9 - Đầu Tư

X - Gia Tăng Tiềm Năng Chúa Cho

Đăng vào: 5 tháng trước

.

 

9

Đầu Tư

Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh các ân tứ khác nhau mà Chúa ban cho mỗi đầy tớ của Ngài. Tôi không tin đó là một danh sách đầy đủ, mà nó còn bao hàm một phạm vi rộng những khả năng thiên thượng. Bạn có thể không đồng ý với tôi về điều này, nhưng hãy cho phép tôi chia sẻ tiền đề của nó.

Trong danh sách của vị sứ đồ liệt kê, tôi không thấy chỗ nào nói về khả năng ca hát, tranh luận các vụ kiện ở tòa, phẫu thuật loại bỏ các khối u, vẽ tranh truyền cảm hứng, chơi các nhạc cụ cùng nhiều khả năng khác Chúa ban mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày. Đây là lý do tôi không tin tất cả ân tứ đã được gồm tóm trong đoạn này. Nếu bạn vẫn không đồng ý, tôi tôn trọng quan điểm của bạn; chủ đề này không muốn bàn đến rộng hơn vì đây không phải là ý chính của tôi.

Trở lại phần nhấn mạnh của lời dạy của Phao-lô, tôi thích cách bản dịch New Living Translation giải thích charisma; khả năng “để làm tốt những công việc nhất định.” Điều này xác định rõ trọng tâm chính của sách này. Ba chương trước đã làm chứng về sự nhân cấp của sự nói tiên tri dạy dỗ. Chúng ta hãy chuyển sự chú ý của chúng ta sang một ân tứ khác – dâng hiến.

ĐẦU TƯ VƯƠNG QUỐC

Tôi có một người bạn tên Mike. Anh đã tin nhận Chúa Giê-su Christ năm mười một tuổi; tuy nhiên, anh đã không kết quả trong việc xây dựng Vương quốc Chúa. Anh càng bất mãn với tình trạng này và cuối cùng ở tuổi ba mươi lăm anh chán nản vì không tạo ra ảnh hưởng đời đời. Thường thì những người đi tới chỗ này lập tức nỗ lực thực hiện sự thay đổi mà không có kiến thức, sự khôn ngoan và đức tin. Mike đã tiếp cận vấn đề một cách khác đi và rất khôn ngoan. Anh quyết tâm rằng bước đầu tiên để thực hiện một ảnh hưởng lâu dài là “đổ đầy bình xăng,” thế là trong sáu tháng anh đã học thuộc hai ngàn câu Kinh Thánh.

Ngay sau giai đoạn sáu tháng đó, anh quyết định tham dự một hội nghị lãnh đạo tại Phoenix, Arizona. Anh quá nghèo nên không thể trả tiền khách sạn và phải ở chung phòng với mười một sinh viên trong một căn hộ hai phòng ngủ.

Trong hội nghị người ta kêu gọi dâng hiến đặc biệt. Vị lãnh đạo hội thánh khích lệ các tín hữu cầu nguyện về khoản nào cần dâng hiến. Mike đã nghe Chúa nói, “Ta muốn con dâng 200 đô-la.”

Mike kháng cự lại, “Chúa ơi, đó là tất cả những gì con có!” Chúa dịu dàng đáp, “Ta sẽ không bảo con dâng nữa.”

Mike vâng lời và dâng tất cả số tiền anh có. Sau đó Chúa bảo Mike hãy dâng 100 đô-la mỗi tháng còn lại trong năm, ngoài phần mười.

Chúa bắt đầu cho anh các ý tưởng chiến lược, và công việc kinh doanh mới của anh bắt đầu tăng lên đều đặn. Năm sau, Mike cảm thấy anh nên dâng 400 đô-la một tháng ngoài phần mười để xây dựng Vương quốc Chúa.

Một năm sau, con số lên tới 1000 đô-la một tháng ngoài phần mười. Năm tiếp theo, con số lên tới 4000 đô-la mỗi tháng ngoài phần mười và năm sau đó nó lên tới 10000 đô-la một tháng ngoài phần mười.

Tới lúc này, Mike xin Chúa khả năng để dâng 10 triệu đô-la cho Vương quốc Chúa. Dường như là một cầu xin quá sức, hầu như không thể đạt được, nhưng anh vững vàng trong niềm tin và lời cầu xin của mình. Tuy nhiên, những gì anh nghe trong lòng khiến anh bị sốc: “Con trai, tại sao con lại giới hạn Ta?” Thế là Mike không còn giới hạn Chúa và tin cậy Ngài nhiều hơn. Không lâu sau đó, sự dâng hiến của anh ta tăng lên nhanh chóng, năm tiếp theo anh dâng gần 17000 đô-la mỗi tháng ngoài phần mười. Rồi 25000 mỗi tháng, rồi 40000, rồi 50000 mỗi tháng. Cuối cùng Mike dâng 100000 mỗi tháng ngoài phần mười để xây dựng Vương quốc Chúa. Lần gần nhất tôi nói chuyện với anh ta, anh đã đạt tới cấp độ 150000 đô-la mỗi tháng ngoài phần mười!

Mike sống rất sung túc, chỉ dùng khoảng 10-15 phần trăm thu nhập của anh. Vâng, bạn đã đoán đúng rồi đó; anh dâng xấp xỉ 85 đến 90 phần trăm những gì anh có thể kiếm một năm. Anh quy sự thành công của anh là nhờ vào việc học Kinh Thánh, lắng nghe Chúa khi anh cầu nguyện và để những người trưởng thành hơn anh kỷ luật anh.

Nói về sự nhân cấp, bạn không thể bỏ qua từ dâng hiến, vì nó thường là thành tố chìa khóa quan trọng nhất. Trong lĩnh vực cụ thể là tài chính, nhiều tín hữu keo kiệt xem sự dâng hiến theo ánh sáng này: Tôi sẵn sàng từ bỏ điều gì vì những người khác đây? Điều này là cao quý và tin kính, nhưng nếu chỉ có cái nhìn như thế thì chưa đủ. Cho phép tôi giải thích.

