để bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời trên thiên đàng. Người đàn ông giàu có chết và hắn thấy mình ở trong âm phủ. Chúng ta đọc:

Bị khổ hình nơi Âm Phủ, người giàu ngước mắt nhìn lên, thấy Abraham ở đàng xa, có La-xa-rơ đang ở trong lòng. Người giàu kêu xin: ‘Tổ phụ Áp-ra-ham ơi, xin thương xót con, sai La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước, thấm mát lưỡi con, vì con bị đau đớn quá trong lửa này!’ (Luca 16 23-24).

Để ý là người đàn ông giàu có bị đau đớn quá. Các bản dịch khác dùng chữ đau đớn, khốn khổ và thống khổ. Nói cách khác, sự đau khổ rất lớn. Địa ngục là nơi cảm nhận được sự thống khổ. Cũng để ý là người đàn ông nhận ra cả Áp-ra-ham lẫn La-xa-rơ và họ cũng nhận ra hắn ta. Ở địa ngục người ta vẫn có hình hài của con người; họ vẫn có năng lực lý luận, tình cảm, ý chí, hình ảnh và các giác quan. Người đàn ông này có thể nhìn thấy, nghe ngóng và cảm nhận đau đớn. Họ cũng có xác thịt; bạn có thể thấy ước muốn cháy bỏng của người đàn ông kia là được mát cái lưỡi. Chúa Giê-su nói cả thân thể và linh hồn bị tiêu diệt đời đời trong địa ngục (xem Ma-thi-ơ 10:28). Nói cách khác, xác thịt con người sẽ liên tục bị lửa và sâu bọ địa ngục làm cho đau khổ và tàn phá.

Cũng để ý là người đàn ông giàu có cầu xin lòng thương xót, giống những người từng xin lòng thương xót tại tù ngục ở Xứ Cô Đơn trong câu chuyện của chúng ta. Địa ngục là nơi mãi mãi không thể nào thoát ra khỏi. Sẽ không có người nào từ bên ngoài đi vào để an ủi những kẻ trong đó, dù ai cũng mong được chút nghỉ ngơi. Dường như thực tại này không bao giờ vơi đi. Áp-ra-ham phải nhắc nhở người đàn ông giàu có này, “Có một hang sâu, lớn phân cách chúng ta. Ai muốn đi qua tới chỗ anh từ đây (để đem sự an ủi) bị ngăn lại bên bờ vực, không có ai ở đó có thể đi qua chỗ chúng tôi” (Luca 16:26). Tôi biết một người đã kinh nghiệm địa ngục; sau này anh ta kể lại rằng mọi người mà anh ta nhìn thấy đều kêu la quá sức chịu đựng. Đây chính là những gì bạn nghe người đàn ông giàu có này kêu khóc trong câu trên.

Hãy đọc tiếp:

Nhưng Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ khi còn sống con đã hưởng những điều sung sướng; còn La-xa-rơ phải chịu những điều khổ cực; nhưng bây giờ La-xa-rơ được an ủi, còn con chịu đau đớn.’

Người giàu van xin: ‘Tổ phụ ơi, thế thì xin tổ sai La-xa-rơ đến nhà cha con vì con còn năm anh em để người làm chứng cho họ, kẻo họ cũng bị xuống nơi khổ hình này!’ (Luca 16:27-28).

Chắc bạn có nghe về câu tục ngữ, “Thống khổ muốn có bầu bạn.” Nhưng tại sao nó không áp dụng trong hoàn cảnh này? Tại sao người đàn ông giàu có này không muốn người khác ở đó với anh ta? Câu trả lời là trong địa ngục không có sự bầu bạn hay sự thông công. Một số người nghĩ trong địa ngục sẽ có những bữa tiệc; người khác lại nghĩ họ sẽ vui hưởng với những người bạn của mình. Nếu quả thật như thế, thì người đàn ông này đã muốn tất cả những bạn đồng lao thân cận của mình tham gia cùng rồi, nhưng anh ta thất vọng khi thấy rằng họ sẽ không đến nơi thống khổ này. Địa ngục là nơi cô đơn và vô vọng cùng cực. Đó cũng là nơi trí nhớ chẳng hề mất, điều mà cá nhân tôi tin là một trong những điều thống khổ nhất.

Hãy nghe cách Áp-ra-ham đáp lại lời cầu xin của người đàn ông xin cho các anh em của mình:

Nhưng Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Môi-se và các tiên tri của Chúa, hãy để chúng nghe lời họ!’

Người giàu cố nài: ‘Tổ phụ ơi, không phải vậy đâu! Nhưng nếu có người chết sống lại đến nói thì họ mới ăn năn!’

