13 - Những Cản Trở Sự Nhân Cấp II

X - Gia Tăng Tiềm Năng Chúa Cho

Đăng vào: 11 tháng trước

.

13

Những Cản Trở Sự Nhân Cấp II

Bây giờ chúng ta sẵn sàng để giải thích câu nói thứ hai của tên đầy tớ lười biếng, “Tôi sợ hãi.” Sợ hãi đã khiến anh ta tê liệt. Tôi thích bản dịch The Message diễn tả các lời của tên đầy tớ thứ ba: “Tôi biết Ngài có những tiêu chuẩn cao quá…Ngài đòi hỏi điều tốt nhất và không cho phép phạm sai lầm.”

Điều này nhắc tôi nhớ một câu chuyện. Tôi chơi bóng rổ chính quy do hai huấn luyện viên dạy. Trong cả hai đội tôi là một hậu vệ ghi điểm, vì ném trúng rổ từ phạm vi một mét rưỡi đến vị trí có cú ném đạt 3 điểm là một trong số những điều ít ỏi trong môn thể thao này tôi có thể làm tốt.

Huấn luyện viên đầu tiên của tôi là người muốn điều tốt nhất nơi chúng tôi và ông dùng sự khích lệ và sự sửa sai để giúp chúng tôi đạt được điều đó. Tôi biết ông ủng hộ tôi, chứ không chống lại tôi. Tôi tự tin ném những cú ném từ khắp mặt sân. Niềm tin của ông về tôi đã tiếp sức cho sự tự tin đó.

Huấn luyện viên tiếp theo của tôi thì khác biệt. Trong những lời ông nói, ông hay nói ông là “người có những tiêu chuẩn cao và không cho phép sai lầm.” Khi tôi ném một cú ném và không trúng đích, huấn luyện viên sửa sai tôi gắt gao trong giờ giải lao tiếp theo, và thường thì không lâu sau đó tôi ngồi dự bị. Dưới sự huấn luyện của ông tôi không thể ném bóng tốt. Trong giờ tập riêng, khi ông không có mặt, từ khắp mặt sân tôi đều ném trúng rổ. Cũng là vận động viên và tài năng đó, nhưng tôi không thể ném banh hay khi ông có mặt.

Nếu bạn xem câu trả lời của tên đầy tớ trong câu Kinh Thánh trên, nhận thức của anh ta về chủ cũng chính là nhận thức của tôi về ông huấn luyện viên hay chỉ trích. Nhưng có một sự khác biệt lớn: Trong thực tế, chủ của tên đầy tớ chẳng hề giống huấn luyện viên thứ hai của tôi.

Tiếp tục điều chúng ta đã học ở chương trước, đây là lý do cực kỳ quan trọng chúng ta cần để thì giờ để biết Đức Chúa Trời. Ngài chẳng hề giống nhận thức của đầy tớ lười biếng gì cả. Đức Chúa Trời ở về phía chúng ta; Ngài tin nơi chúng ta và đặt tin tưởng vào chúng ta. Nếu chúng ta không nhìn Ngài theo cách đó, chúng ta dễ dàng phục dưới sợ hãi và các ân tứ của chúng ta sẽ bị chôn vùi.

Một khi xét hết mọi khía cạnh này rồi, bây giờ chúng ta chuyển sang một căn nguyên hoàn toàn khác biệt, dẫn tới việc không kết quả. Như đã nói ở chương trước, có những người thật sự biết Chúa nhưng vẫn vật lộn với nỗi sợ hãi hay thậm chí đầu hàng sợ hãi. Kinh Thánh có nói đến các lý do về chuyện này, và chúng ta sẽ mở rộng vấn đề này trong phần còn lại của chương này. Tuy nhiên, trước khi làm điều đó thì chúng ta có một số nhận xét sâu sắc về sự sợ hãi và các chủ đề liên quan:

Con người không nên sợ cái chết, mà nên sợ là chưa bao giờ bắt đầu sống.

Marcus Aurelius.

Đừng bao giờ sợ thử điều gì đó mới. Hãy nhớ rằng kẻ nghiệp dư đóng tàu Nô-ê, nhưng những người chuyên nghiệp thì đóng tàu Titanic.