Trước tiên, để nhấn mạnh điểm tích cực, Chúa đặt tình thương người trong lòng của chúng ta; điều này tạo ra một ước muốn bên trong để dâng hiến phục vụ một cách không ích kỷ. Điều này nên là khao khát tối ưu trong sự dâng hiến của bất cứ ai. Tuy nhiên, một người dâng hiến khôn ngoan không chỉ nhìn một của dâng như một món quà yêu thương và phục vụ mà còn là một sự đầu tư. Đầu tư là cắt giảm việc chi tiêu một số tiền để phát triển nó. Đặc biệt, liên quan tới tài chính, đầu tư là bớt tiêu xài ở hiện tại để đầu tư quỹ để có sự tăng trưởng.

Lisa và tôi đã tìm thấy hai miếng đất vài năm trước. Chúng tôi cảm thấy nó có giá thấp và sẽ tăng giá trị theo thời gian. Chúng tôi có tiền mặt để mua cả hai, và tới lúc đó chúng tôi đã quyết định bỏ chi tiêu tiền mặt cho việc tiêu dùng cá nhân để tích lũy tiền. Hai miếng đất có giá trị hơn chúng tôi mong đợi, và phần đầu tư của chúng tôi đã nhân đôi chỉ trong hai năm. Kết quả là chúng tôi có gấp đôi số tiền chỉ trong hai năm sau đó. Bây giờ chúng tôi có khả năng để đầu tư ở một cấp độ cao hơn.

Chúa Giê-su nói rằng khi chúng ta đầu tư trong Vương quốc Chúa, chúng ta “sẽ được trả lại nhiều lần trong sự sống này” (Lu-ca 18:29-30). Ngài không nói, “đời sau” nhưng “đời này.” Lisa và tôi hồi hộp khi đầu tư vào hai miếng đất, nhưng những gì Chúa Giê-su nói là ở một cấp độ khác; có một sự khác biệt lớn giữa gấp đôi nhiều lần hơn. Tiềm năng của một khoản đầu tư mà đã nhân cấp nhiều lần hơn là gì? Cuộc đời của Mike là một lời chứng cho lẽ thật này.

Sứ đồ Phao-lô so sánh sự dâng hiến của chúng ta với việc gieo hạt giống. Dù nó thay đổi phụ thuộc vào điều kiện, nhưng trung bình thì một hạt lúa mì, nếu không ăn mà được đầu tư vào đất, sẽ sản sinh hơn một trăm hạt lúa mì. Điều này thuộc vào phạm trù “nhiều lần hơn.” Đây là lý do chúng ta được bảo, “Người ban cho rộng rãi lại càng giàu có, nhưng kẻ quá keo kiệt thì vẫn thiếu thốn.” (Châm Ngôn 11:24). Liên quan tới sự dâng hiến, Sa-lô-môn, Chúa Giê-su và Phao-lô sẽ không nhấn mạnh lẽ thật này nếu các tín hữu muốn né tránh tư tưởng về sự thêm lên và sự nhân cấp.

Hầu hết mọi người sẽ xem quyết định của Mike sống nhờ vào 10 đến 15 thu nhập của anh hoàn toàn là một sự hy sinh của tình yêu thương; tuy nhiên, Mike nhìn thấy bức tranh rộng hơn. Vì anh được đầy dẫy sự khôn ngoan của Chúa từ việc làm cho tâm hồn anh được ngập tràn với hai ngàn câu Kinh Thánh thuộc lòng, anh không chỉ nhìn nó như một hành động của tình yêu thương, anh còn nhìn thấy khía cạnh đầu tư.

Anh cũng có cái nhìn tương tự giống như tôi và Lisa xem hai miếng đất. Cách anh tiếp cận không khác biệt với một gia đình sở hữu một nhà hàng làm ăn thành công. Thay vì tiêu dùng tất cả các lợi nhuận cho cá nhân, gia đình trích phần trăm lợi tức phù hợp để mua thêm các tòa nhà, thuê thêm nhân sự, mua thêm thức ăn và bất cứ điều gì khác cần thiết để phát triển kinh doanh. Nếu điều này được thực hiện tốt, cuối cùng họ có thể có năm nhà hàng và cuối cùng tạo ra thu nhập gấp năm lần. Kết quả: họ có khả năng để trở thành một nguồn phước cho nhiều người hơn so với việc nếu họ chỉ sở hữu một nhà hàng.

Nếu anh xem việc đó là một điều gì đó khác chứ không phải là một sự đầu tư thì Mike sẽ không đạt đến mức hiểu biết về ý nghĩ sâu sắc hơn của sự dâng hiến. Đây chính xác là điều mà dụ ngôn về các ta-lâng nói đến. Hãy xem các lời của Chúa Giê-su: “Người đầy tớ đã nhận năm nén bạc lập tức đi kinh doanh [đầu tư] và làm lợi được năm nén bạc nữa.” Cụ thể Ngài dùng từ đầu tư để minh họa cách người đầy tớ đã nhân cấp.

MỘT DỤ NGÔN KHÁC VỀ SỰ NHÂN CẤP

Chúng ta hãy nhìn một dụ ngôn khác mà Chúa Giê-su đã dùng để minh họa sự nhân cấp:

“Vì lúc ấy, Đức Giê-su tới gần Giê-ru-sa-lem và dân chúng tưởng Nước Chúa sắp xuất hiện đến nơi…” (Lu-ca 19:11).