Áp ra-ham đáp: ‘Nếu chúng không chịu nghe Môi-se và các tiên tri của Chúa, thì dù có người chết sống lại cũng chẳng thuyết phục chúng được đâu!’” (Luca 16:29-31)

Có một lẽ thật quan trọng được chuyển tải ở đây. Nhiều người thích những kinh nghiệm phi thường để chứng minh cho bản thân hoặc cho những người khác niềm xác tín của tin lành. Nhưng Chúa Giê-su cho ta thấy không có điều gì lớn hơn Lời Đức Chúa Trời, là Lời sản sinh ra đức tin cần có để đi theo Chúa cách vẹn toàn cho đến cuối cùng. Đừng hiểu lầm tôi. Đa số những người đã chứng kiến điều siêu nhiên đều phấn khởi và thay đổi trong một thời gian ngắn, nhưng họ sẽ không được thuyết phục lâu dài trong lòng bởi những kinh nghiệm đó.

Khi tôi là một thiếu niên – lúc đó là một người thô tục và thích tiệc tùng – cha tôi đã dẫn tôi xem phim Mười Điều Răn do Charlton Heston thu vai. Tôi vẫn còn nhớ rõ là mình đã dán mắt vào cái màn hình lớn khi đất mở ra để nuốt chửng nhóm người xuống địa ngục; cảnh này đã lay động tôi vô cùng. Tôi ra khỏi rạp hát đó, và cuộc đời tôi được thay đổi. Tôi tu thân hơn và sống khác hẳn đâu được khoảng một tuần, nhưng rồi «ngựa quen đường cũ. » Tại sao? Bởi vì tôi đã không nghe Lời Đức Chúa Trời, không ăn năn về lối sống riêng của mình, và không kết ước dâng đời sống mình hoàn toàn cho Chúa Giê-su để ân sủng Ngài thay đổi tôi.

Bạn bè tôi đã có những kinh nghiệm siêu nhiên khác cũng đã lay động tôi, nhưng tôi đã không được thay đổi bởi bất cứ kinh nghiệm thuộc linh nào. Không thay đổi cho đến khi một người anh em trong hội học sinh đại học đến phòng tôi và trình bày Lời Đức Chúa Trời qua tin lành của Chúa Giê-su Christ thì tôi mới thay đổi. Chúng ta được truyền bảo cụ thể, “Vậy, có đức tin là do nghe, và nghe là khi Lời Chúa Cứu Thế được truyền giảng” (Rô-ma 10:17). Và “Vì anh chị em đã được tái sanh không phải bởi những hạt giống hư nát nhưng bởi hạt giống không hư nát, là lời hằng sống và hằng còn của Đức Chúa Trời” (1Phi-e-rơ 1:23). Vì lý do này, đều rất quan trọng là chúng ta phải giảng dạy Lời Chúa, chứ không chỉ nói về các kinh nghiệm của chúng ta.

Mặt khác, khi đã làm rõ điều này, bây giờ chúng ta hãy nhấn mạnh sự thật này: Nếu các kinh nghiệm của chúng ta bổ sung hay củng cố Lời Chúa, thì nó rất tuyệt vời và cần thiết. Những lời làm chứng đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền đạt tin lành, nhưng chính việc đón nhận và tin Lời Đức Chúa Trời sẽ khiến chúng ta còn đến đời đời.

“Tại Sao Tôi Lại Đi Hướng Này?”

Bây giờ cho phép tôi chia sẻ một lời chứng bổ sung điều chúng ta đã bàn từ Kinh Thánh. Tôi và nhà tôi ngồi trong phòng khách của một người bạn vào một buổi chiều nọ, anh ấy đã chia sẻ với chúng tôi đều đã xảy ra với anh lúc còn thanh niên. Anh lớn lên tại Ca-ri-bê và vào mùa mưa anh bị rơi vào một cái hố sâu, dùng để chứa nước mưa dùng cho việc xây dựng. Anh trai của anh nhảy vào và cố gắng cứu anh nhưng không thể, nên anh ta ra khỏi và chạy đi tìm người cứu vớt, vì người bạn của chúng tôi không biết bơi. Lúc người anh trai tới, anh đã chết gần 30 phút.

Anh ấy kể với chúng tôi là khi anh rời khỏi thể xác, tất cả các giác quan của anh vẫn còn nguyên vẹn. Anh thấy mình bị kéo xuống rất nhanh vào một nơi tối tăm vô cùng. Anh nói bóng tối tăm rất đậm nên anh không thể thấy cánh tay ở trước mặt mình; nó tối đến nỗi anh cảm thấy như thể đang mặc nó vậy. Anh nói, “Tôi nghĩ nỗi sợ quá lớn, không thể nào sợ hơn được nữa. Nhưng càng rơi xuống thì nỗi sợ càng dâng tràn. Tôi chưa bao giờ trải qua nỗi sợ như thế ở trên đất. Không có từ ngữ nào để miêu tả nó.”