Vô Danh

Sai lầm lớn nhất chúng ta phạm là sống trong sợ hãi liên tục rằng chúng ta sẽ phạm sai lầm.

– John C. Maxwell.

Một trong những khám phá vĩ đại nhất mà con người phát hiện ra, đó cũng là một trong những điều ngạc nhiên lớn nhất của con người đó là phát hiện thấy mình có thể làm điều mà mình sợ mình không thể làm.

Henry Ford

Chúng ta hãy bắt đầu sự bàn thảo bằng một câu tuyên bố về sự thật chắc chắn đó là : Trái với sự sợ hãi không lành mạnh là tình yêu thương của Chúa. Khi chúng ta yêu mến Chúa và yêu con người vô điều kiện, sợ hãi bị triệt tiêu. Như sứ đồ Giăng viết, “Tình yêu thương trọn vẹn xua đi mọi sợ hãi” (1 Giăng 4:18).

Liên quan tới lẽ thật này, tôi sẽ không bao giờ quên một sự gặp gỡ siêu nhiên với Thánh Linh tại San Diego. Tôi vừa mới kết thúc một buổi nhóm, ở một mình trong phòng và tranh chiến chống lại nỗi sợ về các con trai của chúng tôi. Tôi nghe nói có các mục sư có những đứa con chết một cách bi thảm; nào là bị điện giật, nào là chết do tai nạn xe hơi, nào là chết do dùng ma túy quá liều hay bị chết đuối và chết vì nhiều lý do khác. Tôi vừa mới nghe một bi kịch khác và tôi cố gắng loại bỏ những lo lắng đang áp chế tôi. Thình lình tôi nghe trong lòng mình, “Con trai, sợ hãi là một dấu chỉ. Nó chỉ phơi bày một lĩnh vực của đời sống con mà con chưa có dâng cho Ta; con vẫn sở hữu lĩnh vực đó của cuộc đời con.”

Những lời phán của Ngài khiến người tôi co lại. Tôi nhận ra mình đã mang một thứ mà tôi không thể nắm giữ. Chỉ trong giây lát khi nhận được sự soi sáng này tôi la lớn trong phòng, “Cha ơi, những người con trai này không phải là của con. Con chỉ là một quản gia những người con thuộc sở hữu của Ngài. Vì thế bất cứ điều gì Ngài mong muốn cho chúng là điều con muốn được thực hiện trong đời sống của chúng dù hoàn cảnh như thế nào. Ngài có thể đem chúng đi nửa vòng thế giới và rồi đem về thiên đàng khi Ngài chuẩn bị sẵn cho chúng, nhưng con dạn dĩ cầu xin cho chúng hoàn thành mọi điều Ngài tạo dựng chúng để thực hiện ở đời này.”

Sau đó tôi la lớn hơn nữa, “Nhưng hỡi ma quỷ, trong Danh Giê-su, ngươi sẽ không đụng tới các con ta! Ta tuyên bố chúng nó thuộc về Chúa và Ta ngăn cấm ngươi cướp, giết và hủy diệt những gì thuộc về Đức Chúa Trời!”

Một sự bình an ngập tràn đến trong lòng tôi, và từ đó tôi không bao giờ lo lắng về những người con trai của mình. Nếu sợ hãi có mon men trở lại, tôi nghiêm túc nói, “Ta đã phó việc chăm sóc những người con trai cho Chúa tại San Diego và ta sẽ không lấy lại.” Mỗi lần vậy, sợ hãi lập tức biến mất và sự bình an trở lại.

Sợ hãi là một tên đốc công khủng khiếp. Nó lén lút tìm cách đoạt được sự kiểm soát và một khi nó túm được bạn thì nó sẽ trấn át. Nếu không được xử lý đúng đắn, sau này nó sẽ thay đổi định mệnh của bạn. Nhưng đây là tin mừng; sợ hãi có thể bị đánh bại nhưng nó phải được xử lý đúng cách.