Tôi thích cách dụ ngôn này được giới thiệu. Dân chúng mong đợi Chúa Giê-su thiết lập vương quốc và giải cứu họ khỏi sự áp bức và cai trị của La Mã. Ngài chấn chỉnh lối suy nghĩ của họ bằng cách cho họ một cái nhìn đúng đắn – Ngài mong muốn chúng ta xây dựng vương quốc sau khi Ngài rời đi. Nhưng điều này sẽ được thực hiện thế nào? Qua việc đầu tư. Hãy lắng nghe câu chuyện:

“Một thái tử đi phương xa để được phong vương rồi mới về nước. Ông gọi mười đầy tớ đến, giao cho họ mười nén bạc và bảo: ‘Hãy kinh doanh (đầu tư) cho đến khi ta về!’” (Lu-ca 19:12-13)

Như trong câu chuyện của Ma-thi-ơ, Ngài bảo chúng ta hãy “đầu tư.” Chúng ta không được lười biếng với những gì chúng ta đã được giao phó, mà phải làm việc siêng năng và thông minh.

Dù hai dụ ngôn này có vẻ giống nhau nhưng nó khác biệt. Chúng ta hãy xem điều gì khác biệt giữa hai dụ ngôn. Trước tiên, Ma-thi-ơ nói về ba đầy tớ, trong khi Lu-ca nói rõ mười đầy tớ. Thứ hai, trong câu chuyện của Ma-thi-ơ, mỗi đầy tớ được giao các số lượng khác nhau, nhưng trong dụ ngôn này thì mỗi người được giao số lượng bằng nhau – “một nén bạc.” Thứ ba, trong câu chuyện của Ma-thi-ơ, một phần chia không chỉ là một nén mà là một túi chứa bảy mươi lăm nén bạc. So sánh hai câu chuyện, tôi tin câu chuyện của Ma-thi-ơ nói về các ân tứ, không được phân phát đều, trong khi câu chuyện của Lu-ca mô tả những gì Chúa ban đồng đều cho mỗi tín hữu – đức tin nền tảng, tình yêu của Chúa, Lời Chúa, các phước hạnh trong giao ước và vân vân. Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản là giống nhau: Chúng ta hãy tiếp tục câu chuyện:

Sau khi thụ phong, tân vương quay về, cho gọi những đầy tớ đã được giao bạc đến, để xem mỗi người làm lợi được bao nhiêu. Đầy tớ thứ nhất đến thưa: ‘Thưa, nén bạc của ngài sinh lợi được mười nén.’ Vua khen: ‘Được lắm, đầy tớ giỏi của ta. Vì ngươi trung tín trong việc nhỏ nên ngươi sẽ được quản trị mười thành.’ (Lu-ca 19:15-17)

Có vài điểm cần nhấn mạnh. Trước tiên, người đầy tớ đã đầu tư những gì được giao cho anh ta. Thứ hai, anh đã làm việc siêng năng và thông minh, kết quả là sự nhân cấp mười lần. Làm việc thông minh là đồng điệu với sự khôn ngoan của Chúa và điều này chỉ xảy ra bằng cách lắng nghe sự cố vấn của Chúa như bạn của tôi là Mike đã làm. Thứ ba, một lần nữa sự nhân cấp được quy cho nguyên do trực tiếp là sự trung tín. Không có hành động hay đức hạnh khác nào được đề cập, vì trong mắt của Chúa thì trung tín là nhân cấp. Cuối cùng, phần thưởng đời đời của người đầy tớ là cân xứng với sự nhân cấp của anh ta – người đầy tớ đầu tiên này đã được giao quản trị mười thành.

Bây giờ chúng ta hãy xem đầy tớ thứ hai:

“Đầy tớ thứ hai đến trình: ‘Thưa, nén bạc của ngài sinh lợi được năm nén. Vua đáp: ‘Ngươi sẽ được quản trị năm thành!” (Lu-ca 19:18-19).

Người này đã không nhân cấp mười lần nhưng năm lần. Phần thưởng đời đời của anh ta đã phản ánh mức đầu tư của anh ta – năm thành, không phải mười thành. Tại sao anh ta không nhân cấp mười lần như người đầy tớ kia? Chẳng lẽ anh ta đã không nghe kỹ sự khôn ngoan của Chúa? Anh ta đã bỏ lỡ những cơ hội? Có phải anh đã xuống dốc trong những năm sau này, giống như Stan lên kế hoạch thực hiện như chúng ta thấy ở chương đầu tiên? Anh ta có nghĩ đến chuyện nghỉ hưu không?

Tôi đã giảng về sự nhân cấp trong một hội nghị lãnh đạo vài năm trước. Một trong những nhà phát triển bất động sản thương mại hàng đầu của bang California, người đã dâng hiến hàng triệu đô-la cho Nước Chúa, đã đến gặp tôi sau khi tôi giảng. Trông anh ta có vẻ trong tình trạng hơi bị sốc nhưng lại được soi sáng. Anh nói, “John, tôi đã sa sút khi nghĩ mình đã rất thành công. Đây đúng là lúc rất dễ bị rơi vào cám dỗ, nhưng bây giờ tôi đã thấy điều sai lầm. Để tiến về phía trước, tôi phải càng tập trung hơn và siêng năng để nhân cấp những gì Chúa đã ban cho tôi.” Có thể sự ăn năn thật của anh sẽ thay đổi hướng đi của anh từ một người nhân cấp năm lần thành một người nhân cấp mười lần.

Còn người đầy tớ thứ ba thì sao?

Một đầy tớ khác đến thưa: ‘Thưa, đây là nén bạc của ngài, con đã gói cất trong khăn, vì con sợ ngài; bởi ngài là người nghiêm ngặt, lấy những gì không đặt, lại gặt những gì không gieo!’ Vua phán: ‘Ta căn cứ vào lời ngươi mà xét xử ngươi, tên đầy tớ gian ác kia! Ngươi đã biết ta nghiêm ngặt, lấy những gì ta không đặt, lại gặt những gì ta không gieo, phải không? Thế sao ngươi không gửi bạc ta vào ngân hàng, để khi ta về, ta có thể thu lại cả vốn lẫn lời?’ (Lu-ca 19:20-23).