Anh kể tiếp, “Sau đó tôi nhìn thấy những ánh sáng le lói, và tôi biết mình được đưa tới địa ngục. Tôi bắt đầu la hét, ‘Tại sao mình lại đi theo hướng này? Mình là một Cơ Đốc nhân mà!” Cha mẹ của bạn chúng tôi là những tín hữu mạnh mẽ, nhưng anh ta đi nhà thờ chỉ vì cha mẹ bảo anh vì anh không có chọn lựa nào khác.

Sau đó anh thuật lại rằng mình đã nghe tiếng la hét vì sợ hãi và thống khổ. Tôi vẫn còn nhớ rõ anh nói, “John và Lisa này, có một số tiếng la hét bình thường. Nhưng có những tiếng la hét khiến cho máu của anh đông lại trong tĩnh mạch. Đây là những tiếng la hét mà tôi đã nghe.”

“Sau đó tôi mặt đối mặt với một sinh vật có vảy, hắn cứ liên tục nói với tôi, ‘Đến với tao đi. Mày là của tao.’

“Tôi vùng vẫy với sinh vật đó. Lúc đầu tôi không nói được gì hết vì sợ hãi, nhưng rồi tôi la lên, ‘Thả tôi ra, thả tôi ra!’”

“Rồi thình lình tôi thấy mình la hét ra ngoài (thân thể) và cắn bác sỹ, ông đã thò ngón tay vào cổ họng tôi

– tôi được mẹ tôi kể lại như thế sau khi tôi giải thích với bà kinh nghiệm của mình. Cùng lúc đó, mẹ tôi đang ngồi bên ngoài phòng mổ (lúc này là ở bệnh viện) và kêu cầu với Chúa, “Cha ơi, nếu Ngài trả con trai lại cho con, con sẽ dâng nó cho Ngài mãi mãi!’” Bạn của chúng tôi sau đó đã bắt đầu hầu việc Chúa tại vùng Ca-ri-bê.

Có thể bạn đặt câu hỏi về kinh nghiệm của người đàn ông này, tuy nhiên, có khá nhiều người nam, nữ, trẻ em đã trải qua những kinh nghiệm tương tự. Những kinh nghiệm cận kề cái chết (NDEs) thường xảy ra ngay trước mặt các bác sỹ đến độ có vài bác sỹ đã làm một cuộc nghiên cứu về chuyện này.

Một nhà nghiên cứu chuyện này là một người có tên là Melvin Morse, một bác sỹ đã thực hiện nghiên cứu sâu rộng trên các em nhỏ đã trải qua kinh nghiệm cần kề sự chết. Tiến sĩ Morse đã nghiên cứu hai nhóm trẻ. Nhóm 121 bệnh nhân đầu tiên gồm những người ốm nặng như chưa cận kề cái chết. Họ dùng máy hỗ trợ phổi nhân tạo, ở phòng chăm sóc đặc biệt hay đang dùng thuốc liều cao, từ độ tuổi 3 đến 16. Không có ai trong số chúng thuật lại là chúng đã rời khỏi thân thể của mình.

Nhóm thứ hai, gồm 12 trẻ có nhóm tuổi tương đồng, đã trải qua việc suy tim do chết đuối, tai nạn xe hơi, ngừng tim và các chứng tương tự. Trong nhóm nhỏ này, mỗi đứa trong số mười hai bệnh nhân đều có kinh nghiệm ra khỏi thân thể. Một số trong họ đã thấy thân thể mình trong một thời gian ngắn và miêu tả cho các bác sỹ các phương pháp mà bác sỹ sử dụng khi can thiệp.

Có thể một số người nghĩ kinh nghiệm của bạn chúng tôi là ảo giác. Tuy nhiên, những nghiên cứu thực hiện trên nhóm trẻ thứ hai lại cho thấy rõ ràng điều ngược lại. Ngoài ra, làm sao anh có thể ảo giác trong khi chết lâm sàng gần ba mươi phút?

Âm Phủ Khác Hồ Lửa

Bạn chúng tôi, cũng như những người khác mà tôi biết, đã kinh nghiệm địa ngục, đã nhìn thấy nơi thống khổ tạm giam được gọi là Âm Phủ. Đây không phải là nơi ở đời đời của những người không tin ơn cứu rỗi. Mà đó là nơi chờ đợi trong thống khổ, nơi họ bị giữ lại cho đến Ngai Phán Xét Lớn. Nơi đời đời mà con người, ma quỷ và các thiên sứ sa ngã sẽ ở đời đời sau khi chịu phán xét được gọi là Hồ Lửa. Ta thấy rõ điều này trong phân đoạn Kinh Thánh sau:

Lúc ấy, tôi thấy một ngai lớn màu trắng và Đấng ngự trên ngai…Tôi cũng thấy những người chết đứng trước ngai cả lớn và nhỏ, và các sách đều mở ra. Có một quyển sách khác mở ra nhan đề là sách sự sống. Các người chết bị phán xét theo việc làm của họ như đã ghi trong các sổ sách. Biển nộp lại những người chết nó giữ. Sự chết và Âm Phủ cũng giao trả những người chết chúng giam. Mỗi người sẽ bị phán xét tùy theo những việc mình đã làm. Rồi sự chết và Âm Phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Ai không được ghi tên trong sách sự sống đều bị quăng xuống hồ lửa. (Khải Huyền 20:11, 13-15).