ĐỂ Ý ĐẾN ÂN TỨ CỦA BẠN

Phao-lô đã viết hai lá thư cho “con trai thuộc linh” của ông là Ti-mô-thê. Trong cả hai thư, ông nói về sự thật rằng ân tứ (charisma) của Ti-mô-thê đã bị bỏ lơ và không kích hoạt. Chúng ta hãy xác định ý quan trọng này trước; Ti-mô-thê là người tin kính. Phao-lô đã khoe về nhân cách đã được rèn thử và đức tin chân thật của cậu ta qua các thư tín. Chắc chắn Ti-mô-thê không bị kể là loại người bị nỗi sợ làm cho tê liệt do không biết bản tính của Chúa. Thư tín đầu tiên của Phao-lô nói, “Đừng quên, cũng đừng coi thường ân tứ con đang có…” (1 Ti-mô-thê 4:14).

Từ bỏ lơ là từ ameleo trong tiếng Hy Lạp. Có hai từ định nghĩa từ này là “coi thường hay xem nhẹ.” Một nguồn khác định nghĩa từ này là “không suy nghĩ tới, vì thế không đáp ứng một cách phù hợp – ‘không để ý tới.’”

Tại sao Ti-mô-thê – hay bất cứ ai trong chúng ta – xem nhẹ và không để ý tới ân tứ Chúa ban, và trong trường hợp cực đoan, chúng ta thậm chí không suy nghĩ về nó? Đây có thể là một lý do:

Vì nó xảy ra hay không mang lại kết quả theo như chúng ta mong đợi.

Ý tưởng xảy ra thế này, Mình đã thử rồi và nó không mang lại kết quả. Tôi từng thường bị cám dỗ để suy nghĩ theo cách này trong những năm tôi ở tuổi hai mươi và vào đầu những năm ba mươi tuổi. Như tôi đã viết, việc này xảy đến một lần khi Li-sa và bạn của cô ngủ gục lúc tôi chia sẻ sứ điệp. Tôi đã có suy nghĩ này: Ai lại muốn lắng nghe mình trong khi những người gần gũi mình nhất còn ngủ gục chứ?

Cùng khoảng thời gian đó, một thực tế khác đã làm gia tăng sự tranh chiến của tôi với những suy nghĩ thất bại. Đó là lúc tôi và một người bạn đang dạy Kinh Thánh tại một lớp Trường Chúa Nhật. Lớp anh ta có hơn hai trăm người dự – chỉ tính số người ngồi thôi. Trong cùng khoảng thời gian đó, số người dự trung bình lớp tôi dạy là xấp xỉ hai mươi người. Thực tế là có một lớp khác tôi dạy vào thời điểm đó chỉ có một người học.

Rồi cũng có nhiều lần khác, không thể kể hết ra đây được, tôi bị cám dỗ để thắc mắc các ân tứ của mình. Bây giờ tôi nhận ra nếu trước đây tôi đầu hàng những suy nghĩ về việc mình không được thỏa nguyện và về việc mình đã thất bại thì tôi chắc đã bỏ chức vụ và đeo đuổi một con đường khác – cuối cùng tôi sẽ đâm ra khổ sở vì đã bỏ đi ơn gọi trên cuộc đời tôi.

Một lý do khác chúng ta xem nhẹ và không để ý tới ân tứ Đức Chúa Trời ban cho là:

Sự chỉ trích của những người khác:

Rõ ràng là tôi đã bị cám dỗ rất nhiều để ngừng viết sách sau khi bản thảo đầu tiên bị khước từ, bị chỉ trích bởi người biên tập và rồi sau đó là nhà xuất bản. Sau đó, ngay sau khi tôi tự xuất bản cuốn sách của mình, một người bạn có những nhận xét chê bai về phong cách viết của tôi. Sau khi tôi nghe những nhận xét này, chiều hôm đó tôi đã nằm xuống sàn phòng khách, không nhúc nhích trong hai ba mươi phút, nhìn chằm chằm vào trần nhà, cảm giác ngã lòng ngập tràn tôi. Tôi thắc mắc liệu tôi có lãng phí cả một năm trời và tốn rất nhiều tiền bạc cho cuốn sách đó không! Tôi nghĩ, người biên tập đầu tiên, các nhà xuất bản, bây giờ bạn bè cũng đều phê bình nó. Tỉnh ra đi John! Tại sao ngươi không thể thừa nhận nó không có ích lợi và ngươi đã thất bại?