Như trong câu chuyện từ Ma-thi-ơ, người đầy tớ này có hai thiếu sót lớn. Trước tiên, anh ta sợ hãi và thứ hai, anh ta không biết bản tính của chủ. Câu chuyện này một lần nữa cho biết rằng việc giữ lại điều Chúa ban cho chúng ta là không được gọi là trung tín mà là gian ác. Hãy để ý là vua đã la lên! Thái độ lười biếng khiến cho vua nổi giận và vua đã thể hiện sự giận dữ đó! Thật là nghiêm trọng khi bạn suy nghĩ về chuyện này.

Những gì xảy ra tiếp theo chỉ củng cố điều chúng ta đã kết luận từ câu chuyện của Ma-thi-ơ:

“Rồi vua ra lệnh cho các người hầu cận: ‘Hãy lấy nén bạc của nó mà cho người có mười nén.’ Họ tâu: ‘Thưa, người ấy đã có mười nén rồi!’ Vua phán: ‘Ta bảo cho các ngươi biết, ai đã có sẽ được cho thêm; nhưng ai không có sẽ bị lấy mất luôn điều gì họ có. Còn những tên chống nghịch, không muốn ta cai trị, hãy giải chúng đến đây mà xử tử trước mặt ta.’” (Lu-ca 19:24-26).

Một lần nữa, chúng ta thấy Chúa không phải là một Đấng Tạo Hóa lấy hết tài sản của con người mà Ngài nghĩ đến việc phân phát vốn liếng cho con người. Chúa Giê-su minh họa một cách sâu sắc rằng có những người ngoài cuộc phản đối vì người đầy tớ đầu tiên đã có mười nén bạc và chủ đã sửa sai lối suy nghĩ “phải công bằng chứ” của họ bằng lời tuyên bố, “Ai đầu tư tốt thì sẽ được cho thêm.” Và ngược lại, “Ai giữ lại thì ngay cả điều ít ỏi họ có cũng sẽ bị lấy đi.”

Nếu chúng ta không làm điều Mike đã làm thì đó là một thực tại vừa đáng kinh ngạc vừa đáng sợ, hãy dành nhiều thời gian trong Lời Chúa và trong sự thông công với Ngài, chúng ta rất dễ gạn lọc bản tính của Chúa qua môi trường mà chúng ta sống. Đó có thể là bộ lọc của xã hội, bộ lọc của Hollywood, bộ lọc của Instagram, bộ lọc của mạng xã hội, bộ lọc của người cha hà khắc, bộ lọc của tôn giáo hay bất cứ từng trải cuộc sống hay bộ lọc của não trạng xã hội mà chúng ta chứng kiến hay không ưa thích. Khi chúng ta biết Chúa và Lời Ngài cách mật thiết, chúng ta có thể nhận ra các bộ lọc sai lầm này.

TẤT CẢ ĐƯỢC KÊU GỌI ĐỂ DÂNG HIẾN

Mike có ân tứ dâng hiến, anh tối ưu trong việc đó. Tuy nhiên, tất cả chúng ta nên là người dâng hiến.

Để làm rõ, hãy để tôi so sánh điều này với sứ mạng đi khắp thế gian và giảng tin lành của Chúa Giê-su (xem Mác 16:15-16). Mạng lệnh này được ban cho mỗi tín hữu. Tất cả chúng ta nên là các đại sứ và chia sẻ tin lành với những người hư mất. Điều này cũng được ghi lại trong các lời của Phao-lô: “Hãy làm công việc của một nhà truyền giảng” (2 Ti-mô-thê 4:5), nhắm đến tất cả các tín hữu.

Nhưng có một chức vụ độc nhất và ân tứ bổ sung gọi là nhà truyền giảng. Phao-lô viết, “Và Ngài ban cho……….một số người làm nhà truyền giảng.” (Ê-phê-sô 4:11). Không phải tất cả, nhưng một số người được kêu gọi để đứng trong chức vụ này. Ân tứ này tối ưu trong khả năng đem về một mùa gặt các linh hồn. Trong sách Công Vụ, Phi-líp – không phải tất cả tín hữu – được gọi là một nhà truyền giảng (Xem Công Vụ 21:8). Billy Graham, T.L Osborn và Reinhard Bonnke đều là những nhà truyền giảng được ơn. Với sự giúp đỡ của các đội ngũ của họ, họ đã chinh phục hàng chục triệu linh hồn. Họ đã nhân cấp ân tứ Chúa ban cho họ, không khác biệt với Mike và những người khác mà tôi đã đề cập.

Giống như họ, tất cả chúng ta được kêu gọi để dâng hiến, nhưng một số người có ân tứ dâng hiến. Họ tối ưu trong sự dâng hiến tài chính giống như nhà truyền giảng tối ưu trong việc chinh phục linh hồn. Sứ điệp của sách này tập trung vào việc nhân cấp các ân tứ Chúa ban. Tuy nhiên, vì sự dâng hiến tài chính là một khía cạnh cực kỳ quan trọng của sự nhân cấp, cho nên trong phần còn lại của chương này tôi muốn tập trung vào điều mà mỗi người trong chúng ta được kêu gọi để thực hiện – nhân cấp trong lĩnh vực dâng hiến tài chính.

Trong bốn mươi năm chức vụ của tôi, tôi đã chứng kiến có hai cực đoan khi nói đến tài chính và sự dâng hiến. Những cực đoan này ảnh hưởng rất nhiều người trong hội thánh, tôi thật lòng hy vọng điều này sẽ thay đổi. Trước tiên, có những người cho đi chỉ để nhận; họ muốn nhiều hơn vì những lý do ích kỷ. Nếu chúng ta khách quan và gọi đúng tên gọi của nó thì có một từ để xác định động cơ này, đó là sự tham lam.