Trước tiên tôi muốn chỉ ra rằng tất cả những người ở tại nơi thống khổ tạm giam, là Âm Phủ, được dẫn tới trước sự phán xét. Khi sự phán xét này đã xong, mọi thứ gây vấp phạm và tất cả những người làm điều vô luân sẽ bị lùa xuống Hồ Lửa – mọi thứ bao gồm các quỷ, thiên sứ sa ngã và cả Âm Phủ.

Khải Tượng Về Hồ Lửa

Nhà tôi và tôi có bạn bè là người Hy-Lạp. Người vợ, có tên Joy, là một mục sư thứ hệ thứ ba. Bà của cô sinh ra và lớn lên tại Hy-Lạp và từ lúc còn trẻ bà đã bắt đầu tìm kiếm Chúa. Các câu hỏi của bà với những người xung quanh được đáp lại bằng sự nhạo báng ra mặt và lãnh đạm. Bà muốn đi đến một nhà thờ nhưng được bảo là “không có Đức Chúa Trời” và chấm dứt điều vớ vẩn đó đi.

Một ngày nọ, khi bà của Joy đang múa điệu múa dân gian với những người bạn của mình tại quảng trường trong một lễ hội của người Hy-Lạp, một tiếng nói với bà, “Afrosyni, hãy tìm kiếm điệu múa đời đời.”

Bà ngạc nhiên! Ai vậy? Bà thắc mắc. Bà lập tức ngừng múa và chạy về nhà, hy vọng tìm cho rõ ngọn ngành. Khi bà chạy, một gánh nặng bắt đầu đến trên bà giống như bà gánh có một gánh nặng trên lưng.

Khi đã vào trong nhà, Afrosyni đi thẳng vào phòng ngủ của mình, quỳ gối xuống và bắt đầu khóc. Bà muốn nói chuyện với tiếng phán đó. Ai đang nói chuyện với bà? Những lời được phán với bà là gì? Ngài muốn nói điều gì? Đây là những câu hỏi dằn vặt tâm trí bà một thời gian ngắn. Vừa chạm sàn nhà chưa được bao lâu thì bà cảm thấy vật gì đó giống như lửa đến trong phòng và nhận chìm bà. Bà té ra sau và rơi vào một khải tượng.

Trong khải tượng bà thấy một thiên sứ mặc áo trắng đến với bà. Thiên sứ nhấc bà lên và chuyển tới một nơi có ánh sáng mờ. Người bỏ bà ở đó. Khi bà tập trung, bà kinh ngạc nhận ra rằng mình đang đứng trước cảnh đồi Gô-gô- tha. Chúa đang treo trên thập tự, máu chảy ra từ các vết thương của Ngài. Bà nhìn thấy sự đau đớn trên mặt Ngài khi Ngài bị hành hạ.

Cùng lúc đó, Efrosyni nghe những tiếng la het từ một khoảng cách xa. Bà quay người lại để nhìn xem các tiếng la đó từ đâu tới và bà đã thấy một cái hang sâu lớn giữa thập tự và một nơi bên kia cái hang, nơi có những cơn sóng lửa không lồ phun ra từ đất. Đó là một biển lửa. Bà có thể nghe các tiếng la hét dường như là của đám đông. Họ đang rủa Đức Chúa Trời. Lúc bà cảm thấy một lực đẩy bà đi xuống qua một cái hang trong lòng đất, tiếng bà đã nghe trước đó nói với bà, “Ngươi cũng thuộc về nơi này.”

Bà kinh khiếp! Bà bắt đầu khóc và cầu xin lòng thương xót. Bà cúi xuống dưới chân thập tự, mang trên lưng gánh nặng mà bà cảm nhận trước đó. Bà ở đó khóc lóc khá lâu. Khi đó tiếng nói đầy tình yêu thương và trắc ẩn, phán với bà lần đầu và nói, “Ngài đã làm điều ấy vì ngươi! Ngài đã chết cho ngươi! Nếu ngươi xin sự tha thứ và nhận của lễ hi sinh của Ngài dành cho ngươi, thì ngươi không phải đến đó (tới hồ lửa).