Nếu tôi chịu phục những suy nghĩ đó và những nhận xét tiêu cực kia thì tôi đã không viết cuốn sách thứ hai và nó cũng có vẻ như là một thất bại. Tôi nhớ đã gửi sách cho cựu giáo sư trường Kinh Thánh của tôi và bà cũng chỉ trích gay gắt – tôi càng tuyệt vọng hơn! Đã hai năm rưỡi rồi và không cuốn sách nào có được thu hút.

Nói chung bất cứ lúc nào nếu tôi nghe theo sự chỉ trích của những người khác và chìu theo những suy nghĩ chán nản của bản thân thì rất dễ tôi đã bỏ cuộc rồi và tôi sẽ không viết cuốn sách thứ ba. Tất nhiên, cuốn thứ ba là Mồi Satan.

Một lý do khác chúng ta xem nhẹ và không để ý tới ân tứ Đức Chúa Trời ban:

Sợ Thất Bại

Đây là một thực tế oái ăm của nỗi sợ này: Chúng ta mong thất bại trước khi chúng ta bắt đầu, vì thế chúng ta bảo vệ bản thân bằng cách không cố nỗ lực! Chúng ta suy nghĩ, Sao phải thử nếu nó không hiệu quả? Bao nhiêu ước mơ và khải tượng đã bị phá ngang do sợ thất bại? Thật bi kịch khi các ân tứ Chúa ban bị lãng phí giống như cách của tên đầy tớ lười biếng kia.

Liên quan tới điều mà nỗi sợ thất bại sinh ra, Myles Mun-roe đã viết trong cuốn sách Maximizing Your Potential của ông:

Nghĩa trang là nơi giàu có nhất trên quả đất, vì ở đây bạn sẽ tìm thấy tất cả hy vọng và ước mơ mà chưa bao giờ được hoàn thành, những cuốn sách chưa bao giờ được viết ra, những bài ca chưa bao giờ được hát lên, những phát minh chưa bao giờ được chia sẻ, những cách điều trị chưa bao giờ được khám phá, tất cả là vì ai đó đã quá sợ hãi để đi bước đầu tiên đó.

Đồng lòng với Myles, lời động viên mạnh mẽ của tôi là: Đừng cho phép các ân tứ Chúa ban bị kìm hãm và không được biểu lộ trong đời sống bạn.

Điều tôi sẽ nói tiếp theo đây có thể làm bạn ngạc nhiên, vì tất cả chúng ta đều đánh giá cao Ti-mô-thê. Nhưng trong các lá thư của Phao-lô, chúng ta biết rằng Ti-mô-thê đang đi theo hướng của tên đầy tớ lười biếng! Ân tứ Chúa ban cho ông không hoạt động và ông không để ý đến nó. May là ông có một người cha tốt trong đức tin, là người không cho phép ông tiếp tục trong tình trạng này.

Trong lá thư thứ hai Phao-lô viết cho “con trai” của mình, ông không lãng phí thời gian và nói liền về vấn đề này: “Vì lý do đó, ta nhắc con khơi dậy ân tứ Đức Chúa Trời ban cho con khi ta đặt tay trên con.” (2 Ti-mô-thê 1:6). Chữ “khơi dậy” trong tiếng Hy Lạp chỉ là một từ, anazopureo, được định nghĩa là “nhen lại lửa.” Nhưng Greek-English Lexicon truyền đạt ý nghĩa của từ này còn đầy đủ hơn. Nó định nghĩa thế này, “khiến cho điều gì đó bắt đầu lại – “kích hoạt lại.”” Ân tứ của Chúa trong Ti-mô-thê không hoạt động và cần được tái khởi động lần nữa. Vậy tình trạng không hoạt động đó đã xảy ra thế nào? Phao-lô giải thích nguyên nhân ngay trong câu tiếp theo:

Vì Thánh Linh Đức Chúa Trời ban cho chúng ta không làm cho chúng ta nhút nhát, nhưng trái lại, Thánh Linh Ngài khiến chúng ta nên mạnh mẽ, giàu tình thương và biết tự chủ. (2Ti-mô-thê 1:7)

Từ Hy Lạp nói về sợ hãi là deilia, được dịch chính xác nhất là “nhút nhát.” Phao-lô đang nói, “Hỡi Ti-mô-thê, ân tứ Chúa ban cho con đã ngủ yên do con có tinh thần nhút nhát.” Hay nói rõ hơn, “Hỡi Ti-mô-thê, ân tứ Chúa ban cho con không hoạt động do có linh hăm dọa.”