Thật đáng buồn, lối suy nghĩ sai lầm này đã sinh ra cực đoan kia. Nó chủ yếu xảy ra với những người không muốn nghiên cứu toàn bộ chỉ định của Lời Chúa, theo cách Mike đã làm. Họ khinh thường bất cứ sự dạy dỗ nào xây dựng đức tin của dân sự về sự dâng hiến tài chính. Thái độ này thậm chí có thể đi đến cực đoan là giận dữ với bất cứ sự giảng dạy nào liên quan tới sự dâng hiến. Về cơ bản, sự biện hộ cho quan điểm này đã ngăn trở chính hiệu năng của họ cũng như của những người lắng nghe họ. Hậu quả là công việc chung của tin lành bị kìm hãm.

Sau khi đến với Chúa Giê-su, Lisa và tôi là các thành viên của một hội thánh dạy dỗ bao quát về sự dâng hiến. Đó là vào những năm 1980, vào thời điểm đó, nhiều người tập trung vào bản thân nhiều hơn là tập trung vào truyền giáo. Dù sự dạy dỗ của hội thánh chúng tôi là gần chuẩn xác, do thiếu nhân cách nên nhiều người ban cho xuất phát từ động cơ để nhận được nhà lầu, xe hơi, được đi nghỉ mát ở nơi sang trọng và nhiều “ham muốn” khác chiều theo bản ngã. Trọng tâm không khác những gì mà nhiều người không tin theo đuổi, ngoại trừ nó có một công thức của Kinh Thánh. Lisa và tôi biết ngay từ đầu là điều gì đó không quân bình, nhưng chúng tôi không thể biết rõ vấn đề nằm ở đâu.

Thành thật thì sau khi ở trong môi trường này, cần sự thanh tẩy và trưởng thành để Lisa và tôi coi sự dâng hiến theo một ánh sáng lành mạnh. Cuối cùng lãnh đạo hội thánh đã không chịu nổi sự cám dỗ và đã đánh mất tất cả. Sau khi nhìn thấy hậu quả đó, rất dễ để chúng tôi bị cám dỗ rơi vào cực đoan khác, nhưng chúng tôi cam kết tin Lời Chúa hơn là tin kinh nghiệm.

Một sự gặp gỡ siêu nhiên xảy ra vài năm sau khi chúng tôi được chính hội thánh này sai vào chức vụ của chúng tôi. Tôi ở trong một buổi nhóm, chuẩn bị để giảng thì Thánh Linh hỏi tôi, “Con trai, con có biết linh tôn giáo là gì không?”

Tôi đã đọc, nghe người khác giảng và thậm chí viết về lối suy nghĩ tôn giáo, nhưng khi Ngài hỏi tôi lập tức nhận ra có điều gì đó tôi không hiểu. Tôi đáp, “Chắc chắn là con không biết. Còn không thì Ngài sẽ không hỏi con. Nó là như thế nào ạ?”

Tôi nghe Thánh Linh trả lời, “Linh tôn giáo là một người dùng lời của Ta để thực hiện ý muốn riêng của họ. Người này không thực hiện những sự chỉ dẫn của Ta và những ước muốn của lòng Ta không phải là ưu tiên hàng đầu. Người này áp dụng Lời Ta vì lợi riêng.”

Những lời này là chất xúc tác cho những điều chỉnh cần thiết trong lòng tôi do ở môi trường thuộc linh không lành mạnh trước đây. Sứ điệp từ Thánh Linh tiết lộ rằng chúng ta có thể dâng hiến và thậm chí gặt các lợi ích, nhưng nó có thể được thực hiện với ý định sai trật. Các quy luật của Chúa đều ích lợi ngay cả khi động cơ không đúng đắn.

Vì sứ đồ Phao-lô dùng việc gieo trồng liên quan tới sự dâng hiến, hãy để tôi làm tương tự. Một người nông dân có thể gieo các hạt giống vì một mục đích: để tích trữ tất cả mùa màng của anh ta. Anh ta không thể dùng hết thực phẩm, anh xây dựng các tháp lớn hơn để chứa và anh ta tự nhủ, “Ta sẽ bảo linh hồn ta: ‘Linh hồn ơi, ngươi đã có lắm của cải tích trữ cho nhiều năm. Vậy hãy nghỉ ngơi, ăn uống và hưởng lạc đi!’” (Lu-ca 12:19).

Chúa trả lời anh ta, “Hỡi kẻ khờ dại!” (câu 20). Nguyên tắc của việc gieo và gặt mang lại hiệu quả cho người nông dân này, cho dù như Chúa Giê-su đã chỉ ra, anh ta là người tham lam.

Mặt khác, một người nông dân khác muốn giúp đỡ và nuôi dân chúng. Anh sẽ kinh nghiệm mùa gặt tương tự như người nông dân đầu tiên, nhưng phản ứng của anh ta là khác biệt. Anh ta tự nhủ, “Chà, không chỉ mình ăn nhưng bây giờ mình có thể giúp đỡ cộng đồng của mình mạnh mẽ và khỏe mạnh hơn! Mình có thể hào phóng!”

Quy luật gieo và gặt hiệu quả ngang bằng cho cả hai. Thật là nực cười khi mọi người ngừng gieo trồng và thu hoạch vì động cơ tham lam của người đàn ông đầu tiên. Thế nhưng, đây là điều nhiều tín đồ đã làm trong lĩnh vực dâng hiến vào Nước Chúa.

Chúng ta hãy đi sâu hơn vào lời của Phao-lô. Ông bắt đầu nói;

“Vì vậy, tôi nghĩ cần phải nhờ các anh em kia đến với anh chị em trước chúng tôi để chuẩn bị sẵn sàng công việc từ thiện mà anh chị em đã hứa. Như thế món quà lạc quyên sẽ sẵn sàng do từ tâm chứ không phải bị ép buộc.” (2 Cô-rinh-tô 9:5).