Nghe điều đó, Efrosyni càng khóc hơn nữa và lập tức đáp ứng với những tiếng đó nói. Bà xin sự tha thứ, và ngay tức thì gánh nặng cất khỏi bà và bà lăn sang chân thập tự.

Bà nhìn lên và thấy Chúa Giê-su đứng trước mình, Ngài mặc lấy hình trạng vinh hiển của mình. Ngài đỡ bà lên và dẫn về hướng ngọn đồi xanh ngát. Giờ bà có thể nói chuyện với Ngài qua tâm trí. Bà hỏi và Ngài trả lời. Điều đó thật tuyệt vời! Bà hỏi Ngài là họ đang đi đâu và Ngài nói, “Đến gặp Cha thiên thượng của con!”

Khi họ lên đỉnh núi, bà có thể nhìn thấy ánh sáng từ một cánh cổng. Bản nhạc rất hay, thánh thiện và những lời ca phát ra từ hoa cỏ, cây cối ở khắp mọi nơi. Họ tới đỉnh và đi vào cổng. Thật phi thường. Vẻ đẹp không tả xiết!

Họ đi thẳng tới ngai. Afrosyni không nhìn thấy mặt Đức Chúa Trời vì có sự bao phủ, nhưng bà nhìn thấy một cuốn sách lớn và một cánh tay từ các đám mây đưa ra. Cánh tay bắt đầu viết. Bà ngửa về phía trước để xem viết gì, bà ngạc nhiên khi nhìn thấy tên mình được viết trong Sách Sự Sống (Dù lúc đó bà không biết đó là Sách Sự Sống.)

Khi Cha thiên thượng viết tên bà trong Sách Sự Sống, Ngài đã nói, “Chào mừng con đến với gia đình!” và hôn lên trán của Efrosyni. Lúc đó, bà nhìn thấy các thiên sứ tạo thành các hình tròn khi họ bắt đầu nhảy múa, ca hát và vui mừng. Bà có thể nhận ra tên của mình được các thiên sứ xướng ca đang khi họ nhảy múa. Bà cùng tham gia với họ. Phải mất một thời gian sau bà mới biết rằng điều các thiên sứ đang ăn mừng lớn để bày tỏ lòng tôn trọng bà vì bà đã được cứu.

Một hồi sau, Chúa nói với bà rằng đã đến lúc trở lại trái đất vì Ngài dự tính một công việc lớn lao cho bà. Bà phải trải qua những sự thử thách cam go vì cớ danh Ngài, nhưng Ngài sẽ ở với bà, và khi đã làm xong những điều này bà sẽ trở về để ở với Ngài đời đời.

Khi nghe xong, Efrosyni thấy mình trở lại trong phòng của mình. Bà rất thất vọng vì phải trở lại trái đất sau chuyến đi lên thiên đàng mà bà vừa trải qua, nhưng trong vấn đề này bà không có chọn lựa nào khác.

Khi tin tức về kinh nghiệm của Efrosyni làn tràn, thì sự bắt bớ bắt đầu. Sự việc bắt đầu với cha của bà, ông dọa giết bà bằng một cái rìu nếu bà không từ bỏ điều bà tin. Bà nói với ông là bà không bao giờ có thể từ bỏ những gì bà đã kinh nghiệm.

Sự bắt bớ gia tăng nhiều lên cho đến một buổi chiều, chị của Efrosyni đến với bà và cảnh báo rằng có người đang lên kế hoạch đến vào sáng hôm sau và đem bà tới quảng trường làng, tại đó có nhà thờ chính thống giáo Hy- Lạp. Họ sẽ đem biểu tượng của bà Mary, và nếu bà không cúi xuống để thờ lạy và hôn biểu tượng, thì họ sẽ đổ xăng lên người bà và châm lửa.

Efrosyni không tin người ta sẽ đi quá đà như thế, nhưng dường như họ quyết tâm làm thế, cùng đêm đó một thiên sứ của Chúa đến với Efrosyni và vỗ vai đánh thức bà. Khi bà tỉnh, thiên sứ bảo bà mặc quần áo vào và đi ra cửa trước. Bà vâng lời, khi bà tới cổng, bà cảm nhận ai đó nâng bà lên khỏi mặt đất. Bà được chuyển từ nhà của mình tới nơi an toàn tại một ngôi làng khác cách đó nhiều dặm.