Đây là một từ chúng ta có thể dễ dàng liên hệ. Sự hăm dọa nghĩa là bị sợ hãi làm nhụt chí để không hành động. Nhưng khía cạnh quan trọng hơn là căn nguyên sau cùng của sự hăm dọa là tà linh. Đây là một thế lực thuộc linh, và nếu chúng ta không xử lý sợ hãi ở mức độ thuộc linh thì căn nguyên của nó không bị cắt đứt hoàn toàn.

TÔI CHIẾN ĐẤU VỚI SỰ HÙ DỌA

Tôi biết về tất cả điều này vì tôi đã chiến đấu với linh này trong nhiều năm. Tôi từng cho rằng đó là một điểm yếu trong cá tính của tôi. Nhưng trong rất nhiều buổi nhóm vào những năm đầu thập niên 90, tôi khám phá rằng tôi hoàn toàn đánh giá sai. Các buổi nhóm này được lên lịch kéo dài chỉ bốn ngày trong một hội thánh ở một thị trấn nhỏ, nhưng thay vào đó buổi nhóm đã trở thành một sự vận hành của Chúa suốt ba tuần lễ. Mỗi đêm thính đường chật ních người, nhiều người được cứu, được chữa lành và được giải cứu. Ân tứ giảng của Chúa trong đời sống tôi vận hành ở mức cao. Điều này thật phi thường. Người ta đã đi rất xa để tham dự các buổi nhóm này hằng đêm. Tôi nhớ rõ mình bước vào ngôi nhà thờ vắng tanh người lúc ban ngày nhưng cảm giác như thể sự hiện diện của Chúa đã ngự trong tòa nhà đó.

Nhưng một buổi tối trong tuần cuối, tất cả điều này đã thay đổi. Một số người hướng dẫn thờ phượng đã phê bình chức vụ của tôi vào đêm trước. Những gì họ nói đã được một trong các lãnh đạo hội thánh kể lại cho tôi ngay trước giờ nhóm. Những nhận xét dường như có chủ ý nhưng cũng không hề hấn gì. Tuy nhiên, tôi cứ suy nghĩ về những lời nhận xét của họ. Sự tập trung vào buổi nhóm sắp tới đã chuyển sang vào những lời phê bình sứ điệp từ buổi tối hôm trước. Mục sư đã bác những nhận xét của họ; chúng tôi đã cầu nguyện và đi đến nhà thờ như chúng tôi đã làm cho các buổi nhóm trước.

Đêm đó mọi thứ dường như khô hạn. Tôi cố gắng giảng như đã làm hai tuần trước đó, nhưng tôi quá bối rối, không thể vừa giữ bình tĩnh vừa cảm thấy bị chỉ trích trên bục giảng. Tôi muốn trốn ra ngoài cửa sau! Tôi cảm thấy không có năng quyền, giống như một cậu học sinh đã thất bại thảm hại khi trình bày bài học trước các học sinh khác. Không có sự xức dầu; không có sự hiện diện của Chúa ở trên tôi. Điều này thật kinh khủng. Tôi kết thúc sớm buổi nhóm và trở lại nơi tôi ở.

Tôi thấy mình bực bội với Chúa. Tại sao Ngài không giúp đỡ tôi? Tại sao buổi nhóm này lại quá khác biệt? Tại sao tôi cảm thấy bị bỏ rơi? Tôi nghĩ, Sứ điệp hôm đó và thời gian chia sẻ thật thê thảm. Không ai sẽ trở lại vào tối mai. Thực tế là tôi không muốn quay lại vào ngày mai.

Tôi đi ngủ với hy vọng ngày hôm sau sẽ khác biệt.

Sáng tiếp theo, tôi thức dậy, lòng nặng nề, cảm thấy chán nản và thất vọng. Tôi cố cầu nguyện nhưng không kết quả. Sự lo lắng về những chuyện trục trặc đó bắt đầu gia tăng. Chiều hôm đó, tôi để ba tiếng trong sự cầu nguyện. Tôi chiến đấu với những suy nghĩ thất bại suốt quãng thời gian đó. Tôi cố gồng mình để vượt qua sự nặng nề đó và chuẩn bị tinh thần cho buổi nhóm sắp tới.