Không nghi ngờ gì, Phao-lô đang nói về một ân tứ tài chính hay dâng hiến. Ông tiếp tục dùng nguyên tắc gieo trồng để minh họa điều Chúa sẽ làm cho những người dâng hiến:

“Anh chị em nên nhớ điều này, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều.” (2 Cô-rinh-tô 9:6).

Nếu động cơ duy nhất của chúng ta trong việc dâng hiến là giúp đỡ người ta, vậy thì tại sao Phao-lô nói về mùa gặt mà chúng ta sẽ nhận từ sự dâng hiến? Có ước muốn thứ yếu, tức là sự nhân cấp, đặc biệt khi điều đó giúp thêm động lực và gia tăng ước muốn chính là xây dựng những cuộc đời cho Nước Chúa? Phải chăng Phao-lô đang huấn luyện các tân tín hữu tại hội thánh Cô-rinh-tô cách để nhân cấp hiệu năng của họ, như Chúa Giê-su đã làm trong dụ ngôn về các ta-lâng? Có phải Phao-lô đang cầu xin họ hãy động lòng trắc ẩn, nhưng cùng lúc cũng hãy đầu tư vì mục đích trở thành một nguồn phước lớn lao hơn? Tôi không nghĩ đây là động cơ riêng của Phao-lô, vì hãy xem cách ông nói tiếp:

Mỗi người nên quyên giúp tùy lòng đã định, không phải vì miễn cưỡng hay bị ép buộc. Vì Chúa yêu người hiến tặng một cách vui lòng. Chúa có thể ban cho anh chị em mọi ân phúc dồi dào để anh chị em luôn luôn được đầy đủ trong mọi sự lại còn dư dả để làm mọi việc lành. (2 Cô-rinh-tô 9:7-8)

Hãy để ý hai điều sẽ được thực hiện. Các nhu cầu cá nhân sẽ được đáp ứng, nhưng Phao-lô cũng nói cụ thể rằng sẽ có dư dả để làm mọi việc lành (chia sẻ với những người khác). Khả năng hào phóng của chúng ta được nhân cấp, bởi vì chúng ta đã đầu tư hay gieo hạt giống. Động cơ này được củng cố thêm:

Đấng đã cung cấp hạt giống dồi dào cho người gieo và bánh làm thực phẩm, cũng sẽ cung cấp và gia tăng hạt giống của anh chị em. Ngài cũng sẽ làm cho hoa quả công chính của anh chị em sinh sôi nảy nở thêm nhiều. Anh chị em được phong phú về mọi mặt để làm mọi việc từ thiện rộng rãi qua chúng tôi, nhờ thế mà nhiều người tạ ơn Chúa. (2 Cô-rinh-tô 9:10-11).

Phao-lô nói cụ thể rằng qua sự dâng hiến, Chúa sẽ gia tăng các tài sản của bạn. Điều này sẽ cho bạn khả năng để luôn luôn hào phóng. Lẽ thật này không chỉ dành cho những người được ban cho ơn dâng hiến tài chính, nhưng gắn liền với mỗi tín hữu. Nó là một quy luật thuộc linh mà Chúa đã thiết lập trước đây rất lâu.

Khi Lisa và tôi bắt đầu trong chức vụ, thu nhập của chúng tôi là 18000 đô-la mỗi năm. Chúng tôi chỉ vừa đủ trả các chi phí hàng tháng. Tôi nhớ Giáng Sinh đầu tiên của chúng tôi trong chức vụ. Chúng tôi phải lấy vài đô-la còn lại và mua đồ để làm thành những cái rổ quà nhỏ tự làm. Chúng tôi không có đủ tiền để mua bất cứ thứ gì khác.

Vài năm sau, mục sư của chúng tôi đã lấy một của dâng đặc biệt. Lisa và tôi muốn tham gia vào chuyến truyền giáo. Chúa đã phán với chúng tôi: “Hãy dâng 1000 đô-la.”

Trong thời gian hai năm trước thời điểm này, chúng tôi đã tiết kiệm và tiết kiệm để chúng tôi có thể trả trước cho một căn nhà nhỏ. Chúng tôi đã tích lũy 1800 đô-la; đó là tất cả những gì chúng tôi sở hữu, chúng tôi không có hưu trí, không có khoản đầu tư hay những khoản tiết kiệm khác để mà trông cậy. Nếu chúng tôi dâng số tiền này, chúng tôi sẽ chỉ còn sở hữu 800 đô-la. Có vẻ như các năm chúng tôi tiết kiệm sẽ tiêu tan khi dâng số tiền này. Và dường như sẽ mất nhiều năm nữa chúng tôi mới có đủ tiền để đặt cọc tiền nhà. Tuy nhiên, chúng tôi đã dâng hiến vì chúng tôi muốn góp phần ảnh hưởng những người khác. Chúng tôi cũng muốn hào phóng hơn. Từ Kinh Thánh, chúng tôi biết cách duy nhất chúng tôi có thể gia tăng khả năng dâng hiến là bằng cách nhân cấp số tiền ít ỏi mà chúng tôi có.

Khi nhiều năm trôi qua, chúng tôi có khả năng để không chỉ tặng các giỏ quà, và còn dâng hiến hơn 1000 đô-la. Chỉ riêng năm nay thôi, chúng tôi đã có thể dâng cho truyền giáo năm mươi lần hơn số của dâng to lớn đầu tiên đó. Chúng tôi muốn ảnh hưởng nhiều cuộc đời hơn mỗi ngày. Chúa đã nhân cấp khả năng của chúng tôi và ban năng lực cho chúng tôi để rời rộng. Bản dịch Mới diễn tả lẽ thật này rất hay:

Đấng đã cung cấp hạt giống dồi dào cho người gieo và bánh làm thực phẩm, cũng sẽ cung cấp và gia tăng hạt giống của anh chị em. Ngài cũng sẽ làm cho hoa quả công chính của anh chị em sinh sôi nảy nở thêm nhiều. Anh chị em được phong phú về mọi mặt để làm mọi việc từ thiện rộng rãi qua chúng tôi, nhờ thế mà nhiều người tạ ơn Chúa. (2 Cô-rinh-tô 9:10-11).