Cơn Thống Khổ Quá Sức Tưởng Tượng

Bà của Joy không thấy Âm Phủ. Bà đã nhìn thấy Hồ Lửa, cũng được gọi là “sự chết thứ hai.” Định mệnh của bà đã thay đổi vì bà chọn đi theo Chúa Giê-su Christ với cả tấm lòng. Kinh Thánh cho biết:

“Còn những kẻ hèn nhát, vô tín, đáng ghê tởm, giết người, gian dâm, phù thủy, thờ thần tượng và tất cả những người giả dối thì số phận chúng nó ở trong hồ lửa cháy phừng với diêm sinh; đó là sự chết thứ hai.” (Khải Huyền 21:8)

Để ý đây là hồ “lửa cháy phừng với diêm sinh.” Diêm sinh (lưu huỳnh) là một chất phi kim loại, khi cháy có sức nóng khủng khiếp và tạo ra mùi rất khó chịu. Nhiều người mô tả địa ngục đều đã nói về thứ mùi đáng sợ của nó. Họ mô tả mùi đó “không thể chịu được.” Đúng vậy, những người tôi biết đã trải qua nơi ở của người chết này đều nói với tôi là không thể miêu tả sự thống khổ và kinh khiếp đối với các giác gian bằng ngôn ngữ loài người.

Cũng hãy để ý thuật ngữ sự chết thứ hai. Chúa Giê-su nói, “Ai có tai hãy lắng nghe lời Thánh Linh phán dạy các Hội thánh [Nghĩa là điều Ngài sắp nói không nói cho người không tin]: Người nào thắng sẽ chẳng bị sự chết thứ hai làm thương tổn” (Khải Huyền 2:11).

Có thể bạn sẽ thấy lạ khi Chúa Giê-su nói điều này với các hội thánh. Tuy nhiên, hãy để ý trong câu trên là chúng ta thấy ba hạng người sẽ bị đốt trong hồ lửa. Đầu tiên là những người quay lưng không đi theo Ngài nữa. Thứ hai là những người không trung tín với Ngài. Thứ ba là những tội nhân chưa bao giờ bước đi với Ngài. Hai nhóm đầu tiên miêu tả những người từng ở trong hội thánh.

Hãy nhớ lại ba nhân vật đầu tiên chúng ta đã nói trong chuyện ngụ ngôn: Ngã Lòng, Bị Lừa Dối, và Độc Lập. Hai người trong số họ năng nổ tại trường Endel, là hình bóng về hội thánh. Ta sẽ nói thêm về điều này lát nữa.

Sự chết thứ hai là sự đau đớn trong Hồ Lửa suốt cả cõi đời đời. Hãy suy nghĩ về chương đầu tiên khi chúng ta nói về cõi đời đời: đời đời kiếp kiếp, không có kết thúc, không có sự an ủi, không có lối thoát! Một số người nghĩ sự đau đớn này cuối cùng sẽ kết thúc, nhưng điều này rõ ràng trái ngược với những gì Lời Chúa dạy. Lời Chua nói, “Chúng đều bị khổ hình cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời” (Khải Huyền 20:10).

Để cho thấy thêm rằng sự chịu khổ này không bao giờ kết thúc, Chúa Giê-su nói điều này về tất cả những người không vâng lời Ngài: “Vậy, những kẻ này sẽ đi vào hình phạt đời đời còn những người công chính đi vào sự sống vĩnh phúc” (Ma-thi-ơ 25:46).

Để ý các chữ, “hình phạt đời đời.” Nói cách khác, hình phạt không bao giờ kết thúc. Nó là đời đời! Chúa Giê-su nói với chúng ta:

Còn nếu mắt con gây cho con phạm tội, hãy móc đi; thìa bị chột mắt mà vào Nước Đức Chúa Trời còn hơn là đủ hai mắt mà bị quăng xuống hỏa ngục (Gahenna). (Mác 9:47)

Như bạn có thể thấy ở đây, Chúa Giê-su đang nói về hỏa ngục, Hồ Lửa. Bây giờ hãy xem điều Ngài nói trong một bản dịch khác.

Còn nếu mắt con gây cho con phạm tội, hãy móc đi; thà bị chột mắt mà vào Nước Đức Chúa Trời còn hơn là đủ hai mắt mà bị quăng xuống hỏa ngục, là nơi sâu bọ ăn chẳng hề chết và lửa không hề tắt. (Mác 9:47-48)

Để ý là sâu bọ ăn không bao giờ chết, có nghĩa chúng liên tục có thứ gì đó để ăn. Hãy so sánh điều này với tự nhiên. Khi một người chết, sâu bọ ăn xác thịt của họ cho đến khi hết và chỉ còn lại xương rồi sâu bọ cũng chết. Nhưng sâu bọ trong hỏa ngục không bao giờ chết vì thứ mà chúng ăn luôn tồn tại. Một trong những người đã nhìn thấy địa ngục kể lại rằng cô nhìn thấy những con sâu bọ khổng lồ ăn thịt của những người bị hình phạt trong lửa, dù họ đã ở trong hỏa ngục bao lâu không thành vấn đề, họ vẫn còn thịt để sâu bọ ăn nuốt.