Đêm đó trong nhà thờ, sự thờ phượng cũng khô hạn như đêm hôm trước và tôi cảm thấy tôi không có gì để chia sẻ. Một lần nữa, tôi muốn trốn ra ngoài cửa sau. Khi được giới thiệu, tôi đứng dậy và hơi lúng túng vài phút. Tôi không thể giữ bình tĩnh. Giây phút đó tôi nghe một tiếng nói trong đầu tôi nói, “Tại sao ngươi lại nói điều đó? Ngươi sẽ đi đâu với sứ điệp này? Ngươi thật thảm bại!”

Lúc đó tôi đầu hàng. Tôi bất ngờ thốt ra trước mặt sáu trăm người, “Tôi không biết điều gì sai trật, nhưng hai đêm qua không có ổn lắm. Quý vị vui lòng đứng dậy và cầu nguyện với tôi được không?”

Khi tất cả chúng tôi cầu nguyện, Chúa phán với tôi – lần đầu tiên tôi nghe tiếng của Ngài trong hơn hai mươi bốn giờ. Ngài nhắc tôi về điều Phao-lô viết trong 2Ti-mô-thê 1:7 và nói, “Con trai, con bị đội thờ phượng phía sau con làm cho sợ hãi. Hãy bẻ gãy linh sợ hãi và nói ra điều Ta ban cho con.”

Tôi làm những gì Ngài nói và một sứ điệp can đảm từ câu Kinh Thánh này lập tức được ban ra. Đó là buổi nhóm quyền năng nhất trong tất cả hai mươi mốt buổi nhóm. Hai mươi lăm phần trăm những người có mặt tiến lên phía trước, thừa nhận họ cũng đã chiến đấu với nỗi sợ hãi. Các lối đi chật ních những người tìm kiếm sự cầu nguyện để được sự tự do.

Mục sư hồi âm lại cho tôi sau đó vài tuần để báo cáo kết quả của buổi nhóm. Những người hướng dẫn mà đã có những sự nhận xét thất thiệt về tôi đang sống trong tội lỗi – ngoại tình, gian dâm và say xỉn. Tất cả những điều đó đã được tiết lộ trong những tuần tiếp theo, và tất cả họ đã bỏ hội thánh, ngoại trừ một người. Mục sư báo cáo rằng từ lúc đó, đội thờ phượng của ông chưa bao giờ hiệp một và hiệu quả như thế. Đó là một kinh nghiệm sống động và mang lại sự thay đổi cho chức vụ tôi.

Đối với tôi, việc này đã chấm dứt nhiều năm tranh chiến với việc trầm cảm và việc nỗ lực tổ chức những buổi nhóm mà không kích hoạt ân tứ Chúa đã ban cho tôi.

Khám phá quan trọng nhất là học biết rằng chúng ta cần phải nói thẳng với linh sợ hãi – giống như Chúa Giê-su nói Lời Chúa trực tiếp với satan trong những cơn cám dỗ ở sa mạc. Chúa Giê-su không xin Đức Chúa Trời giảm bớt những sự tấn công; chính Ngài nói thẳng với ma quỷ một cách kiên quyết và rõ ràng.

THAY THẾ Ê-LI

Tôi khích lệ bạn đọc 1Các Vua 17-19. Bạn sẽ thấy một kinh nghiệm đối diện với nỗi sự hãi, tương tự như kinh nghiệm của tôi, của Ê-li với hoàng hậu Giê-sa-bên của dân Y-sơ-ra-ên.

Vị tiên tri vĩ đại này đã dạn dĩ đối đầu với dân Y-sơ-ra-ên trên núi Cạt-mên – sự chống đối của 850 tiên tri giả, với vua A-háp và với những thành viên của hoàng gia. Trước toàn thể dân chúng, Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của Ê-li bằng lửa một cách siêu nhiên. Ê-li thậm chí còn bảo dân chúng hành quyết tất cả các tiên tri giả. Ê-li vận hành cách quyền năng trong ân tứ của ông! Sau đó ông cầu nguyện và việc hạn hán suốt ba năm rưỡi đã chấm dứt. Hơn cả thế, ông còn chạy nhanh hơn xe ngựa! Tất cả những điều này xảy ra trong một ngày! Một ngày chức vụ tuyệt vời!