Hãy để ý rằng Ngài rời rộng với chúng ta. Vì một mục đích, Ngài sẽ nhân cấp sự đầu tư của chúng ta trong việc xây dựng Nước Chúa, để sự rời rộng của chúng ta sẽ phát triển. Chúng ta xây dựng các tài khoản trên trời, nơi mối mọt và gỉ sét không thể làm hư hại, kẻ trộm cũng không thể đột nhập và ăn trộm, và chúng ta sẽ rút từ các tài khoản đó ở cuộc sống này. Vâng, có một phần thưởng đời đời, nhưng có một tài khoản chúng ta phát triển cho sự rời rộng trong đời này nữa. Phao-lô đã nói rất rõ điều này khi ông viết cho các tín hữu Phi-líp:

Ấy không phải tôi cầu mong quà biếu, nhưng cầu mong kết quả dồi dào cho tài khoản của anh chị em. (Phi-líp 4:17).

Giống như một số người có các tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và tài khoản đầu tư, tất cả tín hữu có một tài khoản trên trời. Tài khoản đó cho ta năng lực để nhân cấp hiệu năng của chúng ta trong việc xây dựng Nước Chúa trên đất này. Điều gì sẽ xảy ra nếu các tín hữu hiểu biết và tin vào quy luật thuộc linh này? Chúng ta sẽ chinh phục thế giới bằng tin lành nhanh hơn rất nhiều! Lý do kẻ thù của Nước Chúa nỗ lực tìm mọi cách để ngăn các tín hữu gieo những hạt giống tài chính chẳng phải là rõ ràng sao?

Lisa và tôi là bạn bè thân thiết với một cặp vợ chồng tên Phil và Dana, họ là những người dâng hiến rất nhiều. Họ dâng hiến cho Nước Chúa xấp xỉ 50 phần trăm thu nhập của họ. Mới gần đây, họ đã dâng 100000 đô-la cho một chức vụ để truyền giáo. Hai ngày sau, họ dâng cho một chức vụ khác 100000 đô-la cho công tác truyền giáo khác. Tôi biết điều này vì Messenger International là chức vụ thứ hai đó.

Phil đã bắt đầu việc kinh doanh của anh nhiều năm trước và nó hoạt động ở mức trung bình – không mấy tiến triển lắm. Tuy nhiên, hai mươi lăm năm trước, Phil và Dana có một kết ước với Chúa là họ sẽ dâng 250000 đô-la cho một chức vụ trong ba năm sau đó. Có vẻ như hoàn toàn không khả thi, nhưng họ muốn tạo không gian cho sự can thiệp của Chúa.

Việc kinh doanh của Phil phát đạt, nhưng anh không biết mọi việc diễn ra tốt đẹp như thế nào. Ba tháng sau, anh nhận ra là có thêm 250000 trong tài khoản. Vì thế, anh và Dana đã quyết định dâng theo sự hứa nguyện ngay lập tức, thay vì dâng rải rác trong ba năm. Anh nói với tôi, “John, đó là lúc các mức độ dâng hiến lạ lùng bắt đầu cho chúng tôi.”

Tương tự như Mike, họ đã cố cầm cự mà không bỏ cuộc. Họ tấn tới nên không dễ để thối lui; kết quả là tài khoản trên trời của họ đã được nới rộng đến mức mà họ chưa bao giờ mơ ước có thể. Há chẳng phải đây cũng là điều mà có sẵn cho bạn và tôi sao? Phao-lô nói dứt khoát với chúng ta:

Xin tôn vinh Chúa là Đấng dùng quyền năng tác động trong chúng ta, có thể thực hiện muôn phần hơn mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng. Ê-phê-sô 3:20

SỰ ĐỘT PHÁ

Tôi đã học hỏi qua nhiều năm chức vụ rằng chúng ta sẽ chịu thử thách trong cả ân tứ lẫn sự dâng hiến tài chính. Có thể có thời kỳ không có nhà xuất bản nào quan tâm tới việc nói chuyện với bạn về cuốn sách của bạn; đúng vậy, thời kỳ đó có thể kéo dài nhiều năm. Bạn cân nhắc dừng lại vì đã bỏ vào nhiều công sức và cuốn sách dường như chẳng đi đến đâu và bạn không thấy cách khả dĩ nào để thay đổi. Nhưng bạn tiếp tục trong sự vâng lời. Thình lình sự đột phá đến.

Hay bạn dâng hiến và dâng hiến nhưng không thấy gặt hái liền, và dường như tài chính của bạn quá eo hẹp để dâng thêm. Nhưng sau đó Chúa phán với bạn, như với Mike, và bạn vâng lời ngay cả khi nó dường như bất năng. Bạn chứng kiến một sự đột phá và bạn bước vào một lĩnh vực dâng hiến khác.

Thế nào là một sự đột phá? Dichtionary.com định nghĩa nó là “một hành động hay trường hợp dời đi hay vượt trên những trở ngại hay những giới hạn.” Hãy hình dung điều này:

Nước bị bức tường giới hạn. Nước tiếp tục dâng lên và bức tường vẫn là một sự giới hạn. Thình lình, các vết nứt bắt đầu xuất hiện trên bức tường; một thời gian ngắn sau đó, nước bất chợt chảy mạnh qua bức tường. Bây giờ giới hạn đã bị triệt tiêu và nước chảy tự do ở nơi nó bị giới hạn trước đó. Đó là một sự đột phá.

Vua Đa-vít tuyên bố, “Chúa đã dùng tay ta đánh tan quân thù như nước vỡ bờ…” (1Sử Ký 14:11). Nước dâng lên là một hình ảnh về sự vâng lời của chúng ta với lẽ thật và sau sự đột phá là nước chảy tự do, tiêu biểu cho sự kết quả hay sự dư dật.