Vâng, bây giờ thì bạn đã hiểu – nơi này quá sức tưởng tượng! Đều chúng ta cần nhớ là Đức Chúa Trời từ ban đầu không tạo ra Hồ Lửa cho con người. Hãy nghe điều Chúa Giê-su nói với những người bị lùa vào nơi kinh hãi này:

Bấy giờ Ngài phán với những người ở bên trái: ‘Hỡi những kẻ bị rủa sả, hãy lui ra khỏi Ta mà vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho quỷ vương và quỷ sứ nó. (Ma-thi-ơ 25:41)

Hồ Lửa được tạo ra cho ma quỷ và các quỷ sứ sa ngã của nó, không phải cho con người. Tuy nhiên, ma quỷ lừa dối và đem nhiều người cùng với hắn vào sự hình phạt đời đời. Điều này rất giống với những gì chúng ta đã thấy trong câu chuyện ngụ ngôn: ảnh hưởng của Dagon dẫn tới kết quả là nhiều người bị lừa dối, và cơn thịnh nộ của Jalyn, lúc đầu định giành cho Dagon, ngài phải áp dụng cho những kẻ phục dưới ảnh hưởng của hắn. Còn không, Jalyn đã không công bình.

Được Phước Mãi Mãi

Chúng ta đã thấy cơn thịnh nộ của Jalyn rõ nét thế nào ở chương trước. Kinh Thánh tuyên bố rằng có những người nam, người nữ sẽ uống “rượu thịnh nộ của Đức Chúa Trời… Họ sẽ bị khổ hình trong lửa và lưu huỳnh trước mặt các thiên sứ thánh và trước mặt Chiên Con. Khói của khổ hình chúng phải chịu cứ phun lên cho đến đời đời” (Khải Huyền 14:10-11).

Một lần nữa, hãy nghĩ về chữ “đời đời.” Còn nhớ phần thảo luận của chúng ta ở chương đầu không? Về việc cố hiểu cõi đời đời không có hồi kết thúc? Bạn không thể hiểu ở lí trí, nhưng bạn có thể hiểu nó bằng tấm lòng. Vì lý do này, Chúa khóc cho cả một thế hệ không lắng nghe Ngài, rằng: Ôi, nếu lòng họ cứ kính sợ Ta và luôn vâng giữa mọi điều răn Ta, họ và con cháu họ sẽ được phước mãi mãi! (Phục Truyền 5:29)

Hãy để ý chữ mãi mãi. Ước gì những người này được thúc đẩy bởi nhưng gì còn đến lâu dài – được thúc đẩy bởi cõi đời đời.

Để ý là Chúa cũng nói, “luôn vâng giữ mọi điều răn Ta.”

Ngài không nói, “giữ mọi điều răn Ta trong một thời gian.” Cũng không nói, “luôn giữ một số điều răn Ta.” Không, mà là luôn giữ mọi điều răn. Chúng ta được dạy phải vâng theo toàn bộ ý muốn của Ngài một cách liên tục.

Có thể bạn nghĩ, Tôi đã không giữ hết các điều răn Ngài. Lúc phán xét tôi sẽ bị phát hiện là có tội. Vâng, điều đó hoàn toàn chính xác. Lời Chúa xác định và chứng minh rằng mỗi con người đều thiếu hụt tiêu chuẩn công chính của Đức Chúa Trời và được phát hiện là có tội lúc phán xét. Không ai có thể đứng trước Chúa mà nói rằng, “Tôi đã sống một cuộc đời xứng đáng được vào Vương Quốc của Ngài và không đáng bị hình phạt đời đời.”

Lý do cho sự thiếu hụt này là lúc ban đầu, trong vườn Ê-đen, con người chủ ý bất tuân Chúa. Khi làm thế, con người mặc lấy bản chất tội lỗi. Bởi hành động nổi loạn của mình, con người biến mình thành nô lệ cho satan, bị phục dưới sự cai trị của hắn. Con người không có cách nào để tự cứu mình. Bản chất sa ngã này sẽ được truyền lại cho mỗi dòng dõi của A-đam và Ê-va, tức toàn bộ loài người, vì chúng ta sinh ra với bản chất của cha mẹ.