Nhưng trước khi mặt trời lặn, Giê-sa-bên nghe những gì đã diễn ra, và cuộc chiến thật bắt đầu:

Giê-sa-bên bèn sai một sứ giả đến nói với Ê-li rằng: “Nguyện các thần phạt ta cách nặng nề, nếu giờ này ngày mai, ta không khiến mạng ngươi giống như mạng một người trong các tiên tri ngươi đã giết. (1 Các Vua 19:2)

Trước khi chú giải về lời đe dọa của Giê-sa-bên, trước hết để tôi nói rằng tà linh giống như những tên lướt sóng. Tên lướt sóng cần sóng để cưỡi sóng; các tà linh cần lời nói để hùa theo. Chúng ta được bảo, “Mọi vũ khí tạo nên để chống lại ngươi đều thất bại. Mọi lưỡi dấy lên tố cáo ngươi đều sẽ bị bác bỏ. Đó là cơ nghiệp của các tôi tớ của CHÚA và sự xác minh từ Ta mà đến;” CHÚA tuyên bố như vậy.” (Ê-sai 54:17). Hãy để ý là chúng ta phải dẹp im mọi tiếng nói nổi lên nghịch chúng ta. Đây là việc của chúng ta, không phải việc của Chúa. Tại đồng vắng Chúa Giê-su không xin Đức Chúa Trời dẹp im ma quỷ. Chúng ta cũng không làm vậy khi bị tấn công.

Rõ ràng, các lời của Giê-sa-bên mang theo linh hù dọa kinh khủng. Một khi câu nói của bà tới chỗ Ê-li, hãy để ý phản ứng của ông: “Bấy giờ Ê-li sợ hãi. Ông đứng dậy, chạy trốn để cứu mạng.” (1Các Vua 19:3).

Người đàn ông này, đã đối đầu với cả một quốc gia, với các tiên tri giả và với vua chúa, bây giờ đã chạy trốn. Ông đi hết chiều dài của đất nước và suốt một hành trình mất một ngày đường để vào đồng vắng, ngồi xuống dưới một cái cây và cầu nguyện xin được chết.

Chao ôi, có phải cùng một con người không vậy ta? Chuyện gì đang xảy ra? Rõ ràng ông quá bối rối, bị trầm cảm, đâm ra thất vọng và đánh mất khải tượng. Đây là các triệu chứng của linh sợ hãi. Thực tế đáng buồn là phần lớn nhiều người chỉ xử lý các triệu chứng thay vì xử lý tà linh đằng sau chúng.

Do không biết, tôi cũng đã chiến đấu với các triệu chứng này nhiều năm trước cái buổi chiều mà Chúa đã phơi bày cách thức của tà linh gian ác này tấn công. Tôi đã kiềm hãm ân tứ của mình và không hề biết lý do tại sao.

Ê-li đã bỏ cuộc, vì thế Chúa cho phép vị tiên tri chán nản đi suốt một chặng đường. Một thiên sứ đã hiện ra với ông và cho ông thức ăn cho chuyến đi dài bốn mươi ngày tới núi Si-nai. Khi tới nơi, điều đầu tiên Chúa hỏi ông là, “Ê-li, con làm gì ở đây?” (1 Các Vua 19:9).

Gì vậy? Chờ đã! Chúa bảo thiên sứ cho ông thức ăn cho chuyến đi, nên Êli mới đi suốt một chặng đường. Nhưng vừa đến nơi, Chúa lại hỏi sao ông lại ở đó. Có phải Chúa nhớ lộn không?

Không, đây là điều mà chúng ta phải nhận ra. Nếu chúng ta bị nỗi sợ áp đảo, thường thì Chúa sẽ đưa chúng ta tới một nơi trung lập để giúp chúng ta vì Ngài yêu chúng ta. Tôi không biết về những gì đã xảy ra trong các buổi nhóm nói trên, nhưng tôi không tin là Ê-li cũng không biết. Ông biết cách đối đầu với sự chống đối một cách can đảm, nhưng ông lại sợ hãi mụ hoàng hậu.