Về những người bạn của chúng tôi Phil và Dana, sau khi họ dâng 100000 đô-la đầu tiên, Phil nói với tôi rằng việc kinh doanh của họ đã có một tuần kỷ lục và đã kiếm lại toàn bộ 100000 đô-la – và nhiều hơn – chỉ trong tuần đó. Sự đột phá là như vậy. Công việc đã không bắt đầu đối với họ theo cách này, nhưng họ dâng và cứ dâng dù chưa thấy ngay mùa gặt. Nhưng sau nhiều năm gieo liên tục, họ đã kinh nghiệm một sự đột phá và các mùa gặt gần như tới mau chóng như việc gieo vậy.

Đó là sự ứng nghiệm những lời của tiên tri A-mốt: “CHÚA phán: Trong những ngày đến, người cày ruộng sẽ đuổi kịp người gặt lúa, người ép nho sẽ đuổi kịp người gặt lúa, người ép nho sẽ đuổi kịp người gieo giống,” (A-mốt 9:13). Trong bản Hiệu Đính, lẽ thật được lột tả trong một hình ảnh đẹp đẽ:

Đức Giê-hô-va phán: “Này những ngày đến, người cày sẽ theo kịp kẻ gặt, người đạp nho theo kịp kẻ gieo giống. Các núi sẽ nhỏ rượu ngọt ra và mọi đồi sẽ tuôn chảy.”

Người gặt sẽ có mùa gặt quá dư dật đến nỗi người gieo sẽ bắt kịp anh ta.

Những người đạp nho sẽ ép nho của vụ trước trong khi những thợ cày bắt đầu công việc của họ cho năm tới! Nhưng bức tranh về kết quả thì thật nổi bật. Những thợ cày, thợ gặt và những người đạp nho đều có chung một ước ao là làm rượu. Hãy lắng nghe kết quả được công bố: “Rượu sẽ chảy ra liên tục; nó sẽ chẳng dừng lại, không còn những thời điểm son sẻ nữa” (Diễn ý của tác giả).

Có một chỗ mà liên quan đến ân tứ và sự dâng hiến tài chính của chúng ta trong đó chính việc đột phá này xảy ra. Nó đã xảy ra với Mike cũng như với Phil và Dana. Liên quan tới Messenger International, chúng tôi có vô số những lời chứng về những cuộc đời được thay đổi bởi các tài liệu mà chúng tôi đã gieo suốt nhiều năm. Những quả nho đang phát triển nhanh hơn tốc độ chúng được thu hoạch.

Nhiều người bỏ cuộc do chưa thấy sự đột phá. Họ đã bị choáng váng bởi nghịch cảnh hay thiếu đi những kết quả mong muốn. Lisa và tôi có thể dễ dàng quay sang lý luận và lí trí và bỏ qua tiếng nói của Thánh Linh. Chúng tôi cần ít nhất 5000 đô-la để đặt cọc cho một căn nhà chúng tôi rất cần. Phần lớn các căn hộ đẹp trong thành phố của chúng tôi là những cộng đồng chỉ dành cho người lớn, các em nhỏ không được phép. Chúng tôi có thể đã lý luận, “Trước tiên chúng ta hãy vào nhà trước cái đã, và sau đó chúng ta có thể tiết kiệm và dâng 1000 đô-la cho truyền giáo trong tương lai.” Chúng tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội hoàn hảo để đầu tư vào Nước Chúa và phát triển các tài liệu của chúng tôi.

Khía cạnh kỳ diệu của câu chuyện này đó là sáu tháng sau, chúng tôi đã có 5000 đô-la một cách kỳ diệu. Lisa nhận được một đống tiền từ tài khoản mà chúng tôi không biết do cha cô đã lập. Thêm nữa, hai cá nhân, không biết nhu cầu của chúng tôi, đã dâng cho chúng tôi 2000 đô-la. Chúng tôi đã ở trong căn nhà mới chưa tới một năm sau đó. Nó thật phi thường, thật tốt hơn nhiều cho đức tin và sự bền đỗ của chúng tôi khi thấy Ngài cung ứng ngay lúc dường như bất lực. Tôi không tin điều này sẽ xảy ra nếu chúng tôi giữ 1000 đô-la mà Thánh Linh bảo chúng tôi dâng hiến.

Khi nói về chủ đề này tới đây, thật khôn ngoan để đưa ra sự cảnh báo: Chúng ta không nên tự phụ. Ý tôi là gì? Chúng ta nên tìm sự mưu luận của Đối Tác thâm niên của chúng ta là Thánh Linh. Ngài nói với chúng ta, “Ta là Giê-hô-va Chúa ngươi, là Đấng dạy dỗ ngươi để ngươi được ích lợi, và dẫn ngươi vào con đường ngươi phải đi.” (Ê-sai 48:17).

Duy trì một lương tâm nhạy bén (đây là chỗ Thánh Linh soi sáng chúng ta) và vâng theo những gì Ngài bày tỏ cho chúng ta là quan trọng, vì Ngài là Đấng dẫn dắt chúng ta để ích lợi trong những sự đầu tư của Nước Chúa. Chúng tôi sẽ không được người khác dâng 1000 đô la nếu Ngài không thì thầm yêu cầu của Ngài trong lòng chúng tôi.

Một số tín hữu không thể lắng nghe lời phán của Chúa. Những người khác thì không thể nghe tiếng Chúa vì họ đã nói “không” quá nhiều lần. Lương tâm của họ không còn mềm mại nữa. Nếu đó là bạn, hãy ăn năn và xin Chúa tha thứ vì đã át đi tiếng Chúa. Sự nhạy bén của bạn sẽ trở lại ngay; Ngài rất nhanh tha thứ! Nhưng sau đó lắng nghe sự thôi thúc của Ngài và đừng để tiếng nói của lí trí bàn ra.