Xuất phát từ tình yêu thương thánh sạch của Ngài, Đức Chúa Trời đã hứa dù con người hoàn toàn chịu trách nhiệm cho tình trạng sa ngã của mình, nhưng Ngài sẽ sai một Đấng Cứu Thế để giải cứu chúng ta. Đấng Cứu Thế đó là Chúa Giê-su Christ. Điều đó được tiên đoán hàng trăm năm trước khi Ngài sinh ra, rằng Ngài sẽ được hạ sinh bởi một nữ đồng trinh (xem Ê-sai 7:14). Cha Ngài là Đức Chúa Trời và mẹ Ngài là nữ đồng trinh Mary, một hậu duệ của vua Đa-vít. Điều này phải diễn ra như thế, vì nếu cả cha lẫn mẹ đều là con người, thì Chúa Giê-su sẽ bị phục dưới bản chất của A-đam. Ngài sẽ làm nô lệ cho tội lỗi. Ngài không thể sống cuộc đời toàn hảo và vì thế không thể cứu chúng ta. Tuy nhiên, Ngài phải được sinh bởi một người nữ vì chính con người bị sa ngã nên cần một người trả giá cho sự nổi loạn của chúng ta. Nên Chúa Giê-su một trăm phần trăm là Đức Chúa Trời và một trăm phần trăm là con người.

Khi Chúa Giê-su lên thập tự giá, Ngài mang hết tội lỗi chúng ta trên Ngài và Ngài đổ huyết cho tới chết, trả giá cho tội lỗi chúng ta. Tuy nhiên, vì Ngài đã sống một cuộc đời công chính toàn hảo nên Cha đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại và đặt Chúa Giê-su ngồi bên phải Ngài. Vua Đa-vít, là một tiên tri và là tổ phụ của Chúa Giê-su, đã nhìn thấy trước những gì sẽ xảy ra sau khi Chúa Giê- su chịu đóng đinh hơn một ngàn năm trước khi nó xảy ra. Phi-e-rơ đã nói về các lời của Đa-vít và ngày lễ Ngũ Tuần bằng cách tuyên bố:

Nhưng người là một tiên tri nên biết Đức Chúa Trời đã hứa bằng một lời thề rằng Ngài sẽ đặt một hậu tự của người lên ngai. Thấy trước việc tương lai, vua Đa-vít nói về sự phục sinh của Chúa Cứu Thế rằng: Ngài chẳng bị bỏ nơi Âm Phủ, thân thể Ngài không bị hư nát. Đức Chúa Trời đã khiến Đức Giê-su này sống lại, và tất cả chúng tôi đều là nhân chứng về sự kiện này.” (Công Vụ 2:30-32)

Chúa Giê-su được làm cho sống lại từ kẻ chết để giải phóng chúng ta. Để ý Phi-e-rơ nói Ngài không bị bỏ trong Âm Phủ, điều này nói cho chúng ta biết rằng Ngài đã từng ở đó. Ngài đã ở đó khi nào? Khoảng thời gian giữa thập tự giá và sự sống lại. Chúa Giê-su đã nếm sự chết hay hỏa ngục, thay mọi người để chúng ta không phải nhận hình phạt của mình là sự hình phạt đời đời. Giờ khi chúng ta từ bỏ đời sống tập chú vào bản thân và dâng hết mình cho Chúa làm chủ, thì những gì Ngài đã làm cho chúng ta – đổ huyết và nếm sự chết – trở thành giá chuộc để mua chuộc chúng ta và là sự xưng công chính của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta được tạo dựng trong địa vị ngay thẳng nhờ sự công chính của Ngài và có thể tự tin đứng trước ngai phán xét của Ngài. Chúc tụng Chúa mãi mãi!

Vì lý do này chúng ta được dạy rõ ràng, “Thật vậy, nhờ ân sủng, bởi đức tin mà anh chị em được cứu rỗi, đây không phải tự sức anh chị em, nhưng là một tặng phẩm Đức Chúa Trời ban, cũng không phải do công đức anh chị em làm, để không ai có thể khoe mình.” (Ê-phê-sô 2:8-9).

Nếu trước đây bạn chưa bao giờ ăn năn đời sống khong cần Đức Chúa Trời, thì hãy từ bỏ lối sống tội lỗi của mình, và dâng đời mình cho Chúa Giê-su làm chủ, rồi bây giờ bạn mở ngay phần phụ lục phía sau cuốn sách. Trong phần đó tôi sẽ giải thích kế hoạch của Đức Chúa Trời cho sự cứu rỗi của bạn và cầu nguyện với bạn để bạn tiếp nhận Chúa Giê-su làm Chúa và Cứu Chúa của mình.

Hầu hết các tín hữu quá quen với những điều tôi vừa viết ở các trang trên. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều tín hữu không hiểu điều tôi sắp nói trong vài chương tiếp theo. Đúng vậy, nhiều người xưng là Cơ Đốc nhân sẽ bị sốc bởi các lẽ thật đơn giản được bày tỏ trong Kinh Thánh mà chúng ta sẽ xem trong các trang sách sau đây. Trong các chương tới chúng ta cũng sẽ khám phá tại sao lẽ thật về sự hình phạt đời đời lại là kiến thức nền tảng mà mỗi tín hữu phải có để tăng trưởng tốt trong đời sống thuộc linh.