Câu hỏi thật sự bây giờ sẽ làm: Đằng sau câu hỏi của Chúa là điều gì? Chúa hỏi tại sao Ê-li không đối đầu với hoàng hậu, vì bà ta là người cầm đầu làm mọi chuyện tội ác. Bà ta cần phải được chặn đứng nhưng trái lại Ê-li lạy chạy trốn khỏi bà.

Thay vì phản ứng với thắc mắc đằng sau câu hỏi đó, Ê-li thay đổi chủ đề, than phiền ông là người duy nhất còn lại thật sự phục vụ Chúa. Đó là câu chuyện ướt át kinh điển:

“Con rất nhiệt thành về CHÚA, là Đức Chúa Trời Vạn Quân; vì dân Y-sơ-ra-ên đã lìa bỏ giao ước Ngài, phá đổ các bàn thờ Ngài, dùng gươm giết hại các tiên tri Ngài. Chỉ còn một mình con còn sót lại, mà bây giờ họ đang lùng bắt để lấy mạng con.” (1Các Vua 19:10)

Đức Chúa Trời hoàn toàn bỏ lơ câu trả lời này và hỏi câu tương tự một lần nữa: “Con đang làm gì ở đây hả Ê-li?” (1Các Vua 19:13). Và một lần nữa, Ê-li lại kể câu chuyện thảm thiết giống hệt (xem câu 14). Ông đã bỏ cuộc và không muốn xử lý tội ác phía sau kẻ gian ác.

Đức Chúa Trời một lần nữa bỏ lơ hoàn toàn chuyện “khốn nạn cho con” của ông và Ngài đưa ra một mạng lệnh sốc nhất:

Hãy đi, hãy trở lại con đường ngươi đã đi, mà đến vùng đồng hoang Đa-mách. Khi đến nơi, ngươi hãy xức dầu cho Ha-xa-ên làm vua A-ram. Ngươi cũng hãy xức dầu cho Giê-hu, con trai Nim-si, làm vua Y-sơ-ra-ên; và ngươi cũng hãy xức dầu cho Ê-li-sê, con trai Sa-phát, ở A-bên Mê-hô-la, làm tiên tri thế cho ngươi. (1 Các Vua 19:15-16)

Bạn có để ý những lời cuối cùng không, “làm tiên tri thế ngươi”? Đức Chúa Trời đã thay thế Ê-li vì ông đã đầu hàng sợ hãi và để nó khuất phục ông. Nếu bạn tiếp tục đọc sách 2Các Vua, bạn sẽ thấy Ê-li dành phần lớn thời gian trong bốn năm tiếp theo huấn luyện người thay thế ông. Ngoài ra còn có những tin tức còn sốc hơn: Ông đã không xức dầu cho Ha-xa-ên và Giê-hu. Người thay thế ông, Ê-li-sê, đã phải làm việc này.

Ê-li-sê không sợ hãi trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ông can đảm và không chùn bước trước bất cứ sự gian ác nào. Chúa nói về ông, “…ai thoát khỏi gươm của Giê-hu, Ê-li-sê sẽ giết.” (1 Các Vua 19:17). Giữa Giê-hu và Ê-li-sê, triều đại gian ác của A-háp và Giê-sa-bên đã bị lật đổ. Tôi tin rằng ban đầu đây là nhiệm vụ Ê-li phải thực hiện, nhưng vì sợ hãi nên định mệnh đã được thay đổi.

Chúng ta thừa nhận rằng Ê-li, không giống tên đầy tớ lười biếng, biết bản tính của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, cuộc chiến của ông cho thấy rõ điều mà nỗi sợ hãi và nhút nhát có thể gây ra cho ân tứ và ơn gọi của chúng ta.

Điều quan trọng nhất là hãy quyết tâm không chùn bước khi đối diện với sợ hãi và nhút nhát. Chúa sẽ hỗ trợ chúng ta khi chúng ta chống lại thế lực này. Nó có thể đánh bại được, nhưng chúng ta phải tấn công trực tiếp bằng Lời Đức Chúa Trời và các lời hứa của Ngài.

Tôi xin lặp lại: Đức Chúa Trời ở về phía bạn. Ngài tin vào bạn. Ngài muốn bạn tiến triển trong các ân tứ Ngài đã đặt trong cuộc đời bạn. Đừng thối lui. Đừng để bất cứ ai hay bất cứ điều gì ngăn bạn sống theo sứ mạng và định mệnh của bạn.